Bài đăng trên Aeon của Michael Amoruso, một AP thỉnh giảng của Cao đẳng Amherst tại Massachusetts. Các bạn có thể xem link tiếng Anh ở đây. trước đó tớ đã có một bài nhỏ về nhạc Fado các bạn có thể ghé qua tại đây. Tớ không phải là người thích dịch nhưng là người yêu Fado nên cũng đánh liều dịch, quá trình dịch khá là phóng tay nên có gì không hài lòng về bản dịch, mọi người cmt bên dưới. 
-----------------------------------------------------------------
img_0
một ca sỹ nhạc Fado
“Tôi cầu nguyện cho những người bạn đã mất, cho gia đình – như là người chú vừa qua đời của mình” – Bruno nói với tôi như vậy. Chúng tôi đang trò chuyện trong gian giữa của Nhà thờ Santa Cruz (Nhà thờ của những linh hồn bị treo cổ), một nhà thờ Công giáo nhỏ ở trung tâm São Paulo, gần khu vực giá treo cổ hành hình phạm nhân cũ của thành phố, là nơi vốn để cầu nguyện cho người đã khuất. “khi ở đây, tôi thấy khá hơn” anh ấy nói – “tôi cảm thấy rằng cuộc sống ở bờ bên kia không hề đáng sợ”. Bruno nói với tôi rằng có một thứ gì đó đặc biệt ở nơi này khiến anh ấy cảm thấy cảm động. “Sự thật là bạn đang hồi tưởng, đang tái hiện lại những ký ức, những mảnh ghép về ai đó có ý nghĩa với cuộc đời bạn, nó để lại trong bạn ngày càng nhiều “Saudade” (mình từng dịch là nỗi khát khao).
Saudade là từ khóa đong đầy cảm xúc đối với người nói tiếng Bồ Đào Nha. Mặc dù nó giống với nỗi niềm hoài cổ hay nỗi khát khao, Saudade không có từ tương đương trong ngôn ngữ tiếng Anh. Như là nhạc sĩ người Brazil nổi tiếng Gilberto Gil thể hiện trong bài hát “Toda saudade”, nó là sự thể hiện của thiếu vắng người nào đó hoặc một nơi nào đó, của điều gì đó. Một người có thể có Saudades (các hình thức số ít hay số nhiều có thể thay thế cho nhau) đối với con người hay địa điểm, cũng như âm thanh, mùi hương, hay một đồ ăn nào đó. Một người có thể thậm chí nảy sinh Saudades đối với chính Saudades. Đó là bởi vì “Saudades là một xúc cảm tuyệt vời” (É bom ter saudades) như người ta thường nói. Nó là cảm giác yên ả, dễ chịu; thậm chí, dù trong đớn đau, cảm giác về Saudades gợi nhớ đến những điều tốt đẹp đã xảy ra trước đó.
Năm 1912, nhà thơ Bồ Đào Nha Teixeira de Pascoaes định nghĩa Saudades là “khao khát đối với những thứ ta yêu, những thứ làm ta đau khổ khi thiếu vắng nó”. Nó là một cảm giác khắc sâu, xảy ra với trái tim đầy tình yêu của ta. Saudades mang đầy tính khêu gợi. Người nói tiếng Bồ Đào Nha thường nói về “cái chết của Saudades” (morendo de saudades) hay muốn “giết chết Saudades” (matar saudades) bằng cách thỏa mãn nỗi khát khao của bản thân. Mặc dù có đôi chút cường điệu, sự thi vị hóa và tự tìm kiếm cảm giác dễ chịu trong nỗi khổ đau của từ Saudades đã mang lại ánh sáng cho cuộc đời con người, giúp nó trở nên ý nghĩa hơn.
Một xúc cảm truyền thống về Saudade đó là về khoảng cách và sự mất mát mà các gia đình phải chịu đựng khi những người đàn ông rời xa họ để ra khơi trong thời kỳ người Bồ Đào Nha thực hiện các cuộc thám hiểm hàng hải. Trong khi huyền sử dân gian phủ lớp bụi thơ mộng lên những cảm xúc được gợi lên từ Saudades, từ nguyên của nó lại không hề rõ ràng. Hình thức cổ xưa của từ Saudades Soidade xuất hiện trong những câu thơ từ thế kỷ XIII kể lại những lời than vãn của những kẻ yêu xa. Hầu hết các học giả cho rằng hình thức này bắt nguồn từ tiếng Latin Solitate (cô đơn) và sau đó có thể bị ảnh hưởng bởi từ Saudar (chào đón) trong tiếng Bồ Đào Nha trước khi có hình thức hiện tại. Nhưng một số học giả đã đưa ra giả thuyết về các từ nguyên khác, bao gồm dấu vết từ tiếng Ả Rập sawdā, biểu thị một tâm trạng đen tối hoặc u sầu. Đây là một cuộc tranh luận có tính xác suất cao: Saudade là không thể thiếu đối với sự biểu đạt và sự hiểu trong tiếng Bồ Đào Nha, và câu hỏi về nguồn gốc từ vựng phản ánh mối quan tâm sâu sắc hơn về dân tộc và bản sắc Bồ Đào Nha.
Saudosismo, một phong trào văn hóa đầu thế kỷ XX, định vị Saudade như là một bản sắc, một giá trị cốt lõi trong tinh thần Bồ Đào Nha. Ra đời 2 năm sau khi chế độ quân chủ thống trị Bồ Đào Nha qua hàng thế kỷ sụp đổ, Saudosismo đã hứa hẹn một sự đổi mới văn hóa sau thời kỳ bất ổn. Trong nghiên cứu “The making of Saudades” (2000), nhà nhân chủng học João Leal cho rằng những thành viên của phong trào Saudosismo (Saudosistas) tìm cách khôi phục sự huy hoàng đã mất của đời sống văn hóa Bồ Đào Nha, thay thế những ảnh hưởng ngoại lai – thứ được coi là chịu trách nhiệm cho sự suy đồi của đất nước kể từ thời đại phát kiến địa lý – với sự tôn thờ giá trị Bồ Đào Nha, phản ánh bản diện của tinh thần Bồ Đào Nha; đề cao Saudade như là sự biểu hiện chân thực của tinh thần Lusitanian, phong trào đặt xúc cảm vào trung tâm của của của sự tôn thờ ấy.
Người nói tiếng Bồ Đào Nha thường tự hào rằng Saudade là không thể dịch sang ngôn ngữ khác được. Mặc dù một tuyên bố cũ – vua Duarte của Bồ Đào Nha (người trị vì 1433-1438) đã khẳng định sự độc nhất của Saudade ngay từ thế kỷ XV – Saudosistas mới là những người có công phổ biến nó ra mọi nơi như ngày nay. Trong tuyên ngôn của phong trào, Pascoaes nhắc lại tuyên bố rằng Saudade là bất khả dịch, và khẳng định chỉ có người Bồ Đào Nha mới có thể cảm nhận Saudade. Kết nối một xúc cảm với thuyết dân tộc Bồ Đào Nha, ông lập luận rằng sự kết hợp giữa ham muốn và nỗi đau phản ánh một tổ hợp hoàn hảo của dòng máu Aryan và Semitic, thứ hiện diện trong mỗi con người Bồ Đào Nha. Mặc dù người đương thời đã chỉ ra được nhưng từ có ý nghĩa tương đương trong ngôn ngữ khác, nhưng chủ nghĩa dân tộc của Pascoaes về Saudade đã lôi cuốn một tầng lớp tinh hoa văn hóa cố gắng tìm được con đường cho chính họ.
Có phải đó là xúc cảm văn hóa đặc trưng? Câu hỏi đặt ra là: liệu rằng các đặc trưng xúc cảm được thể hiện bằng từ ngữ như Saudade là độc nhất cho một nền văn hóa cụ thể, hay, thay vào đó, liệu rằng con người ở mọi nơi có thể trải nghiệm một trường cảm xúc tương tự nhưng nhận diện và biểu hiện những cảm xúc đó bằng những cách khác nhau dựa trên khả năng biểu đạt trong nội tại của nền văn hóa đã bao khái niệm cảm xúc đó? Các nhà tâm lý học Yu Niiya, Phoebe Ellsworth and Susumu Yamaguchi đề xuất rằng “cảm xúc được đặt tên bởi một ngôn ngữ có thể đóng vai trò là nam châm thu hút những trải nghiệm cảm xúc và cảm giác không được xác định về phía các khái niệm đã phổ biến". Điều này cũng có nghĩa là những từ chỉ cảm xúc như Nostalgia hoặc Saudade mang những sắc thái tình cảm khác nhau ở những nơi khác nhau và giai đoạn lịch sử.
Trí thức Brazil thường phân biệt Saudade của họ với người Bồ Đào Nha. Vào năm 1940, nhà văn người Brazil Osvaldo Orico đã mô tả Saudade của Brazil là "vui hơn buồn, tưởng tượng nhiều hơn đau đớn,... một Saudade không khóc, nhưng biết hát. Khái niệm của Orico về một Saudade của hạnh phúc phản ánh tính chất vui vẻ, lạc quan của brasilidade (‘Brazil-ness) hay tinh cách dân tộc Brazil xuất hiện trong những năm đầu của chế độ Getúlio Vargas (1930-45). Nhưng Saudade cũng có thể là sự chỉ trích hoặc phẫn uất. Nghiên cứu năm 2017 về Saudade trong điện ảnh Brazil, học giả nghiên cứu văn hóa Jack Draper tại Đại học Missouri viết rằng: các đạo diễn như Humberto Mauro đã thể hiện hoài cảm Saudade (hoài niệm quá khứ) về cuộc sống dân gian vùng nông thôn như một cách nhận xét về chủ nghĩa phát triển và sự di cư nông thôn lên thành thị. Và, trong bầu không khí chính trị gây chia rẽ của ngày hôm nay, một số người bảo thủ đã công khai bày tỏ nỗi Saudade cho chế độ độc tài quân sự Brazil, mà họ tưởng tượng là liều thuốc giải độc cho nạn tham nhũng, bạo lực và kinh tế.
Nhưng người ta có thể thực sự cảm thấy nỗi Saudade cho một nền độc tài, đế chế hay bất cứ chế độ chính trị nào khác/ hay từ Saudade thể hiện cao độ sự trân trọng, gây hiệu ứng mạnh mẽ, và phổ biến đến độ người ta dễ dàng sử dụng nó cho mục đích chính trị. Có lẽ cả hai. Bởi vì nếu những người sùng bái như Bruno tại Nhà thờ của những Linh hồn nói với chúng ta bất cứ điều gì, thì đó là Saudade, luôn là niềm vui và sự nuông chiều. Đó là một cảm giác tự nguyện cho đi, mặc dầu cùng lúc đó là sự đối mặt với mất mát. Đó là sự mặc khải: khi bị bao vây bởi Saudade, chúng ta nhận thức ra điều quan trọng nhất đối với chúng ta - điều khiến chúng ta trở thành chính mình.
Chú thích:
Lusitania (hoặc Hispania Lusitana) là một tỉnh La Mã cổ đại, là một phần lớn của Bồ Đào Nha hiện đại (phía nam sông Douro) và một phần của miền tây Tây Ban Nha). Nó được đặt theo tên của người Lusitani hoặc Lusitanian (một nhánh người Ấn-Âu).