“Tôi thấy một thiên thần trong tảng đá và tôi chỉ việc đục tảng đá cho đến khi thiên thần được hiện ra.” -  Michelangelo - 
Bài viết được thực hiện vào tháng 1.2017

LỜI MỞ ĐẦU
Ảnh: Sabine van Straaten trên Unsplash.com
    Tôi đã đọc thấy câu nói này trong Chương 10 quyển “Gia Đình – Cách thức mới giúp tạo dựng lòng tự trọng mạnh mẽ” của tác giả John Bradshaw. Câu nói này làm tôi liên tưởng đến lời dạy xa xưa của Khổng Tử: “Nhân chi sơ tính bổn thiện.” (Con người sinh ra bản chất là hiền lành). Từ nhỏ, khi cắp sách đến trường, tôi cùng các bạn bè đồng lứa được các thầy cô dạy rằng “trẻ em là một tờ giấy trắng, những gì bọn trẻ học được chúng sẽ dùng để viết lên trang giấy đó”. Có lẽ trẻ con là món quà tuyệt vời nhất mà cuộc sống đã ban tặng cho thế giới người lớn. Khi đứa trẻ lớn lên, khi mà trên những trang giấy trắng xuất hiện đầy những chữ, tôi tự hỏi có phải lúc đó “thiên thần bé nhỏ” đang dần dần bị khóa chặt trong một tảng đá. Vậy những thiên thần sống trong tảng đá ấy có thật sự đang sống đúng với bản chất thực của mình không, hay họ đang mãi bị tảng đá che mất tầm nhìn, quên mất chính mình, cứ nghĩ mình là một viên đá cuội.
            Theo tác giả John Bradshaw thì những bất thường trong gia đình sẽ tạo ra một dạng bệnh của tâm hồn: sự tủi hổ. Sự tủi hổ này giống với những hạt mầm được người lớn đặt vào tâm hồn của những đứa trẻ khi chúng còn chưa nhận thức được thế giới xung quanh. Đứa trẻ lớn lên, hạt mầm “tủi hổ” cũng nảy mầm và bám rễ vào tâm hồn của những đứa trẻ. Sự tủi hổ trở thành một phần trong đứa trẻ, thật khó để tạo một lằn ranh bảo vệ tâm hồn đứa trẻ thoát khỏi sự tủi hổ cá nhân. Để chống lại những cảm giác tủi hổ từ sâu trong tâm hồn, “thiên thần nhỏ” bỗng xây nên tảng đá bao bọc xung quanh mình. Dần dần, trẻ con trở thành người lớn, mang theo một tâm hồn “tủi hổ hóa” và trốn vào tảng đá do chính mình tạo ra. Những cảm giác lúng túng khi phải nói chuyện với người lạ; đỏ mặt, im lặng, cười trừ … khi bị người khác phát hiện những bí mật thầm kín; hay cảm giác muốn trốn đi đâu đó ngay lập tức khi có những hành động thô lỗ (ợ hơi, đánh rắm,…); … là những biểu hiện đơn giản nhất mà ta có thể tìm thấy để hiểu tủi hổ là gì. Tuy nhiên, sẽ có những người có thể quên ngay hoặc không để tâm đến cảm giác xấu hổ của mình, và ngược lại, có người lại rất để tâm và bị cảm giác này đeo bám suốt khoảng thời gian dài. Bài viết bao gồm:
I – Định nghĩa và dẫn chứng về “sự tủi hổ” 
II – Phân tích về “sự tủi hổ” 
“Sự tủi hổ” đến từ đâu?
Hệ quả của “sự tủi hổ” là gì?
Làm thế nào để vượt qua “sự tủi hổ”?
Có nên loại trừ hoàn toàn “sự tủi hổ” không?
NỘI DUNG CHÍNH
  • Định nghĩa và dẫn chứng về “sự tủi hổ”:
Theo Nhà tâm lý học Gershen Kaufman thì sự tủi hổ được định nghĩa là: “… Một căn bệnh của tâm hồn. Nó là sự đau đớn nhất của bản thân, do chính bản thân, do bị làm nhục hoặc nhút nhát, cảm thấy thất bại trong việc đương đầu với thử thách. Sự tủi hổ là một vết thương từ bên trong, chia cắt chúng ta ra khỏi chúng ta và khỏi người khác.”
            Tôi xin được trình bày một trải nghiệm thực tế của bản thân: “Cách đây vài ngày, tôi cùng một người bạn đi đến gặp một người bạn khác của bạn tôi. Đến nơi, tôi chào mọi người như một phép xã giao thông thường, sau đó thì ai ngồi ghế nấy. Do đây là bạn của bạn tôi nên hai người bắt đầu những cuộc trò chuyện với nhau một cách thân thiết. Chính lúc đó, tôi thấy bản thân bị tách biệt. Những chủ đề mà họ đang trao đổi với nhau tôi dường như không biết gì cả. Đó cũng là một trong những lý do tôi không xen ngang cuộc trò chuyện, nhưng cái chính đó là cái cảm giác “nhút nhát” không dám xen ngang và không biết nói gì. Tôi vờ nhìn vào điện thoại và tìm kiếm một cái gì đó để che giấu cảm xúc bên trong của mình. Cảm giác này chỉ mất đi khi tôi cố gắng tham gia vào cuộc trò chuyện bằng một vài câu hỏi sau đó của mình.” Cũng vì đang trong thời gian viết về đề tài “sự tủi hổ” nên tôi đặc biệt quan tâm đến những phản ứng cảm xúc lúc đó của chính mình. Cũng không biết vì điều gì mà tôi đã thật sự lúng túng trong lần gặp đó, tôi tự hỏi vì sao người bạn của tôi không bắt chuyện với tôi trước để tôi có thể hòa vào buổi nói chuyện, và vì sao mình dở thế, không thể hiểu 2 người kia nói gì, và phải phân vân một lúc rất lâu, tôi mới đặt được một câu hỏi cho buổi trò chuyện. Sự tổn thương vì bị bỏ rơi trong cuộc trò chuyện cùng cảm giác thấp kém đã làm tôi thật sự thấy xấu hổ. Chính lúc đó, trong một thoáng, tôi đã có cảm giác chỉ có một mình mình giữa thế giới này.
            John Bradshaw đã diễn giải sự tủi hổ theo định nghĩa của Kaufman như sau: “Sự tủi hổ là nguồn gốc của hầu hết các trạng thái xáo động bên trong đã phủ nhận toàn bộ cuộc sống của con người. Sự suy nhược, xa lánh, ngờ vực bản thân, tự cô lập, hoang tưởng và rối loạn tinh thần, rối loạn chức năng cơ thể, tâm thần phân liệt, theo chủ nghĩa hoàn hảo, mặc cảm thấp kém, túng thiếu hay thất bại, tình trạng bấp bênh và tự yêu mình thái quá: Tất cả đều là kết quả của sự tủi hổ. Sự tủi hổ là một loại tự sát, một dạng tê liệt tâm thần khiến sống mà cũng như chết. Sự tủi hổ khống chế mọi mối quan hệ trong cuộc sống của chúng ta. Nó phá hủy lòng tự trọng.”
            Tôi đã làm một bảng hỏi nhỏ, hỏi bạn bè tôi về những trường hợp khiến họ thấy xấu hổ, tôi nhận được 20 phản hồi cùng các câu trả lời: Khi đang nói gì rất tự tin bỗng thấy mình quá ngu; gặp mặt hay nói chuyện với người lạ; bị giáo viên la mắng; đánh rắm - ợ hơi ở nơi công cộng; khi bạn bè cùng khóa nhưng lại biết thạo nhiều thứ hơn mình; bị châm chọc trước đám đông; không đáp ứng được kỳ vọng của mọi người; khoe mẽ một chuyện gì đó với người khác và người đó biết rõ về chuyện này; vô ý làm những hành động bất thường, những hành động trái với lẽ thường và bị người khác thấy; lỡ miệng nói nhầm (có chủ đích và không có chủ đích); khi cảm thấy thụt lùi so với trước đây; nhận được sự giúp đỡ của người khác; được khen tới tấp; v.v… Từ những thu thập đó, tôi chợt phát hiện “sự tủi hổ” xuất hiện mang đồng thời  2 đặc điểm:
  • Hành động đó được xem là bất thường (đối với người đó hoặc đối với những người xung quanh hoặc đối với cả 2 bên).
  • Có xuất hiện người khác (khác bản thân cá thể) khi sự việc đó xảy ra. (xuất hiện trực tiếp hoặc gián tiếp).
Nếu chỉ có hành động bất thường (1) xảy ra và một người khác (2) không xuất hiện thì dường như sự tủi hổ sẽ không xuất hiện. Ví dụ: Khi bạn đánh rắm tại nhà và không có ai ở nhà, việc mà bạn làm lúc đó không phải là xấu hổ mà là di chuyển đến một vị trí khác trong nhà nếu mùi đó quá nồng. Còn nếu có người khác (2) xuất hiện nhưng không có hành động bất thường (1) xảy ra, vậy thì càng không có gì để mà cảm thấy tủi hổ, vì mọi thứ đều diễn ra một cách bình thường. Ví dụ: Đi đến lớp học, ngồi học như bình thường và đi về, có sự xuất hiện của thầy cô và bạn bè trong lớp, tuy nhiên không có gì bất thường xảy ra ở bạn. Tuy đây chỉ là một khảo sát nhỏ tôi thực hiện để hoàn thiện thêm phần trình bày của mình, nhưng đây lại là những biểu hiện xấu hổ được tìm thấy phổ biến ở đa số mọi người. Tôi xin được đưa ra giả thuyết: “Sự tủi hổ xảy ra khi cá thể thực hiện hành động bất thường (1) khi có người khác xuất hiện (2)”.
  • Phân tích về “sự tủi hổ”:
  • “Sự tủi hổ” đến từ đâu? 
Nếu “tôi là tôi vì chính tôi” và “bạn là bạn vì chính bạn”, thì “tôi thực sự là tôi” và “bạn thực sự là bạn”. Nhưng nếu “tôi là tôi vì bạn” và “bạn là bạn vì tôi”, thì “tôi không thực sự là tôi” và “bạn cũng không thực sự là bạn. – Rabbi Mendel
Khi còn là một đứa trẻ, ta thật sự không biết như thế nào là tủi hổ, ta chỉ làm những thứ ta thích một cách tự nhiên. Ví dụ như: Đánh nhau với anh/chị/em trong nhà để giành lấy món đồ chơi mà ta thích. Nhưng ta không biết rằng các giá trị của xã hội đã dạy cho cha mẹ của chúng ta rằng: Phải dạy dỗ con cái trong nhà để chúng biết nhường nhịn lẫn nhau. Và thế là, chúng ta – những đứa trẻ, nhận được sự tức giận của cha mẹ trước sự tranh giành của mình: “À, ta làm sai rồi!”. Cảm giác xấu hổ bắt đầu hình thành. Cha mẹ sẽ yêu thương những đứa trẻ biết cách nhường nhịn anh/chị/em của mình, để được cha mẹ yêu thương, bản chất của chúng ta bắt đầu đặt chân lên con đường “thay đổi”. Ta bắt đầu nhường món đồ chơi ta yêu thích cho anh/chị/em của mình với mong muốn nhận được lời khen từ cha mẹ, mặc dù, thật lòng ta rất thích món đồ chơi đó. Một “lỗ hổng” được tạo ra, hành động “nhường” đó thật không xuất phát từ mong muốn sâu thẳm trong ta. Đây có phải là “tôi là tôi vì bạn” như Rabbi Mendel đã nhắc đến. “Lỗ hổng” này chính là khoảng cách giữa “bản chất thực” và “bản chất sai lệch”, nó chia cắt chúng ta ra khỏi chúng ta.
Sau hành động “nhường” đồ chơi, ta lại mong muốn được nhận thêm nhiều lời khen hơn. Câu chuyện mà sinh viên chúng tôi đều ít nhất được nghe qua một lần có nội dung như thế này: Một cậu A rất thích trở thành kiến trúc sư, cậu vẽ đẹp và mang trong mình nhiều ý tưởng sáng tạo. Thế nhưng cha mẹ A thì mong muốn cậu trở thành một bác sĩ, để nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng, vì cái danh được gọi là “bác” thì quả là đáng nể và rất oách. A một lòng muốn làm cha mẹ vui, vì cha mẹ cao tuổi rồi và cậu cũng chưa làm được nhiều điều cho cha mẹ. Suy nghĩ này đã trở thành sự thúc đẩy để A không đi theo ước mơ của mình và thi vào Đại học Y dược để trở thành một bác sĩ. Nhưng rồi sau đó là sự chán chường trong việc học, kết quả học đi xuống, A bây giờ chỉ muốn đổ hết lỗi cho cha mẹ mình. Nhưng đã yêu thương cha mẹ nhiều như vậy, A có thể vượt qua được hết những dằn vặt tâm lý này không? Tôi không phải A và tôi cũng không thể quyết định cho cậu ấy. Nhưng tôi nghĩ rằng A đã trải nghiệm cảm giác tủi hổ: Tủi hổ khi nếu làm sai mong muốn của cha mẹ, đi theo ước mơ của mình; tủi hổ khi đã từ bỏ ước mơ của mình; tủi hổ cho sự chán chường, cho kết quả học tập ngày càng tệ của mình… Lỗ hổng – khoảng cách giữa “bản chất thực” và “bản chất sai lệch” liệu có ngày càng tăng lên theo thời gian khi chúng ta luôn mong muốn trở thành “đứa con ngoan” của cha mẹ. Ta “cất giấu” “bản chất thực” của mình, “giấu” ở một nơi không ai tìm thấy được, rồi rảo bước đến các “bản chất sai lệch”.
Ta có thể đi đến kết luận: Sự tủi hổ bắt nguồn từ gia đình. Sự tủi hổ xuất hiện khi con cái không đáp ứng đầy đủ những yêu cầu mà cha mẹ đòi hỏi ở chúng, từ sự giáo dục độc hại mà cha mẹ có thể đã vô tình hay cố ý gán lên những đứa trẻ. Theo Alice Miller: “Giáo dục độc hại là một dạng nuôi dạy con cái xâm phạm quyền trẻ em. Giáo dục độc hại đề cao sự phục tùng là giá trị cao nhất: tính trật tự, ngăn nắp, sạch sẽ, máy móc và kiểm soát cảm xúc.” Niềm tin cha mẹ là Thượng Đế (cha mẹ luôn đúng) cùng bản chất đòi hỏi sự yêu thương, đã có không ít những “thiên thần” từ bỏ đi “đôi cánh” của mình, đánh mất lòng tự trọng của mình, tự nguyện để “sự tủi hổ” xóa đi “ý chí”. Ta cảm thấy xấu hổ khi nhận được sự giúp đỡ của người khác, có thể lý do đến từ việc ta không thấy sự hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong hệ thống gia đình của chính chúng ta, hoặc ta được cha mẹ dạy rằng phải tự làm mọi thứ một mình, nhận sự giúp đỡ bằng nghĩa với việc “con thật vô dụng”. Hoặc ta thấy xấu hổ khi có “cảm giác thấp kém”, cảm thấy thua thiệt bạn bè, một trong những lý do có thể là vì cha mẹ hầu như không dành cho chúng ta những lời khen xứng đáng.
Tuy nhiên, mọi thứ vẫn là tương đối và ta cũng không thể đổ hết mọi thứ trách nhiệm hay tội lỗi lên “sự tủi hổ” và “gia đình”. Gia đình là nơi bắt nguồn của sự tủi hổ. Nhưng khi đứa trẻ lớn lên, đến trường. Lúc này, sự tủi hổ mà chúng phải nhận lấy không còn là đến từ cha mẹ, mà còn đến từ thầy cô và bạn bè - Sự tủi hổ đến từ trường học. Những lời nhận xét về năng lực của trẻ khi còn bé từ thầy cô (bao gồm cả những lời so sánh, đánh giá, phán xét) cũng là một nguyên nhân tạo nên sự tủi hổ. Khi chúng ta không được nhìn nhận một cách đúng đắn, chúng ta mang “cảm giác thấp kém”, tự thấy bản thân vô dụng, xấu hổ khi thua thiệt bạn bè về kiến thức, kỹ năng, công việc, và phổ biến nhất hiện nay đó là “tiền lương”. Khi nhỏ, ta bị lấy điểm số để so sánh, phân biệt giỏi dở. Đi làm, tiền lương lại là thứ được mang ra để đánh giá con người. “Lỗ hổng” – khoảng cách giữa “bản chất thực” và “bản chất sai lệch” dần to lên từ sự giáo dục độc hại không chỉ đến từ gia đình mà còn là nhà trường. Sau các kỳ thi tuyển sinh Đại học vẫn là các câu chuyện thương tâm: Một số em học sinh 12 xấu hổ với kết quả thi Đại học của mình đã tìm đến con đường tự tử như một cách xóa tan sự xấu hổ của chính mình. Thạc sĩ Huỳnh Anh Bình (Chuyên viên tư vấn tâm lý – hướng nghiệp, Đại học Bình Dương) cho biết: Năm nào cũng vậy, ngay sau thi Đại học cũng là lúc ông nhận được nhiều cuộc gọi từ các em học sinh nói rằng mình chỉ muốn “chết”, vì mọi thứ đã chấm dứt, không còn gì nữa. Các em lâm vào tâm trạng căng thẳng đáng ngại, có thể làm liều bất cứ lúc nào. Cái giá của “sự tủi hổ” quả là quá lớn.
Đến đây, ta đặt ra một câu hỏi: Thế các cách thức giáo dục độc hại từ gia đình và nhà trường là đến từ đâu? Nhìn từ một góc độ xa hơn, ta thấy những thành kiến của xã hội, những lời phán xét vô căn cứ, những sự chỉ trích nhằm thỏa mãn nhu cầu bản thân nhưng làm tổn thương cho người khác. Gần đây nhất, báo Tuổi trẻ online có đưa tin về việc anh Lê Tấn Lợi – thí sinh mùa 3 của Gameshow Thách thức danh hài (phiên bản Việt Nam) đã bật khóc khi trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Tuổi trẻ về những chỉ trích mà anh nhận được từ người xem. Anh Lê Tấn Lợi tham gia 2 mùa Thách thức danh hài 2 và 3, phong cách ở 2 mùa hoàn toàn khác nhau, và đó là chủ để khiến anh bị một số “người xem” chỉ trích, khi ở mùa 3 anh giành được giải thưởng 100 triệu. Những lời chỉ trích nhằm mong muốn Lê Tấn Lợi phải không làm theo ý muốn cá nhân của anh, biến anh thành một Lê Tấn Lợi khác “vừa lòng” người xem.
Tổng kết: “Sự tủi hổ” bắt nguồn từ gia đình và phát triển trong quá trình xã hội hóa của con người (gia đình, trường, xã hội) . Con người mang sự tủi hổ từ gia đình ra ngoài xã hội, đồng thời xã hội tác động lại cách nghĩ của con người làm họ bị “sai lệch” trong suy nghĩ, những “sai lệch” tiếp tục được cha mẹ trong gia đình tác động lên con cái tạo thành một vòng tuần hoàn.
  • Hệ quả của “sự tủi hổ” là gì?
  • Lỗ hổng và sự “sai lệch bản chất” (hay “bản chất thật” bị tê liệt):
Để cuộc sống có thể vận hành một cách rõ ràng, ở bất kì nơi đâu ta đều sẽ thấy các luật lệ (luật lệ ở đây ta có thể hiểu theo cả hai nghĩa: chính thống (ví dụ như luật pháp, nội quy công ty…) và không chính thống (phong tục tập quán… ). Một điều tất yếu khi đề cập đến những luật lệ là khi bước chân vào bất kỳ nơi đâu (một quốc gia, một vùng miền, một công ty, một trường học …), ta buộc phải tuân theo những luật lệ tại nơi đó thì ta mới dám mong sẽ có thể “sống” ở đấy một cách thoải mái, và quan trọng hơn hết là ta được những con người sống ở đấy chấp nhận. Một ví dụ rất rõ ràng như sau: Bạn có thể là một người yêu thích các món trang sức, thế nhưng, khi bạn xin vào làm việc tại các cửa hàng tiện lợi như Family Mart, bạn buộc phải tháo bỏ tất cả trang sức khi đi làm, bằng không, các nhà tuyển dụng ở đấy sẽ cho bạn thôi việc. Một ví dụ khác, tại một số trường học, trong giờ thể dục, khi bạn quên mang theo đồng phục thể dục, có thể bạn sẽ bị phạt đứng bên ngoài thay vì có thể tham gia chơi các môn thể thao với bạn bè. Chúng ta có thể hiểu rằng: Những luật lệ là điều bắt buộc để ta được chấp nhận. Đây có phải là cuộc sống của người lớn? Thế còn đối với trẻ con, liệu chúng có hiểu được quy tắc này? Ví dụ như trong một gia đình nghèo khó, những đứa trẻ luôn phải đi bán vé số cùng cha mẹ chúng để có thể mua được 2 buổi ăn hằng ngày. Luật lệ của bọn trẻ được hình thành: muốn có 2 buổi ăn hằng ngày, chúng phải đi bán vé số với cha mẹ. Trẻ con nhận thức được rất sớm các luật lệ trong gia đình để chúng có thể sống, được cha mẹ chấp nhận và được yêu thương (không ai mong muốn bản thân bị ghét bỏ, trừ phi họ đang rơi vào “bản chất sai lệch”). Điểm khác nhau ở đây giữa trẻ con và người lớn đó là niềm tin của trẻ: trẻ con tin tưởng cha mẹ chúng luôn đúng bởi vì chúng không được dạy rằng cha mẹ có thể sai, còn với người lớn, chúng ta thừa biết luật pháp ban hành có hàng ngàn lỗ hổng, nội quy công ty xí nghiệp đôi khi chỉ là chiếc “vỏ” bề ngoài… Bất chợt, ta thấy rằng thật thiệt thòi cho trẻ khi chưa đủ nhận thức và khi phải phụ thuộc. Trẻ con tuân theo những yêu cầu của cha mẹ một cách vô điều kiện. Dần dần, trẻ từ bỏ trẻ để thực hiện theo những mong muốn của cha mẹ.
Sự tủi hổ ở đây tạo ra “lỗ hổng” trong tâm hồn đứa trẻ, hủy hoại ý chí, làm tê liệt “bản chất thật” của đứa trẻ. Những mong muốn vốn có từ ban đầu của đứa trẻ dần dần bị chính chúng quên đi, bị chúng “giam cầm” lại. Trẻ bắt đầu phát triển “bản chất sai lệch”, tâm hồn đứa trẻ sẽ bị tổn thương khi chúng không được là chúng. Trẻ không nhận thức được lý do vì sao bản thân cảm thấy thật xấu hổ, vì sao chúng không được thể hiện bản chất thật của chúng khi có sự có mặt của người khác. Lỗ hổng và bản chất sai lệch tạo ra vô số chiếc mặt nạ. Trẻ dùng mặt nạ để phòng vệ với bất cứ người nào một cách vô thức hoặc ý thức để bảo vệ sự tổn thương ẩn dấu bên trong. Tôi nhớ rất rõ khoảng thời gian khi tôi thi Đại học, lúc đó tôi biết cha tôi có vợ bé và con của cô ta thua tôi chỉ 3 tuổi, sự tủi hổ về một gia đình không toàn vẹn đeo bám tôi suốt một khoảng thời gian dài. Tôi nhớ lúc đó từ một đứa bé yêu thích mạo hiểm tôi đã “ám thị” bản thân mình là một đứa trẻ thích sự an nhàn, do tôi ghét những biến cố có thể xảy ra như thế một lần nữa. Việc thay đổi bản chất trở thành “một đứa trẻ thích sự an nhàn” đã thật sự bảo vệ sự tủi hổ của tôi lúc đó. Tôi không muốn trở nên thân thiết với bất kỳ người bạn nào ở trường Đại học, mặt dù tôi rất thích trò chuyện với bạn bè, nhưng tôi luôn tự nhủ: Họ có khả năng phản bội tôi nên không được tin họ, không nên thân với họ. Sự tủi hổ thay đổi “bản chất thật” của tôi một cách nghiêm trọng. Tôi chia tay người yêu và chấm dứt mối quan hệ bạn bè với người bạn thân nhất của tôi. Tôi co cụm lại và không muốn cho ai phát hiện ra những tổn thương của mình. Kết quả là tôi đã mất đi nhiều mối quan hệ thân thiết trong khoảng thời gian đó, trầm cảm nhẹ trong khoảng 7 tháng. Cái giá của việc chạy theo “bản chất sai lệch” đối với riêng tôi quả là quá lớn. Đến bây giờ, may mắn khi tôi ý thức được tốt hơn về vấn đề này, từ từ luyện tập thể hiện bản thân mình nhiều hơn nhưng tôi vẫn có cảm giác rằng bản thân cần nhiều thời gian để có thể tìm lại “bản chất thật” của mình.
Khi “bản chất thật” bị sự tủi hổ làm cho tê liệt, những lỗ hổng trong tâm hồn to lên để ngăn cách chúng ta không thể trở về tìm lại chính mình. Chính chúng ta đã tạo ra những chướng ngại vật cho chính mình, chính chúng ta cũng là người “bỏ rơi” bản chất thật của mình để chạy trốn theo “bản chất sai lệch”. Điều cốt lõi là ta đã từ bỏ chính mình. Ta sống để người khác cảm nhận về ta khác hoàn toàn những gì vốn là ta. Ví dụ một người dễ tổn thương hay bao bọc lấy sự tổn thương của mình bằng lớp vỏ mạnh mẽ, họ làm vậy để người khác tôn trọng và nghĩ họ không phải là một người yếu đuối. Nhưng sự thật họ không biết rằng người mạnh mẽ thật sự là khi dám phô bày sự yếu đuối của mình trước người khác và không trầm trọng lên việc đó.
  • Nỗi lo sợ, đồng phụ thuộc và sự phá hoại lòng tự trọng:
Một điều đáng sợ hơn của sự tủi hổ là nó làm chúng ta cảm thấy rằng: Hạnh phúc nằm bên ngoài chúng ta. Ta dường như không có khả năng tự làm cho bản thân hạnh phúc. Giá trị bản thân chúng ta đến từ cách suy nghĩ của người khác, ta lo sợ khi nói đến những yếu kém của bản thân và sợ người khác bàn tán về những điểm yếu của mình khi biết được chúng. Đó là một hệ quả hoàn hảo sau khi ta rơi vào “bản chất sai lệch”. John Bradshaw cũng đã đưa ra các hành vi để mô tả đặc điểm này như: “Ta tìm kiếm những ai thiếu thốn và không thể bỏ rơi họ. Hoặc tìm kiếm sự kích thích cho cuộc sống không sôi nổi và lãnh đạm của mình bằng cách tìm những người sôi nổi, kích động và sống qua cảm nhận của họ.” Tôi hiểu được điều này khi một lần nữa nhìn lại khoảng thời gian đánh mất chính mình (như đã nêu cụ thể ở phần trước), bạn bè xung quanh tôi đa số đều là những người trẻ mang tổn thương với gia đình (ba mẹ không sống chung với nhau), tôi không chắc là tôi có tìm kiếm “những ai thiếu thốn” như John nói hay không, theo tôi thì đó lại là do duyên phận. Nhưng một điều tôi không phủ nhận là tôi đã có những khoảng thời gian chơi rất thân với họ, dường như nghĩ rằng không thể thiếu họ được. Chúng tôi đã “lên kế hoạch chạy trốn cùng nhau” bởi các buổi đi chơi liên tù tì, các khoảng không gian riêng tư của chúng tôi dường như biến mất. Chúng tôi gọi và hẹn người khác mà không cần nể nang về giờ giấc làm việc của người đó. Đi kèm là những cảm giác khó chịu khi bị từ chối vì người còn lại bận không đến được. Có một người bạn lúc đó đã nói với tôi rằng: “Cứ căng thẳng do chuyện học thì sẽ gọi ngay để hẹn gặp cậu để nói chuyện vì biết rằng sau đó sẽ thấy thoải mái hơn.” Ban đầu, tôi cứ nghĩ đây là một câu nói vô thưởng vô phạt. Nhưng sau này ngẫm lại, tôi tự hỏi không biết cô ấy có cách nào khác tự mình giải quyết căng thẳng không? Chính bản thân tôi lúc đó cũng đã cảm thấy rất xấu hổ mỗi khi từ chối không thể đến khi cô ấy hẹn. Có vẻ lòng tự trọng của chúng tôi bị ảnh hưởng không hề ít. Khi tôi thật sự không muốn đến buổi hẹn vì lý do cá nhân, tôi cảm thấy bản thân như vừa phản bội cô ấy và đáng lẽ ra tôi có thể đến được và tôi nên đến gặp cô ấy. Sau này, tôi mới hiểu ra rằng đó là những biểu hiện về việc tôi đang dần lấy lại lòng tự trọng của chính mình, xóa đi sự tủi hổ và tìm lại bản chất thực đã từng bị đánh mất của mình. Tôi thật sự mong tác động này của tôi cũng sẽ ảnh hưởng tích cực lên bạn bè tôi, giúp họ vượt qua được “sự tủi hổ”.
John Bradshaw đưa ra quan điểm: “Đồng phụ thuộc là tình trạng bị nghiện”. Nhà thần học Carl Menninger đã mô tả tình trạng bị nghiên giống như: “Một người đang bị cháy chạy vội xuống biển để dập tắt đám cháy nhưng lại bị chết đuối.” Đối với tôi, “sự đồng phụ thuộc” là một cái gì đó khá nguy hiểm, chúng ta vừa cần chúng lại vừa phải cẩn thận với chúng. “Sự đồng phụ thuộc” giúp ta thân thiết với người khác, nuôi dưỡng một mối quan hệ trở nên bền vững. Tuy nhiên, nếu bản thân ta để cho “sự đồng phụ thuộc” lợi dụng thì ta đang chính là người phá đi mối quan hệ của mình. Trong khoảng thời gian nghe lời “bản chất sai lệch” của mình, chính bản thân tôi đã đánh mất một tình bạn kéo dài 7 năm mà đối với tôi lúc đó, đây là người bạn thân nhất. Mất đi một mối quan hệ có lẽ là một trong những điều khó chấp nhận nhất đối với con người, và nhất là những mối quan hệ thân thiết gắn bó nhiều năm. Bạn tôi là một người rất tốt bụng, cô luôn giúp đỡ tôi mỗi khi tôi có những vấn đề khó khăn: cô cho tôi tập vé xe buýt của cô khi tôi hết tiền đi buýt về nhà, cô dành thời gian viết cho tôi những lời động viên tinh thần khi thấy tôi tụt dốc về chuyện gia đình vào những khoảng thời gian tôi học cấp 2,… Thế nhưng, trong khoảng thời gian gặp các cơn khủng hoảng từ gia đình, sự đồng phụ thuộc giữa tôi và bạn thân tôi đã bị tôi lạm dụng. Tôi đòi hỏi cô ấy cách giải quyết các vấn đề của gia đình tôi, tôi trách cô khi cô không cho tôi được giải pháp mà tôi mong muốn. Điều đó làm tôi thấy cô bỏ rơi tôi. Không chấp nhận được, ngay lúc đó, để bảo vệ chính mình, tôi đã chấm dứt mối quan hệ bạn thân với cô ấy. Vâng, với riêng tôi thì “đồng phụ thuộc” vẫn là một điều thật nguy hiểm như vậy. Lúc đấy, tôi đã không thể làm theo mong muốn thật sự trong lòng mình, đó là: Tiếp tục mối quan hệ bạn bè thân thiết với cô ấy.
Khoảng thời gian chấp nhận sự tủi hổ, hình thành các đặc tính sai lệch, cảm giác lo sợ và lợi dụng sự đồng phụ thuộc, đánh mất lòng tự trọng của mình là một trải nghiệm khó phai trong tôi. Tôi rút ra được một bài học cho chính mình, chạy trốn vấn đề mãi mãi không phải là cách thức giải quyết triệt để vấn đề. Ấy vậy, tôi nhận thấy rằng vẫn có rất nhiều người – giống tôi, thấy rằng chạy trốn thì dễ hơn là đối mặt và họ sẽ chạy trốn. Vậy thì đâu mới là giải pháp triệt để cho “sự tủi hổ”?
"Bản chất sai lệch là cái mặt nạ của bản chất thực đã bị tổn thương."
  John Bradshaw 
  • Làm thế nào để vượt qua “sự tủi hổ”?
Trở lại bảng hỏi mà ban đầu tôi đã thực hiện và đã nêu tại phần I (Định nghĩa và dẫn chứng về “sự tủi hổ”). Câu hỏi thứ 2 mà tôi đặt ra là: “Những lúc rơi vào tình trạng xấu hổ, bạn thường như thế nào?”. Tôi cũng đã nhận được 20 phản hồi với đa số câu trả lời là: Im lặng, cảm thấy buồn, giả bộ làm mặt nghiêm chỉnh rồi im luôn cho qua, cố gắng để quên đi, nghĩ ra những lý do để bao biện hoặc an ủi chính mình, che giấu yếu điểm tự cải thiện bản thân, tự nhủ chuyện đó không phải là chuyện xấu hổ, …Từ các câu trả lời, tôi thấy chúng ta ý thức tốt về vấn đề xấu hổ (chúng ta biết khi nào chúng ta xấu hổ), tuy nhiên, ta thường phớt lờ sự xấu hổ của mình (giống như những câu trả lời trên). Làm như thế thì chúng ta có thật hết xấu hổ không nhỉ?
Đương nhiên đó chỉ là một bảng hỏi vui giúp tôi thăm dò cách nghĩ của bạn bè nhưng cũng phần nào thấy được đối với các vấn đề nghiên về tinh thần (như xấu hổ), chúng ta thường né tránh thay vì giải quyết, và có vẻ: Giải quyết hay không đối với chúng ta không quan trọng. John Bradshaw đã đưa ra 3 giai đoạn để vượt qua sự tủi hổ (trong quyển “Gia Đình – Cách thức mới giúp tạo dựng lòng tự trọng mạnh mẽ”) như sau:
  • Giai đoạn 1: Phục hồi lại ý chí đã bị vô hiệu hóa – Tìm một gia đình mới để sát nhập.
  • Giai đoạn 2: Phát hiện lại bản thân bị đánh mất – Phá vỡ lời bùa chú.
  • Giai đoạn 3: Khám phá bản chất thật – Đánh thức tinh thần và hoạt động xã hội.
Cơ chế của 3 giai đoạn mà Bradshaw đưa ra ta có thể dễ dàng nhận thấy đó là: Nhận diện vấn đề - Đối mặt vấn đề - Giải quyết vấn đề. Tôi xin phép dựa vào lý thuyết này nhưng diễn giải theo cách hiểu của chính tôi khi đưa ra giải pháp vượt qua “sự tủi hổ”:
  • Xuất hiện sự khó chịu thay vì đồng thuận: Tôi coi đây là biểu hiện đầu tiên và cũng là giải pháp đầu tiên cho “sự tủi hổ”. Ta cảm thấy khó chịu với những điều ta thường làm, phân vân với những chuyện ta thường nghĩ … và ta thấy bản thân chúng ta có cái gì đó “không đúng”. Chỉ khi chúng ta phát hiện ra sự khó chịu ẩn giấu bên trong chúng ta thì chúng ta mới có thể bước tiếp đến các bước tiếp theo. Ví dụ như: Một bạn A đã quen với lời chỉ trích của bạn bè về mình, bạn bè xem A là một kẻ vô vụng, A im lặng và dần dần A cũng nghĩ mình vô dụng và quen với điều đó. Tia sáng hé mở khi A nhận thấy khó chịu với “lời chỉ trích của bạn bè”, A không chấp nhận điều đó nữa.
  • Chống đối: Khi đã nhận diện vấn đề qua sự khó chịu, ta cần một “cái đà” dài hơn để tạo sức bật, vượt qua những lỗ hổng, đi tìm xem “bản chất thực” của mình đang ở đâu. Cách thức tôi đưa ra ở đây là “chống đối” lại với những gì làm bạn khó chịu, bất kỳ đâu và bất kỳ ai. Để những “nộ lực” bên trong được phép thể hiện ra ngoài một cách chân thực. Đó sẽ là đà để chúng ta bật qua những lỗ hổng trong tâm hồn. Tiếp tục minh họa với ví dụ trên: A bắt đầu chống đối lại “lời chỉ trích của bạn bè” bằng cách nói ra quan điểm của mình chứ không im lặng và giữ sự khó chịu trong lòng.
  • Lên kế hoạch tìm lại “bản chất thực”- Phép thử đúng/sai: Rất khó cho chúng ta khi trải qua quá trình “tủi hổ” quá lâu, sẽ rất khó để phân tách được lằn ranh giữa “bản chất thực” và “bản chất sai lệch”. Chắc chắn trong giai đoạn này, ta sẽ khá hoang mang và tự hỏi: Đâu mới thật là chính mình? Nên trở thành A’ hay A’’? Đối với những quyết định khó như vậy, tôi nghĩ đưa ra các phép thử là cách tốt nhất. Bạn có quyền làm “thử” những điều gì đó, xem xét kết quả bằng cách ghi nhận cảm xúc của bản thân, xem bản thân nghiên về bên nào. Tâm hồn của người “tủi hổ” là một mê cung với đầy những lỗ hổng, trượt chân, bạn có thể rơi vào bất kì lỗ hổng nào mà bạn đã tạo ra. Tuy nhiên, chỉ có cách bước vào những lỗ hổng đó (chấp nhận chịu những tổn thương) thì ta mới có cơ hội tìm thấy “bản chất thực” của chính mình ở một góc nào đó.  Với ví dụ trên: Ý này có thể được hiểu là khi A bắt đầu thực hiện những việc mà A cảm thấy mình không vô dụng, mặc kệ lời nói của bạn bè về mình và quyết tâm thực hiện những điều mà A theo đuổi. Thành công hay thất bại, đúng hay sai không còn quan trọng, điều đáng nói là hãy để bản thân làm những điều thật sự muốn, chỉ có thế thì mong muốn tìm lại “bản chất thực” mới thực sự có ý nghĩa. Hãy để “tôi là tôi vì chính tôi”.
“Giữa mùa đông, tôi tìm thấy trong mình một mùa hè không thể đánh bại.”
Albert Camus
  • Có nên loại trừ hoàn toàn “sự tủi hổ” không?
Tôi đang tưởng tượng đến việc tại Việt Nam, người ta đi ra ngoài đường mà không mặc quần áo, hay tại các công sở, nhân viên được cung cấp quyền tự do đánh rắm bổ sung vào phần nội quy công ty, …Liệu việc đó xảy ra thì nó sẽ như thế nào? Do đó, tôi nghĩ chúng ta phải công nhận phần nào lợi ích mà “sự tủi hổ” mang lại. Loài hoa trinh nữ, hay còn được gọi là hoa xấu hổ, mang cái tên không khác mấy với “sự tủi hổ” của con người, vì loài hoa này sẽ khép lại khi có bất cứ gì chạm vào. Ấy vậy, đó lại là một loại thảo mộc dùng làm thuốc ngủ và làm dịu thần kinh. Sau đây, tôi xin trình bày một số lợi ích về “sự tủi hổ”:
  • Giúp bạn có thể “khóc”: “Sự tủi hổ” ở một mức độ nhất định sẽ làm cho những người, dù khó nhằn đến đâu, được trải nghiệm cảm giác “rơi nước mắt”. Chúng ta ra đường và điều mà chúng ta thường xuyên thấy là những khuôn mặt “tươi cười”, hơn thế là khuôn mặt “đăm chiêu”… ít khi ta thấy một người khóc. Một người bạn từng nói với tôi rằng, cô bối rối và không biết làm gì mỗi khi thấy người khác khóc. Chúng ta quen với việc những nỗi buồn thì khó được người khác chấp nhận. Việc “rơi nước mắt” sẽ giúp ta làm dịu đi những suy nghĩ đó, giống như công dụng của “hoa xấu hổ”, khi chúng ta khóc cũng chính là lúc ta giúp các dây thần kinh thoát khỏi sự căng thẳng mà ta vẫn đang đối đầu hằng ngày.
  • Ra quyết định phù hợp với môi trường xung quanh: Sự tủi hổ giúp ta nhận thức được việc nào nên làm ở đâu và không nên làm ở đâu. Điều tiết những hành vi khiếm nhã để thể hiện sự tôn trọng bản thân và tôn trọng những người đang cùng sinh hoạt chung môi trường với bạn. Ví dụ như: Khi bạn cùng bạn bè đến một quán cà phê trò chuyện và uống nước, sự tủi hổ sẽ giúp bạn giữ một mức âm lượng vừa phải cho buổi trò chuyện để không làm ảnh hưởng đến người khác.
  • Hiểu được bản thân đang ở đâu và xác định được mục tiêu: So sánh với người khác không chỉ mang lại những cảm xúc tiêu cực vì về cơ bản, chuyện nào cũng sẽ mang 2 mặt khác nhau. So sánh với bạn bè, cảm thấy tủi hổ, nhưng lấy đó làm đà để phấn đấu, tiếp tục cố gắng thì việc đó làm “quá trình tủi hổ” mang một ý nghĩa nhất định với cuộc đời chúng ta. Ví dụ: Tôi có một cô bạn học chuyên ngành tiếng Đức, ước mơ của cô là có thể trở thành một giáo viên tiếng Đức xuất sắc, trong khoảng thời gian học Đại học, tôi không ít lần nghe cô so sánh điểm số với bạn bè cùng lớp, tuy nhiên việc so sánh đó lại mang lại những hành động và suy nghĩ tích cực trong cô, giúp cô nỗ lực phấn đấu nhiều hơn. Tôi còn nhớ câu nói của cô lúc đó: “So sánh để biết mình đang ở đâu chứ?”.
  • Rèn luyện lòng dũng cảm: Nhận diện sự tủi hổ và vượt qua sự tủi hổ là một quá trình tích lũy cho lòng dũng cảm của bản thân. Đón nhận sự tủi hổ khi còn bé, nhưng khi lớn lên, tháo bỏ các lớp vỏ tủi hổ sẽ là quá trình trưởng thành và chứng tỏ bạn đang mạnh mẽ hơn. “Phá tảng đá để tìm thấy thiên thần”. Lòng dũng cảm và sự mạnh mẽ đó được nuôi dưỡng từ bên trong chứ không phải là lớp vỏ mạnh mẽ bên ngoài từng giúp ta tạo thành cơ chế phòng vệ. Khổng Tử từng dạy: “Tri giả bất hoặc; nhân giả bất ưu; dũng giả bất cụ” (Có kiến thức thì không nghi ngờ, có lòng nhân thì không ưu tư, có dũng cảm thì không sợ hãi). Một ví dụ vui trong nội dung này: Bạn đang thích một cô gái và cảm thấy xấu hổ mỗi khi nhìn thấy hay nói chuyện với cô ấy, cảm giác xấu hổ làm bạn cư xử bị trông thật bất thường. Thế nhưng, đối mặt với sự xấu hổ, tích lũy dũng khí, biết đâu bạn sẽ nói được những lời cần nói với cô ấy.
Ngoài 4 lợi ích nêu trên, với mỗi người, sự tủi hổ sẽ mang những giá trị khác nhau. Chúng ta không thể nào loại bỏ hoàn toàn sự tủi hổ trong cuộc sống của chính mình. Những mong muốn trong quá khứ, đó có thể là ta của quá khứ. Nhưng khi đã trải nghiệm sự tủi hổ, lớn lên và vượt qua sự tủi hổ, ta cũng không thể chắc chắn con người trong quá khứ và những mong muốn đó là “bản chất thực” của chính mình. Sẽ có sự trộn lẫn và sự ổn định, cân bằng giữa bản chất của quá khứ (khi chưa trải nghiệm sự tủi hổ) và bản chất của hiện tại (đã trải nghiệm sự tủi hổ) để tạo ra một bản chất mới của riêng chúng ta. Có những việc luôn sẵn có, nhưng nó sẽ thực sự tồn tại khi chúng ta khám phá ra nó.
LỜI KẾT
“Sự tủi hổ” đến với mỗi đứa trẻ từ những ngày thơ bé qua lời dạy của cha mẹ. Tuy cảm xúc này bắt nguồn từ gia đình, những người mà trẻ con yêu thương và tin tưởng nhưng chúng ta không thể nào đổ hoàn toàn tội lỗi lên họ. Trẻ con có cuộc sống của riêng chúng, người lớn cũng vậy. Trẻ con vẫn yêu thương cha mẹ chúng, và cha mẹ chúng cũng yêu thương chúng. John Bradshaw đã từng trình bày trong sách của ông: “Tình yêu là liệu pháp trị liệu tâm lý tự nhiên”. Tôi không rõ nhà văn Nam Cao có biết được lý thuyết này trước khi ông viết nên truyện ngắn “Chí Phèo” hay không? Nhưng rõ ràng, qua “Chí Phèo”, ta thấy được một anh Chí từ một người nông dân chân thật biến thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Có phải “sự tủi hổ” từ những lời vu khống của Bá Kiến đã góp phần thay đổi bản chất thật của Chí. Tuy vậy, ta vẫn phải chấp nhận rằng “bát cháo hành” từ tình yêu của Thị Nở đã hóa giải được lời bùa chú trên người Chí Phèo, đưa Chí trở về với những ước mơ rất thực: “Có một cuộc sống nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ con lợn để nuôi, khá giả mua năm ba sào ruộng cấy.” Có lẽ đó là “bát cháo hành” vĩ đại nhất mà tôi từng biết.
Tình yêu, lòng nhân ái là điều có thể hóa giải mọi thứ phức tạp nhất mà tôi từng biết trong cuộc sống này. Trong quãng thời gian học Đại học, một sức mạnh khác để tôi có thể đối mặt với “sự tủi hổ” của chính mình còn là từ những người bạn mới của mình (mặc dù lúc đó tôi vẫn hay khăng khăng trong đầu sẽ không thân thiết với bất kỳ ai để bảo vệ chính mình). Điều mà tôi nhớ nhất đến bây giờ, đó là đợt hoạt động Mùa hè xanh khi tôi học năm nhất, vào một buổi chiều tôi được phân công rửa chén cho cả đội hình, có một cô bạn đã cầm ổ bánh mì ra cầm cho tôi ăn lúc tay tôi đang còn bẩn. Đối với riêng tôi, có những điều mãi không thể quên như thế, vì: Điều đó cảm hóa tôi.
“…Đối với tớ hiện thời cậu chỉ là một cậu bé hoàn toàn giống trăm nghìn cậu bé khác. Và tớ chẳng cần gì ở cậu. Và cậu cũng chẳng cần gì ở tớ. Tớ đối với cậu chỉ là một con cáo giống như trăm nghìn con cáo khác. Nhưng, nếu cậu cảm hoá tớ, chúng ta sẽ trở nên cần thiết cho nhau. Đối với tớ, cậu sẽ là duy nhất trên đời, đối với cậu, tớ cũng sẽ là duy nhất trên khắp thế gian này ...”  - Antoine de Saint-Exupéry
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trần Vân Anh - Hành nghề tự do