*Warning: có chứa từ vựng nhạy cảm
Tôi sinh ra trong một gia đình rất đỗi bình thường cả về tài chính, gia thế hay năng lực. " Tôi cũng phải nên bình thường như bao đứa trẻ khác? ". Tưởng chừng chỉ là một dòng suy nghĩ vẩn vơ của tôi giữa cái trời tuyết rơi lạnh thấu da ở trời Âu đã khiến tôi trằn trọc tự hỏi, vì từ lúc nào mà cái cuộc đời ch* ch*t của tôi từ lúc nào lại thành như thế này.
Từ cái độ tuổi mới độ hôi sữa, tôi đã nhận ra sự khác biệt nó đáng sợ như thế nào, đặc biệt là ở trong một môi trường đề cao sự đồng bộ, một đặc điểm rất đỗi đặc trưng của văn hóa Á Đông. Cũng như bao đứa trẻ Việt khác ở cái độ tuổi này, trong suy nghĩ của tôi chỉ đơn thuần xoay quanh việc phải đạt được những gì để làm bố mẹ vui lòng về tôi. Vâng, dường như thành tích của tôi hồi đấy chỉ để phục vụ cho nhu cầu thỏa mãn cái bản tính thèm muốn sự chú ý của tôi. Giữa cái khoảng thời gian 4 năm đầu tiên của tiểu học đấy tôi vẫn " bình thường " như bao đứa trẻ khác. Cho đến khi vào một ngày bất chợt vào cái mùa hạ đầy nắng giữa lớp 5, tôi mới nhận ra rằng, bản thân tôi có hứng thú về mặt cảm xúc với một người bạn nam của tôi.
“ Vì lẽ nào mà tôi không được bình thường? “
“ Vì lẽ nào mà tôi không được bình thường? “ |
Ảnh bởi
Robert V. Ruggiero
trên
Unsplash
Yeh yeh như lẽ thông thường tất nhiên tôi phải chối bỏ và che dấu chuyện này chứ, phải không? Làm thế quái nào tôi có thể đi ngược lại những thứ hình ảnh truyền thông đã được ăn sâu gốc rễ vào từng sợi neuron của tôi cơ chứ? Đầu tôi cứ mải loay hoay trong những dòng suy nghĩ đấy cho đến khi tôi lần đầu có được " sự nhận thức xã hội ". Lần đầu tiên trong cuộc đời, suy nghĩ non nớt của tôi lại tưởng tượng đến viễn cảnh bị xã hội chối bỏ thay vì chỉ lo lắng về việc bị phụ huynh mắng hay bạn bè cười chê. Với tôi, việc thích một người đồng giới nó bỗng dưng kinh khủng đến lố bịch. Đơn giản chỉ vì tôi hiểu rằng, tự nhận việc bản thân thích người đồng giới sẽ chấm dứt cái con đường mà hồi nhỏ tôi luôn mường tượng. Cái sự chuyển biến quá nhanh này từ lúc nào đã ăn mòn tâm trí của tôi.
Bắt đầu từ cái độ lên cấp 2, tôi đã tự ngộ ra được việc phải tạo ra một con người khác, một "tôi" thật khác để có thể quên đi "tôi" cũ, một thứ mà nếu để lộ ra thì sẽ đặt dấu chấm cho cái cuộc đời mới bước qua 1 thập kỷ của tôi. Tuy nhiên, sự thiếu kinh nghiệm cộng với việc tiếp xúc với một môi trường đầy tính độc hại đã khiến cái lớp vỏ tôi dựng lên dần bị nứt ra để lộ những gì đặc trưng nhất của bản thân tôi. Tôi dần dà bị tác động bạo lực bởi các bạn trong lớp, bị trêu chọc và bị ngó lơ trong suốt 4 năm trung học cơ sở ấy. Đấy là lần đầu tiên tôi nghĩ đến cái ch*t. Phải, một đứa học sinh cấp 2 rất đỗi " bình thường " tại sao lại muốn chấm dứt cuộc sống của cậu ta ư? Điều này quả thực quá sức nực cười! ", tôi đã từng nghĩ bản thân tôi đáng lẽ ra nên là một phần của cái xã hội xung quanh, một xã hội tôn sùng sự đồng nhất. Nhưng rồi " bản năng sinh tồn " của tôi đã níu giữ tôi lại. Và từ đây, thêm nhiều vỏ bọc mới của tôi đã được tạo ra nhằm vá lại những phần đã rách của lớp vỏ cũ. Nhưng chả hiểu sao cái lúc ấy, tôi lại không nhận ra cái phần lõi bên trong tôi đang xuất hiện những vết nứt.
Chính tôi mắc kẹt với nhân dạng của bản thân…
Chính tôi mắc kẹt với nhân dạng của bản thân… |
Ảnh bởi
Ben Sweet
trên
Unsplash
Có vẻ thời cấp 3 của tôi đã khá khẩm hơn khá nhiều so với những mường tượng của tôi. Những sự chuyển biến về mặt nhận thức bên trong tôi ngày càng rõ rệt bởi trong môi trường xung quanh tôi dần xuất hiện ngày càng nhiều những góc nhìn khách quan hơn và sự đa dạng identity cũng lớn hơn. Có thể nói thời phổ thông tôi như đang được sống trong 1 xã hội thu nhỏ với đủ kiểu loại người. Tuy tích cực về mặt nào đó nhưng để đánh đổi lại sự phát triển về mặt nhận thức, tôi hy sinh sức khỏe tâm lý của mình. " Môi trường sinh ra là để thích nghi ", dần dà tôi càng nhận ra sự phức tạp trong nội tâm của chính mình và những người xung quanh. Dường như đã có rất nhiều phiên bản của tôi được tạo ra cho từng người mà tôi quen chỉ để tôi có thể mở rộng cái thứ gọi là "Vòng tròn xã hội". Từng sắc thái cảm xúc được luân phiên đóng vai trò chính trong suy nghĩ của tôi, từ lạc quan đến bi quan, khiến tôi dần quên mất bản thân mình thực sự là ai.
Tôi đã đánh mất thứ gì đấy chỉ vì để hòa mình vào đám đông.
Sau cùng, trải qua gần 2 thập kỷ tồn tại trên quả địa cầu này, cùng với bao sự chuyển biến lớn của một thằng nhóc thiếu niên , càng ngày tôi càng hiểu được tại sao sự khác biệt lại bị bài trừ đến thế.
It is not our difference that divides us. It is our inability to recognize, accept and celebrate those differences."
Audre Lorde
Xã hội loài người hiện đang phát triển quá nhanh, những thứ bị đả kích ghê gớm hơn chục năm trước trở thành bình thường, thứ chỉ có trong tưởng tượng đã trở thành hiện thực, Thế nhưng nhiều người vẫn còn sống bằng tư duy rất cũ. Điều đó cũng không quan trọng, quan trọng là họ bắt người khác phải sống như họ. Bạn tôi đã từng thủ thỉ với tôi rằng: "Xã hội tiến hóa được là nhờ vào sự ưu tú của 1% xã hội, còn 99% còn lại chỉ đang cố bắt kịp theo những sự thay đổi đấy."
Một trong những nỗi sợ lớn nhất của loài người là sợ những điều họ không hiểu. Với con người chính cái việc không hiểu một thứ gì đấy đã trở thành bóng ma tâm lý trong suy nghĩ của họ. Chính nỗi sợ này khiến người ta không dám thể hiện mình khác biệt với người khác, trong khi hiển nhiên thực tế là mọi cá thể sinh ra đều có những đặc điểm riêng biệt. Chính nỗi sợ này khiến họ cứ chạy theo việc hình thành nên những cộng đồng có những sự liên kết về mặt nào đấy, nhằm tạo nên một chốn an toàn giả tạm, nơi mà họ thà gò bó bản thân vào những thứ " social norms ", chen chúc vào trong những khuôn mẫu có sẵn còn hơn đối mặt với nỗi sợ sự khác biệt, sợ điều họ không hiểu, không biết kia.
Social norms hay chỉ đơn giản là ngục tù tinh thần?
Social norms hay chỉ đơn giản là ngục tù tinh thần? |
Ảnh bởi
Majestic Lukas
trên
Unsplash
Cả người công kích và bị công kích đều cùng chung một nỗi sợ.
Bao nhiêu năm đã trôi qua, dù đã biết bao nhiêu thứ đổi thay, từ việc công kích người đồng tính cho đến trào lưu ăn mặc, người ta vẫn luôn công kích sự khác biệt và chỉ cảm thấy an toàn khi ở trong đám đông giống mình. Từ đây dấy lên một câu hỏi về xu hướng toàn cầu hóa hiện nay. " Liệu toàn cầu hóa có đang khiến chúng ta đánh mất đi bản sắc riêng của dân tộc hay văn hóa?". Ngẫm lại, tôi vẫn thấy bản chất những suy nghĩ này chỉ là một phiên bản trông có vẻ là văn minh hơn của sự thù ghét sự khác biệt. Họ vẫn sợ thay đổi, sợ những thứ văn hóa ngoài luồng kia. Sâu thẳm bên trong họ sự thay đổi chẳng khác gì đang ném bản thân vào trong vách núi cùng với vô vàn cái xác vô hồn y hệt nhau đang chờ bị phân hủy. Vậy vấn đề thực hư như thế nào? Tôi cũng không rõ.
Vấn đề ngày càng mang tính vĩ mô khiến tôi thực sự đau đầu, nhưng tôi tin nó chưa kết thúc ở đấy. Đây chỉ là một vài dòng vu vơ của một cậu thanh niên 20 tuổi còn thiếu kiến thức. Và cũng chỉ đơn thuần bộc phát sau khi trải qua 6 năm thích thầm 1 người con trai khác. Thật mong sắp tới tôi có thể cung cấp một cái nhìn chính xác hơn về vấn đề này.
Kính chúc độc giả một ngày tốt lành!
Nguyên Trần