Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:



Mình dám cá là 90% học sinh/sinh viên thì ai cũng ngán ngẩm và than phiền vì chuyện bài vở ở trường. Bản thân mình vẫn luôn tự hỏi, trường lớp thực chất là có vai trò gì trong sự phát triển cá nhân của một học sinh? Mình chỉ có vài ý niệm mơ hồ khi lần đầu đặt câu hỏi này vào năm lớp 10 và suốt quãng đường trung học sau đó, nhưng khi lên đại học thì mình tìm ra được một câu trả lời rõ ràng hơn rất nhiều:
Mục đích cốt lõi của trường học thực chất là dạy cách tự học, và một khi bạn nắm được những nền tảng cơ bản của kỹ năng này, đây sẽ là một công cụ cực kỳ đắc lực cho giúp một cá thể trở nên thành công cho cuộc sống về sau. 
Kiến thức được dạy trên lớp có thể bị lỗi thời (và thường là thế), nhưng khả năng tự học thì không. Nhưng để đạt được kỹ năng (đầu ra), bạn cần một lượng kiến thức lớn để tôi luyện nên khả năng đấy (đầu vào).
Mặc dù điểm số chỉ thuộc dạng bình thường đến xoàng, mình cực kỳ thích môi trường đại học, phải nói là siêu thoã mãn với từng ngày đến trường. Ngoài những yếu tố xã hội như kết được nhiều bạn mới và có nhóm bạn chung chí hướng, hay khuôn viên trường lẫn các giảng đường vừa to bự vừa đẹp lung linh, thì yếu tố kích thích mình nhất vẫn là cơ hội tiếp xúc với rất nhiều nguồn kiến thức vô tận và quan trọng nhất, được khám phá và học nhiều thứ mới, khó và thú vị hơn gấp trăm lần trung học
Khuôn viên chính của trường
Không gian học nhìn phát mê luôn
Để có thể sống sót và ổn định điểm số ở năm đầu đại học, mình phải liên tục nghiên cứu và thử nghiệm nhiều cách học khác nhau cho tới khi tìm được phương pháp hiệu quả nhất, phù hợp nhất với bản thân và từ đó áp dụng nó lên những mặt khác trong cuộc sống. Nhưng bù lại, rủi ro cho hướng tiếp cận này là mình sẽ cần sẵn sàng chấp nhận một GPA thấp và một số yếu tố thiếu ổn định khác ở thời gian đầu. Và nếu mình không đủ nhạy để nhận ra một cách học đang không hiệu quả trong khoảng thời gian sớm nhất, mọi thứ sẽ dần đi xuống hoặc sẽ cứ chững lại ở một mức nhất định mãi. Qua nhiều lần bị điểm thấp cao khác nhau loạn cả lên, mình dần hiểu được bản thân hơn và thu hẹp lại được cách học hiệu quả cơ bản, và theo thời gian thành công trong việc áp dụng những hệ thống khác nhau này lên việc phát triển bản thân nói chung. Đây là một quá trình dài gồm rất nhiều thất bại mà theo mình, là một trong những thành quả lớn nhất mình thu được ở năm nhất đại học.

Đọc thêm:

I. Tối ưu hoá tư duy

Hồi đó khi gặp một vấn đề khó và đọc vào chẳng hiểu gì, mình thường đi theo lối mòn khi suy nghĩ: 
"Ôi cái này khó thế, chắc mấy người thông minh mới hiểu được. Chứ ngu ngốc như mình thì chắc còn lâu."
Đây là thứ mình phải chỉnh đầu tiên khi mật độ tiếp xúc với kiến thức khó trở nên dày đặt khi lên đại học. Khi đó, suy nghĩ kiểu này rõ ràng không giải quyết được vấn đề và còn khiến bản thân trở nên tự ti hơn rất nhiều. Thế là mình quyết định ngừng suy nghĩ linh tinh khi gặp một vấn đề khó và thay vào đó là vùi đầu vào nhiều nguồn tài liệu khác nhau và tích cực hỏi mọi người xung quanh cho tới khi nào hiểu thì thôi. Và mình đã tự nhận ra một định nghĩa đã hoàn toàn thay đổi về sự tự ti nhảm nhí của mình:
"Khó" = chưa dành đủ thời gian.
Đơn giản vậy thôi, nhưng định nghĩa này đã giúp mình chuyển đổi thứ mình không thể quyết định được khi sinh ra - trí thông minh, thành thứ mình có thể điều khiển được - thời gian dành cho vấn đề đó. Và tư duy này sinh ra động lực tích cực khiến mình chăm học hơn nhằm hiểu được một kiến thức khó. Nó đã chuyển hoá suy nghĩ lúc đầu của mình thành,
"Ôi cái này khó thế, chắc mình cần tìm hiểu nhiều hơn. Không biết có tài liệu nào trên mạng để tìm hiểu kỹ hơn không nhỉ?"
Bỗng dưng, mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn từ đó.

Một thay đổi lớn khác trong tư duy mà mình có là thay vì hỏi "Vì sao?" (Why), mình tăng tần suất đặt dạng câu hỏi "Mình có thể làm gì tiếp theo để trở nên tốt hơn?" (What) nhiều hơn, và tất nhiên không thể thiếu cả phần hành động sau đấy. Thay đổi cách hỏi bản thân giúp mình thoát ra khỏi cái bóng lẩn quẩn ở thất bại rồi trách móc bản thân - hệ quả của quá khứ, và thay vào đó là tập trung vào hành động trong tương lai. Thật bất ngờ, chỉ một thay đổi nhỏ trong cách đặt câu hỏi này đã giúp mình sửa được cái tính hay tự ái của bản thân.
Hồi đó, vì một phần còn trẻ và một phần tính cách, mình là một đứa hiếu thắng và có phần cứng đầu. Ở một số trường hợp, nó có lợi, nhưng ở mặt tiếp thu kiến thức, mình lại bị nhiều hạn chế bởi thích cãi nên rơi vào trường hợp người ta chẳng muốn truyền kiến thức gì cho mình nữa. Sau này mình đỡ hơn nhiều, nhưng vẫn cứ bị kiểu "ngầm chống đối" và đôi lúc vẫn chưa thực sự lắng nghe. Lên đại học, tiếp xúc với nhiều người giỏi hơn, và mình nhận ra:
Dốt là dốt, không lằng nhằng.
Bằng cách thừa nhận bản thân còn thiếu rất nhiều kiến thức và đặt bản thân vào tình trạng "dốt", mình đã đặt câu hỏi "Mình có thể làm gì tiếp theo để trở nên tốt hơn?" (mở ra cơ hội) thay vì "Tại sao mình dốt?" (đi vào ngõ cụt) và khiến bản thân có động lực để thành tâm lắng nghe lẫn thấu hiểu hơn. Ngạc nhiên hơn là, thừa nhận bản thân còn kém hoá ra lại khiến mình trở nên nhẹ nhõm và thoải mái hơn trong việc tiếp thu kiến thức, và cũng chẳng sợ ai mắng là "thứ con nít ranh" hay "dở hơi" nữa, miễn là họ dạy được mình cái gì đó mới sau khi nói thế. Đồng thời, mình cũng bỏ được gánh nặng cần phải chứng tỏ bản thân thông minh và nó thoải mái phết.
Và cuối cùng, tư duy có thể được tối ưu hoá bằng cách đọc sách. Sách khiến mình khôn ngoan hơn, trình bày quan điểm mạch lạc hơn, và đặc biệt nhất, nó không mắng mình là đồ ngốc.


Đọc thêm:

2. Tối ưu hoá thời gian

Sự trì hoãn (procrastination) hay còn gọi là "nước đến chân mới nhảy" là bệnh thâm niên của bao đời học sinh, và mình đã tìm ra cách để vượt qua nó bằng một hệ thống đơn giản: distributive waterfall todolists. (phân bổ thời gian và công việc theo hệ thống thác nước - tên tự chế nên nghe hơi mắc cười, xin thứ lỗi...)
Hệ thống này gồm có 3 công cụ chính: 
    1) Google Drive hoặc Notion. 
    2) Google Calendar
    3) Một cái Agenda, bằng giấy hoặc kỹ thuật số
Mục đích của hệ thống này là tối ưu hoá và tạo động lực khiến bạn làm xong một việc sẽ có muốn chuyển qua làm cái tiếp theo mà không gây cảm giác nhiều việc, ngược lại còn có phần thoã mãn/thích thú. Đồng thời để dành được vài năng lượng trong não của bạn cho việc quan trọng thay vì nhớ nhớ quên quên, "ơ, làm gì tiếp theo ấy nhở?". 

1) Plan mỗi học kỳ:

Khi một kỳ mới bắt đầu, mình thường sẽ dành tuần đầu tiên để nghiên cứu giáo án (syllabus) của mỗi môn để nắm được những chủ đề sẽ học, cần sách giáo khoa gì, chia điểm ra sao, etc. và lên Google Drive tạo một thư mục mới cho kỳ đó và tạo thêm vài thư mục nhỏ dành cho mỗi môn mình học. Kèm theo đó là tạo một Google Docs tổng hợp tất cả những thứ quan trọng trong giáo án (chủ đề học, thông tin giáo sư, làm sao để pass, etc.) vào cùng một nơi để khi cần tìm thì chỉ cần nhìn vào file này là xong, chẳng cần phải chạy lung tung tìm giáo án lớp này ở chỗ nọ.
folder và subfolders trên Drive
đây là những thứ trong syllabus overview của mình
Cuối cùng là mình bookmark lại tất cả các trang quan trọng của mỗi lớp vào Google để sau này không phải nhớ link của từng lớp. Mình thường dùng Google Drive cho việc này, nhưng bạn mình có đứa dùng Notion, một phần mềm sắp xếp công việc cũng rất tốt theo kiểu của mình trình bày ở trên, và còn miễn phí cho cả học sinh/sinh viên nữa :)

Bằng cách đọc kỹ giáo án ở mỗi đầu kỳ, mình có một ý niệm tốt về cần phải hoàn thành những gì để đạt được điểm cao ở khoá đó (hành động được hay không thì chưa biết, hiểu lý thuyết cái đã). Điểm cộng lớn nhất của cách tiếp cận này là khi mọi thứ trở nên bận rộn với nhiều bài tập, kiểm tra, dự án, etc. xảy đến cùng một lúc thì mình vẫn sẽ biết phân bố và đặt những thứ quan trọng lên trước dựa vào những biểu đồ mình tạo ra, đồng thời mình theo dõi được điểm số lên xuống thế nào và đưa ra quyết định. Ví dụ: 
- Mình đang bị điểm thấp môn này thì sẽ cần phải ưu tiên dành nhiều thời gian vào môn đó hơn để gỡ điểm
- Giữa bài tập về nhà của môn A và kiểm tra nhỏ của môn B, phần nào chiếm nhiều điểm hơn thì mình sẽ dành nhiều thời gian hơn cho cái đó
vân vân và mây mây...

2) Plan mỗi tuần/tháng

Mình thường dùng Google Calendar để tạo ra các sự kiện lặp lại nhiều lần, như lớp học/sinh hoạt clb mỗi tuần hoặc các sự kiện quan trọng như kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, hackathons, workshops, etc. Nhưng có một feature nữa mình thêm vào là biến cái calendar thành những cột mốc deadlines màu cam ở đầu mỗi ngày như hình dưới.
Hình 1
Hình 2
Khi nhìn vào mỗi tuần, ở mỗi ngày trong tuần đó, mình sẽ biết rõ cái gì sẽ xảy ra và thường sẽ rèn bản thân luôn luôn hoàn thành bài ít nhất là 3 ngày - 1 tuần trước ngày deadline. Khi nào mình hoàn thành sớm cái nào, mình sẽ biến cái block deadline đó từ màu cam thành màu xanh, và sau một tuần khi nhìn lại tuần vừa qua chỉ thấy toàn màu xanh (hình 2), thường sẽ có cảm giác cực kỳ mãn nguyện :) Đây là một dạng todolist trên Google Calendar mà mình đã tự nghĩ ra để giúp sắp xếp công việc hiệu quả hơn, vì mình luôn biết trước cái gì sẽ xảy ra vào tuần tiếp theo, trong tháng này, etc. và ra kế hoạch sắp xếp cho hợp lý.

3) Plan mỗi ngày:

Khi có được bố cục tổng thể của một tuần rồi, mỗi tối mình thường sẽ dùng đến quyển Agenda yêu dấu để plan out cho ngày tiếp theo và xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao nhất đến thấp nhất. Có thể ngày đó mình chú trọng vào bắt kịp deadline cho nghiên cứu của dự án cá nhân, hoặc có ngày mình buộc bản thân phải ôn bài cho kiểm tra trước khi muốn nhảy qua học cái mới về lập trình. Thường mình sẽ đẩy bản thân quá mức một chút để xem ngày hôm đó làm được hết những việc đầu ngày hay không, nếu được thì tốt, nếu không thì tối đó mình sẽ review lại ngày hôm đó và đánh giá lại kỹ năng phân bổ công việc của mình. 

Thường mình sẽ kết hợp học 2-3 tiếng và nghỉ 30 phút trong trung bình 9-12 tiếng một ngày và đây là tỉ lệ mình cảm thấy phù hợp với bản thân nhất, và nó chẳng giống cái tỉ lệ vàng học 20 phút nghỉ 5 phút như mọi người thường đồn đại. Cái này phải thử nhiều lần mới rút ra được, và mình nhận ra cách học của mỗi người rất khác nhau.
Và hệ thống này cũng vậy. Có thể nó rất hiệu quả với mình, nhưng có thể chẳng đáng một xu với người khác. Chẳng có gì đáng giá hơn việc tự thử, sai và trải nghiệm để hiểu bản thân hơn - vì thế tất cả những phương pháp xung quanh bạn đều mang tính chất tham khảo cho tới khi bạn rút ra được cách học tốt nhất cho chính bạn.

3. Tối ưu hoá mạng lưới quan hệ cá nhân

"Bạn là trung bình cộng của 5 người bạn dành thời gian nhiều nhất"
Ở kỳ đầu tiên đại học, vì bản tính ham chơi nên mình kết bạn với một nhóm khá hoạt bát, nhưng chỉ thích đi chơi và không lo nghĩ gì nhiều. Đi chơi thì vui đấy, nhưng được vài tuần thì mình bắt đầu thấy bản thân trở nên ù lì và không còn năng động, phát triển mạnh như lúc trước nữa. Thế là mình ngừng đi với nhóm đó và sống chậm lại, tập trung vào học hỏi nhiều hơn và không còn ép bản thân phải đi kết bạn nữa. Thay vào đó, mình đi giao du với các bạn học cùng ngành và tìm nói chuyện các anh chị khoá trên, những người lão luyện ở môi trường đại học đã đi trước tụi mình vài năm và suy nghĩ cũng trưởng thành hơn nhiều. Như anh hội trưởng của clb Software Development lớn nhất UBC, cũng là clb mình may mắn được nhận vào sau một loạt interviews, là một người mà mình rất kính nể và đã cho mình những lời khuyên quan trọng để vượt qua cuộc phỏng vấn Google. Anh chưa từng trượt một cuộc phỏng vấn nào trong 4 năm đại học kể cả những công ty ở Sillicon Valley, và bây giờ anh đang tận tình chỉ bảo một đứa lính mới như mình. Chỉ nghĩ về điều đó cũng khiến mình phấn khởi đến run cả người rồi :)
Mỗi thứ 7 mình lại đi họp clb 4 tiếng để học thêm từ các anh chị khoá trên
Vì thích đi học hơn đi chơi, mình dần lập một nhóm bạn cùng ngành CS và toàn cắm sân mỗi ngày ở thư viện cùng nhau học. Nhóm ngày càng đông vui và cuối cùng, tụi mình lập một group chat trên Facebook dành cho sinh viên CS năm nhất ở UBC chuyên bàn về ngành của tụi mình. Bất ngờ là mình được gặp những bạn năm nhất siêu giỏi về máy tính, kiểu cực kỳ thông minh và GPA toàn trên 4.0 nhưng nói chuyện vẫn vui vẻ hoà đồng và thích giúp đỡ mọi người trong nhóm. Mình gặp được những người cho mình cảm hứng vô tận để tiếp tục học hỏi và trở thành một phiên bản tốt hơn ngày hôm qua, và mình mừng vì đã không sống vội như hồi đầu năm học.
Ngoài những mối quan hệ ở trường học, anh bạn trai của mình, dù đã tốt nghiệp và công việc ổn định rồi nhưng vẫn mỗi ngày học thêm kiến thức mới và là một mentor tuyệt vời khi dạy mình cực kỳ nhiều thứ trong cuộc sống nói chung và lập trình nói riêng. Nếu mình không chăm chỉ trau dồi kiến thức mỗi ngày để đồng hành cùng thì chắc đã không quen được anh, điều đó vô tình thiết lập một mối quan hệ được dựa trên kiến thức để phát triển cuộc sống và để tụi mình luôn cùng nhau đi về phía trước. Đồng thời thì mình cũng hay đi chơi với một nhóm các anh người Việt làm IT và tạo một mạng lưới quan hệ với nhiều công ty công nghệ/startup ở trong thành phố để lâu lâu lại nhắn trên LinkedIn rủ người này người kia đi cafe chém gió và thế là lại học được nhiều thứ hay ho từ các bậc tiền bối. 
Kỹ năng này mình học được từ một bác kỹ sư cấp cao ở Hootsuite khi bác ấy nói với mình:
Hey kid, everyone is only one coffee away from you :)
Có nghĩa là khi bạn muốn học hỏi từ ai đó, hãy mạnh dạn nhắn tin với họ và mời một ly cafe. Trường hợp xấu nhất là họ không trả lời thôi, chẳng có gì to tát cả, nhưng nếu họ nhận lời thì bạn có thể sẽ học được rất nhiều. 
Hay việc siêng đọc cái bài chất lượng ở Spiderum và bàn luận với các anh chị cũng thường giúp mình có thêm góc nhìn khác/kỹ năng mới trong cuộc sống này. Mình từng rủ và dành ra 2-3 tiếng video chat với anh Husky nghe anh phân tích về nền kinh tế và công nghệ, từng thức nói chuyện tới 3h sáng với anh Hex nghe anh kể về cuộc đời (hoặc có lúc ngồi nghe anh hát acoustic lol), từng ngồi hàng giờ thảo luận về sách Spiderum với chị Nga Levi, hay hồi đó được ngồi chém gió với chị Gwens và anh Việt Anh trên group chat về định hướng tương lai của Spiderum cũng siêu xịn xò.
Một trong những mục tiêu về VN của mình là được gặp chị Gwens. Trò chuyện với chị lúc nào cũng khiến mình phấn khích vì được mở rộng tầm mắt ra nhiều góc nhìn độc lạ khác, nói chung là cực kỳ thích chị :)
Việc liên tục bao quanh bản thân giữa những người giỏi như vậy khiến mình cũng tham lam muốn trở nên giỏi hơn để có thể đủ trình độ trò chuyện với họ, và điều đó tạo động lực để mình cố gắng phát triển bản thân hơn bao giờ hết.

4. Tối ưu hoá mạng xã hội

Mình từng nghiện mạng xã hội, từng cách ly 2 tháng với nó, nhưng rốt cuộc mình tìm ra điểm cân bằng tốt nhất vẫn là sử dụng nó với mục đích phục vụ việc phát triển bản thân. Vì lẽ đó, mình áp dụng ý tưởng "kiến thức ở mọi nơi" bằng cách vây quanh bản thân với những chủ đề mà mình muốn học/quan tâm trên mọi mặt trận: từ Facebook, Instagram đến Reddit, Quora, Youtube etc. và xoá/unfollow tất cả những trang ngôn tình, phim ảnh giải trí vớ vẩn tới báo chí giật gân. 
Kết quả là khi mình giải lao giữa những lúc học, thay vì bị cuốn vào một video về mèo 15 phút lăn qua lăn lại, mình tập cho bản thân thói quen đọc báo và cập nhật kiến thức mới giữa những giờ nghỉ đó. Lúc đầu mình đã thấy khó khăn biết bao, nhưng giờ quen thì lại cảm thấy thoải mái và đọc được nhiều bài báo hoặc thông tin chuyên ngành hơn. Đây là một tối ưu hoá mà mình nghĩ là đơn giản nhưng đồng thời khá quan trọng vì nó đã từng chiếm rất nhiều thời gian của mình. Bằng cách vây quanh bản thân với kiến thức và tận dụng nguồn có sẵn thay vì tin rác, mình cảm thấy đầu óc được mở rộng ra nhiều và đỡ bị sốc thông tin rác hơn lúc trước.
Feed Quora, Reddit và Facebook của mình sau khi được lọc

5. Tối ưu hoá thất bại

Tối ưu hoá thất bại ở đây không có nghĩa chỉ phân tích và rút ra được bài học sau khi thất bại, mà còn có thêm một hành động nữa là liên tục đẩy bản thân ra khỏi comfort zone để tăng cơ hội thất bại ở trong càng nhiều môi trường càng tốt. Vì mình nhận ra mình học được nhiều và nhanh nhất qua nhiều thất bại đa dạng khác nhau, và nếu thất bại không đến thì bản thân cần phải tự vận động tạo ra cơ hội. Sau khi được nhận vào Google, mình phải vắt óc suy nghĩ phải làm gì tiếp theo vì nếu ngồi an phận đợi tới kỳ thực tập thì lại ngứa ngáy tay chân quá, mà chỉ học bài trên trường thì lại không thú vị tí nào. 
Thế là có đứa lần đầu tò tò đi làm freelance, bị người ta tận dụng vì không lập hợp đồng đàng hoàng, bị trả cực thấp vì tính sai công sức sẽ bỏ ra, và mém bị quỵt tiền nếu da mặt mà mỏng hơn xíu nữa. Và sau cú ngã đau đớn mình đã đâm đầu vô học tất cả mọi thứ cơ bản liên quan tới ngành freelance để đảm bảo không đẩy bản thân vô tình thế đó nữa.
Thế là có đứa lần đầu lơ ngơ đi đầu tư một chút vào cổ phiếu, tập tành học về tài chính cơ bản và thử tìm đọc một vài cuốn sách từ thư viện sau khi tài khoản chính thức quay về số 0 tròn trĩnh. Dùng tiền ngu thì sẽ ra thế, và mình không muốn phải quay lại cảm giác thất bại toàn tập đó nữa, thế là phải lại phải học.
Thế là có đứa lần đầu hoang mang đi tìm vị trí remote part-time developer trên mạng bằng cách tham gia cả chục group trên Facebook và nhắn cho kha khá recruiters trên LinkedIn, phần lớn chẳng ai rảnh đi trả lời cho một đứa thò lò mũi xanh năm nhất, đòi remote, lại đòi cả part-time, lại còn đòi cả vị trí developer... May mà vẫn có 2 startup, một bên Sillicon Valley (SV), một bên New York (NY) trả lời và muốn mình thử coding challenge 90 phút của họ. Mình liều nhận hết và dành một tuần học về MySQL và Typescript cho React theo yêu cầu của bên SV. Dành một tuần nữa để học full-stack Ruby on Rails theo yêu cầu bên NY. Tất cả đều là công nghệ mới mình chưa đụng bao giờ, nhưng vì mình máu, mình muốn thử. Sau đó mình làm thử thì cả 2 bài đều thuộc dạng system design, lại thêm một mảng mình chưa đào sâu vào và nhờ thế mình biết mình còn thiếu nhiều lắm. Hiện thì kết quả vẫn chưa có nhưng mà rớt thì thôi, mình lại đi nộp và kiếm cái khác học tiếp, chuyện nhỏ. 
(Minh hoạ) Những câu hỏi system design thường dành cho vị trí junior-intermidiate software developer
Và một vài chuyện hay ho khác như chuyện mém làm nổ bếp khi nướng bánh, nhưng mà khi rảnh sẽ kể sau :>

Kết

Tổng kết lại, có 5 yếu tố lớn nên được tối ưu hoá nhằm phục vụ cho việc học và phát triển bản thân tốt nhất:
1. Tìm và thay đổi những tư duy không hiệu quả                
2. Quản lý chặt chẽ thời gian
3. Mở rộng & phát triển mạng lưới quan hệ cá nhân
4. Lọc thông tin và biến mạng xã hội thành nguồn học mở từ những cộng đồng / trang uy tín
5. Tích cực và mạnh dạn đa dạng hoá thất bại
Mình mong là bài viết từ trải nghiệm và góc nhìn cá nhân của mình sẽ giúp được gì đó cho những bạn học sinh/sinh viên muốn phấn đấu phát triển hơn ngoài kia. Mọi thứ trong bài đều mang hơi hướng gợi ý và truyền cảm hứng thôi nên các bạn vẫn phải tự phát triển riêng cách học tốt nhất cho riêng bản thân đấy nhé, đừng lười. 
Chúc may mắn!
Scarlet.
Bài viết cùng tác giả: