Tâm là những thực tại vô cùng ngắn ngủi và mỗi tâm chỉ thực hiện một chức năng đơn lẻ. Một tâm là một hiện tượng tinh thần nhỏ nhất. Kinh điển gọi hiện tượng tinh thần nhỏ nhất này là “tâm chân đế” hay “tâm pháp”. Nếu không hiểu tâm chân đế thì cũng không thể thực sự hiểu nhân quả, thiện ác hay bố thí, luyện tâm…
Như đã nói, có hai loại thực tại. Tâm (chân đế) thuộc về một trong hai loại thực tại ấy. Chức năng chính của tâm là nhận biết, kinh nghiệm các thực tại khác và nó cũng là pháp (dhamma) dẫn đầu trong việc kinh nghiệm/ hay biết đối tượng.
I. Dòng chảy của tâm
Như đã giải thích, 
 .Ở mức độ tột cùng tất cả những gì thực sự tồn tại chỉ là các thực tại ( tức các pháp = dhamma ), và  
.Tất cả các thực tại sinh lên đều diệt đi ngay
 (*vì thế tất cả những gì không sinh diệt liên tục thì không thực sự tồn tại (không phải là pháp chân đế))
Tâm chân đế thì thực sự tồn tại và sinh diệt liên tục. Tâm chân đế là một pháp (dhamma). Như thế, ở mức độ tột cùng, “tâm trí” có thể được hình dung nôm na như một dòng chảy của tâm (mind stream) được tạo thành bởi các tâm sinh diệt liên tục mà thôi. Ta tưởng như tâm trí luôn ở đó và tồn tại kéo dài nhưng không phải như vậy. Tâm trí của một sinh vật (như con người chẳng hạn), thực chất giống như một “dòng” các tâm (chân đế) sinh diệt liên tục, tâm sau nối tiếp tâm trước mà thôi.
*Vậy điều gì khiến cho “dòng tâm” trôi chảy liên tục mà không đứt quãng gián đoạn mà cũng không bao giờ dừng lại? Tại sao bất cứ khi nào một tâm diệt đi bao giờ cũng sẽ có một tâm khác sinh lên ngay để thay thế? Câu trả lời là có các Quy luật khách quan vận hành dòng tâm do năng lực tiềm tàng của Vô minh và Tham ái. Kinh điển gọi các quy luật này là duyên (paccaya).
II. Các loại tâm trong dòng chảy của tâm
 Trong dòng chảy của tâm có 2 loại: Các tâm hộ kiếp và các tâm lộ
Tâm hộ kiếp (bhavanga citta) là một loại tâm đặc biệt không kinh nghiệm bất kỳ đối tượng nào qua sáu môn , tâm này làm nhiệm vụ giữ mạng sống và duy trì sự tương tục trong cả kiếp sống. Kể cả khi chúng ta “ngủ say như chết” và không biết gì hết, vẫn có một loại tâm sinh diệt liên tục đảm bảo “dòng tâm” luôn trôi chảy và đó chính là tâm hộ kiếp.
Tâm lộ (vīthi citta) thì khác tâm hộ kiếp ở chỗ chúng kinh nghiệm một đối tượng qua một trong sáu căn và chúng sinh khởi theo một trật tự khách quan gọi là Lộ trình tâm.
Trong lộ trình tâm lại có thể có ba loại tâm lộ:
.Tâm quả,
. Tâm duy tác và,
. Tâm thiện/bất thiện.
Các tâm này sinh lên đều là do được tạo duyên bởi các quy luật khách quan:
.Tâm hộ kiếp do Nghiệp sinh,
.Tâm quả do Nghiệp sinh,
.Tâm thiện/bất thiện do Phiền não (các xu hướng thiện/ bất thiện tích lũy trong Hành uẩn) sinh.
III. Tâm có thường hằng không?
Bản thân các tâm chân đế đã là thực tại tột cùng. Các tâm sinh diệt đã là nền tảng tột cùng của toàn bộ ý thức, tâm trí, toàn bộ sự kinh nghiệm thế giới này. 
Bản thân các tâm thì sinh và diệt đi ngay, không có cái gì ở giữa chúng hay ở dưới chúng hay tồn tại xuyên suốt qua các tâm cả. Vì thế không có cái gì là Tâm thường hằng hết. Đã là tâm, đã là thực tại có khả năng ý thức/ kinh nghiệm thì ắt là pháp hữu vi, đã là pháp hữu vi thì ắt phải sinh và diệt. Đó chính là ý nghĩa của câu:
Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường (Sabbe sankhara anicca). 
Không có loại thực tại nào có “ý thức” mà lại “thường” cả, vì thế không có bất kỳ một loại Tâm thường hằng nào hết. Toàn bộ các thực tại có khả năng kinh nghiệm/ nhận biết đều là các “uẩn” (khandha) và hoàn toàn không có uẩn nào thường hằng cả.
IV. Tâm có linh thiêng/ thuần khiết/ tinh tuyền không?
Tâm chỉ là tâm, chỉ là các thực tại hữu vi sinh lên rồi diệt đi do các quy luật khách quan gọi là “duyên”. Trong “dòng tâm” luôn có các tâm hộ kiếp, các tâm quả, các tâm thiện và bất thiện thay thế nhau không ngừng nghỉ. Bởi tâm luôn sinh kèm với các tâm sở, kể cả ở những khoảnh khắc tâm trong sáng nhất (ở tâm hộ kiếp) nó vẫn bị ô nhiễm bởi các vô minh tuỳ miên (annusaya), ở những khoảnh khắc bình thường khác (của các tâm lộ) thì tâm bị ô nhiễm bởi các lậu hoặc (asava – các yếu tố bất thiện vi tế) hoặc các ô nhiễm ở mức độ thô hơn . Đó là bản chất khách quan của dòng tâm bình thường và sự thật là trong một ngày, ngay khi ta ăn uống, cười đùa, đọc sách báo … vẫn luôn có vô số tâm bất thiện sinh khởi.
Như thế, vì:
.Không có Tâm thường hằng và
.Tâm thường xuyên bị ô nhiễm
nên
Toàn bộ tâm trí hay ý thức chỉ là các Tâm chân đế sinh diệt mà thôi. Không hề và không thể có các phẩm chất nhận thức siêu việt và luôn “ở đó” vĩnh viễn không thay đổi.
Chính vì không hiểu các đặc tính của tâm chân đế, không hiểu đặc tính của pháp (dhamma) mà người ta ngộ nhận rằng có tồn tại những thứ như “tánh biết” hay “chân tâm” hay “phật tánh” hay “linh hồn” ….Không có yếu tố nhận thức nào “rỗng lặng trong sáng, không sinh, không diệt, không thường, không đoạn, không hữu, không vô, không đến, không đi” như Tánh biết, không có cái gì giống như Chân tâm hay Phật tánh hay linh hồn… hết. Có những người tự cho mình là người theo Phật và đồng ý rằng không có “cái tôi” hay “bản ngã” nào, tuy nhiên họ lại đồng ý rằng có “tánh biết” ở trong họ hoặc có họ ở trong “tánh biết”. Như thế thực chất sự bám chấp vào bản ngã, bám chấp vào “một thứ gì đó thường hằng và bất biến” vẫn còn nguyên, chỉ thay đổi về mặt hình thức. Thực chất ở đó tiếp tục có ngã kiến, tà kiến và không có sự nương tựa vào Pháp. Nếu không nghiên cứu kỹ và có hiểu biết đúng về thực tại từ góc độ Pháp chân đế, những ngộ nhận/ tà kiến như vậy là rất khó để nhận ra.
Dòng tâm không bao giờ dừng lại nhưng trong dòng chảy không ngừng đó không hề tồn tại một "linh hồn" hay "thần thức" bất biến xuyên suốt nào cả.
Hãy tìm hiểu những sự thật về tâm-như-nó-là được chứng ngộ bởi trí tuệ Chánh Biến Tri của Đức Phật.