Trong bài trước của series Sci Fi căn bản, chúng ta đã tìm hiểu về Các thời kỳ phát triển của dòng văn này. Cũng như nhiều dòng văn khác, Science Fiction cũng được phân chia ra rất nhiều nhánh và thể loại con lớn nhỏ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ điểm qua những thể loại quan trọng và nổi tiếng nhất của Sci Fi.
Nội dung gốc được lấy từ group “Hội thích truyện Sci Fi”, đã được tác giả cho phép.

Hard Sci Fi và Soft Sci Fi

Trong dòng văn Sci Fi, có hai thuật ngữ thường được nhắc đến nhiều nhất (và cũng quan trọng nhất) là Hard Sci Fi và Soft Sci Fi. Nhiều người thường dùng hai thuật ngữ này như một cách để phân loại các dòng văn Sci Fi. Như vậy cũng đúng, nhưng chưa chính xác; bởi vì bản chất hai thuật ngữ này sinh ra để phân loại mức độ “khoa học” được sử dụng trong một tác phẩm Sci Fi. Hay nói cách khác, nó là một loại thang đo trong Sci Fi, chứ không hẳn dùng để phân loại các tác phẩm.
Hiểu một cách đơn giản thì Hard Sci Fi là các tác phẩm sử dụng khoa học cực kỳ chân thực. Mọi công nghệ bên trong nó đều được xây dựng trên cơ sở các học thuyết có thật, hoặc các giả thuyết có khả năng trở thành sự thật cao trong tương lai. Hard Sci Fi cũng chú trọng đưa nhiều chi tiết khoa học công nghệ, và giải thích kỹ càng cho các chi tiết đó. Soft Sci Fi thì ngược lại, rất thoáng với những thứ được coi là “khoa học”. Các quy luật vận hành của thế giới, công nghệ có thể đối nghịch với các quy luật của thế giới thực, hoặc dựa trên những quy luật hoàn toàn bịa đặt không có cơ sở khoa học (miễn sao “nghe” nó có vẻ khoa học để không bị biến thành phép thuật). Soft Sci Fi thường không quan tâm lắm đến cơ chế vận hành, tiểu tiết của các công nghệ trong tác phẩm, đưa ra làm nền và độc giả sẽ phải chấp nhận nó tất nhiên đúng.
Nói tóm lại, các tác phẩm Hard Sci Fi sẽ thường chú trọng đến tính logic và hợp lý của những lý thuyết khoa học được đưa vào. Thậm chí trong một số trường hợp nặng khoa học đến mức người đọc cũng cần có kiến thức nhất định để thẩm thấu được mớ kiến thức trong đó. Soft Sci Fi thì sẽ ngược lại, không quá chú tâm đến phần khoa học, thậm chí đôi lúc nhắc đến cho có và cũng chẳng cần bận tâm giải thích nhiều. Vì Hard Sci Fi và Soft Sci Fi là một loại thang đo mức độ khoa học, nên mọi tác phẩm của dòng văn này đều thuộc về một trong hai, dù thể loại có thể khác hoặc giống nhau.

Space Opera

Space Opera là dòng Sci Fi bao gồm các tác phẩm viết về các chuyến phiêu lưu kỳ thú trong vũ trụ. Space Opera thường lấy bối cảnh tương lai xa, khi du hành ngoài không gian đã trở nên bình thường như bắt tàu từ Nam ra Bắc. Tác phẩm chú trọng tạo ra cảm giác “epic” cho độc/khán giả. Sẽ có những nền văn minh phát triển vượt bậc, đế chế hùng mạnh, đảng phái chính trị liên hành tinh đấu đá lẫn nhau. Nơi diễn ra cảnh hành động bét nhất cũng phải ở trên một hành tinh lạ, còn không thì có thể loang ra đến mấy chục dải ngân hà.
Cụm từ “epic” vốn được hiểu là “sử thi”, thế nên Space Opera cũng có nhiều yếu tố tương đồng với các tác phẩm sử thi cổ của loài người: sẽ có những cuộc chiến hết sức quyết liệt, có những người hùng oai phong lẫm liệt, có cảnh trí ngoạn mục khác thường, chia phe đối chọi giữa thiện và ác, v.v
Do tính epic được đề cao thế nên khoa học kỹ thuật không được nhắc đến nhiều. Gần như tất cả các yếu tố phông nền đều có rất ít lời lý giải, và người đọc/xem sẽ phải mặc nhiên coi nó là đúng. Chỉ một số chi tiết quan trọng với cốt truyện mới được giải thích kỹ hơn, nhưng giải thích dựa nhiều vào logic của tác giả chứ không phải định luật khoa học. Tất nhiên vẫn có ngoại lệ một số tác phẩm đầu tư khoa học kỹ.
Một số tác phẩm Space Opera tiêu biểu: Star Wars (George Lucas), Star Trek (Gene Roddenberry), Hyperion Cantos (Dan Simmons), Dune (Frank Herbert), Cowboy Bebop (Hajime Yatate), Foundation (Isaac Asimov).

Military Sci Fi

“Military Sci Fi” dịch ra là “Sci Fi Quân sự”, và nó là các tác phẩm Sci Fi về quân sự (tên sao hiểu vậy). Các tác phẩm Military Sci Fi sẽ vẫn sử dụng công nghệ tân tiến như mọi tác phẩm Sci Fi bình thường nào khác, nhưng phần nhiều sẽ tập trung vào các công nghệ liên quan tới khí cụ, vũ khí, và phục vụ cho các mục đích của quân đội. Lưu ý là có một số tác phẩm tuy sử dụng công nghệ khá giống hoặc giống hệt với hiện tại, nhưng xã hội đã trải qua một biến động lớn nào đó (chẳng hạn zombie, tận thế,…) vẫn sẽ được coi là Military Sci Fi (với điều kiện các biến động xã hội kia được giải thích bằng khoa học).
Military Sci Fi hay mô tả các trận chiến quy mô lớn giữa các đạo quân, có mô tả các cấp bậc quyền lực trong tổ chức, chiến thuật, vũ khí sử dụng rất kỹ, rất đẩy mạnh đề cao các đức tính truyền thống của quân đội như tình đồng chí, lòng dũng cảm, sự hi sinh,… Các nhân vật trong tác phẩm, hoặc ít nhất là nhân vật chính trong tác phẩm, sẽ là thành viên của một lực lượng vũ trang chính quy (có thể thuộc chính phủ hoặc 1 tổ chức nào đó quyền hành ngang chính phủ). Bối cảnh trong tác phẩm thường hay là ngoài vũ trụ hoặc trên hành tinh lạ, mặc dù vẫn có thể xảy ra ở Trái Đất.
Bởi vì bắn nhau nhiều, lại có thường hay lấy bối cảnh vũ trụ, thế nên nhiều tác phẩm Military Sci Fi sẽ trùng vào với Space Opera, và bởi thế còn 1 chi phụ khác của dòng này (và của cả Space Opera) là “Military Space Opera”. Nếu không tính các tác phẩm thuộc chi phụ kia thì Space Opera khác Military Sci Fi ở điểm nhân vật trong Space Opera có thể là thường dân còn của Military Sci Fi bắt buộc phải người trong quân ngũ. Thêm nữa là Space Opera cấm tuyệt đối tác phẩm lấy bối cảnh chính là Trái Đất, còn Military Sci Fi thì ở đâu cũng được hết.
Một số tác phẩm Military Sci Fi tiêu biểu: Starship Troopers (Robert A. Heinlein), Starcraft (Blizzard), Legend of Galactic Heroes (Yoshiki Tanaka), All You Need Is Kill (Hiroshi Sakurazaka), Dogs of War (Adrian Tchaikovsky), X-COM (Julian Gollop).

Apocalypse và Post-Apocalypse

Apocalypse/Post-Apocalypse Sci Fi dịch ra có nghĩa là “Sci Fi Tận thế/Hậu Tận thế”. Đây là những tác phẩm xoay quanh sự diệt vong của nền văn minh nhân loại, hoặc thế giới sau khi nền văn minh sụp đổ. Tác nhân gây ra sự sụp đổ ấy được gọi là Sự kiện Tận thế. Nó có thể là bất kỳ thứ gì, có khả năng xảy ra cao hoặc khó/còn lâu mới xảy ra, nguyên nhân có thể là do nhân tạo hoặc tự nhiên. Một số Sự kiện Tận thế hay được sử dụng bao gồm: thiên thạch rơi, mặt trăng bị huỷ diệt, biến đổi khí hậu, chiến tranh hạt nhân, thảm họa zombie, virus biến đổi gen, người ngoài hành tinh xâm lăng. Lưu ý là trong 1 tác phẩm có thể đồng thời xảy ra nhiều Sự kiện Tận thế, và các Sự kiện Tận thế có thể sẽ kéo dài miên man hoặc ầm cái kết liễu luôn thế giới con người.
Các tác phẩm thuộc dòng này thường sẽ xoay quanh một số motio như: các nỗ lực ngăn chặn Sự kiện Tận thế; những ảnh hưởng của một Sự kiện Tận thế sắp diễn ra đối với xã hội; ảnh hưởng kéo dài sau khi Sự kiện Tận thế đã diễn ra. Hoặc tác phẩm đó cũng có thể tập trung vào hành trình gian khổ, tranh đấu nội tâm của những người sống sót; hoặc tập trung vào nỗ lực duy trì hoặc tái xây dựng nền văn minh, tìm hiểu về thế giới cũ từng bị huỷ diệt (hoặc đã lãng quên hoặc đã thành huyền thoại). Khung thời gian có thể trước khi Sự kiện Tận thế xảy ra, trong lúc nó đang diễn ra, ngay sau khi nó đã xảy đến, hoặc mấy nghìn tỉ năm sau khi Sự kiện Tận thế xuất hiện. Sci Fi Tận thế thì có thể lấy bối cảnh ở khá nhiều nơi, nhưng còn Hậu Tận thế thì thường sẽ là các thế giới không còn công nghệ gì nữa, hoặc chỉ còn chút tàn dư công nghệ sót lại (tất nhiên vẫn có ngoại lệ, đặc biệt nếu tác phẩm kể về hành trính tái khám phá nền văn minh cổ đại).
Tận thế/Hậu Tận thế có thể coi là một trong những nhánh xuất hiện sớm nhất của Sci Fi. Gốc gác của nó là từ những truyền thuyết hoặc thần thoại (tức Fantasy cổ) từ những nền văn minh thời xưa như Babylon, Aztect, Maya, Inca,... Một số ví dụ điển hình có thể thấy là Sử thi Gilgamesh, câu chuyện chiếc thuyền của Noah, Ragnarök trong thần thoại Bắc Âu,... Còn với Sci Fi hiện đại, tác phẩm đúng nghĩa đầu tiên của thể loại này là The Last Man của Mary Shelley. Đến Thế Chiến II và nhất là thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi vũ khí hạt nhân ra đời và phát triển vượt bậc, khả năng cả thế giới ôm nhau chết bởi hiểm họa này ngày càng hiển hiện. Chính điều này đã thúc đẩy rất nhiều tác phẩm Sci Fi thể loại Tận thế/Hậu Tận thế.
Một số tác phẩm tiêu biểu của thể loại này là: World War Z (Max Brooks), Earth Abides (George R. Stewart), Horizon Zero Dawn (Guerilla Games), Interstellar (Christopher Nolan), 20th Century Boys (Naoki Urasawa), The Last of Us (Naughty Dog).

Cyberpunk

Nói một cách dễ hiểu nhất thì Cyberpunk là sự kết hợp của Công nghệ cao và thế giới suy đồi tàn tạ về mọi mặt. Mô tả cụ thể hơn thì Cyberpunk là các tác phẩm viết về công nghệ tân tiến như AI, điều khiển học, mạng viễn thông và cách chúng khiến tôn ti trật tự thế giới bị đảo lộn, hoặc toàn bộ xã hội trở nên suy tàn, tha hoá. Đây là kẻ đi tiên phong, làm tiền đề cho mọi dòng "Punk" khác trong Sci Fi.
Các tác phẩm thuộc thể loại Cyberpunk thường khá bi quan, bối cảnh tăm tối, có góc nhìn đời rất cay đắng, và mặt trái của công nghệ/phát triển thường được đưa lên hàng đầu để vẽ ra tính phản địa đàng (Dystopian) của xã hội dựa dẫm quá nhiều vào công nghệ. Khung thời gian của nó chủ yếu là tương lai, và thường là tương lai không xa lắm (tầm vài chục đến trăm năm). Bối cảnh có thể lấy khá rộng, thành phố, thế giới, hành tinh lạ đều được, nhưng thường sẽ chỉ giới hạn trong một khu hẹp, chẳng hạn thành phố hoặc khu công nghiệp thối nát nào đó. Thế giới tác phẩm thường sẽ nhan nhản tội ác/tội phạm, người dân mất niềm tin vào một giá trị quan trọng nào đó, và đặc biệt sẽ có một thứ công nghệ tân tiến bị lạm dụng để trục lợi cá nhân/tìm kiếm khoái cảm. Cyberpunk thường là loại Sci Fi khá nặng, mô tả công nghệ kỹ thuật chi tiết. Nó cũng có hành động phiêu lưu, nhưng nội dung chủ yếu là triết lý về xã hội, và cảnh báo về những hệ quả tiềm tàng/khó lường của công nghệ mới.
“Người hùng” của Cyberpunk sẽ là các nhân vật “punk” (“punk” trong tiếng Anh là “mất dạy/bố đời”), chẳng hạn như hacker, khủng bố, tội phạm, cớm bẩn, hay tử tế lắm thì cũng có nguyên tắc đạo đức rất lỏng lẻo, chẳng hạn các thám tử bất mãn. Nói chung, trong Cyberpunk, “Hero = Anti-hero”. Kẻ ác trong tác phẩm khoảng 90% sẽ là các siêu tập đoàn có khả năng thao túng chính quyền, điều hành xã hội tuỳ thích. Ngoài ra còn có các chính quyền toàn trị, các băng đảng tội phạm, hay một cá nhân đơn thuần. Có một số tác phẩm không để cho kẻ ác là thực thể cụ thể nào, mà chỉ là một xu hướng mới hay gì đó (tức cả xã hội trở thành “kẻ ác”). Chính cái sự đen tối của “người hùng” và cái sự suy đồi của địch thủ/thế giới là thứ làm nên chất “punk” của dòng này.
Một số tác phẩm Cyberpunk tiêu biểu là: Neuromancer (William Gibson), Do Androids Dream of Electric Sheep? (Philip K. Dick), The Matrix (Lana & Lilly Wachowski), Ghost in the Shell (Mamoru Oshii), Akira (Katsuhiro Otomo), Deus Ex (Ion Storm).

Post-Cyberpunk

Post-Cyberpunk là một thể loại không mấy người nhận ra nó có tồn tại. Trong số những người biết đến nó thì không ít người gộp luôn thể loại này vào với Cyberpunk, vì quả tình là chúng có quá nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, người ta vẫn xếp nó làm một thể loại riêng vì tuy gần như y hệt, Post-Cyberpunk vẫn có một số điểm khác biệt, và quan trọng hơn nữa là nó thể hiện một đặc điểm khá thú vị trong văn học nói chung và Sci Fi nói riêng.
Cyberpunk là một phiên bản rất tăm tối của xã hội trước sự xuất hiện của các thứ công nghệ mới. Post-Cyberpunk cũng sẽ nói về mặt trái của công nghệ, nhưng không u tối bằng và mang tính thực tế cao hơn. Nếu trong Cyberpunk, các siêu tập đoàn hay chính phủ là hiện thân của cái ác, không có một tí tử tế nào thì trong Post-Cyberpunk, những thế lực ấy sẽ pha lẫn cả tốt lẫn xấu. Thậm chí đôi lúc có thể coi là tốt hẳn, mặc dù phải dùng những biện pháp rất mạnh để bảo vệ lợi ích xã hội. Thế giới trong Cyberpunk thường sẽ cực kỳ sa đọa, phân cách giàu nghèo quá cao, tệ nạn tràn lan,… còn ở Post-Cyberpunk thì xã hội có thể sẽ vẫn vận hành như hiện tại: về cơ bản là tốt, mặc dù vẫn có mặt trái. Riêng khoản viết về công nghệ và ảnh hưởng của nó với xã hội thì Cyberpunk và Post-Cyberpunk đều có, và đều tập trung rất mạnh.
Hay nói cách khác, Post-Cyberpunk là phiên bản “hiền lành” hơn của Cyberpunk.
Post-Cyberpunk, đúng với cái tên của nó, là phần “tiếp nối” của Cyberpunk. Hồi trước Cyberpunk ra đời là để “chống lại” các tác phẩm Sci Fi thế hệ cũ. Trong giai đoạn thập niên 1940 đến 1950, các tác phẩm Sci Fi chủ yếu tô hồng thế giới, công nghệ nào cũng đều giúp ích cho nhân loại, và motip này dẫn trở nên nhàm chán, cần phải thay đổi. Thế là Cyberpunk đem một mớ bùn đất đến hắt lên tất cả, và lập tức thành phong trào mới. Được một thời gian, lại đến lượt Cyberpunk trở nên tràn lan, thế giới bị tô vẽ đen tối quá, và độc giả dần chán chường, thế là lại đến lượt Post-Cyberpunk xuất hiện để đem tới một làn gió mới. Sự thay đổi ấy là một motip thường thấy trong văn học, được gọi là “deconstruction” - dịch hơi thô thì có nghĩa là “phá cấu trúc”, là cách để văn học luôn phát triển mới, không bị tù đọng.
Hai thể loại Post-Cyberpunk với Cyberpunk này trùng lặp nhau ở rất nhiều yếu tố, thế nên muốn phân biệt tác phẩm nào nằm ở thể loại nào rất khó. Và như đã nói, nhiều người còn không công nhận Post-Cyberpunk là một thể loại riêng. Còn nếu cố gắng để tách bạch, thì có thể hiểu đại khái như thế này: Nếu công nghệ PHÁ NÁT thế giới, nếu tổ chức thống trị ĐỘC ÁC hẳn, nếu nhân vật chính muốn LẬT ĐỔ tất cả, nó sẽ là Cyberpunk. Nếu công nghệ giúp CẢI THIỆN thế giới với chỉ một vài mặt hại, nếu tổ chức thống trị về cơ bản là TỬ TẾ nhưng cách hành xử hơi có vấn đề, nếu nhân vật chính muốn CỨU CHỮA xã hội, nó là Post-Cyberpunk.
Tuy nhiên, ranh giới giữa chúng mỏng manh vô cùng, cho nên nếu không phân biệt được thì cũng không sao cả. Post-Cyberpunk có một số tác phẩm tiêu biểu như sau: Summer Wars (Mamoru Hosoda), Minority Report (Philip K. Dick), The Diamond Age (Neal Stephenson), Mega Man Battle Network (CAPCOM), Watch Dogs (Ubisoft).

Steampunk

“Steampunk” có định nghĩa rất đơn giản: các tác phẩm có sự xuất hiện của công nghệ hiện đại, nhưng tất cả đều vận hành chủ yếu bằng hơi nước.
Steampunk có thể sẽ lấy khung thời gian là giai đoạn Victoria ở các nước công nghiệp; hoặc lấy tuyến thời gian hiện tại/tương lai, nhưng vì lý do gì đó động cơ đốt/linh kiện điện tử không ra đời, và động cơ hơi nước vẫn là đỉnh cao khoa học. Tất nhiên, mặc dù nền tảng là động cơ hơi nước, nhưng công nghệ ứng dụng động cơ ấy lại tân tiến vượt trội, tối thiểu phải cao cấp hơn các công nghệ giai đoạn thế kỷ 19-20, hoặc thậm chí còn vượt cả công nghệ hiện đại; thậm chí có thể có súng laze, tàu ngầm, phi thuyền, máy tính, robot, v.v
Steampunk có thể coi là dòng có diện mạo dễ nhận ra nhất trong mọi dòng Sci Fi. Bất kể tác phẩm Sci Fi nào; truyện, phim, game,… chỉ cần nhìn qua hình ảnh của nó thôi là sẽ biết luôn đây có phải Steampunk hay không. Máy móc sẽ có dây cót, bánh răng, hay làm từ đồng, gỗ, sắt để trần, tàu bè gắn khinh khí cầu/buồm, và tất nhiên là hơi nước xì xì khắp nơi. Trong một số trường hợp, đặc biệt với các tác phẩm nặng về hình ảnh như phim, truyện tranh,… công nghệ nền có thể không phải là công nghệ hơi nước, nhưng tích hợp nhiều yếu tố ngoại hình của Steampunk thì nó vẫn có thể coi là con lai của Steampunk.
Thuật ngữ Steampunk vốn là do nhà văn Kevin Jeter nghĩ ra để gọi các tác phẩm “Retro” Sci Fi của mình, đọ với các tác phẩm “Futuristic” Sci Fi, tức “Cyberpunk,” của William Gibson. Thực ra, trước thời của Jeter, đã có rất nhiều tác phẩm đủ tiêu chuẩn để gọi là Steampunk, đặc biệt là các tác phẩm của Jules Vernes.
Một số tác phẩm Steampunk tiêu biểu: Twenty Thousand Leagues Under the Seas (Jules Verne), The Time Machine (H.G. Wells), Atlantis: The Lost Empire (Disney), Fullmetal Alchemist (Hiromu Arakawa), Dishonored (Arkane), BioShock Infinite (Irrational Games).

Teslapunk, Hopepunk và Capepunk

Teslapunk là một dòng nhánh của Steampunk lấy bối cảnh thời đại mà công nghệ điện vẫn còn sơ khai (đặt theo tên của Nikola Tesla). Ở thời kỳ này, khi mới lần đầu tiên gọi là chạm tay vào công nghệ điện và vẫn chưa hiểu rõ về nó thì con người thường có xu hướng thần thánh hóa cái thứ năng lượng kỳ diệu này lên, ban cho nó bao nhiêu là ứng dụng điên rồ từ hồi sinh người chết, tạo bản sao, di chuyển xuyên không - thời gian,... Teslapunk ra đời dựa trên những ý tưởng ấy.
Để nhận ra một thế giới Teslapunk thì chúng ta có thể thấy thế giới đó đầy rẫy tụ điện, cuộn cảm, pin năng lượng, dây nối, với những dòng điện xanh lè lập lòe lúc nào cũng giật đùng đùng. Để một tác phẩm được xếp vào Teslapunk, thì bắt buộc phải là thời đại mà công nghệ điện vẫn còn sơ khai.
Một số tác phẩm Teslapunk tiêu biểu: The Prestige (Christopher Nolan), Frankenstein (Mary Shelley), BioShock (Irrational Games).
Hopepunk là một nhánh nhỏ khác nữa, và đúng với cái tên của mình - là những tác phẩm đậm màu sắc tích cực. Hopepunk ra đời là để cân bằng lại sự u ám và và tăm tối trong đại đa số các tác phẩm Sci Fi. Vốn dĩ những tác phẩm Sci Fi mang màu sắc u ám và tăm tối thường có một sức hút khó tả đối với người đọc. Một phần là bởi vì tâm lý con người vốn hay để ý và ghi nhớ những điều tiêu cực hơn là tích cực, và các xúc cảm tiêu cực thường dễ khơi gợi lên hơn. Thêm một phần nữa là vì một thế giới đầy nghịch cảnh sẽ giúp các xung đột nảy sinh ra được một cách dễ dàng hơn, tạo ra được nhiều chướng ngại với mức độ khó khăn cao hơn để các nhân vật phải gồng người lên mới vượt qua nổi, từ đó có một câu chuyện với những xung đột kịch tính hơn và hấp dẫn hơn. Chính vì vừa dễ hút người đọc, vừa dễ tạo kịch tính nên lượng tác phẩm mang màu sắc u ám, tuyệt vọng nhiều vô kể.
Nhưng lẽ đương nhiên, bất kể có hay đến đâu, nếu cứ như vậy mãi thì cũng đến lúc thị trường trở nên một màu, trông vào phát ngấy. Bởi thế nên trong những năm gần đây, có kha khá tác phẩm bắt đầu né các bối cảnh đen tối, hướng đến những thứ mang màu sắc tươi đẹp hơn. Các tác phẩm này có phần tương đồng với những tác phẩm Golden Age của thập niên 1950, nhưng vẫn giữ lại một phần của các tác phẩm Cyberpunk và Post-Cyberpunk.
Hopepunk có thể hoặc là lấy hẳn một thế giới tích cực, hoặc sẽ viết với một giọng văn đầy vẻ tích cực ngay cả trong một thế giới không mấy tử tế. Cái khó của Hopepunk là bởi vì nó "sáng" quá nên bi kịch sẽ không được mạnh như các dòng tăm tối khác. Chính vậy nên các tác giả thường hay để xung đột chính của tác phẩm là những xung đột mang tầm vi mô hơn, đặc biệt là các xung đột về tư tưởng, nội tâm, tâm lý.
Ví dụ như trong The Martian, một trong những tác phẩm có thể liệt vào Hopepunk gần đây, nhân vật chính chẳng phải cứu thế giới hay lật đổ tập đoàn khổng lồ hoặc vạch trần mưu mô gì hết, mà chỉ đơn thuần làm thế nào mà loay hoay sinh tồn được trên Sao Hỏa. Arkwright của Allen M. Steele thì kể về nỗ lực của một ông nhà văn muốn lên vũ trụ. Xung đột của quyển này thực chất lại không phải là những khó khăn mà ông tác giả kia gặp phải, mà là những bất đồng và tranh cãi giữa các thế hệ con cháu sau này, người thì muốn bất chấp dư luận tiếp tục biến hoài bão của ông thành hiện thực, người thì muốn vùng thoát ra khỏi cái "lời nguyền" tự dưng tròng lên cổ mình ấy.
Một số tác phẩm Hopepunk tiêu biểu: Noumenon (Marina J. Lostetter), series Wayfarers (Becky Chambers), The Martian (Andy Weir), các truyện ngắn thuộc series Robot của Isaac Asimov (mặc dù ra đời trước cả khi Hopepunk xuất hiện, nhưng tính chất của chúng tương đồng với các tác phẩm hậu bối).
Cuối cùng là Capepunk, một thể loại có những yếu tố siêu anh hùng. Đúng với chất punk, điểm đặc trưng của dòng này là tìm cách kéo tuột hình tượng siêu anh hùng xuống, không còn là những tấm gương ngời sáng và hình mẫu lý tưởng nữa, mà nhìn nhần các nhân vật người hùng dưới con mắt "trần" hơn.
Các tác phẩm thể loại này sẽ rất ít khi đặt trọng tâm vào các cuộc chiến thiện ác mà sẽ đầu tư hiện thực hóa các siêu năng lực, lý giải nguyên nhân nó hình thành từ góc độ thực tế, khiến gần như mọi siêu năng lực đều có mặt trái kinh khủng (ví dụ chạy siêu tốc thì sẽ bị ma sát đốt chết), hoặc cần có thêm năng lực/ trang thiết bị bổ trợ chỉ để dùng được, tác động của nó đối với xã hội, cách nhìn nhận của những người "thường" đối với nó.
Một trong những mô típ Capepunk hay sử dụng là xoáy rất sâu vào nguyên nhân người hùng khoác lên mình tấm áo choàng để đi làm việc nghĩa và hệ lụy của hành động đó của họ. Ngoài đó ra thì ta còn mô típ siêu năng lực cũng thường được thể hiện dưới dạng một thứ cực kỳ kinh tởm và gớm ghiếc, cả với người dân lẫn đôi khi với cả người hùng, và những người sở hữu siêu năng lực sẽ bị tô vẽ như quái vật, hoặc đẩy đến đường phải trở thành quái vật.
Khác với Cyberpunk, Capepunk không nhất thiết phải đen tối. Yêu cầu của nó chỉ là mọi thứ đều phải được nhìn nhận dưới góc độ chân thực hết mức có thể, và tất cả các hành động đều để lại hậu quả không thể ngó lơ.
Một số tác phẩm Capepunk tiêu biểu: Zetman (Masakazu Katsura), Hero (Perry Moore), The Incredibles (Brad Bird), Man of Steel (Zack Snyder), Watchmen (Alan Moore), Brightburn (David Yarovesky).

Một số dạng punk phái sinh

Sau khi Cyberpunk với Steampunk ra đời thì 1 loạt dòng punk khác cũng xuất hiện theo. Bên cạnh mấy thứ to to như Hopepunk hay Capepunk, ta còn có một số nhánh punk nhỏ khác không chênh lệch gì nhiều so với hai dòng kia. Những dòng punk này là:
Biopunk: Công nghệ chủ chốt là công nghệ sinh học. Tác phẩm tiêu biểu: The Island of Dr. Moreau (H.G. Wells).
Nanopunk: Công nghệ chủ chốt là công nghệ nano. Tác phẩm tiêu biểu: The Diamond Age (Neal Stephenson).
Cyberprep: Về cơ bản giống Post-Cyberpunk, nhưng còn “hiền” hơn nữa, hay lấy bối cảnh một xã hội Utopia. Tác phẩm tiêu biểu: Daemon (Daniel Suarez).
Dieselpunk: Công nghệ chủ chốt là công nghệ sử dụng Diesel (giai đoạn giữa 2 cuộc Thế Chiến). Tác phẩm tiêu biểu: Sky Captain and the World of Tomorrow (Kerry Conran).
Stonepunk: Công nghệ được sử dụng là… công nghệ thời Đồ Đá. Tác phẩm tiêu biểu: The Flintstones (William Hanna & Joseph Barbera).
Clockpunk: Tập trung chủ yếu vào các công nghệ của thời kỳ Phục Hưng. Tác phẩm tiêu biểu: Assassin's Creed II (Ubisoft).
Decopunk: gần giống Dieselpunk, nhưng sử dụng các yếu tố kiến trúc, mỹ thuật art deco giai đoạn từ thập niên 1920 - 1950. Tác phẩm tiêu biểu: Batman The Animated Series (Bruce Timm & Eric Radomski).
Atompunk: Công nghệ được sử dụng là công nghệ giai đoạn cuối thế kỷ 20, tầm những năm từ thập niên 1940 - 1960, trước thời đại công nghệ kỹ thuật số. Tác phẩm tiêu biểu: series Fallout (Bethesda).
Steelpunk: Công nghệ được sử dụng là công nghệ cuối thế kỷ 20, tiệm cận với thời đại kỹ thuật số. Tác phẩm tiêu biểu: Snowpiercer (Jacques Lob & Jean-Marc Rochette).
Nowpunk: Công nghệ được sử dụng là các công nghệ thời hiện đại. Tác phẩm tiêu biểu: Rick and Morty (Justin Roiland & Dan Harmon).

Social Sci Fi

Nhắc đến Sci Fi thì thường người ta hay hình dung đến các thứ công nghệ tân tiến, kỹ thuật hiện đại. Nhưng “Social Science Fiction” thì lại khác. Các tác phẩm của thể loại này chủ yếu bàn luận về xã hội. Xã hội được bàn đến có thế chính là xã hội hiện thời, nhưng được “ngụy trang” bằng cách đưa vào một thế giới khác hoặc tương lai hoá các công nghệ đương đại lên để từ đó xoáy đến một vấn đề nổi cộm. Hoặc nó có thể là một xã hội ở tương lai xa hẳn, với những vấn đề rất mới nảy sinh từ tiến bộ của khoa học mà hiện giờ ta chưa gặp phải hay chưa từng nghĩ đến.
Các tác phẩm Utopia (thế giới thiên đường) và Dystopia (thế giới phản địa đàng) là hai điểm cực của cái dòng này. Một bên Utopia thì ca ngợi thế giới tươi đẹp, bên Dystopia thì cho thế giới thối nát hoàn toàn. Tất nhiên, Social Science Fiction không nhất thiết phải Utopia hẳn hay Dystopia hẳn. Chủ yếu các tác phẩm sẽ rơi vào khoảng giữa, xấu có tốt có, và trong đó có một vấn đề nổi cộm nhất mà tác phẩm muốn bàn đến. Vấn đề đó có thể tốt hoặc xấu, cần được sửa hoặc cần để im tuỳ tác phẩm. Thường thì gần như mọi tác phẩm Sci Fi trên đời đều có tối thiểu 1 chút xíu bình luận xã hội vào, thế nên dòng này rất hay được pha cùng càng dòng khác.
Social Sci Fi thường được xếp là các tác phẩm Soft Sci Fi bởi vì nó ít khi đi quá sâu vào công nghệ các thứ, và cái thứ khoa học chính của nó sẽ là nhân chủng học: bàn về hành vi và tương tác của con người/xã hội con người. Các nhân vật thường không quan trọng bằng cái thế giới họ sống trong đó, và hành động của nhân vật luôn nhằm mục đích lột tả, chỉ trích, hoặc ngợi ca xã hội. Nó có thể dùng để dự đoán diện mạo thế giới về sau (đi lại bằng cái gì, mua bán ra sao, giao tiếp bằng công nghệ nào,…), hoặc mang tính cảnh báo về một hiểm họa tiềm tàng nào đó (quyền lực tập trung quá thì sao, dùng nhiên liệu hoang phí quá thì sao, phát triển AI bừa bãi thì sao,…).
Một số tác phẩm tiêu biểu của thể loại này là: Brave New World (Aldous Huxley), 1984 (George Orwell), Fahrenheit 451 (Ray Bradbury), District 9 (Neill Blomkamp), V for Vendetta (Alan Moore), The Platform (Galder Gaztelu-Urrutia).

Mundane Sci Fi

Mundane Science Fiction là một thể loại Sci Fi tương đối mới, ra đời trong giai đoạn những năm 2000. Từ “Mundane” trong tiếng Anh có nghĩa là “bình dị”, thế nên các tác phẩm thuộc cái dòng này sẽ có cái đặc trưng là không có gì quá bất khả thi.
Mundane Sci Fi thường sẽ chỉ sử dụng những công nghệ mang tính thực tế ở thời điểm hiện tại, không tiên đoán quá xa. Mọi thay đổi của công nghệ, khoa học trong tác phẩm đều có thể thực hiện được trong vòng 10-20 năm, hay thậm chí còn gần hơn. Thế tức là những thứ như người ngoài hành tinh, du hành nhanh hơn vận tốc ánh sáng, di chuyển bằng lỗ giun,… sẽ hiếm khi xuất hiện, bởi vì chúng tính đến nay chỉ tồn tại trên lý thuyết, mang tính “huyền thoại” nhiều hơn.
Ngược với nó, những thứ như chỉnh sửa mã gen, suy thoái môi trường, công nghệ nano, cơ học lượng tử, người máy và thực tế ảo có thể sẽ xuất hiện trong này. Nguyên nhân là nền tảng công nghệ cho chúng nó đã tồn tại sẵn, và chỉ cần một thời gian tương đối ngắn là sẽ có thể phát triển chúng nó lên thành công nghệ ứng dụng.
Thường các tác phẩm Sci Fi tập trung vào các khía cạnh xã hội và nhân văn nhiều hơn là khoa học sẽ thuộc dòng Mundane Sci Fi, bởi căn bản gần như không có gì quá điêu trong đó. Tất nhiên, nếu trong tác phẩm đó mà có sử dụng thứ công nghệ nào đòi hỏi thời gian phát triển quá lâu, khó tồn tại, hoặc bịa trắng trợn thì sẽ không được liệt vào Mundane Sci Fi.
Một số tác phẩm tiêu biểu: The Martian (Andy Weir), Never Let Me Go (Kazuo Ishiguro), Her (Spike Jonze), Children of Men (Alfonso Cuarón), The Road (Cormac McCarthy).

Sci Fi Fantasy

Đây là một thể loại “con lai” giữa hai dòng Sci Fi với Fantasy, như đã được thể hiện rõ trong tên.
Vì là trộn lẫn giữa hai dòng văn vào với nhau nên Science Fiction Fantasy hết sức đa dạng. Nó không bắt buộc phải tuân theo các quy luật khoa học, định luật vật lý như Sci Fi (mặc dù nếu muốn tác giả hoàn toàn có thể sử dụng kiến thức khoa học nặng), nhưng không đến mức quá tách biệt với thế giới thật như Fantasy, đặc biệt nếu nó áp dụng phương thức khoa học để phân tích và mổ xẻ các phần “Fantasy” của tác phẩm (định luật cấu thành phép thuật, giải phẫu rồng,…).
Science Fiction Fantasy phần nào giống một bậc trên thang đo Soft và Hard Sci Fi, hay độ chính xác khoa học của tác phẩm, có điều nó mở rộng thêm để đo cả dòng Fantasy. Tuy nhiên, nó mơ hồ hơn thang Soft và Hard, bởi tác phẩm có thể thiên nặng về một trong hai bên, hoặc là nặng khoa học, hoặc nặng Fantasy, hoặc đứng im ở ngay đoạn giữa, có “công nghệ” là phép thuật tích hợp cùng máy móc hiện đại, máy móc sử dụng cơ sở khoa học phi lý, phép thuật giải thích theo kiểu công nghệ, công nghệ quá tối tân đến mức nhảy hẳn sang phép thuật, hoặc đôi bên tách hẳn ra, cho một bên dùng phép thuật một bên dùng công nghệ và song song tồn tại,...
Science Fiction Fantasy có một số nhánh phụ nổi trội, trong đó cần kể đến:
Urban Fantasy/Modern Fantasy: các tác phẩm Fantasy diễn ra trong bối cảnh thế giới ngày nay, có sử dụng công nghệ của thế giới hiện đại, kết hợp cùng với các yếu tố kỳ ảo siêu nhiên. Đây có thể gọi là phiên bản nâng cấp của Fantasy thuần cũ, vốn lấy bối cảnh thế giới Trung Cổ truyền thống (tức “thế giới ngày ngay” của cái thời ấy).
Gaslamp Fantasy: tương tự như Urban Fantasy, khác ở điểm nó lấy bối cảnh thời thế giới còn sử dụng công nghệ hơi nước. Đây cũng đồng thời là nhánh phụ của Steampunk.
Planetary Romance: lấy bối cảnh là một hành tinh khác, đi khám phá về thế giới và văn hoá của tộc người trên hành tinh ấy. Có rất nhiều điểm chung với các dòng truyện phiêu lưu khám phá văn hoá giai đoạn thế kỷ 19, 20.
Sword and Planet: tương tự Planetary Romance, có điều mang chất “kiếm hiệp” hơn, tập trung vào giao tranh giữa các vương quốc hoặc người hùng với nhau (thường là theo kiểu chiến tranh Trung Cổ).
Còn rất nhiều tác phẩm thuộc các dòng Sci Fi hoặc Fantasy cũng có thể rơi vào Science Fiction Fantasy nếu chúng có sự pha trộn. Thế nên đừng ngạc nhiên nếu tình cờ thấy tác phẩm nào gắn mác Cyberpunk nhưng lại có kèm mác Fantasy, hoặc có tác phẩm được gọi là Fantasy ở chỗ này nhưng lại trở thành Space Opera ở chỗ khác.
Một số tác phẩm Science Fiction Fantasy tiêu biểu: A Wrinkle in Time (Madeleine L'Engle), John Carter of Mars (Edgar Rice Burroughs), các truyện của H.P. Lovecraft, The Dark Tower (Stephen King), Artemis Fowl (Eoin Colfer), His Dark Material (Phillip Pullman).

Kết

Trên đây là một số thể loại lớn và nổi tiếng cũng như quan trọng nhất trong dòng văn Sci Fi. Trong bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu về một số motip kể chuyện và những khái niệm thú vị trong các tác phẩm Sci Fi.