2 năm. Khoảng thời gian mà tôi và ngành truyền thông Marketing đã cùng nhau “cất cánh” trên nhiều chặng đường. Từ lúc “mua vé” đến chọn “chỗ ngồi” phù hợp luôn là một trải nghiệm quay cuồng, xoay chiều liên tục theo những phương hướng mà chính tôi cũng không thể ngờ đến. Mệt mỏi, áp lực không ư? Chỉ có người bị thần kinh, hoặc luôn nhìn qua gương tự nhủ rằng “ngành này nhàn mà” mới dám nói là “không”.
Vậy sau 2 năm, từ con số 0 “không được tròn lắm” như tôi đã học được gì khi lăn xả trong môi trường “nhìn đâu cũng thấy deadline” này?


Tôi chỉ là người đang chập chững vào nghề nên chả thể có những phương pháp, lời khuyên thần thánh như Philip Kotler hay các bậc thầy Marketing mà bạn ngưỡng mộ. Đây chỉ đơn thuần là trải nghiệm và bài học của tôi. Dĩ nhiên, tôi hy vọng nó sẽ phần nào giúp được những bạn chuẩn bị “xắn tay” vào nghề. 

1. “Tố chất của người làm Marketing là…” — Mệnh đề đằng sau đó sẽ là động lực để chúng ta hướng đến chứ không phải bản chất ngay từ khi sinh ra đã phải như vậy. 

Những bạn học sinh chuẩn bị thi đại học, hay những bạn đã vào đại học nhưng chọn bừa một trường nào đấy cho có chứ không biết mình thực sự muốn học hay không thường chào hỏi anh Google bằng một câu rất quen thuộc, đại loại như: “Nghề xxx cần những yếu tố gì?”. Tôi dám chắc câu hỏi tưởng rất bình thường này đã làm dập tắt hy vọng bước vào một ngành nghề nào đó của không ít bạn học sinh, sinh viên. 

Tôi của năm cấp 3 không hề có một chút định hướng công việc gì. Tôi ít nói, kém năng động, tự cho mình là hướng nội và chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bước vào lĩnh vực truyền thông marketing mặc dù bản thân có đôi chút tò mò. “Marketing” công nhận nghe “sang” với “kêu” thật đấy, nhưng khi gõ phím tâm sự với anh google về câu hỏi trên: “Nghề marketing cần yếu tố gì” thì ngay lập tức hiện trên màn hình là “Giao tiếp tốt”, “Kể chuyện tốt”, “Sáng tạo”…. Từng cụm từ như một cú vả trời giáng vào tính cách vốn có của tôi. Những “viên gạch” tự ti dần dần hiện ra và xây xung quanh tôi một bức tường kiên cố kèm theo tấm biển đóng chắc nịch trên đó với dòng chữ “mày không hợp đâu”. Ngay cả khi tôi hỏi ý kiến bố, mẹ, nét mặt của họ biểu hiện chả khá hơn là mấy, họ coi nghề này không phải là “mỏ vàng” lý tưởng để tôi “đào”. Bố nói: “Marketing cần đối ngoại giỏi, bố sợ con không phù hợp nhưng bố mẹ không biết nên tư vấn kiểu gì”. Vậy đấy, tụt hết cả “mood”.
Quay trở lại bây giờ. Sau 2 năm “chăn gối” với ngành truyền thông Marketing, cụ thể, tôi đang làm Content tại một Agency ở Hà Nội. Nếu nói đến những vấn đề như “Giao tiếp”, “Sáng tạo”, liệu đó có phải là bẩm sinh hay sẵn có? 
Mấu chốt ở đây là chúng ta đang tự tạo cho mình những rào cản vô hình. Tôi tự cho mình là người hướng nội bởi tôi không thích tham gia các hoạt động tập thể, tôi đù đờ và kém năng động. Nhưng đó chả phải là chiếc mặt nạ mà tôi đã cố tình đeo lên mặt hay sao? Ai bắt tôi phải “hướng nội”? Hay là tôi lại lên google tìm “Dấu hiệu của người hướng nội” để rồi cứ thế bám theo nó như một loài sinh vật cộng sinh? Cứ thể một mình, ngại mở thêm mối quan hệ? Khi ta càng tự coi mình có một tính cách nào đó thì sẽ càng có cớ để tự biện minh cho hành động mà bản thân đang làm. Thành thật, những gì tôi hiểu về Marketing đến thời điểm hiện tại thì nghề này không yêu cầu chúng ta phải có kỹ năng giao tiếp, uốn lưỡi thần thánh như MC truyền hình. Cái “giao tiếp” ở đây là cách tôi và bạn tạo được sự kết nối cảm xúc giữa sản phẩm, thương hiệu (brand) với người tiêu dùng để đem đến giá trị thiết thực nhất cho họ. Và điều ấy không đồng nghĩa rằng bản thân phải đối ngoại tốt đến mức như được cấp chứng chỉ ở bộ ngoại giao. Nó đòi hỏi chúng ta về trí tư duy logic, sự nghiên cứu, sự trải nghiệm. Chứ chỉ ngồi trước mặt khách hàng, nói thật hay là họ sẽ mua ư? Đến cả hình thức Marketing truyền thống như vậy cũng không thể áp dụng được trong thời buổi bây giờ. Đối với những bạn thuộc thế hệ 9x như tôi, có cha, mẹ đã cứng tuổi thì chắc chắn họ thường mặc định rằng Marketing là phải trơ mặt ra và nói thật tốt nên khi so sánh với bản chất ít nói, lười hòa nhập của tôi thì dĩ nhiên họ sẽ thấy không phù hợp. Điều này chẳng thể trách móc, vì bố, mẹ đâu có sành Internet để mà tìm hiểu sâu, trừ khi họ đã là người trong nghề. 
"Ít nói", "giao tiếp kém" không liên quan đến chuyện hòa nhập
Tuy nhiên, việc không cần giao tiếp thật tốt không được đồng lõa với hành vi “lười hòa nhập”, “ngại mở rộng mối quan hệ”. Ta ít nói, ta không thể hòa nhập được vào tập thể rồi bao biện rằng “em hướng nội mong mọi người bỏ qua” hoặc trông mong sự thông cảm từ người khác: “Nó hướng nội mà, thôi kệ đi”. Vậy trước đó, chúng ta đã có bạn thân kiểu gì? Chúng ta nói chuyện với họ như thế nào? Làm cách nào mà ta và cậu ấy hay cô ấy lại trở thành bạn thân? Tất cả đều bắt nguồn từ một câu chuyện hay một sự mở lòng nhất định. Thật ngớ ngẩn khi mang chuyện “ít nói”, “giao tiếp kém” ra làm sợi dây xích để trói buộc chân lại, không tiến tới mục đích hòa nhập. Có thể hiểu rằng, chúng ta đang cố vin vào cái “hướng nội” để ép mình không được chủ động giao tiếp, không được mở rộng network. Mà trong ngành truyền thông Marketing như những gì tôi đã trải nghiệm, chuyện hòa nhập tại môi trường làm việc, chủ động mở rộng mối quan hệ với các tiền bối, anh em trong nghề đem lại cho bản thân rất nhiều giá trị lớn. Đó có thể là một buổi cafe hàn huyên buôn chuyện kiến thức. Đó có thể là sự kèm cặp, trao đổi để giải đáp những thắc mắc. Hay thậm chí, đó có thể là sự giúp đỡ về định hướng nghề nghiệp, cách đi phù hợp với năng lực hiện tại của bản thân. Nếu những thông tin trên mạng quá loãng hay người thân bất lực trong chuyện tư vấn thì chúng ta chỉ có họ — những người anh, người chị đi trước mới có thể giúp đỡ để hiểu hơn về nghề. Mà để được giúp đỡ thì hình thức trả phí dĩ nhiên phải là chủ động mở mồm làm quen, chào, hỏi, nói chuyện. Đừng ỷ lại vào cái mác “hướng nội” mà Internet đang vẽ ra nhan nhản trên các trang báo. Ta ít nói, ta giao tiếp kém không có nghĩa là ta không thể chủ động học cách hòa nhập. 
Còn về chuyện “sáng tạo”. Chả ai có thể tự tin vỗ ngực “tao đây rất sáng tạo” cũng như không có căn cứ nào, không có bất kỳ dẫn chứng nào để khẳng định một người là “không sáng tạo”. Sáng tạo là phạm trù rất rộng lớn, cắt nghĩa nó khó như cách mà Xuân Diệu cắt nghĩa mùa xuân vậy. Ta giải được một bài toán khó, ta sáng tạo. Ta tìm được cách trèo cổng trốn học mà không bị phát hiện, ta sáng tạo. Hay ăn trộm được Baron từ một góc mà không phải người chơi nào cũng làm được, ta sáng tạo. Bất kỳ giải pháp nào được thực hiện bởi quá trình suy nghĩ và tư duy thấu đáo đều có thể hiểu là sáng tạo. Điều này ai cũng có thể làm được. Việc tự ti, cho rằng bản thân không hợp với sáng tạo hay không sáng tạo xuất phát từ lý do lười chủ động tư duy. Và có lẽ cũng lại cộp mác “hướng nội”. 
Không có định nghĩa cụ thể cho việc "Sáng tạo" (I think)
Câu chuyện về bản thân có sáng tạo hay không? Hãy để người khác đánh giá. Bạn và tôi không thể nào tự cho rằng mình thấp kém, không sáng tạo được. Căn cứ đâu để chúng ta khẳng định như thế? Hãy cứ dành thời gian suy nghĩ, tư duy, tìm tòi, làm công việc của mình một cách nghiêm túc, chỉn chu và đảm bảo rằng ta thực sự chủ động với bộ não. Lúc ấy ý tưởng, đáp án có sáng tạo hay không sẽ có người góp ý và đánh giá. Nhưng chắc chắn một điều, tôi và bạn sẽ không bao giờ phải thất vọng. Nếu có ai chưa hiểu gì về bạn, chưa làm gì cùng bạn mà chỉ đánh giá qua thái độ, hành động ở bên ngoài rồi nói “Em không sáng tạo” thì cứ mạnh dạn hỏi lại “Vậy sáng tạo là gì?”. Chỉ khi ta không chủ động, lười suy nghĩ thì đúng là ta không sáng tạo thật. 
Bản thân sáng tạo hay không, hãy để người khác hay cấp trên đánh giá. Việc của chúng ta là hãy làm thật tốt công việc của mình và thực sự đầu tư cho nó. Không có một căn cứ nào có thể khẳng định một người là “không sáng tạo”. 
Tố chất của người làm truyền thông Marketing là giao tiếp tốt, sáng tạo, kể chuyện tốt… Hãy coi cái vế mà tôi bôi đậm ở phía sau là động lực để chúng ta hướng đến chứ không phải bản chất vốn có của mình. Dĩ nhiên, với những ai bẩm sinh thì đó là lợi thế nhưng nó không có nghĩa là ta không thể luyện tập. Chỉ cần bạn có ý định, dù là đôi chút về Marketing, hãy thử. 

2. Ý tưởng đến từ vốn sống

Hãy trải nghiệm nhiều, đi nhiều khi bản thân còn có thể.
Bước vào môi trường truyền thông Marketing, đặc biệt là làm tại Agency, chúng ta sẽ phải đối mặt với việc “đói” ý tưởng như cơm bữa. Bất cứ khi nào nhận dự án gì là phải lên concept, idea, làm proposal hay lúc chuẩn bị một bài content thì cũng “mò cua bắt ốc” idea để tạo được sự khác biệt. Nói chung là chỉ cần đến văn phòng, mở laptop lên thôi là bắt đầu nghiên cứu và tìm ý tưởng rồi. Não luôn trong trạng thái “căng cực”. 
:((((
Lúc này, với các newbie như tôi sẽ tìm mua thật nhiều cuốn sách liên quan đến ngành như Ý tưởng này là của chúng mình, 90–20–30 của anh Huỳnh Vĩnh Sơn, Khiêu vũ với ngòi bút — Joseph Sugarman, bộ sách của Rio… để đọc và ngẫm cho thật hiểu về công việc cũng như những cách tìm kiếm ý tưởng. Điều này rất tốt, không sai. Nhưng thực sự, mỗi cuốn sách đều chỉ nói về quan điểm, phương pháp một cách rất chung chung, nó giúp cho đầu óc chúng ta thêm mở mang, thấm hơn về ngành và “show” ra được hướng cần làm. Còn sau đó, theo hướng như vậy phải xoay sở ra sao thì là việc của mỗi người chứ chả cuốn sách nào có thể cầm tay chỉ dẫn cụ thể được. Và điều ấy lại phải phụ thuộc vào trí tưởng tượng, những trải nghiệm hay nói cách khác là VỐN SỐNG. 

Sau 2 năm lăn lộn tại hai Agency, tôi luôn thấm thía được tầm quan trọng của những chuyến đi, đi đến nơi mình ao ước được đến, đi đến nơi mình chưa bao giờ nghĩ là sẽ đến. Miễn là đầu óc được thư giãn và “bôi trơn” bởi những điều thú vị nhất. Nếu chỉ ngồi yên một chỗ đọc những cuốn sách, “nuốt” không từng con chữ thì sẽ cảm thấy rất vô vị. Một là chúng ta không thể hiểu được hết ý tác giả. Hai là hiểu đấy, nhưng chả biết sau đó sẽ áp dụng thế nào khi không có yếu tố trải nghiệm. Bởi trong ngành sáng tạo, trí tưởng tượng, sự va vấp bên ngoài xã hội vẫn là yếu tố quyết định để làm nên những mẩu content hay, những chiến dịch truyền thông xuất sắc và chân thật. 
Nói đến đây thì nghĩa là như nào nhỉ? Phải đi chơi, đi du lịch thật nhiều. Đi tham quan viện bảo tàng, những buổi triển lãm về nghệ thuật đương đại, về tái chế rác thải… Ở nơi đang sống còn chốn nào chưa được đặt chân đến thì nhấc mông dậy và đi. “Tôi không biết gì về nhạc kịch thì đi xem làm gì, phí thời gian” — Không biết gì thì đi cho biết, xem cách họ dựng nội dung như nào, quan sát xem concept, thông điệp của buổi nhạc kịch đó là gì? Điểm nhấn là ở đâu? Riêng trong cái Việt Nam này hay gần hơn là ngay sát vách nhà của chúng ta đã có đủ thứ để khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm rồi. Chỉ có cái đầu là đang đấu tranh tư tưởng xem có đáng để đi hay không thôi. 
Đi nhiều. Biết nhiều. Hiểu nhiều. Ắt trí tưởng tượng sẽ thêm phong phú, tư duy thêm logic. Biết đâu còn có thể “nằm vùng” hiểu được một Insight đắt giá của nhóm khách hàng nào đó thì sao?
Nhưng đi phải song hành cùng câu chuyện ngẫm và quan sát. Đến nay, việc quan sát là cả một kỹ năng và quan sát theo cách khiến đầu óc phải tư duy chứ không chỉ là ngắm nhìn đơn thuần. Đến triển lãm xem những bức tranh, hãy nghĩ xem thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm là gì? Màu sắc được phối như thế nào, có ý nghĩa ra sao? Tác phẩm này có gì giống và khác so với những tác phẩm trước của tác giả? Hay trên chuyến xe bus đi về nhà, nhìn ra bên ngoài và để ý xem cảnh vật giữa ngày và tối có gì thay đổi? Những ngôi nhà, hàng cây có đem lại cho ta liên tưởng gì không? 
Quan sát mọi thứ và sẽ nhận thấy được cái cần dùng
Kỹ năng quan sát là cả một quá trình mò mẫm, trau dồi. Đây là thứ tôi yếu nhất khi bước chân vào ngành sáng tạo vì bản tính đù đờ, lười nhác từ đầu nên phải mất khá nhiều thời gian mới có thể tập vào guồng được. Những chia sẻ ở trên chỉ là một phần rất nhỏ vì tôi cũng đơn thuần là lính mới nên không thể có lời khuyên nào thực sự “quý giá” hơn. Nếu bạn có ý tưởng gì hay ho thì để lại ở dưới comment nhé. 
À còn điều nữa. Bạn có thích chụp ảnh không nhỉ? Không cần phải đầu tư một chiếc máy cơ thật xịn đâu. Cầm điện thoại lên, quan sát các góc dù là ở trong nhà hay ngoài đường và lưu giữ chúng bằng những tấm ảnh để đời nhất. Đây cũng là một cách hoàn hảo để luyện tập khả năng quan sát cho bản thân và khám phá ra những thứ “đẹp” nhất ở xung quanh. 

3. Truyền thông Marketing là “nói láo”?

Thú thật thì trước kia tôi luôn nghĩ như vậy. Một phần là vì truyền thông trong những năm gần đây “bẩn” quá nên không khó hiểu khi càng nhiều người mất niềm tin vào những thông tin trên Internet. 
Always tell the truth
Nhưng xin khẳng định, khi bạn bước vào ngành Marketing, dù là Agency hay Inhouse thì cái đầu tiên phải học đó là “nói sự thật”. Sự thật là tôn chỉ để xây dựng tính cách của một thương hiệu. Khách hàng đưa cho chúng ta thông tin, đưa mong muốn mà họ cần người tiêu dùng cảm được. Nhiệm vụ của ta là uốn nắn nó, gắn nó vào một concept phù hợp, biến “thông tin” thành “thông điệp” và chắc chắn thông điệp đó phải là sự thật chứ không phải là những lời bốc phét, chém gió cấp độ 10. Có chăng chỉ tiếc, khách hàng lại đang tự lừa dối chính mình và khi mọi việc đã vỡ lở thì truyền thông dĩ nhiên sẽ hứng những ngọn giáo sát thương cao nhất. 
Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện khảo sát nước mắm tai tiếng của Vinastas do Agency T&A Ogilvy tài trợ truyền thông liên quan đến vấn đề nước mắm bị nhiễm Arsen vào năm 2016. Lúc ấy dư luận rất phẫn nộ và mất niềm tin hoàn toàn vào truyền thông. Những con dao sắc bén nhất liên tục đâm vào TAO (T&A Ogilvy) vì sự dối trá, phản bội người tiêu dùng. Nhưng hãy nhìn nhận một chút, TAO đơn thuần là nhận đơn hàng, rồi cung cấp chiến lược cho doanh nghiệp. Và khi doanh nghiệp lừa dối người tiêu dùng thì TAO lại chịu hậu quả nặng nhất? Giả sử TAO luôn khuyên khách hàng của mình phải nói sự thật, nhưng họ không hề làm như vậy, họ vẫn chắc như đinh đóng cột về sự dối trá trong sản phẩm của mình thì TAO biết làm sao? TAO vẫn phải làm chứ đâu thể điều tra từng khách hàng rồi làm cho họ? Trong vụ việc này, thừa nhận TAO xử lý khủng hoảng truyền thông kém nhưng nếu đổ hết lên đầu TAO một tấn rác “vô tâm”, “nói dối”, “lừa đảo” thì phải chăng đang thiếu công bằng?
Đối với tất cả những thương hiệu mà tôi đang làm đến thời điểm hiện tại, tôi có thể tự tin mà nói mình chưa từng nói dối trên mỗi đoạn Content mà bản thân viết ra hay to hơn là một chiến dịch. Người làm truyền thông Marketing có tâm luôn hiểu được giá trị của sự thật, rằng quảng cáo không phải là nói láo, không phải là tâng bốc “hô mưa gọi gió”. Chỉ sợ, những dạng thông tin kém chất lượng, dắt mũi dư luận của các tờ báo lá cải lại là nguồn được đông đảo mọi người tìm đến. Hay những cánh nhà báo viết cho có, vì câu view mà giật tít linh tinh khiến truyền thông không còn đi xuống nữa mà thậm chí là “tàn phế” để mọi người đứng xỉ vả về tội nói láo. 
Hãy nhớ luôn nói sự thật. Đó là giá trị cốt yếu luôn gắn chặt với tôi và các đồng nghiệp trong những năm tháng chập chững vào nghề.
Nếu để viết tiếp thì chắc chắn sẽ còn rất nhiều điều để kể. Tuy nhiên, đây là 3 ý tôi cho rằng là trải nghiệm quý giá nhất đối với bản thân — một thằng nhóc non nớt mới chập chững vào nghề. Và tôi hy vọng, bài viết này sẽ đem lại thông tin hữu ích đến những bạn có ý định bước vào lĩnh vực truyền thông Marketing.