Sự nguy hiểm của chủ nghĩa "tích cực" ?
Là nó phân loại cảm xúc ra tích cực và tiêu cực, sai và đúng, trắng và đen. Thế thì nó nguy hiểm như thế nào? Source: https://medium.com/@teamcodesign/the-emotional-side-of-ux-design-1b15edb5ee1b...
Là nó phân loại cảm xúc ra tích cực và tiêu cực, sai và đúng, trắng và đen. Thế thì nó nguy hiểm như thế nào?
Trong bài viết này, mình nêu ra suy nghĩ và trải nghiệm của mình về chủ nghĩa "tích cực" - khuyến khích những cảm xúc "tích cực" bằng việc chèn ép những cảm xúc tiêu cực, coi việc "tích cực" và "tiêu cực" là hai mảng đối chọi với nhau.
Những người theo chủ nghĩa "tích cực giả tạo" thường hay khuyến khích bản thân mình và những người xung quanh: "vui lên đi! buồn làm gì!", "tích cực lên, m tiêu cực quá đấy", "khóc là yếu đuối, ẻo lả". Mình gọi là "tích cực giả tạo" vì đây là sự "tích cực" một cách thái quá, che lấp đi những cảm xúc "tiêu cực" nhưng là cảm xúc thực sự của chính mình, không để cho bản thân bộc lộ một cách tự nhiên những xáo trộn bên trong.
Sự nguy hiểm mà chủ nghĩa "tích cực" giả tạo này gây ra - là nó làm bạn mất đi kết nối thực sự với bản thân mình - con người vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối, biết vui buồn, biết đau đớn. Và nguy hiểm hơn, nó tạo cho bạn thói quen "chạy trốn" khỏi chính bản thân bạn - những đau khổ, nỗi buồn, vết thương lòng bên trong - bằng vẻ mạnh mẽ, tích cực giả tạo mà bạn tạo ra cho thế giới bên ngoài thấy. Khi bạn không còn kết nối với bản thân mình, thì dù bạn có tạo ra hàng ngàn bộ mặt nạ vui vẻ, đi chơi khắp nơi, có cuộc sống đầy ánh sáng trên MXH, thì bên trong bạn vẫn luôn tồn tại một lỗ hổng - một lỗ hổng sâu sắc mà bạn dù dùng hàng ngàn viên thuốc "tích cực" cũng không thể chữa lành. Bởi vậy, không ít người vốn luôn được nhớ đến với vẻ tươi cười, tích cực yêu đời, bỗng một ngày tự tử - mà không ai hiểu được lý do tại sao. Có thể, bên trong mặt nạ tươi cười ấy là một tâm hồn trống rỗng, đau đớn - đau mà không biết tại sao đau, vật vã dù cố gắng cười cho qua tất cả. Nhưng sau cùng, vẫn là một khoảng trống.
Bởi vậy, để có thể bắt đầu chữa lành - bạn cần nhận thức được là mình cần được "chữa". Để nhận thức là mình cần được "chữa", bạn cần chấp nhận mọi cảm xúc của mình - tích cực và tiêu cực - và nhận thức được rằng, không có cảm xúc nào là sai cả.
Không có cảm xúc nào là sai cả.
Mình cũng từng có tư duy phân biệt cảm xúc "tích cực" và "tiêu cực", là mình luôn phải mạnh mẽ lên, không được yếu đuối - không được khóc, chán nản, cần luôn vui vẻ, tích cực - luôn phải làm đúng, không được làm sai. Mình cũng gặp rất nhiều bạn có thái độ sống "YOLO", "not so serious", cứ vui vẻ lên đi - nhưng bên trong các bạn ấy là vô số nỗi sợ, nỗi lo, đau đớn, sự tự ti, hoang mang - mà các bạn cố gắng chạy trốn bằng vẻ ngoài cool ngầu, bất cần đời.
Và mình tự hỏi: "Mình tỏ ra mạnh mẽ cho ai xem? Ai đang là người phán xét mình cần phải vui vẻ, không u sầu? Ai là người chỉ trích mình không được khóc?"
Và mình nhận ra - kẻ phán xét những cảm xúc của mình - không ai khác là "cái Tôi xã hội" (social Ego) - nỗi sợ bị phán xét, bị bỏ rơi.
Khi mình tự nhận định bản thân mình qua con mắt của "cái Tôi xã hội", mình sống theo định kiến của người khác, đánh giá bản thân qua mắt nhìn của người khác, luôn chạy theo những "thang điểm" định kiến của người xung quanh. Và mình quên mất mình là ai, không còn gắn kết sâu sắc với cảm xúc thực sự của mình. Mình không nhận ra rằng: Cảm xúc là tiếng nói từ con tim - và con tim là cánh cửa dẫn lối đến tâm hồn. Khi một người không còn nghe được tiếng nói từ linh hồn mình - đấy là khi "tâm hồn rỗng không".
Nhưng tâm hồn chẳng bao giờ "rỗng không" - đấy là bạn mất đi kết nối với tiếng nói từ linh hồn mình - bằng cách "try hard" - cố quá thành "quá cố" - để "tích cực lên".
Vậy, làm sao để gắn kết với tiếng nói thực sự từ linh hồn mình?
Bước đầu tiên và cần thiết nhất - là giải phóng những phán xét, những "label" (nhãn dán) đối với cảm xúc của bạn.
Từ bỏ khái niệm: "cảm xúc tích cực" hay "tiêu cực". Thay vào đó, hãy dành thời gian một mình - chỉ một mình bạn thôi - để giải phóng tất cả những suy nghĩ, cảm xúc bạn dồn nén bên trong ra bên ngoài. Bạn có thể viết ra giấy những cảm xúc dồn nén bên trong (journal) - đây là một cách rất rất hiệu quả để bạn gắn kết sâu sắc hơn với cảm xúc mình, con người chân thật của mình.
Ở một mình là điều rất quan trọng để bạn gắn kết sâu sắc với bản thân, thấu hiểu bản thân. Nếu những cảm xúc bên trong bạn là quá sức mãnh liệt để bạn có thể chịu đựng một mình - hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ một người bạn thân thiết thấu hiểu bạn, hoặc từ chuyên viên tâm lý. Nếu bạn không có một tri kỷ thấu hiểu, thì mình gợi ý bạn có thể tạo ra một người bạn "tưởng tượng". Nghe có vẻ tự kỷ, nhưng việc phân bản thân ra làm "hai người" khác nhau sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc giải toả cảm xúc bản thân mà không lo sợ việc bị phán xét.
Rồi một ngày, bạn sẽ nhận ra, những cảm xúc tích cực hay tiêu cực chẳng hề đối chọi nhau. Chúng là hai mảng bên trong con người bạn - như đen với trắng. Màu trắng sẽ chẳng còn nổi bật nếu thiếu đi sắc đen; cũng như ánh sáng chẳng còn ý nghĩa gì khi không có bóng đêm tồn tại.
Vậy nên hãy từ bỏ việc phải "luôn tươi cười", cố gắng tích cực, và cho rằng cảm xúc "tiêu cực" là sai trái nhé. Bạn cần đi qua bóng tối thì mới tìm thấy ý nghĩa của ánh sáng - nên hãy để những cảm xúc, nỗi đau bên trong bạn được tuôn ra thay vì kìm nén nó.
Vì sau cùng, hạnh phúc đích thực không phải là "luôn tích cực" - mà được sống là chính mình - một con người biết vui, buồn, hạnh phúc, đau đớn. Không còn phải chạy trốn khỏi chính mình, mà chấp nhận bản thân như con người mình giây phút này - còn điều gì "tự do" hơn? Khi bạn chấp nhận bản thân mình, cảm xúc của mình đúng như chính nó - không chút phán xét đúng sai - bạn đang bắt đầu bước đi trên hành trình giải phóng chính mình, trở về với linh hồn mình. Và đó là con đường mang đến hạnh phúc đích thực.
What you resist, persists;What you accept, transforms.Những gì bạn chống chọi, luôn tồn tại;Những gì bạn chấp nhận, tự biến hoá.
Muốn thay đổi bản thân, trước hết hãy chấp nhận bản thân đúng như hiện tại, dừng phán xét mọi cảm xúc bạn trải qua, và yêu thương bản thân bất kể, bạn nhé. Không có cảm xúc tích cực hay tiêu cực - chỉ có bạn đang trải nghiệm cuộc sống ngay giây phút này thôi.
Chúc bạn bình yên ngay giây phút này!
---
Ghé thăm Blog nhỏ của mình nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển bản thân, Tâm linh, Tâm lý học nhé: https://mysticcatlady.wordpress.com
Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất