DAILY STOIC #29: SỐNG ĐƠN GIẢN
Trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh hãy luôn giữ cho mình tinh thần mạnh mẽ của người La Mã, hành động với sự nghiêm túc và đơn giản, với thiện ý, tự do và công lý – không hơn không kém. Bạn có thể làm được nếu bạn tiếp cận từng nhiệm vụ như là lần cuối cùng, từ bỏ mọi xao lãng, sự phá vỡ cảm xúc bằng lý trí, từ bỏ tất cả những kịch tính, những phù phiếm hay những oán trách về sự công bằng của bạn. Bạn có thể thấy rằng việc thực sự làm chủ chỉ một ít thứ thôi có thể giúp bạn có được một cuộc sống phong phú và đầy chân thành rồi. Và nếu bạn luôn để tâm tới những điều trên, Đấng Tối Cao sẽ không yêu cầu gì thêm nữa.
MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 2.5
Trong cuộc sống hàng ngày, có vẻ như chúng ta đang bị làm phiền bởi quá nhiều suy nghĩ, quá nhiều câu hỏi, quá nhiều mối bận tâm.
Mình nên mặc gì hôm nay?
Họ có thích mình không?
Điều gì đang chờ đợi phía trước?…
Hôm nay, hãy chỉ tập trung vào những gì ngay trước mắt chúng ta thôi, chỉ đơn giản là “Hãy cứ làm việc của mình đi”.
Chúng ta không cần thiết phải tự chôn vùi trong hàng ngàn phiền nhiễu hàng ngày hoặc bên ngoài phận sự của mình. Marcus Aurelius nói hãy tiếp cận từng nhiệm vụ của bạn như lần cuối cùng bởi rất có thể nó sẽ là như vậy. Và cho dù điều đó không xảy ra đi nữa bạn cũng đã có được thái độ tốt nhất với mỗi nhiệm vụ của mình.  

DAILY STOIC #30: BẠN ĐÂU CẦN PHẢI BIẾT TẤT CẢ
Nếu bạn còn muốn tiến bộ hãy hài lòng với việc có vẻ ngốc nghếch hoặc không hiểu biết với những thứ bạn cho là không có ý nghĩa – đừng cố tỏ ra hiểu biết. Và nếu với những điều bạn cho là quan trọng thì đừng quá tin vào bản thân mình.
EPICTETUS, ENCHIRIDION, 13a
Một trong những điều mạnh mẽ nhất bạn có thể làm trong thế giới siêu kết nối mọi lúc mọi nơi ngày nay đó là có thể nói :”Tôi không biết” hoặc mãnh liệt hơn là :” Tôi không quan tâm”. Chúng ta nên lấy đó làm điều răn dạy cho mình bởi mỗi người dường như phải nắm bắt mọi sự kiện xảy đến dù chúng có liên quan hay thực sự có ý nghĩa với họ hay không. Chúng xuất hiện khắp nơi và mọi người bàn tán về chúng cả ngày. Chẳng có điều gì cho thấy những điều đó là thật sự cần thiết hay phải chăng bạn sợ mình trông có vẻ ngớ ngẩn trong bàn ăn khi không thể nói về những câu chuyện phiếm sôi nổi về thế giới giải trí?
Thực tế thì bạn nợ đất nước mình và gia đình mình những điều cần biết về các sự kiện có thể ảnh hưởng trực tiếp đến họ, nhưng đó là tất cả rồi. Thử nghĩ rằng bạn sẽ có thêm bao nhiêu thời gian, năng lượng và sức mạnh trí tuệ nếu bạn cắt giảm mạnh mẽ những ảnh hưởng truyền thông lên bạn? Năng suất lao động, sự sáng suốt và cả thời gian để quan tâm ai đó thực sự ý nghĩa với bạn sẽ cải thiện ra sao. Bạn sẽ cảm thấy được thảnh thơi và tận hưởng giá trị của hiện tại nhiều như thế nào nếu bạn không còn phấn khích hay phẫn nộ trước những vụ bê bối xa xôi, cuộc khủng hoảng tương lai hay Scandal vỡ lở của ai đó chẳng biết bạn là ai.

DAILY STOIC #31: LIỀU THUỐC CHO TÂM HỒN? TRIẾT HỌC!
Đừng phản ứng với triết học như những chỉ dẫn giáo điều mà hãy xem như những bệnh nhân đang tìm kiếm sự giúp đỡ điều trị đôi mắt tổn thương, hay băng bó cho vết bỏng hoặc dùng thuốc mỡ êm dịu. Với góc nhìn đó, bạn sẽ dễ dàng tuân theo Tự Nhiên mà không cần phô trương, chỉ cần âm thầm vững bước với tâm hồn thanh thản.
MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 5.9
Hàng ngày chúng ta kiếm tiền, sáng tạo, luôn được kích thích và thấy bận rộn. Càng bận rộn, càng làm nhiều, học nhiều, đọc nhiều ta sẽ càng tiến đi xa. Mọi việc có vẻ đang rất tốt. Nhưng hầu hết chúng ta cũng đang dần rời xa triết học. Cuối cùng sự lơ là này sẽ góp phần gây ra vấn đề. Căng thẳng tích tụ, tâm trí ta trở nên u ám, ta dần quên đi những gì thực sự quan trọng và kết quả là một sự tổn thương sâu sắc thậm chí là sụp đổ.
Hãy nghĩ về những chu kỳ suy thoái kinh tế hay khủng hoảng, nguyên nhân đến từ đâu? Nó đến từ sự hưng phấn thái quá với tăng trưởng, quá mải mê say sưa trên thành công hiện có và nghĩ rằng nó sẽ duy trì mãi dẫn tới sự xa rời bản chất nền tảng là sự buông lỏng tín dụng. Kết quả là bong bóng vỡ tan khi mọi người nhận ra mình đang xây những lâu đài trên cát trước những con sóng đã cập kề.
Bản chất con người là như vậy, tâm lý đám đông là vậy, luôn như vậy. Trong những trường hợp này triết học là ngọn hải đăng dẫn lối, đỡ ta dậy khi ta vấp ngã, cho ta niềm tin và vỗ nhẹ vai ta khi ta quá mải mê rồi nhắc ta nhớ những giá trị cốt lõi mộc mạc nhưng bất biến.
Triết học Khắc Kỷ cũng không ngoại lệ, chúng được tạo nên làm liều thuốc cho tâm hồn, nó làm hạn chế những nguy cơ trong cuộc sống chóng mặt thường ngày. Giúp ta phục hồi sức sống, niềm tin khi chúng ta cần. Hãy luôn để nó nhắc nhở, tìm đến chúng ta mỗi ngày và chữa lành những vết thương. 

DAILY STOIC #32: GIẬN DỮ HAY SỨC MẠNH?
Hãy luôn hiểu rằng khi bạn cảm thấy một cơn giận dữ đang trào dâng thì điều đó không hề đàn ông như bạn nghĩ. Thay vào đó, sự hòa nhã và văn minh mang màu sắc con người hơn do đó sẽ nam tính hơn. Một người đàn ông thực thụ không để lộ sự tức giận hay bất mãn, và người với sức mạnh nội tâm, sức chịu đựng cũng như lòng can đảm lớn nhường đó chắc chắn không giống kẻ dễ nổi nóng và hay phàn nàn. Người đàn ông càng gần với tâm trí tĩnh lặng anh ta càng gần với sức mạnh.
MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 11.18.5b
Bạn có biết trong các trận thi đấu các vận động viên thường nói chuyện phiếm, họ cố tình nói những lời khiêu khích và gây đối phương khó chịu khi trọng tài không để ý. Tại sao? Họ muốn kích động một phản ứng để làm đối thủ tức giận mà mất tập trung – một cách dễ dàng để loại họ ra khỏi trò chơi của những người đàn ông. Khi đàn ông mất kiềm chế, họ mất đi sức mạnh
Hãy thử nhớ lại lúc bạn trở nên điên loạn, nó không có gì oai hùng hay cứng rắn cả – nó chỉ đơn giản là một sai lầm. Nó đơn giản là một điểm yếu của bạn. Chỉ vậy thôi. Tùy thuộc vào những gì bạn đang làm nó thậm chí là một cái bẫy của ai đó khôn ngoan hơn bạn, mạnh mẽ hơn bạn đặt ra để khai thác điểm yếu đó.
Sự nổi nóng minh chứng cho ý chí không vững vàng, nhận thức hạn chế và trên hết là sự bất lực sâu thằm trong tâm hồn người đó. Bạo lực cũng vậy, đó là thứ thuộc về bản năng giống loài được kiểm soát che lấp bằng văn hóa, giáo dục và trên hết là lí trí. Khi ta nổi nóng, khi ta cư xử bạo lực thì ta chỉ đơn giản là trần trụi với bản năng, mọi thứ khác của nền văn minh đều đã không còn.
Những nhà vô địch thực thụ thường có những điểm chung là luôn giữ được thái độ bình tĩnh lạnh lùng trước mọi việc, trong con mắt đối thủ điềm tĩnh luôn đáng sợ hơn bất kì sự hung bạo nào. Sức mạnh là khả năng duy trì sự kiểm soát với chính mình bởi họ đang kiểm soát niềm đam mê chứ không phải làm nô lệ cho nó.
Vậy bạn chọn giận dữ hay sức mạnh?

DAILY STOIC #33: MỘT TÂM TRẠNG PHÙ HỢP
Bạn hãy nghĩ thế này: Bạn là một người già, bạn sẽ không cho phép trí óc của bạn làm nô lệ thêm nữa, không để nó phản ứng như một con rối trước những kích động tầm thường. Và bạn sẽ ngừng than phiền về hiện tại hoặc sợ hãi về tương lai.
MARCUS AURELIUS, MEDITATIONS, 2.2
Chúng ta thường hay tỏ ra bực bội với những người luôn thích cư xử như ông chủ với người khác. Đừng bảo tôi phải ăn mặc như thế nào, nghĩ ra sao, làm việc theo cách nào hay sống làm sao cho đúng. Điều này là bởi chúng ta là những người độc lập tự chủ, hay ít ra đó là điều ta thường tự nói với mình. Khi ai đó nói với chúng ta một điều ta không đồng ý thì có một cái gì đó bên trong thôi thúc chúng ta phải tranh luận với họ, cũng như khi ai đó làm gì ta không thích ta dường như cảm thấy có “trách nhiệm” phải phản ứng lại và ngược lại là khi vui sướng.
Cứ thế tâm trạng chúng ta biến động theo biến đổi của môi trường xung quanh. Không. Chúng ta phải chấm dứt việc này, đến lúc ta phải nhìn nhận sự việc theo là chuyện riêng của nó với Tự Nhiên. Ta không thể làm con rối vô thức, phản ứng bởi vì chúng ta cảm thấy thế, cảm giác hay suy nghĩ của chúng ta thức tế rất ít khi đồng điệu với hiện thực khách quan. Nếu để ý bạn sẽ thấy những giả định, những kiến thức thậm chí cả những lý thuyết vĩ đại cũng lần lượt bị phủ định và bị chứng minh là sai lầm bởi những thế hệ khoa học tương lai. Có khi mất hàng trăm năm để làm điều đó, vậy có lí do gì chúng ta tin những điều ta biết là đúng chỉ bởi cảm giác chủ quan ta cảm thấy chúng đúng với ta trong vài chục năm ngắn ngủi vừa qua.
Những gì bạn nghĩ là không thể là bởi chúng nằm ngoài giới hạn nhận thức của bạn.
ALBERT EINSTEIN

DAILY STOIC #34: TẠI SAO PHẢI LO LẮNG?
Khi nhìn thấy người đang mang những âu lo, tôi băn khoăn không biết họ đang muốn gì?
Bởi nếu một người đang không muốn có những thứ ngoài tầm với của họ thì tại sao lại phải lo lắng?
EPICTETUS, DISCOURSES, 2.13.1
Một người cha đang lo về những đứa con, vậy ông đang muốn gì? Một thế giới luôn luôn an toàn.
Một người thường xuyên dã ngoại, anh ta lo điều gì? Thời tiết, sức khỏe và giao thông.
Với nhà đầu tư thì ông luôn lo thị trường sẽ không quay đầu tăng giá nhanh chóng.
Tất cả các kịch bản này đều giữ những điểm chúng . Như Epictetus nói, họ đang muốn một cái gì đó không thể thuộc sở hữu của họ. Thức dậy làm việc, trở nên phấn khích, cảm thấy hồi hộp, đau đớn và lo âu, những khoảnh khắc bị kích động đó cho ta thấy rõ phù phiếm và lệ thuộc của chúng ta. Như thể chúng ta đang tin vào một tôn giáo mà ở đó vị thần số phận cho ta tất cả những gì ta muốn mà chỉ cần đổi lấy sự bình thản trong tâm hồn ta thôi. Và hầu hết chúng ta đã từng làm như vậy một cách vô thức.
Nếu bạn cảm thấy lo lắng, hãy tự hỏ: Tại sao trong tôi lại thấy rối bời như thế này? Trong tâm hồn tôi thì ai là chủ? Tôi hay những sự lo lắng kia?
Và quan trọng nhất: Những lo lắng đó có ích gì cho tôi hay không?

DAILY STOIC #35: ĐỂ TRỞ NÊN BẤT KHẢ CHIẾN BẠI
Ai rồi sẽ là người bất khả chiến bại? Đó là người không hề bị bối rối về bất cứ điều gì ngoài những lựa chọn dựa trên lý trí của họ.
EPICTETUS, DISCOURSES, 1.18.21
Bạn đã bao giờ thấy một người từng trải xử lý các khủng hoảng truyền thông chưa ? Có vẻ như không có vấn đề nào là quá khó, chẳng có sự chỉ trích, dèm pha hay thậm chí cả sự khiêu khích nào có thể làm họ xao động quá mức. Họ phản ứng lại bằng sự đĩnh đạc, kiên nhẫn và đôi khi cả hài hước. Họ làm được như vậy không chỉ bằng sự giáo dục, rèn luyện mà chủ yếu bởi kinh nghiệm và nhận thức đúng đắn cho họ hiểu rằng phản ứng theo cảm xúc chỉ làm mọi chuyện tồi tệ hơn.
Các phương tiện truyền thông chỉ chờ được thấy sự giận dữ hay buồn bã, bởi đó là mục tiêu của họ. Bởi vậy để xử lý thành công tình thế khó khăn này thì điều tối quan trọng là giữ được sự bình tĩnh có kiểm soát.
Không chỉ riêng khủng hoảng bởi xã hội huyên náo lắm điều nhưng vô cảm, thái độ này còn hữu ích và là lựa chọn tối ưu cho bất cứ điều căng thẳng, thất vọng nào bạn đang phải đổi mặt. Sự lựa chọn của lý trí này, như các tín đồ Khắc Kỷ thường gọi, là một hình thái của sự bất khả chiến bại mà chúng ta có thể rèn luyện được.
Nó khiến bạn đáng tin cậy, vững vàng và uy nghi như một tảng đá.
Based on Daily Stoic by Ryan Holiday
Dịch bởi vnstoic
Ủng Hộ Spiderum vì một cộng đồng của tương lai

Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)