Một thập kỷ trước, những thiết bị thông minh hứa hẹn sẽ thay đổi cách thức chúng ta tương tác với thế giới, và chúng đã làm được điều đó, nhưng không phải bằng cách khiến chúng ta thông minh hơn. Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy sự mất tập trung gây ra bởi các thiết bị số đang làm tổn hại trí não của ta.
(C) : Steve Cutts
Mùa đông năm 1906 - năm mà San Francisco bị phá hủy bởi một trận động đất và SOS trở thành tín hiểm thông báo nguy hiểm quốc tế, tạp chí Britain's Punch đã xuất bản một biếm họa về tương lai của công nghệ.
Dưới tiêu đề "Dự báo cho năm 1907", một bức họa trắng đen vẽ một cặp đôi ăn mặc sang trọng đang ngồi trong một công viên ở London. Hai người ngồi quay mặt ra nhau, trên mũ có một chiếc an-ten nhô lên, và trên đùi là một hộp đen nhỏ nơi những băng giấy tràn ra.
Dòng chú thích phía dưới bức tranh ghi: "Hai người họ chẳng hề giao tiếp với nhau. Quí bà đang nhắn tin với bồ, còn quý ông thì đang xem kết quả của những cuộc đua."
Dự báo cho năm 1907.
Có lẽ người họa sĩ chỉ đang thể hiện sự hài hước của mình thông qua bức họa trên, nhưng nó dường như là lời tiên tri cho những gì đang diễn ra ở hiện tại. Đúng một thập kỷ sau, Steve Jobs đã giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên. Ngày nay, nhờ vào phát minh ấy, chúng ta có thể ngồi trong công viên không chỉ để nhắn tin hay cập nhật kết quả của những cuộc đua, mà còn có thể tiếp cận với hầu như toàn bộ kiến thức của nhân loại chỉ với vài cú chạm của ngón cái, một cách nhanh chóng và tức thời.
Ngày 09/01/2007, Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên tại San Francisco.
Hơn hai tỉ người trên thế giới đang có trong tay phép màu này, và nó thay đổi cách chúng ta làm mọi thứ - từ chụp ảnh đến gọi taxi. Không những thế, smartphone còn đang thay đổi bản chất của chúng ta, định hình lại cách ta suy nghĩ và tương tác. Sau tất cả những tiện ích mà 'phép màu' ấy mang lại, vấn đề chính nằm ở đây, smartphone không chỉ thay đổi các ngành công nghiệp liên quan hay thói quen của chúng ta, nó thay đổi chính chúng ta. Và bức biếm họa kia đã bắt đầu thể hiện những góc tối của nó.
Bằng chứng cho những điều trên vượt xa sự tưởng tượng của chúng ta. Thông qua những nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia về tâm lý, não bộ hay sức khỏe cộng đồng, họ đã chỉ ra rằng smartphone đang gây những tác động thực sự nghiêm trọng đến não bộ và các mối quan hệ, thể hiện qua việc khoảng tập trung đang giảm, sức mạnh của não bộ cũng không ngoại lệ, chúng ta dành thời gian cho gia đình ít hơn, sự mất cân bằng trong công việc và cuộc sống thì ngày càng gia tăng.
Chúng đã làm suy yếu khả năng ghi nhớ của chúng ta. Hạn chế việc mơ mộng và suy nghĩ sáng tạo. Mong manh hơn trước những tổn thương và âu lo. Các bậc cha mẹ thì phớt lờ con cái. Và khi những đứa trẻ bắt đầu nghiện smartphone, sẽ chẳng có đường mà lui.
Hãy xem qua điều này: Trong năm năm đầu của kỷ nguyên smartphone, tỉ lệ người Mỹ sử dụng internet lấn vào thời gian dành cho gia đình đã tăng gần như gấp ba, từ 11% lên 28%. Và điều này: Việc sử dụng điện thoại thông minh gây ra những tác động giống với việc ngủ không đủ giấc. Nói cách khác, chúng làm ta tệ hơn khi ở một mình, và vẫn là tệ hơn dù ở cùng với nhau.
Mười năm trải nghiệm smartphone, có lẽ mọi thứ đã đi đến điểm cực đại. Chúng ta bắt đầu nhận ra những tiện ích đang giảm dần, khi mà ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những cơn nghiện công nghệ đang gia tăng. Mặt trái dần lộ diện, khi mà lâu lâu lại cảm thấy nhịp rung nơi túi quần hay lòng bàn tay lúc ngủ.
Không nơi nào trên thế giới các vấn nạn của smartphone lại được nhận thức rõ như ở California nơi chúng sinh ra. Vào năm ngoái, những cựu nhân viên của Google, Apple và Facebook, trong đó có cả những cựu giám đốc điều hành đã nâng mức báo động về ảnh hưởng của smartphone và các ứng dụng mạng xã hội, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Chris Marcellino, người có công phát triển tính năng "đẩy" thông báo (push notifications) tại Apple, trả lời tờ Guardian mùa thu năm ngoái rằng smartphone khiến người dùng nghiện bằng chính những dây thần kinh của việc đánh bạc và sử dụng chất kích thích.
Sean Parker, cựu chủ tịch Facebook, gần đây đã thừa nhận nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới này được thiết kế để thu hút người dùng bằng những dòng chảy của dopamin - một chất dẫn truyền thần kinh tạo sự hưng phấn xuất hiện những khi não bộ nhận được phần thưởng hay tiếp thu một kiến thức mới. "Chúng tôi đang khai thác sự yếu đuối của tâm lý con người. Bạn hiểu rõ điều này, một cách có ý thức, nhưng vẫn cứ lấn sâu vào".
Kinh doanh trên sự gây nghiện này đã giúp Parker và đồng nghiệp trở nên vô cùng giàu có. Facebook hiện có giá trị hơn nửa nghìn tỉ đô la. Doanh thu toàn cầu của smartphone đạt hơn 435 tỉ đô la.
(C) : Steve Cutts
Giờ đây, những giám đốc điều hành đời đầu ấy đang nhìn vào thành công của mình theo cách xấu dần đi.
"Tôi cảm thấy có lỗi vô cùng", Chamath Palihapitiya - cựu phó chủ tịch mảng phát triển người dùng của Facebook chia sẻ. "Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều biết trong tâm trí của mình... một điều gì đó tồi tệ có thể xảy ra".
"Vòng lặp liên tục của dopamin ngắn hạn mà chúng tôi tạo ra phá hủy cách xã hội hoạt động", ông nói trước hội trường trường kinh doanh Stanford, "nó làm xói mòn những nền tảng cốt lõi của cách mọi người cư xử với nhau".
Đi đầu trong vấn đề này phải kể đến cựu giám đốc phát triển sản phẩm nổi tiếng của Google - Tristan Harris. Anh đã dành nhiều năm liền để kêu gọi mọi người sử dụng công nghệ ít hơn thông qua một tổ chức phi lợi nhuận có tên 'Time Well Spent'. Tổ chức này hoạt động với mục đích nâng cao nhận thức của người dùng về sự nguy hiểm của nền công nghiệp đang kinh doanh trên sự tập trung của con người, và tạo áp lực lên giới công nghệ để họ thiết kế những sản phẩm mang-tính-đạo-đức hơn. Thông điệp của Harris đang nhận được rất nhiều sự quan tâm. Anh nhận được hàng trăm lời đề nghị về một buổi nói chuyện mỗi tháng.
Các bạn có thể xem bài nói chuyện Ted Talk của Harris tại đây.
Thông điệp ấy cũng đã được các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo chính phủ lắng nghe. Tháng 9 năm ngoái, thủ tướng Canada Justin Trudeau đã gặp Harris tại 'Global Progress Summit' ở Montreal. Thông tin chi tiết về cuộc gặp gỡ này không được tiết lộ. Nhưng nó cho thấy chính phủ đã bắt đầu cân nhắc về những điều luật để hạn chế việc sử dụng điện thoại di động. Không chỉ riêng ở Canada, ngày 31/07 vừa rồi, Pháp đã thông qua lệnh cấm sử dụng điện thoại thông minh cũng như các thiết bị có kết nối internet khác, chẳng hạn như máy tính bảng được áp dụng cho học sinh từ 3 đến 15 tuổi. [1]
Lãnh đạo các doanh nghiệp cũng đang phải đương đầu với vấn đề này. Trong một bài đăng gần đây, nhà phân tích Dan Nixon của Ngân hàng Anh cho biết sự xao lãng gây ra bởi smartphone có thể làm giảm hiệu quả công việc. Ông nhấn mạnh thêm, những nhân viên văn phòng trung bình phải mất 25 phút sau mỗi sự gián đoạn để quay lại với công việc, trong khi sự xao lãng thường thấy gây ra bởi e-mail mất ít thời gian hơn.
Trung tâm TD ở Toronto đã quyết tâm chiến đấu với vấn đề này bằng cách đặt poster khổ lớn ngay tại sảnh: "Ngắt kết nối để tái kết nối". Poster này viết: "Đặt điện thoại xuống và sống cho hiện tại".
Từ xa xưa, chúng ta đã luôn cảm thấy bất an trước sức mạnh của những công nghệ mới. Socrates nghĩ rằng việc viết sẽ làm tan chảy bộ não của những người Athen trẻ tuổi bởi sự ghi nhớ. Erasmus thì nguyền rủa sách vở như là sâu bọ quấy rối những hậu duệ người Gutenberg. Thuở sơ khai, TV bị cho là một sự lãng phí diện rộng.
Những thế hệ cũ luôn khóc kêu trước sự biến đổi của truyền thông, nhưng lần này thì khác. Không giống như TV hay máy tính để bàn, chúng ở yên một chỗ, trong nhà hay văn phòng, smartphone theo ta mỗi bước chân đi. Và chúng hiểu được ta. Những mẫu tin hiện trên newsfeed được chọn lọc bởi những thuật toán tinh vi nhằm thu hút sự chú ý của ta.
"Smartphone, hiểu một cách đơn giản là dùng sức mạnh của những chiếc máy tính hàng tỉ đô, hòng tìm xem nên cho ta ăn gì", Harris nói.
Socrates đã sai về việc viết lách, Erasmus cũng đã sai về những cuốn sách. Nhưng sau tất cả, mọi thứ đã được trả về đúng vị trí của nó. Và với smartphone, có lẽ não bộ đã gặp được nửa kia đời mình.
"Loài người đang phải chống lại những chiếc siêu máy tính mạnh nhất cộng hàng tỉ đô la... Nó giống như là lấy trứng chọi đá, mang dao Thái để đấu trong cuộc chiến laser", Harris nói. "Rồi một ngày, ta nhìn lại và tự nhủ: Chết tiệt, mình đã tạo ra những điều này cho chính mình ư?!".

Những nghệ thuật gia thuyết phục

Nếu chúng ta mất quyền kiểm soát trong mối quan hệ với chiếc smartphone trên tay, đó là vì nó được thiết kế để làm thế. Thực tế thì việc kinh doanh những thiết bị này đòi hỏi điều đó. Bởi vì hầu hết các trang web và ứng dụng đều miễn phí, internet cũng khá rẻ. Do đó bạn càng dành nhiều thời gian để nhìn chằm chằm vào Facebook hay Google, thì họ càng có thể tính phí nhiều hơn cho các nhà quảng cáo.
Để đảm bảo mắt ta vẫn cứ dán chặt vào màn hình, smartphone và thế giới số mà chúng ta kết nối vào - những gã khổng lồ trên internet - đã biến mình thành những nghệ thuật gia thuyết phục xuất sắc, khiến ta cứ kiểm tra hoài xem có gì mới không, và thường ta dành thời gian làm điều này nhiều hơn mình tưởng. Trung bình người dùng nhìn vào màn hình điện thoại khoảng 150 lần mỗi ngày, gấp đôi số lần bản thân họ nghĩ, theo một nghiên cứu của các nhà tâm lý học người Anh năm 2015.
Người dùng Bắc Mỹ dành khoảng 3 đến 5 tiếng mỗi ngày nhìn vào màn hình điện thoại của họ. Adam Alter - giáo sư ngành marketing ở Đại học New York đã chỉ ra rằng, trong suốt đời mình, hầu hết chúng ta dành khoảng 7 năm chỉ để nhìn vào màn hình.

Các công ty này đã lấy đi rất nhiều thời gian trong đời chúng ta bằng cách đánh vào những yếu đuối của tâm lý con người. Một trong số đó là 'novelty bias'. Nghĩa là não bộ luôn thèm khát những thứ mới lạ. Nhà thần kinh học Daniel Levitin giải thích, chúng ta dựa vào điều này để tồn tại. Thuở sơ khai, 'novelty bias' giúp ta cảnh giác trước những loại quả rừng hay tiếng gầm gừ của loài hổ răng nanh. Nhưng ngày nay, nó làm ta tìm kiếm trong tuyệt vọng những thông báo của Facebook hay tiếng 'buzz' báo hiệu e-mail đến. Đó là lý do tại sao các ứng dụng luôn muốn chúng ta bật thông báo lên. Họ biết rằng một khi những icons bắt đầu nhấp nháy, ta khó lòng cưỡng lại mà nhấp vào. Đó cũng là lý do vì sao Facebook chuyển màu của hệ thống thông báo từ xanh nhạt sang đỏ chói.
Các nhà thiết kế ứng dụng hiểu rõ điều này. Trong 'Persuasive Technology', một trong những cuốn sách khá im hơi lặng tiếng nhưng có ảnh hưởng lớn nhất trong hai thập kỷ qua ở Silicon Valley, nhà tâm lý học Stanford B.J. Fogg đã dự đoán rằng máy tính có thể đánh vào sự nhạy cảm, gây ra những ảnh hưởng lớn đến khả năng tự miễn dịch của chúng ta. "Mọi người cảm thấy mệt mỏi khi phải nói không. Ai cũng có một phút yếu lòng nào đó, để rồi dễ làm theo hơn là chống lại". Xuất bản năm 2002, cuốn sách của Fogg ngày càng đúng với hiện tại.
Các nhà sản xuất ứng dụng cho smartphone nhận thấy một phần nguyên nhân khiến chúng ta rất tò mò về những thông báo là do con người thường cảm thấy bất an và rơi vào cơn khát phản hồi tích cực từ bạn bè. Matt Mayberry, làm việc tại một startup ở California tên Dopamine Labs nói rằng có một chuyện mà hầu như trong ngành ai cũng biết, đó là Instagram đã khai thác khát khao này bằng cách giữ lại thông báo về những lượt thích của một số người dùng để khiến chúng ta nghiện từ từ. Nếu ứng dụng chia sẻ ảnh này muốn bạn truy cập thường xuyên hơn, nó sẽ chỉ hiển thị một phần lượt thích bạn đã nhận được, hòng mong bạn sẽ cảm thấy thất vọng và cứ một hai phút lại kiểm tra lần nữa. "Họ đang đánh vào những bất an của bạn và khiến nó trở nên lớn dần", ông Mayberry chia sẻ.
Trên Twitter, Giám đốc Công nghệ của Instagram - Mike Krieger - lý giải: "Việc lặp lại sự trễ nải này có nghĩa là mọi thứ thì không tức thời, chứ không phải do chúng tôi có chủ ý. Chúng tôi cố gắng để đạt được sự cân bằng giữa việc thông báo kịp thời và không gửi quá ồ ạt".
Một số hiệu ứng tâm lý nhanh chóng được các smartphone khai thác là điều hiển nhiên. Nguyên tắc 'phần thưởng' là một ví dụ nữa. Được phát hiện bởi nhà tâm lý học B.F. Skinner trong một loạt các thí nghiệm trên loài chuột và bồ câu, những thí nghiệm này cho thấy sinh vật thường tìm kiếm phần thưởng nhiều hơn khi chúng không chắc rằng bao lâu sẽ có nữa, thay vì đều đặn theo từng khoảng thời gian. Loài bồ câu là một ví dụ, chúng đi tìm cái nút cho thức ăn thường xuyên hơn nếu thức ăn được phân phối không nhất quán, thay vì lần nào mổ cái nút, thức ăn cũng trào ra, giáo sư Tim Wu - Đại học Columbia kể lại trong cuốn sách gần đây của mình - The Attention Merchants. Tương tự với các ứng dụng mạng xã hội: newsfeed không đáy của Facebook luôn tự động làm mới với một chút sự hứa hẹn về thông tin thú vị còn ở phía dưới mỗi khi bạn lướt ngón tay trên màn hình.
Apple rất chú trọng đến việc biến mình thành cổ máy phân phát dopamin sao cho vừa tiện lợi vừa mê hoặc, một trong số đó là khả năng sử dụng không ngừng nghỉ dù đang ngồi sau tay lái. Những thế hệ iPhone mới luôn được các nhân viên cấp cao của Apple thử nghiệm trong thế giới thực trước khi chúng được tung ra. Họ sẽ kiểm thử để đảm bảo việc vừa lái xe vừa nhắn tin không gây quá nhiều khó khăn, theo như Brian Merchant - người đã viết cuốn sách về lịch sử chiếc iPhone.

Thứ quyến rũ nhất của một chiếc điện thoại là màn hình, tất nhiên. Trong suốt quá trình phát triển iPhone, Steve Job đã chiến đấu để có thể bỏ đi bàn phím, làm cho màn hình lớn hơn và người ta dễ đắm chìm vào nó hơn. Khi sản phẩm chuẩn bị xuất xưởng, ông đã yêu cầu làm lại sao cho màn hình chiếm diện tích lớn nhất có thể. Đây là một sự đổi mới chưa từng có trong tiền lệ.
Sức mạnh độc nhất của màn hình là thu hút sự chú ý nhanh chóng được thể hiện. "Có một ảo giác cực mạnh rằng bạn đang xử lý dữ liệu chỉ với những ngón tay của mình", cây viết công nghệ của tạp chí Time - Lev Grossman - một trong những người đầu tiên bên ngoài Apple được trải nghiệm iPhone chia sẻ.
"Chúng ta vẫn chưa hiểu được, hoặc là chưa thể chấp nhận, làm thế nào mà smartphone đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống thường nhật của ta và xã hội này, hay ngắn gọn hơn là trong mối quan hệ với chính ta và với thế giới thực xung quanh", Grossman nói. "Chúng ta chối bỏ chính mình và chối bỏ thực tại, những mối quan hệ ấy giờ đây được dẫn dắt bởi smartphone".
MICROSOFT CANADA REPORT, SPRING 2015

Về đâu những lời cảnh báo

Ở một mức độ nào đó, chúng ta biết rằng smartphone được thiết kế để gây nghiện. Cách chúng ta nói về chúng ngập tràn ngôn ngữ của sự phụ thuộc, dù nghe có vẻ hài hước: 'the CrackBerry', 'the Instagram fix', 'the Angry Bird binge'. [2]
Người ta đã tiến hành nghiên cứu trên những thiết bị này và cho thấy đó không phải là một trò đùa. Hãy xem qua ảnh hưởng mà smartphone đã gây ra đối với khả năng tập trung của con người. Vào năm 2015, Microsoft Canada đã đăng một báo cáo cho thấy khả năng tập trung của con người đã giảm từ 12 xuống còn 8 giây, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2013. Phát hiện này được báo cáo rộng rãi vào thời điểm đó, và gây ra một cú sốc - trong khoảng 8 giây.
John Ratey, giáo sư tâm thần học Trường Y Harvard và một chuyên gia về rối loạn thiếu tập trung, cho biết vấn đề thực sự trở nên nghiêm trọng. "Chúng ta không phát triển các cơ bắp của sự tập trung trong não nhiều như chúng ta đã từng". Thực tế, giáo sư Ratey đã nhận thấy sự tương đồng giữa bệnh nhân ADD (rối loạn thiếu khả năng tập trung) và phần còn lại của thế giới. Các triệu chứng của những người có ADD và những người có smartphone là 'hoàn toàn giống nhau', ông nói.
Một nghiên cứu gần đây trên các học sinh trung học Trung Quốc cũng tìm thấy điều tương tự. Trong số hơn 7.000 học sinh, những bạn sở hữu smartphone có sự 'liên quan đáng kể' với mức độ mất tập trung ở những người bị rối loạn thiếu khả năng tập trung.
Có giá trị là thế, nhưng khả năng tập trung cũng dễ dàng bị lãng phí. Khi tiếp nhận thông tin, tâm trí của chúng ta rất khó để phân biệt đâu là thông tin quan trọng và đâu thì bình thường. Vì vậy, nếu chúng ta đang cố gắng giải quyết một vấn đề trong đầu và 'ring', điện thoại rung lên, chúng ta sẽ tự động ngừng tập trung vào vấn đề trong đầu. Bộ lọc tập trung yếu này là một thiếu sót lớn trong kỷ nguyên smartphone.
Trung bình trong năm 2007, người Mỹ đã tiếp thu một lượng thông tin tương đương 174 trang báo mỗi ngày, thông qua nhiều nguồn khác nhau như TV, nhắn tin và internet - gấp khoảng 5 lần so với hai thập kỷ trước đó.
Trong kỉ nguyên này, con số trên chỉ có thể tăng lên. Bộ não của chúng ta không được xây dựng để biết điều gì cần xử lý trong cả nùi thông tin mà smartphone mang đến. Một cách chắc chắn, rồi chúng ta sẽ chú ý đến tất cả những thứ hiện lên màn hình - dù chúng không có giá trị hay kém thú vị.
"Hệ thống tập trung của chúng ta đã phát triển qua hàng chục nghìn năm, khi mà dòng chảy của thế giới chậm hơn bây giờ rất nhiều", tiến sĩ Levitin diễn giải trong một cuộc phỏng vấn.
(C) : Steve Cutts
Tất cả sự xao lãng ấy sẽ dẫn đến việc não bộ mất đi sức mạnh vốn có của nó. Trong một nghiên cứu năm 2014, những nhân viên ở một công ty Anh Quốc làm việc đa nhiệm trên các phương tiện điện tử và thường xuyên dùng đến smartphone đã bị giảm chỉ số IQ tương đương với những người hút cần sa hoặc bị mất ngủ.
Ngay cả những người rất kỷ luật với việc dùng smartphone của họ cũng cảm thấy ảnh hưởng này.
Các thiết bị điện tử như đang biến thành thỏi nam châm hút lấy tâm trí bạn, và dẫu cho bạn có cố gắng kháng cự cám dỗ nhìn vào màn hình đang nhấp nháy kia, nó cũng sẽ gây ra những tác động xấu đến hiệu suất của não bộ. Đó là những gì mà Adrian Ward và các cộng sự tại trường kinh doanh Texas đã nhận thấy trong một thí nghiệm thực hiện năm ngoái. Họ chia những người thử nghiệm thành ba nhóm để tiến hành một bài test đòi hỏi sự tập trung cao độ. Nhóm thứ nhất đặt điện thoại úp xuống mặt bàn, nhóm thứ hai đặt trong túi xách hoặc túi quần, và điện thoại của nhóm thứ ba được đặt ở phòng bên cạnh. Trong suốt bài test, không ai được kiểm tra điện thoại của họ dù có bất cứ âm thanh nào vang lên. Ngay cả khi như vậy, những người càng gần với điện thoại của họ, hiệu năng não bộ càng tệ hơn.
"Nghe có vẻ thật điên rồ nhưng nó thể hiện rõ những gì đang diễn ra trong cuộc sống của chúng ta", giáo sư Ward nói.
Một vài người có thể sẵn sàng đánh đổi 10 điểm IQ cho những thú vui mà smartphone mang lại - đặc biệt là những thú vui xã hội. Bởi lẽ trong quá khứ chúng ta chưa bao giờ có khả năng giao tiếp liên tục với người khác, dù cho bạn là người hướng ngoại. Và điều này, phải chăng là một phước lành?!
(C) : Steve Cutts
Sau mười năm sống trong kỷ nguyên kết nối, chúng ta đã bắt đầu nhận ra có một vấn đề gì đó: Kết nối mọi lúc với mọi người làm ta ít tập trung hơn vào những người mình cần quan tâm nhất. Thể hiện rõ nhất điều này chính là sự xa lánh mà smartphone đã gây ra trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Nói cho dễ hiểu là smartphone đã khiến các bậc làm cha làm mẹ đặt ít sự chú tâm hơn vào con trẻ và có thể dẫn đến những tổn hại về mặt tình cảm. Các chuyên gia ở Hoa Kỳ và Canada đã đưa ra cảnh báo về xu hướng nhắn tin và lướt màn hình điện thoại trong thời kỳ cho con bú sẽ phá vỡ những tương tác mắt đáng giá giữa mẹ và bé.
"Đó là một hiện tượng hoàn toàn mới", Attie Sandink - một chuyên gia ở Burlington (Ontario, Canada) chia sẻ. "Nó đang dần trở thành một vấn đề đáng lưu tâm".
Biểu đồ từ một nghiên cứu của Đại học Cambridge thực hiện năm 2017 thể hiện mối quan hệ giữa tương tác mắt với sóng não của mẹ và bé.
Các nhà nghiên cứu ở Đại học Cambridge gần đây cho thấy tương tác mắt sẽ đồng bộ sóng não giữa mẹ và bé, giúp ích cho quá trình giao tiếp và học hỏi. "Nhìn vào mắt của nhau sẽ dẫn đến sự hình thành ngôn ngữ thầm lặng giữa mẹ và bé", bà Sandink nói. Điều này không có nghĩa là những bà mẹ đang trong thời kỳ cho con bú phải khóa chặt đôi mắt của mình vào trẻ 24/24. Bà Sandink chỉ là đang muốn nhấn mạnh với các bà mẹ rằng họ có thể bỏ lỡ khoảng thời gian kết nối cần thiết với con trẻ.
"Trong lúc nhắn tin hay nhìn vào màn hình, liệu rằng người mẹ có bỏ qua dấu hiệu về sự đói sữa hay những hành vi khác của bé không? Liệu rằng họ có để sót những tương tác nội tiết tố mà đứa bé thể hiện không? Đó là những điều cần phải hỏi". Bà Sandink nói trong một e-mail.
Có lẽ tốt nhất nên để những đứa trẻ biết rằng cha mẹ của chúng thấy hấp dẫn bởi chiếc điện thoại hơn là chúng, bởi vì không sớm thì muộn, rồi chúng cũng sẽ nhận ra điều đó thôi. Năm 2013, Catherine Steiner-Adair - một nhà tâm lý học lâm sàn và nghiên cứu về tâm thần học trường Y Harvard, đã phỏng vấn 1000 đứa trẻ trong độ tuổi từ 4 đến 18 cho cuốn sách 'The Big Disconnect' của bà. Nhiều đứa trả lời rằng chúng không còn chạy đến cửa chào cha mẹ mỗi khi về nhà bởi vị họ toàn úp mặt vào smartphone.
(C) : Steve Cutts
Chuyện còn tệ hơn khi bọn trẻ bước vào nhà. Một trong những sức mạnh khủng khiếp và bí ẩn, trong mắt của những đứa trẻ, là khả năng 'kéo bạn đi ngay lập tức, bất cứ đâu, bất kỳ thời điểm nào', Steiner-Adair viết. Những gì diễn ra trên màn hình điện thoại thật khó hiểu, cha mẹ như bị cuốn vào một chiều không gian khác, bỏ lại những đứa trẻ. "Với tụi nhỏ, cảm giác thường là thất vọng, mệt mỏi và mất mát đến vô tận".
Trung tâm tương lai số Hoa Kỳ cho biết trong khoảng thời gian từ 2006 - 2011, lượng thời gian trung bình mà các gia đình Mỹ dành cho nhau đã giảm một phần ba, từ 26 xuống còn 18 giờ.
Tiến sĩ Steiner-Adair cho biết thêm, sự thờ ơ của cha mẹ còn có thể dẫn đến nguy cơ tổn hại về mặt thể chất ở con trẻ. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ nhận thấy những thương tích tăng tột biến 12% ở trẻ dưới 5 tuổi trong giai đoạn 2007 - 2010, sau một thời gian dài suy giảm. Khoảng thời gian này trùng khớp với sự sụp đổ của kinh tế Mỹ, cũng là giai đoạn sơ khai của đế chế iPhone.
Dẫu vậy, các bậc cha mẹ cũng đã bắt đầu nhận thức về cơn nghiện smartphone trong tâm trí mình. Khi bà Steiner-Adair thực hiện những buổi nói chuyện, như là gần đây ở Maryland, họ đã gật gù với những điều bà nói.
Và sự thay đổi nhận thức này đang được lan rộng.
Một sự chuyển dịch văn hóa cũng đang diễn ra ở thung lũng Silicon. Ben Tauber - cựu quản lý sản phẩm Google - gần đây đã trở thành giám đốc điều hành Viện Esalen, một kiểu khách sạn hippie ở California, nơi những người trong giới công nghệ tìm đến những dịp cuối tuần để ngắt kết nối khỏi thế giới mà họ đã tạo ra.
Dù là thế, sau những dấu hiệu của sự thay đổi ấy, Harris vẫn giữ sự cảnh giác cao. Bởi hàng tỉ người vẫn đang bị phân tâm và bỏ mặc những người họ thương yêu vì chiếc smartphone trên tay. Và hàng tỉ đô la chưa được nói đến, được nắm giữ bởi những công ty lớn nhất thế giới, vẫn đang dốc vào việc giữ mọi thứ ở tình trạng hiện tại. Sự thật thì, mọi động cơ tài chính đều dẫn đến việc các công ty cần phải làm cho chiếc smartphone (hay một cái gì đó trong tương lai) trở nên tiện dụng hơn, và vì thế trở nên nguy hiểm hơn, không hơn không kém.
Harris và những người hoài nghi smartphone đang có một vài ý tưởng để làm chúng trở nên ít độc hại hơn. Hãy thử nghĩ, Harris nói, nếu Facebook chỉ cung cấp thông báo một lần, ở một khoảng thời gian cố định trong ngày, giống như thư. Trong khi đó Giáo sư Wu đưa ra một gợi ý rằng các công ty công nghệ nên thiết kế một chiếc điện thoại để bảo vệ thời gian và sự tập trung của người dùng. Tôi có thể sẽ trả gấp đôi, Wu nói.
Nếu có vấn đề gì đó với các ý tưởng này, thì chính là phiên bản hiện tại chúng ta đang dùng vô cùng thú vị và tiện lợi - âu cũng là lý do gây nên cơn nghiện.
Với cái cách mà ta đang dùng smartphone, chúng sẽ kiềm chế ta khỏi việc phát triển tốt hơn. Thế giới đang bắt đầu hồ nghi liệu rằng có đáng hay không cú đấm ngọt ngào này của niềm vui số, hay mọi thứ đang dần trở nên tệ hơn, dẫu là khi ta lẻ loi hay ở cùng nhau.
Chúng ta cần phải xác định vấn đề này sớm, Harris nói.
"Tôi chỉ lo rằng chúng ta sẽ không đủ nhanh".
Dịch từ bài viết: Your smartphone📱is making you👈 stupid, antisocial 🙅 and unhealthy 😷. So why can't you put it down❔⁉️, The Globe And Mail.
[1] : Cập nhật thông tin về Pháp.
[2] : 'crack' là slang chỉ ma túy, 'fix' - thuốc phiện, 'binge' - sự tham gia vào một hành động nào đó một cách thái quá.