Phân tích lịch sử: Về nghi án "Vua Quang Trung giả sang Trung Hoa"
Những phân tích và góc nhìn xoay quanh nghi vấn lịch sử "Có phải Quang Trung giả là người sang Trung Hoa hay không"?
Triều Tây Sơn nói chung và bản thân vua Quang Trung nói riêng là một trường hợp khá thú vị trong lịch sử Việt Nam. Thời gian tồn tại tuy ngắn nhưng sức sống của Tây Sơn lại cực kỳ mạnh mẽ, có lẽ hầu hết là nhờ những chiến công uy dũng đáng kinh ngạc của Quang Trung Hoàng đế Nguyễn Huệ. Quang Trung và triều Tây Sơn luôn là một đề tài thú vị trong lịch sử. Tuy chỉ ở ngôi hơn 3 năm, nhưng những nghi vấn lịch sử xung quanh thiên tài quân sự này lại nhiều đến bất ngờ. Trong số đó, có một nghi án lịch sử nổi tiếng bậc nhất - nghi án “Giả vương nhập cận”. Hay nói cách khác, đó chính là những giả thuyết và nghi vấn xung quanh việc liệu người dẫn đầu phái đoàn Tây Sơn sang chúc thọ Càn Long Hoàng đế của nhà Thanh vào năm 1790 có phải một Quang Trung giả hay không? Vậy bản chất của chuyến công du này như thế nào? Người sang Trung Hoa là Quang Trung giả hay thật? Có những bằng chứng nào ủng hộ hay phản bác điều ấy? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết sau.
Tài liệu tham khảo ngoài chính sử hai nước còn có hai tác phẩm biên khảo của Nguyễn Duy Chính là "Giở lại một nghi án lịch sử - 'Giả vương nhập cận' - Có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không?" và "Phái đoàn Đại Việt và Lễ Bát tuần Khánh thọ của Thanh Cao Tông".
Bối cảnh lịch sử
Thời Tây Sơn luôn là một trong những thời kỳ có nguồn sử liệu khan hiếm và ít ỏi nhất trong lịch sử Việt Nam, mặc dù thời gian tồn tại không phải quá ngắn (24 năm nếu tính từ khi Nguyễn Nhạc xưng Thái Đức Hoàng đế, hoặc 31 năm nếu tính từ lúc Tây Sơn khởi binh). Tuy nhiên, sử liệu về một quãng thời gian trong khoảng thời gian ấy lại vô cùng ít ỏi, nếu không muốn nói là gần như khuyết hoàn toàn. Giai đoạn đó chỉ độ hơn 10 năm và diễn ra trong khoảng độ một nửa đất nước, nhưng đến nay ghi chép về những gì đã xảy ra từ lúc Tây Sơn đánh Thanh tới lúc diệt vong vẫn còn rất mơ hồ, manh mún. Nguồn tài liệu chủ yếu và đáng tin hơn cả là những ghi chép của các văn thần nhà Tây Sơn; các ghi chép trong sử Thanh; thư từ trao đổi giữa các nhóm lưu vong của cựu triều nhà Lê hay của quan lại Tây Sơn với quan lại nhà Thanh. Các tài liệu chính sử của Việt Nam (mà chủ yếu được biên soạn bởi sử quan nhà Nguyễn) thường có xu hướng hạ thấp và chép sai lệch, nhầm lẫn về nhà Tây Sơn; cho nên chỉ dùng để đối chiếu ở một mức độ nhất định.
Lâu nay khi nhắc về triều Tây Sơn nói chung và thời Quang Trung nói riêng, sự kiện hay được để ý nhất là cuộc chiến Việt - Thanh cuối năm 1788 và đầu năm 1789. Tuy nhiên, xét trong 14 năm từ lúc Nguyễn Huệ lên ngôi đến khi Tây Sơn bị diệt; cuộc chiến với nhà Thanh chỉ là một giai đoạn bất ổn ngắn, thậm chí có thể coi là bất thường trong bang giao giữa hai triều. Sự thật là ngay sau khi cuộc chiến ấy kết thúc, bang giao giữa Tây Sơn và Thanh lập tức được nối lại và dần trở nên đằm thắm và mật thiết hơn bất cứ giai đoạn nào khác trong lịch sử nước ta. Tương tự như vậy, nhận định về bang giao hai nước thời Quang Trung thường có xu hướng giản lược đi thành vài sự kiện riêng rẽ. Thế nhưng nếu phân tích kỹ, mặc dù Quang Trung chỉ ở ngôi được gần 4 năm, nhưng bang giao Việt - Thanh có thể được chia làm 4 thời kỳ và có liên quan mật thiết như sau:
- Cuộc xung đột giữa Tây Sơn và nhà Thanh, xoay quanh việc Trung Hoa lần đầu tiên sau gần 400 năm mới lại can thiệp quân sự trực tiếp vào nước ta để tái lập nhà Lê (cuối 1788 - đầu 1789)
- Hai nước hòa đàm ngay sau cuộc chiến và việc nhà Thanh chính thức công nhận nhà Tây Sơn; bao gồm việc phong vương và phái đoàn sứ bộ do Nguyễn Quang Hiển dẫn đầu sang Bắc Kinh nhận sắc ấn (1789 - 1790)
- Chuyến công du của phái đoàn Tây Sơn nhân dịp Bát tuần Khánh thọ của vua Càn Long (1790)
- Bang giao hai nước thời Quang Trung (1791 - 1792)
Bốn giai đoạn này xảy ra liên tiếp, có những việc chồng lên nhau khiến nhân - quả không rõ rệt, một biến cố thậm chí có thể bắt nguồn từ những việc từ quá khứ trước đó; lại cũng có những việc xảy ra hoàn toàn độc lập. Mà trong đó, có lẽ quan trọng và đáng chú ý nhất chính là chuyến công du của phái đoàn Tây Sơn sang chúc thọ vua Càn Long - trọng tâm của nghi án lịch sử “Giả vương nhập cận” mà chúng ta sẽ bàn trong bài này.

Đại Việt cuối năm 1788, các vùng lãnh thổ lần lượt do Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Phúc Ánh cai quản
Có thể nhận định rằng, chuyến đi của phái đoàn Quang Trung (vấn đề thật - giả chúng ta tạm không bàn đến) sang Trung Hoa năm 1790 đánh dấu một biến chuyển lớn trong quan hệ hai nước. Chuyến đi đó là một biến cố có thể nói là độc nhất vô nhị trong lịch sử nước ta và cả lịch sử nhà Thanh. Nguyên nhân của chuyến công du đó cũng chẳng hoàn toàn là do chiến công hiển hách của Tây Sơn đầu năm 1789, mà còn rất nhiều lý do khác nữa. Thậm chí trong một chừng mực nào đó, triều đình nhà Thanh đã phải gắng sức thuyết phục phía Tây Sơn để chuyến công du này được diễn ra. Còn về phía triều Tây Sơn, đây là một chuyến đi nâng cao quốc thể, khiến cho vị thế nước ta được nâng tầm đáng kể. Đáng tiếc là quãng thời gian này kéo dài không lâu, do vua Quang Trung băng hà đột ngột năm 1792.
Để hiểu được tiền nhân hậu quả của sự kiện độc nhất vô nhị này, đầu tiên chúng ta cần phải hiểu về lịch sử thời đại đó.
Vào thời điểm này, nhà Thanh đang ở trong một thời kỳ đỉnh cao thịnh trị, về sau được ca tụng là Khang Ung Càn thịnh thế, kéo dài hơn 130 năm. Tuy nhiên về cuối thời Càn Long, nền chính trị của nhà Thanh cũng gặp phải nhiều vấn đề như tham quan lũng đoạn, quốc khố dần rơi vào tình trạng cạn kiệt. Về mặt xã hội, lúc này Trung Hoa cũng dần đi vào một thời kỳ trì trệ, không có nhiều sự phát triển hay tiến bộ. Việc tự coi mình là một thế giới riêng và tự hào rằng đã đạt tới một cơ cấu hoàn hảo về chính trị, kinh tế, xã hội đã dẫn đến tâm lý bài ngoại và chỉ yêu thích những gì giống hay bắt chước mình. Bởi lẽ ấy, những quốc gia chịu ảnh hưởng về văn hiến của Trung Hoa luôn được đánh giá cao - được xếp vào hàng “văn hiến chi bang”. Mặt khác, nhà Thanh nói chung và bản thân vua Càn Long nói riêng cũng rất thích phô trương sức mạnh quân sự, nên mới dẫn đến cái gọi là “thập toàn võ công”; khi vua Càn Long liên tục cho tổ chức nhiều cuộc viễn chinh (và là nguyên nhân đáng kể dẫn đến quốc khố cạn kiệt). Trong đó, đáng kể nhất là các lần khởi binh sang Miến Điện, Đài Loan và Đại Việt.
Với Miến Điện, nhà Thanh thua trận liên tiếp, dẫn đến việc nhiều tướng lĩnh hoặc tử trận, hoặc bị trị tội nặng, có người tự tử; chưa kể đến nhiều binh lính và quan lại bị bắt giữ. Điều này khiến vua Càn Long ôm một mối hận không sao kể xiết.
Chiến dịch Đài Loan thì thành công một cách toàn diện và tương đối dễ dàng khi lực lượng phản loạn có quy mô và trang bị, kỷ luật kém hơn quân triều đình rất nhiều. Vậy nên chỉ huy chiến dịch là Phúc Khang An nhanh chóng đạt được thắng lợi và nhờ khôn khéo thổi phồng kết quả khiến ông trở thành sủng thần số một của Càn Long.
Với chiến dịch đánh Đại Việt, thực chất nó chỉ là một bản sao của chiến dịch Đài Loan. Ngay từ đầu, để Càn Long khỏi lo về một cuộc chiến sa lầy như với Miến Điện, Tôn Sĩ Nghị đã mớm lời cho những quan lại nhà Lê lưu vong, khẳng định rằng một khi quân Thanh qua được ải Nam Quan, các lực lượng cần vương sẽ nhất tề hưởng ứng. Quân Thanh thậm chí sẽ không cần vất vả, chỉ việc đứng xem; và thậm chí nếu thuận lợi, biết đâu nhà Thanh sẽ làm được như nhà Minh trước đó - sáp nhập nước ta lại thành quận huyện?
Thực tế đã cho thấy, quân Thanh quả là tiến như chẻ tre, khi lực lượng Tây Sơn ở Bắc Hà chưa vững mạnh, lại phải đối phó với nhiều nhóm phù Lê. Trước tình hình ấy, Đại tư mã Ngô Văn Sở đã chủ trương vừa đánh vừa rút về Nghệ An, và cấp báo để Nguyễn Huệ đem chủ lực Tây Sơn lên viện trợ. Chỉ trong một tháng, Tôn Sĩ Nghị đã vào được Thăng Long và lập tức thực hiện phong vương cho Lê Duy Kỳ (tức vua Chiêu Thống). Lúc này, lực lượng viễn chinh của nhà Thanh cần phải ra một quyết định quan trọng: tiếp tục truy đuổi Tây Sơn, hay lập tức rút quân khi mục đích đã hoàn thành? Người lo việc hậu cần cho quân đội lúc bấy giờ là Tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh đã báo rằng muốn thiết lập hệ thống vận lương và dịch trạm từ Thăng Long vào Thuận Hóa sẽ cực kỳ tốn kém về tiền bạc và nhân công. Điều này khiến Càn Long thấy rằng nếu không kịp thời dừng lại thì rất có thể chiến dịch này sẽ lại sa lầy như Miến Điện. Vả lại, lúc này việc tổ chức lễ Bát tuần Khánh thọ quan trọng hơn nhiều, cho nên Càn Long ra lệnh chuẩn bị lui quân, vì mục tiêu là tái lập nhà Lê đã hoàn tất rồi, coi như thắng lợi. Thế nhưng bản thân Tôn Sĩ Nghị lại muốn thừa thắng tiến lên bắt cho bằng được Nguyễn Huệ giải về Bắc Kinh dâng lên để trị tội. Toan tính ấy chẳng vì ông ta có lòng với Càn Long, mà cũng chính vì bản thân Tôn Sĩ Nghị muốn có được sự sủng ái như Phúc Khang An. Xa hơn nữa, ông ta muốn nhờ chiến công hiển hách này mà được đặc cách gia nhập Bát kỳ Mãn Châu (vốn là lực lượng chỉ cho người Mãn gia nhập), đời đời thế tập và nhất là lấy cớ bảo hộ mà chiếm đóng An Nam. Tôn Sĩ Nghị bỏ qua lệnh của Càn Long, gửi thư cho Xiêm La yêu cầu điều binh chẹn mặt sau, đợi sau Tết sẽ tiến hành chiến dịch.

Cương vực nhà Thanh vào năm 1820 dưới thời Gia Khánh đế
Trước mối nguy này, dĩ nhiên Nguyễn Huệ không thể ngồi yên chịu chết trong cảnh bốn bề thọ địch. Ở phía Bắc là quân Thanh và các lực lượng cần vương, ở phía Nam và phía Tây là các lực lượng Xiêm La và quân Gia Định của chúa Nguyễn Phúc Ánh. Ông nhận ra ngay là trong các lực lượng này, chính quân Thanh mới là phe dễ đánh nhất khi yếu cả về thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Dân Bắc Hà tuy vẫn nhớ về nhà Lê, nhưng ý thức cảnh giác về lực lượng ngoại xâm còn mạnh hơn, khiến các nơi đều không hưởng ứng như trước. Tây Sơn bây giờ đánh ra Bắc không còn là can thiệp vào nội trị của một nước, mà danh chính ngôn thuận là đánh đuổi xâm lăng. Và như thế, dẫn đến chiến dịch xuân Kỷ Dậu 1789, khi Tây Sơn đại phá quân Thanh vào ngày Tết. Tôn Sĩ Nghị và tàn quân phải tháo chạy về nước, triều đình nhà Lê của vua Chiêu Thống cũng đi theo. Quang Trung đường đường chính chính lên ngôi và cai quản cả vùng Bắc Hà. Xung đột giữa Tây Sơn và nhà Thanh đã kết thúc, bang giao giữa hai nước chuyển sang một giai đoạn mới.
Như đã nói ở trên, xung đột quân sự giữa hai nước Việt - Thanh cuối năm 1788 đầu năm 1789 thực chất chỉ là một giai đoạn ngắn và dường như bất ổn suốt thời kỳ Tây Sơn. Rõ ràng đây là một chiến dịch được lên kế hoạch vội vã, gần như bốc đồng; bởi vì đến khi một số quan lại nhà Lê chạy sang cầu cứu, triều đình nhà Thanh mới nghĩ đến việc can thiệp quân sự trực tiếp. Và ngay sau khi thua trận, Càn Long lập tức bỏ rơi vua tôi Lê Duy Kỳ mà quay sang ưu đãi nhà Tây Sơn của Nguyễn Huệ. Ông thi ân cho Lê Duy Kỳ và gia quyến cùng các quan lại đi theo, cho họ chức tước ở chừng mực nào đó để ít nhất không lo cái ăn cái mặc; nhưng đồng thời cũng xác định rõ rằng họ sẽ phải ở lại Trung Hoa, ăn vận như quan lại người Mãn, đừng mơ được về nước. Mục tiêu của Càn Long đã chuyển sang ưu ái vua Quang Trung, thậm chí có thể nói là thân mật đến bất thường, khi mà chỉ mấy tháng trước ông còn kết án Nguyễn Huệ là loại loạn thần cướp nước. Càn Long tiếp đón phái đoàn do Nguyễn Quang Hiển sang cầu phong một cách chu đáo, có phần hơi quá mức; rồi cho người sang phong vương với đầy đủ nghi lễ; rồi đến khi phái đoàn do chính Quang Trung dẫn đầu sang chúc thọ, thì việc đón tiếp đối xử còn thân tình và ưu đãi hơn nữa.
Vì đâu lại có sự thay đổi lớn này trong cách đối xử của Thanh triều với Tây Sơn? Với cương vị là một nước yếu hơn, dĩ nhiên triều đình Tây Sơn phải đối xử khôn khéo, làm đẹp lòng nhà Thanh bằng mọi cách, và nhất là làm sao để cho Quang Trung được chính thức phong vương. Nhưng rõ ràng trong bang giao hai nước thời kỳ này, chính bên phía Thanh triều cũng đối xử lại rất ưu ái và tựa hồ như họ cũng cần Tây Sơn hài lòng vậy. Hay nói cách khác, bang giao Thanh - Việt sau xung đột quân sự 1788 - 1789 là một cuộc trao đổi phức tạp, khi mà cả hai nước đều muốn đạt được những mục đích khác nhau từ bên còn lại.
Tình thế hai nước sau cuộc chiến xuân Kỷ Dậu và bang giao trong năm 1789
Chúng ta có thể đồng ý rằng chiến dịch quân sự của Tây Sơn vào đầu năm 1789 là một chiến công oanh liệt, đáng ghi nhận. Chỉ trong 5 ngày, đại quân Tây Sơn đã đánh bại hoàn toàn hàng vạn quân Thanh đóng ở Thăng Long, khiến Tôn Sĩ Nghị phải tháo chạy trong hoảng loạn. Tuy nhiên đây mới chỉ là khởi đầu của câu chuyện bang giao đầy phức tạp và toan tính của cả hai nước. Đối với bản thân Quang Trung và nhà Tây Sơn, đánh bại quân Thanh hẳn là không khó, nhưng vấn đề là làm sao để hòa hoãn lại với triều đình Trung Hoa sau đó? Dù xét như thế nào đi chăng nữa, Đại Việt vẫn luôn là một đất nước có quốc lực nhỏ hơn rất nhiều; và với mỗi một triều đại, sự công nhận của Trung Hoa là điều rất cần thiết. Nhà Tây Sơn cũng không ngoại lệ, khi mục tiêu quan trọng nhất sau khi đánh thắng quân Thanh chính là làm sao để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và được Thanh triều công nhận tính chính danh. Bình thường đã vậy, nhưng nhất là ở thời điểm năm 1789 đó, việc được Thanh triều công nhận còn quan trọng hơn, vì chính tình hình bất ổn trong lãnh thổ Đại Việt, nhất là ở miền Bắc.
Trong nhiều năm liền kể từ sau khi Tây Sơn ra Bắc diệt họ Trịnh, toàn bộ Bắc Hà vẫn luôn nằm trong tình trạng bất ổn. Nhà Lê được tái lập, nhưng căn cơ gốc rễ không có, sau gần 200 năm chỉ làm bình phong không có thực quyền. Họ Trịnh đã bị diệt, nhưng các thế lực quân phiệt thân Trịnh vẫn còn, và luôn ở trong thế đối kháng với vua Lê. Thế rồi những cuộc thanh trừng, tranh đấu diễn ra để rồi dẫn đến kết cục là vua Lê bỏ Thăng Long, Tây Sơn chiếm giữ miền Bắc và sau đó là cuộc xung đột giữa hai nước. Thậm chí ngay cả sau khi đã đánh đuổi quân Thanh, chính quyền Tây Sơn ở Bắc Hà vẫn cực kỳ bất ổn. Các thế lực phù Lê, thân Trịnh vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, cái nhìn của dân Bắc Hà với những “kẻ man di đất Quảng Nam” vẫn không được cải thiện là bao - một điều dễ hiểu sau chừng ấy năm chia cắt hai Đàng. Trên danh nghĩa, Tây Sơn nắm trong tay hơn hai phần ba lãnh thổ Đại Việt, trừ vùng phía Nam vẫn nằm trong quyền kiểm soát của quân Gia Định. Nhưng xét ra, chính quyền Tây Sơn chỉ thực sự vững vàng từ vùng Nghệ An - Thuận Hóa trở vào. Ở Bắc Hà, cựu thần nhà Lê vẫn còn nhiều, và bất cứ lúc nào một cuộc nổi loạn cũng có thể diễn ra. Trước tình thế ấy, việc làm sao để Thanh triều công nhận nhà Tây Sơn trở thành nhiệm vụ tối quan trọng. Chính bởi lẽ đó nên khi tổ chức đón tiếp sứ thần nhà Thanh sang phong vương, Tây Sơn đã làm cực kỳ khoa trương và chu đáo khác thường; cốt là để phô bày sự sủng ái của Thanh đế với Quang Trung, và như một lời nhắc nhở cho các thế lực phù Lê đừng có khinh cử vọng động.

Cảm tử quân Tây Sơn - tranh: Ấm Chè
Nhìn chung, trong hoàn cảnh xung quanh còn nhiều kẻ thù, mà nhất là thế lực quân Gia Định ở miền Nam; Quang Trung thực sự không muốn gây hấn thêm với nhà Thanh, và ông nhất định phải làm sao để Thanh triều công nhận là vua nước Nam một cách chính thống. Bởi vậy nên ngay sau khi thắng trận, triều đình Tây Sơn lập tức tiến hành thương thảo để xin được công nhận tính chính danh. Quang Trung đã lập ra những kế hoạch và nước đi quy mô, bài bản và nhất quán; khai thác triệt để ưu điểm của giới sĩ phu miền Bắc - vốn dĩ là tầng lớp chống đối Tây Sơn mạnh mẽ hơn cả. Ông giao cho các văn nhân làm nhiệm vụ ngoại giao và những công tác mà người của ông không có khả năng; nhưng đứng đầu phái đoàn và trực tiếp quyết định vẫn là những tướng lĩnh thân tín như Ngô Văn Sở, Nguyễn Hữu Trù hay Vũ Văn Dũng. Việc đàm phán giữa hai nước ban đầu có một số trở ngại, chủ yếu vẫn là vì dư âm của cuộc chiến đầu xuân 1789, nhưng dần dần công việc đã được tiến hành trơn tru khi cả hai bên đều hiểu được đối phương muốn gì. Chỉ nửa tháng sau khi trận chiến kết thúc, phái đoàn liên lạc đầu tiên của Tây Sơn do Nguyễn Hữu Trù và Ngô Thì Nhậm dẫn đầu đã có mặt ở Lạng Sơn. Và nhà Thanh tuy ngoài mặt có vẻ dửng dưng, nhưng kỳ thực bên trong Tôn Sĩ Nghị đã lập tức sai Thang Hùng Nghiệp bí mật liên lạc với Tây Sơn để sắp xếp cho công việc nghị hòa được lớp lang, ăn khớp. Do đó, Quang Trung lập tức cho người điều động, triệu tập những nho sĩ có tiếng làm công việc hòa đàm. Việc này đã nhanh chóng đạt được những kết quả chính trị cụ thể: giới nho sĩ Bắc Hà ban đầu có vẻ hoang mang, nhưng hãnh diện vì được giao phó một công việc trong mơ là góp phần tái lập hòa bình với một đại quốc - cái nôi của văn hóa nho gia. Đọc những ghi chép của Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn hay Ngô Thì Nhậm; đều thấy được họ ít nhiều tự hào khi được tham dự vào công việc nghị hòa. Tất nhiên với cương vị là những người vốn mong nhớ nhà Lê, việc cộng tác với Tây Sơn ban đầu khiến các nhà nho phần nào hổ thẹn nên thái độ không khỏi thờ ơ, thụ động và có phần bất đắc dĩ. Thế nhưng khi thấy được công việc được giao liên quan có liên quan đến quốc thể nên thái độ họ bắt đầu thay đổi; và hầu như ai được giao nhiệm vụ đều coi đây là một vinh dự hiếm gặp.
Về phía nhà Thanh, ngay sau khi nhận tin bại trận thì họ đã có chủ trương. Quan điểm bấy giờ của Thanh triều là chuyển sang ưu ái Quang Trung, nhưng vẫn không tỏ rõ thái độ và dường như luôn có ý ngầm đe dọa để họ vẫn có thể nắm được phần nào thế chủ động trong việc nghị hòa. Tôn Sĩ Nghị bấy giờ vẫn ở Quảng Tây tạm giữ quyền Tổng đốc để lo việc hành chính và theo dõi tình hình nước ta; nhưng để tạo một không khí căng thẳng, nhà Thanh lập tức phao tin đã cách chức họ Tôn, triệu về kinh xử phạt. Phúc Khang An được điều từ Phúc Kiến sang, nắm quyền Tổng đốc để lo việc chinh phạt. Suốt ba tháng trời, phái đoàn Tây Sơn chỉ được tiếp xúc qua thư từ với một số quan lại địa phương và đinh ninh rằng Tôn Sĩ Nghị đã không còn ở Quảng Tây. Chỉ đến khi mọi việc đã định hình, Phúc Khang An mới trực tiếp ra mặt để giải quyết - nhưng cũng chỉ là làm theo lệnh từ Bắc Kinh đưa xuống chứ không được tự ý ra quyết sách nào lớn cả. Và cũng để nắm thế chủ động, Phúc Khang An đã cho người đưa toàn bộ những trọng thần tòng vong của nhà Lê còn ở trong nước ta (do Lê Quýnh và một số tông thất lãnh đạo) sang Trung Hoa, với cái cớ là “để bàn quốc sự”; nhưng kỳ thực là để giam lỏng họ nhằm ngăn chặn nguy cơ về một cuộc nổi loạn bất ngờ có thể gây hại đến việc nghị hòa. Thêm vào đó, dù trên thực tế là vua Lê cùng một số quan lại thân tín đang bị giam lỏng ở Quảng Tây, nhưng chính triều đình Tây Sơn cũng không biết chắc chắn họ đang ở đâu và nhà Thanh đang toan tính cái gì. Chỉ đến khi được chấp thuận việc tiến hành cầu phong, nhà Thanh mới giả vờ hé ra cho triều đình Tây Sơn biết về vua Lê cùng các cựu thần nhằm buộc Quang Trung vào thế không thể thoái thác những đòi hỏi của họ. Điển hình như việc Thang Hùng Nghiệp “bí mật lén báo tin” cho phía Tây Sơn biết việc vua Lê và tòng thần đang ở Quảng Tây; nhưng kỳ thực việc này do chính Phúc Khang An ra lệnh nhằm buộc phái đoàn nước ta phải đàm phán những điều có lợi cho Thanh triều.

Phúc Khang An
Chúng ta biết rằng mục đích quan trọng nhất của việc nghị hòa là vua Quang Trung được nhà Thanh công nhận là quốc vương chính danh. Còn về phía nhà Thanh thì sao? Họ mong muốn đạt được điều gì qua cuộc nghị hòa này, mà sẵn sàng bỏ rơi vua Lê để quay sang sủng ái Tây Sơn? Tất nhiên việc nước ta xin hòa cũng là một điều cần phải đạt được, nhưng quan trọng nhất vẫn là làm sao để trong đại lễ Bát tuần Khánh thọ của vua Càn Long tổ chức trong năm sau có một quốc vương chư hầu sang tham dự. Đấy vẫn luôn là mong mỏi của vua Càn Long, và các đại thần nhà Thanh rất biết ý Hoàng đế, cho nên quan điểm nhất quán của Thanh triều là lấy việc quốc vương thân sang chúc thọ làm điều kiện trao đổi. Thanh triều bấy giờ nhận thấy rằng việc nghị hòa với Tây Sơn có tiến triển tốt, và mong ước của vua Càn Long hoàn toàn khả dĩ, cho nên cả triều đình đều cố gắng hết mực để khiến triều Tây Sơn và vua Quang Trung đồng ý với điều kiện đó.
Trong năm đó, khi phái đoàn Tây Sơn do Nguyễn Quang Hiển sang Bắc Kinh nhận sắc ấn, vua Càn Long đã chỉ thị cho Phúc Khang An sắp xếp để họ gặp mặt nhóm tòng vong của Lê Duy Kỳ ở Quế Lâm. Và từ trước đó, nhà Thanh đã buộc Lê Duy Kỳ cùng các tòng thần phải cắt tóc và ăn mặc kiểu người Mãn, để chứng tỏ cho Tây Sơn thấy rằng họ đã nguyện ý ở lại làm dân Trung Hoa, không còn muốn phục quốc; đồng thời ngầm tỏ quan điểm rằng Thanh triều sẽ không ủng hộ nhà Lê nữa. Phúc Khang An sau đó còn bảo Nguyễn Quang Hiển viết thư gửi về cho vua Quang Trung biết rõ mọi việc, nhằm mục đích ngầm cảnh báo rằng triều Tây Sơn đừng lần lữa mà cũng đừng hứa hẹn cho qua chuyện. Có lẽ vì biết được dụng ý của nhà Thanh, cho nên triều đình Tây Sơn trở nên nhũn nhặn hơn để việc hòa đàm được thuận lợi. Và cũng vì thấy được thành ý của nước ta, cho nên phái đoàn Nguyễn Quang Hiển vào triều yết kiến vua Càn Long được đón tiếp cực kỳ nồng hậu, được đối đãi như thượng khách. Ngoài ra, cũng nhằm mục đích để tin tức việc nước ta cầu hòa được lan truyền rộng rãi, vua Càn Long đã sai hai đại thần thay mặt ông làm lễ trao sắc ấn rất trịnh trọng ở điện Thái Hòa rồi giao cho Nguyễn Quang Hiển đem về nước. Đồng thời, vua Càn Long còn gửi một đặc dụ và ban cho vua Quang Trung một bài thơ ngự, hỏa tốc sai Phúc Khang An cho người đem sang giao tận tay cho vua Quang Trung ở Thăng Long, và đồng thời giám sát việc tổ chức tiếp đón phái đoàn phong vương của nhà Thanh.
Một điều nữa là vua Càn Long cũng muốn việc phong vương cho Quang Trung phải long trọng hơn trước khi phong cho Lê Duy Kỳ. Trên danh nghĩa, vua Lê đã được một Tổng đốc đại thần đích thân làm lễ trao sắc ấn; vậy thì việc phong vương cho Quang Trung ít nhất phải bằng, thậm chí là phải hơn. Vua Càn Long muốn phải có một đại thần người Mãn phụ trách việc này, mà ở đây không còn ai khác thích hợp hơn Phúc Khang An. Thế nhưng, cũng chính vì muốn lễ nghi phải long trọng, phức tạp nên việc phong vương bị trì hoãn đến năm lần bảy lượt. Nếu đúng theo lệnh của vua Càn Long thì sẽ có đến tận hai phái đoàn nhà Thanh đến nước ta. Một phái đoàn đem theo tờ đặc dụ và bài thơ ngự đến Thăng Long để trao cho vua Quang Trung; phái đoàn kia sẽ do Phúc Khang An dẫn đầu, đợi phái đoàn Tây Sơn của Nguyễn Quang Hiển đến Quảng Tây rồi cùng đi. Một Tổng đốc đi từ ải Nam Quan xuống Thăng Long với đầy đủ lễ nghi sẽ cực kỳ phức tạp, không như một đoàn sứ bộ thông thường; còn nếu như đòi vua Quang Trung lên biên giới để đón thì chắc chắn nước ta sẽ không đồng ý. Việc trao đặc dụ và bài thơ ngự cho vua Quang Trung thì không khó khăn, vì ông có thể bỏ công từ Nghệ An ra Thăng Long một chuyến; nhưng việc phong vương thì rắc rối hơn nhiều. Quang Trung không coi Thăng Long là kinh đô, mà ông đang lên kế hoạch xây dựng kinh đô mới ở Nghệ An. Cuối cùng, nhà Thanh đổi kế hoạch, biến phái đoàn tiền sát do Thành Lâm dẫn đầu thành phái đoàn phong vương. Việc này tạo ra nhiều nghi hoặc cho phía Tây Sơn, và chính việc chuẩn bị lại càng thêm phức tạp. Suốt hơn một tháng, phái đoàn của Thành Lâm phải dừng lại chờ ở Quảng Tây; còn về phía Tây Sơn, vua Quang Trung lúc đầu cáo ốm để hoãn việc ra Thăng Long, rồi sau lại nhân việc có đoàn thuyền xâm nhập vào Phú Xuân cần phải xác minh nên yêu cầu phái đoàn nhà Thanh vào Nghệ An hoặc thậm chí là Phú Xuân để làm lễ phong vương.

Thanh Cao Tông - Càn Long đế
Cũng trong thời gian này, thêm một chi tiết được tiết lộ càng khiến triều Tây Sơn cảnh giác mặt phía Nam. Số là lúc trước, khi Tôn Sĩ Nghị đem quân sang cũng đã gửi thư cho Xiêm vương Rama I yêu cầu điều binh chặn mặt biển để vây bắt khi Nguyễn Huệ rút chạy. Nhận được thư nên vào tháng Hai năm 1789, Xiêm vương gửi thư cho chúa Nguyễn điều động quân Gia Định phòng giữ các nơi hiểm yếu. Bản thân chúa Nguyễn cũng gửi 50 vạn cân gạo ra giúp quân Thanh (sử Nguyễn thì chép là đoàn thuyền lương này bị bão đánh chìm hết). Việc đem quân đánh vào mặt nam Tây Sơn không biết ra sao, vì sử sách nhà Nguyễn đều không ghi chép gì; nhưng một số thủy thủ bị chìm tàu được thuyền buôn của nhà Thanh đưa về Quảng Đông có mang cả mật thư Xiêm La. Vua Càn Long biết tin, đã đặc biệt ra lệnh cho Phúc Khang An ỉm việc này đi để triều đình Tây Sơn khỏi nghi ngờ mà ảnh hưởng đến tiến trình hòa đàm.
Rõ ràng khi đứng trên cương vị là Quang Trung, hành động của nhà Thanh bấy giờ thực sự có nhiều điểm nghi kỵ, nhất là việc thay đổi kế hoạch phong vương khiến việc bị trì hoãn. Thêm vào đó, việc đoàn thuyền Xiêm xuất hiện ở mặt nam cũng khiến triều Tây Sơn phải cảnh giác về một âm mưu dương đông kích tây của nhà Thanh để bất ngờ tấn công vào Thuận Hóa. Để giải tỏa sự nghi kỵ, Phúc Khang An lập tức cho người thân tín đi cùng với Thành Lâm sang Thăng Long gặp riêng Đại tư mã Ngô Văn Sở để trao đổi việc đó. Sau nhiều lần trì hoãn vì nhiều nguyên do khác nhau, phải đến ngày 15 tháng Mười, đại lễ phong vương mới được diễn ra ở Thăng Long. Thế nhưng ngay cả lúc ấy, việc vua Quang Trung có chấp nhận sang chúc thọ vua Càn Long vào năm sau hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Nếu ông nhất quyết không sang, đại lễ khánh thọ của vua Càn Long sẽ mất hẳn ý nghĩa, mà mâu thuẫn giữa hai bên cũng không thể hàn gắn được, và hậu quả chưa biết thế nào mà lường. Chính vì thế, Thanh triều đã phải tìm mọi cách, vừa mềm mỏng vừa cứng rắn để khiến vua Quang Trung đồng ý sang Bắc Kinh chúc thọ. Chính bản thân vua Càn Long cũng rất muốn điều này thành hiện thực, nên lại càng ưu đãi hơn, ban cho Quang Trung nhiều đồ quý giá. Ông cũng hứa hẹn sẽ dùng đại lễ “bão kiến thỉnh an” để tiếp đón Quang Trung (đây là một phương thức tiếp đón cực kỳ vinh hạnh, chỉ dành cho những người lập được võ công hiển hách). Bản ý của Càn Long chính là ngầm khẳng định rằng phái đoàn Quang Trung sang Bắc Kinh sẽ được tiếp đón như thượng khách, xóa bỏ cái mặc cảm vua nước Nam phải sang chầu Hoàng đế Thiên triều. Thế nhưng bên dưới những vỏ bọc ngọt ngào đó, triều đình Tây Sơn vẫn phải cân nhắc lợi - hại của việc để đích thân vua Quang Trung sang Bắc Kinh chúc thọ. Lễ vật đưa theo giá trị phải ra sao thì đã đành, nhưng việc lo lắng về một âm mưu của Thanh triều cũng rất đáng để suy ngẫm, và triều đình Tây Sơn quyết định chờ phái đoàn của Nguyễn Quang Hiển về nước để xem có thật nhà Thanh thiện ý muốn Quang Trung sang chúc thọ hay không.
Cuối năm 1789, sau khi phái đoàn Nguyễn Quang Hiển về nước và thuật lại những sự tiếp đón long trọng của Thanh triều, việc vua Quang Trung đích thân sang chúc thọ mới được quyết định. Đây là một cơ hội ngàn năm có một để nâng tầm vị thế quốc gia, khiến uy thế triều đình Tây Sơn được nâng cao vượt bậc. Cuối cùng, triều đình Tây Sơn báo lại rằng sẽ đưa một phái đoàn hùng hậu sang Bắc Kinh chúc thọ vua Càn Long, và dẫn đầu bởi chính Quang Trung.
Những vấn đề xoay quanh việc đích thân vua Quang Trung sang Bắc Kinh chúc thọ
Có một điều chúng ta cần phải làm rõ, trước khi bàn thêm về vấn đề thực - giả trong việc vua Quang Trung dẫn đầu phái đoàn Tây Sơn sang Bắc Kinh chúc thọ vào năm 1790. Khi liên hệ việc này với tiến trình nghị hòa và xin phong vương cho Quang Trung, ta hay bị ngộ nhận rằng việc ông nhận lời sang Bắc Kinh là một điều kiện ngầm để việc công nhận Tây Sơn chính danh của nhà Thanh không bị trở ngại. Nhưng kỳ thực nguyên ủy của việc này lại đến từ một sự kiện xa hơn. Ấy là vào cuối năm 1788, sau khi mới được phong vương, vua Lê Chiêu Thống đã có tự tay viết một tấu thư gửi lên vua Càn Long, trong đó có đoạn như sau:
Thần gặp lúc nguy nan, may sao nay lại được phú quý, không biết làm thế nào để báo đáp, trong lòng mong mỏi được triều yết, mở miệng nói lời đội ơn. Quay về Nam sơn mà khắc đá, ngẩng lên Bắc khuyết để hướng về, nguyện sẽ học tiếng Trung quốc, không phải phiền nhiều người dịch lại, giữ mối cháu con để được hưởng phúc lâu dài, mãi mãi được trời cao soi rọi.
Trong tấu thư tạ ơn này, Lê Duy Kỳ đã xin được đích thân sang Bắc Kinh và tự học tiếng Trung Hoa để tạ ơn vua Càn Long. Và ngoài ra, Lê Duy Kỳ cũng có gửi một tấu thư khác nhờ Tôn Sĩ Nghị và Tôn Vĩnh Thanh trình lên vua Càn Long, xin được vào năm sau (tức 1789) sẽ sai em là Lê Duy Chỉ đưa phái đoàn sang tiến cống; đồng thời cũng xin được đích thân chúc thọ ông vào năm 1790 để tỏ lòng thành.
Trên thực tế, việc trong dịp đại lễ Bát tuần Khánh thọ có một phiên vương đích thân sang dự vốn là ước mơ sẵn có của Càn Long, và chính ông đã nhắc khéo nhiều lần để Tôn Sĩ Nghị thi hành. Cho nên có thể tin rằng việc vua Chiêu Thống xin sang chầu và chúc thọ cũng chỉ là thuận theo đòi hỏi mà Tôn Sĩ Nghị đưa ra, chứ chưa hẳn đã là chủ kiến của vua Lê. Lẽ dĩ nhiên là đề nghị này của vua Lê được Thanh triều đón nhận rất hoan hỉ và chính vua Càn Long cũng rất vui. Và nếu như không có biến cố gì, việc có một phiên vương sang chúc thọ sẽ thành. Thế nhưng khổ nỗi, việc quân Tây Sơn bất thần đem đại quân đánh bại quân Thanh đúng dịp Tết bỗng khiến cái triển vọng có phiên vương sang dự lễ trở nên đổ vỡ. Chính bởi thế nên Phúc Khang An khi thay Tôn Sĩ Nghị giao thiệp với triều Tây Sơn đã phải tính toán làm sao để khiến tân vương nước Nam thực hiện lời hứa khi trước mà Lê Duy Kỳ đã lỡ hứa.
Tiến trình nghị hòa thực chất là một cuộc thương lượng rất căng thẳng, khi cả hai bên đều có những thế mạnh và yêu sách của mình để đem ra. Với vua Quang Trung và triều Tây Sơn, biết rõ mong muốn của Càn Long nên ông nhất quyết lấy việc sang Bắc Kinh để ràng buộc nhà Thanh chấp nhận phong vương cho mình. Còn Phúc Khang An thì cũng úp mở về việc nhà Thanh vẫn đang giữ Lê Duy Kỳ cùng nhiều tông thất, tòng vong để uy hiếp. Đấy là chưa kể đến việc nhà Thanh cũng thừa sức kích động nhiều cuộc nổi dậy của các thế lực phù Lê ở miền bắc; liên lạc với những kẻ địch của Tây Sơn như quân Gia Định, Xiêm La hay Ai Lao. Phúc Khang An hiểu rất rõ rằng trong cuộc thương lượng này, nhà Thanh ở cửa trên, nên ông ta đã rất khôn khéo để tạo cho triều Tây Sơn một cảm giác nửa lo nửa sợ không biết ý định của Thanh triều là gì. Phúc Khang An tìm đủ cách để ép triều Tây Sơn phải thực hiện những cam kết mà vua Lê từng hứa; nhưng đồng thời cũng tỏ ra khôn khéo khi giấu biến việc ấy đi mà làm ra vẻ như việc Quang Trung sang Bắc Kinh vốn là tự nguyện, phần nào khiến cho nước ta cảm thấy không bị ép uổng quá mức, mà là chuyện đôi bên cùng có lợi.

Tôn Sĩ Nghị
Với bản thân Quang Trung và triều Tây Sơn thì như đã nói, việc được nhà Thanh công nhận là mục tiêu tối hậu. Trong tình cảnh Bắc Hà bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra nội loạn; chúa Nguyễn vẫn còn ở phía nam, rồi Xiêm La và Ai Lao phía tây, chưa kể đến chính nội bộ Tây Sơn cũng chưa thực yên; Quang Trung không hề muốn xảy ra những tranh chấp và chiến loạn trong nước. Chính vì cả hai phía đều mong muốn đạt được những lợi ích từ đối phương, nên tiến trình phong vương dễ dàng và thuận lợi hơn các triều đại trước rất nhiều. Bây giờ khi nhìn lại công cuộc ngoại giao giai đoạn này, chúng ta thường hay xét chúng dưới lăng kính bị che mờ bởi những tình tiết văn học hoặc sai lệch (do sự ảnh hưởng từ Hoàng Lê nhất thống chí và những ghi chép sai sót trong sử sách nhà Nguyễn). Ta hay thường nghĩ đơn giản và có phần lãng mạn hóa, khi cho rằng thắng lợi ngoại giao này đến từ việc nhà Thanh sợ Tây Sơn, hay do tài năng văn chương của Ngô Thì Nhậm, hoặc do Phúc Khang An ăn của đút lót nên tâu lên Càn Long những điều giả dối. Kỳ thực những điều trên gần như chẳng có mấy phần là thật. Nói rằng nhà Thanh sợ Tây Sơn là giản lược vấn đề quá mức, khi mà quốc lực của họ mạnh hơn nước ta vô số lần. Cái mà nhà Thanh sợ là một cuộc chiến sa lầy ở Đại Việt, và chính bản thân vua Càn Long cũng không thiết tha gì chuyện trả thù bại trận. Ngô Thì Nhậm quả có tài văn chương, nhưng ta nên nhớ rằng công cuộc ngoại giao với nhà Thanh được thực hiện bởi rất nhiều nho sĩ miền bắc; quy hết công cho họ Ngô là sai lầm. Còn như việc Phúc Khang An vì ăn của đút mà tâu về Bắc Kinh toàn điều giả dối thì càng sai. Chúng ta cần nhớ rằng ông ta là Tổng đốc Lưỡng Quảng, là sủng thần của Càn Long, việc ăn của đút của Tây Sơn giả sử nếu có thì cũng chỉ là để cho tiến trình hòa đàm được trôi chảy hơn, chứ còn để mà gian dối thì là một sự mạo hiểm quá lớn, không đáng để Phúc Khang An phải đánh liều. Thành quả ngoại giao giai đoạn này đến từ nhiều nguyên nhân phức tạp hơn, như đã phân tích ở trên, và cốt tủy vấn đề là cả hai phía đều muốn đạt được lợi ích từ đối phương. Nhà Thanh có thể nắm thế cửa trên, nhưng suy cho cùng, họ vẫn phải thuyết phục và “dỗ” triều Tây Sơn để mong muốn của mình có thể đạt được.
Sau khi nhà Thanh bằng lòng giảng hòa và việc phong vương được chấp thuận, vua Quang Trung cử cháu là Nguyễn Quang Hiển dẫn đầu một phái đoàn sang Trung Hoa trình biểu cầu phong và xin sắc ấn. Mặc dù chỉ là một đoàn ngoại giao không thực sự quá quan trọng, nhưng Nguyễn Quang Hiển vẫn được tiếp đón với nghi thức đặc biệt và được vào triều kiến vua Càn Long và được cùng ăn yến với vương công đại thần. Việc tiếp đãi phái đoàn của Nguyễn Quang Hiển không những thể hiện sự công nhận vua Quang Trung là An Nam quốc vương chính danh, mà còn khẳng định cam kết của Thanh triều là chấm dứt hoàn toàn ý định hỗ trợ cho Lê Duy Kỳ. Đây hẳn là nguyên nhân chủ đạo dẫn đến việc triều Tây Sơn quyết định sẽ đưa một phái đoàn đặc biệt sang chúc thọ vào năm 1790, sau khi Nguyễn Quang Hiển về nước và thuật lại những sự đón tiếp của nhà Thanh. Đồng thời vua Càn Long cũng hạ lệnh một khi phái đoàn Quang Trung sang, quan lại các nơi phải đón tiếp với đầy đủ nghi lễ với một quốc khách được đích thân Hoàng đế mời; thay vì chỉ dùng những lễ đón tiếp phiên vương sang triều kiến như thông thường. Đó là chưa kể đến trong suốt chuyến công du kéo dài gần một năm của phái đoàn chúc thọ, vua Càn Long đã nhiều lần ban ân điển vượt mức, thậm chí có thể coi là trước nay chưa từng có. Như vậy đủ để thấy Thanh triều hài lòng với Quang Trung và triều Tây Sơn ra sao, trong việc chiều theo mong muốn của Càn Long về việc có một phiên vương sang chúc thọ.
Bởi đâu hình thành nghi án “Quang Trung giả”?
Như vậy, sau những cuộc đàm phán, thương lượng giữa hai nước suốt trong năm 1789, cuối cùng mong muốn của cả hai bên đã đạt được. Vua Quang Trung được phong làm An Nam quốc vương, và triều Tây Sơn được nhà Thanh công nhận. Ở chiều ngược lại, vua Càn Long cũng nhận được sự hứa hẹn về việc Quang Trung sẽ đích thân dẫn đầu một phái đoàn sang chúc thọ ông nhân dịp Bát tuần Khánh thọ. Và đây cũng là lúc chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu về sự hình thành của những lời đồn thổi về việc triều Tây Sơn đã cho người đóng giả vua Quang Trung để sang Bắc Kinh. Về nguyên nhân hình thành nghi án “Giả vương”, cũng có rất nhiều điều rối rắm phức tạp mà không thể tóm gọn chỉ trong vài chữ. Nghi án này hình thành từ cả một phần những sự kiện có thật, được bẻ cong hoặc thêm mắm dặm muối bởi nhiều phe phái khác nhau (và hẳn nhiên cũng không thật sự liên quan mật thiết tới nhau). Tất cả đã khiến cho một sự kiện lẽ ra phải rất sáng tỏ thì nay bị bao phủ bởi những màn sương bí mật, những lời đồn thiếu căn cứ, những thuyết âm mưu đầy lỗ hổng nhưng lại được tạo dựng từ một phần sự thật.
Vậy đâu là khởi thủy của tin đồn “Giả vương nhập cận”? Có nhiều cơ sở để tin rằng tin đồn ấy thực chất bắt đầu từ việc phái đoàn của Nguyễn Quang Hiển sang Bắc Kinh trình tấu thư cầu phong và xin sắc ấn.
Theo điển lệ cũ, lẽ ra triều Tây Sơn sẽ phải cống một người vàng và đích thân vua Quang Trung sẽ phải lên ải Nam Quan để làm lễ cầu phong vương. Tuy nhiên như đã nói, những lý do nhất định đã khiến vị thế ngoại giao của hai nước thay đổi, và triều Tây Sơn có những lợi thế nhất định. Do đó, để tránh phải theo lệ cũ, triều Tây Sơn đã đưa một phái đoàn do cháu của vua Quang Trung là Nguyễn Quang Hiển sang cầu phong với lý do “tuy là thay mặt nhưng cũng như là đích thân sang” - tương tự với việc cống người vàng thay mặt như các triều đại trước.

Quang Trung Hoàng đế - Ảnh: Ấm Chè
Ngay tại thời điểm ấy, trong dân gian đã có tin đồn rằng đây không phải cháu của Quang Trung, mà chỉ là một võ quan đóng giả. Rồi vài tháng sau khi Lê Quýnh sang Trung Hoa cũng khai rằng Nguyễn Quang Hiển thực ra chỉ là một người họ Văn đóng giả cháu vua Quang Trung mà thôi. Điều này cũng có thể là thực, vì từ sau chuyến đi sứ đó, không thấy nhân vật “Nguyễn Quang Hiển” xuất hiện trở lại trong bất cứ sự kiện nào của triều Tây Sơn, dù là thời Quang Trung hay Cảnh Thịnh. Nếu quả thực người này là cháu họ lớn nhất thì hẳn không thể biến mất một cách đáng ngờ như vậy. Tuy nhiên, dù nhân vật Nguyễn Quang Hiển này có thật là cháu vua Quang Trung hay không cũng không quá quan trọng; bởi vì chuyến đi sứ xin sắc ấn này chỉ đóng vai trò là một thủ tục trung gian để tiến tới việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Nhà Thanh dĩ nhiên cũng biết đến tin đồn này, nhưng do tính chất không quá quan trọng, nên cũng không điều tra thêm, mà vẫn đối đãi với nghi thức đặc biệt, cốt để chứng tỏ cho Tây Sơn biết thành ý của họ. Đối với Thanh triều, phái đoàn Nguyễn Quang Hiển chỉ là một công cụ để giúp họ truyền đạt lại mong muốn và chủ trương với Quang Trung. Bằng chứng là Nguyễn Quang Hiển đã được sắp xếp để gặp Lê Duy Kỳ cùng nhiều quan lại tòng vong - nay đã bị ép phải cắt tóc và ăn mặc như người Mãn; rồi sau đó phải gửi một bức thư về nước cho Quang Trung để yêu cầu nước ta viết một tờ biểu xác định việc sẽ sang chúc thọ vào năm sau. Đây coi như là một cam kết giấy trắng mực đen mà triều Tây Sơn không thể phủ nhận hay thoái thác, cốt để hoàn thành mong muốn của vua Càn Long.
Như vậy, có thể thấy ngay từ thời điểm phái đoàn Tây Sơn sang xin sắc ấn đã có tin đồn về việc một võ quan đóng giả cháu vua Quang Trung. Dường như đây chính là khởi thủy của tin đồn về việc triều Tây Sơn cử người đóng giả vua Quang Trung sang chúc thọ Càn Long. Có lý do hợp lý để tin rằng các nhóm lưu vong nhà Lê ở Trung Hoa là nguồn gốc các nghi vấn về chuyến đi của phái đoàn Quang Trung (mà thực chất chính Lê Quýnh cũng đã tâu về nghi vấn thân thế Nguyễn Quang Hiển cho Phúc Khang An). Các nhóm lưu vong của nhà Lê là những người có tin tức sớm nhất và bị ảnh hưởng trực tiếp về việc nhà Thanh công nhận Tây Sơn. Việc ấy cộng với việc vua tôi Lê Duy Kỳ bị cưỡng bức phải cắt tóc ăn mặc như người Mãn đã đưa đến những uất ức, phản kháng bằng mọi cách, cốt tủy để giải tỏa ức chế và hạ thấp Quang Trung.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải kể đến việc nhiều nhà truyền giáo phương Tây cũng đã phao ra các tin đồn bất lợi cho triều Tây Sơn. Lúc bấy giờ chúa Nguyễn đang tin tưởng vào sự giúp đỡ của người Pháp qua trung gian là Giám mục Bá Đa Lộc, còn phía Tây Sơn thì thực hiện cấm đạo khá triệt để (nhất là về sau). Bởi vậy nên dù chưa hẳn đã có ác cảm với Quang Trung, thì những giáo sĩ này vẫn không ủng hộ ông mà chỉ coi ông là một kẻ nổi loạn hay cướp ngôi. Chính tư tưởng ấy đã khiến ghi chép của họ phần nhiều nghiêng về việc tìm cách hạ thấp Quang Trung bằng bất cứ giá nào. Chi tiết về việc một người đóng giả vua Quang Trung sang chúc thọ có lẽ là kết quả của việc nhiễu loạn thông tin giữa hai phái đoàn của Tây Sơn: Phái đoàn xin sắc ấn của Nguyễn Quang Hiển năm 1789 và phái đoàn chúc thọ của Quang Trung năm 1790.
Cuối cùng, không thể không kể đến những ghi chép đầy thiên kiến và thậm chí là cố tình hạ thấp của sử gia triều Nguyễn. Với nhà Nguyễn, triều Tây Sơn chỉ được coi là tiếm ngụy, không được coi là chính thống. Cho nên để xóa bỏ sự chính danh của Tây Sơn, nhà Nguyễn đã phải tìm cách để khiến cho những thành quả ngoại giao đáng kể của cựu triều trở nên lố bịch và đầy mùi dối trá (ví như việc phong vương cho Quang Trung vậy). Thậm chí, vua Minh Mạng còn dày công sáng tạo ra một loại lễ dường như để nhằm mục đích hạ thấp danh vọng của Quang Trung. Như ở trên đã nói, vua Càn Long ưu ái Quang Trung đến mức hứa hẹn rằng nếu sang chúc thọ thì ông sẽ được chào đón bằng đại lễ “bão kiến thỉnh an”. Đây là đại lễ cực kỳ vinh hạnh, mà theo đó thì khi khách đến, đích thân Hoàng đế sẽ bước xuống khỏi ngai vàng đi ra khỏi cung rồi ôm lấy khách để chứng tỏ sự ưu ái và quan tâm, rồi lên tiếng thăm hỏi. Loại lễ này trịnh trọng và tôn quý đến mức khi biết tin, triều Tây Sơn đã phải gửi tấu thư xin được từ chối. Thế nhưng đến thời Nguyễn, vua Minh Mạng đã chế ra lễ “ôm đầu gối” (tức là lễ “bão tất”), để tỏ tình thân thiết và coi người được ban lễ như con cháu trong nhà. Đoạn chép về việc chúc thọ Càn Long trong Đại Nam chính biên liệt truyện cũng đổi “bão kiến thỉnh an” thành “bão tất”:
Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An và Tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh đi cùng lên kinh đô. Vua Thanh muốn tỏ ra khác thường nên ban thưởng rất nhiều. Khi đến hành cung ở Nhiệt Hà vào triều kiến làm lễ ôm gối rồi ban cho bốn chữ đại tự: Củng cực quy thành.
Việc chép đại lễ “bão kiến thỉnh an” thành lễ “bão tất” là một sự cố tình và có chủ đích của sử gia triều Nguyễn dưới tác động của Minh Mạng, cốt để xóa bỏ đi những gì vinh dự của Tây Sơn trở thành nhục nhã, xấu hổ.
Như vậy, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng tin đồn về một “Quang Trung giả” đã xuất hiện ngay từ thời điểm chuyến công du lịch sử của Tây Sơn diễn ra. Tin đồn này được tạo ra và lan truyền bởi nhiều phe phái khác nhau. Và theo thời gian, vì những lý do khách quan khác nữa, tin đồn đã được bén rễ, thậm chí xuất hiện trong cả Thanh sử cảo của Trung Hoa. Bởi thế, nghi án về một “Giả vương nhập cận” ngày càng được củng cố và trở thành một tình tiết phức tạp nhưng cũng không kém phần thú vị trong lịch sử. Vậy đâu là sự thật của nghi án này? Người sang Trung Hoa chúc thọ Càn Long thật là vua Quang Trung, hay là một ai khác đóng giả ông để ngăn ngừa những mối nguy có thể có?
Đâu là sự thật lịch sử nằm sau nghi án “Giả vương nhập cận”?
Đâu là sự thật lịch sử?
Những luồng ý kiến xoay quanh nghi án “Giả vương nhập cận” tất nhiên chia làm hai phía rõ ràng: Một bên cho rằng vua Quang Trung thực sự đã dẫn đầu phái đoàn sang Bắc Kinh chúc thọ; và bên còn lại tin rằng người được gọi là “vua Quang Trung” ấy thực chất chỉ là một “giả vương” (còn do ai đóng giả thì lại chia làm mấy ý kiến nữa). Ý kiến nào cũng có điểm có lý, và có điểm mâu thuẫn. Cho nên để xét rõ ràng, chúng ta sẽ phân tích từng thuyết một, để tìm ra đâu là sự thật ẩn đằng sau những đồn đoán và những ghi chép.
Trước tiên, hãy cùng phân tích ý kiến cho rằng thuyết “Giả vương” là sai, và người sang Bắc Kinh thực sự là vua Quang Trung. Thuyết này dĩ nhiên có vài điểm bất hợp lý, và cũng có bằng chứng cho thấy trong phần lớn năm 1790, dường như vua Quang Trung không có ở trong nước.

Bức tranh "An Nam quốc vương chí tị thử sơn trang"
Trong các tài liệu ghi chép về Tây Sơn, nhân vật được coi là đóng giả vua Quang Trung khá nhiều, tính ra cũng phải 5 - 6 cái tên khác nhau. Tuy nhiên khi kiểm chứng lại, có thể kết luận rằng thực chất chỉ có 2 người, nhưng vì nhầm lẫn trong ghi chép nên biến hóa ra, cho thấy những chi tiết này bắt nguồn từ sự nhiễu loạn trong khi lan truyền tin đồn về “Giả vương”. Người đóng giả vua Quang Trung thì rơi vào một trong hai trường hợp: Hoặc một võ tướng thân cận với ông, hoặc một người cháu gọi ông bằng cậu.
Trường hợp người đóng vai “Giả vương” là một võ tướng, thì có một số nguồn chép rằng đó là Đại tư mã Ngô Văn Sở (còn có tên khác là Ngô Hồng Chấn, có chỗ lại chép lầm thành Nguyễn Hữu Chấn, hoặc nói gộp với chức vụ của ông thành Tư Mã Chấn). Tuy nhiên chúng ta có thể bác ngay giả thuyết này, bởi vì trên thực tế Ngô Văn Sở cũng đã đi cùng phái đoàn sang Bắc Kinh (mà theo văn thư của nhà Thanh thì do chính ông xin đi theo, dù vua Càn Long có nhắc rằng nên ở lại giữ nước vì tình hình chưa ổn định). Vì là một tướng lĩnh cấp cao hàng đầu, nên Ngô Văn Sở được ban mũ áo nhị phẩm của nhà Thanh. Vậy việc ông đóng giả vua Quang Trung là hoàn toàn không có cơ sở.
Trường hợp người đóng vai “Giả vương” là cháu gọi vua Quang Trung bằng cậu, thì về cơ bản các nguồn đều chép đó là Phạm Công Trị. Sử chép rằng Phạm Công Trị là cháu gọi Quang Trung bằng cậu, nên người này hẳn là con của chị (hoặc cũng có thể là em gái) của ông. Tuy nhiên, trong những văn thư thời Tây Sơn và của nhà Thanh, cái tên Phạm Công Trị cũng đã xuất hiện và có mặt trong phái đoàn theo Quang Trung sang Trung Hoa. Thế nhưng giữa đường phải quay về hộ tống hoàng tử Nguyễn Quang Thùy về nước do bị ốm. Tấu thư của Phúc Khang An ngày 2/5/1790 cũng ghi lại rất rõ ràng như sau:
Bọn thần sau đó đãi trà viên quốc vương và đàm đạo. Các bồi thần cũng theo thứ tự ngồi dùng trà. Đến như Nguyễn Quang Thùy tuy còn bé nhưng có vẻ thông minh, có điều đi đường nhiễm bệnh sốt rét nên quốc vương xin cho được cùng cháu là Phạm Công Trị về nước điều trị. Bọn thần xem thấy quả là bệnh thực, nghĩ Nguyễn Quang Thùy muốn chiêm cận vốn từ lương tri trung ái, nếu đi theo được đến kinh để được thấy thánh nhan, hưởng ơn quyến cố thì quả là điều chí hạnh. Thế nhưng tuổi nhỏ sức yếu, đường xa vạn dặm, quốc vương kia cũng mấy lần khẩn khoản xin cho về, bọn thần thể theo lòng từ ái của thánh thượng nên chấp thuận cho về chữa bệnh rồi thấy quốc vương phái bồi thần là Đặng Văn Chân và người cháu Phạm Công Trị cùng tùy tùng hơn ba mươi người về nước.
Nói tóm lại, Phạm Công Trị là một nhân vật có thật, cùng với Đặng Văn Chân được báo lên với nhà Thanh với danh nghĩa là thân nhân thuộc gia đình Quang Trung. Đặng Văn Chân thì là một tướng lĩnh có vai trò khá quan trọng, từng được giao nhiệm vụ bảo vệ Thăng Long trong lễ phong vương; còn Phạm Công Trị thì không rõ bao nhiêu tuổi. Vì ta không rõ nhân thân trong gia đình vua Quang Trung ra sao (những nguồn còn khảo cứu được đều không cho biết ngoài 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ thì còn bao nhiêu chị em gái). Tuy nhiên, vì Phạm Công Trị được xưng vai vế là cháu gọi Quang Trung bằng cậu, lại được cử đi theo Nguyễn Quang Thùy; cho nên có thể tin rằng đây thực chất chỉ là một cậu bé trạc tuổi Quang Thùy, đi theo bầu bạn và khi hoàng tử về nước cũng phải đi theo.
Như vậy, tạm thời chúng ta có thể bác bỏ cả trường hợp Phạm Công Trị đóng giả vua Quang Trung. Vả chăng, cũng cần phải xét đến cả việc nhà Thanh chắc chắn đã có những biện pháp kiểm chứng của riêng họ để chắc chắn người sang Trung Hoa là vua Quang Trung thật. Đây là một việc liên quan đến quốc thể, cho nên quan lại nhà Thanh phải thận trọng hết mức. Bằng chứng là khi phái đoàn Quang Trung vừa đến ải Nam Quan, vua Càn Long đã cử Thành Lâm ra đón tiếp (Thành Lâm là người từng sang phong vương cho Nguyễn Huệ), như một cách để ngầm đảm bảo người này đúng là An Nam quốc vương thật. Sau đó, Thành Lâm cũng là người đi cùng theo, lo liệu trực tiếp công việc hàng ngày. Ngoài ra, Phúc Khang An cũng cắt đặt cả Thang Hùng Nghiệp và Lâm Hồ Bảng - vốn là những quan lại đã quen việc giao thiệp, từng nhiều lần tiếp xúc - để tiếp đãi quan lại các cấp của Tây Sơn. Bên cạnh đó, trong nhóm tòng vong của Lê Duy Kỳ đang ở Trung Hoa cũng không thiếu người biết mặt Nguyễn Huệ. Chắc chắn vua Quang Trung biết điều này và ông không thể không tính tới chuyện nhà Thanh có thể sắp xếp để ông gặp Lê Duy Kỳ và cựu thần nhà Lê, hay ít nhất là bí mật cho họ nhận diện. Vậy nên giả như nếu có một “Giả vương”, thì phải làm một cách hoàn hảo để đánh lừa chừng đó người - một việc không dễ dàng gì.

Bức tranh "Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến đồ"
Một khía cạnh nữa mà chúng ta cần xét đến là tình hình thực tế trong nước ta khi ấy. Chuyến đi chúc thọ của phái đoàn Tây Sơn kéo dài đến 9 tháng, và nếu tính cả thời gian chuẩn bị thì phải gần 1 năm. Trong khoảng thời gian đó, việc nước đều được giao lại cho các tướng lĩnh thân cận, trên danh nghĩa là phò tá thái tử Nguyễn Quang Toản giám quốc. Để tránh việc quyền hành tập trung vào một nơi, ông chia lực lượng thành ba nhóm. Ở Phú Xuân chủ yếu có thân quyến (cũng là nơi Quang Toản đang ở) và các tướng Đàng Trong. Một lực lượng đáng kể được đặt ở Nghệ An để trấn thủ kinh đô mới - nơi có đường thông sang Trấn Ninh và Vạn Tượng. Ở Thăng Long, Quang Trung cắt đặt một đội quân lớn, tinh nhuệ để đề phòng dư đảng Lê - Trịnh; bởi lúc bấy giờ còn nhiều lực tượng lẻ tẻ có thể gây loạn như hoàng thân Lê Duy Chỉ ở Thái Nguyên, nhiều tông thất ở Thanh Hóa và các cựu thần còn ở vùng Kinh Bắc, chưa kể đến các lực lượng thân Trịnh còn rải rác. Hơn nữa, trong suốt năm 1790, trong nước gần như không có một sự kiện gì lớn lao, nổi bật; mọi công việc gần như trì trệ cả. Những văn thư và sắc phong thời gian này còn lưu giữ được đều chỉ đóng ấn Hoàng thái tử bảo (tức là ấn của Quang Toản đang thay quyền vua cha giám quốc).
Về mặt quân sự, phải mãi đến cuối năm 1791, đầu năm 1792 mới có một chiến dịch đánh Vạn Tượng do đích thân vua Quang Trung chỉ huy. Nếu như vậy, khả năng cao là việc chuẩn bị chỉ được tiến hành sau khi Quang Trung về nước, vì ông nhận định cần phải củng cố mặt phía tây để giữ an toàn cho Nghệ An, đồng thời ngăn chặn việc liên minh Xiêm La - Gia Định đánh thọc sườn. Bên cạnh đó, còn phải xét đến việc một trong những công tác ưu tiên hàng đầu của Quang Trung là xây dựng kinh đô ở Nghệ An. Người được Quang Trung ủy nhiệm việc xem đất, thiết kế cung điện là La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Các thư từ còn giữ lại được đến nay liên quan đến việc xây kinh đô thì những văn thư vào các năm 1789 và 1791 có rất nhiều, nhưng riêng năm 1790 thì không có gì cả. Điều này dẫn đến một suy đoán rằng có thể công việc xây cất kinh đô bị trì hoãn trong năm 1790, củng cố cho việc có thể Quang Trung đang không ở trong nước, nên mọi công việc bị đình trệ dù ít hoặc nhiều.
Một điểm đáng xem xét nữa là tinh thần phấn khởi, vui mừng của các quan văn được đi cùng trong phái đoàn. Nếu như thực sự người dẫn đầu phái đoàn là một Quang Trung giả, thì nguy hiểm thực là không biết đâu mà lường; cớ gì họ còn có thể tỏ ra vui mừng và hãnh diện khi được nhà Thanh đón tiếp ân cần như vậy. Vả chăng, hầu như toàn bộ quan văn của Tây Sơn đều là cựu thần nhà Lê cả, nếu có phong thanh về chuyện “Giả vương” thì chắc chắn nhóm tòng vong ở Trung Hoa sẽ phải biết trước tiên. Tuy nhiên điều bất ngờ là các tin đồn về chuyện “Giả vương” lại xuất phát từ chính trong nước. Ngay chính tại Bắc Kinh, những tòng thần của nhà Lê lại không có vẻ gì nghi ngờ người sang Trung Hoa là Quang Trung giả cả. Khi nghe tin phái đoàn Tây Sơn do đích thân Nguyễn Huệ dẫn đầu sang Bắc Kinh, những người ghét ông liền nghĩ ngay đến việc nhà Thanh dùng mưu kế để bắt giết Nguyễn Huệ. Nhưng đến khi thấy phái đoàn Quang Trung được tiếp đãi cực kỳ long trọng, những người đối nghịch liền chuyển sang thóa mạ, chửi bới mỗi khi gặp nhau ở ngoài phố (những tin tức này đều do phái đoàn Triều Tiên ghi nhận). Nghi vấn “Giả vương” rõ ràng không xuất phát từ những tòng thần nhà Lê ở Bắc Kinh, mà xuất phát từ trong nước do các thế lực phù Lê lan truyền, khiến vua Quang Trung và phái đoàn cũng phải biện bạch để Càn Long khỏi nghi ngờ.

Bức tranh "Càn long bát tuần vạn thọ khánh điển đồ chi An Nam quốc vương"
Như vậy, dựa vào những thông tin đã có được từ nhiều nguồn tài liệu, có cơ sở để chúng ta tin rằng người đã sang Bắc Kinh đích thực là vua Quang Trung. Hơn nữa, dựa vào những biệt đãi khác thường của vua Càn Long với Quang Trung nói riêng và cả phái đoàn Tây Sơn nói chung; thêm cả việc có nhiều công việc bang giao giữa hai nước cũng được xử lý luôn trong thời gian phái đoàn ở Bắc Kinh, chúng ta càng có thể tin vào điều ấy.
Tuy nhiên, như vậy có đồng nghĩa với việc thuyết “Giả vương” hoàn toàn có thể bị bác bỏ được chăng? Đúng là các nguồn sử liệu, văn thư dường như đều củng cố việc người sang Trung Hoa đích thực là vua Quang Trung, nhưng kể cả như thế, chúng ta vẫn có thể tìm thấy nhiều chi tiết ủng hộ cho việc có vấn đề về thân thế người dẫn đầu phái đoàn Tây Sơn. Hơn nữa, kể cả với những ghi chép tưởng như rất vững chãi kia, chúng ta vẫn có thể nhìn ra một số điểm bất thường nhất định.
Đầu tiên, đó là việc các văn thư và sắc phong còn giữ lại được trong năm 1790 đều chỉ dùng ấn “Hoàng thái tử bảo”. Việc này thực ra cũng không khó giải thích, vì nếu như Quang Trung cho người đóng giả mình sang Trung Hoa; thì tất nhiên khi ở trong nước ông cũng sẽ ẩn mình, không trực tiếp đứng ra mà chỉ giải quyết công việc rồi dùng danh nghĩa của Quang Toản để giữ bí mật. Còn như công việc trên cả nước có một sự trì trệ nhất định, thì khả năng cao là do Quang Trung muốn theo dõi sát sao tiến trình của phái đoàn ở Trung Hoa (ta cũng biết rằng trong thời gian này, phái đoàn Tây Sơn gửi rất nhiều văn thư về trong nước). Những công việc quân sự, chính trị và xây kinh đô mới tuy quan trọng, nhưng đều nằm trong tầm tay nên có trì trệ cũng không ảnh hưởng quá nhiều. Ngược lại, việc công du của phái đoàn Tây Sơn với nhà Thanh lại cực kỳ hệ trọng, cho nên giả như Quang Trung thật sự cho người đóng giả mình, thì lại càng phải theo dõi sát sao. Chi tiết lời đồn về “Giả vương” xuất phát từ nước ta rồi mới lan sang Trung Hoa, cũng có thể là bởi ai đó đã nghe phong thanh được chuyện này từ triều đình Tây Sơn, rồi tìm cách lan truyền nhằm gây bất lợi cho Quang Trung.
Điểm thứ hai cần lưu ý, là như đã nói ở trên: tình hình nước ta lúc bấy giờ không thể nói là yên bình được. Chưa kể đến những việc bang giao với nhà Thanh tuy có vẻ xuôi chèo mát mái, nhưng không thể coi nhẹ; thì lúc ấy nói triều đình Tây Sơn bốn bề thọ địch cũng không ngoa chút nào. Ở phía nam là lực lượng ngày càng lớn mạnh của Gia Định do chúa Nguyễn cầm đầu; ở chính Bắc Hà là các nhóm phù Lê; ở phía tây là Xiêm La, Ai Lao cùng Vạn Tượng lăm le; chính trong nội bộ Tây Sơn cũng có rắc rối liên quan đến Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn. Trong tình thế như vậy, nhân vật quan trọng nhất của Tây Sơn là Quang Trung lại không có mặt ở trong nước để giải quyết bất kỳ một sự việc khẩn cấp nào thì quả là bất cẩn. Tất nhiên ở lại trong nước vẫn còn những tướng lĩnh thân cận cấp cao như Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng hay Phan Văn Lân; nhưng dù sao đi chăng nữa, linh hồn và sự uy dũng của Tây Sơn bấy giờ nằm cả ở Quang Trung. Những thắng lợi ngoại giao với nhà Thanh dĩ nhiên quan trọng, nhưng Quang Trung vẫn phải cân nhắc nhất định, khi mà trong nước mầm mống loạn lạc có thể bùng lên bất cứ lúc nào.

"Càn long đế bát tuần vạn thọ đồ quyển"
Tiếp theo, một vài chi tiết cực kỳ đắt giá đã được phái đoàn Triều Tiên ghi nhận trong thời gian công du của phái đoàn Tây Sơn. Một thành viên trong phái đoàn Triều Tiên là Liễu Đắc Cung đã ghi lại sự việc như sau:
Vua tôi Quang Bình đều mặc áo mũ Mãn Châu. Tụng thần là Thượng thư bộ Lại Phan Huy Ích và Thượng thư bộ Công Hạo Trạch hầu Vũ Huy Tấn, hai người dáng thấp bé, mặt mũi khô sạm, răng thưa mà đen. Những người đi theo còn lại cũng đều nhỏ thó. Coi vậy thì Quang Bình là người cao lớn của nước ấy vậy. Vua nước ấy ngẫu nhiên hỏi sứ thần nước ta rằng cách Nhật Bản xa hay gần. Sứ thần đáp lại. Vua nước ấy định nói tiếp thì bọn Phan Huy Ích liếc mắt ngăn cấm, thật đáng sợ vậy.
Ở đây, ông ta đã bắt được một chi tiết cực kỳ đáng quan tâm và có giá trị: đó là thái độ của Phan Huy Ích và Vũ Huy Tấn với vua Quang Trung lúc đó. Chúng ta đều biết Quang Trung là người rất có uy với quần thần, Phan Huy Ích và Vũ Huy Tấn lại chỉ là hai quan văn vừa mới đầu hàng nhà Tây Sơn. Trong bối cảnh như thế, hai ông lại có thể cả gan liếc mắt ngăn trở cuộc đàm đạo giữa Quang Trung và sứ thần Triều Tiên sao? Cái liếc mắt khiến cho ngay cả Liễu Đắc Cung cũng phải cảm thấy "thật đáng sợ vậy" rốt cuộc chứa đựng thông điệp gì? Phan Huy Ích chỉ muốn nhắc khéo vua Quang Trung cần phải đi gấp để giải quyết công việc, và dưới ngòi bút có phần thiên kiến của bên Triều Tiên mà thành ra “liếc mắt ngăn cấm” hay chăng? Chúng ta cùng xét thêm một đoạn ghi chép nữa của Từ Hạo Tu - cũng là một thành viên của phái đoàn Triều Tiên. Từ Hạo Tu chép rằng vua Quang Trung hỏi chuyện Chánh sứ Hoàng Nhân Điểm của Triều Tiên, tổng cộng hỏi được ba câu. Câu đầu hỏi rằng ở Triều Tiên có lệ nhà vua đích thân sang chầu thiên tử hay không? Câu thứ hai hỏi về đường sá từ Triều Tiên tới Nhật Bản. Câu thứ ba hỏi về tình hình từ sau chiến tranh Nhâm Thìn giữa Triều Tiên và Nhật Bản. Với câu thứ ba, sứ thần Triều Tiên chỉ mới nói Quan bạch hiện tại của Nhật không phải là dòng dõi Toyotomi Hideyoshi nữa thì đột nhiên Phan Huy Ích xuất hiện nói lảng sang chuyện thơ văn. Rồi toàn bộ cuộc trò chuyện sau đó là do Phan Huy Ích cùng sứ thần Triều Tiên tiếp chuyện, vua Quang Trung không nói thêm câu nào.
Trong việc này, ta thấy là vua Quang Trung chỉ mới hỏi chuyện sứ thần Triều Tiên đến câu thứ 3 thì dường như đã bị Phan Huy Ích nói chen vào, rồi ông tiếp chuyện thay luôn. Dù thế nào đi chăng nữa, việc hai ông “liếc mắt ngăn cấm” và “hỏi chen vào” như vậy đúng thực là bất thường, và xét đến cái uy của vua Quang Trung thì lại càng kỳ lạ. Phan Huy Ích và Vũ Huy Tấn cũng chẳng phải người được Quang Trung đặc biệt ưu ái; mà lễ quân thần ngày xưa cũng rất khắt khe. Vậy mà nhóm của Phan Huy Ích lại để việc này xảy ra trước mặt sứ thần nước khác là cớ vì sao? Phải chăng đó là một phút lơ là của họ, khi quên mất màn kịch “Giả vương”, nên mới để hớ ra những chi tiết đắt giá như vậy?

Tranh vẽ vua Càn Long
Lại nói rằng, việc cho người đóng giả vua Quang Trung phải nói là cực kỳ khó khăn; nhưng cũng không phải bất khả thi. Nhà Thanh có thể có nhiều biện pháp cho người nhận mặt Quang Trung, nhưng cũng phải tính đến việc triều Tây Sơn đã nghĩ đến những mối nguy ấy và tìm phương án giải quyết. Cũng có thể việc này chỉ được một số quan lại cao cấp và quan trọng nhất với Quang Trung biết đến, chứ hầu như cả phái đoàn không ai hay biết, nên mới có thể giữ được bí mật. Đó phải chăng cũng chính là lý do mà Đại tư mã Ngô Văn Sở nhất quyết đi theo phái đoàn, nhằm mục đích thay mặt vua Quang Trung để đạo diễn màn kịch “Giả vương” đầy nguy hiểm này? Và dĩ nhiên, nếu quả thực có người đóng giả vua Quang Trung, thì đó hẳn là một nhân vật mà lịch sử chưa biết tên, bởi vì cả Phạm Công Trị lẫn Ngô Văn Sở đều không có khả năng là người đóng giả ông, như đã phân tích ở trên.
Tóm lại, khi xét về vấn đề thuyết “Giả vương nhập cận”, cả hai luồng ý kiến phản bác và đồng tình đều có những bằng chứng ủng hộ và phản đối nhất định. Trong một chừng mực nào đó, thì dựa vào các ghi chép và tài liệu, văn thư để lại; dường như quả thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung thật. Lẽ dĩ nhiên, cũng có một số chi tiết gợn như đã nói ở trên, nhưng cũng không phải là không thể giải thích, hoặc chỉ là do cách viết thêm mắm dặm muối của những người ngoài cuộc với thiên kiến của họ. Nhưng dù sao đi chăng nữa, thành quả ngoại giao mà chuyến công du này đạt được quả thực là hiếm có. Vua Quang Trung nói riêng và cả phái đoàn Tây Sơn đều được Càn Long khoản đãi theo những cách mà chính các hoàng tử nhà Thanh cũng phải ghen tức và mơ ước. Những điều ấy, quả thực là độc nhất vô nhị trong lịch sử bang giao giữa hai nước.
Kết luận
Đối với những vấn đề xoay quanh nghi án “Giả vương nhập cận”, chúng ta có thể thấy rằng thực chất mọi thứ đều không đơn giản như vẻ bề ngoài. Ngay chính mục đích và bản chất của chuyến công du của phái đoàn Tây Sơn cũng đã không giống bất kỳ một sự kiện nào trong lịch sử cả. Đọc về sự kiện này, nếu không nắm rõ tường tận thì rất có thể ta sẽ nhầm nó như một chuyến đi sứ thông thường - như một phiên vương vào chầu thiên tử. Thậm chí nhiều người có thể coi đây là một nỗi xấu hổ, khi bao triều đại trước các vua ta đều thoái thác không sang chầu được, mà đến một vị vua anh hùng như Quang Trung lại phải chấp nhận - dù người đó là giả hay thật. Tuy nhiên như đã dẫn ở trên, bản chất của chuyến công du này không phải một chuyến đi sứ thông thường, vua Quang Trung cũng không phải mang tiếng là sang chầu Hoàng đế Trung Hoa. Phái đoàn Tây Sơn là một phái đoàn chúc thọ với danh nghĩa quốc vương chư hầu, và được đón tiếp cực kỳ trọng thể, tốn kém (phái đoàn đông tới gần 200 người - lớn hơn gấp 3,4 lần so với tiêu chuẩn một đoàn chúc thọ của chư hầu bình thường). Bản thân người dẫn đầu phái đoàn là vua Quang Trung thì được đón tiếp với tư cách một quốc khách do Càn Long mời, và thậm chí nhà Thanh đã chế ra nhiều nghi lễ mới chỉ dùng để đón tiếp ông. Mặc dù là vua nước nhỏ hơn, nhưng ta có thể chắc chắn rằng chuyến công du của phái đoàn Tây Sơn có đầy đủ ý nghĩa và vị thế như một chuyến thăm chính thức của một quân chủ; hay nói cách khác là cao hơn hẳn so với các triều đại trong quá khứ. Đó là điều mà chúng ta cần hiểu rõ, tránh có những ngộ nhận sai lầm về vị thế của vua Quang Trung nói riêng và triều Tây Sơn nói chung trong sự kiện này.
Còn như về nghi án “Giả vương nhập cận”, thì còn khó xác định thực giả hơn. Nếu dựa theo những ghi chép và văn thư, tấu chương còn để lại; thì có thể cho rằng người sang Trung Hoa lúc bấy giờ đích thực là vua Quang Trung. Tuy nhiên, cũng như đã phân tích ở trên; tình hình thực tế không hề lý tưởng để người đứng đầu cả một vương triều rời nước trong gần 1 năm liền. Đại Việt vẫn còn chìm trong chiến loạn, các thế lực chống đối có thể nổi lên bất cứ lúc nào; chưa kể đến các kẻ tử thù của Tây Sơn vẫn còn đó. Vua Quang Trung có thể không coi các thế lực ngoại địch ấy vào đâu (mà đúng là trên thực tế ông không coi Xiêm La hay thậm chí là quân Gia Định là mối họa đủ lớn với mình); nhưng đồng thời ông cũng không thể không suy xét kỹ càng lợi - hại khi đích thân sang Trung Hoa. Bởi vậy, việc có một “Giả vương” thay thế vua Quang Trung sang Trung Hoa hoàn toàn có khả năng xảy ra, chỉ là có thể chân tướng sẽ khác so với những gì chúng ta tưởng là đã biết. Để màn kịch này được thành công, chắc chắn không hề đơn giản như lâu nay ta vẫn tưởng, mà nếu quả thực việc này là thật thì đúng là một kỳ công vô tiền khoáng hậu của Tây Sơn trong bang giao với nhà Thanh.
Tuy vậy, thật đáng tiếc rằng chân tướng của sự thật sẽ mãi mãi là một ẩn số. Những người có thể nói ra sự thật hẳn nhiên đều đã là người thiên cổ, và số ít ghi chép để lại có thể giúp hậu thế giải mã phần nào bí ẩn lịch sử, nhưng không bao giờ là đủ và đáng tin hoàn toàn được. Chúng ta có thể suy đoán, và đưa ra được cái gọi là “gần với sự thật nhất” mà thôi. Thế nhưng thủy chung thì chúng ta sẽ mãi không thể nào chạm tay vào toàn bộ chân tướng của lịch sử được.

Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
Cảm ơn bạn đã ủng hộ, thân.