Sơ lược lịch sử phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Sơ lược về lịch sử hình thành cũng như phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Với đất nước Việt Nam nói riêng và mọi quốc gia trên thế giới nói chung, lực lượng vũ trang luôn là một phần quan trọng không thể thiếu. Lực lượng vũ trang của Việt Nam có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước và toàn vẹn lãnh thổ. Và với lực lượng vũ trang của chúng ta, nòng cốt chính là lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam. Với lịch sử gần 80 năm hình thành và phát triển, kinh qua nhiều cuộc chiến, có thể nói Quân đội nhân dân Việt Nam là một lực lượng thiện chiến, đáng gờm không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi thế giới. Lịch sử hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam như thế nào?
Trước Cách mạng tháng Tám
Tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam là một lực lượng có quy mô rất khiêm tốn mang tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, thành lập ngày 22/12/1944 tại rừng Sam Cao thuộc Châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Lực lượng ban đầu chỉ gồm 34 chiến sĩ, với vẻn vẹn 19 khẩu súng các loại. Chỉ huy chung của lực lượng là Võ Nguyên Giáp, có đội trưởng là Hoàng Sâm, Dương Mạc Thạch là chính trị viên, Hoàng Văn Thái phụ trách tình báo và kế hoạch tác chiến. Trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là Trận Phai Khắt, Nà Ngần - diễn ra vào 2 ngày 25, 26 tháng 12 năm ấy. Có thể nói đây là một dấu mốc quan trọng, bởi vì nó là bài thuốc thử đầu tiên cho Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân còn non trẻ. Lực lượng của Việt Minh đã hạ thành công 2 đồn Phai Khắt và Nà Ngần, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ lính, thu được nhiều vũ khí, tiền bạc và không tổn thất một ai. Đây tuy là một chiến thắng nhỏ, nhưng rất quan trọng và củng cố tinh thần cho lực lượng non trẻ của Việt Minh.
Cũng trong khoảng thời gian này, lực lượng Tuyên truyền Giải phóng quân cũng đã giúp che chở và hỗ trợ các thành viên của Cơ quan Tình báo chiến lược Hoa Kỳ khi nhóm này lạc sang Việt Nam. Chỉ huy của lực lượng này là Archimedes Patti cũng đã tiếp xúc với Hồ Chí Minh cùng Võ Nguyên Giáp. Những sự gặp mặt và hợp tác giữa họ đã góp phần lớn trong sự phát triển của lực lượng Tuyên truyền Giải phóng quân giai đoạn đầu tiên.
Đến ngày 15/4/1945, Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ họp tại Hiệp Hòa, Bắc Giang đã quyết định sáp nhập hai lực lượng Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc quân lại làm một. Lực lượng mới này được đổi tên gọn lại thành Giải phóng quân - cũng là lực lượng quân sự chính của Việt Minh để giành chính quyền. Lễ hợp nhất được tổ chức một tháng sau đó tại rừng Thàn Mát, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Vào ngày 16/8/1945, khi Cách mạng tháng Tám chính thức nổ ra, Giải phóng quân đã tiến đánh Thái Nguyên với khoảng 450 người. 7 ngày sau, quân Nhật ở Thái Nguyên mới chấp nhận giao nộp vũ khí cho Giải phóng quân. Cùng với vô số cuộc nổi dậy trên khắp Việt Nam, giành lại chính quyền, lực lượng Giải phóng quân ngày càng lớn mạnh và phát triển về quy mô, số lượng, trở thành nòng cốt để xây dựng và bảo vệ chính quyền mới Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thời kỳ Kháng chiến chống Pháp
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Giải phóng quân cũng trở thành lực lượng nòng cốt quân đội quốc gia. Tháng 11/1945, lực lượng được đổi tên thành Vệ quốc đoàn (hoặc hay được gọi là Vệ quốc quân). Quân số lúc này của Vệ quốc quân có khoảng 5 vạn người, được tổ chức làm 40 chi đội ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Trong đó, một số chi đội đã được cử đi vào miền nam để giúp quân dân chống lại lực lượng quân Pháp đang bắt đầu tấn công trở lại.
Ngày 22/5/1946, Vệ quốc đoàn được được đổi tên lần nữa, trở thành Quân đội Quốc gia Việt Nam, được đặt dưới sự chỉ huy tập trung thống nhất của Bộ Tổng tham mưu. Quân đội cũng được tổ chức biên chế theo các đơn vị như trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội,... Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đặc biệt coi trọng việc xây dựng các lực lượng vũ trang quần chúng và lực lượng bán vũ trang; ví dụ như dân quân và tự vệ. Đến cuối năm 1946, ước tính có khoảng trên dưới 1 triệu dân quân tự vệ đã được tổ chức và huấn luyện quân sự.
Sau khi thực dân Pháp chính thức quay trở lại xâm lược Việt Nam, chính phủ và Bộ Tổng tham mưu cũng quyết định rút khỏi các thành phố lớn và thực hiện kháng chiến trường kỳ. Giai đoạn đầu của kháng chiến là quãng thời gian cực kỳ khó khăn và gian khổ. Quân đội Quốc gia Việt Nam phải chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn đủ đường, từ trang thiết bị cho đến vũ khí. Vào khoảng đầu năm 1947, lực lượng quân đội chính quy của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có khoảng 9 vạn người, nhưng chỉ có hơn 26000 khẩu súng trường và vẻn vẹn hơn 1500 khẩu súng máy các loại. Đó là chưa kể đến tình trạng kỹ thuật của súng không đảm bảo, và số lượng đạn dược cũng không hề dư dả. Giai đoạn này quân đội chủ yếu vẫn phải chiến đấu bằng vũ khí thô sơ.
Mặc dù trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn, thế nhưng Quân đội Quốc gia Việt Nam vẫn kiên trì thực hiện kháng chiến, giành được nhiều thắng lợi quan trọng, đặc biệt là trong chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947. Lực lượng của quân Pháp mặc dù sở hữu lợi thế về mặt trang thiết bị nhưng vẫn không thể tiêu diệt được đầu não kháng chiến, dần dần sa lầy khi chiến sự kéo dài. Trong khi đó, nhờ vào sự hỗ trợ của các nước khối xã hội chủ nghĩa, mà nhất là Trung Quốc mà lực lượng quân đội của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày càng lớn mạnh, được huấn luyện bài bản và trang bị được cải thiện đáng kể. Đến năm 1949 thì hoàn thiện tổ chức tiểu đoàn bộ binh, gồm 3 đại đội bộ binh và 1 đại đội có hỏa lực mạnh, được trang bị cả súng máy hạng nặng và súng cối. Hầu hết các đơn vị bộ đội chủ lực được thành lập tại chiến khu Việt Bắc và được huấn luyện ở các doanh trại của Trung Quốc. Và kể từ sau chiến dịch Biên giới 1950, việc tiếp tế và viện trợ trở nên dễ dàng và xuyên suốt hơn. Đến cuối năm 1953, đội xe tải chuyên làm nhiệm vụ tiếp vận đã lên tới hơn 600 chiếc. Cũng từ sau năm 1950, để chuẩn bị cho những cuộc phản công, các sư đoàn quan trọng được thành lập và đến nay vẫn là khối cơ động chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cũng trong giai đoạn 1948 - 1949, Pháp bắt đầu sử dụng chiến lược Da vàng hóa chiến tranh, và ký kết một Hiệp ước quân sự với chính phủ Quốc gia Việt Nam (trực thuộc Liên hiệp Pháp với Quốc trưởng là cựu Hoàng đế Bảo Đại). Theo đó, một lực lượng quân đội người Việt bản xứ được thành lập, cũng mang tên là Quân đội Quốc gia Việt Nam; nhưng quyền quyết định tối cao trên chiến trường vẫn thuộc về người Pháp. Lực lượng này tham gia cùng quân đội Pháp chiến đấu chống lại lực lượng quân đội của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây cũng là tiền thân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa về sau. Và để phân biệt, lực lượng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu chuyển sang sử dụng danh xưng Quân đội nhân dân Việt Nam - danh xưng tồn tại cho đến ngày nay.
Năm 1954, sau 56 ngày đêm chiến đấu tại Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi quyết định trong toàn cuộc Kháng chiến chống Pháp, tạo tiền đề để ép Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán ký kết Hiệp định Geneve. Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là một dấu mốc quan trọng, khi mà lần đầu tiên đội quân của một nước thuộc địa đánh bại một đội quân thực dân trong lịch sử thế giới thế kỷ XX. Thiếu tá Marcel Bigeard - người đã tham chiến tại Đông Dương trong suốt 9 năm và có mặt tại Điện Biên Phủ từ những ngày đầu xây dựng cứ điểm đến khi đầu hàng - cũng đã dành những lời khâm phục với chiến tích của Quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa:
"Tôi đã thấy họ khởi sự từ những khẩu súng săn và sau đó, tháng này qua tháng khác, họ được tổ chức thành những nhóm nhỏ, rồi từ các nhóm nhỏ thành trung đội, từ các trung đội lên đại đội, từ đại đội lên tiểu đoàn và lữ đoàn và cuối cùng là thành các sư đoàn. Tôi đã thấy tất cả những điều này và tôi có thể nói với các vị rằng họ đã trở thành những người lính bộ binh vĩ đại nhất trên thế giới. Những người lính dẻo dai này có thể đi bộ 50 km trong đêm tối bằng sức của một bát cơm, trên những đôi giày bata và hát vang trên đường ra trận. Theo quan điểm của tôi, họ đã trở thành những người lính bộ binh ngoại hạng và họ đã đánh bại được chúng ta"
Vào ngày 24/9/1954, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng ra quyết định để quy định rằng "Quân đội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ nay gọi thống nhất là: Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ
Sau Hiệp định Geneve, Việt Nam bị chia cách thành 2 miền ở Vĩ tuyến 17. Ở miền nam, Hoa Kỳ bắt đầu can thiệp vào Đông Dương thay thế cho Pháp. Phía Mỹ đã tiếp tục thực hiện chiến lược Da vàng hóa chiến tranh từ thời Pháp, hỗ trợ cho chế độ Việt Nam Cộng hòa nhằm từ chối thi hành triệt để Hiệp định Geneve. Mục đích sau cùng là chia cắt Việt Nam lâu dài (như đã từng thực hiện với bán đảo Triều Tiên) và ngăn chặn đến cùng sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản. Về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với mục tiêu “đánh đổ sự thống trị thực dân mới của Mỹ”, lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã được thành lập vào ngày 15/2/1961; gọi tắt là Giải phóng quân, trên cơ sở thống nhất các lực lượng vũ trang chống Mỹ ở miền Nam. Ban đầu, chủ yếu lực lượng đều là người miền Nam, nhưng về sau đã được tăng viện thêm bộ đội từ miền Bắc vào.
Phía Mỹ thường phân biệt Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam với Quân đội nhân dân Việt Nam và cho rằng đây là hai lực lượng khác nhau. Thế nhưng trên thực tế, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam vẫn là một bộ phận trực thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuộc Kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam ngay từ đầu đã mang tính chất toàn quốc với quân dân miền Nam trực tiếp tham chiến tuyến đầu còn miền Bắc thì chi viện và bổ sung nhân lực, tài lực cho chiến trường.
Cuộc Kháng chiến chống Mỹ là một cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt hơn rất nhiều so với Kháng chiến chống Pháp. Tuy vậy, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn kiên cường chiến đấu, kiên định với mục tiêu thống nhất hai miền bằng mọi giá. Nhờ vậy, lần lượt cả 3 chiến lược chiến tranh của Mỹ là Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh đều bị phá sản. Thậm chí, có những lúc số quân Mỹ và đồng minh trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam lên tới hơn nửa triệu người; nhưng cuối cùng cuộc chiến vẫn sa lầy. Sau nhiều năm tham chiến mà không đạt được mục đích, chịu sự phản đối mạnh mẽ của chính dư luận trong nước, Mỹ đã buộc phải rút quân hoàn toàn khỏi Việt Nam và ký kết Hiệp định Paris năm 1973. Mất đi sự tham chiến của quân đội Mỹ và viện trợ quân sự dồi dào, chỉ 2 năm sau, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã phải chịu thất bại nhanh chóng sau 55 ngày đêm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Cuộc Kháng chiến chống Mỹ và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam thắng lợi hoàn toàn, mặc dù những dư âm và nỗi đau cuộc chiến này để lại vẫn còn cho đến tận ngày nay. Tuy thế, không thể phủ nhận đây vẫn là một chiến công xuất sắc và vĩ đại của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tướng Lindsey Kiang - một nhà sử học Mỹ có nhiều năm tham chiến và công tác ở Việt Nam đã không tiếc lời khen ngợi sự quả cảm, thông minh và kỷ luật của những người lính Việt Nam:
“Tất cả những điều tôi đọc, tôi nghe được từ họ đều toát lên một sự tôn trọng dành cho các cựu chiến binh Việt Nam, bất kể đó là Giải phóng quân của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam hay quân chính quy từ miền Bắc vào. Những nhận xét đó thường là: Bộ đội Việt Nam thông minh, tiết tháo, có kỹ năng và lòng quyết tâm. Họ cũng là những người dũng cảm tuyệt vời trước hỏa lực khủng khiếp của pháo binh và không quân Mỹ. Nhiều cựu chiến binh Mỹ thường nhắc lại với niềm cảm phục sâu sắc khả năng chống đỡ của đối thủ dưới làn đạn mà những trận rải thảm B-52 là ví dụ điển hình. Ở miền Nam, lính Mỹ cũng đánh giá cao bộ đội của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Mặc dù có số lượng và hỏa lực áp đảo, có nguồn lực dồi dào và khả năng di chuyển cao nhưng lính Mỹ và đồng minh luôn vấp phải những khó khăn khi đối đầu với đối thủ, những người được quyết định đánh khi nào. Có thể thấy rằng, những người lính dũng cảm này đã tận dụng được yếu tố bất ngờ để giành chiến thắng trong những tình thế ngặt nghèo nhất. Miền Trung Việt Nam là nơi những đội quân tinh nhuệ nhất của quân đội Mỹ đối đầu với quân chính quy Bắc Việt Nam... một trung sĩ lính thủy đánh bộ nói với bạn tôi rằng: "Thưa ngài, lính Bắc Việt Nam đánh giỏi như chúng ta". Nên biết rằng, lính thủy đánh bộ Mỹ là những chiến binh ưu tú nhất, được chọn từ bộ binh sang. Đó quả là một lời khen ngợi đối thủ.”
Do phải chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn hỏa lực mạnh, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tập trung phát triển các chiến thuật bộ binh phù hợp với số vũ khí hạn chế có trong tay và đúc kết kinh nghiệm thu được trong quá trình chiến đấu. Kết quả là Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã có lực lượng bộ binh hạng nhẹ được coi là một trong những lực lượng thiện chiến hàng đầu trên thế giới. Trong một cuộc khảo sát sau cuộc chiến với các sĩ quan Mỹ từng phục vụ trong chiến tranh Việt Nam, 44% đánh giá Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam là "thiện chiến và gan góc". Một sĩ quan thậm chí còn nhận xét rằng “Họ là địch thủ giỏi nhất mà chúng ta từng phải đối mặt trong lịch sử!”
Tại thời điểm năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong những lực lượng thường trực đông đảo và có lẽ là thiện chiến nhất thế giới; với 1,26 triệu quân chủ lực và địa phương (chỉ đứng sau Liên Xô, Trung Quốc và Mỹ). Đó là chưa kể đến hàng triệu dân quân, du kích và tự vệ.
Giai đoạn từ 1975 - 1989
Sau khi giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân Giải phóng miền Nam hợp nhất lại thành một. Do yêu cầu tình hình chính trị - quân sự trên bán đảo Đông Dương, đặc biệt là cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc chống lại sự xâm lược của Trung Quốc năm 1979; lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam luôn được duy trì ở mức cao điểm từ 1,6 - 2 triệu quân. Quân đội được tổ chức thành nhiều quân đoàn chủ lực, 8 quân khu và 2 bộ tư lệnh quân tình nguyện ở Lào và Campuchia.
Giai đoạn này cũng tiếp tục ghi nhận việc Liên Xô duy trì viện trợ quân sự cao cho Việt Nam. Theo nhà nghiên cứu Carlyle Alan Thayer, trong khoảng 15 năm từ 1974 - 1989, tổng viện trợ quân sự của Liên Xô dành cho Việt Nam lên đến khoảng 14,5 tỷ đô. Nhờ vậy, trang bị của Quân đội nhân dân Việt Nam vừa có số lượng lớn mà cũng tương đối hiện đại. Đây cũng là giai đoạn Quân đội nhân dân Việt Nam được đánh giá là mạnh nhất trong khu vực, quân số đông, thiện chiến và kỹ năng tác chiến cao. Chính sách của Việt Nam trước sau vẫn như một: đó là không tiến hành đe dọa an ninh các nước trong khu vực. Dù vậy, việc Quân đội nhân dân Việt Nam duy trì số quân thường trực lớn và có nhiều đơn vị đóng quân ở Lào và Campuchia cũng khiến nhiều nước Đông Nam Á, nhất là Thái Lan, tỏ ra quan ngại về một cuộc xâm lược. Thế nhưng giai đoạn này Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ tiếp tục tham chiến để tiêu diệt tàn quân du kích Khmer Đỏ của Campuchia và chống lại các cuộc tấn công của Trung Quốc ở biên giới phía bắc, đồng thời cũng xảy ra xung đột với Thái Lan, nhưng chưa lên đến quy mô một cuộc chiến toàn diện. Dần dần, với việc tình hình căng thẳng trong khu vực và trên thế giới giảm xuống, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng bắt đầu giảm tải số lượng quân thường trực, nhất là trong thời kỳ cải cách và mở cửa để bình thường hóa quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới.
Thời kỳ cải cách, mở cửa cho đến nay
Sau nhiều đợt cắt giảm số lượng quân thường trực và giải thể nhiều quân đoàn, cũng như thay đổi về nghĩa vụ quân sự được thực hiện trong nhiều năm, đến nay quân đội Việt nam duy trì số quân thường trực khoảng 45 vạn người và khoảng 5 triệu quân dự bị. Đây vẫn là một con số khá đáng kể và Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn là một lực lượng vũ trang lớn trên thế giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường đầu tư mạnh và hiện đại hóa quân đội; trình độ trang bị công nghệ cao cũng ngày càng hoàn thiện. Việc hiện đại hóa quân đội đã luôn là tư tưởng chủ đạo qua các khóa Đại hội Đảng. Việt Nam chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực quốc phòng trao đổi kinh nghiệm và học thuật với các nước khác, hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng và tiếp tục mua vũ khí, trang thiết bị quân sự từ các nước để bảo vệ đất nước và toàn bộ vùng biển của Việt Nam. Tới năm 2016, quan hệ quân sự Việt-Mỹ thực sự được bình thường hóa khi phía Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam.
Hiện nay, trình độ trang bị công nghệ cao của Quân đội Việt Nam tuy chưa được hoàn thiện toàn bộ, nhưng các binh chủng vẫn có nhiều loại vũ khí hiện đại, tân tiến. Hơn nữa, với kinh nghiệm của mình trong các cuộc chiến tranh đã trải qua, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là lực lượng thiện chiến nhất trong khu vực, có thể hành động hiệu quả khi xung đột vũ trang xảy ra. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã 2 lần trúng cử trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc vào nhiệm kỳ 2008 - 2009 và 2020 - 2021.
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất