-
-
Tại Oscar 2023, bộ phim mới nhất của Ghibli Studio - “The Boy And The Heron” đoạt giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất. Chiến thắng này đã đem về thêm một tượng vàng danh giá cho Hayao Miyazaki, người vừa bước qua tuổi 83 vào đầu năm nay. Dù là một người ngưỡng mộ Hayao Miyazaki và cũng thầm mong phim thắng giải, mình không bận tâm lắm đến tin tức này. Vì mới chỉ cách đó vài ngày, ông nội mình vừa mới qua đời.
Ông mình đi vào năm ông 92 tuổi, âu cũng đã là một điều trọn vẹn cho cả ông và cả gia đình. Lễ tang diễn ra một cách chậm rãi và trật tự, khi mọi người đều đã biết từ lâu rằng ngày này rồi sẽ đến. Chỉ có điều đến tận ngày hôm đó, khi người ta đến viếng và đọc một bài thơ viết riêng dành tặng ông, mình mới biết rằng trước đây ông mình là một nhà giáo kỳ cựu, một nhà thơ vẫn tận tâm với câu lạc bộ thi ca phường. 
Vào ngày đưa tang ông, chúng mình phải dậy từ 4 giờ sáng. Khi lặng im ăn bát bún chan đậm vị, mình cảm nhận được một sự thật từ từ thấm vào cơ thể rằng, ông mình đã không còn nữa. Những cuốn sách của ông sẽ không tiếp diễn, những vần thơ của ông sẽ không còn được ông xung phong đọc to mỗi khi gia đình tụ họp ăn cơm. Khoảnh khắc đó, mình chợt nhận ra rằng vị của bát bún chan trước mặt cũng đã khác xưa quá nhiều. Chủ quán bán bát bún này cho mình trước cũng từng làm một công việc khác, sống một cuộc đời khác. Thậm chí cái bàn, cái ghế, toàn bộ cảnh vật trước mắt đã gần như khác hoàn toàn hình ảnh quê nội trong ký ức mình.
Một cuộc đời đã chấm dứt. 
Một thời đại đã chấm dứt theo họ.
Vài ngày sau, mình quay trở lại văn phòng và làm việc bình thường. Đến lúc đó mình mới đọc được bài blog nói về cách hai cụ Hayao Miyazaki và Toshio Suzuki phản hồi tin được đề cử Oscar: Chỉ một video cảm ơn đơn giản được quay tại Studio làm việc, khi mà Miyazaki (nay đã cạo râu, các nếp nhăn thời gian trên mặt ông chưa bao giờ hiển hiện đến thế) vẫn còn đang mặc tạp dề làm việc. 
Khi Spirited Away giành giải Phim hoạt hình hay nhất vào năm 2003, hai cụ cũng vắng mặt tại lễ trao giải, với lý do do chính Miyazaki tiết lộ rằng ông “không muốn mình một đất nước đang đánh bom Iraq”. Dù chưa có phát ngôn chính thức nào cho lý do hai cụ vắng mặt tại lễ trao giải năm nay, nhưng tự mình hình dung rằng có lẽ lý do sâu thẳm cũng tương tự như thế. 
Thông tin này khiến lòng mình thổn thức vô ngần. Trong sự hiểu biết khiêm nhường của mình, mình không biết có còn ai thể hiện được thứ lý tưởng nghệ thuật vị nhân sinh một cách rõ ràng, mãnh liệt nhưng lại rất đỗi bình thản và nhẹ nhàng như cách Hayao Miyazaki và phim của ông đang làm hay không.
Có thể vì độ tuổi hiện tại, nên mình vẫn khó mà bình tâm ngay được sau mỗi lần đi dự đám tang chăng? Những suy nghĩ xuất hiện lúc ăn bát bún chan cứ đeo bám mình mãi. 
Một thời đại đã chấm dứt theo họ.
Rồi sẽ đến lúc thời đại của Hayao Miyazaki chấm dứt, phải không?
Thẳng thắn mà nói, mình không phải fan của Studio Ghibli. Chỉ có duy nhất hai bộ phim khiến mình xem trọn vẹn từ đầu đến cuối và thực sự cảm thấy kết nối với chúng là The Wind RisesThe Boy And The Heron. Tôi nghĩ mình chỉ là một người ngưỡng mộ Hayao Miyazaki, với tư cách là một người nghệ sĩ, một con người yêu đời đắm say, chứ không hẳn bởi vì ông là chủ của một trong xưởng phim hoạt hình nổi tiếng nhất thế giới.
Tôi đi đến kết luận này khi xem bộ phim tài liệu Never-Ending Man: Hayao Miyazaki (2016). Trong quá trình sản xuất Boro the Caterpillar - bộ phim đầu tiên Miyazaki thực hiện với sự giúp đỡ của CGI, ông đã liên tục tìm ra những khuyết thiếu trong các thao tác của công nghệ và không thể ngăn bản thân mình khắc họa từng phân cảnh lên giấy trắng. Những nhận xét của ông cụ thể đến nỗi đội ngũ CGI phải chần chừ mà thừa nhận rằng, “Có khi vẽ tay sẽ nhanh hơn thật.”: Thanh gỗ này nhìn chưa được tự nhiên, phải thêm chút rêu vào. Thân hình con sâu bướm này cần phải cong hơn ở đoạn này, như vậy giống cách nó bò ngoài đời thực. Chuyển động quay đầu này nhìn “người lớn” quá, một đứa trẻ mới chào đời đâu có những cử động dứt khoát như vậy đâu. 
Phong cách làm việc cứng đầu theo chủ nghĩa hoàn hảo này dù đã tạo nên tinh hoa trong các tác phẩm của Ghibli, nhưng nó cũng đồng thời biến môi trường làm việc tại studio thành địa ngục. Với tư cách là một người cũng làm công việc sáng tạo, mình dám cá lắm. Hayao Miyazaki có một viễn cảnh rất cụ thể về những gì ông muốn và gần như sẽ không bao giờ từ bỏ cho đến khi mọi thứ trên giấy giống y đúc những gì xuất hiện trong đầu mình. Điều đó có lẽ đã ngăn trở mọi sáng tạo phát sinh khác của những đồng nghiệp và cấp dưới của Miyazaki. Tôi đã phì cười khi nghe lời tường thuật của Toshio Suzuki - người đồng sáng lập và nhà sản xuất của Studio Ghibli - về sự “độc tài” của Miyazaki trong công việc:
<i> “Hayao thích những người trẻ lắm. Nhưng làm việc với ông ấy sẽ khiến những người trẻ đó già đi.” </i>
“Hayao thích những người trẻ lắm. Nhưng làm việc với ông ấy sẽ khiến những người trẻ đó già đi.”
Tầm nhìn và kinh nghiệm của ông được tạo ra từ hàng chục năm nghiêm túc quan sát và đắm chìm với tình yêu cuộc sống. Hiếm ai người trẻ nào theo kịp bước chân ông. Vì vậy, Miyazaki không còn cách nào khác để thực hiện hóa lý tưởng của mình ngoài việc tự cầm bút lên và vẽ, từ năm nay qua năm khác.
Dù thực tế là có. Bộ phim tài liệu đã cho thấy đâu đó sẽ có nhiều cách khác để tiếp nối những di sản của ông. Ví dụ như công nghệ CGI ông đã thử áp dụng cho Boro the Caterpillar. Khoảnh khắc Miyazaki nhìn thấy con sâu bướm trên màn hình máy tính chuyển động gần y những gì ông ấy tưởng tượng, máy quay zoom cận cảnh vào biểu cảm của ông. Tôi nhìn thấy sự ngạc nhiên, hài lòng. Có lẽ vì ông biết đã có cách để duy trì những việc ông đang làm. Nhưng trên gương mặt ông có cả sự tự vấn. Và hơn cả là nuối tiếc. “Không còn lối thoát nữa rồi.” Ông cười nói. Có cách đấy, nhưng chắc chắn đó không phải là cách mà ông hằng mong cầu.
Chính vì vậy, cơ hội tiếp cận với CGI không ngăn được Miyazaki tiếp tục làm những điều ông ấy muốn, theo cách ông ấy muốn, khi ông còn có thể. Kể cả khi thử làm quen với bảng điện tử để vẽ, tay ông cứ với lấy những tờ giấy trắng. Trải nghiệm làm một bộ phim ngắn nhờ công nghệ tân tiến chỉ khiến Hayao Miyazaki nhận ra rằng ông sẽ phải làm tiếp một bộ phim dài nữa. Ông sẽ tập hợp lại hết đội ngũ từng làm việc với mình để tạo ra một tác phẩm theo ý của ông. Vẽ tay. Hoàn toàn.
<i>“Tôi chuẩn bị tâm lý để chết trước khi bộ phim này hoàn thành rồi. Thà chết như vậy còn hơn là chết trong khi không làm gì cả. Thà chết với một điều gì đó khiến cuộc đời này đáng sống hơn.”</i>
“Tôi chuẩn bị tâm lý để chết trước khi bộ phim này hoàn thành rồi. Thà chết như vậy còn hơn là chết trong khi không làm gì cả. Thà chết với một điều gì đó khiến cuộc đời này đáng sống hơn.”
Trong lúc vẽ chú sâu Boro, Miyazaki đã tự giễu hỏi: “Những người đáng lẽ ra sống lâu hơn mình đều đã đi cả. Tôi đang làm gì ở đây cơ chứ?” 
Tôi nghĩ ông đã tìm ra câu trả lời của mình ở cuối bộ phim tài liệu này. Vì chính ông vẫn thực lòng mong muốn được ở lại. Ở thời điểm đó, The Boy And The Heron -  bộ phim đại diện cho mọi lý tưởng nghệ thuật chứa chan trong con người ông vẫn chưa được thành hình. Hẳn là ông sẽ không bao giờ từ bỏ cơ hội làm một bộ phim đậm chất mình như thế. 
“Tôi đã đào tạo những người thành công. Nhưng mình không thể rời đi được. Tôi đã tàn phá họ, tàn phá tài năng của họ. Tôi không có ai kế nhiệm mình. Studio đã tàn phá những người làm ở đó. Đây là định mệnh của mình.” Miyazaki chia sẻ.
Những tâm hồn nghệ sĩ đã già, định mệnh của họ là phải chấm dứt hay sao? 
Hồi mình còn nhỏ, mình cũng đã từng viết thơ và đọc cho cả nhà. Giống ông nội, mình bắt đầu vì sự yêu thích con chữ một cách thuần thúy. Nhưng nó không đủ mãnh liệt để mình theo hẳn nghiệp viết, cũng không đủ tâm huyết để mình sáng tác liên tục và tìm đến một cộng đồng giao lưu như ông. Trong gia đình đông người của mình, không một ai theo nghiệp viết hay chăm chỉ viết như cách ông đã làm. Xin phép cho mình được khiêm nhường so sánh, nhưng ông nội của mình - một người sáng tạo với mục đích nhỏ bé đến thế so với Hayao Miyazaki kỳ tài - còn chưa có cơ duyên để truyền ngọn lửa của mình cho một ai khác. Thì cơ hội để có một truyền nhân đủ tư cách xuất hiện trong chu kỳ trăm năm của một đời người này, còn bất khả thi đến nhường nào?
Viết đến đây, mình vẫn thực lòng không biết câu trả lời cho câu hỏi bên này. 
Hayao Miyazaki cứng đầu và bảo thủ, sự kiên quyết đó tạo nên Ghibli, và đồng thời cũng “giết chết” Ghibli. Rồi sau này, nó sẽ đi theo ông, mãi mãi. Vì không ai làm được như cách mà ông đã làm. Tỉ mỉ nhường ấy. Tinh tế nhường ấy.
Có lẽ tất cả những gì chúng ta có thể làm là trân trọng hiện tại. Thời khắc mà Hayao Miyazaki vẫn đang ở đây, cùng với Studio Ghibli và hàng loạt kiệt tác tuyệt vời mà ông đã để lại cho những người yêu nghệ thuật.
Dẫu nuối tiếc, nhưng mình vẫn biết ơn ông vô ngần.
Thật là một vinh dự khi được sống cùng một thời đại với ông, khi nó vẫn còn ở đây, chưa chấm dứt.
Quỳnh