Nữ hoàng Ai Cập có thực sự giống những gì bạn đã biết?
Nhắc đến một trong những người phụ nữ quyền lực, thông minh và có sức hút nhất thời cổ đại, chắc chắn ta không thể không nhắc đến Nữ...
Nhắc đến một trong những người phụ nữ quyền lực, thông minh và có sức hút nhất thời cổ đại, chắc chắn ta không thể không nhắc đến Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra. Được biết đến với trí thông minh, học thức rộng, sự tự chủ cùng khả năng lãnh đạo tuyệt vời, Cleopatra đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp và sức mạnh của phụ nữ. Đặc biệt, với sự khôn khéo và khả năng lôi cuốn, bà đã “hút hồn” hai người đàn ông quyền lực và hùng mạnh nhất thời bây giờ. Ảnh hưởng của Nữ hoàng Ai Cập không chỉ tồn tại trong quá khứ mà ngay cả hiện tại, Cleopatra còn là nguồn cảm hứng dồi dào và bất tận cho những tác phẩm nghệ thuật từ văn học cho đến âm nhạc và điện ảnh... Vậy, người phụ nữ này đã sử dụng tài năng của mình như thế nào và sống một cuộc đời ra sao?
Nhân ngày tôn vinh những người phụ nữ 8/3, hôm nay hãy cùng mình khám phá về Nữ hoàng Cleopatra - vị pharaoh cuối cùng của Ai Cập, người phụ nữ có tầm ảnh hưởng không thua gì những bậc đế vương này nhé!
Nữ hoàng Ai Cập không phải người Ai Cập.
Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra có tên đầy đủ là Cleopatra VII Philopator (69 TCN – 30 TCN) và là người Macedonia. Bà là thành viên cuối cùng của triều đại Ptolemy (một triều đại của người Hy Lạp cai trị Ai Cập và các vùng lân cận từ năm 305 TCN đến 30 TCN). Theo lịch sử Macedonia, Cleopatra là hậu duệ của triều đại Ptolemaic, được khai sinh bởi Ptolemy I, một tướng của Alexander Đại Đế. Sau khi Alexander Đại Đế chết vào năm 323 TCN, Ptolemy I lên nắm quyền và mở ra một triều đại cai trị nói tiếng Hy Lạp tồn tại gần 3 thế kỷ. Mặc dù không phải là người Ai Cập về mặt dân tộc, nhưng Cleopatra đã tiếp nhận nhiều phong tục cổ xưa của đất nước Ai Cập và là thành viên đầu tiên của dòng họ Ptolemaic học ngôn ngữ Ai Cập.
Triều đại Ptolemaic coi việc kết hôn cận huyết là một điều hết sức bình thường. Vua Ptolemy XII đã kết hôn với em gái mình và sinh ra Cleopatra và theo "truyền thống gia đình", Cleopatra lại kết hôn với hai người em trai trong nhà.
Khi vua cha Ptolemy XII mất năm 51 TCN, Cleopatra và em trai 10 tuổi Ptolemy XIII lấy nhau và cùng cai quản đất nước. Khi đó Cleopatra mới 17 tuổi. Bà cai trị Ai Cập cổ đại từ năm 51 đến năm 30 TCN. Mặc dù không phải là người Ai Cập nhưng Cleopatra được dân chúng tôn thờ như một vị chúa trời.
Có lẽ chính bởi xuất thân từ triều đại Ptolemaic mà nhiều người vẫn hay đùa vui về Cleopatra là: Nữ hoàng Ai Cập nhưng chẳng phải người Ai Cập thực thụ.
Cleopatra đã giết chết anh chị em mình để độc chiếm vương quyền.
Theo truyền thống của dòng họ Ptolemy, dòng họ của Cleopatra, các nữ hoàng không được phép cai trị một mình mà chỉ được đồng cai trị với một người đàn ông và đóng vai trò phụ thuộc người nam đó. Chính vì thế khi vua cha qua đời, Cleopatra lên ngôi ở tuổi 18 cùng ngồi trên ngai vàng với em ruột là Ptolemy XIII. Đây cũng là người chồng đầu tiên của nữ hoàng.
Không bao lâu sau cuộc kết hôn, Cleopatra và Ptolemy XIII xảy ra bất đồng quan điểm. Một cuộc nội chiến đẫm máu bùng nổ trên đất Ai Cập. Năm 49 TCN, Ptolemy XIII lật đổ Cleopatra, buộc nữ hoàng phải chạy trốn sang Syria. Cleopatra đã dành một năm tại đây để tổ chức quân đội riêng và quay lại Ai Cập.
Nhờ sự giúp đỡ của Caesar, danh tướng La Mã mà bà quyến rũ được, Cleopatra được đưa trở lại ngai vàng sau khi Ptolemy XIII bị giết. Trên các văn bản chính thức chỉ còn tên vị nữ hoàng duy nhất, ngay đồng tiền xu in hình các pharaoh cũng chỉ còn chân dung Cleopatra.
Sau cái chết của Ptolemy XIII, để được danh chính ngôn thuận lên ngôi, bà phải cưới một người em trai khác của mình là Ptolemy XIV để cùng cai trị. Bề ngoài, cả hai đồng trị vì nhưng quyền lực thực chất tập trung vào tay Cleopatra.
Tuy nhiên, cũng giống với Ptolemy XIII, Ptolemy XIV cũng bị Cleopatra sát hại nhằm bảo tồn tuyệt đối quyền lực của mình. Năm 44 TCN, Caesarion - con trai của Cleopatra và Caesar trở thành người đồng trị vì với mẹ mình là nữ hoàng Cleopatra, sau khi Pharaon Ptolemy XIV qua đời.
Không chỉ ra tay với hai người anh em của mình, Cleopatra cũng coi Arsinoe - em gái mình là đối thủ của ngai vàng, vì vậy vào năm 41 TCN, Cleopatra đã ám sát cô trên bậc thềm của một ngôi đền ở Rome.
Cleopatra không sở hữu một ngoại hình khuynh quốc khuynh thành.
Cleopatra nổi tiếng trên toàn thế giới vì những đóng góp của bà cho đế chế Ai Cập và là một trong những nữ hoàng quyền lực nhất trong lịch sử loài người được ghi lại thế nhưng, sự thật thì chưa chắc đã phải vậy. Bằng chứng về vẻ đẹp tầm thường của bà được thể hiện qua những đồng xu Ai Cập cổ đại khi khuôn mặt của nữ hoàng được khắc trên đó là một khuôn mặt thô thiển với viền hàm cục mịch, chiếc mũi khoằm và biểu cảm không mấy dễ chịu.
Người ta tin rằng Cleopatra đã làm việc chăm chỉ để kiểm soát cách công chúng nhìn nhận bà và hình ảnh của bà trên đồng xu Ai Cập là một cách để trông nam tính hơn nhằm nhấn mạnh quyền lực và quyền cai trị của bà.
Nhà sử học Plutarch đã từng viết, Cleopatra sở hữu một vẻ đẹp bình thường và nhan sắc của cô ấy không quá nổi bật đến mức không ai có thể so sánh được. Tuy nhiên, ông cũng đề cập thêm, thay vì vẻ đẹp không mấy nổi trội, Cleopatra lại sở hữu trí tuệ tuyệt vời, sự hóm hỉnh, sức quyến rũ và “sự ngọt ngào trong giọng nói” - những thứ có thể mê hoặc người khác mạnh mẽ hơn cả sắc đẹp bên ngoài.
Có thể thấy, hầu hết tiếng xấu về cám dỗ và sức quyến rũ ngoại hình của nữ hoàng Ai Cập đều là do kẻ thù của cô tạo ra. Thậm chí, các nhà sử học La Mã còn miêu tả Cleopatra là một gái điếm đã sử dụng tình dục để mê hoặc những người đàn ông quyền lực trao cho bà quyền lực.
Cleopatra là một người phụ nữ rất thông minh và sắc sảo.
Mặc cho người La Mã truyền tụng về Cleopatra như là một người phụ nữ lẳng lơ, đồi trụy, thường dùng nhan sắc của mình làm vũ khí chính trị, nhưng có lẽ bà nổi danh nhờ trí tuệ vượt trội của mình nhiều hơn là nhan sắc. Cleopatra biết hơn 9 ngôn ngữ, được học về toán học, triết, hùng biện và thiên văn học. Bà được dân gian Ai Cập mô tả như là một người trị vì “biết cách nâng tầm và trọng dụng giới học giả.”
Nhà sử học Alberto Angela nói rằng “Cleopatra yêu mến Homer và có thể đọc thuộc lòng những phần lớn trong tác phẩm của ông ấy…Mọi ngóc ngách của Thư viện đều quen thuộc với Cleopatra…Các học giả và thủ thư có thể biết rõ về bà, và có lẽ đôi khi quên rằng họ có nữ hoàng trước mặt. ”
Các nhà sử học cho biết, Cleopatra nhận được trình độ học vấn cao hơn so với những phụ nữ cùng thời với bà từ khi bà còn trẻ. Điều này khiến bà trở nên độc lập và mạnh mẽ hơn. Bất chấp những lời chỉ trích mà bà phải đối mặt vì là phụ nữ, Cleopatra vẫn tiếp tục thể hiện những hành động quan trọng trong vai trò lãnh đạo của mình.
Với sự thông minh, sắc sảo của mình, Cleopatra trở thành một trong những nhà lãnh đạo được kính trọng và ngưỡng mộ nhất trong lịch sử thế giới. Trong thời gian trị vì, Cleopatra đã cho thấy khả năng giao tiếp tinh tế và những kỹ năng ngoại giao đặc biệt. Theo thời gian, tài năng của bà đã giúp bà nhận được sự tôn trọng của người dân trong đế chế Ai Cập. Vì những đóng góp to lớn của bà trong hành trình xây dựng đất nước, dân chúng cũng coi Cleopatra là một trong những nữ hoàng thành công nhất của Ai Cập.
Bên cạnh tài năng chính trị, Cleopatra còn là một học giả lỗi lạc. Nhiều nhà sử gia đã chỉ ra rằng, bà có tư duy tốt và có thể thảo luận về các ý tưởng triết học. Họ cũng coi Cleopatra là một nhà hóa học tài năng, người đã thành lập nhà máy sản xuất nước hoa để hỗ trợ cho những bước tiến chính trị của bà.
Không chỉ triết học, Cleopatra còn nghiên cứu toán học và thiên văn học. Một số tài liệu mô tả bà là một nhà lãnh đạo đã đề cao cấp bậc cũng như vai trò của các học giả khác cùng thời với bà. Vì sự thông minh của Cleopatra, nhiều học giả cấp cao thường thích dành thời gian thảo luận với bà.
Có thể thấy, dù có thể không sở hữu vẻ ngoài nghiêng nước nghiêng thành, nhưng ta không thể phủ nhận tài năng của trí óc mà nữ hoàng Ai Cập này sở hữu.
Cleopatra thực sự yêu ai?
Thừa hưởng nền giáo dục toàn diện, được trao quyền và bộc lộ tài năng lãnh đạo từ sớm, Cleopatra cùng cha mình là Pharaoh Ptolemy XII Auletes cai trị Ai Cập cho tới khi ông qua đời. Theo chế độ vương triều thời bấy giờ, bà phải kết hôn với 2 em trai là Ptolemy XIII và Ptolemy XIV để bảo toàn ngôi vị.
Theo tài liệu ghi lại, sau một cuộc đảo chính do các cận thần của Ptolemy XIII tiến hành, Cleopatra đã buộc phải chạy trốn sang Syria. Đây cũng là thời khắc Hoàng đế La Mã - Caesar bước vào cuộc đời bà. Caesar cũng đã đồng ý sẽ giúp Cleopatra lật đổ Ptolemy XIII để bà trở thành người duy nhất nắm giữ quyền lực tối cao tại Ai Cập.
Sau khi đánh bại Ptolemy XIII, Cleopatra giành thắng lợi và lúc này, nàng đang mang cốt nhục của Caesar. Caesar đã sắp xếp để Cleopatra kết hôn với cậu em trai 12 tuổi của nàng là pharaoh Ptolemy XIV. Bề ngoài, cả hai đồng trị vì nhưng quyền lực thực chất tập trung vào tay Cleopatra.
Caesar và Cleopatra cũng tổ chức đám cưới bí mật theo nghi thức Ai Cập. Cuộc hôn nhân này vốn không được thừa nhận tại Rome vì Caesar là người đàn ông đã có vợ và vi phạm pháp luật vì kết hôn với một phụ nữ ngoại quốc. Không bao lâu sau, Caesar lên đường trở lại Rome.
Chiếc ghế quyền lực của Cleopatra không hoàn toàn vững chắc như Cleopatra tưởng, bà buộc phải phụ thuộc vào đế chế La Mã. Một năm sau khi sinh Caesarion – con trai của Caesar và bà – vị nữ hoàng đã đem con rời khỏi Ai Cập và cập bến thành Rome. Tại đây, bà được Caesar yêu thương hết mực. Thậm chí, ông còn xây tượng của bà trên ngôi đền của Venus Genetrix mặc cho thần dân ngăn cản. Thế nhưng hạnh phúc chẳng được bao lâu, Caesar bị ám sát, Cleopatra thất bại trong việc đưa Caesarion lên ngôi Hoàng đế La Mã, hai mẹ con liền quay về Ai Cập.
Có thể thấy, chuyện tình của Cleopatra và Caesar thực chất hoàn toàn dựa trên yếu tố cá nhân, tư lợi chứ không tồn tại tình yêu. Không lâu sau cái chết của Hoàng đế La Mã, nữ hoàng Cleopatra đem lòng yêu Mark Antony - một vị tướng thành Rome và công khai mối quan hệ.
Vốn đem lòng yêu mến Nữ hoàng xinh đẹp từ trước, sai khi Hoàng đế qua đời, Antony đã tìm mọi cách để chinh phục bà. Ông mời Cleopatra rời đến Tasus để thương lượng về việc cung cấp quân phí trước đó của Hoàng đế La Mã Caesar. Buổi gặp gỡ diễn ra trên một chiếc thuyền lộng lẫy với tiệc tùng xa hoa cùng vô số người đẹp vây quanh, dĩ nhiên là có cả người phụ nữ mà ông hằng nhung nhớ.
Vẻ đẹp và sự thông minh, sắc sảo cùng giọng nói ngọt ngào của Cleopatra đã hoàn toàn đốn tim Antony, khiến ông quyết định bỏ vợ để đi theo tiếng gọi của trái tim và chuyển đến sinh sống tại Alexandria, nơi ở của Nữ hoàng.
Từ đó, vị tướng quân tài giỏi và Nữ hoàng quyền lực Ai Cập trải qua những tháng ngày hạnh phúc bên nhau. Cleopatra không chỉ khiến Antony say đắm đắm mà còn làm ông này trở nên kiên định hơn. họ cùng nhau cai trị vương quốc hùng mạnh mà không vì tình yêu làm lu mờ đi trách nhiệm.
Tuy nhiên, quãng thời gian êm đẹp này không được bao lâu. Augustus, anh trai của Octavia (vợ cũ của Antony) đã quyết tâm đạp đổ mối quan hệ bền chặt ấy. Một mặt, hắn khiến người La Mã phẫn nộ trước cách hành xử của Antony, mặt khác thuyết phục Nghị viện chống lại phía Ai Cập.
Chiến tranh giữa hai vương quốc nổ ra và Cleopatra không thể chống lại sự tấn công mạnh mẽ từ Rome. Về phần Antony, ông quyết định từ bỏ ngôi vị ở La Mã để đến với Nữ hoàng.
Theo nhiều tài liệu ghi lại, Cleopatra đã vô tình đẩy Antony tới cái chết khi muốn thử lòng ông. Sau khi quân đội Ai Cập thất bại, bà cho quân thông báo với Antony rằng mình đã chết. Quá đau lòng, Antony lập tức quyên sinh bằng cách dùng kiếm đâm thẳng vào bụng. Từ đó cho tới khi qua đời, Nữ hoàng Cleopatra không khỏi day dứt, hối hận về cái chết của người tình. Một số giả thuyết cho rằng bà sống trong dằn vặt và đã tự sát một tuần sau đó. Nhưng có giả thuyết cho rằng Cleopatra bị đầu độc.
Tuy nhiên, tình yêu của Cleopatra và Mark Antony đã khiến nhiều người cảm động. Thậm chí Augustus, kẻ châm ngòi cho cuộc chiến thời đó nhằm phá vỡ mối quan hệ của hai người cũng phải ngưỡng mộ tình yêu họ dành cho nhau. Sau này, ông cho xây hai ngôi mộ của Nữ hoàng và Mark Anthony nằm cạnh nhau để họ có thể bên nhau mãi mãi
Cleopatra luôn biết dùng chiêu trò để đạt được mong muốn của mình.
Cleopatra tin rằng bản thân mình là một vị thánh sống và thường xuyên sử dụng tài diễn xuất thông minh của mình để ve vãn những đồng minh tiềm lực cũng như để củng cố địa vị thần thánh của mình. Một ví dụ nổi bật cho tài năng này của bà là vào năm 48 TCN, khi Julius Caesar đến Alexandria, đúng vào thời điểm mối thù hận giữa bà và người em Ptolemy XIII diễn ra căng thẳng. Biết rằng việc bà gặp gỡ vị tướng La Mã sẽ bị lực lượng của Ptolemy cản trở, Cleopatra đã cho người bọc bà trong một chiếc thảm (có nguồn tin lại cho rằng bà được bọc trong một bao vải lanh) và bí mật chuyển đến chỗ Caesar. Vị này đã choáng váng trước hình ảnh một vị nữ hoàng trẻ đẹp và rồi hai người sau đó nhanh chóng trở thành đồng minh và người tình.
Cleopatra sau đó cũng sử dụng chiêu bài này khi gặp Mark Antony. Người ta nói rằng, khi được triệu hồi để gặp vị Chấp chánh tam đầu chế La Mã này tại Tartus, bà đã đến trên một chiếc bè bằng vàng được trang trí với cánh buồm màu tím, mái chèo bằng bạc. Bản thân bà thì được trang điểm để giống như vị thần sông Aphrodite, ngồi dưới chiếc mái mạ vàng trong khi nô tì đứng quanh cầm quạt cho bà và ăn mặc như thần tình yêu Cupid. Antony - người cho rằng mình là hiện thân của vị thần Ai Cập Dionysus - ngay lập tức bị mê hoặc.
Cleopatra đã sống tại Rome vào thời điểm Caesar bị ám sát
Cleopatra đã đến Rome cùng Julius Caesar vào đầu năm 46 TCN và sự hiện diện của bà đã vấp phải không ít phản đối. Caesar đã không ngần ngại công khai rằng bà là người tình của mình. Thậm chí lúc đến Rome, Cleopatra còn đưa theo người con yêu quý của mình trên xe kéo. Khi Caesar cho dựng tượng Cleopatra mạ vàng tại ngôi đền của Venus Genetrix, rất nhiều người dân thành Rome đã phản đối.
Vị nữ hoàng Ai Cập, sau cái chết của Caesar tại viện Nguyên Lão vào năm 44 TCN, đã bị buộc phải rời Rome, nhưng bà vẫn kịp để lại dấu ấn của mình tại thành phố này. Kiểu tóc đặc biệt cùng những đồ trang sức ngọc trai của bà đã trở thành phong cách thời trang tại đây và theo sử gia Joann Fletcher, “nhiều phụ nữ thành Rome đã bắt chước kiểu cách của Cleopatra đến nỗi mà tượng hình của họ thường xuyên bị nhầm với nguyên tác, Cleopatra".
Cái chết của Cleopatra có thể không phải vì rắn độc cắn
Cleopatra và Antony đã kết liễu cuộc đời mình vào năm 30 TCN, sau khi bị quân đội của Octavian đánh đuổi đến Alexandria. Trong khi Antony được cho là đã tự đâm vào bụng mình thì cách mà Cleopatra tự sát vẫn còn nhiều nghi vấn. Dân gian kể rằng bà chết vì cho rắn độc - nhiều khả năng là rắn lục hoặc hổ mang Ai Cập - cắn vào tay mình. Những nhà biên niên sử cổ đại Plutarch quả quyết rằng “không ai thực sự biết được điều gì đã xảy ra". Ông cho rằng Cleopatra cũng có thể đã uống độc dược cất giấu trong chiếc lược của mình, còn sử gia Strabo viết là nữ hoàng có lẽ đã dùng một loại thuốc mỡ chết người. Nhiều học giả ngày nay ngờ rằng bà đã sử dụng 1 chiếc kim tẩm một loại độc cực mạnh, có thể là nọc rắn hoặc tương tự vậy.
Cleopatra có thể được chôn cùng với Mark Anthony
Theo sử sách ghi lại, trước khi mất, Nữ hoàng Cleopatra tới thăm lăng mộ của Antony và khóc: "Từ khi chàng mất, cuộc đời của em không còn ý nghĩa gì". Nhưng thực tế thế dường như không phải như vậy, bởi sự thực bà không hề có tình yêu với tướng quân Antony, cũng không có tình cảm gì với hoàng đế La Mã Caesar. Gắn kết cuộc đời với hai người đàn ông này, mục đích cuối cùng của bà chỉ là gìn giữ sự bình an cho Ai Cập, tình yêu lớn của đời bà.
Tuy nhiên, theo phán đoán của nhà khảo cổ học Ai Cập Zahi Hawass, sau khi mất, Cleopatra đã được Augustus chôn cùng Antony. Ông cũng cho biết, thông qua những tác phẩm văn học của La Mã, có thể thấy Antony từng mong muốn sau khi chết được chôn cất tại Ai Cập, còn Cleopatra khi sống đã cho xây một ngôi mộ đôi. Khi hai người chết, Augustus, anh họ của Antony, đã giúp ông thỏa nguyện.
Trên đây là một số thông tin có thể bạn chưa biết về Nữ hoàng Ai Cập cổ đại. Tuy vẫn còn nhiều điều về nữ hoàng Cleopatra chưa làm sáng tỏ, nhưng ta không thể phủ nhận rằng, dù đã qua đời hơn 2.000 năm trước, song bà vẫn là một trong những người phụ nữ hấp dẫn nhất trong lịch sử. Nổi tiếng với sắc đẹp và trí tuệ, nữ hoàng Ai Cập đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người phụ nữ trong hành trình xây dựng, phát triển và củng cố địa vị của bản thân. Qua đó, nó cũng giúp họ trở nên tự tin và vững bước hơn trong cuộc sống.
Một số nguồn tham khảo:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất