Mình có một người em gần đây đang tham gia một dự án phi lợi nhuận, thấy nó ngày nào cũng mần điện thoại mướn hết số người này rồi người kia để đăng ký gì đó gọi, kêu là gọi cho đủ KPI ngày mấy cuộc. Hỏi ra thì hóa ra là có một bên startup nọ tài trợ vào một dự án sinh viên (khá uy tín), tạm gọi là X với hợp đồng tài trợ đặt KPI số lượng gọi đổ về cho startup là bao nhiêu một ngày và sử dụng hết bao nhiêu voucher. Và cái này là cả dự án ai cũng phải cùng nhau làm để nhận tài trợ.
Là một người ngoài, mình không biết chính xác thỏa thuận của dự án X và startup nọ ra sao, song theo kinh nghiệm của mình thì mình giả định rằng: Startup nọ tài trợ một khoản tiền và yêu cầu dự án X phát voucher để người nhận voucher gọi điện về cho startup, suy cho cùng là một dạng marketing để tăng tỉ lệ chuyển đổi và người dùng.

Tuy nhiên, đến đây thì câu chuyện lại trở nên bất hợp lý.

Về cơ bản, doanh nghiệp startup muốn thông qua dự án để tăng người dùng (người thực sự cần sử dụng dịch vụ của công ty) còn phía dự án, có lẽ do KPI khó quá, nên tự chia nhau voucher để cả tổ chức thi nhau ngày gọi đủ KPI. Thật ra như vậy, về mặt số liệu thì là đủ KPI, nhưng về mặt chất lượng hay ý nghĩa thì thật ra lại chả có ý nghĩa gì, thậm chí còn gây hao phí.

Sao lại thế?

Bởi thực sự voucher không đến được tay người cần, suy cho cùng người gọi hàng ngày cũng chỉ lặp đi lặp lại vài người giống nhau. Thế nên thành viên thì “bị ép” phải gọi, còn nhân viên tư vấn của công ty thì “buộc” phải làm việc năng suất hơn. Thực ra, từ phía nhân viên, thoạt nhìn sẽ tưởng là năng suất hơn, nhưng thật ra do người gọi điện tư vấn không có nhu cầu nên họ sẽ đặt những câu hỏi vớ vẩn, gọi cho xong cuộc, lâu dần một ngày phải tiếp hàng chục cuộc như thế sẽ gây chán nản và mệt mỏi cho chính nhân viên chăm sóc.
Và cuối cùng, người ta chỉ gọi cho xong nhiệm vụ chứ người ta không có tính chuyển đổi thành khách hàng, và có lẽ startup cũng sẽ sớm nhận ra điều này, là người gọi thì lên nhưng doanh số không lên. Thế thì về cơ bản, tiền không thêm mà vẫn mất, và đáng ra thay vì phải tiếp hàng chục cuộc gọi “không chất lượng” thì rõ ràng có thể dành nguồn lực đó để nhân viên tư vấn dồn tâm chăm sóc những khách hàng tiềm năng thực sự mà không gây nhiễu loạn.
Chưa kể bởi vì việc chạy KPI mà đối với chính tổ chức sinh viên kia cũng “bị hại” khi kết nạp thêm 1 loạt thành viên vào để chạy KPI cùng (về mặt branding thì là làm mất giá tổ chức vì ai cũng tham gia làm thành viên được), chưa kể các thành viên bên cạnh các công việc chuyên môn thì phải gánh thêm 1 khoản nữa (gây không khí chống đối, tiêu cực hoặc nhẹ hơn thì làm tăng công việc gây tốn nguồn lực) cho chính tổ chức đó.
Nghĩ đến đây thì bỗng dưng thấy hơi bực, tôi hỏi đứa em rằng: Đứa nào đưa ra cái kế sách “ngu người” thế em? và đứa em lại ỏn ẻn: “Ờ chủ tịch chứ ai, nên mới làm đó”. Đến lúc đó tôi thật sự đặt dấu hỏi về mặt “ethics” (đạo đức trong công việc) của em chủ tịch này.
Có thể các em còn nhỏ, chưa hiểu về khái niệm ethics hay code of conduct, nhưng những việc như làm việc ngay thẳng, mạch lạc là những thứ nên ăn vào máu.

Vì sao? Vì nói một cách “thô thiển” ra thì hành động của các em, nếu theo đúng những gì tôi hiểu, thì là gian lận.

Ngày nay, các nguồn tài trợ cho các dự án sinh viên, học sinh ngày càng nhiều, doanh nghiệp, startup, tổ chức cũng ngày càng hào phóng hơn, nhưng có lẽ vì thế mà các em làm dự án dần không hiểu về giá trị đồng tiền. Rằng bản chất tài trợ không phải là “cho” mà là một sự trao đổi về quyền lợi dù ít hay nhiều. Do đó, nếu các em đã cầm tiền, thì cũng nên có trách nhiệm với sức nặng của đồng tiền đó chứ không phải cố làm cho xong rồi nhận tiền.
Khoảng năm 2019, chúng mình từng nhận được một lời đề nghị tài trợ một khoản khá lớn X00 triệu, từ một ứng dụng khá nổi với KPI A lượt download và đăng ký App. Sau khi họp bàn với nhau, cả nhóm quyết định từ chối vì tỉ lệ chuyển đổi mà chúng mình có thể làm nhiều nhất không thể đạt được mức A đó. Vậy nên, quay lại, tài trợ suy cho cùng là một dạng làm ăn nên hãy trung thực, rõ ràng và minh bạch.
Chưa kể việc em cố gắng “bơm nước số liệu” chỉ có tính che mắt ngắn hạn chứ về dài hạn, bản thân doanh nghiệp không mù, họ tự phân tích được số liệu, và họ sẽ hiểu ra. Mà khi có một doanh nghiệp hiểu ra, thì sẽ có nhiều doanh nghiệp hiểu, rồi đến lúc đó căn bản là chính sự gian lận trong thực hiện hợp đồng của các em sẽ là nguyên nhân phá hủy hình ảnh tổ chức mà các em cất công xây dựng.
Chưa nói đến việc lôi cả tổ chức đi chạy KPI chính là tạo gánh nặng lên bộ máy một dự án phi lợi nhuận. Tốn tiền điện thoại, tốn kém, thêm việc,v.v. Ví dụ, em có thể nhờ cả tổ chức share bài, cả tổ chức đi phát voucher,v.v. thì được nhưng để cả tổ chức đi gọi ngày X cuộc để dùng hết voucher thì đúng là mệt mỏi.
Đừng nghĩ tiền này không phải của mình, hay hành động này không gây hại đâu hay một mình mình làm thế chắc chả sao. Ai cũng làm thế thì dần còn ai dám tài trợ vào các dự án sinh viên nữa? Và sao lại không gây hại chứ khi tài trợ không có hiệu quả mà doanh nghiệp vẫn phải chịu chi phí? Và tiền không phải của các em, nhưng là cơ hội, nếu em không làm được thì nên để cho người có khả năng thực hiện nhận.
Đặc biệt nhà tài trợ là startup thì nghe còn cảm giác “mệt” hơn. Vì về cơ bản nếu startup chưa hòa vốn, tức là còn đang phải “sống” nhờ các nguồn funding khác, trong đó không loại từ khả năng founder tự bỏ tiền túi ra “nuôi con”. Với một startup, mỗi đồng chi ra đều phải tối ưu, bởi ăn hôm nay còn phải nghĩ đến tiền về ngày mai, và bởi nếu người ta chi 1 đồng được 1 thì startup phải cố cân đo đong đếm để 1 đồng được tối ưu nhất, ít cũng phải được 1.2, 1.3 gì đó.
Thế nhưng chỉ vì sự thiếu ý thức (hoặc ngây thơ) của các em mà bản thân doanh nghiệp giống như phải “nhịn cơm để mua áo” mà lại mua phải “áo giả” vậy. Sự thiếu ý thức đó, thậm chí có thể dẫn đến sự phá sản. Ví dụ, đơn giản như Wefit, người dùng muốn tập nhiều nhưng ít tiền, họ mua 1 gói tập cho 1 người và chia đến 5 đến 10 người, rồi doanh nghiệp không đủ tiền trả nên “tèo”. Trong quyển truyện tranh về Kinh tế vĩ mô, tác giả có nói ai cũng muốn tối ưu lợi ích của mình, nhưng cần phải tối ưu theo hướng hiệu quả chứ không phải “tranh chỗ sống” của nhau.

Về phía nhà tài trợ,

Bản thân doanh nghiệp, đặc biệt là startup trước khi đi tài trợ cho bất kỳ dự án, sự kiện nào thì đều nên thẩm định về uy tín của dự án và tổ chức đó trong việc thực hiện tài trợ trước. Bên cạnh đó cũng nên có các công cụ và phương pháp để “track” chất lượng KPI cũng như kiểm soát quá trình thực hiện KPI của các dự án sinh viên. Vì đồng tiền ra thì phải có đồng tiền về, tài trợ tiền cho tổ chức sinh viên thì cần biết rõ tiền của mình sẽ đi đâu. Về điểm này thì các fund/NGO nước ngoài tài trợ cho dự án sinh viên làm rất tốt, đến nỗi nhiều em còn rỉ tai nhau rằng: “ôi ở chỗ này keo lắm”, “ở chỗ này khó làm lắm” để mà dự án nào không minh bạch được thì tự họ né luôn ấy.
Đấy là câu chuyện về startup và việc tài trợ các sự kiện, cuộc thi, dự án của học sinh – sinh viên, có thể mỗi người có một góc nhìn khác nhau. Nhưng với cá nhân mình khi đi làm các gói marketing cho các startup hay doanh nghiệp nhỏ, thi thoảng có một vài đơn vị hỏi “em ơi chị thấy cái này cái kia hay hay là…” thì câu trả lời của mình (theo quan điểm cá nhân mình) luôn là "không". Bởi vì tài trợ các dự án HS-SV rất khó kiểm soát, mà tiền của các doanh nghiệp nhỏ và startup thì không phải dư gì cho cam. Tất nhiên, nếu doanh nghiệp có nguồn tiền ổn định và có quy mô tương đối thì cứ thoải mái, vì suy cho cùng các em cũng đem về hiệu quả thật chỉ là ít hay nhiều và trên phương diện nào thôi.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, mong rằng các em HS-SV đang dấn thân trên con đường làm dự án, xin tài trợ thì nhất định hãy: nhìn tiền mà biết sức nóng của tiền, nói được thì làm được, nhận được thì thực thi được chứ đừng vì nhận tiền mà “gian lận”. Hãy quan tâm đến yếu tố Ethics nhé, trước khi quan tâm đến các yếu tố nào khác. Dẫu biết các em làm dự án HS-SV thật ra chẳng được đồng nào, công sức bỏ ra, nhưng làm ăn ngay thẳng, minh bạch thì sẽ có reward cho các em thôi.
Vì một thế hệ trẻ giàu "ethics". Mặc dù có thể ethics không ăn được, không cho tiền các em được, nhưng không có ethics thì không thể bền vững được.
Vì một thế hệ trẻ giàu "ethics". Mặc dù có thể ethics không ăn được, không cho tiền các em được, nhưng không có ethics thì không thể bền vững được.