Vào một đêm mùa hạ oi bức đầy sao, sự tĩnh lặng và giấc ngủ của người dân thành Noviroma (1) bỗng dưng bị xé vụn bởi tiếng xọc xạch ầm ĩ từ mấy chục cỗ xe ngựa càn quét khắp các nẻo đường và tiếng leng keng của những đồng bạc nhảy nhót trên nền đất. Đó là thứ mào đầu cho một làn sóng âm thanh mới, lời bàn tán từ cuống họng của quần chúng, nổi lên rộn rã, lan tỏa khắp nơi, từ quãng trường Hoàng Hôn lát đá cẩm thạch trắng ở khu thượng lưu Midas đến con đường đất tối tăm bẩn thỉu khuất sâu trong khu ổ chuột bần hàn. Khi hầu hết mọi người được thoả mãn tính hiếu kì hoặc khoe xong sự hiểu biết của mình, họ dần kháo nhau trở về cái ổ nằm, nơi giấc ngủ đang chờ. Từ đấy, cơn ồn ào lụi tàn nhanh như cách nó bùng nổ. Trong đêm tịch mịch chỉ còn văng vẳng vài giọng trẻ con quấy khóc và tiếng bước chân tấp nập của các đội trị an.
Thân vương Lucius Faustinus băng hà là chuyện vô cùng "hệ trọng". Dân vương đô sắp vớ được một chủ đề nóng bỏng để buôn chuyện; phường hát rong sẽ lấy đó làm nguồn cảm hứng để thi triển tài nghệ; các quán rượu thừa dịp kê thêm bàn ghế; người vô gia cư và đám ăn mày thì vui mừng trước sự đãi ngộ béo bở từ trời rơi xuống. Mai này, trữ quân đăng quang, thiên hạ lại có cơ hội hưởng lây sự dư giả từ buổi yến hội được tổ chức linh đình nhằm chào đón chủ nhân mới của điện Cesare.
Trên đỉnh toà tháp cao nhất lâu đài Alba cổ xưa, cặp mắt màu hổ phách của Romulus Agostini găm thẳng tia nhìn vào bóng tối bao trùm lên quần thể cung điện trên đồi Imperium và hàng ngàn mái nhà lợp ngói đỏ vây quanh nó. Lãnh chúa xứ Delos (2) được dạy rằng, tại các vùng chịu ảnh hưởng từ Giáo hội Vesta (3), chuông sẽ được gióng liên hồi khi một thành viên trong vương thất qua đời. Thế nhưng, ở Hạ Aegis (4), tiểu vùng duy nhất thờ Cựu Thần (5), dân Valenti ngầm hiểu nhà Agostini có tang thông qua tiếng xu rơi. Mấy đồng bạc được xem như lộ phí qua sông cho những linh hồn kẹt lại dương gian và của hối lộ cho các linh hồn tà ác, còn người mất thì được ngậm một đồng vàng.
Theo dòng suy tư, anh nhớ lại chuyện năm xưa. Thân vương Romulus Duilius (6) đột ngột từ giã cõi trần, trữ quân đang ở tận Delos, nên Romulus Cháu đành thay cha thực hiện nghĩa vụ sau cuối đối với Romulus Ông. Tại nơi này, anh đã đứng bên cạnh phó mẫu Calliope và chứng kiến người ta thả bầy quạ bốn mươi tám con với hi vọng đàn chim sẽ bình an hộ tống vị thân vương đến Vườn Elys, xứ sở thiên đường bên dưới địa ngục theo quan niệm của dân vùng Hạ. Với muôn vàn trìu mến, bàn tay dịu dàng của Calliope bọc lấy bả vai cậu thiếu niên, bà nhỏ giọng thì thầm:
-Ngài đừng lo nghĩ nhiều. Romulus đã ra đi, nhưng tên ngài sẽ mãi được gửi gắm vào lời cầu nguyện cho sự trường tồn của nền Cộng hòa (7). Bây giờ, ngài ấy đã có thể yên tâm tận hưởng một cuộc đời bình lặng ở Elys.
Không phải. Ông ấy vẫn ôm nỗi luyến tiếc về việc đã làm và việc chưa thể làm. Những lời như vậy, Romulus chỉ biết chôn chặt nơi đáy lòng. Anh nói với phó mẫu:
-Vâng, mẹ yên tâm.
Đã mười năm trôi qua, anh không thể quên lời thì thầm ngắt quãng mà mình đã nghe vào giây phút cuối cùng ở bên ông: "Felice... Felice... hãy tha thứ cho ta. Ta ước mình đã làm gì đó cho anh và vợ con anh. Đứa bé vô tội của anh... Đáng lẽ ta nên gật đầu với Bella. Ta ước... ta ước...". Âm thanh yếu ớt phát ra từ cổ họng con người già cỗi bỗng vụt tắt như ngọn đèn trước gió. Năm ngón tay đang bám víu cổ tay anh trở nên vô lực. Đứa cháu trai quỳ bên cạnh ông rơi nước mắt, trong lồng ngực nổi cơn phong ba vì kinh hãi và bàng hoàng. Ông nội căm ghét bọn nghịch tặc đến mức không ai đủ can đảm đề cập đến chúng trước mặt Thân vương, giờ đây chính ông lại tha thiết gọi tên anh trai, con gái và đứa cháu. Romulus Duilius, người đã biến liên quân Otmar-Eseme hùng mạnh thành trò cười cho cả lục địa Merope hóa ra là kẻ chiến bại trước những bóng ma quá khứ. Lucius Faustinus, Vị Thân vương Valenti đời thứ mười một, cũng sớm nếm trải cảm giác cay đắng tương tự.
Dư âm từ chiến tranh vệ quốc đã phủ cái bóng đen to lớn lên cuộc đời cậu con trai tội nghiệp, kẻ trước giờ tồn tại trong trí nhớ dân Valenti với vai trò người kế tục Romulus Duilius, khi lìa đời lại mang tiếng xấu "kẻ không xứng đáng với kì vọng của nhân dân". Chính Lãnh chúa xứ Delos cũng khó lòng biện minh cho hàng loạt quyết định trái khoáy và bê bối đời tư của Thân vương: Lucius đề xuất cuộc hôn nhân giữa công nương Fenella với Ludolf Heiner von Gumarich, sau đó gả công nương Harmonia cho Quốc vương Mainisar; ông có một thằng con hoang mang nửa dòng máu Dị nhân (8); ông sủng ái một thằng điếm tóc vàng người Odilia, chẳng những xoá bỏ thân phận nô lệ mà còn bổ nhiệm gã vào vị trí Pháp quan (9). Sau khi chiến dịch xâm lược bán đảo Salacia thất bại, Thân vương lãnh trọng thương và phải nằm cố định trên giường bệnh, lời lẽ cay nghiệt nhắm vào ông cứ sinh sôi như cỏ dại sau mưa. Giờ đây, Lucius Faustinus đã nhắm mắt yên nghỉ, khắp thành phố chỉ có vài ngọn đuốc của các đội trị an, chẳng thể so với khung cảnh mười năm trước, người người thắp đèn xếp hàng chờ vào điện Elysia bái lạy Romulus Duilius lần cuối cùng.
Căn nguyên sâu xa hơn của sự thờ ơ là vì trong máu dân miền Hạ sẵn tồn tại sự bài xích gay gắt đối với người Thượng Aegis (10) và cả những vị lãnh đạo mang ảnh hưởng của họ về quê nhà. Suy nghĩ này tồn tại phổ biến ở số đông quần chúng và giới chức Valenti, những phần tử đã góp tiền vàng cùng đá quý đúc nên chiếc vương miện ngự trên đầu các Thân vương bao đời nay. Theo lẽ hiển nhiên, họ được quyền suy xét và quyết định việc ông ta sẽ tiếp tục giữ món bảo vật hay phải trao nó cho người xứng đáng hơn.
Romulus từng nghi ngờ sự tồn tại của dân quyền cho đến khi anh nghe giảng về vụ chính biến xảy ra cách đây bốn mươi tám năm. Mười thành viên Tiểu Hội đồng (11) đã bỏ phiếu tán thành đề xuất tước quyền kế vị của Felice Agostini (12), thậm chí gây áp lực, bắt buộc Thân vương trục xuất anh trai mình khỏi quê nhà. Romulus cho rằng đây đích thị là nguyên nhân dẫn đến sự kiện được sử sách Otmar ghi nhận như "nội chiến Valenti", còn người Valenti kiêu hãnh gọi là "chiến tranh vệ quốc". Đã qua từ lâu cái thời anh quyết tâm nhận diện những gương mặt ở hai bên ranh giới đúng sai, tuy nhiên, khi đã đội vòng nguyệt quế vàng, anh phải chôn giấu suy nghĩ cá nhân bên dưới tư tưởng của người con xứ ValentiBỗng dưng, Lãnh chúa lại nhận ra một ý niệm khôi hài, rằng quyền lực có vị y hệt vỏ chanh và máu, một lượng bé xíu rơi trên đầu lưỡi đã đủ khiến người ta nhăn mặt và rùng mình.
Nhớ về ông nội, về cha, về lễ đăng quang và các phiên họp Nội các (13) đang chờ đợi, Romulus đành trút bao phiền muộn làm tổ nơi lồng ngực vào một tiếng thở dài. Người đàn ông đứng bên cạnh anh thì cực kỳ vô tư. Ông ta dốc bình rượu nho Floriano, uống hai ba ngụm đầy rồi nói với vị Lãnh chúa trẻ:
-Chẳng ai dám trách móc nếu ngài đau buồn vì thương nhớ cha, nhưng để các hội đồng lớn nhỏ phải san sẻ nỗi niềm riêng không phải là ý hay. Ngài chỉ nên giữ muộn phiền về Lucius đến hết đêm nay.
Ông ta tu ừng ực rồi chống tay lên bức tường lạnh lẽo và thô ráp như da cóc. Lãnh chúa trẻ mỉm cười nhìn tên nát rượu táo tợn kia. Anh thích sự bộc trực của ông ta, chỉ Lorenzo mới dám tặng anh những lời lẽ gai góc nhưng chân thành. Con út của Lãnh chúa Vittore Selvaggio chỉ lớn hơn cháu trai mình chín tuổi, nên ông ta có dư dả thời gian nhàn rỗi cùng sự trẻ khỏe để phục vụ cả Thân vương Valenti và Lãnh chúa xứ Delos. Ông ta gật đầu ngay tức thì khi anh nói mình cần tai mắt ở Noviroma. Đối với công chuyện anh giao phó, Lorenzo sẽ nhanh chóng thực thi thay vì đặt ra hàng loạt nghi vấn phiền phức. Cùng mang dòng máu Selvaggio, Romulus không ngại thẳng thắn với cậu mình:
-Ta lớn lên tại vương đô, được nuôi dạy bởi các phó mẫu và thầy giáo, trong khi Lucius cai trị vùng đất dành cho trữ quân. Lúc ông ấy lên ngôi thì ta phải chuyển đến Delos thế tập tước hiệu vừa bỏ trống. Ta chẳng thể cảm nhận sự gắn bó giữa mình và người nằm trong điện Elysia. Nỗi lo của ta đang đổ dồn về những người đang sống.
Anh giơ tay lên đếm:
-Vợ. Hai đứa con. Em gái. Em trai. Nội các. Người Farsenia. Người RhaveleinNgười Otmar...
-Con điếm của cha ngài?
Lorenzo thêm vào. Đôi mắt nâu lấp lánh vài tia tinh quái khi ông ngả ngớn, giơ bình rượu về phía người cháu trai. Lãnh chúa xứ Delos ngập ngừng giây lát rồi mới chấp nhận sự thân tình vượt phép tắc đó. Giọng anh thêm phần trào phúng sau khi uống gần hết chỗ rượu:
-Cha ta nuôi nhiều điếm lắm. Ý ông là "phu nhân" Adonis chứ gì?
Ông cậu gật đầu đáp lại:
-Thân vương công khai trước cả triều đình: Adonis  nhân tình của ông.
Khi Thân vương đặt Adonis vào chỗ trống trong Viện Cơ mật (14), Lorenzo đã hình dung một ngày nọ, chính ông sẽ xử đẹp thằng ranh con tóc vàng bằng một nhát chí mạng. Tất nhiên, ông chả dại đụng đến dao kiếm. Chỉ cần chút khéo léo và xảo quyệt thì lời nói có thể gây sát thương gấp mười lần thứ vũ khí thô sơ kia. Đặt tay lên vai Romulus, Lorenzo tiếp lời:
-Thân vương từng tâm sự với thần, Adonis là kẻ khiến ông phải phân vân nếu phải lựa chọn ngai vàng hoặc mỹ nhân. Mà đâu chỉ mỗi Lucius, vài quý ông ở Nghị viện, thậm chí một Công tước ở cố hương của Adonis còn sẵn sàng thương lượng với chúng ta để rước "nàng" về dinh.
Anh biết điều gì khiến người ta tranh giành một món đồ vốn đã hao mòn dưới tay cha anh. Lãnh chúa xứ Delos đập tay lên tường và gằn giọng như thể người đối diện anh bỗng chốc hóa thành Adonis:
-Ta đã đọc qua chuyện này trong thư ông gửiHắn còn dám khuyên Thân vương đưa thằng nhóc Ferroso đến Scholomance (15) chi nhánh Helmine và ông ấy đồng ý tắp lự. Thật hồ đồ!
Ferroso thừa hưởng Dị năng từ người mẹ dòng Bradford (16), khi đến độ tuổi thiếu niên, thằng nhóc cần một khóa huấn luyện khả năng kiểm soát siêu năng lực. Romulus sẽ hàm ơn Pháp quan, nếu hệ thống Scholomance không nằm dưới sự kiểm soát của Giáo hội Vesta. Đại học sĩ Ermete, thầy giáo của anh, từng đưa ra lý luận rằng đức tin là công cụ thao túng hữu hiệu nhất con người từng phát minh và từ đó, thầy giải thích nguyên nhân Valenti cấm cửa tất cả phái đoàn truyền giáo đến từ miền Thượng. Thật ngu xuẩn khi cho lũ cặn bã xứ Otmar (17) cơ hội để nhồi nhét thứ thuốc phiện tinh thần đó vào cái đầu non nớt của thằng nhóc Ferroso hay nhân dân miền Hạ nói chung.
Lorenzo giằng lại chiếc bình thủy tinh trước khi đứa cháu trai tự tay bóp vỡ nó. Ông ta nói:
-Em trai ngài đã lên đường vài hôm trước khi Lucius quyết định ra chiến trường. Lúc ngài vừa đến vương đô, thần đã lập tức cho người đuổi theo chiếc xe ngựa và lấy lí do Thân vương vừa qua đời để bảo họ quay lại. Ferroso sẽ đi đâu là do ngài quyết định.
Lãnh chúa trẻ chớp mắt. Cơn gió khuya len qua ô cửa sổ và hất tung những lọn tóc xoăn bồng bềnh của của hai người. Romulus nghĩ mình thật may mắn vì chỉ vận quần da và áo vải lanh, để lại cái toga rộng thùng thình cùng mũ miện kết từ lá olive vàng nơi phòng ngủ. Lorenzo ghét chưng diện nên trang phục của ông ta trông khá giống anh, ngoại trừ phần vai áo có hình thêu chim bách thanh - biểu tượng của nhà Selvaggio. Lãnh chúa trẻ căn dặn:
-Cứ chờ thằng nhóc về bên ta rồi hẵng tính chuyện tương lai.
-Thần sẽ theo ý ngài.
Ferroso đã tận tâm chăm sóc bầy chiến khuyển suốt quãng thời gian Romulus xa nhà. Anh hi vọng những đứa con hoang khác sẽ ngoan ngoãn bằng một nửa đứa trẻ đã được Thân vương công nhận. Nghĩ đến đây, anh lại hỏi:
-Ta còn bao nhiêu em út chưa biết mặt nhỉ?
-Bởi sự phù trợ của Ermes (18), thần đã điều tra xong sau dăm ba hôm. Sự tình không có gì mới mẻ. Vài năm trước, con gái của Gerolamo Borgogni sinh một bé trai trong khi chồng cô ta đã xa nhà hơn mười một tháng. Thân vương gọi đứa trẻ là Bello vì màu mắt của nó đẹp lung linh tựa đá hổ phách và hậu đãi cả gia đình cô ta. Celicia mừng quýnh quáng vì ả sắp được dọn đến điện Corinna, ai ngờ...
Ông cậu cười phá lên rồi uống cạn những giọt rượu cuối cùng:
-Ai ngờ đối thủ của Borgogni là Damiano Pescatore lại dâng lên ngài ấy một tặng phẩm thượng hạng xuất xứ từ Odilia. Cũng nhờ Pescatore, Thân vương thôi làm chuyện có lỗi với Thân vương phi. Tiếc thay, tước vị mà Pescatore mong cầu lại bị Adonis nẫng tay trên.
-Hai lão Borgogni và Pescatore thật giỏi vẽ trò. Họ nên gia nhập các "phường hội" ở Cantharides (19) mà làm ăn thay vì dung túng Thân vương và bôi nhọ thanh danh của Viện Cơ mật.
Dẫu biết đây là một câu bông đùa, Lorenzo vẫn nhắc nhở:
-Những lời như vậy, ngài chỉ có thể nói với thần.
-Ta biết chứ.
Anh nhẩm trong đầu vài phép tính nho nhỏ. Tuổi đời của họ lớn hơn tổng số tuổi của anh và cha anh. Việc Romulus Duilius chỉ định hai ông đảm nhận vai trò cố vấn đã đủ chứng minh Borgogni và Pescatore đều là tay cự phách, thế nhưng Lucius Faustinus lại khiến họ đối đãi mình như một gã đàn ông tầm thường thay vì phò tá một vị quân chủ thật sự. Cha ơi là cha! Romulus thở dài lần nữa:
-Ta hi vọng họ sẽ buông bỏ định kiến về con trai của Lucius Faustinus sau cuộc họp ngày mai. Bây giờ đã qua nửa khuya, ông hãy trở về ôm vợ mình mà ngủ, đừng say sưa đến tận sáng nhé.
Lorenzo Selvaggio cười vang:
-Ngài yên tâm, thần chỉ làm bạn với Barolo (20) vào ban đêm. Ngài còn gì dặn dò không?
Giữa ánh đuốc vàng hực nhảy múa lập lòe, hai người đàn ông men theo bờ tường, cẩn trọng đặt bước chân lên những bậc thang xoắn ốc dẫn xuống tầng thấp hơn của tòa tháp góc cạnh vuông vức. Theo trí nhớ của anh, lâu đài Alba là tác phẩm người Otmar để lại sau thời kì Thành bang Noviroma bị chiếm đóng. Clovis Burgstaller, tướng toàn quyền lúc bấy giờ, chính tay vẽ một bản phác thảo vô cùng hoành tráng và tuyên bố rằng sự mỹ lệ của nó sẽ khiến các kiến trúc sư tài hoa bậc nhất xứ Noviroma phải hổ thẹn. Cuối cùng, mọi người đều phải mở to mắt mà trầm trồ khi nhìn thấy xác ông ta nổi lềnh phềnh trong hồ tắm tại tư dinh. Các Thân vương đời trước nghĩ công trình dở dang này còn hữu dụng nên cho phép nó tồn tại, làm một con cóc ghẻ câm lặng đứng bên cạnh quần thể cung điện trên quả đồi Imperium. 
Romulus cảm thấy thật thống khoái khi tưởng tượng cảnh mình vung chân, đá văng cái đầu của tướng Burgstaller và khiến nó lăn lông lốc xuống bên dưới, cứ thế rơi mãi, rơi mãi cho đến tầng sâu nhất, tối tăm nhất chốn địa ngục.
Họ đi lướt qua vô số cánh cửa khép hờ hoặc đóng kín, Lorenzo nói rằng gia đình đội làm vườn, đội chăm sóc chim muông, thú cảnh đều sống ở đây, vậy nên vài căn phòng còn được sử dụng làm kho chứa dụng cụ, thức ăn cho chim hoặc hạt giống. Khi ông ta lặp lại câu hỏi ban nãy, Romulus trả lời:
-Nghe ông nhắc đến vài kẻ muốn mua con điếm Adonis, ta cũng tò mò về chúng lắm. Hãy cho ta một danh sách.
-Ngài định làm vậy thật sao?
-Ta có thể làm gì khác nhỉ? Thức ăn trong bụng ta toang trào khỏi cổ họng mỗi khi nghĩ đến Adonis và thú vui bệnh hoạn của các quý ông. Ta vẫn cần bảng danh sách, Lorenzo ạ. Tuy nhiên, chúng sẽ không bao giờ nhìn thấy con điếm đó nữa. Ta sẽ đến thăm cái ổ của Adonis ngay bây giờ!
---------------------------------------------------------------
(1) Noviroma: thủ phủ của Valenti, là một trong ba thành phố cảng quan trọng nhất của vùng Hạ Aegis, thường được đề cập trong những ghi chép về Thất Đại Đô Thành của Đế chế Vàng.
(2) Lãnh chúa xứ Delos: tước hiệu truyền thống dành cho trữ quân tại Valenti, thường là con trai cả của Thân vương.
(3) Giáo hội Vesta: tổ chức tôn giáo đầu tiên được thành lập trên lục địa Meropa, nhưng nó chỉ phát triển mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng sau ngày Đế chế Vàng sụp đổ.
(4) Tùy theo ngữ cảnh và vùng miền, thuật ngữ Hạ Aegis thường sẽ dùng để ám chỉ Valenti hoặc cả Valenti lẫn Ellados.
(5) Cựu Thần: mười ba vị thần được thờ phụng từ thời Đế chế Vàng.
(6) Romulus Duilius là tôn hiệu (regnal name) của Romano Agostini, không phải tên thật của vị Thân vương này. Khác với các dân tộc trên lục địa Meropa, tôn hiệu ở Valenti gồm hai thành tố tên riêng kết hợp với biệt hiệu được viết dưới dạng cổ ngữ.
Vd: nếu Felino Bellissimo trở thành Thân vương, ông ta sẽ lấy tên riêng chuyển thành Felinus kết hợp với biệt hiệu được chọn là Tartarus, tôn hiệu của vị Thân vương mới sẽ là Felinus Tartarus.
(7) Quốc hiệu của Valenti là Cộng hòa Valenti, mặc dù loại hình chế độ của vùng này là chính phủ hỗn hợp.
(8) Dị nhân: một cộng đồng chiếm khoảng 5% dân số, tập hợp những người sở hữu siêu năng lực di truyền. 
(9) Pháp quan là người đứng đầu Viện Cơ mật, nhưng không hề có thực quyền chính trị.
(10) Thượng Aegis/Miền Thượng là thuật ngữ chỉ vùng lãnh thổ nằm trong Đế chế Sắt trải rộng từ dãy Aegis đến vùng biển hẹp Margit.
(11) Tiểu Hội đồng gồm mười thành viên được bầu bởi Đại Hội đồng, đóng vai trò như những kiểm sát viên với nhiệm vụ theo dõi và đánh giá mọi hoạt động của bộ máy nhà nước. Bên cạnh đó, Tiểu Hội đồng có quyền bỏ phiếu quyết định đối với một số vấn đề trọng đại mang tính cấp bách được đề xuất bởi Viện Cơ mật và Nội các, bác bỏ phán quyết của Pháp viện Tối cao, thậm chí ra lệnh trục xuất, tử hình đối với quân chủ hoặc trữ quân.
(12) Felice Agostini hay Felix Kẻ Không Xứng Đáng, là con trai thứ hai của Thân vương Regulus Julius và Thân vương phi Silvia. Ông bị gửi đến Otmar làm con tin từ năm 10 tuổi. Khi anh trai ông - Thân vương Regulus Marcellus, qua đời do bị ám sát, Viện Cơ mật đã điều đình với Tiểu Hội đồng để loại Felice khỏi danh sách kế vị vì lo ngại rằng Valenti sẽ có một Thân vương ngu trung với nhà Ercanbald. Điều này đã khiến Felice bất mãn. Với sự hậu thuẫn từ Thiết đế Maximilian V, ông xưng vương và tuyên bố đối đầu với em trai ông, người lúc này đã trở thành vị quốc chủ hợp pháp của Valenti. Sau khi thua trận, Felice bị Pháp viện Tối cao kết tội phản quốc, xử chém công khai và treo xác thị chúng.
(13) Nội các bao gồm quốc chủ hoặc trữ quân, các Thống đốc đến từ mười ba tỉnh lị, các Bộ trưởng được bầu bởi Nghị viện. Nội các họp hàng ngày ở điện Ansaldo để báo cáo, bàn bạc những vấn đề sẽ được đưa ra trước Nghị viện.
(14) Viện Cơ mật gồm sáu quý tộc giữ vai trò cố vấn cho Thân vương trong các vấn đề về quyền lợi của vương thất, liên hôn chính trị, đối nội, đối ngoại. Đây là cơ quan duy nhất mà Thân vương Valenti được phép bổ nhiệm các thành viên.
(15) Scholomance: hệ thống trường đào tạo Dị nhân phân bố khắp Meropa, được đầu tư bởi ngân quỹ Giáo hội Vesta, điều hành bởi Pháp sư bất tử Circia Katsaros.
(16) Dòng Bradford: các Dị nhân siêu năng lực điều khiển nước.
(17) Ermes: vị thần hảo hộ cho gián điệp, tình báo viên, đồng thời cũng là tai mắt các vị thần nơi trần thế. Ermes được mô tả là một người nhỏ thó, gầy gò, trông như một thiếu niên non trẻ, xung quanh ông luôn có một bầy mười hai con chim sẻ không ngừng thì thầm chuyện nhân gian.
(18) Otmar: vương quốc có lãnh thổ rộng lớn nhất, nằm ở phía Đông của Đế chế Sắt, được cai trị bởi các vị quân chủ nhà Ercanbald, là thế lực hùng mạnh sánh ngang ba vương quốc Mainisar, Odilia và Rhavelein.
(19) Quận Cantharides: nơi tập trung nhiều nhà thổ nhất vương đô.
(20) Barolo: vị thần bảo hộ nghề làm rượu, hội hè và thú hưởng lạc, được mô tả như một người đàn ông to béo, đẫy đà, đội vòng nguyêt quế kết từ lá nho, tay cầm một li rượu không bao giờ cạn.