Luôn có nhiều hơn một con đường
Còn vài tiếng nữa, kỳ thi THPTQG chính thức bắt đầu. Khóa 2003 thật sự bước vào khoảnh khắc quan trọng và đặc biệt nhất cuộc đời mình....
Còn vài tiếng nữa, kỳ thi THPTQG chính thức bắt đầu. Khóa 2003 thật sự bước vào khoảnh khắc quan trọng và đặc biệt nhất cuộc đời mình.

Hơn ai hết, các em đã trải qua năm 2020 với khoảng thời gian học online dài hạn, và thầm lặng vào cánh cửa cuối cấp năm 2021 không hề dễ dàng gì. Ngày mai, các em bước vào phòng thi trong khi rất nhiều người được vận động ở nhà thực hiện dãn cách xã hội để phòng chống dịch. Ngoài áp lực thi cử, tôi nghĩ các em và gia đình còn trải qua nỗi lo như triệu người Việt lúc này: nỗi sợ hữu hình về Covid-19.
Người ta nói thi cử như canh bạc, tôi thì nghĩ rằng nếu đã không còn cách nào khác, các em chỉ có thể làm hết mình, và để sự nỗ lực và kết quả lên tiếng. Nói như thế không có nghĩa là điểm thi thể hiện tất cả năng lực thật sự của người học. Vẫn có 20 - 30% phụ thuộc vào tâm lí, và vận may của mỗi người. Dù tỉ lệ đó nhỏ, nhưng đôi lúc lại dẫn ta đến những ngã rẽ khác trong cuộc đời mình.
Bài học lớn nhất mà tôi học được từ kỳ thi THPTQG năm 2016 của mình chính là: mạnh mẽ đứng lên vượt qua thất bại, và luôn có nhiều hơn một con đường. Dù cho lối cũ là tất cả giấc mơ, niềm tin và sự nỗ lực được đánh đổi bởi 12 năm đèn sách. Miễn là bạn đừng buông bỏ chính mình, luôn cố gắng mỗi ngày, vũ trụ sẽ trao bạn thứ bạn luôn hướng về, ở một ngày nào đó không xa.
Có nằm mơ thêm mấy mươi năm nữa, tôi cũng không bao giờ ngờ rằng bản thân mình có thể nhận về điểm 5 môn văn trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2016. Giấc mơ học báo chí ở KHXHNV đóng sầm ngay trước mắt tôi, tôi gần như đã sụp đổ hoàn toàn ở thời điểm đó. Viết lách và văn học đã từng là niềm kiêu hãnh của bản thân, với những gì tôi được dạy trong đội tuyển, những gì tôi tự học được, và những thành tích tôi mang về, 12 năm học đều đạt loại giỏi - xuất sắc, giải thưởng các kỳ học sinh giỏi, bằng khen, tốt nghiệp loại xuất sắc,...nhưng tất cả những điều đó không thể đưa tôi đến với cánh cửa tôi muốn. Con điểm 5 đó thật sự đã tạo thành một rào cản, ám ảnh tôi hàng đêm, trì hoãn thời gian tôi hiện thực hóa mong muốn của mình.
Tôi nghĩ nhiều người cũng hiểu được cảm giác đau đớn và hụt hẫng khó diễn tả khi nhìn đáp án thấy mình chẳng sai gì, nghị luận xã hội vốn là thế mạnh, nghị luận văn học mình càng không tệ, thậm chí đề nghị luận văn học năm đó là tác phẩm Vợ nhặt - tác phẩm giúp tôi đạt 9,75 cao nhất trong kỳ thi thử tốt nghiệp của tỉnh cùng năm. Vậy mà,...người làm bài hết mình như thể đây là lần cuối cùng được viết lại nhận về con điểm còn tệ hơn điểm của những người vào phòng thi làm qua loa rồi ngủ nữa.
Nhiều năm qua tôi vẫn luôn tự hỏi: người giáo viên năm nào đã tàn nhẫn đánh đồng 5 điểm cho hơn 30 bài thi cả phòng năm đó có sống tốt không? - Nhưng tôi biết bản thân tôi sống rất tốt, sau khi đã vượt qua cú shock đó.
Người ta nói không sai, khi cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra. Nghĩ đến con điểm 5 đầu tiên và duy nhất trong suốt 12 năm học văn, tôi đã biến sự phẫn hận và sự sỉ nhục nặng nề đó trở thành sức mạnh, để bắt đầu một hành trình mới tại trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Ai đã từng học và làm việc cùng tôi điều hiểu TDTU luôn giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong hành trình trưởng thành của tôi. Đó là nơi đã dung dưỡng và thay đổi tôi trở thành một người kỷ luật, trách nhiệm, tận tụy và có tinh thần phụng sự xã hội như hôm nay. Kết thúc hành trình 4 năm này, tôi lại viết tiếp ước mơ ngày nào tại Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II, với câu chuyện 6 năm sau tôi sẽ là ai và làm gì với nghề báo. Tôi sẽ học Cao đẳng, liên thông lên Đại học, và học Thạc sĩ để có thể tham gia vào công tác giảng dạy, nuôi dưỡng những ước mơ làm nghề cho những thế hệ sinh viên của tôi sau này.
Kể lại câu chuyện này, tôi vẫn còn rất xúc động, như mọi thứ vừa mới xảy đến hôm qua thôi. Nhưng tôi muốn nói với các em rằng, chuyện gì cũng có thể xảy ra ngay khi ta đã làm hết mình tại khoảnh khắc đó. Nên các em cần kiểm soát tốt tâm lí của mình, để dù cho kết quả sau cùng ta nhận lại là gì, ta cũng không hối hận vì những gì mình đã làm. Gạt hết mọi thứ, rồi tỉnh táo chọn cho mình một con đường mới.
Luôn có nhiều hơn một con đường, và chính chúng ta mới là người quyết định mình bước về đâu. Điểm số, hay bất kỳ sự đánh giá nào cũng đều chỉ là yếu tố nhất thời.
Bạn có thể nói với tôi rằng bạn sẽ chọn học Cao đẳng sau khi tốt nghiệp. Bạn muốn học thực hành và nhanh bước vào đời để cho chân cứng đá mềm dạy bạn khôn lớn. Được thôi, hãy dũng cảm làm điều đó, và chứng minh với ba mẹ hãy tin vào sự lựa chọn của bạn.
Bạn cũng có thể chuyển sang nguyện vọng 2, và quyết định vận mệnh của mình bằng cách trở thành người tiên phong trong học tập - hoạt động tại đơn vị/trường đó. Dù cho là vịt hay thiên nga, hãy trở thành phiên bản tốt nhất ở mỗi sự lựa chọn. Kiến thức, trải nghiệm ở môi trường Đại học là thứ mà bạn phải tự mình chủ động tìm thấy chứ đừng bị động chờ đợi người khác mang đến cho mình.
Bạn cũng có thể không chọn gì cả, và quyết định ôn thi lại, quyết tâm làm lại lần nữa để vào ngôi trường bạn mong muốn. Tôi nghĩ chờ đợi 1 năm để được bước vào cánh cổng mình mong muốn vẫn tốt hơn lãng phí 4 năm ở một nơi mình thấy ngột ngạt. Cái gì cũng có thể đánh đổi, chỉ có thời gian mất đi là không lấy lại được.
Thậm chí, bạn có thể chọn lướt qua cánh cửa Đại học, để bước vào cuộc đời. Tôi tin những người này luôn có rất nhiều câu chuyện, đằng sau sự va vấp sẽ là những bài học để trưởng thành.
Luôn có nhiều hơn một con đường, chỉ là khi ta đi mãi, thì sẽ thành đường thôi.
Chúc các em 2003 thi thật tốt, gặp nhiều may mắn, bình an vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tôi tin, tuổi trẻ của các em đã trải qua những điều đặc biệt nhất rồi. Hành trình sau đó, là do niềm tin và nỗ lực của mọi người.

Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Nguyễn Bá Hoàng
e vừa thi xong môn văn , thật là may mắn khi e đọc được bài này của chị và bài viết này như tiếp thêm cho em nguồn năng lượng . cảm ơn chị rất nhiều vì đã dành thời gian viết những dòng này
- Báo cáo

Hoàng Thy Generalist
Chị rất vui khi đọc được dòng này của em, vui vì em đã hoàn thành bài thi của mình, và vui vì ít nhất những gì chị viết có thể giúp được em. Chị chúc em có 1 mùa thi thật an toàn, suôn sẻ, đạt được kết quả em mong muốn nhé. Và nhớ là làm hết mình, chứ đừng tự áp lực mình.
- Báo cáo

DutadaLQ
Năm đó cả phòng đều 5 điểm ah bạn
- Báo cáo

Hoàng Thy Generalist
Đúng rồi ạ. Cả phòng đều từ 5 - 5.5 thôi
- Báo cáo

DutadaLQ
Mình ko biết hiện tại chấm thi sao chứ năm mình thi là rọc phách chấm chéo mà ta. Sao lại ra 5-5.5 cả phòng lạ vậy.
Mình mới đọc quy chế chấm thi thì thấy chấm thi có vẻ khá chặt chẽ, tự luận chấm qua 2 vòng, sau đó mới so sánh 2 kết quả, rồi làm biên bản mới ra điểm số cuối cùng. Có thể có tiêu cực nhưng mà chấm cho cả phòng đều 5-5.5 thì có vẻ như hơi khó.
https://thukyphaply.com/quy-che-cham-diem-bai-thi-tu-luan-ky-thi-tot-nghiep-thpt-moi-nhat/
- Báo cáo

Hoàng Thy Generalist
Có 1 số việc mình không thể nói trên đây được, nhưng thông tin này là thật, và nó là kết quả mà mình và những người trong phòng thi năm đó nhận được. Còn những gì thuộc về quy định chấm bài thì mình biết rõ ấy ạ.
- Báo cáo

DutadaLQ
Vậy mình ko đi sâu, Tại bài viết của bạn mang tính thù hận nhiều quá, Mà đối với một bài khuyên các em học sinh mà viết thù hằn ntn mình thấy ko hay cho lắm.
- Báo cáo

Điểm Văn 2.5
Chuyện thi cử ở Việt Nam mình tiêu cực lắm. Hồi xưa cấp 3 thơ ngây cứ nghĩ mọi chuyện thi cử đều công bằng, nhưng không chuyện lđ trước khi thi vẫn diễn ra hàng năm. Còn vô vàn những cách gian lận khác, có thể bài của bạn Thy đã bị tráo phách. Quy trình là do con người lập ra thì nó cũng có thể bị lách được.
- Báo cáo

Hoàng Thy Generalist
Phần tráo bài này thì mình thật sự không rõ nhưng mình nghĩ trường hợp của mình vấn đề nằm ở mặt bằng chung của phòng thi. Năm đó ngoài 4 môn thi bắt buộc của khối D và A1 (Toán, Văn, Anh, Lí) mình còn chọn thêm môn Sử để có thể thêm tổ hợp điểm khối C. Chính vì lí do đó mà mình chuyển sang điểm thi khác (trường khác) chứ không thi cùng cụm với các bạn chọn khối D với A1. Về phòng thi của mình, thí sinh dự thi đa số là các anh chị/bạn học lớp giáo dục thường xuyên, học sinh các khóa trước thi lại,... Tên mình lại là chữ T, thứ tự bài nằm gần cuối danh sách. Cho nên mình nghĩ người chấm thấy những bài đầu nếu đều ở mức 5 điểm thì họ nghĩ cả phòng thi có phổ điểm giống nhau thì những bài cuối cũng vậy. Mình nói vậy vì cơ chế năm đó chấm bài tính phí theo số lượng, và thời gian công bố điểm cũng rất nhanh, khó tránh sẽ có tình trạng chạy đua chấm số lượng. Chỉ là trường hợp của mình thật sự rất đáng tiếc, và nhiều bạn khác không may mắn cũng vậy.
- Báo cáo
Hyusaki
Cám ơn!
- Báo cáo

Hoàng Thy Generalist
Chị chúc em một mùa thi an toàn, thoải mái, và đạt kết quả như mong muốn nhé.
- Báo cáo

Fact obs
Em thắc mắc là, năm đó chị có làm thử đơn phúc khảo chưa. Và, nếu có rồi thì kết quả như thế nào ạ
- Báo cáo

Hoàng Thy Generalist
Có em ạ. Ban đầu chị thật sự không muốn làm vì chị biết rất nhiều bất cập trong khâu phúc khảo, có làm thì cũng không chắc chắn được chấm lại đúng năng lực. Nhưng Thầy hiệu trưởng và giáo viên dạy Văn của chị đã mở lời để chị phúc khảo xem kết quả như thế nào. Không phải có chị làm đơn phúc khảo đâu em, hầu như học sinh 2 lớp chuyên khối D của bọn chị (những bạn năng lực học văn tốt mà điểm đều rơi vào tầm 5-6) đều phúc khảo. Nhưng kết quả là mỗi bài đều giữ nguyên hoặc chỉ xê dịch lên 0,25 thôi em. Theo quy định nếu bài phúc khảo chênh lệnh trên 0,5 thì sẽ có rất nhiều vấn đề và hệ lụy phía sau. Em cũng hiểu, không ai muốn rắc rối cho mình mà.
- Báo cáo

Alice Ezza Brother
Cảm ơn chị, bài viết tuy đã cũ nhưng hiện tại động viên em rất nhiều. Thật sự, em cảm thấy rất thấu nỗi lòng của chị ạ. Nhiều bạn ôn thi quyết liệt, cố gắng hết mình mà điểm lại không mong muốn, thậm chí điểm còn thấp hơn cả người chỉ dành 1 ngày trước ngày thi để ôn. Đó còn là cảm giác cay đắng khi tự hỏi bản thân, tự hỏi mình đã cố gắng đủ chưa, là do năng lực của mình có vấn đề, hay là một điều gì đó. Thật sự bài viết của chị mang đến rất nhiều giá trị ạ. Em rất biết ơn và cảm ơn chị rất nhiều ạ!
- Báo cáo