Sự dối trá của thời Khai Sáng
Thời Kỳ Khai Sáng là một trào lưu tư tưởng đi theo sau cuộc cách mạng khoa học thời Phục Hưng, nó gắn liền với những sự kiện chính...
Bài viết này chứa đụng những ý tưởng từ một video nói về sự trá nguỵ của nền Khai Sáng và cả ý tưởng của tôi. Tôi xin trích dẫn video ở đây:
Đồng thời, các bạn có thể tham khảo video dịch ở đây:
Giờ thì mời các bạn đọc bài viết!
Thời Khai Sáng
Thời Kỳ Khai Sáng là một trào lưu tư tưởng đi theo sau cuộc cách mạng khoa học thời Phục Hưng, nó gắn liền với những sự kiện chính trị lớn lao đối với lịch sử nhân loại. Luồng tư tưởng Khai Sáng diễn ra sôi nổi chủ yếu vào thế kỉ XVII và XVIII. Hệ tư tưởng và cái tinh thần chủ chốt của nó là hướng về tự do, phá bỏ những chuẩn mực cũ, chính vì thế mà nó đã hình thành nên nền móng vững chắc cho triết luận tự do của đa số phe phái có thiên hướng ủng hộ tự do hay còn gọi là Liberals.
Nền Khai Sáng đề cao sự khoan dung và bác ái, xem bản chất con người là vốn dĩ tốt đẹp (Rousseau), đề cao tự do cá nhân (Mill), phân lập nhà nước với tôn giáo. Có thể kể ra rất nhiều cái tên lẫy lừng của thời đại theo từng lĩnh vực. Về triết học có thể kể đến trường phái duy nghiệm của John Locke, David Hume, George Berkeley hay duy tâm siêu nghiệm với đại diện của nó là Immanuel Kant. Những cái tên đóng góp cho chính trị học thời Khai Sáng là Rousseau, Hobbes, Montesquieu, Tocqueville hay các vị cha lập quốc như Franklin và Paine.
Nhưng ở phần này ta chỉ bàn về bản chất của một số triết học của nền Khai Sáng. Lưu ý là ở đây ta không phủ bác toàn bộ nền Khai Sáng, dẫu vẫn có thể đúc kết những ý hay từ nó nhưng nhìn chung thì tư tưởng Khai Sáng để lại nhiều hệ lụy khôn lường.
Hệ thống triết thuyết của Khai Sáng đã giữ một vị thế không thể lay chuyển đối với nền tư tưởng phương Tây kể từ thời cận đại hậu Phục Hưng. Một người theo khuynh hướng tự do có thể thừa nhận rằng các giá trị của nó đã tồn tại vượt thời gian và chính vì thế nó là hằng hữu và bất biến.
Sau tất cả, phương Tây vẫn giàu có tột bực, tiên tiến và an toàn như nó đã từng là như vậy. Nhưng nếu nhìn lại phía sau bức màn đầy hào nhoáng ấy, đằng sau sự thịnh vượng và tiến bộ về công nghệ thì dễ dàng nhận thấy sự bệnh hoạn và biến chất về văn hóa và xã hội của nó. Đúng thế, văn hóa Tây phương từ lâu đã bộc lộ sự biến thái về mặt tư tưởng và sự suy đồi về đạo đức.
Dễ dàng thấy đủ thứ văn hóa bệnh hoạn của phe cấp tiến tự do từ những suy thoái về đạo đức tình dục cho đến lối sóng phóng túng . Chính nó đang ngấm ngầm đe dọa chỗ đứng của phương Tây mà thế chỗ cho nó là hệ tư tưởng cực đoan của Hồi Giáo và các phe cánh cực đoan, bởi vì nó đang khiếp nhược trước sự hung bạo của các phần tử cực đoan Hồi Giáo và một số thành phần cực đoan bảo thủ khác. Trước hết ta hãy suy xét về nền tảng siêu hình của nền Khai Sáng đối với xã hội, nơi mà vấn đề nảy sinh.
Bởi lẽ các khái niệm về cá nhân, nhà nước, xã hội phát khởi từ thời Khai Sáng được sử dụng khá rộng rãi nhằm hợp pháp hóa cấu trúc quyền lực của các thiết chế chính quyền. Có thể nhận thấy những thiết chế vinh danh nhân quyền, tự do và bình đẳng nhằm lấy cái khăn gắn mác tự do che mắt dân chúng để tự do hãm hại từng chút từng chút một các giá trị truyền thống tốt đẹp. Như sự tự do mơ hồ của phe cánh chính trị đã lợi dụng điểm đó để lan truyền thứ bệnh dịch thổ tả.
Quay trở lại với vấn đề nền tảng, nếu nhìn vào sự sụp đổ của các hệ giá trị truyền thống phương Tây, e rằng chúng ta chính là những câu hỏi cần được giải đáp, chúng ta ở đây là con người, những người đã tạo ra điều đó. Các quan điểm ngây thơ và nghèo nàn của một số triết gia Khai Sáng đã không thể giải đáp các vấn đề cấp bách hiện nay vì vốn dĩ trong tư tưởng nòng cốt của họ đã phải thoái lui trước thực trạng xã hội.
Đó là lí do tôi tin vào một sự phê phán cần có đối với thời Khai Sáng cũng như tôi không hề tin vào lời mị dân rằng Khai Sáng đã dẫn dắt văn minh đi lên. Nên tôi xem nó là một lời dối trá.
Luận điểm của nền Khai Sáng về bản chất con người
Phần đầu, ta sẽ khảo cứu kỹ lưỡng câu hỏi xoay quanh vấn đề bản chất con người. Ý niệm về lí tính và trí tuệ con người, tức là với lý tính và trí tuệ tự bản chất, con người hoàn toàn có thể tiến hóa về mặt đạo đức, một loài vật đầy đức hạnh. Ý tưởng này xuất hiện vào khoảng thế kỉ 18. Chỉ cần xem qua Voltaire hoặc Rousseau, có thể thấy họ như bị đánh thức bởi sự hiển linh không phải của thánh thần, mà là của bóng ma thế tục từ chủ nghĩa tự do. Họ, triết gia Khai Sáng, tâm điểm là Rousseau đã có cái nhìn quá ngây thơ về con người, ông nghĩ rằng ta có thể cải thiện bản chất loài người. Đây thực sự là một sai lầm cơ bản của nền Khai Sáng, là căn nguyên của nhiều nhận thức sai lầm. Nghĩ rằng ta đã được Khai Sáng hay về cơ bản ta đã tiến xa ra khỏi bản chất con người, không còn là loài cầm thú nữa, vươn lên đến một trạng thái đạo đức cao hơn là suy nghĩ cốt yếu của Khai Sáng. Cốt truyện tự dàn dựng của thời Khai Sáng là nó nghĩ rằng mình là cứu cánh cho nhân loại khỏi thời kỳ Đen Tối của chế độ phong kiến và chủ nghĩa giáo điều của hệ thống kinh viện. Ta đang bước đi trên con đường của ánh sáng hướng về tự do và bình đẳng. Chủ nghĩa tiến bộ [Progressivism] cũng dựa trên điều này. Tư tưởng Khai Sáng cho rằng bản chất của con người là tốt đẹp nhưng vì thiếu lý tính và giáo dục mà trở nên như thế. Điều này thực xuẩn ngốc, ngây thơ và quá nguy hiểm.
Nhưng để phản bác lại sự phủ quyết này, một người theo chủ nghĩa tự do [liberalism] có thể đáp lại rằng hãy nhìn vào thời kỳ đen tối, nơi con người ta cướp bóc và giết hại lẫn nhau, chẳng phải ta đã tiến bộ hơn sao?
Đúng, rất đúng khi nói rằng ta đã tiến bộ vượt trội hơn hồi trước nhưng đó là nhờ vào công nghệ và khoa học chứ không phải ta đã tiến bộ thật sự về luân lý và đạo đức.
Con người luôn là tạo vật của tự nhiên (ý nói ta cũng là sinh vật) tựa như những sinh thể khác tồn tại và mục đích tiên quyết trong cuộc sống là tồn tại được và tạo ra thế hệ kế tiếp.
Sinh tồn khó khăn ra sao sẽ quyết định cách thức ta sinh tồn và kiếm kế sinh nhai. Sự thực là chủ đích của nền văn minh là đảm bảo việc sinh tồn dễ dàng hơn khi con người ta liên kết lại với nhau. Sống trong cộng đồng luôn tốt hơn là cô lập và tự lực cánh sinh. Vả lại an cư luôn dễ dàng hơn là du mục.
Vào thời Trung Cổ, quá đỗi bình thường để một vương quốc đi xâm lăng và cướp phá, giết chóc. Lý do họ làm điều đó không phải là chưa được dạy dỗ hay đọc sách các triết gia Khai Sáng, duy trì thể chế dân chủ hay quân chủ. Thực ra họ làm vậy chỉ để sinh tồn và việc đó rất đỗi khó khăn. Giữ vững một vương quốc là điều cần thiết để sinh tồn, kể cả cho vua chúa hay dân chúng. Họ phải thực thi sự tàn bạo đó hoặc là tự mình bị tiêu diệt ngược lại, một thế lưỡng nan: giết hay bị giết.
Ở đây, tôi không biện minh cho chiến tranh hay bạo lực mà là ta phải hiểu được vì sao nó lại như thế. Ta có thể nhìn vào quá khứ và chê trách họ là quân man rợ. Vào thời hiện đại, ta không còn thực sự hình dung được cuộc sống khi ấy ra sao. Cũng đáng mừng là ta không còn phải ra ngoài và lấy đi mạng sống kẻ khác để sinh tồn nữa, ta đã có nhiều cách thức sinh tồn hòa bình hơn và đôi bên đều có lợi. Nhưng nghĩ rằng con người về bản chất đã thay đổi thì khá nguy hiểm, tự bao giờ thì bản chất của ta vẫn là như thế, tiếc là ta không nhận ra. Nhiều người đã dùng lý luận Khai Sáng để đổ lỗi cho phương Tây về hầu hết tội ác trong lịch sử. Họ nghĩ rằng ta bạo lực vì thiếu giáo dục và nếu ta áp dụng chủ nghĩa tự do, mọi vấn đề được giải quyết.
Lý lẽ của Khai Sáng ám chỉ rằng do thiếu vắng đạo đức dẫn đến bạo lực chứ không phải là do hoàn cảnh sống. Cũng đồng ý rằng đạo đức có giúp con người sống tốt hơn nhưng là trong những hoàn cảnh nhất định, không quá ngặt nghèo, có thể thấy khi xưa, người có học thức vẫn hành xử phải lẽ hơn người ít học trong hoàn cảnh hòa bình nhưng đương sự túng quẫn thì ai cũng như nhau cả. Lý lẽ về thiếu vắng đạo đức đã quy những cái ác cho những thứ như thực dân, nô lệ và Thập Tự Chinh và coi phương Tây là vô luân. Và rằng những điều này là phân biệt chủng tộc, da trắng thượng đẳng hay cuồng tôn giáo nhưng sự thực không phải vậy, sinh tồn bản thân nó không loại trừ bất kỳ một ai, họ có thể tấn công bất cứ một ai. Chỉ đơn giản là phiến diện khi chỉ nhìn vào sự áp bức với một thiểu số nhất định, điều này đã vướng phải chính trị bản sắc [identity politics].
Thực tế là muốn duy trì một nền văn minh, nó yêu cầu những thứ như phân tầng xã hội, nghĩa vụ xã hội, chuẩn mực xã hội, nền sản xuất và chủ nghĩa vị chủng, kể cả tín ngưỡng cũng là cần thiết. Những điều đó đôi khi phải dùng đến lưỡi kiếm để đảm bảo. Nếu không có những điều kiện đó, một cộng đồng sẽ ngay tức khắc sụp đổ hay trở nên hỗn loạn hay là bị các đế chế khác thống lĩnh. Ngày nay, những tri thức tự do sẽ nhận vơ tiến bộ là do những cải cách thể chế của mình nhưng nền văn minh không vận hành theo cách đó. Ta thường nói rằng không nên áp đặt nền luân lí của hiện tại vào chuẩn mực cũ. Hãy nhớ rằng việc phế bỏ đi một số "luật lệ" [nomos] cũ để nhường đường cho tiến bố là việc tốt nhưng việc phá bỏ hết lại là một vấn đề đe doạ đến sự ổn định của xã hội, đó là phương pháp làm một cách chủ toàn [holistic] với tham vọng kiến tạo xã hội từ trên xuống nhưng cách ta nên làm là hẳn phải chậm mà chắc, từng phần và phân mảnh.
Hãy coi sự thất bại của Cách Mạng Pháp là một điển hình.
Có một sai lầm là ta tiến hóa về đạo đức nhưng không, đó là tiến hóa về mặt công nghệ kĩ thuật. Khoa học công nghệ đã trở thành một phương tiện sinh tồn hữu hiệu của con người để khai phá nhiều vùng đất mới, khai thác được nhiều tài nguyên hơn. Giả sử bạn lấy ra vài trăm con người hiện đại có đầy đủ học thức và đưa họ ra chuồng gà, ý là đưa ra đảo, chẳng có tài nguyên gì nhiều cả. Và kết quả chắc chắn, cũng không cần thực nghiệm nữa, rằng họ sẽ đấu đá lẫn nhau để được tồn tại. Ngay cả trong đời sống hằng ngày, ta cũng cãi vã với nhau để giành lấy phần hơn, điều này không xấu cũng không tốt, đó chỉ là bản tính vị kỷ của con người thôi, điều tốt nhất ta là được là hạn chế nó, đi tìm giải pháp khác, và khiến cho nó khoan dung hơn, đây là chỗ mà ta hơn loài vật rất, rất nhiều. Ở nơi hoang đảo, đạo đức chẳng còn nghĩa lí gì nữa và giá trị tự do mất hết. Chẳng cần phải nói rằng điều này không chỉ có ở Tây, mà còn có ở Ta và khắp nơi trên thế giới.
Hãy nhìn vào lịch sử Phi, Á và Trung Đông, bạo lực vẫn hiện hữu. Ở phương Tây và các vùng văn minh như Đông Á vẫn xuất hiện bạo lực nhưng nó ở mức độ ít hơn vì ở nơi đó có văn minh và văn hóa, hơn hẳn những nơi man rợ đầy rẫy bạo lực, nô dịch và diệt chủng. Ở Tây phương, con người ta còn hối lỗi và ăn năn được.
Điều thứ hai, về sự tiến hóa đạo đức, một góc nhìn ngây thơ và nguy hiểm. Quan điểm này đối lập với Cơ Đốc giáo cho rằng con người sinh ra đầy tội lỗi và có khả năng thực thi điều ác. Chính Cơ Đốc giáo nhận thức được bản chất tàn nhẫn của con người và vì thế nó đã kiềm chế được bản chất của con người. Hơn nữa, nền luân lí tôn giáo nhận thức rằng con người không thể nào trở nên một thực thể toàn hảo. Nếu chúng ta không được mặc khải của Thiên Chúa và không tri nhận được sự thánh thiện của Chúa, khi ấy ta sẽ rơi vào vòng quay phi luân và cõi hỗn mang của những điều tà ác tự bản chất.
Thời Khai Sáng tin rằng chỉ cần được giáo dục là ý thức được về hệ giá trị tự do, ta chẳng cần chuẩn mực xã hội, luân lí tôn giáo hay giai cấp nữa. Đồng ý là xóa bỏ một số tục lệ đã mòn cũ thì ổn nhưng vứt bỏ hết thì lại không. Khai Sáng coi những giáo điều và chuẩn mực là phương tiện độc đoán để kiểm soát con người. Cũng có phần đúng nhưng loại bỏ hết thì là ngu xuẩn. Họ cho rằng mình đã thủ tiêu những gì cổ hủ bằng lí tính và khoa học. Nhưng ngược lại, sự thiếu vắng trật tự, luân thường đạo lý sẽ khiến ta lạc lối, băng hoại nền văn minh. Những kẻ tin tưởng mù quáng vào tự do cho rằng những người theo truyền thống và bảo thủ là sợ hãi với tiến bộ và cho rằng những kẻ kia là duy tâm. Nhưng thực sự không phải, nhiều người theo thiên hướng bảo thủ (tức là bảo vệ truyền thống tốt đẹp) vẫn ủng hộ khoa học và thứ họ chống là chủ nghĩa cấp tiến với những điều mới mẻ nhưng tệ hại. Phe cánh tiến bộ tin rằng đa văn hóa là một ý hay, có lẽ họ chưa nhìn vào sự tàn khốc của Ấn Độ sau thời thuộc địa, Nam Tư sau cái chết của Tito, diệt chủng Rwanda (nơi chỉ 2 dân tộc đối chọi), Đế Chế Ottoman và vô vàn hoàn cảnh lịch sử khác. Dân trí thức Khai Sáng cho rằng tất thảy mọi người đã được khai sáng, không cần vị chủng nữa, chỉ cần giáo dục đúng đắn và đổ lỗi thất bại cho những người phân biệt chủng tộc chống lại đa văn hóa.
Về phần này, tôi cho rằng đa văn hóa là sản phẩm lỗi và là nồi cám heo văn hóa. Giao lưu văn hóa thì tốt hơn và các văn hóa nên được tách biệt riêng rẽ và thêm vào đó là đôi chút giao thoa là đủ.
Về chủng tộc, chúng ta không thể nào dung hoà được tất cả, bạn hãy nhìn vào những xung đột tất yếu như ở Mĩ, dù có tuyên truyền cỡ nào thì xung đột vẫn hiện hữu. Tốt nhất là hãy tách nhau ra, mỗi người một cõi, tôi cũng mong rằng Việt Nam ta đừng đi theo vết xe đổ mà chào đón người nhập cư dễ dãi kể cả da trắng lẫn da mầu.
Những kẻ theo tự do cho rằng chỉ cần lật đổ các chính phủ độc tài ở Trung Đông và cho họ thấy sự diệu kỳ của nền dân chủ là đưa họ đến con đường tuyệt diệu và sáng sủa của tự do, khiến họ vứt bỏ sự trung thành mù quáng và tín điều dị đoan của mình, và đi theo tự do bình đẳng.. Thật sự là ta có tiến bộ về đạo đức do điều kiện và tiến bộ khoa học. Cái nguy hiểm ở bản chất con người là có khả năng gây ra những điều tàn khốc nào.
Nền Khai Sáng có lẽ đã yên vị trong sự thịnh vượng và an toàn, với liều thuốc dối trá ngọt như kẹo bánh, không thấy được lẽ thật cay đắng. Khi ta đạt được sự nhàn rỗi rồi mà quên đi những gì ta đã làm trong cảnh khốn khó để chà đạp, để vùng vẫy leo lên tới đỉnh, ta thường coi những gì trước kia là dã man và quá bất công. Và rồi, ta lại đi ủng hộ tự do mù quáng, loại bỏ đi những cấu trúc xã hội khiến mình đi lên, sự nhàn rỗi khi ấy đã biến chất, tin rằng mình được khai sáng. Những sự biến chất của xã hội được xem là tiến bộ, không cần sửa chữa nhưng bất cần lí do.
Lời bạt
Sự thật là con người không hoàn hảo và không thể như vậy. Khoa học, lí tính, giáo dục hay dân chủ cũng không bao giờ làm được. Thế nên tốt nhất là ta nhận thức được bản chất con người để đề ra giải pháp, để vượt lên bản chất tầm thường của con người, khiến ta biết thông cảm và yêu thương nhau hơn. Nhưng luôn nhớ, các giá trị truyền thống và trật tự phải luôn hiện hữu để lấn át bản chất con người. Hẳn bạn không muốn thấy bản chất con người trỗi dậy tàn bạo như ta luôn là như vậy.
Kết luận, hãy nhớ rằng bản chất ta là không tốt và tìm cách vượt lên nó bằng tri thức và tiến bộ của khoa học.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất