Chuyến lân la Sài Gòn cuối cùng chắc là đầu tháng 9 năm 2018. Đó là lúc tôi lên phỏng vấn visa đi Anh. Mà thật ra lúc đó tôi không có tâm trí thưởng ngoạn gì nhiều vì trong đầu toàn nghĩ về chuyện phỏng vấn thôi.
Từ lâu, tôi không “ưa” Sài Gòn. Cái nơi vừa nóng bức, vừa ô nhiễm, đông đúc, bon chen, người xấu thì đông như sợi hủ tíu mà người tốt thì ít như thịt trong tô. Nhớ lại lúc còn đi làm ở phòng Hợp tác Quốc tế, ba tôi ví von: “Nó đi thành phố còn nhiều hơn đi chợ.” Mà thật sự là vậy. Công việc của tôi gắng liền với những chuyến đi đến Cục quản lý Xuất nhập cảnh và sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi phải làm thủ tục xin visa cho tình nguyện viên Châu Á sang làm việc và cho sinh viên Campuchia sang Trà Vinh học. Tôi cũng rất hay ra sân bay đón đối tác đến làm việc với trường.
Như bao người Việt Nam khác, tôi bị say xe kinh khủng. Tôi còn nhớ ngày đầu lên Sài Gòn đi công tác, tôi được chị Nhiên dẫn đi để hướng dẫn. Khi đó chị Nhiên sắp nghỉ, tôi là người sẽ thay thế vị trí của chị. Vì từ nhỏ cho đến khi tốt nghiệp đại học, tôi rất ít đi đây đó. Lên thành phố lại càng không. Cho nên tối trước ngày đi, tôi lo lắng không ngủ được. Trên đường đi, tôi vừa mệt mỏi vì say xe, vừa căng thẳng vì không biết lên đó sẽ làm những gì, gặp những ai, đường phố ra sao. Chuyến đi cũng khá êm xui. Nhưng khi quay về, tôi không chịu được nữa, nên đã nôn ra thóc nôn tháo. Lúc đó xe giường nằm chưa thịnh hành. Vậy mà tôi đi nhiều đến nỗi không còn say xe tí nào. Sự thật là tôi cố luyện cho mình hết sợ xe. Tôi nhận ra chuyện mệt mỏi khi đi đường ảnh hưởng rất lớn đến công việc. Không lẽ chỉ vì mười mấy phút ở trên xe mà làm tôi hoa mắt, nhức đầu, không còn làm chuyện gì khác được nữa à? Thế là tôi tìm hiểu chứng say tàu xe của bản thân. Tôi thử hết tất cả các cách, và cuối cùng tôi cũng giải quyết được vấn đề này.
Dù số lượt đi công tác ở thành phố HCM của tôi đạt đến mức không đếm xuể, nhưng tôi vẫn không sao ưa được cái nơi ấy. Càng đi nhiều, tôi lại càng tính thời gian tôi lưu lại và rời đi chính xác bấy nhiêu. Thật sự công việc của tôi rất nhanh, chỉ tốn chừng nửa tiếng là việc đã đâu vào đấy. Mất gần 8 tiếng đồng hồ đi đi về về chỉ để làm mấy việc chút xíu vậy đó. Đến nỗi, tôi chuẩn bị sẵn bánh trái và nước đem theo, 8g sáng khi đến nơi, tôi liền tìm một ghế đá ngay tại khuôn viên của cơ quan đó rồi ăn sáng. Khi tôi ăn xong cũng là lúc người ta bắt đầu làm việc. Tôi nhanh chân đi vào nhận số thật sớm rồi vào đợi đến lượt. Khi việc hoàn tất, tôi tức tốc đặt vé xe về ngay, không chừng chừ. Nếu những ngày đầu tôi đi công tác mất hẳn một ngày, thì càng về sau, tôi về Trà Vinh vào khoảng 15:30 hay 16:00 gì đó. Tôi có hẳn cả một buổi chiều mát để nghỉ ngơi ở nhà. Nói dễ hiểu hơn là tôi rời được Sài Gòn càng sớm bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.
Hôm thứ sáu (7/2/2020) sau gần một năm rưỡi rời xa, tôi có việc quay lại nơi này. Tôi hơi ngạc nhiên với bản thân vì lần này tôi lại thích rong ruổi ở Sài Gòn. May nữa là chị họ của tôi đã làm việc ở đó được 2 năm. Tôi đến cũng có chỗ nghỉ ngơi. Lúc trước, tôi về ngay sau mỗi chuyến công tác (dù khuya cỡ nào đi chăng nữa) vì tôi không có chỗ qua đêm.
Tôi và chị cùng đi loanh quanh, uống cà phê, ngồi tám chuyện đến tận 12g khuya mới về. Người chị “hiền hết phần thiên hạ” của tôi ở đó hai năm mà chưa rành đường xá. Thế là chị vừa chạy, tôi vừa google map sau lưng để chỉ đường.
Tôi ở hẳn 2 đêm vì có vài việc cá nhân. Tôi nhận ra Sài Gòn càng lúc càng tiến bộ hơn, và bắt kịp xu hướng mới của thế giới rất nhanh. Ví dụ như việc order nước tại quầy. Dĩ nhiên là những quán nước theo phong cách Mỹ như Starbucks, Highlands, Phúc Long, v.v… làm như vậy thì không có gì ngạc nhiên, nhưng những quán nhỏ bây giờ cũng thay đổi. Tôi ghé một quán cà phê theo kiểu “bụi” ở gần nơi tôi có việc. Ghế thấp, bàn thấp, quán mô phỏng kiểu quán cốc ngày xưa. Tôi đặt balo xuống, định bụng ngó lên nhìn anh phục vụ đang lau bàn kế bên xin menu nước. Chưa kịp định hình vị trí ngồi thì anh đó cất tiếng: “Gọi nước tại quầy dùm em đi chị ơi.” Tôi hơi khó chịu. Quái lạ, bây giờ quán nào cũng thay đổi như thế này à. Chiều, tôi cũng lại đến một quán khác. Tôi ngồi ở ngoài một hồi lâu mà không thấy phục vụ ra hỏi han gì. Nhìn vào trong thì thấy hai cô nhân viên đang đứng sau quầy pha chế. “Lẽ nào lại phải vào trong gọi nước.” Thật! Tôi phải vào tận trong để kêu một ly cam vắt. Tôi vẫn thích cách phục vụ kiểu cũ hơn. Khách ngồi xuống, phục vụ đưa menu, rồi khách giơ một ngón tay ra hiệu sau khi đã chọn được món ưng bụng.
Lối thay đổi này không phải mới, nhưng trước khi tôi đi, nó chưa phổ biến như vậy. Bỗng dưng tôi nghĩ, Sài Gòn bây giờ tây hóa quá, mất chất Sài Gòn rồi.
Lúc tôi ở Anh, tôi khá quen với việc gọi món ở quầy, sau đó chờ order của mình chuẩn bị xong thì tự đem ra bàn. Ăn xong tự dọn chỗ của mình. Khi sang Pháp, ngày đầu ghé một quán nhỏ, tôi cũng xông xông vào quầy định order, nhưng phục vụ chặn lại nói là tôi cứ ra bàn ngồi đi, phục vụ sẽ đem menu ra để tôi chọn. Giữa lòng Paris, tôi ngồi ở một nhà hàng tầm trung, có bàn ghế tràn ra ngoài vỉa hè, nhìn ngắm mọi người qua lại. Lần đó tôi nhớ Sài Gòn lắm. Cảm thấy như được về nhà ấy. Tôi nghĩ, ở đây giống Việt Nam quá. Còn ở Anh lại là một văn hóa khác. Dù cho kinh đô Ánh sáng ấy là trái tim của Châu Âu, nhưng nó là nó, vẫn đậm chất riêng của Pháp. Nó không bị những văn hóa khác khuất lấp hay đồng điệu. Pháp vẫn rất Pháp. Thế mà, bây giờ tôi về, Sài Gòn lại thay đổi nhiều quá. Bớt Sài Gòn đi rất nhiều. Chắc Tây thích Sài Gòn vì nơi đây tạo cho họ cảm giác thân quen như ở nước nhà.
Sáng hôm sau, tôi lê la tìm một quán ăn lề đường, gọi một tô hủ tíu. Tôi lại rất thích ăn uống ở những nơi hết sức bình dân thế này. Cụ bà đang bán nhìn có vẻ đã ngoài lục tuần, da ngâm đen. Trước mặt bà là một cái tủ kính nhỏ có các sợi bánh phở, nui, miến, hủ tíu, bún gạo, thịt gà, thịt heo, và bò viên. Phía tay phải là nồi nước súp. Nhìn cái nồi nho nhỏ vậy thôi, chứ ai gọi món gì là có món đó. Tay bà thoăn thoắc khi có khách gọi thức ăn. Cái quán có chừng 5 cái bàn và hơn 10 cái ghế thôi. Khách cũng từng lượt từng lượt mà đến, nên không đông đến mức không đủ chỗ ngồi.
Nhìn cái nồi nhỏ vậy thôi chứ gọi món gì là có món đó
Khi tôi đang ăn thì có hai cô gái đến. Tôi nhìn dây đeo cổ thì biết hai cô làm việc cho cửa hàng Nguyễn Kim (một cửa hàng bán điện máy rất có tiếng ở Việt Nam bây giờ). Hai cô gọi món ăn quen thuộc rồi ngồi chờ. Trong lúc đó, một trong hai cô nhấc điện thoại và nói: “Ra quán Bà Già ăn sáng nè.” Ah! Vậy là tôi biết tên của cái quán ăn không tên này rồi. Xem chừng bà đã bán ở đây từ rất lâu rồi. Tôi đứng lên, trả 25 ngàn rồi đi sang quán cà phê lề đường sát bên.
Tôi gọi một ly cafe sữa, ngồi tại chỗ thưởng thức. Sáng đó là chủ nhật, kèm theo dịch Corona đang hoành hành nên Sài Gòn không đông đúc, không kẹt xe. Nắng chưa lên, gió hây hây thổi. Gió chướng của mùa Tết vẫn còn lưu luyến đó mà. Xe cộ chạy rải rác. Chưa bao giờ tôi lại mến Sài Gòn như hôm nay. Chắc là tôi tìm lại được cái chất của thành phố này, à không, chắc là cái chất của tôi thì đúng hơn.
Hôm qua Sài Gòn như người lạ, thế mà hôm nay lại thấy hơi quen.