Tựu trường sắp tới, Na sẽ trở thành nữ sinh lớp 10. Em “cần” có một chiếc áo dài đúng theo quy định đồng phục nữ sinh trung học. Em “muốn” rằng mình sẽ có riêng một chiếc áo dài mới trong ngày khai giảng. Bất ngờ, áp thấp nhiệt đới và ảnh hưởng của cơn bão số 2 ở miền Trung quê em vào đúng thời điểm nửa tháng trước ngày khai trường đã dìm mất 5 sào lúa chín rộ của gia đình em dưới biển nước. Con nhà nghèo, lại bị thất vụ, giấc mơ áo dài mới của em cũng bay xa. Thương mẹ, Na vui vẻ sửa lại chiếc áo dài cũ của chị. Như vậy, do hoàn cảnh, em đã phải tự mình lựa chọn giữa “cần” và “muốn”. Em đã quyết định chọn điều “cần” (chiếc áo dài) chứ không phải là điều mình “muốn” (chiếc áo dài mới).
Cần” là động từ chỉ việc không thể không làm, điều mà ta không thể không có. Nhưng “muốn” lại là động từ chỉ sự đòi hỏi của tâm sinh lý, chúng ta muốn làm gì hoặc có gì. Đôi khi, việc ta “cần” hay “muốn” cũng chỉ là một: Bé cần ăn hay Bé muốn ăn. Tuy nhiên, khi ta lớn, câu chuyện giữa “cần” và “muốn” lại không hề đơn giản đến thế.
Tôi có quen Tiên, Tiên từ Thái Bình lên Hà Nội học Đại học. Em học giỏi và làm lớp trưởng. Nhưng trong suốt một năm qua, em sống trong “vai diễn” của một nữ sinh, con nhà giàu, bố mẹ làm công chức nhà nước, trong khi thực tế, gia đình của em lại rất nghèo, bố mẹ em đều đã nghỉ hưu, ăn uống chắt chiu từng đồng để gửi lên cho em ăn học và sinh hoạt. Giờ đây, em như người làm xiếc với chiếc mặt nạ dính chặt không thể nào gỡ ra được nữa, rất day dứt và dằn vặt. Đáng lẽ, em sống như “cần” sống thì em lại sống như “muốn” sống theo những cách mà mình muốn. Đó là một bi kịch với em và em sẽ rất dễ bị tha hoá (“tha hoá” nghĩa là biến thành người khác, không còn là mình nữa).
Tôi cũng biết một bạn tên Hằng. Hằng đã học xong lớp Văn BK39, Trường CĐSP Hải Phòng. Em rất muốn học lên Đại học nhưng em lại sợ mẹ khổ, em lo sợ rằng em đã đòi hỏi quá nhiều ở mẹ. Em rất muốn khẳng định năng lực của mình nhưng em cũng cần phải ra đời, cần một công việc để có thể đỡ đần cho mẹ. “Cần” hay “Muốn” bây giờ ? Đôi khi quyết định của chính ta không chỉ vì ta mà còn vì những người xung quanh mình, sự lựa chọn đôi khi là hy sinh, giống như những gì mà mẹ đã hy sinh vì Hằng vậy.
Cần”, đó là yêu cầu đáp ứng nhu cầu tối thiểu, trong khi “Muốn” là đáp ứng sự thoả mãn đến vô cùng. Trong đời sống thị trường ngày nay, sản xuất hàng hoá phát triển, con người ngày càng được khuyến khích, kích cầu, tiêu thụ, nếu chính ta không biết giới hạn, không biết thế nào là đủ thì chính em sẽ chạy đua với cái mong muốn vô hạn trong khi khả năng tài chính của mẹ cha là hữu hạn. Về điều kiện vật chất, tuổi trẻ, đặc biệt là tuổi học trò, ta chỉ nên sống ở mức “cần”. Nhưng về đời sống tinh thần, em lại phải cần thêm cả “muốn”. Muốn cái tầm thường sẽ là dục vọng, nhưng muốn điều cao cả lại trở thành khát vọng. Khi chữ “muốn” vượt qua mức “cần”, đôi khi nó lại trở thành đua đòi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ta chỉ “cần” mà không “muốn”, “cần” mà không “muốn” thì còn đâu là ước mơ, còn đâu là hoài bão, lý tưởng…
Một tấm gương tiêu biểu cho sự cân bằng giữa “cần” và “muốn”, Hồ Chí Minh. Bác Hồ là tấm gương mẫu mực về 2 vế “cần” và “muốn” trong lẽ sống của mình.
“Mong manh áo vải hồn muôn trượng”.
Điều Bác “cần” rất chi là giản dị, chỉ là “mong manh áo vải”, nhưng điều Bác "muốn" thì lại “trải dài muôn trượng”, vì trái tim của Người muốn “ôm cả non sông mọi kiếp người” trong ước mơ khát vọng dẫn dắt con đường giải phóng dân tộc.
Các bạn thân mến, hiểu rõ khi nào ta chỉ nên “cần” và khi nào nên “muốn” là để giúp ta khỏi bối rối khi đứng trước sự lựa chọn giữa hai động từ. Năm học mới sắp bắt đầu. Biết bao người mẹ, người cha, ngày đổ mồ hôi, đêm nằm vắt tay lên trán, trằn trọc lo cho con nhiều khoản chi phí, đóng góp. Vậy thì các bạn của tôi ơi ! Ta hãy nên suy nghĩ thật kỹ trước khi lựa chọn động từ cho những lời rủ rỉ: “Mẹ ơi! Con muốn…”, “Cha ơi! Con cần…”.