tổng hợp các câu chuyện của hạnh phúc
tổng hợp các câu chuyện của hạnh phúc
I. Câu hỏi
Thực ra đã có quá nhiều câu chuyện về hạnh phúc và tôi đã không định viết gì, cho đến khi gần đây nhận được câu hỏi “khổ từ đâu mà ra?”.
Để động não một chút, tôi đã đặt ngược lại câu hỏi: “sướng từ đâu mà tới?” rồi thử suy nghĩ các khả năng cho câu trả lời. Bài viết này tóm tắt một số khả năng đó.
Hạnh phúc từ đâu mà tới?
II. Câu chuyện
Yuval Noah Harari đã chỉ ra một thực tế thú vị là xã hội loài người được chi phối bởi những câu chuyện (*1). Khả năng tạo dựng, tin tưởng vào các câu chuyện và cùng hành động là một loại năng lực đã xây dựng cũng như phế bỏ các thế chế, một loại năng lực đặc biệt chỉ con người mới có.
Tương tự, tôi cho rằng những niềm vui được chia sẻ trên facebook, những quan điểm/ giá trị được ủng hộ ... kể câu chuyện về niềm vui sướng của mọi người và những câu chuyện đó chi phối quan điểm của con người về hạnh phúc.
Câu chuyện thông thường nhất về hạnh phúc thì rất dễ bắt gặp. Có thể là một món ăn ngon, một cốc cà phê chill, chuyến du lịch thú vị … Cũng có thể là hoạt động giải trí hằng ngày như chơi game, uống bia, xem phim….. Đó là những câu chuyện về hưởng thụ những thứ cụ thể qua năm giác quan.
Tiếp theo thường sẽ là câu chuyện làm sao để đảm bảo những sự hưởng thụ sẽ còn kéo dài nữa, kéo dài mãi. Điều này dẫn đến câu chuyện về tính sẵn sàng của các nguồn lực phục vụ cho sự hưởng thụ trong tương lai. Ở phân loại này các câu chuyện về hạnh phúc kể về việc sở hữu những nguồn lực cụ thể: tài sản, các mối quan hệ tình cảm từ bạn bè cho đến người tình ….
III. Trừu tượng hoá
Các câu chuyện thông thường về hạnh phúc ở trên đều có những khuyết điểm mà con người dần nhận ra.
Thứ nhất là đối tượng của hưởng thụ hay sở hữu luôn cần đổi mới vì chúng là những thứ hao mòn đi trong quá trình hưởng thụ. Không ai ăn/ uống mãi một thứ mà không chán và người ta luôn cần những bài hát hay bộ phim mới …
Thứ hai là sở thích cùng kỳ vọng của bản thân người thụ hưởng cũng thay đổi. Một ví dụ là vì bản chất luôn thay đổi của con người nên gần đây quan điểm [tình yêu “đích thực” và “mãi mãi” là khác hẳn nhau] ngày càng phổ biến. Mà cũng chả phải đợi đến gần đây, thời nào cũng không thiếu những nhân vật liên tục muốn thay đổi vợ/chồng/ tình nhân …
Cuối cùng, kể cả trong điều kiện lý tưởng bạn muốn đối tượng đồ ăn/ thức uống/ phương tiện … nào cũng được, muốn vợ/chồng/ nhân tình nào cũng có … thì cơ thể bạn cũng không cho phép bạn hưởng thụ các đối tượng ấy liên tục liên tục mà không để lại hậu quả sức khoẻ nào.
Vì thế, những câu chuyện về hạnh phúc đòi hỏi các đối tượng “cụ thể” kiểu này luôn gặp phải giới hạn bởi tính mới của đối tượng hoặc tính thất thường của sở thích/ kỳ vọng hoặc do bản thân các giới hạn sức khoẻ của con người.
Điều này dẫn tới loại câu chuyện tiếp theo, trong đó các đối tượng của hạnh phúc trở nên trừu tượng hơn. Tôi thắng một cuộc thi học thuật, bạn được thăng chức, anh được nhiều người like …. Những câu chuyện hạnh phúc này đẩy các giới hạn ra xa hơn cùng với sự công nhận rộng rãi hơn các giá trị trừu tượng trong xã hội. Giờ đây giá trị của những thứ như “tri thức nhân loại” hay “sự ghi nhận của cộng đồng” hoặc đơn giản là một bài thơ …. có thể được công nhận một cách ổn định đến cả trăm năm và miễn là đầu óc còn tỉnh táo người ta luôn còn cơ hội có được niềm vui từ những giá trị ấy.
IV. Đổi hướng
Nếu như những câu chuyện hạnh phúc kết thúc ở phần trên thì sao? Nếu chỉ có thế thì người ta tự nhiên sẽ đặt ra câu hỏi: Vậy những người không có cho mình những câu chuyện như thế thì không có hạnh phúc chút nào?
Hãy nhìn vào sơ đồ tổng kết phía trên và thử hình dung về một người nông nô nghèo khổ thời phong kiến, hay một người nô lệ đi. Hầu như họ không có gì để hưởng thụ, không có chơi bời giải trí, ăn uống thì chẳng có gì ngày này qua ngày khác, không được học hành, thậm chí cả cuộc đời họ có khi chẳng được ai biết tới nói gì đến những thứ trừu tượng xa vời như danh vọng hay quyền lực …. Phải chăng những người như thế không có chút hạnh phúc nào?
Mà cũng chẳng cần nhìn xa xôi, lấy ngay các trẻ em ngày nay ở những miền quê nghèo làm ví dụ đi. Bọn trẻ chẳng cần gì nhiều, ăn bất cứ thứ gì chúng có và vẫn có thể vui vẻ chơi cả ngày chỉ với vài mẩu cây vặt vãnh …
Điều này dẫn đến loại câu chuyện tiếp theo, trong đó hạnh phúc không hoàn toàn phụ thuộc vào những thứ bên ngoài (ngoại thân) mà có phần đóng góp không nhỏ của những thứ “bên trong”, bản thân những trải nghiệm cũng hoàn toàn có thể mang lại nhiều niềm vui đơn thuần bằng bản chất cá nhân độc đáo và duy nhất của những trải nghiệm ấy.
Tôi có một tấm ảnh trong đó tôi ngã chổng vó lên trời bên cạnh bạn bè. Sự độc đáo và khó lặp lại của tấm ảnh này khiến đôi khi tôi được nhắc đến và cùng với đó là nhiều kỷ niệm vui vẻ thời đi học ùa về. Điều đó xẩy ra khá lâu trước trào lưu khoe ảnh ngã “sấp mặt” trên facebook sau này.
Chúng ta cũng có thể kể đến những câu chuyện cổ vũ tự do cá nhân (*2). Con người không thể sống một mình, một mặt cá nhân phụ thuộc vào nhiều thứ: nhà trường, gia đình, công ty, luật pháp, thời tiết, bệnh viện, xe cộ…. mặt khác chính vì thế cá nhân luôn khao khát sự khai phóng, có thêm lựa chọn, vượt lên khỏi dù chỉ một ràng buộc nhỏ nhoi nhất, có thêm tự do kiến tạo cuộc đời của mình…
Thế nên không ngạc nhiên là ngày càng có nhiều câu chuyện cổ vũ cái sung sướng của trải nghiệm tự do cá nhân: làm hay nghỉ theo ý thích, tuỳ chọn đến công ty hay ra quán cà phê làm việc, tạm bỏ lại tất cả để trải nghiệm chuyến bơi phượt, sống vì mình trước khi vì người khác … , nói gọn là “thích thì làm thôi”.
Với việc công nhận đóng góp vào hạnh phúc của những trải nghiệm, lối sống cá nhân … câu chuyện [hạnh phúc đến từ đâu] đã mở rộng thêm một chiều kích nữa: hướng vào bên trong
Với chiều kích “bên trong”, các câu chuyện hạnh phúc bây giờ đã mở rộng hơn khi so với khi nó chỉ có thể đến từ “bên ngoài”. Nhưng không phải là không có những giới hạn mới. Để có câu chuyện hạnh phúc “từ bên trong” bạn luôn cần nỗ lực sáng tạo nhưng kết quả thì không luôn đảm bảo. Như một người theo đuổi câu chuyện hạnh phúc dựa trên Tư duy kiến tạo chia sẻ:
“Chỉ cần một ý tưởng “ăn tiền” là tôi sẽ thăng hoa. Nhưng để có một ý tưởng “ăn tiền” thì thường là tôi cần 101 ý tưởng không “ăn tiền” khác. Tôi không bao giờ tắc tị, nếu như tôi có thể tạo ra thật nhiều ý tưởng. Hãy dùng kĩ năng tưởng tượng và khởi tạo ý tưởng của tư duy thiết kế để thoát khỏi tình trạng tắc tị…. Người ta đánh giá cuộc đời một người bằng thành quả, nhưng kì thực toàn bộ cuộc đời mới đáng giá, chứ không phải là mấy cái thành quả.”
Việc nỗ lực sáng tạo không ngừng và khả năng luôn hứng khởi với bản thân hành trình hơn là bị phụ thuộc cảm xúc vào đích đến thực ra không dành cho tất cả mọi người. Bản thân việc sáng tạo không thôi đã là thử thách với khá nhiều người mà tôi biết.
Đến đây có vẻ như những người ít có các điều kiện bên ngoài và cũng chưa có đủ năng lực (hoặc đơn giản là quá ít thời gian) tìm niềm vui thông qua trải nghiệm bên trong sẽ bị bỏ lại phía sau? 😃
Trên thực tế thì không.
IV. Dựng câu chuyện nền tảng
Câu chuyện hạnh phúc luôn có năng lực tự thích ứng và phát triển! Có những người bắt đầu nhận ra giới hạn của tất cả các câu chuyện hạnh phúc đã nêu.
Một là tất cả chúng đều bị phụ thuộc vào điều gì đó, đều cần một loại chỗ dựa nào đó: Các yếu tố bên ngoài thì là sức khỏe, đồ vật hay sự sở hữu, danh tiếng…., các yếu tố bên trong thì là cách tư duy, lối sống hay năng lực sáng tạo…
Hai là tất cả những “chỗ dựa” ấy đều có tính chất không ổn định: Các yếu tố như vật chất hay các giá trị trừu tượng bên ngoài luôn có thể thay đổi theo trào lưu, thời trang, thời đại … Các yếu tố tinh thần bên trong thì không dễ kiểm soát và không luôn được như ý.
Khái quát lại: Tất cả các câu chuyện hạnh phúc từ trước đến giờ đều dựa vào những yếu tố mà bản chất của chúng là không ổn định.
Tất cả các câu chuyện hạnh phúc đều không có nền tảng ổn định!
Nhìn ra vấn đề cũng đã là giải quyết được một nửa vấn đề rồi. Đơn giản giải pháp là tiếp theo hãy tìm ra nền tảng ổn định cho các câu chuyện hạnh phúc mới!
Đến đây, một lần nữa đặc tính độc đáo chỉ có ở con người lại lên tiếng: Khả năng tạo dựng và cùng tin tưởng vào một câu chuyện. Lần này, các nền tảng ổn định và vô cùng tốt đẹp sẽ được tạo dựng.
Với sự phát triển này, chào mừng bạn đến với thế giới của các tư tưởng “tâm linh”. Câu chuyện hạnh phúc của các tư tưởng ấy đảm bảo với bạn một điều: Giờ đây bạn luôn có thể dựa vào một (hay vài) điều (gì đó) vô cùng tốt đẹp và vĩnh cửu, nhờ đó bạn sẽ có hạnh phúc cũng vĩnh cửu như vậy.
Chúa hay A di đà phật, hay các Cõi giới cao hơn… là những câu chuyện nền tảng đáp ứng chính xác đòi hỏi như thế: Tuyệt đối thanh tịnh và tuyệt đối vĩnh cửu. Chỉ cần kết nối câu chuyện hạnh phúc cá nhân với những nền tảng đó.
Nếu không tin vào Chúa cũng không sao, bạn có thể lựa chọn câu chuyện “trái tim thuần khiết” …. luôn sẵn có bên trong bạn, chỉ cần bạn có thể kết nối lại với nó là bạn sẽ luôn sống trong phúc lạc đời đời!
Sách xưa có khái quát những câu chuyện này bằng 4 chữ: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Thường nghĩa là Bất biến không bao giờ thay đổi, Lạc là luôn an vui hạnh phúc, Ngã là một sự Tồn tại độc lập tuyệt đối tự thân (không phụ thuộc vào bất cứ thứ gì khác), còn Tịnh nghĩa là tuyệt đối trong sạch, thuần khiết, đẹp đẽ.
Đến đây, tôi đã giải thích toàn bộ sơ đồ tóm tắt các câu chuyện của hạnh phúc. 😃
bất cứ câu chuyện hạnh phúc nào đểu nằm ở một (hay vài) nhánh của sơ đồ này
bất cứ câu chuyện hạnh phúc nào đểu nằm ở một (hay vài) nhánh của sơ đồ này
Tuy vậy, còn một khả năng nữa mà bài này không bao quát được. Có điều rất ít người có duyên biết đến, chưa nói đến việc tìm hiểu nó. Thực ra tôi đã có ít gợi ý về khả năng cuối cùng này trong một bài viết khác.
Cảm ơn bạn đã đọc đến dòng này ♥
— Chú thích và Lưu ý —
*1) nguyên văn của tác giả là “myth” – truyện thần thoại, huyền thoại, truyền thuyết/ hư cấu
*2) Thành thật mà nói con người chỉ là những sinh vật nhỏ bé và mong manh trong vũ trụ bao la. Con người không lựa chọn được môi trường sống, không kiểm soát được thời tiết, chiến tranh hay dịch bệnh, ô nhiễm … Và ngay trong cấu trúc xã hội, từ lúc bé đến lớn, các cá nhân phải ghi nhớ và hành động theo rất nhiều khuôn khổ, luật lệ, phong tục và trật tự xã hội được xác lập. Con người không thể sống một mình, một cá thể phụ thuộc vào cộng đồng và các cộng đồng phụ thuộc vào các thể chế địa chính trị. Những nhu cầu cơ bản của con người đại loại là thế: hoặc là kiểm soát chỗ dựa hoặc là tìm kiếm thêm tự do.
*bài viết và các sơ đồ thể hiện quan điểm cá nhân,  các phân loại chủ yếu theo quan điểm riêng, các phân tích có thể chứa những sai sót không cố ý do hạn chế trong khả năng bao quát và lập luận của người viết. viewer discretion is advised