“Ngắn, buồn và nghiệt ngã” có lẽ là ba tính từ miêu tả một cách chân thật nhất về “Của Chuột và Người”. Là một câu chuyện cảm động về tình bạn giữa hai người đàn ông trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời kỳ suy thoái những năm 1930, cuốn sách của John Steinbeck đã tái hiện lại bức tranh tàn khốc của thời cuộc, về giấc mộng hão huyền của những gã lao động cô đơn và về cả sự chiến thắng của tình bạn, tình người trong hiện thực đầy khó khăn.
Được chắp bút và xuất bản năm 1937, “Của Chuột và Người” là một trong những tác phẩm xuất sắc đã góp phần giúp John Steinbeck đoạt giải Nobel Văn học năm 1962.

Bức tranh tàn khốc của cuộc Đại suy thoái kinh tế

Tác phẩm dài không quá 150 trang mở đầu với việc hai người đàn ông nọ đang trong hành trình tìm kiếm việc làm. George là một gã nhỏ bé nhưng thông minh, nhanh nhẹn. Anh chăm sóc cho người bạn đồng hành của mình là Lennie - một chàng trai vạm vỡ, khỏe mạnh nhưng lại bị thiểu năng trí tuệ và mê mẩn sờ những thứ mềm mịn. Cả hai cùng coi nhau như những người anh em thân thiết. Sự cố xảy ra khi sở thích kì quặc của Lennie đã buộc cả hai phải chạy trốn khỏi thị trấn đang ở vì anh đã chạm vào váy của một phụ nữ và bị buộc tội hiếp dâm.
Tới trang trại mới, George, Lennie và những người làm công thời ấy đều có chung mơ ước sẽ sở hữu một mảnh đất của riêng mình, để tự do làm chủ và không phải phục dịch cho kẻ khác. Những tưởng giấc mơ ấy sẽ sớm thành hiện thực như lời George mô tả ở bờ sông Salinas với khu vườn trồng đầy hoa quả, những con bò sản sinh ra sữa và cả lũ thỏ cho Lennie. Thế nhưng, cũng giống cái cách mà cuộc khủng hoảng thời ấy khiến cho những người lao động ở Mỹ điêu đứng, giấc mơ của họ mãi không thành hiện thực. Lennie phải trả giá cho một sự cố mà đến bản thân anh hoàn toàn cũng không nhận thức nổi. Không còn là thứ ánh sáng ảo mộng ban đầu khi George và Lennie mới đặt chân tới, bờ sông Salinas cuối truyện ngập trong máu, sự u uất và đen tối, nơi những giấc mộng vỡ đôi và ép con người ta phải quay lại cái hiện thực mục nát.
Dưới ngòi bút của John Steinbeck với các đoạn văn ngắn, từ ngữ đơn giản, dễ hiểu nhưng ẩn chứa sức nặng của những phép ẩn dụ và hình ảnh biểu tượng, “Của Chuột và Người” đã đem đến cho người đọc một bức tranh toàn cảnh về đời sống lao động của những công nhân vào thời kỳ suy thoái ở những năm đầu thế kỷ 20. Trong giai đoạn đó, ta thấy những người công nhân làm thuê làm mướn, bán sức mình trong những trang trại rộng lớn, không sở hữu đất đai, của cải, không gia đình và thường xuyên luân chuyển giữa các công việc khác nhau ở những trang trại khác nhau. Họ chịu nhiều luật lệ hà khắc, làm việc cực nhọc nhưng vẫn luôn đau đáu nỗi lo bị đuổi việc nếu mình làm sai điều gì đó. Tất cả đã cho thấy sự khắc nghiệt của một thời đại mà sức lao động được coi là rẻ mạt và có thể thay đổi bất kỳ lúc nào, với bất kỳ ai.
Một chiều cafe ở Tổ Chim Xanh và cuốn tiểu thuyết nhỏ của John Steinbeck.
Một chiều cafe ở Tổ Chim Xanh và cuốn tiểu thuyết nhỏ của John Steinbeck.

Giấc mộng hão huyền của những gã lao động cô đơn

Sẽ không khó để người đọc có thể nhìn ra rằng, hầu hết mọi nhân vật trong thiên truyện của John Steinbeck đều là những kẻ cô đơn mang trong mình những ảo tưởng hão huyền. Nhân vật George đã từng nói thổ lộ khi nói về ước mơ của mình rằng: 
“Mấy đứa làm việc ở nông trại như mình là tụi cô đơn nhất trên đời. Tụi nó hổng có gia đình. Tụi nó hổng gắn bó với chỗ nào cả…”
Ta có thể thấy George cô đơn trong chính giấc mộng của gã về một nông trại xanh rờn với đầy thứ quả và thịt mà không cần phải lai lưng ra làm cho ai đó. Hắn ra sức tưởng tượng và tin tưởng rằng, nó sẽ sớm có thể trở thành hiện thực. Cứ nhìn cái cách gã say mê kể cho Lennie thì biết, một niềm hạnh phúc mà chỉ gã rõ, chỉ gã có thể xây lên và đắm chìm trong đó.
Một trong những nhân vật khác cũng cho thấy sự cô đơn cùng quẫn đó chính là lão già Candy. Lão làm việc cho chủ trại từ khi còn là một thiếu niên cho đến lúc tai nạn xảy ra, lão bị cụt tay và phải bám vấu lấy trang trại. Lão nuôi trong mình hy vọng sẽ có thể được giữ lại đây làm việc cho đến lúc chết. Phân cảnh cho thấy cảm giác lo sợ của lão có lẽ chính là lúc con chó già của lão phải chết. Chú chó già nua, hôi hám và chậm chạp ấy dường như chính là hình ảnh phản chiếu của lão Candy. Nỗi lo sẽ bị vứt bỏ khi hết giá trị, rào cản về tuổi tác và khuyết tật càng nhân đôi thêm sự cô đơn trong lão.
“Sao tao hông được nói chuyện với mày chứ? Tao chẳng bao giờ được nói chuyện với ai. Tao thấy cô đơn lắm.”
Đó là lời bộc bạch của vợ Curley – người phụ nữ duy nhất giữa một thế giới toàn nam giới, được ví như “cái bẫy” của trang trại, đã vứt bỏ ước mơ trở thành diễn viên, lấy một người cô chẳng hề yêu, không được bầu ban, nói chuyện cùng ai. Đó cũng là lý do cô ả hay lảng vảng ở khu công nhận với mong muốn được nói, được giao tiếp để gạt bỏ sự cô đơn cứ bám víu quanh mình.
Hay như anh chàng Crooks da màu, dù khỏe mạnh và giỏi thể thao, song vì sự khác biệt cũng khiến anh bị hắt hủi khỏi nhà chung, phải sống ở kế chuồng ngựa, cô đơn trong chính căn phòng và nơi làm việc của mình, thèm khát được chuyện trò nhưng lại kiêng dè sự khinh bỉ.
Và tất nhiên, người sở hữu nỗi cô đơn không thể không nhắc đến Lennie, một anh chàng to xác, vạm vỡ nhưng lại thiểu năng trí tuệ. Chính sự chậm hiểu biết đấy đã tách biệt Lennie với tất cả mọi người, với cả xã hội mà anh đang sống. Dù được George bảo vệ và dẫn dắt, song Lennie vẫn khát khao có được những động vật như chú chó, đàn thỏ hay những chú chuột trong thế giới của mình để được giãi bày tâm sự và phải chăng là cả sự thấu hiểu. 
Dù không trực tiếp mô tả sự cô đơn của các nhân văn bằng những câu văn mùi mẫn đầy cảm xúc, nhưng John Steinbeck vẫn cho người đọc thấy được trạng thái đơn độc của họ qua từng hành động, cử chỉ và lối suy nghĩ. Sử dụng bối cảnh của những gian phòng ẩm ướt, đơn sơ trong một trang trại rộng lớn và sự mục rỗng tâm hồn của từng nhân vật trong thiên truyện, John Steinbeck đã tái hiện trước mặt độc giả số phận chung của những người lao động nghèo cô đơn trong cuộc Đại suy thoái kinh tế những năm 1929 -1933 với những giấc mộng không thành và mãi chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng.
Những công nhân trong “Của Chuột và Người” không chỉ George và Lennie, mà cả Candy, Crooks đều mơ ước về một trang trại của riêng mình, nơi họ có thể thoải mái tự mình làm chủ, để mùa đông có thể nghỉ ngơi ngồi bên lò sưởi, để có thể thỉnh thoảng bỏ việc đi xem gánh xiếc, không phải lo sợ bị đuổi, không phải đặt quyền quyết định cuộc đời mình vào tay người khác. Thế nhưng, cái giấc mơ có một trang trại như thế vào giai đoạn ấy lại là một giấc mơ khó có thể thành hiện thực cho dù họ đã lên kế hoạch chi tiết, đầy đủ và chỉ chờ có đúng 1 tháng lương nữa là thành hiện thực. Cuộc đời luôn tồn tại những bi kịch không báo trước và nó có thể nhanh chóng “bóp nghẹt” những giấc mơ chỉ vừa mới thai nghén. Giấc mơ của những người đàn ông làm công trong “Của Chuột và Người” cũng bị phá hủy bởi hiện thực khắc nghiệt và bởi sự kiện bất ngờ mà người đọc không thể nào ngờ tới được.
Có thể nói, tác giả John Steinbeck đã mang đến một cái kết bất ngờ, dứt khoát và để lại nhiều suy nghĩ trong lòng người đọc. Nó tượng trưng cho xã hội khắc nghiệt và hiện tại cay đắng đã giết chết những giấc mộng đẹp và hi vọng về một tương lai tươi sáng của những người công nhân thời đó. Đặc biệt, với việc sử dụng thủ pháp cấu trúc đầu cuối tương ứng khi mở truyện bắt đầu ở bờ sông Salinas và kết truyện cũng tại dòng sông ấy, nó đã cho thấy sự lặp lại của những số phận được định sẵn sẽ không thoát khỏi vòng luẩn quẩn, thể hiện bi kịch của những người lao động với giấc mộng đổi đời mãi không thể hoàn thành trong bối cảnh khủng hoảng suy thoái đầy nghiệt ngã.
Tác giả "Của Chuột và Người" John Steinbeck.
Tác giả "Của Chuột và Người" John Steinbeck.

Sự chiến thắng của tình bạn trong hiện thực tàn khốc.

Tuy nhiên, tác phẩm của John Steinbeck không chỉ thể hiện sâu sắc hiện thực tàn khốc của cuộc khủng hoảng kinh tế với bi kịch của những giấc mơ Mỹ không thành mà nó còn mang đến cho độc giả một tình bạn cao cả, một tình bạn đẹp giữa xã hội đầy khắc nghiệt và xảo trá.
George và Lennie ngay từ đầu xuất hiện đã là một đôi bạn thân thiết dù có ngoại hình và tính cách hoàn toàn trái ngược. Trong suốt chặng hành trình, ta luôn thấy George bảo vệ, bao dung và chăm sóc cho Lennie vô điều kiện. Dù rằng gã vẫn hay nói, nếu không có Lennie, gã đã có thể yên thân làm việc tại một trang trại, tích góp một số tiền rồi sau đó mua mảnh đất nhỏ và sống hạnh phúc. Thế nhưng khác với lời nói của mình, George vẫn luôn giúp đỡ và bao bọc Lennie ngốc nghếch, thậm chí khi gã mơ ước có mảnh đất riêng của chính mình, thì trong chính mảnh đất đó cũng luôn có Lennie và cả những chú thỏ lông mềm cho anh. 
Độc giả hay những nhân vật trong truyện ban đầu đều nghi ngờ về mối quan hệ trong sáng giữa George và Lennie. Bởi họ tin rằng, giữa thời kỳ khó khăn và nghiệt ngã này, chẳng có ai lại ngu ngốc đi cưu mang một người nếu anh ta không đem lại giá trị gì cho họ.
Nhưng những nghi ngờ này đều sẽ bị xóa bỏ bởi hành động ân cần và thật lòng mà George dành cho Lennie, gã luôn xem Lennie như một người em trai to xác, chia sẻ cho hắn từng mẩu bánh mì, khuyên nhủ và bảo vệ Lennie mỗi khi hắn gặp chuyện. Chỉ là, cho đến cuối cùng, số phận vẫn không buông tha cho những kiếp người đau khổ, cho những ảo mộng và tình bạn của cả hai.
Khi Lennie mắc phải một sai lầm to lớn không thể cứu chữa dù cho hắn còn chẳng thể nhận thức được đã buộc George phải đưa ra lựa chọn. Và hiện thực thì luôn có chỗ cho những nỗi đau không nói được thành lời. Để Lennie được ra đi một cách nhanh gọn và bớt đau đớn, George đã nổ phát súng cho tình bạn và tình thương để cứu Lennie khỏi cái kết đau đớn mà Curley đã lên kế hoạch.
Một cái kết đầy nghiệt ngã và tuyệt vọng.
Có thể thấy, chỉ với chưa đầy 150 trang cùng lối viết giản dị, dễ hiểu nhưng không kém phần biểu tượng, sâu sắc, “Của Chuột và Người” đã phơi bày hiện thực trần trụi nhưng tàn khốc của cuộc đại suy thoái kinh tế đã tác động đến người lao động Mỹ với những giấc mơ và viễn cảnh không bao giờ trở thành sự thật. Đồng thời, qua đó, nó cũng để lại cho người đọc một thông điệp lạc quan, George và Lennie có thể không đạt được ước mơ của mình, nhưng tình bạn của họ giống như một tấm gương sáng về cách người ta có thể sống và yêu thương nhau ngay cả khi khác biệt về mọi thứ!