Tác dụng của vaccine là gì?
Nói một cách đơn giản: Vaccine chuẩn bị cho cơ thể bạn chống lại bệnh tật trước khi căn bệnh thực sự xảy ra. Nếu thông thường vaccine là chế phẩm sinh học dùng để phòng các bệnh trên cơ thể vật lý, thì đối với các triết gia khắc kỷ - Vaccine “Stoicism” dùng để phòng bệnh “tinh thần”, bao gồm trong đó như cảm xúc tiêu cực.
Ở thời đại ngày nay, nơi mà cuộc sống đầy chênh vênh, đủ thứ hỗn loạn từ những khủng hoảng kinh tế, thiên tai, cho tới dịch bệnh COVID-19 đã và đang xảy ra cho thế giới chúng ta. Sự lây lan của virut nhanh tới đáng sợ, dẫu cho con người ta còn đang hoang mang, lo lắng, đau khổ khi chính nó đã cướp đi sinh mạng của biết bao người ngoài kia. Đành là những bệnh nhân COVID đã có vaccine của nhà nước lo, vậy những người mất tất cả, không chỉ là người thân mà cả tài sản, sự nghiệp – họ là những người ở lại chiến đấu từng ngày với sự tuyệt vọng, đau đớn, làm sao để họ vượt qua? Và tất cả chúng ta nên nhìn nhận những điều đang diễn ra với một góc nhìn, thái độ như thế nào? Với góc nhìn của tôi, chủ nghĩa khắc kỷ chính là “Vaccine” cho những điều đó. Bạn có thể sử dụng vaccine nhưng cần đủ và đúng liều.
<i>Hãy sử dụng Vaccine Stoicism đúng và đủ cho chính cuộc đời bạn</i>
Hãy sử dụng Vaccine Stoicism đúng và đủ cho chính cuộc đời bạn
Liều thứ nhất: Chấp nhận và chào đón bất cứ điều gì xảy ra
“Hãy chấp nhận những điều mà số phận đã sắp đặt, đồng thời yêu thương những thứ mà định mệnh đưa đến bên ta. Tuy nhiên, hãy làm điều đó bằng tất cả trái tim mình.” - Marcus Aurelius.
Đối với nhiều người, chủ nghĩa khắc kỷ (Stoicism) là một cụm từ ẩn dụ cho những người lạnh lùng, có phần nguyên tắc và khắt khe. Nhưng bạn biết không, chủ nghĩa khắc kỷ có thể dạy chúng ta rất nhiều điều về sức bật tinh thần của mỗi cá nhân. Nó nhắc nhở chúng ta về sự khó lường của thế giới và sự ngắn ngủi của cuộc sống. Đó là một lời nhắc nhở hữu ích để chúng ta thấy cần phải kiểm soát bản thân, phải mạnh mẽ và kiên định, không đánh mất chính mình trong những ảo tưởng hão huyền hoặc ngã khuỵu trước những thay đổi bất ngờ. Các Stoics đã sử dụng một công cụ cho tâm trí của họ - theo một nghĩa nào đó, họ đã tự tiêm vắc-xin cho cuộc đời mình. Họ chuẩn bị tinh thần cho những tất cả mọi thứ xảy ra.
Đâu có ai mong muốn điều xấu xảy ra với mình, nhưng hãy suy nghĩ xem cái gì dễ thay đổi hơn: sự kiện đó hay suy nghĩ của chính mình. Câu trả lời rất rõ ràng. Sự kiện nằm trong quá khứ và không thể thay đổi, nhưng suy nghĩ của chúng ta thì hoàn toàn có thể. Mọi thứ thì nói luôn dễ hơn là làm, bất cứ điều gì muốn đạt được cũng cần thời gian rèn luyện và kiên trì. Tôi đã bắt đầu với niềm tin rằng, chúng ta có thể chấp nhận những gì đã xảy ra và thay đổi mong muốn của mình rằng nó đã không xảy ra. Chủ nghĩa khắc kỷ gọi đây là nghệ thuật chấp nhận thay vì chiến đấu với mọi thứ nhỏ nhặt. Không những thế, các triết gia khắc kỷ còn thêm một bước tiến mới - thay vì chỉ đơn giản là chấp nhận, họ sẽ tận hưởng những gì xảy ra, bất kể đó là gì. Có một chút không tự nhiên khi cảm thấy biết ơn về điều mà chúng ta không bao giờ muốn xảy ra đúng không? Điều giúp ích là đây: tất cả mọi thứ xảy ra đều là những chuyện cần xảy ra và chúng đều có lí do cả. Ở thời điểm đó, có thể bạn đau khổ, vùng vẫy nhưng điều bạn nên làm là ngừng chiến đấu với bất cứ điều gì, nó xảy ra để phục vụ bạn vì một mục đích nào đó. Cuộc sống của bạn dù mang bao thăng trầm cùng những biến cố bất ngờ nhưng đã khiến bạn trở nên tốt đẹp hơn, đưa bạn đến với những điều lớn lao hơn. Với thái độ bình tĩnh khắc kỷ (stoic calm), bạn sẽ hành động theo đức hạnh và không gì có thể khiến bạn lạc lối.
“Hãy yêu những gì đã xảy ra với chúng ta, những điều đã được định sẵn là của mình. Không có sự hài hoà nào lớn hơn điều đó.” - Marcus Aurelius.
Liều thứ 2: Thực hành bất hạnh và thay đổi cái nhìn về mất mát
Những người Stoics đã tự rèn luyện để duy trì sự bình tĩnh và tự do khỏi những đau khổ về mặt cảm xúc khi đối mặt với những điều bất hạnh bằng cách thường xuyên hình dung và chuẩn bị đối phó với chúng từ lâu. Dù nó không có khả năng xảy ra, và có rất nhiều điều họ có thể làm về nó, nhưng họ sẽ chuẩn bị tinh thần và có thể có một kế hoạch dự phòng. Hãy nhìn xem, dự đoán của chúng ta về những điều tồi tệ sẽ xảy ra không làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng để chịu đựng, nhưng nó giúp chúng ta sẵn sàng đối mặt thay vì bất ngờ về nó.
Sự thật là, khác biệt lớn nhất giữa bình yên và căng thẳng chính là thái độ. Đó là cách bạn nhìn nhận sự việc như thế nào và cách bạn quyết định thực hiện nó. Thái độ và cách nhìn nhận về sự mất mát là một bài học cần thiết cho người Stoics thực thụ. Câu chuyện về Triết gia khắc kỷ Epictetus kể rằng khi ông bị trộm lấy mất cái đèn kim loại trước nhà, thay vì chửi mắng tên trộm, ông nhận thấy rằng mất một cái đèn không tổn hại quá nhiều đến ông. Nhưng tên trộm thì khác, hắn đã phải đánh đổi cả phẩm cách con người cho việc trộm đồ. Vậy là hôm sau ông đi mua một cái đèn đất nung rẻ hơn và bỏ qua mọi chuyện. 
“Có lẽ anh bực mình vì một kẻ xấu ăn cắp những vật dụng của mình. Nhưng tại sao anh lại quan tâm về chuyện ai đã trả lại cho đời, cái mà đời đã ban cho anh?”- Epictetus.
<i>Triết gia Socrates</i>
Triết gia Socrates
Liều thứ 3: Tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát và thực hành chánh niệm
Chúng ta không thể kiểm soát tất cả mọi thứ, đặc biệt là theo ý muốn của mình. Hãy nhớ rằng trong cuộc sống, không có điều gì là chắc chắn – bạn chẳng thể biết chính xác tương lai sẽ mang đến điều gì. Nếu bạn ra sức kiểm soát các vấn đề nằm ngoài khả năng, điều bạn nhận lại có thể là sự chán nản, thất vọng và thậm chí là nghi ngờ chính bản thân mình. Có ích gì khi cứ lo lắng về một thứ mà bạn không thể kiểm soát được, đúng không? Hay cảm thấy tức giận vì một kết quả mà không phải do mình gây ra? Làm vậy chỉ khiến cho bạn đang tự gây ra tổn thương cho chính mình và làm ảnh hưởng đến sự hạnh phúc và an tĩnh của bạn. Thay vào đó, chúng ta hoàn toàn có thể tập trung năng lượng vào những điều nằm trong tầm kiểm soát.
Epictetus cho rằng: ‘Có một số thứ ta có thể kiểm soát được và số khác thì không. Thứ ta có thể kiểm soát là cách nhìn nhận, động lực, mong muốn, cảm giác khó chịu và năng lực tư duy của ta nói chung; thứ ta không thể kiểm soát bao gồm thân thể, tài sản vật chất, danh tiếng, địa vị – nói chung là bất kỳ thứ gì không nằm trong quyền kiểm soát của ta… Nếu bạn có nhận thức đúng đắn về điều gì thật sự thuộc về mình và điều gì không, bạn sẽ không bao giờ làm nô lệ cho quyền lực hay đầu hàng trước thử thách, bạn sẽ không bao giờ đổ lỗi hay chỉ trích bất kỳ ai, và bạn sẽ hành động với một ý chí độc lập. Bạn sẽ không có lấy một kẻ thù, không ai có thể làm bạn tổn thương, bởi bạn không cho phép điều đó xảy ra.’
Chúng ta không thực sự sở hữu thứ gì cả nhưng không bao giờ quá muộn để thay đổi thái độ của bạn về một thứ gì đấy mà bạn không thể thay đổi. Đừng quá dính mắc vào mọi thứ, vì rốt cuộc chúng không quan trọng đến thế đâu. Cái áo thun mà bạn yêu thích ư? Chỉ là một miếng vải. Bộ sưu tập tem mà bạn đã sưu tầm thì sao? Chúng cũng chỉ là những mảnh giấy nhỏ... Các nhà Khắc kỷ còn đi xa hơn. Họ nói rằng, bạn đừng quá gắn bó với những người thân yêu của bạn. Epictetus khuyên: “Khi bạn hôn đứa con hay người vợ của bạn, hãy nhắc điều này với bản thân: ‘Tôi đang hôn một con người trần tục sắp chết.’ Mọi sự là vô thường và những người ta quan tâm có thể bị cướp khỏi chúng ta một cách đột ngột mà không hề báo trước. Vì vậy, ‘nếu bạn hôn vợ hay con, hãy nhớ họ cũng là con người, dù quý giá đến mấy họ cũng sẽ không thể tồn tại vĩnh viễn…’. Đó cũng là minh chứng để bạn thay đổi góc nhìn về cái chết. Sau tất cả, điều chúng ta có thể tận hưởng ngay bây giờ chính là khoảnh khắc này, trân trọng những phút giây bên cạnh những người thân hay thậm chí là cái cây, thú cưng của bạn.
“Không có gì có thể thực sự bị lấy đi từ anh. Không có gì để mất. Bình an nội tâm bắt đầu khi, về những sự thể, chúng ta ngừng nói: “Tôi đã mất nó”. Thay vào đó hãy nói: “Nó đã được trả về lại nơi nó đến”. Con anh chết? Chúng được trả lại. Vợ anh chết? Nàng được trả lại. Những vật sở hữu và tài sản của anh bị mất đi? Chúng đã được trả lại.” - Epictetus
Chủ nghĩa khắc kỷ cũng có những điểm trùng với triết lý đạo Phật như ‘chánh niệm’. Nó có nghĩa là quên hết tất cả những chuyện đã xảy ra trước đây nhưng không quên bài học mà bạn đã nhận ra và chỉ sống với hiện tại ở đây và ngay bây giờ, điều đó thực sự có thể giúp bạn tập trung vào điều quan trọng và cần thiết.
“Every hour focus your mind attentively…on the performance of the task in hand, with dignity, human sympathy, benevolence and freedom, and leave aside all other thoughts. You will achieve this if you perform each action as if it were your last…”
“Từng giờ, từng phút bạn chú tâm vào việc mà bạn đang làm hãy làm chúng với phẩm giá, sự đồng cảm, lòng nhân từ và sự thoải mái của mình, và bỏ qua một bên những suy nghĩ của kẻ khác. Bạn sẽ nhận lại được nó nếu bạn coi như đó là lần cuối của mình...”
Trên thực tế, nếu bạn hiểu rõ rằng mối liên kết giữa hoàn cảnh bên ngoài và hạnh phúc của chúng ta thực chất chỉ là mỗi liên kết lỏng lẻo, thì việc biến cuộc sống tốt đẹp trở thành mục tiêu có thể đạt được thông qua triết học khắc kỷ. Điều đó còn vượt qua cả các tầng lớp xã hội - bất kể bạn giàu hay nghèo, khỏe mạnh hay ốm yếu, được giáo dục tốt hay không. Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ là bằng chứng sống động cho thấy việc một người bị đày ra đảo hoang và vẫn hạnh phúc hơn kẻ sống trong cung điện, là một điều hoàn toàn khả thi. Tất cả chúng ta chịu trách nhiệm về sự phát triển của chính mình. Một cuộc sống tốt đẹp phụ thuộc vào sự phát triển phẩm chất, lựa chọn và hành động của một người, chứ không phụ thuộc vào những gì xảy ra trong thế giới không thể kiểm soát xung quanh chúng ta. Vì vậy, hỡi những người bạn đồng triết lý sống khắc kỷ của tôi ơi, đây chính là khía cạnh tuy khó nhưng rất hấp dẫn của chủ nghĩa khắc kỷ - chúng ta phải chịu trách nhiệm và bỏ đi mọi lý do bào chữa cho việc chúng ta không sống một cuộc sống tốt nhất có thể. Hãy cùng tôi - chúng ta cùng thực hành và chiêm nghiệm những triết lý sống của chủ nghĩa khắc kỷ hàng ngày bạn nhé!