BÀI DỰ THI : Hành trình 1700 ngày để tìm kiếm một triết lý sống cho cuộc đời
Nếu ai hỏi mình triết học là gì và làm thế nào để bắt đầu tìm hiểu và thực hành triết học thì mình sẽ để dành câu trả lời ở cuối bài...
Nếu ai hỏi mình triết học là gì và làm thế nào để bắt đầu tìm hiểu và thực hành triết học thì mình sẽ để dành câu trả lời ở cuối bài biết này. Còn bây giờ mình muốn kể một câu chuyện khá dài của chính bản thân mình trong quãng thời gian đi tìm ý nghĩa của triết học và xây dựng một triết lý sống riêng cho chính mình.
Mọi việc bắt đầu vào những ngày đầu tiên của tháng 8 năm 2016, gần như trong cùng một khoảng thời gian từ tháng 8 tới tháng 11 với những gì mình đã nỗ lực để có đều lần lượt sụp đổ như những quân cờ domino. Khi nghĩ lại thời điểm trước đó cùng 5 năm nỗ lực, nhiều hôm mình ở lại công ty tới 11 giờ đêm để có thời gian làm việc và lại về nhà thức tới 3,4 giờ sáng, tranh thủ từng giây phút một để đi càng nhanh càng tốt. Thành công và sự vĩ đại đã ám ảnh mình trong những ngày tháng làm việc điên rồ ấy.
Với rất nhiều cố gắng và nỗ lực như thế vậy mà trong năm 2016 ấy, mình cũng không thể tưởng tượng nổi được sẽ có thời điểm mình đã để tất cả tuột khỏi tay mà chẳng có một hành động níu kéo hay cứu vãn gì cả. Nhưng mình có lý do để làm như vậy. Mình đã có một quyết định mà mình có thể nhận định rằng: đó chính là lần thứ hai mình đã làm điều đúng đắn trong cuộc đời này.
1 NĂM CỦA NHỮNG SỰ SỤP ĐỔ VÀ TÌM KIẾM MỘT TRIẾT LÝ CHO CUỘC ĐỜI MÌNH
Thật khó thể chấp nhận rằng từ năm 2012 trở đi, mình đã liên tục duy trì ít nhất hai công việc trong một lúc để kiếm tiền khởi nghiệp mà tháng 10 năm 2016 mình lại là một người thất nghiệp ở độ tuổi 27.
Dù cho trước thời điểm đen tối ấy, luôn có những lời đề nghị hấp dẫn (tới bây giờ vẫn vậy) nhưng vì những lý do nào đó, mình đã từ chối tất cả ngay khi trong thời điểm mình vẫn còn một món nợ lớn sau khi khép lại startup. Để kiếm tiền bắt đầu và duy trì startup – công ty công nghệ khởi nghiệp của cá nhân mình, thì mình đã làm những điều mà mình có thể mô tả là liều mạng và điên rồ khi bất chấp sức khoẻ và những niềm vui. Có thời gian đỉnh điểm nhất là mình làm việc toàn thời gian ở hai công ty, một offline và một online cùng vị trí cộng tác viên cũng toàn thời gian của một công ty truyền thông từ 7 giờ sáng cho tới 23 giờ đêm kể cả thứ Bảy và Chủ Nhật.
Vì những lý do khác nhau như công ty mình gắn bó 5 năm giải thể vì giám đốc muốn ổn định gia đình và kế hoạch kinh doanh khác, với chỗ làm online thì bên đó tái cơ cấu nên cắt giảm nhân lực nên mình cũng được cho nghỉ luôn. Công việc cộng tác viên thì mình với trưởng phòng marketing bên đó mâu thuẫn trong cách làm việc nên một tuần sau mình nhận được thông báo đã có người khác thay thế mình.
Tiếp theo là startup công nghệ của mình duy trì gần 2 năm gặp những vấn đề về kỹ thuật, vốn và quan trọng nhất là nhân lực. Kỹ thuật hay vốn mình có thể kiểm soát được nhưng nhân lực tốt cứ lần lượt ra đi vì những lý do mình không thể níu kéo được. Có bạn được công ty bên Mỹ chào mời với mức lương khởi điểm lên đến hơn 5 nghìn đô. Có người anh em qua Úc học lấy bằng Master và mở công ty game vốn là mơ ước của cậu ấy. Mình vẫn duy trì startup cho tới tháng 12 đồng thời tìm kiếm thêm những con người mới. Có vài bước tiến triển có thể dẫn tới một viễn cảnh tốt đẹp hơn trong thời gian tới, nhưng mình vẫn quyết định khép lại startup, chấm dứt hơn 2 năm hoạt động.
Cuối cùng là những bản thảo văn học, dù bận tới đâu mình vẫn sắp xếp thời gian để viết trong mấy năm qua luôn bị từ chối không biết bao nhiêu lần. Thậm chí có vài nhà xuất bản trả lời email rằng những gì mình viết không có một chút ý nghĩa văn chương nào. Tính trên sự hiệu quả và giá trị đem lại thì việc đầu tư vào văn học là lĩnh vực mình nhận được ít nhất từ những công việc mình đang làm. Nhưng cùng với việc tìm kiếm một triết lý sống thì đó lại là công việc mình vẫn làm cho đến bây giờ. Nói chính xác thì việc viết và triết lý đối với mình là một, mỗi thứ bổ sung cho nhau và không thể tách rời như nước và không khí vậy.
Và để tìm kiếm một triết lý mới cho những năm tháng tiếp theo, mình chấp nhận tất cả những sự sụp đổ này, dù đó là những gì mà hơn 5 năm cố gắng với nhiều ngày thức đêm và lễ Tết cũng không dừng lại. Nhưng mình không sợ hãi và đổ lỗi cho hoàn cảnh hay cho bất cứ lý do nào cả. Mình nhận hết mọi trách nhiệm và lỗi lầm về mình một cách bình thản. Sẽ có ai nói rằng thật khó để chấp nhận tất cả những điều này và mình đang giả tạo tự lên dây cót tinh thần cho bản thân. Nhưng mình thực sự bình thản để bắt đầu lại từ đầu việc tìm kiếm một cái gì quan trọng với bản thân mình trước tiên từ nền móng của những sự sụp đổ.
CON ĐƯỜNG MÌNH ĐÃ CHỌN ĐỂ TÌM KIẾM MỘT TRIẾT LÝ
Vào một buổi sáng đầu tháng 8 năm đó, ngay trước khi một chuỗi những sự sụp đổ xảy ra thì có hai bạn Sales của một công ty phần mềm chuyên về bán hàng, kiểm kho đến công ty mình đã làm việc được gần 5 năm giới thiệu sản phẩm. Đó là thời điểm trước khi công ty công bố giải thể vào 2 tháng sau đó. Trong khoảng thời gian này mọi thứ vẫn bình thường, thậm chí là với một nhịp điệu ổn định như thể việc giải thể sẽ còn lâu mới xảy ra.
Khi giám đốc công ty mình tiếp chuyện với hai bạn kia trong phòng làm việc chính, lúc ấy mình vẫn đang ngồi ở đó vẫn chuyên chú đọc và ghi chép lại những ý chính trong cuốn Từ không đến một của Peter Thiel với nội dung chính là nêu ra những lý do cốt lõi liên quan đến việc thành công và thất bại của startup đến từ đâu. Tất nhiên đó chỉ là một trong những cuốn sách liên quan đến khởi nghiệp và kinh doanh mình đặt ở trên bàn. Đối với một người không chỉ đọc mà còn trực tiếp thực hiện một startup công nghệ, thì còn có những cuốn khác mình đã đọc trước đó như Từ tốt đến vĩ đại, Vĩ đại do lựa chọn, Khởi nghiệp tinh gọn và đặc biệt là tiểu sử của Steve Jobs và Elon Musk, hai con người sáng tạo và có tầm nhìn ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới công nghệ lúc ấy, ngay cả khi một trong hai đã chết.
Tất cả những cuốn sách mình chọn đều nổi bật lên hai thứ trong những năm tháng 20 tuổi mình hướng tới: Thành công lớn lao và hướng tới một sự vĩ đại đặc trưng của tuổi trẻ, dù chính mình cũng chưa ý niệm về sự vĩ đại đó sẽ thế nào và ra sao. Và quả thật là lúc đó mình không biết vĩ đại là gì, mình chỉ biết rằng những gì mình đang làm là mới mẻ và ý thức về sự thất bại trong mỗi ngày. Và mình ngồi đây, đọc những trang sách này để cố gắng tránh khỏi sự thất bại đó càng lâu càng tốt trước khi chạm được tới thành công.
Mạch đọc của mình tạm dừng lại khi giám đốc kéo mình vào cuộc trao đổi với bạn Sales xem xem phần mềm bên đó có phù hợp với những công việc mình đang làm không. Sau một lúc trao đổi thì bên mình quyết định sẽ dùng thử phần mềm một tháng trước khi ký hợp đồng lâu dài. Khi công việc chính xong thì tất cả quay sang nói những chuyện vui vẻ mang tính cá nhân hơn.
“Nói thật với anh là lúc đầu em đặt chân vào trong phòng nhìn thấy anh cứ tưởng anh là một triết gia với chồng sách bên cạnh chứ không phải làm về công nghệ”. V.A, bạn nhân viên ăn nói lưu loát trong hai người nói.
Lúc đó mình vô cùng bối rối khi nghe V.A nhận định như vậy. Thực tế thì bản thân công ty mình làm việc cũng trong lĩnh vực công nghệ, và những cuốn sách chồng chất trên bàn mình lúc đó cũng không có một cuốn văn học hay triết học nào. Mình hỏi tại sao V.A lại nói mình giống triết gia thì cậu ấy trả lời rằng “Nhìn cách anh chăm chú đọc em cảm thấy anh như đang tìm kiếm một triết lý”. Sau đó V.A nhờ mình gợi ý vài cuốn sách cũng như kết bạn với nhau trên facebook.
Đến bây giờ, mình và V.A vẫn là Friend trên Facebook. Hiện tại V.A đã chuyển vào Sài Gòn làm việc, có lẽ cậu ấy cũng đã quên đi buổi trò chuyện năm nào nhưng đối với mình thì những lời nói đó như một lời nhắn nhủ tới bản thân rằng “Trước khi tìm kiếm sự vĩ đại trong công nghệ hay văn chương thì mình phải tìm kiếm một triết lý sống cho bản thân trước đã”.
Vậy là một lần nữa mình tự đưa vào trạng trạng thái tư duy về chính bản thân mình như trước đây, khi mình phải tự tìm kiếm câu trả lời tại sao mình lại chọn viết lách là một công việc sẽ làm suốt đời, cũng như đã từ chối một công việc có thể kiếm được nhiều tiền hơn để bắt đầu khởi nghiệp và ý thức được rằng mình sẽ thất bại nhưng vẫn sẽ làm. Rồi một lần nữa, mình lại đào sâu bản thân thông qua qua triết học để trả lời cho câu hỏi “Sự vĩ đại trong cuộc đời này là gì?”.
Khi công ty giải thể thì trước đó 2,3 tuần giám đốc đã thông báo tới cho toàn bộ nhân viên chuẩn bị tinh thần và có khoảng thời gian tìm kiếm một công việc khác. Trong bầu không khí ảm đạm của ngày hôm đó, ai cũng chuẩn bị những bản CV để gửi tới những công ty khác. Còn mình thì ra ngoài quán cà phê, bắt đầu đọc những ebook đầu tiên về cuộc đời Phật Thích Ca và triết lý của đạo Phật. Mình là một người có đức tin Ki-Tô giáo, đã có những năm tháng chìm đắm trong triết học phương Tây từ sớm khi tôn giáo mình theo ít nhiều đã dẫn mình tới các tác phẩm tác phẩm triết học của Socrates, Platon và Aristoteles là những nền tảng của triết học phương Tây. Từ lúc ấy cho tới bây giờ,mình đã đọc rất rất nhiều sách về Phật giáo, Osho, Krishnamurti, chủ nghĩa Khắc Kỷ từ Epictetus cho tới Marcus Aurelius, rồi Đạo đức kinh, Hoa Nam Kinh và những tác phẩm triết học Ấn Độ như Chí tôn ca,Áo nghĩa thư...
Kể từ một sáng thứ Hai vào tháng 9 năm 2016 đó, mình đã không đi làm toàn thời gian ở bất cứ đâu cả, cho tới tận bây giờ. Mình dành thời gian để tìm kiếm một câu trả lời rốt ráo cho những vấn đề của mình. Mình đặt điều đó lên bàn cân trong tâm trí xem giữa tiền bạc và sự thành công trong văn chương hay khởi nghiệp thì điều đó có thực sự đáng để theo đuổi không. Và mình đã biết điều mình đang tìm kiếm là ấy là gì. Mình gọi đấy là “Sự biết về chính bản thân mình”
Hãy tự biết mình
Đó cũng là một trong hai câu được khắc trên chiếc cột ở ngay lối vào điện thờ thần Apollo ở Delphi từ hàng nghìn năm trước đã được nhắc tới trong rất nhiều cuốn sách triết học, nhưng phải khi đã có những bài học trực tiếp thông qua cuộc sống, lý tưởng và thất bại thì mình mới hiểu được giá trị của việc “Tự biết mình” là thế nào.
Mình đã từ bỏ việc kiếm tiền thông qua một công việc toàn thời gian để học cách tự biết bản thân. Mình không nói tiền bạc chẳng quan trọng hoặc một công việc toàn thời gian thì chẳng có chút giá trị hay lý tưởng nào, chỉ đơn giản là mình sẽ tìm được một công việc kiếm ra tiền thông qua cách thực hành những gì mình đã nhận biết được. Có thể cần phải nỗ lực hơn, có thể sẽ nhận được ít hơn rất nhiều nhưng mình biết đó là việc mình có thể làm trong suốt cuộc đời này một cách vui vẻ. Chẳng phải chúng ta hay nói rằng khi làm việc bạn thích thì sẽ được rong chơi suốt đời sao? Ít nhất đối với mình thì điều đó đúng.
Mình cũng tạm gác lại tầm nhìn và khát vọng tạo lập một công ty khởi nghiệp công nghệ vô cùng thành công để thực hành về những thói quen có thể kiểm soát bản thân và tự biết chính mình. Về bản chất, nếu ý tưởng hay tầm nhìn của bạn về một sản phẩm có thể đem tới lợi ích và ý nghĩa cho mọi người một cách trường tồn, thì bạn có thể bắt đầu thực hiện tầm nhìn đó vào bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời này mà không phải lo lắng rằng sẽ có người khác làm mất, hoặc sẽ có ai cũng có ý tưởng về một thứ như thế. Mọi thứ vẫn nguyên vẹn và ở đó, chỉ cần mình có một cái nhìn khác về vấn đề mà thôi.
Mình cũng cho phép bản thân được thảnh thơi và tiếp tục viết thứ văn chương có nghĩa với mình dù rằng nó vô nghĩa với đa số mọi người. Mình hiểu rằng được viết ra thứ văn chương mình muốn là hạnh phúc và ơn huệ với mình trong cuộc đời này. Việc được xuất bản hay được mọi người thừa nhận chỉ là một phần thưởng đính kèm khi mình làm việc phải làm đó là viết những gì mình muốn theo cách của mình.
Và mình đã từ bỏ khái niệm về sự vĩ đại phải được công nhận từ bên ngoài, phải viết ra một cuốn tiểu thuyết để đời hay tạo dựng một công ty với hàng trăm nhân sự. Sự vĩ đại đối với mình sau 1700 ngày tìm kiếm thông qua các nẻo đường của triết học, cùng những trải nghiệm đó chính là niềm hạnh phúc khi nhận biết về từng giây phút trôi qua trong hiện tại, mà theo triết học cổ đại về sự thông thái của thần Mặt Trời chính là tự biết chính mình.
Trong những năm tháng tìm kiếm triết lý cho cuộc đời thì mình nhận ra rằng điều này không hề mâu thuẫn với bất cứ tôn giáo hay triết lý nào mà mình đã từng bỏ thời gian tìm hiểu và thực hành. Từ những lời răn dạy của Đức Phật về chánh niệm chính là là ý thức về từng hành động nhỏ nhất, cho tới lời khuyên bảo của Chúa Jesus cho các môn đệ hãy luôn luôn tỉnh thức trong mọi khoảnh khắc để làm chủ bản thân trước những gì sẽ xảy ra để có thể đứng vững trước các biến cố cuộc đời.
Cả hai nhà sáng lập tôn giáo đều nói về cùng một ý niệm khi nói rằng hạnh phúc là điều mỗi chúng ta có thể chọn để tận hưởng ngay bây giờ chứ không phải vào một lúc nào khác. Và cũng thật trùng hợp khi triết học Khắc Kỷ của Epictetus nói riêng hay học trò của ông Marcus Aurelius truyền đạt lại rằng: hạnh phúc đích thực có thể đạt được mà không cần tới những điều kiện bên ngoài. Hạnh phúc đó đến từ bên trong nội tâm của bạn khi bạn bắt đầu làm chủ những suy nghĩ và hành động của mình, mà trong Phật giáo gọi đấy là quán sát tâm còn Ki-Tô giáo nói đó chính là thức tỉnh trong từng giây phút.
Nhưng tại sao để có thể hiểu một điều đơn giản như vậy thì mình lại phải cần đến 1700 ngày đã qua?
Vì sự đơn giản luôn bị những thứ to tát hư ảo mang nhiều sắc thái che kín ánh sáng soi lối cuộc đời chúng ta. Thứ hư ảo đó có thể là một công việc, một đam mê, một ước mơ phủ đầy vật chất, sự công nhận hoặc vinh quang mà chúng ta tìm kiếm, hay chờ đợi sự công nhận từ bên ngoài và cho rằng niềm hạnh phúc hoặc sự vĩ đại trú ngụ ở trong đó. Và như Yuval Noah Harari đã viết ”Để tìm kiếm những điều giá trị nhất thì chỉ có thời gian, rất nhiều thời gian, thậm chí bạn cần có cái đặc quyền phung phí thời gian mới có thể nhận biết điều bạn đang tìm kiếm là gì. Nếu bạn không được phép phung phí thời gian, bạn sẽ không bao giờ tìm được sự thật.”
Trên con đường tìm kiếm sự hạnh phúc thông qua những biến cố, trải nghiệm, vấp ngã cùng việc không ngừng thực hành những thói quen và triết lý đúng đắn trong hơn 1700 ngày đã qua, bên trong mình đã được đong đầy để có thể viết một chút về niềm hạnh phúc nội tại mà mình đang tận hưởng trong mỗi giây, mỗi giờ và ngay lúc này đây. Trạng thái này không chỉ là niềm hạnh phúc tuôn trào liên tục bên trong mình mà còn là sự nhận biết đúng đắn và phân tách trạng thái này với những tác nhân bên ngoài, một vài điều sẽ khiến chúng ta bị loá mắt trước thứ ánh sáng nó phát ra. Hơn thế nữa, nó còn giúp mình nhận ra một triết lý hiển nhiên rằng: Bên trong mỗi chúng ta có đủ chỗ cho cả niềm hạnh phúc cùng sự vĩ đại nếu ta nhận ra và đi trên con đường đúng đắn mà triết học đã chỉ lối, trong từng giây phút suốt cả cuộc đời mình.
Đó là một con đường đem tới hoan hỉ, hạnh phúc lẫn sự vĩ đại và quyền lực. Điều mà thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết trong Quyền lực đích thực “Quyền lực này sẽ không gây tác hại cho bạn hay những người xung quanh, trái lại đem tới cho bạn sức mạnh và năng lượng mà ai cũng có thể cảm nhận. Khi có lòng tin thì mắt bạn sáng ngời và bước chân bạn đầy tự tin. Đó chính là quyền lực. Bạn có thể phát huy quyền lực ấy từng giây từng phút mỗi ngày. Nó sẽ đem lại cho bạn rất nhiều hạnh phúc”. Thứ quyền lực mà thầy Thích Nhất Hạnh nói cũng hoàn toàn khớp với sự thức tỉnh và nhận biết về bản thân mà mình đang thực hành mỗi ngày.
Vậy từ thời điểm sụp đổ đó, mình đã bắt đầu từ đâu và kết quả sau hơn 1700 ngày là gì?
SỰ KHỞI ĐẦU MỚI KHI THỰC HÀNH MỘT TRIẾT LÝ ĐÚNG ĐẮN
Sau tháng 10 năm 2016 thì mình không làm việc toàn thời gian ở bất cứ đâu cả. Mình đã từ chối những cơ hội cùng vài công ty có đãi ngộ tốt để chuyên tâm đọc, viết và bắt đầu thực hành một lối sống mới dựa trên các thói quen tốt. Mình kiếm tiền qua các công việc viết lách bạn bè giới thiệu cho. Bản thân mình cũng không hề tìm việc làm online trên internet hay facebook. Mình chấp nhận sống với một mức thu nhập tối thiểu để thực hành những gì mình đã đọc và học được ngay cả trong những thời điểm khó khăn về kinh tế.
Mình bắt đầu đăng tải bài viết thường xuyên hơn từ tháng giữa tháng 12 năm 2019, sau gần 7 năm dùng facebook thì tới lúc đó mình mới sử dụng facebook như một công cụ để thực hành và chia sẻ triết lý mà mình đã chọn, chia sẻ những trải nghiệm của bản thân từ kinh nghiệm khởi nghiệp cho tới các ghi chú mỗi ngày mà mình đã bắt đầu ghi chép từ cả nghìn cuốn sách từ năm 2013 cho đến bây giờ.
3 tháng đầu tiên những bài viết của mình gần như rất ít người chú ý, niềm an ủi chỉ là chục Like từ mọi người. Bản thân mình 7 năm dùng facebook nhưng danh sách bạn bè không được tới 300 người. Nhưng mình không quan tâm đến việc có bao nhiêu Like hay bao nhiêu người đã đọc. Việc của mình là viết ra toàn bộ những suy nghĩ của mình và như Marcus Aurelius viết trong cuốn Suy tưởng rằng “Hãy làm việc của mình. Không cần gây dựng sự chú ý, thông cảm và ngưỡng mộ. Chỉ đơn giản thế này: Hành động - Bình thản như thần linh mong muốn ở bạn. Chỉ cần bạn làm đúng. Những chuyện còn lại không thành vấn đề” và “Đừng bị ám ảnh bởi những gì bạn tưởng tượng ra, chỉ làm những gì bạn có thể làm và nên làm. Những đòi hỏi của trí óc được thoả mãn bằng việc làm những việc nên làm, và bằng sự thanh thản nó mang lại cho bạn”.
Nói chính xác thì mình viết và chia sẻ mỗi ngày trước tiên là vì mình, vì điều đó gắn liền với hạnh phúc và triết lý của mình chứ không phải vì mọi người hay các điều kiện bên ngoài. Vì mình không bị lệ thuộc vào cái bên ngoài nên mình có thể thoải mái viết và nói lên quan điểm về mọi thứ theo cách mình muốn. Đối với mình, đây là yếu tố hàng đầu dẫn tới hạnh phúc của việc viết lách. Nhưng những gì mình chia sẻ cuối cùng thì vẫn đến được với mọi người, theo một cách mình không ngờ và chẳng có sự chuẩn bị tinh thần nào khi nó xảy ra cả.
Buổi sáng ngày 18 tháng 2 năm 2020 mình có viết một chia sẻ có tựa đề 7 năm 2206 ghi chép và và lợi ích của việc ghi chép lên facebook cá nhân cùng 1,2 Group về viết lách khác. Sau đó mình lên cà phê ngồi đọc và viết tới tận 5 giờ chiều mới đăng nhập lại vào facebook. Mình đã bị sốc khi bài viết đó nhận được hàng nghìn like, hàng trăm chia sẻ cùng hơn 1000 lời kết bạn. Mọi người thích bài viết đó của mình. Nhiều người nói rằng cho mình truyền cảm hứng cho họ để viết, đọc và ghi chép mỗi ngày trước khi hình thành nên một triết lý sống cho riêng mình.
Từ đó các bài viết của mình gây được chú ý với mọi người nhiều hơn. Một số bài viết của mình được đăng tải trên Vnexpress, Zing cùng một vài website dành cho những người tìm hiểu về tâm linh và triết học như Triết học đường phố. Mình cũng nhận được nhiều công việc viết lách hơn, được tiếp xúc với những con người tinh hoa của xã hội trong rất nhiều lĩnh vực. Thậm chí từ những mối quan hệ mới này, có những người đã rất quan tâm đến việc mình sẽ viết tiểu thuyết kiểu gì, sẽ lại khởi nghiệp bằng một ý tưởng như thế nào, hoặc bảo mình nếu có thể cứ cho mọi người biết có lẽ sẽ giúp đỡ và hợp tác được với nhau.
Cuối cùng thì qua 1700 ngày, sau khi mọi thứ trước đây đã sụp đổ, thì giờ đây số phận lại đặt vào tay mình những cơ hội còn tốt hơn cả lúc trước. Tất cả bắt đầu từ một bài viết sau cả trăm bài viết đã đưa mình ra trước ánh sáng của mọi người. Tất cả bắt đầu từ một bài viết sau khi cả trăm bài trước đó hiếm có người để tâm. Cũng tới lúc những chia sẻ của mình được đón nhận và lan tỏa. Và nội dung chính của bài viết được yêu mến đó đến từ triết lý mà mình vẫn thực hành mỗi ngày sau thời điểm đen tối 2016, chính là: Chú tâm vào việc mình phải làm và không quan tâm kết quả sẽ thế nào”. Lần này thì mình không phải cố gắng để chứng minh những gì mình làm với mọi người như trước đây nữa. Chỉ tập trung làm, theo cách tốt nhất và phù hợp nhất với triết lý của mình trong sự hạnh phúc chứ không phải vì ai cả.
Khi nhìn lại những gì đã diễn ra, mình nhận thấy rằng sức mạnh để có thể thay đổi cuộc đời của mỗi con người cùng với trí tuệ, tinh thần để làm điều đó luôn có sẵn trong chúng ta. Khi bạn gạt bỏ những lớp mây mù xung quanh phủ lên sức mạnh tiềm tàng ấy, thì bạn đã đánh thức được một sự nhận biết đúng đắn sẽ đưa bạn đạt tới hạnh phúc thực sự trong cuộc đời này. Bằng cách thực hành những thói quen tốt và làm những việc bạn thực sự muốn thì bạn sẽ duy trì được niềm hạnh phúc đó lâu dài nhất có thể. Nếu ai hỏi mình triết học là gì,làm thế nào để bắt đầu tìm hiểu và thực hành triết học thì đây là lời khuyên thông qua trải nghiệm của chính mình:
Để biết được triết học là gì thì ngay bây giờ bạn có thể nhảy vào triết học nếu bạn muốn, dù cho mới hôm qua bạn còn không biết Socrates hay chủ nghĩa Khắc kỷ là gì cả.
Bạn tìm hiểu về triết học khi mới 18 hay đã 28 tuổi đều không quan trọng vì thời điểm tốt nhất để bắt đầu học là ngay hôm nay. Mọi thứ đều bắt đầu từ bước chân đầu tiên trong sự ngập ngừng như đi trong bóng tối trước khi mọi thứ dần dần được sáng tỏ.
Bạn cứ thoải mái chọn bất cứ một cái tên, một triết lý hay tất cả những cái tên hay mọi triết lý đều được miễn là bạn có thể kiên nhẫn để rút ra được các bài học từ triết.
Nhưng để biết triết học thực sự là gì thì đọc cả trăm cuốn sách vẫn chưa đủ, mà bạn phải học thông qua những trải nghiệm của chính bạn trong của cuộc đời này. Có người cần ít thời gian, có người cần nhiều thời gian. Mình đã có hơn 1700 ngày – gần 5 năm để trải nghiệm về ý nghĩa của triết học và sẽ còn dành cả đời để tiếp tục chiêm nghiệm về điều đó.
Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất