Tâm lý học tích cực ra đời vào năm 1998 như một lời chất vấn cho ngành tâm lý đương thời vốn chỉ tập trung vào những thứ tiêu cực nhất của con người như trầm cảm, lo âu, tâm thần. Trào lưu tâm lý mới này tập trung nghiên cứu những thành tố tạo nên sự hạnh phúc cho con người, từ sự biết ơn, sự kết nối, sự vị tha, sự thấu cảm đến những hiện tượng tâm lý siêu việt hơn như trạng thái dòng chảy và ý thức cao hơn.
Không thể phủ nhận rằng sự ra đời của tâm lý học tích cực đã tóm được cái tinh thần thời đại. Nhu cầu về một ngành khoa học có thể cải thiện sự tốt lành của cuộc sống, trong bối cảnh cuộc sống ngày càng chìm sâu trong sự "xa lạ" của công nghiệp hoá, là cần thiết và khổng lồ. Tuy nhiên, dường như có một khoảng trống lớn giữa phong trào tâm lý mới này và hiện thực đời sống, làm cho đến giờ cái ý tưởng của Martin Seligman vẫn chưa có được sự công nhận đáng ra nó phải có.
Trong một buổi nói chuyện vào năm 2012, Fred Luskin có đề cập đến nguyên lý "tiền đề để hạnh phúc là thực hành những tiền đề để hạnh phúc"; tức là thực tập việc biết ơn, việc yêu thương, việc vị tha - những thứ dẫn đến hạnh phúc. Một ý tưởng rất Hume, hoặc ít nhất là theo cách Richard C Sha viết về Hume.
"In Hume’s view, habit reduces passion’s agitations, making them manageable" - Richard C Sha
Vị tiến sĩ tâm lý tới từ ĐH Stanford với mái tóc ấn tượng
Mặc dù rất thích mái tóc bồng bềnh và cá tính thú vị của ông, tôi không nghĩ với cách tiếp cận như này, buổi nói chuyện giải quyết được quá nhiều vấn đề.
Cách tiếp cận nghe có vẻ rất nhân văn, rằng có thể nắn cảm xúc con người bằng các thói quen, trao cho cá nhân một cảm giác về sự kiểm soát - thứ được ghi nhận rằng có hiệu ứng tích cực lên cảm giác tốt lành (well-being) của cá nhân. Nhưng tôi nghi ngờ việc cho rằng cảm xúc con người là thứ gì đó có thể kiểm soát được chỉ bằng cách ghi đè thói quen mới lên trên các thói quen cũ.
Có lẽ ai cũng biết yêu thương, quan tâm, và kết nối nhiều hơn sẽ khiến con người ta hạnh phúc hơn. Nhưng phải chăng có một thứ gì đó khiến chúng ta dừng lại khi muốn thực hành những thứ tốt đẹp này?
Đó có thể là một cảm giác rằng mình không xứng với những thứ tốt đẹp này. Một trạng thái không thoải mái, và thôi thúc luôn muốn phá huỷ chúng để quay lại với những thứ tồi tệ trước đây.
Một cô gái có một người bạn trai yêu thương và tôn trọng quyền tự do cũng như sự phát triển của mình hết mực. Nhưng khi càng thân thiết, cô càng cảm thấy một sự kháng cự mạnh mẽ, muốn đẩy xa chàng trai ra xa.
Một ông chú có sự nghiệp thành đạt, vợ con và bạn bè luôn xung quanh. Nhưng cái cảm giác vô vị đang giết chết ông ngày qua ngày; không có lựa chọn nào khác, ông lao đầu vào cờ bạc và nghiện ngập để tìm thấy những cảm xúc mạnh mẽ và thấy mình đang sống.
Hay, một cậu thanh niên cô độc muốn có bạn bè, nhưng mỗi khi tham gia một nhóm, được mọi người chấp nhận và hoà hợp, cậu lại không thể đựng được.
Những điều tốt lành đôi khi mang lại cảm giác không chịu nổi, thứ khiến cá nhân không thể hiểu tại sao và cũng không thể chia sẻ cho ai, cuối cùng phải đạp đổ hết đi và quay lại những thứ tồi tệ, để có thể sống tiếp một cách an tâm hơn.
Đây là những triệu chứng, mà các nhà tâm lý lâm sàng từ lâu đã lý giải theo nhiều cách khác nhau, nhưng với chung một điểm chung là cảm xúc "lo âu". Sự lo âu xuất hiện khi có một sự không hoà hợp - giữa khái-niệm-về-bản-thân và bản-thân-trải-nghiệm-được (Rogers), giữa cái ấy và cái siêu tôi mà cái tôi chưa kịp hoà giải (Freud), giữa trạng thái cân-bằng-nội-môi của hệ thống và xu hướng cá-biệt-hoá-bản-thân (trường phái hệ thống).
Lo âu được các nhà tâm lý học tiến hoá cho là nỗi sợ được ký ức hoá (mà chủ yếu là trong trí nhớ ngầm ẩn), để cá nhân chuẩn bị cho các tình huống có nguy cơ đe doạ trong tương lai. Nỗi sợ là một trong sáu cảm xúc cơ bản của con người, và cũng là loại cảm xúc mạnh mẽ nhất, không có nó cá nhân không thể tồn tại, dù trong xã hội nguyên thuỷ hay trong xã hội hiện đại ngày nay. Như một lẽ tất yếu, lo âu cũng là một loại cảm xúc mạnh mẽ, mang cả tính xây dựng lẫn phá huỷ.
Cơ chế thần kinh của lo âu có liên quan đến hệ thống vách ngăn hồi hải mã (septo-hippocampal system) và vòng Papez (Gray, 1983); đây là hệ thống ức chế hành vi, được kích hoạt khi có dấu hiệu của sự nguy hiểm, bao gồm sự bất nhất giữa thông-tin-tri-giác-được và thông-tin-não-bộ-dự-đoán (Bennett, 2013).
Nếu sự tốt lành được ghép cặp với những kinh nghiệm sang chấn, hay trái ngược lại với niềm tin sẵn có, hoặc đơn giản là không quen với sự tốt lành đó - không dự đoán được tương lai, cảm xúc lo âu sẽ được kích hoạt.
Đó có thể là một người đang rơi vào thời kỳ khủng hoảng của cuộc đời, lúc mà anh ta chỉ tin vào những thứ tiêu cực nhất, thì những thứ tốt lành xảy đến không khớp với niềm tin có thể là nguồn cơn của sự lo âu.
Có thể là một cô gái, sinh ra và lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc, khi tìm được một tình yêu hạnh phúc lại cảm thấy lo âu vì trải nghiệm hiện tại như một thế giới khác cô chưa bao giờ biết đến, không biết sẽ đi về đâu, nên trông đợi và hành xử như thế nào.
Có thể là ông chú sống cả đời với một cái tôi giả, những cái hiện thực ông đang có không khớp với cảm giác rằng ông đang không có gì cho cái tôi thật của mình.
Hay, cậu thanh niên có tiền sử đánh mất chính mình trong các mối quan hệ, sẽ cảm thấy không thoải mái khi hoà hợp với người khác.
Những thói quen, niềm tin, hay vô thức hình thành từ lâu không khớp với những thứ tốt lành hiện có, tạo nên lo âu; vậy vào những lúc này, cá nhân phải làm gì? Ghi đè những thói quen cảm xúc tích cực lên trên những thói quen cảm xúc tiêu cực?
Đó có thể là một cách, tuy nhiên, cũng có thể phản tác dụng trong một số trường hợp, khi sự đè nén dẫn đến sự bật lại mạnh mẽ của những suy nghĩ bị đè nén (Clark et al., 1991), hoặc khi sử dụng những thực hành tâm lý tích cực như một tấm mặt nạ che dấu những vấn đề thực sự, tạo thành một sự tích cực không lành mạnh.
Nỗ lực của tâm lý học tích cực giúp cá nhân hướng tới sự tốt lành và hạnh phúc cũng đôi khi làm cho cá nhân cảm thấy tiêu cực vì đặt ra những tiêu chuẩn tốt lành quá tầm với.
Chưa kể, tâm lý học tích cực - một đại diện của tâm lý Hoa Kỳ - đặt trọng tâm rất nặng vào nghiên cứu định lượng, thiếu vắng một hệ thống lý thuyết sâu sắc như tâm lý học dựa trên triết học lục địa (phân tâm, nhân văn, hiện sinh); nó tạo ra những kết luận không phải là không có ích, nhưng khá là xa cách với cá nhân.
Với tôi, một kết luận như "Các biến dự đoán sự tốt lành (well-being) từ trên xuống: ý thức về giá trị bản thân (self-esteem) cao, tính lạc quan, hiệu quả cá nhân (self-efficacy), cảm giác về ý nghĩa cuộc sống, và các mối quan hệ tích cực với người khác. Những nét nhân cách liên quan đến sự tốt lành (trên thang đo Big-5) là hướng ngoại, dễ chịu, và bất ổn tâm lý thấp" (Compton & Hoffman, 2005, p.55-p.62) không mang đến nhiều ích lợi cho cá nhân. Chúng chắc chỉ có ích với các nhà viết sách, viết báo, và cung cấp dịch vụ tâm lý. Thế nhưng quy trình của làm khoa học nên đi từ hệ thống lý thuyết tới kiểm chứng, chứ không phải ngược lại - vơ lấy một vài nghiên cứu khoa học hợp nhãn và cố viết thành một bài viết nào đó. Làm như vậy chỉ tạo ra một mớ ý kiến chủ quan không nhất quán dưới cái mác của sự khách quan - một mớ hỗn độn và tự mâu thuẫn.
Như Yalom (1980) miêu tả "đi tìm chìa khoá ở phố lớn nơi có nhiều ánh đèn, thay vì ở con hẻm tối tăm nơi đánh rơi", tâm lý học thực chứng còn cần rất nhiều thứ phải làm, và chưa thể chạm tới từng cá nhân chừng nào còn đi đo mức độ hạnh phúc bằng nồng độ serotonin hay số lần cười trong ngày.
Một trường phái khá gần với tâm lý học tích cực, đó là tâm lý nhân văn - thứ mà tôi đánh giá cao hơn hẳn (mặc dù việc tôi đánh giá cao có quan trọng hay không thì chưa biết). Nó có hệ thống lý thuyết về nhân cách rõ ràng, có nền tảng triết học dựa trên hiện tượng học và phong trào triết học hiện sinh, có một định hướng rõ ràng trong cách trị liệu, chuộng nghiên cứu định tính hơn, và không bỏ mặc những mặt tiêu cực trong tâm lý con người.
Tôi không cố tình viết bài viết này để công kích tâm lý học tích cực, nhưng bằng một cách nào đó, bài viết này có vẻ là đang như vậy. Thực ra là tôi chỉ muốn công kích những bài viết lôi một vài nghiên cứu tâm lý học ra mà dạy đời người khác, và trào lưu cuồng quá mức bằng chứng khoa học trong tâm lý. Còn tâm lý học tích cực, tôi không bài trừ đến thế, chỉ là hơi hụt hẫng vì cảm thấy nó làm chưa tới.
Công bằng mà nói tâm lý học tích cực là sự bổ sung tốt cho cá nhân để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, song song với việc khám phá và trân trọng những thứ tiêu cực bên trong mình - điều mang lại hiệu quả chữa lành và tốt lành không thua kém. Thật ra, tôi trân trọng và học được nhiều điều từ những nghiên cứu đi theo xu hướng này, và khá thích cái ông Fred Luskin phía trên.
Để kết bài có lẽ nên viết một câu gì đó có liên quan đến cái tít, vậy thì: Việc cảm thấy lo âu trước những điều tốt lành là một cảm xúc bình thường và cần được hiểu về sự không đồng nhất bên trong; làm lơ và ghi đè lên chúng có lẽ không phải cách hay.
Những người ăn khoai tây - Vincent Van Gogh (hình để có thumbnail)
----Surphi10 (14/11/2020)
Miễn trừ trách nhiệm: Tác giả (tôi) hiện không có bất kỳ thẩm quyền gì trong lĩnh vực của bài viết; bài viết chỉ là quan điểm cá nhân.
Tham khảo
Bennett P. (2013). Abnormal and Clinical Psychology.
Clark, D. M., Ball, S., & Pape, D. (1991). An experimental investigation of thought suppression. Behaviour Research and Therapy, 29(3), 253–257.
Compton W., Hoffman E. (2005). Positive Psychology: The Science of Happiness and Flourishing.
Yalom, I. D. (1980). Existential psychotherapy.