TẠI SAO VIỆC VIẾT LÁCH NGÀY CÀNG KHÓ KHĂN?
Khi nhu cầu chia sẻ thông tin và chia sẻ bài viết cá nhân tăng cao, khi những platform như Spiderum, Medium hay hàng tá hội nhóm viết...
Khi nhu cầu chia sẻ thông tin và chia sẻ bài viết cá nhân tăng cao, khi những platform như Spiderum, Medium hay hàng tá hội nhóm viết lách ra đời thì có thể nhận định rằng số người viết bài và chia sẻ đang tăng lên không ngừng. Nhưng làm thế nào để chất lượng bài viết cũng tăng cao như số lượng của nó khi dường như những điều cần viết ra, nói ra ngày càng khó hơn?
Tin vui là lỗi không phải đến từ mỗi người viết khi sự khó khăn này xuất hiện.
Nhưng tin buồn là nếu bạn không cố gắng nhiều hơn và nghiêm túc hơn thì câu chữ của của bạn sẽ chẳng ai thèm đọc cả.
Trong bài viết này tôi sẽ nói về (1)các yếu tố con người nói chung ảnh hưởng đến chất lượng viết lách của các cá nhân, (2)gợi ý và đề xuất một số cách giải quyết hữu ích trong phạm vi spiderum và một số nền tảng mạng xã hội. Mong rằng sẽ giúp được và có tác dụng với các bạn.
I- VÀI NGUYÊN NHÂN TIÊU BIỂU
1) NGƯỜI ĐỌC ĐANG ĐÒI HỎI CAO HƠN VỀ CHẤT LƯỢNG BÀI VIẾT
Có hai điều người đọc thường quan tâm khi truy cập internet, đó là nội dung kiến thức, cung cấp điều mới mẻ, thú vị, hay ho và thứ hai là nội dung giải trí, có thể là câu chuyện cười, là bài đả kích châm biếm hay mấy tranh biếm họa vui vẻ, cũng có khi là các bài viết kể chuyện cá nhân nhưng duyên dáng, dễ thương làm người đọc hài lòng dễ chịu.
Ở Spiderum thì tôi thấy phần nhiều là các bài viết quan điểm, tranh luận thường thu hút nhiều người viết và người đọc hơn, các mảng khác cũng được tối ưu hóa thành các chủ đề nhưng có vẻ độ hot thì không sánh bằng chuyên mục Tranh luận. Điều đó cũng dễ hiểu khi phần nhiều chúng ta thích những yếu tố drama hóng chuyện hơn việc cố dung nạp Lý thuyết xung đột xã hội là gì hoặc Tại sao việc chụp ảnh được hố đen lại quan trọng.
Xã hội phát triển hơn, có nhiều nội dung hấp dẫn để lựa chọn hơn thì tất nhiên người đọc có quyền yêu cầu cao hơn về những gì họ tiếp nhận trên mạng và sách vở, và đây là điều tốt. Họ ngày càng khó tính và bận rộn hơn để có thể đọc mọi bài viết cũng như chấp nhận các quan điểm của người viết. Một người viết trên spiderum từng thẳng thừng nói rằng chỉ ấn vào đọc bài nào trên 10 upvotes. Wow, nghe hơi “thượng đẳng” nhưng tôi cho rằng điều đó hợp lí khi số lượng bài viết thì tăng nhan nhản mà chất lượng thì hên xui.
Lí lẽ đơn giản để hiểu ở đây là “Nếu anh không mang lại lợi ích thông tin gì hoặc sự thú vị, giải trí cho tôi thì tại sao tôi phải tốn thời gian đọc bài của anh hoặc upvote/like/share cho anh làm gì?”
Một vấn nạn khác đang xảy ra đó là những câu hỏi “Tại sao tôi phải quan tâm tới thứ văn vở viết đầy mùi thiên kiến và ngụy biện này?” xuất hiện nhiều hơn khi người đọc phải nuốt rất nhiều văn rác. Tôi nghĩ nhiều người đọc spiderum cũng gặp phải tình trạng này theo từng giai đoạn.
2) NGƯỜI VIẾT THÌ CHƯA ĐÁP ỨNG ĐƯỢC NHU CẦU ĐÓ
Việc viết lách hiện nay đã không còn giống ngày xưa, cái thời học cấp 2 cấp 3 hay kể cả mấy bài tiểu luận Đại học hay mấy status dài thượt trên facebook nữa. Nếu bạn muốn chia sẻ nội dung chất lượng thì bạn phải có kiến thức, nếu bạn muốn tâm sự thì bạn phải biết kể chuyện, nếu bạn muốn tranh luận, phản biện, phân tích vấn đề nào đó thì bạn phải có quan điểm vững chắc được xây từ nền tảng giáo dục hoặc tự học tốt.
Không thể nói về kinh tế, bong bóng tài chính mà không có kiến thức tối thiểu về kinh tế vĩ mô, vi mô được, không thể chửi tifosi nếu bạn không bóc mẽ được tên này đang ngụy biện cái gì, không thể nói về việc mua nhà, thuê nhà nếu chưa từng tham gia giao dịch bất động sản bao giờ hoặc không phải người trong ngành. Tóm lại là không thể cứ nói xơi xơi vô nghĩa được vì nếu chỉ có thế thì người ta đọc bài của bạn làm gì?
Điều thứ hai cần lưu ý sau khi tự tin đã có kiến thức là xây dựng luận điểm rõ ràng, có luận cứ cụ thể và tất cả các câu viết ra đều phải được chứng minh. Cô giáo dạy môn Phương pháp cơ bản trong nghiên cứu truyền thông (Research Method in Communications) từng dặn chúng tôi một nghìn lần: Mỗi khi viết câu gì trong bài luận/bài nghiên cứu/bài viết bất kì, nếu không tự nghĩ ra câu đấy thì phải trích dẫn có nguồn. Tôi nghĩ bạn cũng nên áp dụng câu đấy nếu muốn bài viết chặt chẽ và chất lượng hơn.
Tôi thường không thích lấy các bài viết trên spiderum hay mạng xã hội để minh họa nhưng khi viết bài này thì cũng vô tình đọc một bài viết cho vui, đọc xong vẫn chẳng hiểu tác giả muốn nhắn chúng ta điều gì sâu xa ngoài cái tit: http://spiderum.com/bai-dang/DAU-TU-VAO-BAN-THAN-SE-DUOC-DEN-DAP-p6i
Hay một bài dịch về sách vở mà cả nội dung lẫn bản dịch đều khiến người ta không hiểu đang đọc cái gì: https://www.facebook.com/groups/vietnamquora/permalink/2659943334238786/ (nhóm kín quoravn, không xem được thì bạn xem tạm ảnh minh họa tôi đặt dưới)
Những bài như trên nhan nhản trên spiderum nên bạn thích thì ấn bừa vào vài bài kiểu gì cũng có.
Cũng có thể do cách các bạn đặt tit hay quá nên làm người đọc bị thất vọng với nội dung bên dưới nhưng như thế tôi sẽ quy cho bạn tội “lừa người đọc” haha.
3) CHÚNG TA THẤY NGƯỢNG NGÙNG KHI VIẾT RA NHỮNG ĐIỀU MÌNH NGHĨ
Không đủ tự tin với điều mình sắp nói, không đủ kiến thức để viết “nó” thành một áng văn hùng vĩ nên phải chọn cách viết an toàn tẻ nhạt. Hay việc trên mạng có quá nhiều người viết tốt khiến chúng ta chùn bước trước khi nói ra những điều muốn chia sẻ. Hoặc đơn giản là lười viết.
Có một ngàn lí do để bạn ngại ngùng bày tỏ quan điểm qua câu chữ nhưng nếu những điều đấy mạnh mẽ hơn mong mỏi được viết thì hãy cứ lo tiếp đi vì thế giới ngoài kia đang có hàng ngàn người ngày đêm cố gắng hơn nhiều. Họ dần giỏi hơn, viết hay hơn, có được những cơ hội tốt hơn còn chúng ta ngồi đây lo sợ một bài viết không hay bị vài người xa lạ trên mạng chửi, vậy có đáng không? Không thích thì không cần quan tâm, nhưng nếu muốn đạt được thì phải có can đảm làm đã.
Tôi không nói là đừng sợ, nhưng không có bắt đầu và luyện tập thì sẽ không có kết quả. Và không có kết quả thì mọi thứ mãi chỉ nằm trên trong suy nghĩ sẽ phai tàn theo thời gian thôi.
Trên đây là vài lí do, và dưới đây là vài gợi ý.
II- VÀI GỢI Ý ĐỂ BÀI VIẾT CHẤT LƯỢNG HƠN
1) ĐỂ VIẾT ỔN HƠN
Trước khi viết các bạn cần xác định rõ các yếu tố sau:
Mình viết cho ai?Mình viết nhằm mục đích gì? Giải quyết vấn đề hay đưa ra vấn đề hay phản biện vấn đề?Bài viết có để giải quyết vấn đề gì không nếu không thì ai hay cái gì có thể giải quyết nó?
Ngoài những câu hỏi bên trên thì tôi nghĩ đầu tiên vẫn phải là xác định điều bạn muốn nói. Bài viết này dùng để làm gì? Đưa thông tin, lý thuyết mới? Trả lời câu hỏi của giáo sư? Giới thiệu một phương pháp hữu ích hay là một bài dizz tung chưởng mấy đứa đang xạo l trên mạng?
Sau đó đó tuân thủ nghiêm ngặt quy trình 3 bước: lập dàn ý - viết bài - biên tập. (Lại) có lời khuyên là nên để bài viết sau 1 đến 2 ngày rồi mới quay lại biên tập bài, như thế ta có thể nhìn ra được những lỗi cơ bản mà lần viết đầu tiên chưa thấy, khá có lý.
(Tham khảo bài viết này để rõ hơn)
Để viết hay hơn thì không có cách nào ngoài đọc nhiều hơn và viết nhiều hơn cả. Nghe có vẻ chung chung mơ hồ nhưng tiếc rằng không có đường tắt để thay đổi nó. Chọn những đầu sách khó nhằn hay những đầu sách yêu thích, bất cứ sách gì có thể khiến bạn mở mang suy nghĩ hay thậm chí vò đầu bứt tai vì đọc mãi không hiểu càng tốt. Còn viết nhiều hơn thì hiển nhiên, có nhiều người từng đưa lời khuyên về việc viết lách, trên mạng có lẽ cũng không thiếu, còn tôi thì nghĩ rằng hãy chăm chỉ và có trách nhiệm với mọi thứ mình viết là đủ, đọc nhiều lời khuyên mà không thực hiện thì thật vô nghĩa. Đặt mục tiêu một tuần/bài viết hoặc 2 tuần/bài viết chất lượng cũng là một cách khả thi.
Đừng chờ đợi cảm hứng, chỉ có kỉ luật mới mang lại kết quả.
Hãy nghiêm túc với câu chữ của mình, đừng nghĩ rằng hôm nay vui vui nên viết hay tương tự vậy, nếu muốn nhảm nhí thì viết status được rồi, nếu muốn trải lòng mà không đưa cho người đọc một kết luận thì cũng chỉ nên viết status trên instagram, đừng làm lãng phí không gian mạng hay thiếu sự đầu tư với việc viết lách.
Nếu bạn đã tự tin mình có một bài viết tốt mà vẫn không có nhiều người đọc thì một là có lẽ bài viết không đủ tốt như bạn nghĩ, hai là nó thiếu vài yếu tố hấp dẫn người đọc như một cái tit hay hay hình ảnh đại diện chất lượng cao. Cũng có thể do yếu tố khác như không phải giờ hoàng đạo hoặc chủ đề bạn chọn không mang lại sự hào hứng cho sống đông. Cái đấy thì phải nghiên cứu kĩ lại hoặc nhờ người có chuyên môn đánh giá.
2) VỀ VIỆC ĐẶT TITLE VÀ ẢNH MINH HỌA
Đặt tit thì nên đúng trọng tâm bài viết, đừng đặt một nẻo viết một đằng hoặc để tit quá kêu, quá rộng trong khi nội dung thì chỉ một góc.
Giật tít cũng không hẳn là việc tốt nhưng tit mà không hay thì ít người tò mò ấn vào đọc lắm. Tôi sẽ gợi ý vài mẹo cho bạn viết tit gây hứng thú nhưng hi vọng các bạn sẽ đính kèm nó một bài viết chất lượng:
- Dùng con số, đúng hơn thì là cụ thể hóa bằng số liệu: 5 cách để viết tốt hơn, 10 cách để dễ ngủ hơn, 15 cách để có người yêu, 100 cách để vượt qua thất tình,.. v.v nghe nhảm nhí nhưng sự tò mò và thắc mắc của thế giới này chưa bao giờ ít cả.
- Đặt câu hỏi: Tại sao? Vì sao? Ngàn sao? Làm thế nào để abc xyz? Ai là người thật sự yêu bạn?… vẫn với lí do bên trên.
- Những cụm từ hot, theo xu hướng hoặc mấy từ nguy hiểm này cũng được: “Hệ thống”, “đã vượt qua” “đã đạt được” “bí quyết (trên trời)”, “tiền” “Đây là cách…”, “bitcoin”,...Vân vân và mây mây
Ảnh minh họa nên chọn ảnh chất lượng cao, cỡ ngang. Tham khảo bài viết này và bài viết này (của chính chủ động nhện) để minh họa thật xịn xò nhé.
TẠM KẾT,
Dù để viết hay và giỏi không đơn giản nhưng tôi tin rằng sự cố gắng và tử tế sẽ đem lại kết quả ngọt ngào cho người viết.
Mong rằng những chia sẻ trong bài viết này giúp ích được cho bạn trong việc cải thiện viết lách và sớm thấy được nhiều bài viết chất lượng hơn.
Hẹn gặp lại.
(Như mọi khi, xin phép quảng cáo chiếc blog nhảm nhí của người viết ở đây )
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất