SỰ RA ĐỜI HỒI GIÁO (P2) – HÀNH TRÌNH QUÂN SỰ VĨ ĐẠI NHÀ TIÊN TRI MUHAMMAD
Muhammad là người sáng lập ra đạo Islam, được công nhận là một con người vĩ đại, có tầm ảnh hưởng trong thời kì Trung cổ ở Trung Đông....
Muhammad là người sáng lập ra đạo Islam, được công nhận là một con người vĩ đại, có tầm ảnh hưởng trong thời kì Trung cổ ở Trung Đông. Cuộc đời từ khi sinh ra đến giai đoạn trưởng thành và tới khi mất của Muhammad ảnh hưởng rất lớn tới đạo Islam. Trong những ghi chép của các môn đệ và trong cả giáo lý Coran thì đã chứng minh vai trò vô cùng to lớn của Muhammad trong việc hình thành đạo Hồi. Bản thân của Muhammad có hai yếu tố vô cùng thuận lợi cho tôn giáo phát triển, thứ nhất, mối quan hệ quen biết - họ hàng sâu rộng và thứ hai đó chính là trí thông minh và tố chất thiên tài về quân sự trong quá trình tổ chức quân đội đánh chiếm, giành lại thủ đô Mecca. Tuy nhiên, khi nhìn chung lại, sự tổng hợp của các thuận lợi đều xuất phát từ cá nhân chủ quan của giáo chủ tôn giáo, nhà lãnh đạo quân sự, nhà chính trị, người được gọi với danh hiệu tôn kính trong tôn giáo là nhà tiên tri (sứ giả của Allah tối cao) Muhammad.
Giáo chủ Muhammad
Muhammad sinh năm 570, xuất thân trong một gia đình quý tộc sa sút ở Méc-ca, theo ghi chép thì cha ông là Abdallah trước khi chết chỉ để lại cho ông có năm con lạc đà, đàn dê, một căn nhà một tên nô lệ. Khi lên 6 tuổi, ông mồ côi mẹ và phải sang ở với ông nội rồi sau đó 2 năm thì được một người chú Abu Talib nuôi nấng. Ông cũng là người thuộc bộ lạc Koraishite, từ bé được sự chăm sóc của ông nội và chú nhưng ông không để ý tới việc học hành mà chỉ tham gia hoạt động việc làm. Kể cả khi, giác ngộ để viết kinh Coran thì ông cũng không biết đọc, viết nhưng qua quá trình thực tiễn sâu sắc, kiến thức phong phú đã được khắc họa rõ nét trong tác phẩm hùng hồn đó.
Theo sử chép, khi ông 20 tuổi chú đã dẫn ông đi theo một thương đội buôn bán từ Bosta tới Syria và ông đã tiếp xúc với đạo Do Thái và đạo Cơ Đốc. Tới khi 25 tuổi, ông làm thuê tại nhà một bà quả phụ giàu có ở Méc-ca tên là Khadidja, thay bà buôn bán tới Syria. Với tài năng của ông, bà góa đã đem lòng yêu mến và kết hôn, từ đó cuộc sống của ông cũng trở nên giàu có, ổn định mở ra một bước ngoặt mới trong việc ngộ đạo và truyền đạo. Giai đoạn hôn nhân ban cho ông hai người con gái, nổi tiếng hơn là Fatima, và ông nhận nuôi Ali người con của chú Abu Talib. Ngày sau, Ali lại cưới Fatima dưới sự chấp thuận của Muhammad. Con nuôi Ali của ông đã tả ông là một người nghiêm trang, ít khi cười, nén được tinh thần trào phúng của mình. Bẩm sinh ốm yếu, ông hay giận dữ, buồn bực, dễ xúc động. Những lúc nổi giận đường gân của ông nổi lên một cách đáng sợ, nhưng ông biết ân hận, nén giận và có thể tha thứ ngay cho kẻ thù bị ông hạ. Trong giai đoạn sinh sống ở Méc-ca, Muhammed kết thân với một người gọi Khadidja là bác tên là Nawfal rất am hiểu Thánh Kinh của người Do Thái và người Ki tô giáo. Ngoài ra, ông cũng rất hay về Medina nơi cha ông qua đời và đã gặp nhiều người theo đạo Do Thái ở đó. Chính vì vậy, ông đã rất am hiểu đạo Do Thái và Ki tô giáo nhưng ông tán thưởng ý niệm nhất thần luận của đạo Do Thái và giáo lý của Kito.
Ông cũng nhận ra điểm hạn chế rằng sự sùng bái ngẫu tượng (vật thờ, hình ảnh) có tính chất đa thần, luân lý không nghiêm, chiến tranh thường xảy ra giữa các bộ lạc với nhau, tình trạng chia rẽ về chính trị của dân tộc Ả-rập. Chính vì thế, ông thấy rằng cần phải có một tôn giáo hoàn toàn mới, thể hiện đoàn kết, hợp nhất tất cả các tôn giáo nhỏ lẻ thành một bán đảo Ả-rập mạnh mẽ. Cũng chính từ bé ở bộ lạc Koraishite đã được biết tới quan niệm thờ vị thần chính là Allah mở đường cho tôn giáo độc thần. Từ đó, ông cũng đã biết tới trường phái “hanef”, đã từ bỏ sùng bái ngẫu tượng ở đền Kaaba và thuyết giáo rằng có một vị Thượng Đế làm chủ vũ trụ, ai cũng phải sẵn lòng thờ phụng ngài.
Dấu mốc mới khi ở tuổi 40 (năm 610), Muhammad trong tháng trai giới Ramadan, ông vào ở trang hang đá ở ngoại thành Méc-ca tại chân núi Hira trầm tư và tu luyện. Một hôm, Thánh Allah đã cử thiên sứ Yibrail đến truyền thụ Thần dụ và lần đầu tiên “khải thị” cho ông chân lý của Kinh Coran. Theo Muhammad ibn Ishak, người chép tiểu sử kĩ nhất của ông thì việc đó xảy ra như sau: [Trong khi tôi ngủ, chăn đắp một tấm phủ bằng gắm thêu trên đó có dòng viết những chữ gì đó, thì thánh Gabriel hiện ra, bảo: “này đọc đi!”. Tôi đáp: “Con không biết đọc”. Ngài dùng tấm phủ chăn đè tôi mạnh tới nỗi muốn nghẹt thở. Rồi ngài buông tôi ra, bảo: “Đọc đi!” .. Thế là tôi đọc lớn tiếng, sau cùng Ngài bỏ đi. Rồi tôi tỉnh dậy, và những chữ đó như khắc trong tim tôi. Rồi tôi bước ra ngoài hang, đi tới nửa đường trong núi, và nghe thấy có tiếng ở trên trời bảo tôi: “Này Muhammad, con là sứ giả của Allah và ta là Gabriel đây][1]. Từ đó, ông trở về kể với Khadidja và bà cũng chấp nhận sứ mệnh của ông và khuyên ông nên đi khai thị cho mọi người. Ông tự xưng là tiếp thụ sứ mệnh của Allah trao cho, bắt đầu truyền giáo đạo Islam (tiếng Ả-rập là thuận tòng). Bước đầu, ông chỉ truyền đạo tới những người bạn bè thân thiết và họ hàng, về sau tính lan truyền mở rộng của tâm lý đám đông và bắt đầu công khai thuyết giáo. Kể từ đó, số lượng tín đồ bắt đầu đông đảo và gây ra sự chú ý tới giới cầm quyền thành phố Méc-ca. Muhammad cũng rất khôn ngoan khi nắm bắt được tâm lý của thương nhân mong muốn vật chất thực tại và họ luôn mong muốn ít tốn kém tới Méc-ca thờ phụng đa thần thay vì một vị thần giúp họ buôn bán suôn sẻ. Chính vì vậy, Muhammad giải thích rằng nói theo tôn giáo Islam thì khi chết sẽ được đưa lên thiên đường thay vì xuống địa ngục. Ngoài ra, đối tượng truyền bá tôn giáo của ông của rất đa dạng, không phân biệt tầng lớp, giai cấp và cùng với tài năng hùng biện đã lôi kéo rất nhiều người theo đạo. Trong số những người theo tôn giáo của Muhammad đầu tiên đó là Abu Bekr, một người có địa vị trong bộ lạc Koraishite. Abu Bekr đã thuyết phục năm vị thủ lĩnh ở Méc-ca theo tôn giáo mới, Abu cùng với năm người trở thành “lục hữu – sáu người bạn” của nhà Tiên tri (Muhammad) sau này được tín đồ rất tôn kính. Sóng gió bắt đầu ập tới khi tôn giáo của ông đối diện với lợi ích của giới cầm quyền Méc-ca. Họ không chấp nhận một con người (Muhammad) xuất thân không có gì sáng giá, quyền thế không có gì hiển hách đứng lên vị trí cao trong tập đoàn tôn giáo tại điện Kaaba. Từ đó, các hoạt động của giới cầm quyền Méc-ca nhằm đả kích và bức hại Muhammad và giáo dân (Muslim).
Không chịu được lời gièm pha, năm 615, Muhammad cùng khoảng 101 tín đồ Hồi giáo đã rời khỏi Mecca. Đến thành phố Medina, ngày nay thuộc Ả Rập Saudi, ông được các tín đồ đón tiếp nồng nhiệt, trở thành lãnh tụ của phần đông người dân thành phố này. Thành công với vai trò là người truyền giáo, nhưng ít người biết rằng Muhammad cũng là thủ lĩnh quân sự kiệt xuất. Tại Medina, Muhammad dần dần thành lập một lực lượng chính trị kết hợp với tôn giáo. Muhammad thường xuyên tập kích các đội quân của Mecca, do đó chiến tranh giữa Medina và Mecca đã diễn ra nhiều lần. Năm 622, Muhammad tuyên bố thành lập nên nhà nước Hồi giáo đầu tiên trong lịch sử.[2] Năm ấy, Muhammad trốn sang Yathrib (sau đuộc đổi thành Madina nghĩa là thành phố tiên tri), nó được công nhận là sự kiện có ý nghĩa vô cùng lớn đối với giáo đồ Islam. Năm Muhammad trốn sang Madina (16 tháng 7 năm 622) được công nhận là kỷ nguyên của Hồi giáo chính thức bắt đầu. Sau khi sang Madina, Muhammad chỉnh đốn tổ chức tôn giáo vững chắc, củng cố thêm giáo đồ và xây dựng quân đội nhằm quay trở lại Méc-ca.
Khi ổn định ở Madina, ông bắt đầu giải quyết xung đột của các bộ lạc nhỏ lẻ nhằm thu phục nhân tâm. Ông đề xuất “Muslim là anh em”, giải quyết mâu thuẫn giữa những người cải đạo ở Madina và Méc-ca trốn chạy. Đặt ra “hiến chương Madina” xác định rõ những quy tắc nội bộ và đối xử với các tôn giáo khác như Do Thái giáo (đang chiếm đa số ở Madina). Với cách đối xử ôn hòa như vậy, Muhammad đang có uy tín vô cùng lớn nhờ vậy việc thực hiện những chính sách, cải cách, liên minh tôn giáo, quân đội hết sức dễ dàng. Trong tổ chức tôn giáo, Muhammad tổ chức vũ trang quân đội cho Muslim ở Madina dưới khẩu hiệu “chiến đấu vì Đạo của Allah”. Với quan niệm rằng, những người chết trận sẽ không phải thông qua ngày phán xét mà sẽ đi thẳng tới thiên đàng. Trong đó, vì một cuộc chiến trong đó liên minh của Muhammad, tín đồ Do Thái đã mắc sai lầm khiến mắc họa diệt vong. Từ đó, cuộc thanh trừng thế lực Do Thái ở Madina diễn ra rất tàn khốc khiến đạo Islam lớn mạnh hơn bao giờ hết. Kể từ khi thống trị hoàn toàn Madina, mục tiêu cuối cùng của Muhammad vẫn là Méc-ca. Bắt đầu có nhiều cuộc ngoại giao giữa Méc-ca và Madina thảo hiệp đình chiến và thừa nhận tôn giáo của hai bên như một tôn giáo chính thống và cho phép đạo Islam được về Méc-ca hành hương. Điều này khiến vị thế của đạo Islam có tầm ảnh hưởng ngang hàng với các tôn giáo lớn khác trên thế giới và trong bán đảo Ả-rập. Cuối cùng vào năm 630, một bộ lạc liên minh với Muhammad bị người Corai (ở Méc-ca) đánh chiếm. Nhờ vào lý do đó, cái cớ chính đáng khiến Muhammad phát động chiến tranh giành lấy thành phố Méc-ca. Chiến thắng thuộc về Muhammad, thủ lĩnh quý tộc Corai là Abu Sufyan chịu khuất phục và đã cải đạo sang Islam, thế lực ở Méc-ca suy yếu. Khi vào tới Méc-ca, Tiên tri Muhammad hét lớn: “chân lý đã tới đây rồi, hư vọng đã bị tiêu diệt, hư vọng quả thật là dễ dàng bị tiêu diệt”. Ông hạ lệnh phá bỏ toàn bộ ảnh tượng đa thần chỉ để lại phiến đá đen làm thánh vật triều bái của đạo Islam. Đến cuối cùng, vào mùa xuân năm 623 ông lãnh đạo cuộc triều bái tới Méc-ca cuối cùng – tín đồ gọi là cuộc “từ triều”. Sau đó Muhammad mắc bệnh là chết vào tháng 6 năm 623, sống được 63 năm.
Tóm lại, Muhammed do sự trải nghiệm thực tiễn xã hội cùng với việc nhận thức sâu sắc được tình hình xã hội tôn giáo trên bán đảo, đã có sự quan sát thực nghiệm đối với chứng bệnh của xã hội Ả-rập và yêu cầu của quần chúng lúc đó. Hơn thế, hòa mình vào biến cố của lịch sử để thúc đẩy cảm hứng đứng lên trên sân khấu chính trị - tôn giáo. Trải qua thời kì ngộ đạo và chuẩn bị, ông đã sáng lập ra một tôn giáo mới tên là Islam. Dưới ngọn cờ cách mạng tôn giáo, ông đã lãnh đạo và tổ chức quần chúng tiến hành một phong trào cách mạng biến đổi xã hội Ả-rập. Chính vì vậy, cuộc đời của Muhammad là tiền đề, nguyên nhân chủ quan dẫn tới sự ra đời của đạo Islam trên bán đảo Ả-rập.
Tổng quát lại, tiền đề ra đời của đạo Islam được hình thành, đan xen, biện chứng chặt chẽ từ hai nguyên nhân là khách quan và chủ quan. Đó là, bối cảnh bán đảo Ả-rập với những mâu thuẫn nội sinh và xung động với các nước lân bang. Cùng với đó là hệ thống tín ngưỡng đa thần phức tạp, sự chuyển biến xã hội sâu sắc khiến con người bị bần cùng hóa về thể xác. Từ đó, nhu cầu về giải thoát tâm hồn và mong muốn hòa bình ổn định trên bán đảo bắt đầu trở thành nhu cầu quan trọng đối với dòng chảy lịch sử của thời đại. Muhammad sinh ra trong giai đoạn đầy biến động của lịch sử nhưng chính như vậy con người ông đã dần thấu hiểu nhu cầu của thời đại và thúc đẩy một suy nghĩ sáng tạo về một tôn giáo có thể thống nhất, đoàn kết toàn bộ bán đảo Ả-rập. Từ lần giác ngộ giáo lý của Allah, Muhammad đã bắt đầu đi truyền giảng đạo được ông gọi là Islam và giáo đồ được gọi là các Muslim. Qua thời gian, tôn giáo Islam bắt đầu chiếm vị thế lớn trong thành phố Méc-ca nhưng bị áp bức phải chạy sang Madina. Tại đây, Madina (thành phố Tiên tri) chính thức trở thành nơi đầu tiên xác định sự tồn tại của đạo Islam ra đời. Năm 622, Muhammad tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo đầu tiên và thông qua ngoại giao với Méc-ca cũng được sự thừa nhận. Chính vì vậy, đạo Islam chính thức tồn tại vào năm 622 thông qua tự tuyên bố của Muhammad và được sự công nhận của các tôn giáo khác trên toàn bộ thế giới và bán đảo Ả-rập. Có thể nói, bối cảnh lịch sử của bán đảo Ả-rập và cuộc đời của Muhammad chính là hai tiền đề quan trọng hình thành nên đạo Islam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Will Durant, (2018): Lịch sử văn minh Ả Rập, Nxb Hồng Đức (bản dịch), trg.34.
[2] TNL, (2020), “Đế chế Hồi giáo – từ bộ lạc du mục trở thành đế chế hùng mạnh”, https://thanhnien.vn/van-hoa/de-che-hoi-giao-tu-bo-lac-du-muc-tro-thanh-de-che-hung-manh-1268019.html
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất