“ Tôi thấy ngàn lá non xanh, ngàn lá đã thành, ngàn lá rơi đọng, hạnh phúc nằm trong…”

Ta là lá

Trước sân nhà tôi là hàng cây xà cừ to sầm đùng, cành lá sum xuê, thân xám tro, chai ráp. Người ta không biết mấy gốc cây đó đã bao tuổi rồi nữa.  Mùa gió yên nắng nhẹ, lá xanh um che cả bầu trời. Khi gió trở mưa nhiều, từ trên cao lá xanh lá vàng chen chúc nhau lao chao rơi nghiêng, kín mặt đường. Nhiều hôm giông lớn, lá sợ, lá không rơi nghiêng, mà bị trút thẳng xuống như thiên la. Lá như người thời này, người như lá thời phải rụng.
Ông trời khóc nhiều quá mấy nay. Hôm kia tôi thức sớm hơn bình thường, nhưng vẫn như một thói quen cố hữu là phải với tay lấy chiếc điện thoại kiểm tra xem có tin gì mới sau một đêm. Bởi chỉ một đêm thôi, sáng ra ngủ dậy thì thời thế hoặc cuộc đời 1 người nào đó đã xoay vần rồi. Thật  như  vậy, tôi được tin bạn cùng ngành của mình đã ra đi vì đột tử, người mà trước đó mấy tiếng còn đăng cái trạng thái nói về chuyện nghề. Tôi thẩn người một lúc lâu, có thứ cảm giác đột ngột vây chiếm lấy mình, thứ mà tôi không dùng bằng lời diễn tả được. Bởi nó pha lẫn sự tiếc nuối và một chút chiêm nghiệm, kéo theo sau là chuỗi cảm xúc biết ơn và hạnh phúc vô hạn. Tôi đang nằm, tôi đang ngồi, tôi đang đứng, tôi đang thở, tim tôi đang đập. Tôi còn ở đây! Ở đây cho những người thương của tôi, và cho cả tôi nữa.
Nhiều năm tìm kiếm những thứ triết học cao siêu, tôi thấy mình bị kẹt trong một cái hang  tối rồi tự lấy đá lấp kín chính mình. Và điều kỳ diệu là khi tôi ngồi lại trong hang tối ấy, không còn cựa quậy nữa, buông bỏ hết các mớ suy nghĩ qua lại nọ kia, lòng thấy bình an đến lạ. Có thứ cảm giác hạnh phúc mà không nghĩ về quá khứ, cũng không lo lắng đến tương lai, chỉ cần trọn vẹn trong phút giây này. Hiện tại là một món quà như nhiều người hay nói, món quà này ai cũng được tặng và được có. Nhưng không nhiều người xem trọng nó. Để rồi khi chứng kiến một người thân qua đời đột ngột, người ta mới bắt đầu mở món quà và thầm biết ơn Tạo hóa. Khi một người bắt đầu dừng lại, anh ta bắt đầu thấy sự sống chảy tràn qua hiện tại, trong thân cây nhựa sống đang tuôn trào, trên những mầm non lá đang xanh mơn, cả trong những chiếc đang rơi cũng hứa hẹn một sự hòa hợp với đất. Và chờ đợi cuộc tái sinh mới. Anh ta có thái độ khác hơn với lẽ sống chết. A! Đây chính là thứ triết học cao siêu nhất rồi, tìm thấy bản thể của mình hòa vào với vũ trụ làm một. Thứ triết học dung dị, thấy an vui trong hiện tại dầu nghịch cảnh có xảy đến. 
Sự diễn tiến của nhân loại hàng ngàn năm qua cũng có thể thâu gọn lại như đời sống của lá. Lá nói điều gì về vô thường và dạy ta tập sống chấp nhận. Lá yêu gió những lúc gió thổi hây hây làm vui lao xao. Lá cũng tập yêu cả gió những lúc gió như giông, dù lá vẫn sợ. Những nguy biến của thời cuộc trong lịch sử loài người cũng nhiều như gió. Con người không cần yêu những nguy biến ấy như lá yêu gió, nhưng tập hòa mình vào nguy biến để làm thành cái tâm bất biến an nhiên là một điều đáng làm.
Ảnh bởi
Chris Lawton
trên
Unsplash

Triết học phương Đông

Triết học cũng nên đưa vào cuộc sống để giải quyết nỗi lo sợ cái “ Vô thường” của loài người hơn là dùng để tranh luận đúng sai. Khác với nhiều truyền thống triết học phương Tây, cố đi tìm những chân lý vũ trụ thông qua các sự vật hiện tượng bên ngoài bằng những phân tích logic, truyền thống triết học phương Đông khuyến khích người ta đi tìm vào bên trong bằng trực giác, bằng lý lẽ con tim và bằng sự rỗng lặng tuyệt đối được gọi là Giác Ngộ (Enlightentment). Bên trong chính là hiện tại, là ngay lúc này đây. Triết học của phương Đông thường khuyến khích các môn sinh chú trọng vào thực hành nhiều hơn qua thiền định. Ít khi nào một vị hiền triết diễn tả bằng lời, chỉ khi thật sự cần thiết.
“Hãy để tâm vào yoga, làm việc của bạn, hỡi người giàu có (Arjuna), bỏ đi những vướng bận, với một đầu óc trung dung trong cả thành công và thất bại, bởi vì sự trung dung của đầu óc được gọi là yoga"
– Karma Yoga
Còn  câu chuyện khác của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – một nhân vật có thật, được xem là nhà hiền triết giữ tầm quan trọng  trong triết học phương Đông và là một nhà thực hành triết học vĩ đại từng cầm một bông hoa và giơ trước các học trò rồi mỉm cười nhẹ. Tuyệt nhiên trong số đó chỉ có một đệ tử hiểu được Ngài muốn truyền đạt điều gì. Sau này, người ta gọi đó là tích chuyện “Niêm hoa vi tiếu”.  Vì sao Ngài không dùng lời để diễn đạt như mọi ngày? Có những thứ chân lý, người ta không nên nói ra, nói ra thì thành phân biệt, trong phân biệt có đúng có sai, có các cặp phạm trù, mất đi tính toàn vẹn. Một ngày nào đó nếu ta đặt những quyển sách triết học  xuống, và thực hành đi tìm yoga hay đóa hoa của Đức Phật bằng cảm nhận, bằng sự ngưng đọng, chợt thấy thứ chân lý hiển lộ không còn nghĩa lý nữa. Điều gì đã làm cho vị vua Tây phương bất bại Alexander thay đổi trở thành người trầm mặc sau khi vượt qua dãy Himalaya đến Kashmir (Bắc Ấn ngày nay) rồi tay không trở về? Dầu cho người thầy kiệt xuất Aristotle trước đó đã dạy dỗ ông hết thảy triết lý phương Tây nhưng vẫn không thể làm xoay chuyển tâm hồn ông mạnh mẽ như vậy?
Niêm hoa vi tiếu
Niêm hoa vi tiếu

Triết lý bằng thiền định

Trước đại dịch, tôi làm ở lĩnh vực du lịch, được một may mắn là có thể tháp tùng một đoàn Phật tử qua Bhutan để tham quan và chiêm bái. Trong mắt nhiều nhà nghiên cứu triết học và khoa học thực nghiệm, Tây Tạng và các nước lân cận là cái nôi của thứ triết lý khó chấp nhận nhất thế gian. Nhiều trong số các triết lý bí mật ấy lạ lùng đến nỗi nó bị gán là mê tín, huyễn hoặc, điên rồ. Trong chuyến đi tôi được hướng dẫn thiền định đơn giản. Năm phút đầu tiên trong đời thực hành theo vị Lạt Ma, tôi đã có được thứ cảm giác không tài nào diễn tả nổi, điều đó gây ám ảnh cho tôi tới mãi sau này. Khi tôi bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến triết lý Phương Đông, tôi tìm xem các sách vở của các tôn giáo như đạo Hindu với các trước tác lâu đời của người Ấn: Veda, Bhagavad Gita,… cho đến đạo Phật: bộ Trung Quán Luận của ngài Long Thọ, hay  Duy Thức Học của các hiền giả Vô Trước, Thế Thân,… Với tư cách không phải là kẻ thần học, tôi xem xét cẩn trọng các triết luận của tiền nhân, mặc dù chỉ hiểu được rất ít lời họ nói. Tôi bắt đầu đem chút ít triết lý mà mình hiểu được tranh luận hơn thua với người khác, lên điều chỉ dạy họ sao cho đúng. Tôi thành kẻ cuồng đạo hăng máu trong mắt người ta. Một hôm tôi đến hỏi thầy mình một số điều chưa tỏ, thầy bảo tôi bỏ hết sách vở xuống và tiếp tục chiêm nghiệm chân lý bằng con tim, đừng dùng lý lẽ hạn hẹp của mình suy đoán. Con hãy tìm nhưng đừng cố, hãy đi nhưng đừng cầu.
Biết đâu được, khi đến với vùng Văn minh Indus, Alexander hẳn đã bị thuyết phục bởi những lý lẽ giản dị, thuần khiết từ những người áo vải đơn sơ ấy?

Vén tấm màn ảo tưởng triết học - Ai là người đã lừa anh?

Dạo gần đây, tôi thấy nhiều bạn trẻ có căn bản triết học, họ tham gia tranh luận phản biện về mọi thứ trên đời, kể cả phân tích đến tính đúng sai trong giới “drama showbiz”. Người ta tạo nên drama cho họ, họ tự tạo drama giữa các luồng suy nghĩ cho mình, đến quên ăn, quên ngủ, và quên sống thực. Họ tranh luận rất sắc bén, rất thuyết phục, nhưng không thể tự giải quyết được sự mắc kẹt trong tư tưởng của chính mình. Họ lạm dụng mù quáng nhiều thứ chủ nghĩa quá đến nỗi không biết được lối ra.
Tôi xin lạm bàn về tác phẩm đã đạt giải Nobel Văn học của nhà văn Sienkievich – Đioklex để tạm dừng bút, đây là câu chuyện kể về vị vua trẻ tuổi tài ba Đioklex từ bỏ ngai vàng đi tìm chân lý tối thượng. Chàng cầu xin nữ thần Athena dẫn dắt cho mình được gặp Nữ thần Chân Lý và vén bức màn u minh để chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy:
“…Rồi cuối cùng cũng đến một đêm huyền thoại vĩ đại nhất, đêm đó Nữ thần Athêna nắm lấy tay Đioklex bay lên trên chín tầng trời và đặt ông xuống trước mặt Nữ thần Chân lí. - Hãy nhìn đi, - bà bảo, - Nữ thần đang cháy và đang chiếu sáng rực rỡ. Nhưng trước khi ngươi vươn tay ra lần cuối cùng hãy nghe những lời ta sắp nói đây đã. Những tấm vải che mà suốt ngần ấy năm qua đã rời khỏi tay ngươi như những con thiên nga, đó chính là những ảo tưởng của đời ngươi. Nếu ngươi hối tiếc điều ảo tưởng cuối cùng, nếu nỗi sợ hãi đang tràn ngập trái tim ngươi, thì hãy lùi lại khi hãy còn thời gian, ta sẽ mang ngươi khỏi tầng trời cao vời vợi này, để người có thể cùng mọi người sống nốt những ngày còn lại của đời mình bên dưới kia. - Cả cuộc đời tôi đã hiến dâng chính cho một phút giây này ! - Đioklex kêu lên. Rồi chàng tiến lại gần pho tượng đang cháy sáng, tim đập dồn dập, nheo mắt, tay run run túm lấy tấm vải che cuối cùng, giật mạnh nó và ném ra phía sau lưng. Nhưng đột nhiên xảy ra một điều gì đó thật khủng khiếp.Đúng vào giây phút ấy, dường như có sét đánh thẳng vào mắt Đioklex, và một màu đen kinh khủng bao trùm, đen đến nỗi so với đêm tối đen nhất dưới địa ngục Hadex cũng vẫn là một ngày sáng trời. Trong đêm đen đặc đó nó vang lên tiếng kêu đầy nỗi kinh sợ không thể diễn tả và nỗi đau đớn vô bờ của Đioklex. - Hỡi Athêna ! Athêna ơi ! Sao chẳng có gì hết dưới tấm màn che cuối cùng, sao tôi chẳng thấy gì cả ? Đáp lại tiếng kêu tuyệt vọng đó là những lời nghiệt ngã của Nữ thần: - Đôi mắt ngươi đã mù trước ánh sáng của Nữ thần Chân lí và ảo tưởng cuối cùng của ngươi đã bay đi rồi, ảo tưởng rằng một kẻ người trần mắt thịt có thể nhìn thấy Chân lí không có màn che. Im lặng bao trùm. - Người lừa phỉnh những kẻ đặt lòng tin Người ! - Đioklex rên lên - và Người đã lừa phỉnh cả tôi, hỡi vị Nữ thần độc ác và dối trá. Nhưng nếu như chẳng bao giờ tôi được nhìn thấy Nữ thần Chân lí cao cả, xin làm ơn hãy gửi thần Chết đến giải thoát cho tôi.”
Ai là người đã lừa anh ta chứ? Không phải là Nữ thần Chân lý, mà chính anh ta tự lừa mình bằng lòng tham, sự ảo tưởng cuối cùng - tấm màn che mang tên” Khao khát Chân lý”.
Cũng là nỗi đau của những kẻ rong ruổi đi tìm bản chất triết học bằng sự vô thường của mình.