Cho độc giả thiếu kiên nhẫn: Các bạn có thể mở mục lục ở bên phải màn hình và đi trực tiếp vào phần III và IV.

I. ĐA SỐ NGƯỜI ĐỌC SÁCH CHỈ TÌM CÁCH “CHÔN LẤP NHỮNG GIÁ TRỊ BỊ KHIẾM KHUYẾT” CỦA CHÍNH HỌ

Man Reading 1883-1884 Painting
Man Reading 1883-1884 Painting
Nói về vấn đề đọc sách, nếu không đả động đến việc dùng sách để giải trí đơn thuần. Thì đa số mọi người ở đây đang trong quá trình tu đạo làm người. Nếu ai đã thành công thì đâu cần ngồi đây, tìm một cái gì đó để chỉnh sửa lỗi lầm của mình ? Cứ đọc những bài viết đứng top tuần xem, không chiều chuộng bản thân để quên đi sự mệt mỏi vì áp lực công việc, thì cũng đả kích giáo dục, xã hội, chính trị bất công. Cùng với những “bài thuốc nhà mình ba đời” điều trị mất ngủ, giảm cân, cai nghiện Social Media, gia tăng kỷ luật. 
Vậy, nguyên nhân của những khuyết điểm cần được chôn lấp này đến từ đâu ? 
Theo Thu Giang Nguyễn Duy Cần – Sách Tôi Tự Học xuất bản năm 1961 – Chương 6: Học những gì ? - trang 110.
Cấp trung học thường là cấp học khoảng giữa từ mười ba đến mười bảy, nghĩa là bốn năm hay năm năm. Khoảng ấy dùng để làm gì? Tiếp tục chương trình học của cấp tiểu học ư? Nếu muốn tiếp tục thì người ta đã lập thêm cấp “cao đẳng tiểu học” mà ở đây gọi sai là “trung học đệ nhất cấp”. Còn bảo nó là lớp dự bị để vào đại học thì cũng sai, vì nói thế người ta lại chỉ xem đám học sinh này như những nhà chuyên viên tương lai sao, và như thế thì cứ mở ra những lớp dự bị để học chuyên môn cũng đủ rồi, người ta sẽ tiết kiệm được một cấp trung học, rất có lợi cho ngân quỹ. Dĩ nhiên là nó phải có một nhiệm vụ riêng của nó. Sứ mạng ấy như thế nào?
Câu trả lời của ông như sau:
dạy cho trẻ một cái VỐN HIỂU BIẾT BIẾT CĂN BẢN THUẦN TÚY, dạy cho chúng BIẾT SỬ DỤNG ÓC THÔNG MINH VÀ TÌNH CẢM TỐT ĐẸP, tạo cho chúng MỘT NẾP SỐNG TINH THẦN, MỘT PHƯƠNG PHÁP LÀM VIỆC CÓ LỀ LỐI VÀ HỌC HỎI KIỂU MẪU, SỬA CHỮA cho chúng VỀ TƯ TƯỞNG VÀ KHUYNH HƯỚNG SAI LẦM, đồng thời TU BỔ VÀ KHỞI PHÁT những KHẢ NĂNG TỐT ĐẸP CHƯA CÓ CƠ HỘI PHÁT TRIỂN ĐÚNG ĐƯỜNG LỐI. Như thế, cấp trung học có sứ mạng là Lo Tu Tạo, Bồi Dưỡng, Nuôi Nấng Cái Tiềm Thức Của Con Người. Vậy chứ những thói quen, nếp sống, cũng như những khuynh hướng của con người không phải là những tiềm lực đang nằm yên lặng lẽ trong đáy lòng của con người sao? Nói tắt một lời, lối dạy dỗ ở cấp trung học phải biết làm sống lại cái sống tiềm tàng trong con người, tức là cái học về bề sâu, cái học về con người sâu thẳm của mình.
Cũng dễ hiểu tại sao lượng tiêu thụ sách tại Việt Nam đã cán mốc 6,08 sách/người/năm (theo dangcongsan.vn – 17/2/2023). Vì phần đông giới trẻ hiện nay đã cảm nhận rõ sự thiếu thốn giá trị tri thức, cho nên họ cần đi tìm một giá trị nào đó từ sách để hoàn thiện chính họ.
Có thể nói, đây là tin mừng cho những người yêu sách tại Việt Nam.
Bất cứ cái gì phổ biến cũng sinh ra biến tướng:
Giả vờ đọc sách cũng là bệnh phổ biến. Mình thấy độc giả kiểu này mua sách tùy hứng, lựa sách bìa đẹp, sách best seller về làm vật trang trí. Những câu tuyên truyền phổ biến của họ là: đọc mỗi ngày 5 – 10 trang sách, cố đọc cho hết đống sách đã lỡ mua, đọc sách để thành công,…
Còn người đọc sành sỏi thì sao ?
Người biết đọc thực thụ coi kỹ năng này là bình thường, không đáng để chia sẻ, chỉ cần kiên nhẫn lâu ngày rồi cũng biết cách. Tất cả bọn họ có một điểm chung, đó là đọc sách có mục đích. Mục đích này tạm chia thành 2 loại: Đọc vị lợi và Đọc vì sự khoái lạc khi tìm ra kiến thức bổ ích từ sách.
Còn một thể loại khác nữa, đó là loại “biết nhưng không cho không”, những gì họ bán cho học viên học đọc cũng từ sách dạy kỹ năng mà ra. Mình không thể đổ lỗi cho họ được, vì họ chỉ đang kinh doanh trên thói lười của nhân loại.
Biến tướng như trên - bên Tây cũng lắm: Có lần mình trò chuyện với một số người bạn ở Đông Âu thông qua Discord, họ chia sẻ rằng các bệnh như trên cũng phổ biến, một trong số họ cũng bực bội vì đám trẻ không còn mặn mà với sách, kì thị các độc giả của thể loại ngôn tình, ghét người hay khoe thành tích đọc mấy chục cuốn sách / năm. 
Mình hỏi: Đọc sách để làm gì ? 
Câu trả lời chung của bọn họ là để giải trí hoặc có thêm ý tưởng để viết. Essli là giảng viên đại học người Phần Lan, đọc sách để viết tiểu luận. Andrei - nhà viết kịch nói người Romania, anh ta đọc nhiều sách triết, văn học và tiểu thuyết. Còn những người bạn “bình dân” khác thì đọc sách trước khi đi ngủ, giết thời gian khi đi tàu điện ngầm. 
Bạn đừng nghĩ họ là bọn thượng đẳng chỉ thích văn vở. Dù đã u40 – u50. Nhưng tánh nết y chang bọn con nít, mê đánh điện tử, nghịch phá như lũ quỷ.

II. ĐỊNH NGHĨA:

Edmund C. Tarbell - Girl Reading - 09.209
Edmund C. Tarbell - Girl Reading - 09.209

1. Đọc sách là gì ?

Đọc là quá trình tiếp nhận ý nghĩa thông qua việc giải mã những kí tự, biểu tượng, chữ cái,… Trong đời sống hàng ngày, con người thường xuyên giải mã những biểu tượng khi đọc văn bản trên điện thoại, laptop, tài liệu,… đọc biểu hiện sắc mặt của ai đó, đọc biển báo tín hiệu khi tham gia giao thông và đọc sách không nằm ngoài hành vi này.

2. Lợi ích của việc đọc sách:

Theo Wikipedia. 
Đọc sách để giải trí đơn thuần có liên quan đến việc tăng vốn từ vựng và khả năng toán học trong thời kỳ thanh thiếu niên, và việc đọc sách liên tục với khối lượng lớn trong khoảng thời gian dài cũng có liên quan đến việc đạt được thành tích học tập cao.
Nghiên cứu cho thấy đọc sách có thể giúp điều tiết căng thẳng, cải thiện trí nhớ, sự tập trung, tăng cường kỹ năng viết, và trí tưởng tượng. Những lợi ích này tiếp tục kéo dài cho đến tận tuổi trung niên hoặc thậm chí tuổi già.
Nghiên cứu cũng cho thấy đọc sách và viết là một trong những hoạt động kích thích não bộ và có thể làm chậm quá trình suy giảm nhận thức ở người cao tuổi.

III. CÁCH CHỌN LỰA SÁCH HAY.

Để lựa chọn sách hay, chỉ còn cách trông cậy vào những bậc tiền bối đi trước có chung niềm đam mê đọc sách với bạn. Nhưng nếu bản thân cô đơn không biết nhờ cậy nơi ai, thì chỉ còn cách dựa vào thân mình. Dĩ nhiên bạn phải bơi trong biển rác một thời gian. Nhưng chỉ có cách đó mới biết sách nào hay, sách nào dở. Tuy nhiên, có vài phương pháp khả dĩ có thể giúp bạn trong việc tuyển chọn:
- Chọn sách theo lĩnh vực ưa thích và ưu tiên lĩnh vực đó.
- Sách đã được tái bản nhiều lần.
- Sách có văn phong phù hợp.

1. Ưu tiên lĩnh vực mà bạn yêu thích.

“Thà biết ít mà thật biết những gì mình biết, còn những gì không biết, thì cũng biết rõ mình không biết”
Thu Giang Nguyễn Duy Cần
Điều đầu tiên, nếu CON NGƯỜI ĐÃ ƯA THÍCH MỘT ĐIỀU GÌ THÌ HỌ THEO ĐUỔI CHO ĐẾN CÙNG, KHÔNG BAO GIỜ BUÔNG BỎ, người này có thể bỏ vài giờ đồng hồ tìm hiểu cái mà họ đang yêu thích, đến nỗi quên đi sự ăn sự ngủ. Người như vậy thường có những đặc điểm sau đây: 
- Tật tò mò của trẻ thơ, thắc mắc những hiện tượng xảy ra trong đời sống hàng ngày mà người lớn chẳng mấy quan tâm.
- Cảm thấy hạnh phúc khi tìm ra kiến thức mà họ đã mong cầu từ trước.
- Dù khó khăn nhưng vẫn cố gắng vượt qua cho kỳ được, vì nhờ vào sự thích thú tác động mãnh liệt.
Điều thứ hai, con người cả đời la cà nhiều nơi mà không cố định một chỗ thì thật đáng tiếc, người như thế biết rất nhiều, nhưng đọc càng nhiều thì càng lạc vào “biển vô minh”. Thông thường, nạn nhân kiểu này bị lọt vào chủ nghĩa tương đối, ai dắt mũi đi đâu cũng được.
Như vậy, bạn nên chọn lĩnh vực mà bạn yêu thích nhất và lấy nó làm ưu tiên. Đỡ phải tốn thời giờ la cà nhiều nơi mà không hiểu gì cả. Cũng như tránh được sự chán chường vì mất niềm tin vào thứ có thể giúp bản thân thay đổi.

2. Chỉ chọn sách tái bản nhiều lần.

Một quyển sách được tái bản nhiều lần, có nghĩa, sách đã chịu được thử thách của thời gian. Nội dung trong sách chứa nhiều giá trị bất hủ, bất kỳ độc giả thuộc thời đại nào cũng cần. Chưa kể đến, sách kiểu này được NXB hiệu đính, sửa lỗi chính tả để hợp thời đại, vì đôi khi tác giả là người thuộc thế hệ cũ, ngôn ngữ, văn phong có đôi chút khác biệt. 

3. Chọn tác giả có văn phong phù hợp.

Độc giả hay sao nhãn vì bị ngắt mạch đọc bởi văn phong không hợp. Cho nên, hãy lựa chọn tác giả có văn phong phù hợp. Ngôn từ của người viết lách với kinh nghiệm lâu năm, có chung đặc điểm như: VĂN PHONG GÃY GỌN, HÀM XÚC, LƯỢNG KIẾN THỨC CÔ ĐẶC.
Những tác giả có văn phong khó nuốt phải chia ra hai loại: Thiên tài và Thằng khùng
Thiên tài - có những đặc điểm sau:
- Người chỉ muốn đề cao sự bác học của bản thân, chỉ tìm kiếm độc giả ngang trình độ với họ
- Dùng từ ngữ hàn lâm, có nghĩa đơn nhất. Vì mục đích nói đích xác thông tin, không cho người đọc hiểu lệch đi đâu khác.
- Bài viết của họ có lượng kiến thức dày đặc, chi tiết tới mức không thể nào rút gọn nổi.
- Không ưa viết sách, nhưng vì cái lợi cho thiên hạ nên phải viết.
Nếu bạn có cảm giác tác giả là thiên tài. Thì nên cất sách vào kệ và đợi dịp khác đọc lại.
Thằng khùng: Lời lẽ “Thùng rỗng kêu to”, không biết mình đang nói cái gì và nói cho ai -> Không nên tốn thì giờ cho họ.

IV. PHƯƠNG PHÁP ĐỌC SÁCH HIỆU QUẢ

Người đọc sách chuyên nghiệp lâu năm thường đại kỵ 3 hạng người sau:
- Thứ nhất, người đang đọc sách nhưng mơ tưởng ở đâu đâu.
- Thứ hai, người đọc ngấu nghiến mọi văn bản từ báo chí, tin tức, sách,… họ đọc như điên. Nhưng ai hỏi tới thì họ không hiểu, không nhớ gì cả.
- Thứ ba là hạng người bị khinh rẻ nhất, người này đọc một vài trang, một vài chương, tỏ vẻ ta đây đã hiểu toàn bộ quyển sách. 
Để trân trọng công sức của người viết. Độc giả CẦN PHẢI BỎ những THÓI QUEN TRÊN, thay vào đó là đọc chủ động bằng phương pháp đọc kiểm soát và đọc phân tích.

1. Đọc kiểm soát:

a. Lần đầu tiên - Đọc nắm bắt:

Bước 1: Đọc trang bìa → mục lục → lời giới thiệu của NXB và lời nói đầu của tác giả → lời bạt → một vài chương quan trọng.
- ĐỌC TRANG BÌA TRƯỚC (SAU): Khơi gợi sự tò mò thích thú thông qua nhan đề và lời khen có cánh của người nổi tiếng. 
- ĐỌC LỜI GIỚI THIỆU của NXB cũng như LỜI NÓI ĐẦU của tác giả: Phần này là nơi giới thiệu sơ lược qua tiểu sử, tư tưởng của tác giả. Là lời chỉ dẫn chân thành của tác giả cho người đọc biết mình đang đi về đâu.
- ĐỌC MỤC LỤC: để nắm bắt tổng thể nội dung của toàn bộ quyển sách.
Mục lục là gì ? Mục lục giống như BẢN ĐỒ THỂ HIỆN LỐI TƯ DUY CÓ HỆ THỐNG CỦA TÁC GIẢ. Trước khi tác giả bắt tay vào viết sách, họ phải liệt kê tất cả các ý quan trọng tạo nên một quyển sách. Sau đó, tác giả xếp các ý có lề lối trật tự như dàn bài tập làm văn, bắt đầu từ chương nền tảng sơ khởi -> chương giải thích, chứng minh -> Chương tổng kết lại những gì tác giả đã trình bày.
- TÌM ĐẾN MỘT, HAI CHƯƠNG BẠN CHO LÀ QUAN TRỌNG, đọc các đoạn thông tin ĐẦU CHƯƠNG và CUỐI CHƯƠNG - những nơi có từ “TỔNG KẾT – KẾT LUẬN”: Tóm lại, kết lại, nói chung, để kết luận, sau tất cả, và vì thế, cuối cùng,… Sau đó, ĐỌC LỜI BẠT Ở CUỐI QUYỂN SÁCH. Đây là những nơi tập hợp các luận điểm nói lên CHỦ ĐỀ CHÍNH CỦA SÁCH.
Bước 2: Áp dụng phương pháp “tiền nhận thức”: Hãy ôn lại những gì đã đọc bằng cách TƯỞNG TƯỢNG, ĐẶT CÂU NGHI VẤN VÀ TRẢ LỜI CÂU HỎI, HOẶC DỰ ĐOÁN TRƯỚC NỘI DUNG của quyển sách.
“Lối nhận thức bằng tưởng tượng” là “tiền nhận thức”. “Thường, ta chỉ nhận thức được những cái gì ta nhận thức trước. Bởi vậy, muốn cho ta để ý đến một vật nào và nhận thức được nó một cách đầy đủ, chẳng những vật ấy phải có mặt trước giác quan ta, mà nó cần phải có mặt sẵn trong trí tưởng tượng của ta”
Theo William James - Óc sáng suốt

b. Lần đọc thứ 2 trở đi - Đọc bề mặt:

Bước 1: Áp dụng phương pháp “tiền nhận thức” bằng cách nghiền ngẫm lại mục lục và các tiêu đề trong sách.
Bước 2: Cố gắng đi hết quyển sách, không đọc lùi lại. Đọc nhanh những đoạn dễ hiểu và nghiền ngẫm những đoạn khó hiểu. 
Sau khi kết thúc xong phần đọc bề mặt. Nếu cảm thấy không hiểu gì cả, thì bạn đã mua nhầm sách khó đọc. Vì thế, bạn nên đọc lại nhiều lần bằng cách ĐỌC BỀ MẶT. Các học giả cho rằng, sách khó hiểu là những quyển sách đã vượt lên trình độ của bạn, đó chính là sách hay, đáng đọc lại nhiều lần. 
Trong quá trình đọc này, bạn có thể DÙNG BÚT CHÌ để giải quyết một số vấn đề mà mình sắp trình bày ở bên dưới.

c. Dùng bút chì.

Google
Google
Thứ nhất, để kiểm soát tốc độ đọc sách tùy ý và cải thiện sự tập trung khi đọc. Bạn nên DI CHUYỂN ĐẦU BÚT CHÌ DƯỚI HÀNG CHỮ VÀ ĐỂ MẮT BÁM THEO.
Thứ hai, tuyển chọn ý chính trong sách:
- Gạch chân dưới những luận điểm chính. 
- Viết lời tâm sự với tác giả, tóm gọn lại ý quá dài ở lề trang giấy.
- Đánh dấu:
"Ngôi sao, hoa thị" cho những câu nói chạm đến trái tim bạn. "S" cho thông tin sai lệch của tác giả. "N" từ cần tra nghĩa. "V" lập luận vụng về. "?" không hiểu. "G" đáng ghi chép lại. "!" chưa chắc đúng.
Thứ ba, nghiền ngẫm lại những gì đã đọc - ghi chép vắn tắt kiến thức theo cách hiểu của bạn.
Một số sách được nhà xuất bản cố tình để lại một TRANG GIẤY TRẮNG nằm ngăn cách giữa các chương.  Tờ giấy trắng ấy không vô dụng như bạn nghĩ. Hãy tận dụng nó trong việc ghi chép lại những gì mà bạn đã hiểu sau mỗi lần đọc hết một chương. 

2. Đọc phân tích:  Đây là công đoạn khó nhưng quan trọng.

Sau khi hoàn thành đọc kiểm soát, nếu bạn thấu hiểu được 80% kiến thức trong sách. Có nghĩa, bạn đã trở thành học trò của tác giả. Nhưng bất kỳ tác giả nào cũng có mong muốn giống nhau, đó là: “TRÒ PHẢI PHẢN THẦY” hoặc “Ước gì có thằng ất ơ nào đó “chửi” tác phẩm của ta, để thiên hạ phải chú ý đến những lời ta nói”. 
Lưu ý: TƯ DUY PHẢN BIỆN TRONG KHI ĐỌC SÁCH giống như TƯ DUY CỦA QUAN TÒA, người này không bao giờ được dùng định kiến cá nhân để đưa ra phán xét “bị cáo” có tội hay không. Đôi khi tự bạn phải đóng thêm hai vai khác gồm LUẬT SƯ và CÔNG TỐ VIÊN, nếu không có ai phê bình quyển sách bạn đang sở hữu.
Nhà văn thực thụ là kẻ không đưa ra lời khuyên cho bất cứ ai, họ chỉ muốn chia sẻ và cần độc giả làm người tâm sự cùng họ. Về việc nên làm theo tác giả hay không, thì còn dựa trên trách nhiệm và quyết định của độc giả. Người đọc không thể nào đổ lỗi cho tác giả được.

a. Tự thân tranh luận với tác giả.

Bước 1: Liệt kê lại những luận điểm mà bạn đã đánh dấu.
-"S" cho thông tin sai lệch của tác giả
-"N" từ cần tra nghĩa.
-"V" lập luận vụng về.
-"?" không hiểu
-"!" chưa chắc đúng.
Bước 2: Phản biện với tác giả:
- Đưa ra thông tin xác thực hơn so với “S” và "!"
- “N”: Tra lại từ điển, bài giải thích về thuật ngữ đã được trình bày trong sách có đúng với những gì mà tác giả đã giải thích hay không.
- “V”: Có thể tác giả đang ngụy biện, hãy đưa ra quan điểm không đồng tình, cũng như đứng trên góc nhìn của tác giả và bảo vệ quan điểm của họ.
- "?": Đưa ra những cảm tưởng tạm thời, câu nghi vấn về điểm chưa hiểu.

b. Nhờ ai đó tranh luận hộ.

Tìm bài tranh luận ở đâu ?
1. Trong phần LỰA CHỌN SÁCH đã nhắc đến việc nên ưu tiên lĩnh vực yêu thích. Một khi đã bó hẹp lĩnh vực đọc sách, thì bạn đã gia tăng thêm cơ hội tìm ra những văn bản tranh luận giữa tác giả này với tác giả khác, giữa học thuyết này với học thuyết khác. Có thể là các tác giả sẽ viết chung một chủ đề, đương nhiên là họ có cách hiểu khác nhau về chủ đề đó. 
Nên sưu tập các luận điểm của các tác giả nói về cùng chủ đề. Sau đó, sắp xếp thành một bài tranh luận hoàn chỉnh.
2. Trên Spiderum: Bạn có thể tìm đến những tay viết uy tín. Xem họ tranh luận thế nào với tác giả. Đọc review sách cũng được, nhưng các tay viết kiểu này thường có thái độ thiên vị, vì họ còn vướng vào hợp đồng quảng cáo, hoặc chết mê chết mệt nhà văn mà họ thần tượng. Cho nên, bạn phải kiểm tra kỹ lưỡng xem họ phê bình công tâm hay không.
3. Các trang báo khoa học, diễn đàn uy tín, các buổi offline mang tính chất hàn lâm.
- Phật Giáo: Thư Viện Hoa Sen - nơi quy tụ những bài tranh luận của các học giả tôn giáo, tu sĩ Phật Giáo.
- Triết học:

- Kênh Youtube về triết học, xã hội học: Thư Hiên Dịch Trường, Salon Cà Phê Thứ 7.
Nếu bạn nào biết những sân chơi tương tự, mong các bạn để lại đường link dưới phần comment.

V. Làm sao để nhớ dai.

Leonid Pasternak's 19th century painting "The Throes of Creation"
Leonid Pasternak's 19th century painting "The Throes of Creation"
Trí nhớ của bạn không phải theo kiểu siêu trí nhớ, cứ đọc tới đâu là nhớ tới đấy.
Giờ mình thử hỏi lại bạn những kiến thức học thuộc lòng từ 3 – 4 năm trước, thì bạn không thể nào nhớ hết được.
Trí nhớ người bình thường hoạt động theo kiểu nhớ bất chợt, nếu như ta cố nhớ về một kiến thức, ký ức, hiện tượng nào đó xảy ra trong quá khứ. Điều kì cục là ta không thể nhớ nổi. Cho đến khi ta không mong muốn truy cầu tới sự nhớ nữa, thì nó lại xuất hiện đột ngột.
Ví như bạn đã quên hết tất cả lý thuyết, kỹ năng tập lái xe sau kỳ thi bằng lái. Nhưng vẫn lái xe tốt và ít khi phạm luật giao thông. Hay là các bạn học sinh trước giờ thi, họ không thể nhớ nổi những gì đã học. Cho đến khi đặt bút xuống giải bài thi, thì họ nhớ lại rất nhiều kiến thức đã quên.
Học mà đến mực dường như quên hết cả sách vở của mình đã học thì cái học ấy mới thật nhập diệu. Herriot nói: “Học thức là cái gì còn lại khi đã quên đi tất cả”
Trích Tôi Tự Học.
Có 5 cách để bạn nhớ kiến thức từ sách:
- Ôn lại kiến thức đã đọc: Trình bày kiến thức đã học được theo cách hiểu của bản thân và ôn lại bảng mục lục trong sách.
- Viết bài đăng lên phần quan điểm - tranh luận của Spiderum.
- Dạy cho người khác.
- Dùng kiến thức từ sách làm nguyên liệu cho bài văn nghị luận, tự sự, biểu cảm, thuyết minh của bạn.
- Thực hành.

VI. Những yếu tố bên lề hỗ trợ người đọc sách.

- Sắp xếp khung giờ cố định để xây dựng thói quen đọc sách.
- Chọn không gian yên tĩnh ít bị làm phiền.
- Gia tăng khả năng tập trung bằng Pomodoro.
- Tập thể dục để tăng cường khả năng tiếp thu kiến thức.
- Đừng bỏ dở giữa chừng một quyển sách nào cả, bạn sẽ nhận món quà hậu hĩnh từ sách nếu chịu kiên nhẫn.
- Bạn nên có sự hoài nghi khi "trò chuyện" cùng tác giả.
- Đừng làm nô lệ tư tưởng của bất cứ ai.
- Không câu nệ rằng bản thân có thể hiểu lầm, hiểu sai ý đồ của tác giả.
- Cố gắng tinh gọn lại tủ sách của bạn.
- Ưu tiên cho lĩnh vực yêu thích, không có nghĩa là chết cứng ở lĩnh vực đó. “Một cái học bề sâu cũng cần cái học bề rộng”

# KẾT

Từ bài viết hướng dẫn đọc sách trước đây (Đọc sách cũng như bao việc khác. Phải đi từ dễ đến khó) . Toàn bộ những điều mình đã trình bày trong bài viết này, đều mang bản sắc của một kẻ tự học với thái độ chủ quan. Sự chủ quan này có thể phá hoại bất cứ ai. Giống như Họa sĩ người Áo đã từng, vì người này hiểu sai học thuyết của Darwin và triết học Nietzsche. Đây là nguyên nhân dẫn đến cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái, bao gồm 3 triệu đàn ông, 2 triệu phụ nữ và 1 triệu trẻ em. Cùng nhiều cái chết của các dân tộc khác, bởi các cuộc phát động chiến tranh của tay họa sĩ này.
Trên đây là toàn bộ kỹ năng đọc sách mà mình đã kinh nghiệm được từ 5 học giả - triết gia. Đời họ cũng chỉ là NHỮNG CON LẠC ĐÀ CHỞ SÁCH, NHAI ĐI NHAI LẠI “CẶN BÃ CỦA CỐ NHÂN” để rồi tự tìm ra cho riêng họ một cái gì đó phù hợp với thiên tính. Đó là cái học đã tiêu hóa chứ không còn nô lệ bất cứ ai nữa.
Tuy mỗi tác giả trình bày cách đọc sách khác nhau. Nhưng giữa họ có sự đồng điệu trong ba bước cơ bản: TÌM HIỂU VỀ NỘI DUNG CHÍNH CỦA SÁCH TRƯỚC KHI ĐỌC - ĐỌC CHỦ ĐỘNG – PHÊ BÌNH SÁCH. Các bạn sinh viên có thể áp dụng phương pháp này trong các buổi tọa đàm, diễn thuyết, học tại giảng đường: TÌM HIỂU TRƯỚC VỀ CHỦ ĐỀ CỦA BÀI DIỄN THUYẾT – CHỦ ĐỘNG NGHE GIẢNG – ĐƯA RA NHỮNG CÂU HỎI CHẤT VẤN KHÉO LÉO VỚI DIỄN GIẢ.
Chúc các bạn đọc sách hiệu quả.
Tư liệu tham khảo: