Lovely City wallpaper | 1920x1200 | #21618

Trong số các thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, hẳn nhiều bạn sẽ khóc ròng vì đề thi liên quan tới sóng. Vận học của các bạn năm nay có lẽ đã trở nên tốt hơn nếu các bạn không ngóng chờ lời tiên tri của anh Đen Vâu hay bận làm meme về cột sống, mà nhìn xa hơn để thấy điềm dữ ở phía trước. Suốt bao năm nay ở ngoài đại dương có bao nhiêu sóng dữ làm điên đảo cuộc sống của bao người, nên chuyện các giáo sư soạn đề môn văn, vốn luôn cố gắng phản ánh các hiện thực xã hội hiện nay, đưa bài thơ Sóng vào đề thi không có gì là lạ.
Tiếc rằng những con sóng này không ngọt ngào, vỗ về như sóng tình yêu của thi sĩ Xuân Quỳnh. Đây là sóng tiền. Nó vỗ sấp mặt các nhà đầu tư, tạo ra cơn sốt FOMO song hành với cơn sốt Covid-19.

FOMO đến 9 tầng mây

Vào tháng 12 năm 2020, một nhà đầu tư bất động sản cá nhân là Aaron Moore đã mua một căn hộ ba phòng ngủ không có gì đặc biệt ở khu dân cư Brampton thuộc bang Toronto, Canada. Sau khi tân trang lại căn hộ đó bằng cách sơn mới nó, thay sàn gỗ mới, anh đăng rao bán nó.
Vào tháng 3 năm 2021, anh ấy kiếm được người đồng ý mua. Giá trị giao dịch: 810,000 CAD (khoảng 649,000 USD), cao hơn 28% so với số tiền anh bỏ ra để mua căn hộ này. Aaron Moore chỉ hơi bất ngờ, nhưng anh không thấy sốc.
Thông thường thì những sự tăng giá đột biến như thế này sẽ được các chuyên gia kinh tế học, các nhà hoạch định chính sách của chính phủ và các chuyên gia đầu tư gọi là bong bóng. Aaron Moore đã làm trong ngành này trong hơn 10 năm qua, và xuyên suốt quãng thời gian đó thị trường bất động sản Canada đã bị gọi là bong bóng và nhận được vô số các dự đoán ngày nó sẽ sụp đổ. Người ta nhìn vào sự sụp đổ của thị trường nhà đất ở Mỹ năm 2007 và tin rằng sớm muộn gì người hàng xóm phương Bắc cũng sẽ lãnh đủ mọi tai họa giống như thế. Sự tự tin ấy dẫn đến vô vàn các quỹ đầu tư đã đặt cược hàng tỷ đô la vào sự xuống giá của nó. Người ta gọi đó là "The Great White Short", lấy cảm hứng từ phim "The Big Short" mô tả về khủng hoảng ở Mỹ năm 2007. Short, tiếng Việt là "bán khống", là thuật ngữ trong tài chính chỉ về việc đặt cược giá của một tài sản nào đó như cổ phiếu, bất động sản sẽ giảm. Người đặt cược sẽ lời khi giá giảm và thua lỗ khi giá tăng.
Trong hơn 10 năm đó Aaron cứ đều đặn mua đi bán lại nhà. Anh luôn tự hỏi điều gì khiến mấy chuyên gia đó đưa ra các dự bán kì quặc như vậy. Trả lời phóng viên Bloomberg, anh nói: "Phải có một điều gì đó điên rồ lắm xảy ra, ví dụ như một chính phủ cộng sản được thành lập, thì mới khiến tôi mất niềm tin vào thị trường nhà đất Toronto." Tính đến giờ thì niềm tin của anh đã được đền đáp khi giá nhà ở Toronto nói riêng và ở Canada nói chung đã tăng đều đặn, và so với đầu năm 2020 nó đã tăng hơn 30%. Sự điên rồ của nó đã quét sạch hàng tỷ đô la của những người đã đặt cược giá xuống.
Nhưng đây không phải là một trường hợp cá nhân đơn lẻ ở một thị trấn đơn lẻ ở một bang đơn lẻ trong một quốc gia đơn lẻ.
Những ai đi mua nhà ở New Zealand sẽ học thêm được 1 từ mới là: dungers. Từ này chỉ về những căn nhà cũ kỹ, xập xệ, nhìn như gió thổi cũng sập, ấy vậy mà nó đã trở thành biểu tượng cho cơn sốt bất động sản đang bùng cháy ở quốc gia này. 
More than just a fixer upper
Một căn nhà thuộc loại "dungers" ở New Zealand. Ảnh từ Bloomberg.

Đọc thêm:

Trong báo cáo rủi ro của Bloomberg Economics công bố vào tháng 6, New Zealand đứng đầu bảng xếp hạng sự hợp lý của giá nhà. Bảng này so sánh giá nhà so với khả năng mua nhà của người dân. Giá nhà càng cao so với khả năng mua nhà thì xếp hạng càng cao. Khoảng cách này thể hiện rõ nhất qua việc một căn nhà "dungers" đã được bán với giá 1.8 triệu NZD, tương đương 29 tỷ VND. Giao dịch này thể hiện rất rõ độ "chịu chơi" của người mua: tiền không phải là vấn đề, nhà nát quá đập đi xây lại cũng không sao, chỉ có thời gian là vấn đề.
Trong thời loạn này, quần đảo New Zealand, nơi cừu đông hơn người, bất ngờ nổi lên như là một điểm sáng về đầu tư bất động sản, trong khi các khu vực sang chảnh khác như New York, Hong Kong hay London đều ghi nhận sự suy yếu của thị trường. Nhờ vị trí địa lý tách biệt, khí hậu ôn hòa cũng như sự thành công của chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19, dòng tiền từ nhiều nơi trên thế giới đã ùn ùn đổ về đây. Bất chấp các chính sách hạn chế đầu cơ nhà của chính phủ ban ra trong nhiều năm trước, các nhà đầu tư vẫn có niềm tin mãnh liệt vào thị trường nhà đất ở đây, ví dụ như cô Ana Meredith đã mua 5 căn nhà chỉ trong năm 2020 và cô mong con số này tăng lên 25 vào năm 2025.
Ngày Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tháo van cho dòng thác tiền tuôn vào nền kinh tế bằng cách hạ lãi suất và tăng cường mua trái phiếu, không ai ngờ được nó đã tạo ra một siêu chu kỳ tăng giá khủng khiếp cho mọi loại tài sản, và bất động sản chỉ là một trong số đó. Người ta chỉ tính đến việc cần bao nhiêu tiền để bơm cho nền kinh tế, người ta đã không lường trước được hệ quả của việc ở nhà lâu ngày và có nhiều tiền trong tay đã tác động lên tâm lý con người như thế nào. Không nói quá khi bảo rằng những bản năng "hoang dại" nhất trong nhiều người đã được khơi dậy.
Lãi suất thấp như không khiến mọi người đều quyết thử vận may bằng cách vay tiền thật nhiều và đầu tư vào những thứ trước đây họ không bao giờ nghĩ tới. Nhà cửa là thứ ưu tiên hàng đầu, tiếp đến là xe cộ khi các hãng xe sang sản xuất không kịp bán. 
Một khách hàng Trung Quốc đặt mua chiếc Bentley trị giá 1,1 triệu đôla Singapore (830.000 USD) qua mạng xã hội. Đọc tin nhắn này của khách trên Facebook, Keith Oh, một người bán ôtô tại Singapore, không chắc là sự thật. "Họ chỉ hỏi giá và khi nào chúng tôi có thể giao hàng, thế là xong", anh nói, "Đó là một triệu đôla đối với chúng tôi nhưng có lẽ nó không là gì đối với họ".
Phi vụ mua bán nhanh chóng là dấu hiệu mới nhất cho thấy tiền đang đổ đến Singapore. Khi Covid-19 tấn công Đông Nam Á và bất ổn chính trị đe dọa Hong Kong, thành phố này đã trở thành bến đỗ an toàn cho một số tài phiệt giàu có nhất khu vực và gia đình của họ.
Lòng tham cũng ập vào thị trường chứng khoán và tiền mã hóa điện tử (crypto), mang đến cho các nhà đầu tư những khoảnh khắc đẹp hơn trong mơ. Rồi đồng hồ, trang sức cao cấp, tất cả đều được lùng mua. Hết những thứ xa xỉ truyền thống, người ta bắt đầu làm những việc lạ lùng hơn: tranh nhau mua thẻ thành viên câu lạc bộ golf vì muốn vừa được cách ly vừa chơi gôn: 
Nhà giàu đổ đến cũng đẩy giá gậy đánh golf lên cao. Chi phí tham gia Câu lạc bộ golf Sentosa đã tăng lên 500.000 đôla Singapore đối với người nước ngoài, tăng 40% so với trước đại dịch. Và một khi các tài phiệt đổ bộ vào Singapore, họ cần một chiếc ôtô. Vincent Tan, Nhà sáng lập đại lý ôtô hạng sang Vincar, cho biết doanh số bán xe cao cấp cho người nước ngoài kể từ giữa năm 2020 đã tăng khoảng 50% đến 60% so với một năm trước đó.
Hoặc là tranh nhau đi học luật
Số lượng ứng viên nộp hồ sơ vào trường luật năm nay tăng hơn 28%, theo báo cáo từ Ủy Ban Kiểm Tra Đầu Vào Trường Luật (LSAC), một tổ chức phi chính phủ đảm nhiệm vai trò khảo sát đầu vào. Số lượng hồ sơ đăng ký năm nay là cao nhất kể từ năm 2011, và điều này tạo ra nhiều sự căng thẳng cho các thí sinh vì họ phải cạnh tranh gắt gao hơn, đạt điểm thi cao hơn. Một phần nguyên nhân đến từ việc học cao học là lựa chọn hấp dẫn khi nền kinh tế đi xuống, bởi vì số lượng hồ sơ tăng cao xảy ra khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Nhưng những người xét hồ sơ cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khác bao gồm phong trào phản đối cảnh sát và vụ án giết George Floyd năm ngoái, sự hào hứng từ các vụ tranh tụng liên quan tới bầu cử, và đơn giản là mọi người không còn gì để làm trong lúc họ phải ở nhà phòng tránh dịch.

Law School Application Surge Means ‘Nightmare’ Contest for Slots
Housing Booms in Australia as Prices Surge Most in 17 Year
Cảnh người Úc xếp hàng đấu giá mua một căn hộ ở khu vực Paddington, thành phố Sydney. Ảnh từ Bloomberg

Đọc thêm:

Ở Việt Nam dòng tiền rẻ đổ mạnh không ngờ vào thị trường chứng khoán. Đến hết tháng 6, chỉ số VN-Index, được tổng hợp và tính toán dựa trên giá trị vốn hóa thị trường của tất cả các công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán TP. HCM (HOSE), đã đạt 1408.55 điểm, tăng 27.6% so với cuối tháng 12 năm 2020, và là mức tăng cao thứ 2 thế giới chỉ sau thị trường chứng khoán Dubai.  

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, số tài khoản chứng khoán mở mới đã cao gấp 1.5 lần tổng số tài khoản mở mới trong năm 2020. Dòng tiền giao dịch tăng không ngừng nghỉ, với trung bình mỗi phiên trong tháng 6 đạt hơn 1 tỷ USD, trong khi trước đó con số này chỉ vào khoảng 600 triệu USD trong tháng 12/2020. Nhà nhà mở tài khoản, người người đặt lệnh mua vào. Cơn sóng chứng khoán cứ dập dìu đi lên bất chấp bao nhiêu lần đỏ lửa với những lần giảm điểm cực mạnh hồi trước Tết, sau đó là những đợt giảm nhẹ trong tháng 5 và tháng 6, rồi tiếp đó là một đợt giảm mạnh khác trong đầu tháng 7. 
Những ai đứng ngoài với kỳ vọng thị trường sẽ vỡ toang để họ vô "lượm hàng" đề có cảm giác như họ đang bị "lỡ chuyến đò" nào đó. Sự tăng dai dẳng của thị trường đã thực sự tạo ra một cơn sốt FOMO điên loạn ở khắp nơi. Điều này làm mình nhớ lại lúc Bitcoin tăng giá hồi cuối năm 2017, đi ra quán cà phê chỗ nào cũng thấy các thanh niên ôm laptop nói về "con này con kia" tăng giảm như thế nào, rồi khi nào nó X5, X10. Còn lần này đi vô công ty nhìn quanh lúc thế nào cũng sẽ thấy người này đang làm thì tranh thủ bật xem bảng xanh đỏ chút rồi tắt. Ai đi làm họp ủ rũ thì sếp hỏi hôm qua ôm con nào mà nay khóc. Lúc thị trường lên xanh lè thì ai cũng giấu, mặt tỉnh bơ, hỏi gì cũng bảo không biết, không chơi chứng khoán. Đến ngày thị trường sập thì không giấu diếm gì được, mặt xanh như tàu lá chuối.  
Cơn sóng tiền này đã tạo ra một sự bình đẳng mới, lần đầu tiên người trung lưu nghèo cũng có nhiều cơ hội kiếm tiền đổi đời không kém gì người giàu, còn người giàu sẵn thì giúp người nghèo hơn bằng sự hào phóng vô bờ bến cho những thú vui mới của mình.

Những người trên bờ

Ở New Zealand, các nhà đầu tư vì cần trọng mà không tham gia vào con đường đổi đời bằng bất động sản này dường như cảm thấy xấu hổ. "Mọi người nói chúng tôi đã lỡ chuyến đò", một nhà đầu tư chia sẻ với Bloomberg. Và họ không cô đơn.
Những người đồng nghiệp của mình vừa mất việc hoặc bị giảm lương do công ty phải ngừng hoạt động, họ chưa bao giờ cảm thấy bối rối như thế trong cuộc sống. Tất cả những gì họ tích lũy trong 3 năm, 5 năm qua dường như biến mất, và họ không hiểu tại sao lại có quá nhiều người bỏ ra quá ít công sức lại thu về được nhiều thứ hơn họ. Nắm giữ một vài đồng coin trong vài năm và bỗng chốc thu về hàng tỷ đồng chỉ trong vài tuần. Bỏ tiền tiết kiệm vào mã cổ phiếu ngân hàng năm ngoái, năm nay thu lời hơn gấp đôi. Dường như việc kiếm tiền không còn tương xứng với trình độ nữa. 
Dòng tiền rẻ dường như đang hạ thấp giá trị công sức của một người. Những người bạn mình có thu nhập 20-25 triệu/tháng đã từng nghĩ đến việc tích cóp để có một căn nhà ở Sài Gòn. Bây giờ họ hoảng hốt khi với thu nhập đó họ không thể tìm mua được một căn chung cư tầm trung, bởi vì một căn chung cư hai phòng ngủ 60m2 đã có giá hơn 2.4 tỷ. Họ có thể mua đất để đầu tư nhưng miếng đất họ có thể mua thì lại quá xa trung tâm thành phố, họ sẽ không ở được, họ cũng không muốn con họ ở đó. Như vậy lại tiếp tục thuê nhà. 
Chúng ta không thể trách họ không giỏi thích nghi, không thức thời. Và mình cũng cảm thấy sự ức chế của nhiều người khi có cảm giác bị bỏ lại trong một thế giới đầy ma mị ngoài kia.
Từ trước đến nay chúng ta vẫn nghe nhiều về lời khuyên học tập chăm chỉ, làm việc chăm chỉ và miệt mài tiết kiệm để tận dụng sức mạnh của lãi suất kép. Tuy nhiên hàng triệu sinh viên mới tốt nghiệp ở Mỹ bị thất vọng trước thị trường việc làm ảm đạm vì Covid-19, trên đầu là khoản nợ sinh viên cao kỷ lục. Còn ở Việt Nam, hàng triệu người ủ rũ vì thất nghiệp, vì không thể buôn bán, đi lại, vì bị kẹt trong nhà với hàng tá các vấn đề liên quan tới tâm lý, xung đột cá nhân. Họ không sẵn sàng cho những điều này. 
Sức ép cuộc sống khiến họ nghĩ đến việc đầu tư vào chứng khoán, nhưng với sự tăng giảm vô cùng bất thường của thị trường, họ lại lắc đầu. Họ không có đủ can đảm để chịu đựng được những đợt giảm đau tim đó. Họ nghe đến đầu tư crypto, nhưng cứ mỗi lời mời chào, họ lại đọc tin về một vụ lừa đảo. Nhưng một người nào đó họ nghe được lại đang giàu lên từ crypto. Vậy thì họ biết tin ai? 
Sự căng thẳng từ FOMO còn đến từ việc có rất nhiều tiên đoán đưa ra đã trật lất. Khi thị trường bất động sản, chứng khoán và tiền mã hóa bùng nổ, phần lớn mọi người đều tin rằng đây chỉ là "sự tăng giá ngắn hạn", và "cái gì đi lên thì cũng đi xuống", "không làm mà đòi có ăn thì chỉ có ăn đất", nhưng đến nay hầu như chẳng có lời cảnh báo nào thành sự thật. Ngay cả với Bitcoin, dù đã trải qua nhiều phiên tóe máu, nó vẫn đang có giá cao hơn hồi đầu năm. Điều này chỉ càng làm gia tăng sự thất vọng cũng như sự nghi ngờ bản thân của nhiều người vì chẳng có một kết thúc "xứng đáng" nào xảy ra cả. Với nhiều người bạn của mình, mình có cảm giác họ đang dần mất niềm tin rằng một kết quả tốt đẹp sẽ đến với họ nếu họ tiếp tục chăm chỉ làm và cố gắng hết sức.

Bình thường mới

Chúng ta mong cuộc sống trở lại "bình thường" như hồi năm 2019, chúng ta mong rằng sự "bình thường mới" mà mình đang trải qua chỉ là tạm thời. Các bài báo liên tục đưa ra các dự đoán về việc khi nào nền kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục trở lại như trước dịch, khi nào chúng ta sẽ đi du lịch trở lại như trước dịch, khi nào chúng ta sẽ mua sắm trở lại như trước dịch.
Nhưng có lẽ, cái sự "như trước dịch" đó nó sẽ chẳng quay lại được. Nếu chúng ta cứ mãi bám lấy khao khát có cuộc sống như trong qúa khứ, chúng ta sẽ mãi cảm thấy bơ vơ lạc lõng trong cuộc sống mới này. Đại dịch giống như đã cho thấy những điều tưởng như viễn tưởng hóa ra lại có thể xảy ra, như việc tiền rơi từ trên trời xuống. 
Những cơn sóng FOMO, sóng lạm phát này khác với trong lịch sử: nó không nổ tung như những bong bóng tài sản khác, mà nó chỉ lên và xuống như thủy triều. Có lẽ đây sẽ là đặc điểm nổi bật nhất của cuộc sống từ giờ cho đến nhiều năm sau: sẽ có nhiều bong bóng tài sản xuất hiện hơn, sẽ có nhiều số trong chúng phát nổ và để lại đau thương, sẽ có nhiều cái chờ lâu hơn mới phát nổ và nổ to hơn. Mỗi một bong bóng mất đi sẽ có một bong bóng mới xuất hiện.
Có lẽ điều khó nhất chúng ta có thể làm được lúc này là giữ được sự tỉnh táo trong con người mình và hiểu được rằng giá trị của chúng ta không đo được bằng tiền.
Bài viết có sử dụng nguồn từ Bloomberg và CafeF