Cautions: Bài viết dài như cái hành trình đi tìm câu trả lời: “Bao giờ mới giàu?” của chúng ta vậy đó. Nhưng mình tin những ai đang muốn nghiêm túc tìm hiểu hoặc đã thấm thía trải qua sẽ đủ động lực để đọc đến dòng cuối cùng. 
Giờ thì bắt đầu!
1. Được - Mất
Được: tiền (hay còn gọi là lời)
Mất: cũng là tiền (hay còn gọi là học phí)
2. Mất mát
Vì chúng ta có nỗi sợ mất mát nhiều hơn nên tiện thể share luôn cái “mất” của mình cho thiên hạ. Rằng ngay những ngày đầu tiên “vào đời” là mình lỗ thẳng cẳng luôn rồi. ĐÓ!
Nhưng giờ nhìn lại thấy may:
May vì thực ra lúc đẩy chả có gì nhiều mà mất.
May vì vừa vào đã bị cú phủ đầu để tự răn bản thân tìm hiểu nghiêm túc hơn, tập trung hơn. Không chủ quan như kiểu “cờ bạc đãi tay mới” rồi hả hê là khéo bây giờ cũng tèo.
3. Rủi ro
Phải nói trước 1 điều là:
Nếu muốn chơi cái gì 100% AN TOÀN thì tốt nhất nên gửi tiết kiệm với lãi suất 5-6%/năm.
Còn đã chơi chứng khoán thì phải chấp nhận có rủi ro. Chỉ có điều, kiến thức và kinh nghiệm sẽ là vũ khí giúp chúng mình “khử” bớt cái đống rủi ro đó đi. Càng giỏi, càng có nhiều kinh nghiệm càng “diệt” được nhiều rủi ro.
4. Toang
Số ít người khi nghe đến chứng khoán thì phản ứng lại với mình: “Tao thấy bọn chơi chứng mất nhiều lắm, bán ráo cả nhà cửa, xe cộ.”
Đấy là vì cái hội kiếm được tiền thì người ta lại không khoe ra đó. Còn mấy case thất bại thì lại được mọi người tô đậm lên như một cách củng cố thêm nỗi sợ của mình.
5. Chơi hay không chơi (nói một lời)
Thế nào cũng được mà, người thích thì cứ chơi, người không thích thì cứ ở đấy.
Chỉ là...
Chơi thì cũng đừng mang cái đầu trống rỗng vào nhìn bảng giá, rồi nghe xúi bậy linh tinh. Đến lúc tiền mất – tật mang thì lại mang tiếng “chứng khoán” lắm.
Còn không chơi cũng thì đừng ngăn cản người khác bằng nỗi sợ của mình. Chỉ đơn giản là khẩu vị rủi ro của mình = 0 thì KHÔNG CÓ NGHĨA người khác cũng thế.
6. Cờ bạc
Giống: Dễ gây nghiện, cảm giác hồi hộp, hưng phấn, "toát mồ hôi"
Khác:
>> Chứng khoán là đầu tư. Thứ bạn dựa vào để đưa ra quyết định của mình là “sức khỏe” và tiềm năng của 1 công ty.
>> Cờ bạc là trò chơi, thứ cần là may mắn, còn lại thì không biết bấu víu vào đâu (ngoại trừ giấc mơ ))
7. Tài sản và tiêu sản
Đa số chúng mình khi muốn mua món gì đó to to là phải đề dành, tiết kiệm đúng không? Trong khi, tiết kiệm có được từ đi làm và hạn chế chi tiêu ở một vài khoản khác mà ra. Chung quy lại thì cũng là đổi công sức lấy vật chất.
Nhưng tiêu TIỀN sinh ra từ TIỀN thì lại khác. Đó mới thực sự là: bắt đồng tiền phục vụ mình.
8. Đầu tư
Có nhiều kiểu, hình thức, muôn hình vạn trạng đầu tư chính đáng khác nhau. Ví dụ: vàng, BĐS, start-up, trí tuệ...
Tùy khẩu vị và nguồn vốn của mỗi người thôi. Chứng khoán chỉ là 1 kênh trong số đó mà người vốn bé cũng có thể bắt đầu.
9. Mini-market (cái này mình tự đặt tên cho vui thôi)
Từ giá thịt nhợn cho đến quy trình làm phôi thép, từ đầu vào của dầu khí cho đến thủ tục pháp lý các công trình BĐS... mỗi thứ một ít cũng đủ để chém gió.
Nói thật là lườiiii, lười lắm. Thề! Chơi còn chưa xong mà bảo đi xem giá đồng giá sắt như nào là chịu.
NHƯNG MÀ
Tiền các ông ạ. Nó dọa mình tụt xuống mấy hôm mà sợ quá lại phải mò đi tìm hiểu.
10. Thấm
Ý mình là từ ngày “vào đời” mới ngỡ ra nhiều điều. Cả trong cuộc sống, lẫn kinh doanh-đầu tư.
Biết ngồi uống trà xem thời sự đàm đạo với bố.
Biết sáng ra mở Cafe F xem thay vì... Kênh 14.
Biết thêm cách vận hành của đồng tiền.
Biết là muốn giàu (tất nhiên ai chẳng thích “bị” cái giàu nó ập vào đầu) mà lại không tìm cách hiểu đồng tiền là dở rồi.
11. Giá như
Giá như mà mình lao đầu vào cái trò này sớm hơn. Thì:
- 4 năm học kinh tế nó không lãng phí như thế. Thôi không sao, giờ dùng chắc chưa muộn. Nhỉ?
- Có mất thì cũng không mất được. Vì có gì đâu mà mất. Chứ càng để nhiều tiết kiệm rồi, càng biết cái giá của đồng tiền rồi, càng có nhiều gánh nặng cuộc sống hơn rồi thì NỖI SỢ cũng tăng lên nhiều rồi. Sợ gì? Sợ thua, sợ mất tiền đó.
12. Cuối cùng, mình xin phép recommend cho mọi người một vài quyển sách mình đọc được trong thời gian qua:
Chiến tranh tiền tệ (thề đọc đi không phí nửa cuộc đời đâu, đọc đi, đọc đi)
Cha giàu cha nghèo
Khủng hoảng kinh tế
Người đàn ông đánh bại thị trường
Payback time (Ngày đòi nợ)
Lời thú tội của một sát thủ kinh tế.
P/s: Cảm ơn đã đọc đến tận dòng cuối. Bên trên là chia sẻ trải nghiệm cá nhân của mình. Có thể bạn cùng quan điểm hoặc không!