Sống Thử Và Sức Mạnh Của Ngôn Từ
Đôi khi ngôn từ có thể tác động lên ta nhiều hơn ta nghĩ.
Hôm rồi mình tình cờ nghe được podcast của anh Sói Ăn Chay (ai làm trong ngành quảng cáo chắc ít nhiều cũng biết đến ảnh) về năng lượng của từ ngữ. Theo anh chia sẻ, mỗi từ chúng ta dùng đều có những sắc thái cảm xúc rất riêng, có thể hoặc là tiêu cực hoặc là tích cực. Và quan trọng hơn là khả năng hấp thu nguồn năng lượng ấy sẽ tỷ lệ thuận với tần suất ta sử dụng những từ ngữ tạo ra chúng. Hoạt động này diễn ra một cách vô thức như kiểu mưa dầm thấm lâu. Thế nên đôi khi chúng ta không hề ý thức được về việc đó.
May mắn thế nào đấy mà ngay sau đó mình vớ được một bài viết khiến mình bắt đầu để tâm đến từ ngữ hơn. Gần đây mình có đọc được một bài viết chia sẻ quan điểm có nên sống thử trước hôn nhân hay không. Nội dung không có gì quá nổi bật và mới mẻ. Tuy nhiên, trong mình tự nhiên xuất hiện một suy nghĩ. Mình cảm thấy không ổn lắm với việc mọi người dùng từ “sống thử” để để mô tả việc nam nữ ở chung với nhau trước hôn nhân, bởi một số lý do như sau:
1) Sắc thái của từ “thử” trong tiếng việt
Theo quan sát cá nhân, “thử” mang lại cảm giác thoải mái, chứ ít khi thể hiện sự nghiêm túc. Một trong những câu cửa miệng mà mọi người hay dùng để động viên nhau là: “Cứ thử đi, được thì được không được thì thôi chứ có sao đâu” hay “Cứ thử đi, biết đâu lại được”. Rõ ràng, “thử” trong tiếng Việt gắn liền với tâm lý hên xui may rủi và thường được sử dụng trong những trường hợp có vẻ như khả năng của đối tượng phần nào chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Thành ra, nhiều người hay “thử” một thứ gì đó với tâm lý thoải mái quá mức vì “không được thì thôi”.
Có cảm giác, “thử” trong tiếng Việt thường được dùng để chỉ những thứ nice-to-have thay vì must-have. Rõ ràng đối với phần đông mọi người, “thử” không phải là một cái gì đấy quá nghiêm túc. Tất cả những khái niệm được gắn với từ “thử” đều mang lại cảm giác bớt căng thẳng hơn. Cũng vì thế, tính nghiêm trọng của sự việc thường theo đó mà cũng bị coi nhẹ.
Thử lấy công việc làm ví dụ. Theo ý kiến cá nhân, chính việc dùng từ “thử việc” để mô tả thời gian đầu khi một nhân sự bắt đầu vào làm việc cho một tổ chức, đã vô thức tạo nên tâm lý “chill” quá mức nơi người nhân viên đó. Họ coi đó là một việc trôi theo dòng nước, ai bảo gì thì làm nấy và nếu được nhận vào làm chính thức thì tốt, không thì thôi. Trong khi lẽ ra thái độ mà nhân viên đó nên có là nỗ lực hết sức để chứng minh cho các sếp thấy quyết định tuyển dụng của họ là hoàn toàn đúng đắn.
Trở lại với câu chuyện mình có vấn đề với từ “sống thử” (mình không hề có ý kiến gì với bản chất hoạt động đó nhé). Chính việc gọi tên có phần dễ dãi khiến cho một bộ phận thế hệ trẻ có một thái độ và tâm lý chưa thật sự phù hợp. Trong quá khứ, việc chung sống trước khi kết hôn là điều không thể chấp nhận trong văn hóa Việt Nam, đặc biệt là với người phụ nữ. Dẫu cho việc mọi người đã suy nghĩ thoáng hơn trong những năm gần đây, thì mọi thứ cũng chỉ dừng lại ở mức được xã hội ngầm chấp nhận (đặc biệt từ phía các bậc phụ huynh) hơn là được ủng hộ một cách chính thức. Rõ ràng việc 2 người chung sống với nhau luôn có một ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với họ và còn đối với những người thân xung quanh.
Trong tiếng Anh, từ tương đương với “sống thử” là “cohabit”. Có thể dễ dàng nhận thấy, từ này dược cấu tạo bởi động từ chính là “habit” (cư trú) và tiền cố “co-” có nghĩa là “cùng”. Theo Oxford Learner's Dictionaries, cohabit được định nghĩa như sau:
to live together and have a sexual relationship without being married
Tạm dịch là chung sống và có mối quan hệ về mặt tính dục (not tình dục) mà không kết hôn.
Có thể thấy, không hề có một yếu tố “thử” nào trong cách tiếng Anh mô tả hoạt động này. Và thực tế cũng chứng minh rằng tất cả những điều xảy ra trong quá trình 2 người sống chung với nhau đều là thật. Việc 2 người yêu thương chăm sóc hay gây lộn bất hòa là thật. Việc 2 người quan hệ tình dục với nhau là thật. Và việc phát sinh vấn đề cả về vật chất lẫn tinh thần trong thời gian chung sống đều là thật. Tuy nhiên, “sống thử” dường như chưa thể mô tả được tính chất nghiêm túc của bất kỳ khía cạnh nào của hoạt động.
So sánh sau có vẻ hơi khập khiễng và sặc mùi cá nhân, tuy nhiên đối với mình “sống thử” nghe cũng giống y chang như việc bạn thử một bộ quần áo: khả năng cao là bạn sẽ không cảm thấy cần phải có trách nhiệm gắn kết với chúng. Nếu cảm thấy không hợp vì lý do nào đó, bạn hoàn tòa có thể đổi qua món khác mà theo ý kiến chủ quan thì chúng hợp với bạn hơn.
Đa phần chúng ta khi đi mua đồ, đều có xu hướng chọn những thứ phù hợp với bản thân mình thay vì cố gắng thay đổi một vài khuyết điểm của bản thân để hợp hơn với món đồ đó. Ví dụ khi thử một chiếc áo cực fancy nhưng có vẻ không vừa vặn lắm, ta thường dễ dàng chọn một chiếc áo khác có thể không đẹp bằng nhưng vừa size với mình hơn. Với tâm lý “không được thì thôi”, ta hầu như chẳng có một nỗ lực gì đáng kể trong việc phải diện cho bằng được chiếc áo fancy kia. Có chăng cũng chỉ là cảm giác tiếc nuối trong giây lát thay vì một hành động cụ thể, ví dụ như cố gắng giảm cân. Bằng lòng với một chiếc áo khác rõ ràng là nhanh và tiện hơn so với việc đổ mồ hôi công sức ở phòng tập hàng giờ trong nhiều tháng liền.
Đôi khi ta không nhận ra điều này, vì “thử” đã trở nên quá quen thuộc. Sức mạnh của ngôn từ là ở chỗ, khi được gắn với một ý niệm nhất định, nhận thức của chúng ta sẽ hình thành một sợi dây liên kết vô hình giữa các yếu tố cấu thành từ ngữ (mặt chữ, cách đọc, âm thanh của từ) với khái niệm mà từ ngữ đó đại hiện. Nó hoạt động như một dạng ám thị. Cũng tương tự như việc nhắc đến smartphone, mạng xã hội thường là một trong những thứ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí chúng ta. Cũng như thế, khi bất kỳ một khái niệm nào có chứa từ “thử” trong tên gọi thì dù muốn dù không, ta cũng phần nào cho rằng việc đó cũng kiểu “chơi chơi”, không có gì căng thẳng lắm. Từ đó, vô thức sinh ra thái độ thiếu nghiêm túc. Mặc dù đôi khi bản chất của sự việc đó chẳng hề là một trò đùa.
Và sẽ thật khó để ta có thể nhận ra điều này, nếu ta không phải là một người có thói quen để tâm và nghiền ngẫm những thứ bình thường trong đời sống. Đặc biệt là trong trường hợp tất cả mọi người xung quanh ta đều gọi sự vật/hiện tượng đó bằng một cái tên nhất định trong một thời gian dài.
2) “Sống thử nghiệm”
Bản thân mình thích dùng từ “sống thử nghiệm” thay cho “sống thử”. Nghe có thể khô khan, dài dòng và không thuận miệng lắm nhỉ. Hiển nhiên là như thế vì tất cả chúng ta đã quá quen với từ “sống thử” nên rất mong các bạn có thể dành thêm chút thời gian đọc tiếp những suy nghĩ của mình trước khi tiếp tục cho mình vài rổ gạch xây nhà nhé.
“Thử nghiệm” mang lại cho ta cảm giác nghiêm túc vì nó nghe có vẻ rất hàn lâm và cực kỳ khoa học. Và để có được kết quả như mong muốn, người thực hiện “thử nghiệm” phải có sự cố gắng và đầu tư về mặt thời gian cũng như kiến thức. Và trùng hợp thay, đó cũng chính là những điều ta cần chuẩn bị trước khi quyết định sống chung với một người nào đó.
Về cơ bản, cuộc sống của mỗi người chúng ta là tổ hợp của một loạt những sự khó khăn. Thế nên, không gì vô lý bằng việc hy vọng rằng 2 cá nhân với cuộc sống chó cắn như thế có thể “êm ả với nhau qua ngày tháng - hè xối gàu nước mát, lửa hồng khi đông sang” (mình trích tí nhạc Đen Vâu vào cho up mood 😉).
Mình từng rất (không) may mắn, khi có thời gian cũng tương đối dài ở cùng với một vài cặp đôi. Quan sát cách họ sống chung với nhau, mình mới cảm nhận được mọi thứ khó khăn đến nhường nào. Họ có thể nổi đóa với nhau về những việc hết sức là nhỏ nhặt như nam thản nhiên nhấc đít đi ra, để bệ bồn cầu ướt nhẹp sau khi đi vệ sinh hay nữ phơi bra quay ra ngoài thay vì quay vào trong.
Đối với mình, chung sống với một người là khi bạn vỡ ra nhiều điều mà bạn cứ ngỡ rằng mình đã hiểu rõ về đối phương. Đó cũng là thời gian bạn có cơ hội được tận mắt chứng kiến những thứ mà trước giờ bạn chưa hề biết về người đó (dễ thấy nhất là thói quen sinh hoạt hàng ngày). Và tất cả những điều đó cần có sự đầu tư cả về tình cảm lẫn sự trưởng thành để có thể cùng nhau trải qua. Nếu tất cả những gì bạn chuẩn bị chỉ là tâm lý “thử”, thì khả năng cao những điều bạn có được sau thời gian sống chung chỉ là những câu chuyện bêu rếu người yêu cũ.
Ngoài ra, mình cũng tâm đắc với từ “sống thử nghiệm” ở chỗ nó có được 2 vế: “thử” và “nghiệm”. Hãy thử nhớ lại xem đã bao nhiêu lần ta thử học một kỹ năng mới để rồi nhanh chóng bỏ cuộc với lý do chán hoặc bản thân không hợp. Lý do cho việc này có thể vì ta chỉ “thử” thôi chứ chưa “nghiệm”.
“Nghiệm” đối với mình có ý nghĩa hết sức quan trọng. “Nghiệm” là dành thời gian ra suy nghĩ, chiêm nghiệm về những điều ta đã làm hay nói đúng hơn là những thứ mình đã thử, để đánh giá xem liệu điêu mình làm hợp lý hay chưa, đã tiến bộ hay chưa, hay vì một lý do nào đó mà bản thân chưa đạt được kết quả mong muốn.
Cũng giống như “học” và “hành”, “thử” và “nghiệm” cần phải đi đôi với nhau thì mới có thể bổ trợ cho nhau và giúp chúng ta đạt dược những thứ to lớn thay vì thỏa mãn với những sự hời hợt nhất thời. Hẳn ta không còn lạ gì với việc bản thân đọc rất nhiều sách nhưng chỉ một thời gian ngắn sau là hầu như không thể nhớ được sách nào nói gì. Có thể phần lớn là do ta đã quá tập trung vào số lượng mà quên mất đi việc dành thời gian để chiêm nghiệm những thứ mình đã đọc.
Mình đã đọc được ở đâu đó rằng thời gian ta nên dành ra để chiêm nghiệm một việc gì tốt nhất là nên bằng xấp xỉ khoảng thời gian ta bỏ ra để làm nó. Có như vậy, bạn mới cho cơ thể và tâm trí mình có đủ thời gian để tiêu hóa và ngẫm nghĩ về những điều bản thân đã làm. Có thể bạn cho rằng như thế thật mất thời gian vì rõ ràng năng suất giảm đi một nửa. Nhưng bạn ơi cứ thử tin mình đi 😉. So với việc dành ra 2 tiếng đọc sách và không nhớ gì thì việc đọc 1 tiếng và dùng 1 tiếng còn lại để suy ngẫm về những điều vừa đọc có lợi hơn rất nhiều.
Tương tự như vậy, cái cần nhất khi sống chung với người mình thương là việc ta dành thời gian để “nghiệm” không chỉ về những thứ phát xuất từ bản thân ta mình mà còn về những hành động, lời nói và cử chỉ của đối phương. Nhiều khi chỉ một cái chớp mắt, một cái lắc đầu nhẹ hay một câu nói tưởng chừng là bâng quơ cũng hàm chứa rất nhiều điều mà đối phương muốn ta biết nhưng vì một lý do gì đó không thể diễn tả thành lời.
Và một điều quan trọng hơn, hãy chia sẻ cho nhau những điều ta “nghiệm” về họ cũng như về chính bản thân mình. Trong một mối quan hệ, không gì quan trọng hơn việc giao tiếp. Không có giao tiếp, việc ta “nghiệm” về đối phương rất dễ trở thành những suy nghĩ tiêu cực, đặc biệt là khi ta và họ đang có những khúc mắc chưa được tháo gỡ. Khi đó, thay vì mục đích để hiểu và thông cảm với đối phương hơn, “nghiệm” rất dễ trở thành lý do bao biện cho sự suy diễn có phần quy chụp và vô căn cứ, hòng thỏa mãn cái tôi ích kỷ và đầy nghi ngờ của mỗi người chúng ta.
Trên đây là một chút những suy nghĩ của mình về từ “sống thử” dưới góc nhìn phân tích ngôn từ. Mình tin rằng ta không nhất thiết phải đặt chân lên đỉnh Phan-xi-păng hay đi phượt cả ngàn cây số mới có thể có cho mình những góc nhìn mới mẻ (tuy nhiên, mình vẫn rất muốn đi như thế 😉). Đôi khi vấn đề nằm trong những sự rất đời thường mà có thể ta đã vô tình không để ý, ví dụ như từ ngữ chúng ta sử dụng hàng ngày. Hãy thử tập cho mình có thói quen lâu lâu sống chậm lại một xíu để để ý những thứ ngay trước mắt mình nhé. Mình tin chắc chúng ta sẽ khám phá ra ít nhất là một điều gì đó mới mẻ, góp phần làm giàu thêm trải nghiệm của mỗi người.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất