Ba lô không nặng, vé tập, thẻ sinh viên, earphone, mũ lưỡi trai và vài trăm nghìn trong ví… 7h30 sáng, tôi khoác lên vai làm một chuyến "Sài Gòn".
Xe buýt số 8 lập rập những con đường ảm bụi và bết đất từ ngoại ô vào nội thành. Xe xình xịch dừng, lại hì hạch chạy. Người xuống, kẻ lên. Tay nải, quai bị. Người và người chen nhau trong vài thước tất, hỗn tạp tiếng động cơ, tiếng lơ nhắc trạm, tiếng rì rầm hành khách nói chuyện với nhau và nồng gắt hơi máy lạnh. 

Xe đạp trên vũng nước đen như gương soi trước một nhà chờ xe đã cũ. Mặt đất có vẻ sáng hơn nền trời. Mặt trời lủi thủi trốn trong những bụi mây bông rậm xam xám và mênh mông. Thảng hoặc, gió ùa về như tấm chăn phủ lên vai, gáy xua cái hanh hao của khí trời bức bối.
Bạn đến, vững chãi hơn, bụi bặm hơn nhưng vẫn tỉ mỉ, nhanh nhẹn như một cô thư kí. Chúng tôi đi một quãng dài trên con đường vắng cây, hỏi han nhau đôi chuyện hiện thời, nhắc nhau nghe vài dòng quá khứ, chia sẻ cho nhau một số dự định tương lai. 
Đường nhẹ xa dần khói bụi và tiếng còi xe, bon chen ngoại ô bị thay dần bởi vẻ xa hoa hiện đại: những dãy nhà cao, những cổng chào sang trọng, bảng hiệu phong cách, xe hơi nhiều hơn xe máy, cây xanh chạy cách đều. 
Rẽ phải ở một ngã tư, trước mắt chúng tôi là công trình đã nằm đấy vài chục năm, chứng kiến những đổi thay của một góc trung tâm Sài Gòn, rêu bám, bạc màu gió mưa, xam xám màu thời gian nhưng kiêu hãnh và cổ kính. 
Rảo bước quanh vỉa hè âm ẩm vì cơn mưa đêm trước, ngang qua những quán café cá tính dựng trước là dãy dài những xe hơi, chúng tôi mua hai li trà sữa, một bánh tráng trộn từ một chị da nâu, áo pull, jeans bụi phì phèo thuốc. 
Tênh tênh qua những mảnh xéo, những đường cong của công trình kiến trúc, chọn một góc mát mẻ dưới tháp nước, chúng tôi giở bánh ra ăn và uống trà sữa. Quanh đó chỉ toàn những người trẻ, đàn hát, cười đùa, tâm sự với những ánh mắt nhìn nhau linh động và tự tin. Đong đưa chân tự do, ngắm lũ cá đỏ, vàng xúm xít lên mặt hồ tranh nhau đớp mảnh vụn bánh tráng. Trao nhau những câu chuyện về những người trẻ mang hoài bão to lớn và niềm tin hồ hởi ở tương lai vào mảnh đất hứa hẹn mang tên Sài Gòn để rồi có người thành công, có người hụt hẫng. 
Sài Gòn, nơi hàng loạt người đổ xô về để tìm kiếm một vị trí cao hơn người khác, nơi cuộc sống thay đổi, hoặc lầm lũi qua ngày tháng, nơi những ước mơ thành hiện thực, nơi những nỗ lực đang diễn ra cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, nơi không phân định rõ trắng đen, lừa lọc và ngay thẳng, nhưng phân định rõ giai cấp giàu nghèo. 
Sự khác biệt ấy rõ ràng nhất khi nhìn vào những chiếc xe hơi bóng loáng dựng trước những quán ăn sang trọng và đối diện nó là những xe đạp bán xôi, bánh tráng nướng, bánh tráng trộn chất đầy bị nọ túm kia của những con người da ngâm vì nắng, tóc phờ phạc đi vì bụi đường, bụi đời. Cười nghĩ, chẳng phải chúng ta đây cũng mang trong mình những hoài bão to lớn về tương lai, để lúc này ngồi đây chiêm nghiệm và thấy rằng khi nhìn lên thì không bằng ai, nhưng nhìn xuống, nhìn về làng quê nho nhỏ đã rời xa, chúng ta hơn rất nhiều người đấy sao...
Chúng tôi dạo quanh bưu điện thành phố, nhà văn hóa thanh niên, nhà thờ Đức Bà. Chúng tôi chụp một cơ hồ nhiều bức ảnh gọi là lưu trữ khoảnh khắc. Với cái lí lẽ rất chính đáng là chúng tôi đang ở khoảng thời gian đẹp nhất của cuộc đời mình, rằng đời sinh viên rất ngắn, tuổi trẻ rất ngắn. Trải nghiệm, học tập và lưu trữ những kí ức đẹp về những chuyến phiêu lưu nếu không là lúc này thì còn lúc nào phù hợp nữa. Sài Gòn này, tôi phải đi bằng hết trong những năm tháng học sinh.
Bầu trời ảm đạm cuối cùng đã tìm cách dứt điểm bằng một cơn mưa nặng hạt. Chúng tôi nép vào một cổng vòm của nhà thờ. Màu gạch đỏ và hơi gạch lâu năm ẩm mưa làm dậy lên một khối cảm hứng rất cổ điển và Gothic. Mưa nhẹ hơn, hai đứa con gái ôm dù chạy trước, tôi chạy theo sau, cười hỉ hả.
Dưới mái hiên một shop quần áo cao cấp, chúng tôi chụp vài tấm làm kiểu theo những con manơcanh trắng nhợt rồi cùng nhau cười khoái chí. Lặng. Mưa trắng nhòa đường như sương mù phố núi. Mặt đường như mặt hồ, vô số hạt li ti rơi xuống, tí tách lên, lăn tăn xoay, nổi rồi chìm lặng. Nhưng nhiều hạt mưa hợp với nhau làm thành một chuỗi âm thanh lạo rạo liên tu và một mặt hồ rúng động. Chợt nghĩ ở mặt hồ Con Rùa rúng động thật ngoài kia chắc lũ cá tán loạn rồi hè nhau nép vào sát những thành hồ. Gió đôi khi tạt mưa xéo vào hiên, làm lấm tấm ướt gấu quần. Những cành cây xanh vần vật lao xao trong cơn mưa giữa mùa, hiếm khi gió lặng, cây nghỉ ngơi trước khi lao xao tiếp. Ôi, có những khoảnh khắc chỉ như thế này thôi, đơn giản mà sao như cả một nguồn thơ, khó khăn mà sao đáng nhớ, vần vũ mà sao nhẹ nhàng, cơ hàn mà sao lãng mạn. Từ một quán café nào đó vang lên một bản nhạc đương thời:
Cho tôi một ly cà phê sữa đá
Cho tôi ngồi bên hàng cây tán lá
Cho tôi đc nhìn con đường xa xa, dòng người dòng đời ngày ngày trôi qua...
Cho tôi dừng chân ở nơi quán xá bên đường
Sài Gòn café sữa đá, vẫn mãi như thế, ai uống hay chưa?
Sài Gòn hàng cây ghế đá, vẫn cứ như thế, khi nắng khi mưa.
Nắng sớm, mưa chiều.
Muốn nói bao điều người người còn nhắc đến mai sau
Sài Gòn cà phê sữa đá vẫn sẽ như thế, khi đón khi đưa
Đôi khi trên những dòng người ngược xuôi qua những công trình đang thi công lô cốt giăng như tơ nhện, trong những nhà chờ xe buýt nắng hanh hao, trong những khu thương mại lạnh như tiền, những khu chợ buôn lừa bán lọc, những nơi hành chính rườm rà thủ tục và hạch sách, những hầm cầu tăm tối lơ thơ những mảnh đời bất hạnh… người ta bỗng thấy chán ghét cái xứ sở xô bồ tất bật này mà muốn về với quê hương thanh bình ngày trước. 
Nhưng có những lúc như thế này đây, những quán cóc vỉa hè, những hàng cây ghế đá, những vẻ đẹp hiện đại mà nên thơ, người ta bỗng nghĩ nơi này cũng không quá tệ đấy chứ.
 À không, người ta còn không biết rằng mình đang dần gắn chặt lòng với nơi này bằng những tình cảm yêu ghét hờn giận. Để một khi xa, họ sẽ thấy nhớ những góc đường, khu phố ăm ắp kỉ niệm buồn vui nhưng đẹp, cả những kí ức về cuộc sống chật vật, gian nan. Rồi đôi khi họ muốn tìm về. 
Ấy là khi họ nhận ra rằng mình cũng đã đi theo dòng chảy tinh thần của những con người bao năm nay vẫn quy về một mối: từ khắp mọi miền đất nước, ở lâu, sống lâu, trở thành người Sài Gòn. 
Ôi, chưa xa đã nhớ, tôi có phải đã khắc vào tâm khảm của mình một chút gì đó của Sài Gòn?
Hạ Chí
Sài Gòn, 19/6/2012
Ảnh: Saigon in the rain Exhibition