“Thuốc lá! Lá vàng như lụa, đường như mật, Nụ cười trong khói thuốc, tâm hồn lững lờ. Bao năm trải qua, đam mê không phai mờ, Chuỗi ngày vui vẻ, bên chiếc đuốc đang tàn.” Trích “Thuốc lá” - Hồ Chí Minh - 1960
Bác Hồ - một vị lãnh tụ tuyệt vời của Việt Nam, là một trong những người tiên phong trong việc khuyến khích người dân Việt Nam từ bỏ thuốc lá. Tuy vậy, Bác có niềm yêu thích rất lớn với thuốc lá, kèm theo đó là rất nhiều câu chuyện thú vị liên quan đến việc hút thuốc của Bác. 
Xin lưu ý rằng một vài câu truyện trong bài viết là tìm kiếm và tham khảo từ các nguồn tài liệu trong và ngoài nước. Chủ yếu từ sách “Chuyện kể của những người giúp việc Bác Hồ”, “Chuyện thường ngày của Bác Hồ”, các thông tin từ khu di tích chủ tịch Hồ Chí Minh và bảo tàng Hồ Chí Minh. Ngoài ra, vẫn có một vài câu chuyện là truyền miệng và có thể chưa được xác thực. 
Bác hút thuốc từ khi nào?
Theo các tài liệu ghi lại, Bác Hồ được cho là đã bắt đầu hút thuốc từ khi còn ở Paris vào những năm 1920. Lý do vì sao Bác Hồ lại hút thuốc không được rõ ràng, nhưng có nhiều giả thuyết được đưa ra.
Một số người cho rằng Bác Hồ hút thuốc để giảm căng thẳng và lo âu trong suốt những năm chiến tranh độc lập Việt Nam. Theo giả thuyết này, hút thuốc được coi là một hình thức giải tỏa tâm lý đơn giản nhất để giảm bớt căng thẳng trong những thời điểm khó khăn. Nhưng một số nguồn khác cho rằng Bác Hồ hút thuốc vì yêu thích hoặc do tình cờ. 
Theo tài liệu ghi lại, khi đang làm việc cho một xưởng in ở Paris, Bác Hồ đã bị chủ nhà ra lệnh không được hút thuốc trong xưởng. Tuy nhiên, Bác vẫn tiếp tục hút thuốc lá và nhả khói vào một cái ống tre. Sau đó, Bác đã nói với chủ nhà rằng mình không hút thuốc nữa và đưa ống tre đó cho chủ nhà kiểm tra. 
Theo một nguồn đáng tin cậy nhất từ đồng chí Vũ Kỳ, khi đó người giúp việc cho Bác, đã được Bác tâm sự lại về nguyên do tại sao mình nghiện thuốc lá. Những năm còn ở Pháp, Bác chỉ là một thanh niên kháng Pháp nên luôn rơi vào tầm ngắm của các mật thám. Bác biết mình bị theo dõi nhưng không dám quay đầu để nhìn nhận tình hình và tìm cách cắt đuôi. Bác mới nghĩ ra cách hút thuốc. Mỗi lần cảm nhận được sự hiện diện của các đặc vụ, Bác đi qua thùng rác ven đường cách khoảng 3 bước chân, dừng lại châm thuốc rồi quay lại thùng rác để vứt que diêm. Vì vậy mà Người có dịp quan sát xung quanh để tìm ra cách đối phó với kẻ theo dõi. Và cũng do giả vờ mãi mà hút thuốc dần trở thành thói quen của Bác. 
Một câu chuyện khác được ghi lại trong tài liệu kể khi Bác Hồ đang ở Marseille. Theo câu chuyện, khi Bác đang ngồi hút thuốc trong một quán cà phê dọc đường, một người đàn ông ngồi cạnh ông đã quay sang và nói với ông rằng "điều đó không tốt cho sức khỏe của bạn đâu". Bác đã nghe và đáp lại "Tôi biết điều đó, nhưng xin mạn phép, hiện giờ tôi không thể cai được".
Thưởng thức “nhị vật” trên thế gian
Đối với Bác, trên thế gian này có “nhị vật” là tuyệt phẩm của thế gian, ấy là thuốc lá và rượu. Cách Bác thưởng thức “nhị vật” cũng hết sức thanh tao. Đối với “tửu”, theo như nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng và người phục vụ các bữa ăn của Bác, ông Đặng Văn Lơ kể lại, Bác thường dùng một chiếc ly nhỏ màu trắng, có xuất xứ từ Nhật Bản để uống rượu trong các bữa trưa và bữa tối. Rượu mà Bác thường uống sẽ là rượu mạnh hoặc rượu thuốc. Vang đỏ sẽ là lựa chọn của Bác, nhất là của hãng Bordeaux, đôi khi đổi vị thì dùng rượu nho được sản xuất tại các nước châu Âu. 
Còn đối với thuốc lá, có nhiều nguồn khác nhau. Trước khi ăn bữa sáng, Bác hay uống một ly cafe đen, nóng, không đường. Có lẽ là Bác uống Robusta, bởi trong 2 loại cafe phổ biến còn lại, Arabica thì hơi chua, còn Excelsa là của hiếm. Kèm theo đó luôn là một điếu thuốc. Trong một bài phỏng vấn họa sĩ Phan Kế An, Bác hay hút Craven A trong khoảng thời kỳ đầu làm Chủ tịch nước. Nhưng theo đồng chí Vũ Kỳ, Bác đặc biệt thích một loại thuốc lá được sản xuất từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, cùng loại với Chủ tịch Mao Trạch Đông thường hút, hiệu “Yellow Crane Tower”. Theo Bác, loại này nhẹ và ngon hơn các hiệu của Mỹ và Pháp sản xuất, vốn nặng và thường pha thêm thuốc phiện.
Craven A của những năm 1960
Craven A của những năm 1960
Biết điều này, các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc đã biếu tặng Bác loại thuốc lá kể trên. Khi hết bao, đồng chí Vũ Kỳ đã giữ lại chiếc hộp để đựng các loại thuốc lá khác cho Bác hút, bởi hộp rất vừa và thuận tiện để bỏ túi. Về sau, Trung Quốc sản xuất loại thuốc lá Seo Mao (Gấu Mèo) chuyên dùng cho Chủ tịch Mao Trạch Đông, ông đã đích thân gửi biếu cho Bác. Từ đó mà bác bắt đầu hút thuốc này. 
Theo một vài nguồn khác, hồi còn ở nước ngoài, Bác cũng hay hút “State Express 555”, hay còn được gọi dân dã ở Việt Nam là “ba số”, cũng là một hãng rất phổ biến hồi những năm 1930. Còn đối với thuốc hàng nội, Bác đặc biệt thích Dalat, chứ không chọn các hiệu phổ biến thời đó như TH, Phụng Hoàng, Trung Nguyên hay Hà Tây. 
Nói đến những câu chuyện liên quan tới bao thuốc lá của Bác, nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan kể lại, có lần ông đến phiên dịch cho Bác, trong khi chờ khách đến, Bác mở bao thuốc, lấy một điếu cùng một mảnh giấy trong đó, vừa rít thuốc vừa lẩm nhẩm đọc. Khi ấy, ông không dám hỏi Bác đang đọc gì, chỉ nghe loáng thoáng thấy tiếng Nga. Bác thường để một mảnh giấy trong bao thuốc, trên đó có ghi 10 từ tiếng Nga. Mỗi ngày Bác hút một bao, khoảng 20 điếu, cứ mỗi lần hút một điếu là lại nhẩm đọc từ mới, rơi rụng đi cũng học được 5-7 từ. Cũng bởi vậy mà ngoại ngữ của Bác rất tốt, cả tiếng nước ngoài lẫn tiếng dân tộc. “Tôi thấy có 2 nhà lãnh đạo của ta nói tiếng dân tộc rất giỏi là Bác Hồ và đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hai cụ nói chuyện với bà con người Tày thì nói tiếng Tày, với người Nùng thì nói tiếng Nùng”, đồng chí Vũ Khoan kể lại. 
"Nghị quyết" của nhà nước để giúp Bác bỏ dần thuốc lá
Bác từng nói, ở đời, ai cũng là người thường, “nhân vô thập toàn”, chẳng ai là hoàn hảo cả. Đã sống ở đời thì ai cũng có khuyết điểm. Bác khẳng định, “cả đời mình có hai khuyết điểm lớn nhất, ấy là hút thuốc và không lấy vợ, các chú chớ học theo”. 
Khi ấy, Bác có dấu hiệu tái phát bệnh phổi. Áp huyết, tim mạch không ổn định, bên trong đáy mắt có dấu hiệu chảy máu. Bác sĩ Đào Xuân Trà, trưởng khoa Mắt Bệnh viện Quân đội Trung ương đã được điều động khẩn tới nhà sàn để chữa cho Bác, cùng với sự hỗ trợ của bộ trưởng bộ Y Tế, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và giáo sư Nguyễn Trọng Nhân. 
Vậy là Bác đã bắt đầu cai thuốc ngay khi bắt đầu đặt bút viết dòng đầu tiên, “Tài liệu tuyệt đối bí mật” trong di chúc vào năm 1965. Nhưng khó lắm, “thói quen rất khó đổi”, Bác cũng đã tự thừa nhận như vậy. “Bác chỉ có nhị vật làm vui, giờ các chú bảo Bác bỏ hết, thì Bác còn gì nữa”. Vậy là Bác mới bảo đồng chí Vũ Kỳ rằng “Có người bỏ hút thuốc 50 lần nhưng vẫn hút lại. Nhưng bác sĩ yêu cầu thì nên thôi, chú quản cho Bác”. Từ đó mà đồng chí Vũ Kỳ bỏ bao thuốc vào túi, thi thoảng đưa cho Bác một điếu cho đỡ thèm. 
Trong thời gian làm việc ở Phủ Chủ Tịch, Bác ở 3 nơi, nhà sàn, nhà 54 và nhà 67, Bác mới bảo Vũ Kỳ để cho Bác 3 lọ Penicilin ở mỗi nơi để giảm dần tần suất hút thuốc. Mỗi khi hút hết ⅔ điếu, Bác cho vào trong lọ thuốc, rồi tuần tiếp theo chỉ còn một nửa, rồi ⅓, rồi giảm hẳn xuống còn vài hơi. Anh em trong trung ương bảo Bác hút lại thuốc hút dở hại lắm, Bác bảo “hút thế để có cữ”. Từ mỗi ngày 1 bao, Bác chỉ còn hút 3-4 điếu. 
Đầu tháng 3/1968, Bác bắt đầu bị cảm ho nhẹ. Nhân dịp, Bác quyết định tự bỏ thuốc lá luôn. Tất nhiên là rất khó chịu, ai cũng thông cảm cho Bác, nhưng khi ấy, Bác ho nhiều, đặc biệt về chiều tối và đêm khuya. Từ đó mà các đồng chí lãnh đạo cấp cao giao ước với nhau một “nghị quyết”, rằng không ai được hút thuốc lá trước mặt Bác, tuyệt đối giữ bí mật không được để cho Bác biết. “Nghị quyết” được bàn bạc và thông qua rất nhanh, nhưng cũng như tất cả các nghị quyết khác, rất khó khăn trong thực hiện. Nhiều người hút thuốc đã lâu thành ra nghiện, bấy giờ suốt ngày làm việc bên Bác, không được hút thuốc thành ra thèm, nhưng thương Bác nên cố mà nhịn thôi. Nhưng Bác biết hết. “Tại sao mấy tuần nay trong phòng họp lại tuyệt nhiên không có ai hút thuốc cả, không có làn khói thuốc nào là sao? Nét mặt mọi người ai cũng có vẻ buồn như thế?” Vậy là Bác gọi ngay đồng chí Vũ Kỳ vào, nhờ xin một bao thuốc. 
Vũ Kỳ bị đưa vào thế khó xử, trung ương dặn không được để Bác hút thuốc, nếu làm trái sẽ bị kỷ luật, nhưng Bác đã xin thì sao lại dám từ chối. “Bác không hút đâu, vì Bác quyết giữ lời hứa với Trung ương và với chú nữa”. Thế là Vũ Kỳ mới yên tâm mà đi lấy bao thuốc cho Bác. 
Ngày hôm sau, Bác chủ trì buổi làm việc khẩn với các đồng chí trong ban Bí thư. Bác nói rằng “Bác biết tỏng cái nghị quyết của các chú rồi, giờ Bác mời các chú hút thuốc. Bác mong các chú cứ thoải mái, tự nhiên như trước, đừng vì Bác mà khổ thế”. Bác đưa điếu thuốc cho từng người, còn Bác thì Bác không hút, “Bác được thưởng nhị vật trong mơ rồi. 
“Thuốc không rượu, chẳng có mừng xuân Bỗng chốc thi nhân hóa tục nhân Mơ thấy thuốc thơm và rượu ngọt Tính ra thêm phấn chấn tinh thần”.
Nhiều đồng chí cầm điếu thuốc Bác cho mà thương Bác quá, sau đó nhiều người cũng đã bỏ hẳn thuốc lá. 
Tết Mậu Thân năm 1968 là một cái Tết đặc biệt với quân và dân ta sau cuộc tổng tiến công miền Nam làm rung chuyển cả đô thành Sài Gòn. Tới khi ấy, Bác thèm lắm một điếu thuốc lá mà không có, thi hứng tới, bài thơ chữ Hán cuối cùng của Người ra đời. 
“Tam niên bất ngật tửu suy yên Nhân sinh vô bệnh thị thần tiên Hỷ tín Nam phương liên đại thắng Nhất niên tứ quý đổ xuân thiên”.
Tạm dịch
“Thuốc kiêng rượu cữ đã ba năm Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần Mừng ấy miền Nam vui thắng lớn Một năm là cả bốn mùa Xuân”.