Bản địa hóa (Localization) vẫn còn là một khái niệm mới đối với người Việt Nam, mặc dù bản thân nó đã gián tiếp tồn tại một thời gian khá dài, những ai không phải chuyên ngành dịch thuật đều không nắm rõ về nó. Bài viết này mục đích để tạo các thông tin cần thiết cho các bạn muốn bước chân vào con đường dịch thuật, ngay cả khi các bạn chỉ đơn giản là dịch những gì mình yêu thích chứ chưa phải chuyên nghiệp.
I. Định nghĩa về bản địa hóa
Bản địa hóa, gọi đầy đủ là bản địa hóa ngôn ngữ (Language localization) là việc làm cho một bản dịch phù hợp với một quốc gia/ một vùng sử dụng bản dịch đó. Nó được coi là bước thứ 2 của dịch thuật. Ngoài việc chuyển đổi ngôn ngữ, bản địa hóa còn làm cho bản dịch kéo theo các yếu tố không phải mặt chữ, với một số đặc điểm từ đơn giản đến phức tạp như sau:
+ Đơn vị tiền tệ: Khi dịch một giá trị ít phổ biến như Yên nhật chẳng hạn, để cho dễ hiểu, bản dịch tiếng Việt sẽ quy ra giá trị ước tính của món đồ đó ra tiền Đồng của Việt Nam.
+ Cách viết thời gian: trong tiếng Anh chỉ có 2 đơn vị AM và PM của tiếng Anh có thể được chuyển thành sáng, chiều và tối, khuya đối với tiếng Việt.
+ Idiom, Ca dao tục ngữ: Tìm kiếm những câu ca dao tục ngữ có ý nghĩa tương đương trong tiếng Việt thay vì dịch chay.
Thì khi dịch thuật, nó sẽ có 2 bước là quốc tế hóa và bản địa hóa: Quốc tế hóa dùng để loại bỏ hoặc phổ biến hóa các đặc điểm riêng của ngôn ngữ gốc nhằm dọn đường cho việc chuyển ngữ.
Sau đó bản địa hóa là bước thứ 2, là chuyển thể nó theo từng ngôn ngữ đích.
Và cái mà trong bài viết này coi là bước thứ 3, thường được sử dụng cho các tác phẩm giải trí, đó là dịch sáng tạo: trong bước này, không phải chỉ là văn bản được chuyển ngôn ngữ mà ngay cả những thứ như hình ảnh, âm thanh, video để phù hợp với văn hóa của ngôn ngữ đích (ở đây là tiếng Việt).
Việc thực hiện đầy đủ cả 3 bước này có cần thiết hay không, đều phụ thuộc nhiều vào hình thức của văn bản.
II. Các loại hình bản địa hóa và thực tiễn.
Mình sẽ bắt đầu bằng thứ quen thuộc nhất, bạn gọi cái món ăn trong hình dưới này là gì?
Nó là...??!?
Nó là...??!?
Nếu câu trả lời là "bánh rán", thì đó chính là kết tinh của bản địa hóa, thậm chí là "dịch sáng tạo". Tên thật sự của món ăn này ở Nhật là "bánh Dorayaki". Nhưng nếu bạn là một người không rành văn hóa Nhật Bản, làm sao bạn có thể hình dung được bánh Dorayaki là gì, ăn ra sao thế nào? Cho nên việc dịch nó thành "bánh rán" trong Doraemon, một loại thức ăn có cách chế biến tương tự, giúp cho đối tượng khán giả của nó: trẻ em. Dễ hình dung hơn.
Ngay cả trong bản bản địa tiếng Anh, Dorayaki vẫn được dịch là "Sweet bun" (nôm na là bánh mì ngọt).
Vào những năm 90, khi internet và các phương tiện thông tin vẫn chưa phổ biến, mục đích dịch này để làm cho độc giả dễ hình dung và có một khái niệm tương đối chính xác dựa trên những gì quen thuộc. Mặc dù bây giờ trong những năm 2k2x thì việc sử dụng Internet có thể giúp chúng ta tìm kiếm mọi thứ hơn, nhưng mục đích của bản địa hóa vẫn không biến mất. Đơn giản là vì sẽ có những người chỉ muốn giải trí đơn thuần, không có thời gian và công sức để tìm hiểu quá sâu, họ sẽ cần một hình dung cơ bản ở mặt chữ mà không cần phải bỏ công ra nghiên cứu quá sâu về nó, việc nghiên cứu và chuyển thể đó thuộc về người dịch giả.
(Còn tiếp)