Lưu ý
Bài viết lấy cảm hứng từ sách “Business Model Generation” của Alexander Osterwalder và Yves Pigneur. Sách được chuyển ngữ sang Tiếng Việt theo tựa đề là “Tạo lập Mô hình Kinh doanh” do nhà xuất bản Alphabooks phát hành. Bài viết mô tả hiểu biết (có thể là nông cạn của người viết) về mô hình này và cách người viết áp dụng trong thực tế làm việc với mong muốn giới thiệu và chia sẻ. Mong nhận được góp ý, bổ sung từ bạn đọc. Xin cảm ơn.

Thôi khỏi, giờ có quá trời công cụ phân tích rồi, cần gì BMC

Cũng đúng. Hiện giờ đã có rất nhiều mô hình giúp phân tích doanh nghiệp, Porter’s Five Forces, PESTEL, SWOT, Value Chain Analysis (Phân tích chuỗi giá trị)… Nhiêu đây đồ nghề thì cũng dư dả để phân tích. Khoan đã, nhưng liệu trong các mô hình trên có mô hình nào tổng hợp 1 phát ăn ngay không, kiểu như phải vừa đụng tới khách hàng, chạm tới nhà cung cấp, rờ rẫm lợi thế cạnh tranh và khều khều doanh thu, chi phí không hà. Có nha, là Sơ đồ Mô hình Kinh doanh – Business Model Canvas (gọi tắt là BMC).
BMC là tố hợp sắp xếp lại các yếu tố chủ yếu của một mô hình kinh doanh, tạm phân loại thành 4 nhóm thành tố chính:
- Đối tác
- Nội lực, giá trị doanh nghiệp cung cấp
- Khách hàng
Tài chính
4 nhóm thành tố này được cụ thể hóa ra thành 9 yếu tố:
- Đối tác chính(Key Partnership)
- Nguồn lực chính (Key Resources): các tài sản quan trọng nhất để vận hành mô hình KD
- Hoạt động chính(Key Activities): những việc quan trọng nhất DN thực hiện để mô hình hoạt động
- Định vị Giá trị(Value Proposition): sản phẩm/dịch vụ tạo ra giá trị cho Phân khúc Khách hàng
- Kênh truyền tải Giá trị(Channels): các kênh để tiếp cận và phân phối giá trị cho khách hàng.
- Quan hệ Khách hàng(Customer Relationship): phương thức giao tiếp, chăm sóc khách hàng
- Phân khúc Khách hàng(Customer Segment): nhóm khách hàng mà doanh nghiệp đang nhắm đến
- Cơ cấu Chi phí(Cost Structure): Các chi phí liên quan đến vận hành và kinh doanh
- Dòng Doanh thu(Revenue Stream): các nguồn/loại doanh thu DN có được từ việc vận hành
Sơ đồ mô hình kinh doanh - Business Model Canvas (BMC)
Sơ đồ mô hình kinh doanh - Business Model Canvas (BMC)

OK, nhìn hình nhiều màu là hấp dẫn rồi, nhưng dùng mô hình BMC này cụ thể làm gì?

Nếu hy vọng BMC giải quyết được các vấn đề về vận hành hàng ngày thì chắc hổng được, nhưng nếu sử dụng BMC để làm các việc sau thì sẽ phù hợp hơn:

Brainstom về mô hình kinh doanh mới

BMC có thể được sử dụng làm công cụ cho việc cùng động não về mô hình kinh doanh mới. Với khung (framework) đã có sẵn, việc tư duy sẽ có định hướng cụ thể và không bỏ sót. Các bước sau khi đã tập hợp nhóm có thể bao gồm (1) Tìm hiểu về tập khách hàng; (2) Liệt kê và chọn lọc ý tưởng kinh doanh (3) tạo nguyên mẫu (prototype) nhanh trong buổi brainstorm; (4) trình bày, giới thiệu (pitching); (5) chọn lựa và thừ nghiệm sau buổi brainstorm

Tìm hiểu về mô hình kinh doanh của mình và đối thủ cạnh tranh

Việc in BMC ra 1 trang A3  hoặc lớn hơn và dần điền vào từng yếu tố trong BMC sẽ giúp có góc nhìn tổng thể về mô hình kinh doanh của đối thủ, phân loại được yếu tố quan trọng nhất trong mô hình kinh doanh của họ để định hướng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Có 5 nhóm mô hình kinh doanh phổ biến trên BMC:
- Mô hình KD được định hướng bởi nguồn lực (resource-driven): mô hình KD dựa vào tài sản, đối tác của DN (ví dụ: khai khoáng, phân phối sản phẩm độc quyền)
- Mô hình KD được định hướng bởi Định vị Giá trị (offer-driven): mô hình KD dựa vào xây dựng giá trị sản phẩm, dịch vụ
- Mô hình KD được định hướng bởi Khách hàng (customer-driven): mô hình KD dựa váo việc đáp ứng các nhu cầu của khách hàng (ví dụ: dịch vụ “bạn uống tôi lái”)
- Mô hình KD định hướng bởi tài chính (finance-driven): mô hình kinh doanh tập trung vào dòng doanh thu, cơ chế giá (pricing mechanism), giảm chi phí (ví dụ: mô hình fremium: miên phí cho tính năng đơn giản, tính phí cho các tính năng nâng cao)
- Mô hình KD định hưởng bởi nhiều yếu tố chính

Kinh nghiệm cá nhân khi sử dụng BMC trong phân tích doanh nghiệp

Trong phân tích doanh nghiệp, mình thuờng sẽ kết hợp nhiều công cụ phân tích, chủ yếu là PESTEL, Porter’s 5 forces để làm chỉ mục (checklist) tìm kiếm thông tin tổng quan về ngành, và thị trường doanh nghiệp đang cần phân tích.
Tiếp sau, mình dùng BMC để đánh giá chung nhất về mô hình kinh doanh và chiến lược của doanh nghiệp. Nếu có thể có thông tin tài chính thì mình sẽ phân tích sâu hơn trên báo cáo tài chính.
Riêng với BMC, các bước thực hiện sẽ là
1. In/vẽ BMC ra giấy
2. Tìm thông tin và tổng hợp vào từng ô trong BMC, bao gồm việc xác định vùng trũng thông tin trong BMC để tìm hiểu sâu hơn và hoàn thiện
3. Xác định điểm mạnh, yếu của doanh nghiệp
4. Kết luận

Ví dụ minh họa

Minh họa về mô hình của Spotify.
Sơ đồ Mô hình Kinh Doanh Spotify
Sơ đồ Mô hình Kinh Doanh Spotify
Hy vọng bài viết đã giúp giới thiệu về BMC, nếu có góp ý hoặc có câu hỏi, vui lòng liên hệ [email protected]. Tham khảo bài viết gốc theo link bên dưới,