buồn vui nghề giáo
Trở lại cái buổi chiều tháng 2 năm 2020, ở một quán cà phê ven đường, sau khi vừa ra khỏi phòng pitching một công ty về xi măng, tôi...
Trở lại cái buổi chiều tháng 2 năm 2020, ở một quán cà phê ven đường, sau khi vừa ra khỏi phòng pitching một công ty về xi măng, tôi đang viết vội một bài tiểu luận. Đó là tiểu luận nêu nhận định về một trích dẫn từ cuốn sách năm 2000 của Chris Kyriacou và Malcolm Coulthard, ‘Teaching is an occupation fraught with uncertainties and potential stress’, tạm dịch: ‘Giảng dạy là một công việc đầy bất trắc / mông lung và nhiều áp lực’, mà hoàn thành nó tôi sẽ qua ải môn học cuối cùng và thoát khỏi kiếp nạn 9 năm đại học.
Nhưng giảng dạy thì mông lung, bất trắc như thế nào? Toàn bộ vốn liếng từ hai đợt kiến tập-thực tập cho tôi biết rằng sự bất trắc đến từ việc, trước mỗi khóa học, mình đều không biết được học trò trình độ ở đâu, hoàn cảnh thế nào, tính cách ra sao để mà lựa chọn một phương pháp phù hợp, một phong cách phù hợp, và cứ thế qua mỗi giờ lên lớp mình lại phải ghi chú lại để điều chỉnh cho những giờ học tiếp theo. Cứ thế, đến khi mình tạm hiểu được một tập thể con người thì cũng đã đến mùa bế giảng, và toàn bộ kinh nghiệm đó mình lại phải được làm mới vào năm học tiếp theo.
Còn áp lực thì sao? Mọi người đều biết thu nhập nghề giáo không cao, thời gian và tâm huyết mình phải dành cho nó thì rất nhiều: Phụ huynh luôn không ngừng nói “trăm sự nhờ thầy”, đồng nghiệp luôn quan sát đánh giá, và sự thành bại của học trò hôm nay cũng như nhiều năm về sau lệ thuộc đáng kể vào nỗ lực hôm nay của mình.
Nhưng chỉ đến khi thực sự đi dạy ở trường công, tôi mới hiểu còn những mông lung, bất trắc và áp lực khác của nghề giáo mà tôi chưa biết hết.
Sự mông lung, bất trắc đến từ những thay đổi: đổi sách giáo khoa, đổi quy chế thi cử, đổi thay trong nhận thức của học sinh và trong cách ngôn ngữ được sử dụng trên toàn thế giới khi mạng xã hội thay thế các phương thức truyền thông truyền thống. Và một biến động lớn không ai ngờ tới: COVID-19, đưa mọi thứ từ offline sang online. Những thầy cô giáo lớn tuổi vẫn phải vừa đảm bảo các tác vụ hoàn thành đúng hạn, vừa phải học làm quen với lớp học qua Teams hay Zoom.
Một vấn đề khác, chẳng hạn như khi dạy về reported speech, tôi phải suy nghĩ về một cách trình bày thông tin sao cho đầy đủ mà dễ hiểu: nên giữ hay bỏ một ý, nên đặt ý này trước hay sau, nên chọn ví dụ nào, sao cho học trò có thể nắm được kiến thức nhanh và rõ nhất. Nhưng có quá nhiều biến số khiến một lớp học thực tế có thể trượt ra khỏi kế hoạch giảng dạy: mức độ tập trung của học sinh, sự ổn định của các thiết bị phòng ốc, hay nhầm lẫn trong dự đoán của giáo viên về năng lực tiếp nhận của học trò. Cứ thế, học sinh này có thể tiếp thu bài trọn vẹn, nhưng học sinh khác thì không. Băng qua hết những lý thuyết kiểu Grammar-Translation Method, Communicative Approach, hay Project-based Learning, đối diện với một yêu cầu đơn giản là làm sao để học trò hiểu được bài, người giáo viên cũng không dám chắc rằng những lý thuyết đã bàn luận, những phương pháp đã áp dụng là tối ưu nhất. Với một tập thể con người trước mặt, một cách tiếp cận có thể phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người khác. Theo đó, việc giảng dạy cũng giống với việc viết văn ở chỗ, nói như Phạm Thị Hoài, là một “trò chơi vô tăm tích”, ở đó người cho biết mình cho gì nhưng không biết người nhận có nhận được thứ mình cho không.
Mông lung, bất trắc còn đến từ việc phải quyết đoán trong truyền đạt kiến thức, ngay cả khi sâu trong thâm tâm mình vẫn còn vướng bận những vấn đề về triết lý giảng dạy. Chẳng hạn, liệu có nhất thiết phải thắt chặt tính chuẩn xác của các bài tập ngữ pháp khi trong thực tế sử dụng ngôn ngữ nó lại không quan trọng bằng tính trôi chảy, và lệ thuộc vào bối cảnh sử dụng ngôn ngữ cụ thể. Những đứa học trò được IELTS 8.0, thậm chí người bản ngữ, vẫn sai những bài tập ngữ pháp câu điều kiện loại hỗn hợp là chuyện thường. Trong khi học trò nói hay viết một câu tiếng Anh cơ bản còn khó khăn, liệu có nên khuyến khích fluency thay vì accuracy? Việc đào quá sâu vào các nguyên tắc ngữ pháp theo cách tiếp cận prescriptive thay vì descriptive và thách đố học trò ở những bài tập khó, phải chăng cũng thiếu tính thực tiễn như những bài tập nâng cao về tích phân, đạo hàm, tính nồng độ mol hay bước sóng ánh sáng, trong khi chúng ta có thể dành thời gian dạy chúng trồng một cái cây, nuôi một con cá, hay nấu một món ăn? Nhưng như vậy thì chúng ta phải có những thay đổi mang tính hệ thống gì và ảnh hưởng thế nào đến cuộc đời của toàn bộ các giáo viên và học sinh? Chỉ việc môn Lịch Sử nên là môn tự chọn hay bắt buộc cũng đã rất nhiều đắn đo, tranh cãi, làm sao một đề xuất mang tính cấp tiến như vậy có thể được đáp ứng trong ngày một ngày hai? Làm một giáo viên, tôi có thể suy nghĩ về những vấn đề kiểu vậy trong thời gian rảnh, nhưng khi đã bước vào lớp học, phải có thái độ tin tưởng vào những cơ chế hiện tại. Việc này cũng giống như Ferdinand de Saussure khi dạy khóa Ngôn ngữ học Đại cương ở đại học Geneve. Ông hiểu rõ rằng chính bản thân ông còn những vướng mắc về bản chất ngôn ngữ, nhưng ông không thể để những vướng mắc đó làm rối học trò. Gác lại những mông lung và có thái độ quyết đoán khi giảng dạy, đó cũng là một nghịch lý mà mỗi giáo viên phải chứa trong mình.
Cũng đến khi dạy trường công, tôi mới hiểu áp lực của nhà giáo là phải hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, gồm đủ loại tác vụ khác nhau, theo một khung thời gian nghiêm ngặt, nhưng đồng thời phải tỉ mỉ trong từng chi tiết, khi soạn giáo án, khi chấm bài, cả khi nói chuyện với học trò và đồng nghiệp. Khi tôi làm content writing, một bài viết đăng trễ thường không ảnh hưởng mấy đến doanh thu công ty, nhưng chỉ cần một giáo án soạn trễ thì cảm giác khi lên lớp sẽ vô duyên bẽ bàng như một diễn viên quên kịch bản, một con điểm nhập trễ sẽ dẫn đến việc chịu trách nhiệm trước học sinh và đồng nghiệp. Làm content writing, phải mất một thời gian tôi mới thấy hiệu quả công việc của mình, và cái hiệu quả đó lắm khi cũng chỉ đóng góp vào cái nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Làm giáo viên, ảnh hưởng công việc sẽ được thấy rõ trong lớp học: nếu soạn bài kỹ và dạy tốt, học trò sẽ chăm chú và hứng thú, không thì ngược lại. Hơn nữa, những lời nói của mình hôm nay có khi cũng in sâu trong trí nhớ của học trò về sau. Thế nên, một mặt giảng dạy là một công việc nhiều áp lực, mặt khác nó cũng là một công việc làm mình thấy được ý nghĩa của những gì mình làm. Tôi lại càng khâm phục những anh chị đồng nghiệp ngoài việc giảng dạy chuyên môn lại còn phải làm công tác chủ nhiệm, công tác quản lý, phải lo chuyện vợ chồng con cái, chưa kể phải luôn trau dồi nâng cao chuyên môn để thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Việc đối mặt với những bất trắc và áp lực hàng ngày khiến cảm thức về thời gian của tôi cũng thay đổi so với khi không làm gì, một tuần trôi qua thật chậm, một tháng trôi qua thật chậm, nhưng khi nhìn lại thì thấy mình đã làm được thật nhiều trong một thời gian thật ngắn. Và có một câu nói cứ trở đi trở lại trong những ngày đi làm của tôi, những lúc đạp xe đến trường, một câu nói mà tôi muốn in ra dán vào một cái tumbler nước uống mang theo: “Teaching is like riding a bike, except the bike is on fire. You’re on fire. Everything is on fire.”
Người trong muôn nghề
/nguoi-trong-muon-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất