Tại sao người đồng nghiệp trầm tính của bạn không thô lỗ
Mình có nhiều đồng nghiệp là người hướng nội, vì làm việc trong môi trường 70% nhân sự là kỹ sư IT. Mình thấy đó là may mắn với một...
Mình có nhiều đồng nghiệp là người hướng nội, vì làm việc trong môi trường 70% nhân sự là kỹ sư IT. Mình thấy đó là may mắn với một “introvert HR” như mình. Ở đây, mọi người hiểu và tôn trọng mọi cách thể hiện bản thân và không xem “trầm lặng ít nói” như một thứ gì đó không ổn. Mọi người chỉ cần nói khi cần.
Mình thấy họ đều rất đẹp. Để mình kể bạn nghe một vài hình tượng điển hình về những người trầm lặng đầy sức hút xung quanh mình.
Một người anh chỉ cần cất tiếng nói là thấy chất, hè hè. Mọi người gọi anh ý là thần đồng kỹ thuật, teamlead team DevNet. Mỗi lời anh ấy “thở” ra đều chứa hàm lượng chất xám cao ngất. Khi anh cất tiếng nói cảm thấy cả bầu không khí xung quanh cũng trở nên tri thức lạ thường, nói chung là ngầu. Mình rất tự hào mỗi khi ngồi phỏng vấn cùng anh xong ứng viên bảo “Nói chuyện qua là biết các anh kỹ thuật bên mình rất giỏi”; hay những lần tổ chức workshop có anh ấy làm diễn giả mình luôn thấy yên tâm là lần này lại được mở mày mở mặt với sinh viên :)))
Một người anh khác, nghiêm túc, lạnh lùng và kỹ tính. Riêng trong mắt mình, anh là người ấm áp nhất công ty, chỉ cần nói là thấy ấm áp (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Vì cơ duyên mình vài lần có cơ hội được nói chuyện “sâu” với anh ấy, hiểu về con người này. Một người mà thỉnh thoảng sẽ thấy những khoảnh khắc họ cười vui như trẻ con (một hình ảnh thực sự chẳng liên quan gì với hình ảnh thường ngày của họ, chuẩn chỉnh và nghiêm nghị). Một người mà khi bắt gặp ai đó vừa ăn uống ở pantry đang định đứng dậy mà chưa dọn dẹp rác trên bàn anh sẽ không ngại nhắc để chị Huyền đỡ vất vả (chị Huyền là chị cleaner ở công ty mình).
Mình cũng có một vài đứa em, khi ở trên sân khấu như biến thành một người khác, chỉ cần cất tiếng hát là tỏa sáng rực rỡ, dù ngày thường “cạy miệng cũng không nói”. Có đứa kiệm lời, nhưng chỉ cần nói là thấy hài, nói là thấy vui. Người ta bảo, hài hước cũng là một loại thông minh.
Những người này nếu không được thấu hiểu ở trong một môi trường ưa thích sự hướng ngoại, đôi khi họ bị gắn những cái mác như cọc cằn, thô lỗ, không nhanh nhẹn hoạt bát (đúng ra phải là không nhanh “mồm”). Thực tế, những biểu hiện nếu chỉ nhìn qua ở bên ngoài đó là những đặc tính “bình thường” ở người hướng nội, những người sống hướng vào bên trong, lấy năng lượng từ việc ở một mình thay vì tương tác xã hội.
Khi họ hoàn toàn không để ý đến bạn, có thể họ đang tập trung làm việc quan trọng hoặc giả vờ tập trung để tránh những cuộc nói chuyện phiếm và những lời chào xã giao vốn không phải thế mạnh và sở thích của họ.
Họ im lặng trong các cuộc họp. Họ im lặng một lúc lâu khi được mời phát biểu không phải vì họ kém cỏi, không có gì để nói, chỉ là họ không giỏi nói và ngại nói trước đám đông (đặc biệt là những vấn đề ngoài công việc), nên họ không thể hiện bản thân tốt bằng người hướng ngoại trong những tình huống đó. Họ thể hiện bản thân theo một cách khác.
Người hướng nội HOÀN TOÀN KHÔNG muốn tạo ra sự chú ý đổ dồn vào họ bằng những hành động bị cho là ngớ ngẩn. Mình không hiểu tại sao một số bạn đã bình luận trong các bài đăng trước đó của mình về người hướng nội rằng (mình xin phép được trích y nguyên): “Nói chung bớt bông tuyết và đặt mình làm trung tâm đi, ko ai quan tâm đâu”? Thực sự người hướng nội cảm ơn cả trăm ngàn lần vì mọi người đã không quan tâm đến họ trong những tình huống đó.
Họ hướng nội. Họ bình thường. Họ có điểm mạnh riêng và tạo ra giá trị cho tập thể. Họ chỉ khác “tiêu chuẩn bình thường” ở cách thể hiện mà thôi. Với mình, những người đồng nghiệp hướng nội tuyệt vời theo một cách đặc biệt.
Hãy hiểu họ, và khuyến khích họ thể hiện điểm mạnh, để lại dấu ấn bằng thực lực và trái tim sâu sắc, phát huy tối đa tiềm năng giúp họ tỏa sáng.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất