KHI NÀO NGƯỢC ĐÃI ĐỘNG VẬT LÀ VẤN ĐỀ TÂM LÝ?
Đây là một cơ hội để giáo dục các em nhỏ yêu thương động vật, thay vì chỉ trích hay chĩa móng vuốt vào bất kỳ ai
Thông thường thì đầu năm, người ta tránh nói chuyện không vui. Nhưng từ sáng mồng 4, cả mạng xã hội đã xôn xao về câu chuyện chú mèo bị ngược đãi. Có những ý kiến cho rằng, đây chỉ là những trò đùa trẻ nhỏ không đáng bận tâm. Có những bình luận khác lại cảnh báo đây là những biểu hiện của rối loạn nhân cách.
Mình còn nhớ, năm lớp 3, mình có một chú mèo trắng tinh, bông xù cực đáng yêu. Từ bé mình đã thích mèo, đi tới đâu thấy mèo cũng xông vào ôm hôn chút chít. Tới Teddy, mình cũng yêu y như vậy.
Cùng năm đó, gia đình mình gặp nhiều chuyện không vui. Có những chuyện vượt ngoài sức tưởng tượng, nhưng cũng có những chuyện gia đình nào cũng gặp phải. Đánh đập, cãi vã trở thành chuyện thường ngày. Là con út, mình không có tiếng nói hay sức mạnh để chống lại ai cả. Những lúc buồn, mình hay khóc một mình trong tủ quần áo. Những lúc tức giận, mình hay hét lên, đánh đấm vào đồ đạc trong nhà. Những lúc chơi với Teddy, mình khó kiểm soát được sự hào hứng quá mức của bản thân. Tung nó lên, xoay nó mấy vòng. Khi nào bực nó, mình trút vào nó cả trăm nỗi bực với gia đình. Nó càng kêu, mình càng hăng máu…
Được hai tuổi, Teddy suy thận và qua đời. Bác sĩ nói, Teddy mất do không uống đủ nước. Nhưng chỉ có mình mới hiểu, nó đã ra đi với những bức bối day dứt như thế nào.
Sau này, khi học tâm lý, mình cứ nghĩ mãi về Teddy và câu chuyện của những đứa trẻ và chú mèo chung cảnh ngộ. Lúc nghe được câu chuyện mùng 4 Tết, mình chột dạ, thấy vấn đề không đơn giản như mọi người nghĩ!
Tới ngày hôm nay, mình, chị Tô Hoan và bạn Nguyễn Thanh Tâm - ba người làm tâm lý và quan tâm tới sự phát triển của trẻ nhỏ mới có cơ hội đào sâu về chủ đề này. Chị Hoan và Tâm cho rằng “đây là một cơ hội để giáo dục các em nhỏ yêu thương động vật, thay vì chỉ trích hay chĩa móng vuốt vào bất kỳ ai”.
HÀNH VI HÀNH HẠ ĐỘNG VẬT CÓ ĐÁNG ĐƯỢC QUAN TÂM?
Trước khi bắt đầu, chúng mình muốn khẳng định rằng, hành hạ động vật là một hành vi đáng báo động. Trong bài viết này, các thuật ngữ “lạm dụng động vật" (animals abuse), hành vi tàn ác với động vật (animals cruelty), bạo hành động vật được chúng mình dùng thay thế cho nhau.
Hành vi tàn ác với động vật (animals cruelty) là một phần của tiêu chuẩn chẩn đoán về rối loạn ứng xử (Conduct Disorder - CD) trong hai ấn bản gần đây nhất của Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần của Hiệp hội tâm thần Hoa Kỳ (DSM; APA, 2013, 2022) và có nhiều bằng chứng cho thấy hành vi đó có thể là một triệu chứng đặc biệt nguy hiểm.
Trong bảng kiểm hành vi của trẻ em (CBCL, Achenbach, 1991) thì “tàn ác với động vật” là một dấu hiệu được khảo sát để đánh giá sàng lọc các vấn đề về hành vi. Những nghiên cứu đầu tiên về lĩnh vực này tập trung vào bộ ba hành vi có thể dự đoán bạo lực gồm đái dầm, phóng hoả và đối xử tàn ác với động vật (MacDonal Triad, 1963). Nhiều tội phạm liên quan đến bạo lực từng có hành vi đối xử tàn ác với động vật trong quá khứ. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào có hành vi tàn ác với động vật đều được chẩn đoán là rối loạn ứng xử và ngược lại. Và cũng không phải đứa trẻ nào đối xử tàn ác với động vật đề trở thành tội phạm khi lớn lên và ngược lại.
VẬY, ĐỘNG CƠ ĐẰNG SAU HÀNH VI HÀNH HẠ ĐỘNG VẬT LÀ GÌ?
Mọi hành vi không bỗng nhiên xuất hiện mà luôn có những thông điệp ẩn sau đó. Việc hiểu về động cơ đằng sau hành vi tàn ác với động vật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục trẻ cũng như phòng ngừa những hệ quả không mong muốn. Đâu là ranh giới giữa mầm mống của một kẻ phạm tội và một đứa trẻ tò mò muốn khám phá hay một đứa trẻ đang phải trải qua lạm dụng, bạo hành?
1) Động cơ tò mò hoặc khám phá, nghĩa là vô tình con vật bị thương hoặc bị giết trong quá trình khám nghiệm, thường là được thực hiện bởi bởi một đứa trẻ non nớt hoặc trẻ chậm phát triển.
2) Áp lực từ bạn bè, ví dụ, bạn bè có thể khuyến khích trẻ ngược đãi động vật hoặc yêu cầu trẻ thực hiện hành vi đó như một phần của nghi thức gia nhập nhóm.
3) Nhằm cải thiện tâm trạng, ví dụ, lạm dụng động vật được sử dụng để giải tỏa sự buồn chán. Đôi khi, sự buồn chán này cũng có thể là biểu hiện của một số rối loạn tâm lý khác mà trẻ cần được sự chẩn đoán chuyên nghiệp của chuyên gia.
4) Do chứng sợ động vật, khi trẻ tấn công phủ đầu một con vật đáng sợ nhằm bảo vệ an toàn cho bản thân.
4) Do thoả mãn tình dục, tức là thú tính (hành vi tình dục với động vật).
5) Xuất phát từ sự gắn bó với một con vật, ví dụ khi đứa trẻ giết một con vật để ngăn chặn nó bị hành hạ bởi một cá nhân khác, hoặc kết thúc sự đau đớn con vật đang phải trải qua, nói cách khác, một sự hành hạ mà trẻ cảm thấy như vậy là nhân đạo.
6) Do bắt chước, nghĩa là bắt chước cách kỷ luật bằng hành vi ngược đãi động vật của cha mẹ hoặc người lớn khác. Ở Việt Nam, việc đánh đập động vật để dạy bảo chúng khá phổ biến. Trẻ nhỏ có thể vì không giới hạn được hành vi của mình mà làm con vật bị chấn thương nặng nề.
7) Nhằm diễn tập hành vi bạo lực với người khác, nghĩa là “thực hành” bạo lực đối với động vật hoặc thú cưng đi lạc trước khi thực hiện các hành vi bạo lực đối với người khác.
8) Lợi dụng động vật là phương tiện để lạm dụng tình cảm. Ví dụ, khi trẻ làm hại thú cưng của anh chị em ruột với mục đích thị uy, khiến người đó sợ hãi.
9) Hệ quả của việc bị lạm dụng ép buộc, nghĩa là đứa trẻ bị ép buộc phải hành hạ động vật bởi một cá nhân có quyền lực hơn.
10) Khi trẻ đồng nhất bản thân với kẻ đã bạo hành trẻ. Ví dụ, khi một đứa trẻ là nạn nhân của bạo hành, trẻ cho rằng bản thân mình cũng là một kẻ bạo lực và thể hiện quyền lực bằng cách hành hạ một con vật dễ bị tổn thương hơn.
9) Biểu hiện của vở kịch hậu chấn thương tâm lý, tức là diễn lại các tình tiết bạo lực trẻ đã từng phải gánh chịu với nạn nhân là động vật.
NGƯỜI LỚN CÓ THỂ LÀM KHI THẤY TRẺ CÓ HÀNH VI HÀNH HẠ ĐỘNG VẬT?
Hành vi lạm dụng động vật ở trẻ em là khá phổ biến. Lee-Kelland và Finlay (2018) đã rà soát trên 15 nghiên cứu và phát hiện bạo hành động vật ở trẻ em là phổ biến với 3–44% trẻ em đã lạm dụng động vật vào một thời điểm nào đó trong thời thơ ấu. Nếu những hành vi bạo hành động vật này có tính ổn định, tái diễn hay tăng cấp độ theo thời gian thì là một dấu hiệu đáng báo động.
Người lớn cần đặc biệt lưu tâm với những yếu tố động cơ thuộc nhóm lạm dụng bệnh lý. Dưới đây là một số gợi ý mà người lớn có thể sử dụng để phát hiện và hỗ trợ trẻ có hành vi bạo hành động vật:
1. Đối với trường hợp trẻ tò mò và muốn thử nghiệm: Đây thường là nhóm trẻ nhỏ non nớt hoặc chậm phát triển chưa có nhiều nhận thức về động vật cũng như hiểu biết về cách chăm sóc, tương tác với động vật. Cha mẹ có thể giải thích cho trẻ hiểu rằng ngược đãi động vật là hành vi không tốt cũng như việc làm đau một người nào đó. Đồng thời, người lớn cũng cần hướng dẫn cho trẻ cách tương tác, chăm sóc và vui chơi với động vật để vừa đảm bảo an toàn cho bản thân mà không làm tổn thương con vật. Đặc biệt, việc cha mẹ hay người lớn gần gũi làm gương cho trẻ về sự nhân đạo với động vật, thái độ đồng cảm là rất quan trọng.
2. Đối với các hành vi bạo hành bệnh lý: Trong trường hợp này, trẻ làm đau con vật không phải do thiếu giáo dục mà nó xuất phát từ một hoặc nhiều khó khăn tâm lý, có thể là những rối loạn tâm lý sâu sắc hơn. Nó có thể liên quan đến việc trẻ bị lạm dụng hoặc chứng kiến các hành vi bạo lực trong gia đình. Cha mẹ cần chú tâm và sẵn sàng công nhận rằng hành vi lạm dụng động vật của trẻ có thể là biểu hiện của những vấn đề tâm lý cần được hỗ trợ. Nhận được sự hỗ trợ từ những nhà chuyên môn, bao gồm bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý lâm sàng hoặc nhà tham vấn, nhà trị liệu tâm lý là cần thiết để giúp trẻ giải quyết được những vấn đề bệnh lý là căn nguyên của hành vi này. Đồng thời, các phương pháp giáo dục phù hợp hỗ trợ trẻ thay đổi hành vi với sự kết hợp giữa gia đình - nhà trường cũng cần thiết.
3. Đối với hành vi bạo hành quá mức: Cùng với hành vi bạo hành động vật, trẻ có thể có thêm những hành vi nguy hại tiềm ẩn khác như sử dụng chất kích thích, tham gia vào các cuộc ẩu đả, tranh cãi. Những dấu hiệu này thường xuất hiện ở trẻ ở tuổi thanh thiếu niên và có thể là biểu hiện của rối loạn hành vi, một dạng rối loạn tâm lý thường gặp ở những người có nguy cơ trở thành tội phạm. Với những trường hợp này, trẻ có thể cần sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ các chuyên gia tâm lý cùng với sự hỗ trợ từ bạn bè, nhà trường và gia đình nhằm thay đổi hành vi trước khi chúng trở nên nghiêm trọng hơn
Trên đây là những thông tin chúng mình tổng hợp từ các nghiên cứu khoa học với phương châm luôn nhìn mọi thứ một cách khách quan và từ nhiều góc độ để thấu tình mà vẫn đạt lý.
Ai làm gì thì cũng có lý do của riêng họ và mọi vấn đề thì đều có nhiều góc để nhìn vào. Dùng bạo lực để chống lại bạo lực chưa bao giờ làm một giải pháp hay cả.
Mỗi lần nhìn thấy một đứa trẻ mắc sai lầm thì đó là cơ hội để chúng ta giáo dục chúng thay vì bắt lỗi và dùng những hình phạt bằng bất kỳ hình thức nào đi chăng nữa. “Cần cả một làng để nuôi dạy một đứa trẻ” và chúng mình mong rằng không có đứa trẻ nào bị ai đó trong “làng" bắt lỗi để chỉ trích thay vì chắt chiu để giáo dục. Xét cho cùng, trẻ em luôn cần được bảo vệ.
Tô Hoan và Nguyễn Thanh Tâm, Keira Ngo
* Tài liệu tham khảo:
1. DSM-5 và DSM-5-TR (American Psychiatric Association, APA)
2. Overton, J. C., Hensley, C., & Tallichet, S. E. (2012). Examining the relationship between childhood animal cruelty motives and recurrent adult violent crimes toward humans. Journal of interpersonal violence, 27(5), 899-915.
3. Miller, C. (2001). Childhood animal cruelty and interpersonal violence. Clinical Psychology Review, 21(5), 735-749.
4. Ascione, F. (2001). Animal abuse and youth violence.
5. McEwen, F. S., Moffitt, T. E., & Arseneault, L. (2014). Is childhood cruelty to animals a marker for physical maltreatment in a prospective cohort study of children?. Child Abuse & Neglect, 38(3), 533-543.
Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất