Sex sells. Fear sells twice as better ... aka Anh có thích uống sữa không?
1.Why does it work? Năm 1942, nhà nghiên cứu não bộ người Mỹ Paul MacLean đã đưa ra lý thuyết Não chia ba. Dầu một phần lý...
1.Why does it work?
Năm 1942, nhà nghiên cứu não bộ người Mỹ Paul MacLean đã đưa ra lý thuyết Não chia ba. Dầu một phần lý thuyết này hiện đã bị bác bỏ, đến nay chúng ta vẫn tận dụng được vài ý tưởng giá trị như sau:
Bộ não người được coi cấu thành bởi 3 phần lớn:
Não bò sát: hình thái não thấp nhất, “ở đó có bản năng bẩm sinh, ít năng lực học tập và vô tác dụng với phạm trù xã hội”.
Não động vật có vú cổ đại: tương ứng với hành vi xã hội, cảm xúc, dục vọng, ý thức hệ và trí nhớ.
Phần phát sinh mới nhất của vỏ đại não: Phụ trách các nhận biết nâng cao như phân tích, so sánh, mô hình hoá, lập kế hoạch, ….
Như vậy là cảm xúc của chúng ta gắn với não nguyên thuỷ và não bò sát, di sản trao lại từ tổ tiên trên cạn xa nhất là bò sát và động vật có vú cổ. Nó là những phần não đã sóng đôi từ trước cả khi giống loài chúng ta thoát thai từ âm môn địa chất Gregory, rũ bỏ kiếp khỉ và đứng thẳng lên làm người. Vì thế, đây cũng là phần não phát triển đầy đủ nhất ở đại đa số nhân loại. Hệ quả là, nếu bạn muốn tác động vào số đông, thì đánh vào cảm xúc thay vì logic sẽ là chiến lược tiếp cận được nhiều người nhất.
Thế đâu là cảm xúc mạnh nhất của con người?
Tin buồn với những người lãng mạn là không phải yêu hay ghét.
Nó là sợ hãi.
Bởi vì sợ hãi là bản năng từ tiền sử. Đó là khi con người còn quá nhỏ bé khi đối mặt trước thiên nhiên và muốn sống sót, trước tiên phải biết sợ. Chính là cảm xúc phổ quát, sâu kín và mạnh mẽ thế, sợ luôn công cụ hữu ích để điều khiển đám đông.
2. How does it work?
Đây là lúc phù hợp để kể lể chuyện đi tập. Cuối cấp 2 đến giờ tôi đã kinh qua kha khá thể loại thể dục thể thao nên cũng có thể nói khách quan là nhiều kinh nghiệm về các chủ đề liên quan đến sức khoẻ và tập tành.
Về tập tành, thường thì trước khi ký hợp đồng sẽ có một buổi đến nói chuyện với nhân viên sale + một bạn HLV nào đó, và các bạn hay xài chung một kịch bản như sau:
Đầu tiên sẽ hỏi tôi đi tập có mục tiêu cụ thể nào không. Tôi tập vì thích hơn vì có gì thúc ép, nhưng cũng chả mất gì nên cứ nhận xét là thấy tay mình hơi yếu. Các bạn HLV sẽ gật gù ra vẻ “Biết mà”. Rồi bắt đầu phân tích tay yếu thì có thể có nhiều lý do. Đấy ví dụ như nếu là do cơ ở đây phát triển kém hơn cơ ở kia thì nó sẽ kéo theo cái đó dẫn ra hiện tượng ấy hệ quả sẽ rất là này nọ. Chưa đủ, bây giờ thì có thể mới thế này, không chú ý nó sẽ thành thế kia, dần dần nó phát triển ra kia nữa, rồi sau này lỡ mà abc thì lại thành thế đó xyz sẽ rất phiền [đến đoạn này sẽ chuyển sang bộ mặt nghiêm trọng] Nói chung còn trẻ dại chưa có kiến thức tôi nghe thế thấy cũng hơi rét, mà người ta sợ chính bởi vì người ta không có kiến thức. Sau khi dần dần tìm hiểu rồi, nghe các bạn doạ vậy tôi thường gật gù lịch sự chứ cũng không cảm giác gì đặc biệt. Nhiều thứ tôi nghĩ mình còn hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn các bạn ấy, nhất là về dinh dưỡng.
Thực ra những điều họ không đến mức hoàn toàn sai sự thật, song hay dựa trên khá nhiều giả tưởng cũng như đánh giá tình huống ở mức bi đát nhất, đôi khi và nhiều khi còn tung hoả mù những kiến thức mà tuy chả sai song lại chả liên quan aka lạc đề. Đi vào phân tích thì dài dòng, song tựu chung xác suất thảm hoạ mấy anh này vẽ ra nhỏ hơn xác suất ai đó đang phi xe máy giữa trời nắng chang chang đột nhiên mây đen kéo đến sấm vang chớp giật, sét giáng xuống tung người, xe đổ ra đường, người văng ra vỉa hè, sọ toác làm đôi, một con chó đen với một đốm vàng hình mặt trăng nơi trán bỗng từ đâu lao tới như một cơn gió lốc, gục xuống liếm sạch hết vũng bầy nhầy máu và não ấy, rồi lao đi biến mất trong ngõ nhỏ cũng như một cơn gió lốc, để đọng lại lơ lửng trong không gian nhõn một niềm kinh dị.
Trick bán hàng cơ bản ở đây là vẽ ra một kịch bản đủ lạnh gáy và cảm xúc khi đủ choáng váng thì sẽ lấn át hết mọi tính toán logic và xác suất khác khiến người ta dễ dàng nhắm mắt đưa tay ký hợp đồng đặng mua cảm giác an toàn.
Ở thời đại tiêu dùng hiện tại, Fear Marketing (marketing nhờ sợ hãi) đang càng lúc càng trở thành một chiến thuật được ưa chuộng. Không chỉ là doạ dẫm để bán hàng, mà tiến tới doạ để cả đối thủ không thể bán hàng. Tự nhiên là, chỉ chó mắng mèo đang là kịch bản đại chiến truyền thông phổ biến nhất ở thị trường Vn. Xa một chút là câu chuyện nước mắm đã đi vào truyền thuyết, còn ví dụ nóng hổi nhất gần đây là vụ sữa học đường.
Ai cũng biết, ăn mà nuốt không nhai là một thói quen xấu. Song giữa một bể thông tin, người ta tự nhiên hình thành bản năng click và lướt chớp nhoáng. Thủ đoạn truyền thông bá đạo nhất kỷ nguyên Internet vì thế chính là framing: Ko nói dối hoàn toàn, nhưng nói không đủ.
Nhưng nửa bánh mì thì là bánh mì, nửa sự thật lại không phải sự thật.
Đọc những cái tít kinh thiên động địa với ngôn từ chất vấn đanh thép về sữa học đường, người ta dễ thấy lòng dâng lên 2 cảm xúc: 1.Sợ; 2. Phẫn nộ. Sợ vì “chất hoá học” “chất lạ” mà “lén” được ”thêm trái phép vào sữa”. Và phẫn nộ vì “sao có thể làm thế với trẻ em”.
Nhưng tạm gác các kích động và thử tìm hiểu thêm, ta sẽ phát hiện ra những sự thật kinh hãi sau:
1. “Chất hoá học”,“chất lạ”, “chất lén thêm vào” trong sữa vinamilk là ... chất bổ
2. Cụ thể, là vitamin và khoáng chất.
3. Có trong sản phẩm nhiều hãng sữa khác.
4. Gồm cả các hãng nước ngoài.
5. Hoàn toàn công khai trên bao bì sản phẩm.
6. Tuân theo đủ tiêu chuẩn chất lượng
7. Như vẫn thế ngàn đời nay
Và các thông tin trên đã được khẳng định không chỉ bởi Vinamilk mà cả cơ quan chức năng lẫn những người có chuyên môn như cục an toàn thực phẩm, viện Y học ứng dụng, bộ Y tế, và cuối cùng, viện dinh dưỡng. Để chắc ăn, hãy thử search luôn nguồn nước ngoài:
http://www.milkfacts.info/Milk%20Composition/VitaminsMinerals.htm
Nhiều người cho rằng sữa phải gần cái chiết từ con bò nhất có thể thì mới đúng là sữa bò, ý là càng thêm ít chất càng tốt. Nhưng nếu thế thì càng phải thêm vi chất, vì quá trình xử lý tiệt trùng đã tiêu huỷ đi không ít thứ mà họ khăng khăng đòi chiết y nguyên từ con bò ấy.
3. Sợ thừa hơn bỏ sót, nên hay không?
Thực ra có thể dừng ở đây khi người ngay kẻ gian đã rõ ràng. Nhưng câu hỏi cần hiểu thêm là: Tại sao những thông tin trên khá dễ kiếm, mà đến giờ này, nhiều người vẫn kiên quyết theo chủ nghĩa “lỡ mà”?
Và tại sao một tờ báo vốn nhiều tai tiếng như giaoduc mà lại rảnh viết hàng loạt bài về vụ này, ngẫu nhiên cùng thời điểm một nhãn hàng nào đó nhăm nhe định gia nhập thị trường sữa?
Chuyện người ta cố chấp bám vào nỗi sợ có thể liên quan đến thói quen tư duy hơi bị trực tiếp của người Việt Nam. Sợ hãi thì chẳng cần nghĩ gì mấy cũng hình dung được, vì nó luôn gắn với thứ gần gũi, vd: sức khoẻ, mạng sống, và kinh dị nhất: trẻ con. Trong khi ấy, cái rủi ro của việc sợ nhầm thì lại không hữu hình ngay như thế. Chi phí bỏ ra để mua sữa ngoại mới nhìn có thể không lớn, nhưng nó sẽ kéo theo nhiều chi phí khác không nhỏ bé và dễ thấy như thế, như chi phí sữa không chỉ quy mô gia đình còn ở quy mô quốc gia, lẫn chi phí không chỉ với sữa học đường mà nhiều sản phẩm sau tiền lệ này cũng được thể ăn theo fear marketing nữa. Và với những thứ kéo theo đó, liệu gia đình nào cũng kham nổi hay không?
Cái cách nhiều người chỉ nhìn vào giá sữa của một ngày, hay một gia đình, và nhận định “vì sức khoẻ thì không tiếc”, lần nữa khẳng định nhận xét của Dumas Cha về đám đông: Rất khó mua nhân dân cả mớ, nhưng luôn dễ để mua lẻ.
Cái cách nhiều người chỉ nhìn vào giá sữa của một ngày, hay một gia đình, và nhận định “vì sức khoẻ thì không tiếc”, lần nữa khẳng định nhận xét của Dumas Cha về đám đông: Rất khó mua nhân dân cả mớ, nhưng luôn dễ để mua lẻ.
Tôi không phải người hay hô các khẩu hiệu dân tộc hay chuộng hàng Việt bằng mọi giá. Nhưng Vinamilk rõ ràng là một trong không nhiều doanh nghiệp nội đã được thị trường công nhận. Vốn chẳng cần đề án nào nhiều mẹ bỉm sữa Việt trước nay vẫn chọn các sản phẩm sữa của hãng này cho con cái và gia đình. Đột nhiên nghe mấy chữ “đề án Sữa học đường” thì nhiều người lại vẽ ra đủ thứ kịch bản khủng khiếp dù mọi nghi ngờ đều đã được phản biện, cứ như thể cái gì dính đến nhà nước đều đáng auto chửi. Những người này nói họ “Lỡ mà” vì lo cho con trẻ, song khi đi theo quán tính chửi thừa hơn bỏ sót trên, dường như họ không hề quan tâm đến cái “lỡ mà” ở chiều ngược lại “thế lỡ mà vì chửi nên con mình sẽ bớt đi cơ hội uống sữa mỗi ngày thì sao? ”. Sự hoảng loạn không chính đáng sẽ kéo theo những sai lầm, đừng nói tốn thêm tiền mua sữa ngoại, mà với một số không nhỏ gia đình không đủ điều kiện thì có thể cướp đi từ trẻ con cơ hội được nâng cao dinh dưỡng và sức khoẻ nhờ một chương trình hữu ích.
4. Kết luận
Tuy sợ hãi sinh ra để phục vụ sinh tồn, nhưng ai có chút tỉnh táo đều hiểu, cách sinh tồn tốt lại không phải là cuống lên không suy nghĩ, nhất là khi thứ đáng sợ nhất trong một câu chuyện gieo rắc sợ hãi, có thể lại chính là nỗi sợ ấy.
Và trong một liên tưởng logic hoặc không, đọc lại mấy bài báo nhân danh con trẻ với ngôn từ đao búa kia, bỗng nhớ vu vơ mấy câu sau của một cụ đầu trứng nào đó, đã được nói cách đây bao thế kỷ rồi chẳng biết nữa:
Câu chuyện kể bởi kẻ ngây
đầy âm thanh và cuồng nộ
mà chẳng ý nghĩa gì ...
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất