Gió đã nổi và chúng ta phải sống
“Le vent se lève, il faut tenter de vivre”, Paul Valéry
Tôi mới bước qua tuổi 26 vài ngày trước.
Trước ngày sinh nhật, tôi có xem lại bộ anime Bakuman (Giấc mơ họa sĩ truyện tranh). Chẳng là dạo gần đây công việc của tôi hơi áp lực, thế nên tôi muốn tìm một cái gì đó để giải trí. Và có lẽ khi đến cái ngưỡng cửa của tuổi 26, con người không còn đủ sự trẻ trung để tìm kiếm những trải nghiệm mới nữa. Hoặc cũng có thể là tôi không muốn đánh cược những khoảng thời gian trống quý giá của mình với những bộ phim chưa biết hay dở ra sao, vậy là tôi xem lại bộ anime cũ mèm. Tôi tìm lại trong đó một câu chuyện phiêu lưu tràn đầy hy vọng của tuổi trẻ và nhiệt huyết, của ước mơ và sự cố gắng, của tình bạn và tình yêu, của đối thủ và sự cạnh tranh, của chiến thắng và cả những thất bại thật đẹp. Bầu trời trong xanh cùng những đám mây trắng tựa hoa cải. Gió cuốn chiếc lông vũ bay lên mãi, như thể nét bút có thể chạm lấy được cả bầu trời và tài năng có thể nở rộ hết mọi sắc độ rực rỡ của nó. Ba mùa anime tổng cộng 75 tập, và tôi kết thúc tập cuối cùng vào đúng đêm trước sinh nhật của mình.
Vài tiếng sau, 12 giờ, người yêu tôi chúc mừng sinh nhật qua tin nhắn. Trong khoảnh khắc đó, giận dỗi như một đứa trẻ không muốn chịu trách nhiệm cho những cảm xúc không mong muốn của chính mình, tôi nhắn lại: “P sẽ chẳng bao giờ vui vẻ được”. Bộ anime khơi lại trong tôi một vài cảm xúc từ lâu lắm rồi không còn được cảm nhận. Tôi không vẽ truyện tranh nhưng làm một công việc tương tự là viết bài cho tạp chí - quy trình và tính chất có phần nào đó tương đồng. Trong bộ phim, mọi cung bậc cảm xúc được bao phủ bởi một lớp màu hồng đầy lãng mạn và một lớp màu xanh đầy hy vọng. Còn tất cả những gì tôi cảm nhận được là từng đợt áp lực này nối tiếp từng đợt áp lực khác. Tất nhiên cũng có những lúc hài lòng và cả giây phút phấn khích, khi viết được một bài phân tích hay, khi được in lên những tờ tạp chí nổi tiếng và khi thấy quan điểm của mình ảnh hưởng lên những người nổi tiếng. Nhưng bao trùm lên tất cả là một sắc xám u ám cùng một lớp sương màu tím đầy sự hoài nghi. Đa phần thời gian là sự lo lắng và bế tắc, khi ý tưởng đã cạn và trong đầu chỉ còn lại tiếng ong ong, khi ngón út nhói lên từng đợt nhưng vẫn tiếp tục gõ, khi đã sửa đến lần thứ tư nhưng vẫn không thể yên nỗi lo hủy bài, và những đêm thức trắng ngồi sửa từng chữ sao cho in ra đúng khung giấy quy định. Mọi khó khăn đều có thể vượt qua nếu có một sự kết nối cần thiết với công việc, tiếc là tôi thì không có, vách ngăn giữa danh tính cá nhân và danh tính công việc khó lòng mà phá bỏ trong tôi. Không có một ước mơ đủ cháy bỏng để dẫn lối, tôi tự hỏi rồi mình sẽ đi về đâu mỗi khi cảm thấy mệt mỏi.
Cũng khá hài hước khi nhận thấy sự tương đồng nhất định giữa cốt truyện Bakuman với công việc hiện tại của mình. Tôi kể cho bạn tôi về phép so sánh đầy gượng gạo, rằng công việc viết tạp chí giống như khi hai nhân vật chính làm việc với Akira Hattori - một người yêu cầu cao, luôn đòi hỏi sự đột phá, ít nhiều cho phép tôi là chính mình; còn công việc viết sách giống như khi làm việc với Goro Miura - một người vui vẻ, biết độc giả thích gì và luôn bảo tôi phải thích nghi theo điều này.
Viết sách là công việc tôi mới nhận cách đây hai tháng. Anh này là một khách hàng cũ mà tôi có hợp tác từ hồi đầu năm để làm hai cuốn sách - một cuốn dịch và một cuốn tôi chấp bút. Ngay trước lệnh giãn cách của Sài Gòn trong đợt dịch thứ tư, anh gọi cho tôi: “Anh muốn trả lương cứng cho em”. Phải nói là tôi ấn tượng với lời đề nghị này, hẳn là từ khi đọc mẩu chuyện về Steve Jobs và John Sculley đến giờ, tôi chưa thấy ai mà lại sử dụng một mẫu câu kỳ lạ và gián tiếp như thế để chiêu mộ nhân sự. Công nhận đây là một lời đề nghị rất tốt, đặc biệt trong bối cảnh tôi là một người làm tự do lang bạt kỳ hồ, vừa mới đánh mất dự án chính và kinh tế lại sắp rơi vào tình cảnh hỗn loạn do dịch bệnh. Tôi sẽ được chấp bút cho những đầu sách khi bán ra đảm bảo có hơn một ngàn đơn, được chia sẻ lợi nhuận và có khi còn được đứng tên làm tác giả trong một vài dự án bổ trợ. Nhưng có một điều gì đó khiến tôi vẫn không thể ra quyết định. Tôi đã suy nghĩ trong nhiều ngày.
Đã hơn ba năm từ cái ngày mà tôi tốt nghiệp, thử việc ở một công ty, kết thúc bằng một vụ lùm xùm và tự hứa với mình sẽ không đi làm công một ngày nào nữa. Tính ra thì tôi cũng làm freelancer được một phần ba thập kỷ, từ những công việc tạp nham trong những ngày khởi đầu đến những công việc chuyên môn hơn theo thời gian, từ chỉnh sửa ảnh đến telesales, từ viết bài SEO cân ký đến dịch luận văn thạc sĩ, từ dịch bài cho ứng dụng quyền chọn nhị phân đến viết bài phân tích cho tạp chí kinh doanh, từ quản trị fanpage mỹ phẩm cho một ông người Thái đến viết ebook về sự quyến rũ cho một ông người Việt giả dạng phụ nữ Tây để bán trên Kindle. Nhìn chung nhờ làm nghề này mà tôi hấp thụ được đủ thứ kiến thức kỳ lạ, giống như việc con người tôi luôn bị thu hút bởi những nội dung kỳ lạ, những quan điểm gây tranh cãi và những nhân vật thường xuyên hứng chịu búa rìu dư luận. Dường như những thứ hỗn loạn này phù hợp với sự hỗn loạn trong người tôi. Không biết từ bao giờ, tôi đã phải lòng với lối sống bấp bênh của những dự án tự do, cũng như mắc nghiện với một nồng độ cortisol nội sinh cao bất thường mà có thể thấy rõ trên từng sợi tóc. Có vẻ như việc không cam kết với bất kỳ điều gì giúp tôi duy trì được cái danh tính vốn chỉ tồn tại ở dạng tiềm năng của bản thân; nó chưa bao giờ muốn trở thành một cái gì đó cụ thể, bởi quá trình trở thành thực tế là một quá trình đầy mất mát và hy sinh. Nếu một đứa trẻ lớn lên với niềm tin rằng nó có thể có cả thế giới trong tay, nó sẽ không bao giờ muốn từ bỏ bất kỳ mảnh kho báu nào của cuộc đời mà nó có thể đạt được, và nó cũng sẽ không bao giờ biết hài lòng với những gì nó đang có ở hiện tại. Nó lớn lên và không muốn cố định bản thân vào một thực tế cụ thể, thế là nó trở thành không-gì-cả. Nó phiêu bạt và lang thang khắp mọi nơi, khi nhìn lại thì đã lạc lối từ bao giờ.
Dạo gần đây tôi cũng kể với bạn tôi về việc sắp kết thúc văn bằng 2 đang theo học. Trong gần ba năm qua, tôi đã làm rất tốt, tôi có thể tự hào về điều này. Dù gì thì đây luôn là việc tôi làm tốt nhất. Nhưng sau đó lại là việc tôi làm tệ nhất. Tôi vẫn không thể trả lời cho mình câu hỏi “Rồi sẽ làm gì tiếp theo?”. Học văn bằng hai cho tôi một cái danh tính tạm bợ, cho nó một nơi trú ẩn trước sức ép phải biết thành một cái gì đó cụ thể, duy trì cái tình trạng tiềm năng của nó. Nhưng rồi nơi trú ẩn này cũng sắp kết thúc như mọi nơi trú ẩn khác tôi từng cư ngụ.
Tôi biết mình vẫn luôn như vậy. Đắm chìm trong những câu hỏi về ý nghĩa, tiềm năng, khát vọng và vĩ cuồng để rồi những gì còn lại chỉ là sự bất mãn và chần chừ. Tôi luôn sợ phải ra quyết định bởi tôi sợ mình sẽ bỏ lỡ một lựa chọn tốt hơn ngoài kia, tôi luôn sợ phải theo đuổi một cái gì đó bởi tôi sợ mình lệch khỏi một thứ giúp khác tôi vươn tới những điều còn lớn lao hơn. Ngay cái sự mất mát và hy sinh thường tình mà cũng không thể chấp nhận, có lẽ tôi là một đứa trẻ chẳng thể trưởng thành.
Nhưng cuộc sống thì không thể nào trốn tránh việc ra quyết định mãi được. Những đòi hỏi của cuộc sống chỉ ngày một tăng, rồi tôi sẽ phải đối diện với nó ra sao? Tôi có thể tự huyễn rằng cha mẹ không cần đến mình chăm sóc, tôi có thể ỷ lại vào chị như cách tôi đã làm trong hơn hai chục năm nay. Nhưng còn gia đình riêng sau này của tôi thì sao? Người yêu tôi muốn làm đám cưới vào năm 28 tuổi, 10 năm sau đúng lần đầu gặp nhau ở trường đại học. Và cứ như hiện tại thì không thể nào tôi sẵn sàng cho vai trò mới được.
Trong chuyến hành trình phiêu lưu tưởng chừng như không đích đến ấy, tôi nhận ra việc không ra quyết định cũng là một quyết định quan trọng của cuộc đời. Vậy thì chừng nào tôi ngừng trốn chạy mà đối diện thẳng mặt với chính mình nhỉ?
***
Tôi tiếp cận với hiện tượng học không phải qua Husserl, Sartre hay Heidegger, mà là qua Carl Rogers - tâm lý gia lập thuyết nhân vị trọng tâm, trở nên hứng thú khi xem bài giảng của Jordan Peterson về Binswanger và Boss, thật sự bỏ công sức ra tìm hiểu khi viết một bài luận về Jung và phương pháp hiện tượng học của ông.
Để bắt đầu, hãy quay lại cuộc tranh luận ngàn năm về tự-do-ý-chí và ý thức.
Tôi chưa bao giờ tin vào tự-do-ý-chí, bởi lẽ những khái niệm về “tinh thần” của Hegel, “giai cấp” của Marx hay “vô thức” của Freud là quá đủ thuyết phục để tôi tin vào thuyết tiền định. Schopenhauer miêu tả một cách hoàn hảo về ý chí của con người: “Một người có thể làm những gì anh ta muốn, nhưng không thể muốn những gì anh ấy muốn”. Với đôi bàn tay khéo léo để sử dụng công cụ, khối óc tinh vi để nhìn ra được những khả thế khác của thực tại và một ý chí kiên cường để theo đuổi mục tiêu đến cùng dù cho có phải hy sinh cả hạnh phúc hay tính mạng cá nhân, con người đã chứng minh chúng ta có thể đạt được bất cứ điều kỳ diệu nào - từ khám phá vũ trụ đến giải mã bộ gen, từ cải tạo sao hỏa đến can thiệp sớm rối loạn di truyền. Nhưng nếu nhìn ở một cấp độ ẩn dưới cả thảy những quyền năng này, chúng ta không có quyền lựa chọn cho những mong muốn và khát khao của bản thân, mà tất cả đều được bồi tụ từ những bản năng, những trải nghiệm thơ ấu, tiến trình lịch sử, văn hóa, cộng đồng, chính trị và từ đủ loại môi trường bao bọc xung quanh. Một cá nhân không có bất kỳ quyền năng nào với cái sự muốn của anh ta, thậm chí còn không ý thức được và đang để chúng lèo lái bản thân hành động trong cuộc sống thường nhật. Đâu phải ai cũng sáng sáng tự hỏi xem mình cố gắng vì sự nghiệp, vì gia đình, vì hạnh phúc, hay thậm chí tồn tại để làm gì; và dù có nghi ngờ tất cả mọi thứ trên đời, một cách rất tự nhiên, anh ta vẫn hành động để đáp ứng tất cả mọi thứ đó - tim anh ta vẫn đập 70 nhịp một phút, phổi vẫn hít vào 2 lít khí mỗi lần và những nhà máy sản xuất ATP trong tế bào vẫn cặm cụi chuyển hóa đường thành năng lượng, cho dù anh có có muốn hay không. Tương tự thế, một đứa trẻ sẽ luôn có nỗi sợ bẩm sinh về việc bị rơi và những tiếng động to, còn một người khi trưởng thành sẽ luôn bị hấp dẫn bởi tất cả các hành động nhằm bảo tồn gen, dù có mong muốn hay không. Những động lực và xung năng vô thức định hình nên nền văn minh loài người và mỗi cá nhân trong đó.
Trong một bối cảnh mông muội như vậy, ý thức mở rộng sự tự do của con người, theo cái cách như Freud miêu tả: “Càng ý thức được những xung năng vô thức, ta càng có cơ hội để làm chủ nó”. Càng mở rộng ý thức, con người càng mở rộng quyền tự do lựa chọn. Một con kiến không ý thức được về hành vi của nó, nên chỉ có thể hành động theo những gì đã được lập trình từ bản năng. Còn con người mỗi khi ý thức được mình đang hành động gì, lại có thêm cơ hội để lựa chọn sẽ tiếp tục hay dừng lại cái hành động đó. Tất nhiên lựa chọn của cá nhân chỉ được khu trú trong một một rổ những lựa chọn khả dĩ, phù hợp với khả năng của cá nhân đó - một người dù ý thức được mình luôn luôn nổi cáu khi ở gần gia đình, hiểu nguyên do tại sao, nhưng không biết cách làm gì để thay đổi thì cũng không thể nào thay đổi được. Nhưng dù có khả năng hay không, bước đầu để một cá nhân thay đổi số phận là phải ý thức được số phận của mình đang diễn ra như thế nào. Những hiểu biết con người thu nhặt được qua trải nghiệm cuộc sống, triết học và những ngành khoa học khác sẽ góp phần giúp mở rộng ý thức của cá nhân, từ đó mở rộng ý thức cho cả loài người. Cứ hễ ý thức được nới thêm một đoạn thì chiếc rổ tự do được tăng thêm một lựa chọn. Tôi tin vào một tự-do-ý-chí-mềm theo cách như thế, về một sự can-dự-cá-nhân (personal agency) ngày càng mở rộng.
Hiện tượng học đề cao một cái nhìn trong trẻo về cuộc sống và về chính bản thân mình, trải nghiệm một hiện tượng như chính nó đang diễn ra và cố gắng thoát ly khỏi những định kiến bên trong lẫn bên ngoài đang kiến tạo nên thực tại đó. Làm được việc này, cá nhân cảm nhận được mình đang sống, có thể không tự do theo những tầng nghĩa rộng nhất của thuật ngữ, nhưng chắc chắn là một cảm giác tự do trong tri giác, một cảm giác mát lành và trong trẻo.
Tuy nhiên, mặt trái của tự do là mất đi điểm tựa. Những khớp nối của chiếc khung nền khổng lồ đang từng phút kiến tạo nên thực tại giờ nhẹ nhàng tách nhau ra, rã thành từng mảnh, tan chảy và biến mất. Cá nhân hụt chân, rơi xuống một khoảng không gian vô tận - khoảng không của không gì cả. Cá nhân bơ vơ và bất lực trong việc điều hướng chính mình trong cuộc sống. Những giá trị nào cần theo đuổi và những chuẩn mực đạo đức nào nên bị phỉ nhổ? Dựa vào đâu để ra những quyết định này? Và nếu không quyết định, cứ thế trôi nổi bồng bềnh trong cuộc sống thì sao?
Một lần tôi từng về Bến Tre thăm thú nơi ở của Ông Đạo Dừa khi còn sống. Không nhìn, không nghe, không nói - một lối sống theo đúng chuẩn mực của sự vô vi. Tôi biết mình không phù hợp với lối sống kiểu vậy. Cái thứ gọi là hiện-thực-hóa-bản-thân (self-actualization) hay ý-chí-quyền-lực (will-to-power) theo cách sử dụng từ ngữ của Nietzsche, tôi hiểu rất rõ. Nó không hẳn là một phép màu, mà là một lời nguyền, một cơ chế được tích hợp vào tất cả mọi loại sinh vật tồn tại đến ngày nay, đã ăn sâu vào từng cá nhân và không thể lay chuyển được nữa. Khi một người biết rằng mình có thể làm được một điều gì đó, nhưng không thể ít nhất là thử theo đuổi, sẽ là một cảm giác ăn mòn ý chí sống còn và tích tụ một sự phẫn uất mang tính phá hủy, cả anh ta và mọi thứ xung quanh. Vậy, tôi biết mình phải chọn một con đường nào đó và làm một cái gì đó. Nhưng sẽ là con đường nào?
Các nhà hiện tượng học có một niềm tin mãnh liệt rằng tương lai vốn dĩ đã nằm ngay trong hiện tại; mỗi một hành động đã bao hàm trong đó mọi tiền đề của quá khứ cũng như mọi khả thể của tương lai; con người trong hoàn cảnh ấy chỉ cần đi theo tiếng gọi của những ý nghĩa, chúng sẽ tự bộc lộ chính mình, phát sáng và soi lối.
Nghe thật kỳ lạ, nhưng các nhà hiện tượng học tin rằng cơ thể sẽ tự khắc biết tiếng gọi của ý nghĩa khi chúng xuất hiện.
Không phải lần đầu tiên tôi tiếp xúc với ý tưởng này. Tôi từng nghe đến một ý tưởng tương tự nhưng được trình bày dưới ngôn ngữ cụ thể hơn, từ thành viên của Hội Nghiện rượu Vô danh (Alcoholics Anonymous). Đây là một tổ chức xuất phát từ Hoa Kỳ, kết hợp giữa thần học Kito và phong trào hiện sinh, để tạo nơi trú ẩn và chữa lành cho những người nghiện rượu. Người nghiện rượu mà tôi đang nói đến, Michael Brody-Waite đã chia sẻ 3 nguyên tắc cứu sống anh ấy, giúp anh thoát khỏi cảnh nghiện ngập và làm được những điều xứng đáng với khả năng của mình: Đầu tiên là thành thật với bản thân, thứ hai là đầu hàng kết quả cho dù nó ra sao, để thứ ba là làm những việc khó chịu nhưng cần thiết.
Thật khó để xác định xem tôi sẽ hướng tới đâu trong cuộc sống, nhưng dĩ nhiên tôi biết ngay ở thời điểm hiện tại tôi cần làm gì để tốt nhất cho chính mình. Có thể đó là sửa chữa lại mối quan hệ với gia đình, liên lạc nhiều hơn với bạn bè, hay cố gắng thêm một chút vì công việc. Để hướng tới những điều đó, có thể tôi sẽ phải làm những điều không mấy dễ chịu, như chủ động phá bỏ bầu không khí bình yên để giải quyết vấn đề, hay đứng lên nói lên quan điểm của mình mà hậu quả có thể là để lại tai tiếng xấu sau này. Dù sao thì tôi biết cơ thể mình muốn gì, qua những đợt nôn nao trong dạ dày hay nhiệt độ tăng nhanh nơi lồng ngực; với ý thức của mình, tôi sẽ làm việc với nó, có thể là đào sâu vào bên trong, hành động ra bên ngoài, hoặc đi một con đường vòng cần nhiều thời gian nhưng an toàn hơn. Cứ như vậy, trong mỗi thời điểm, tôi xác định được những gì mình nên hướng tới.
Với một cách thức như vậy, tôi không cần thiết phải đi tìm kiếm cái thứ gọi là ý nghĩa cuộc sống hay một đích đến của cuộc đời. Tôi tin vào Viktor Frankl khi ông nói rằng ý nghĩa chỉ có thể xuất hiện thông qua trải nghiệm. Việc thiết kế cho mình một ý nghĩa đối với tôi thật thiếu ý nghĩa. Tương tự với cái thứ gọi là ước mơ. Tôi không tin vào những bản thiết kế cuộc đời, biến cuộc sống của mình trở thành một ván cược - nếu không đạt được thì coi như bỏ đi cả kiếp sống, nhưng dù có đạt được thì cũng không gì đảm bảo sẽ cảm thấy hài lòng, thỏa mãn hay trọn vẹn. Tôi tin vào hơn những ước mơ ngay ở hiện tại, những thứ tôi có thể làm ngay bây giờ hoặc trong một, hai năm nữa. Dù sao thì cuộc đời là những khoảnh khắc ghép nối với nhau thành một dãy liên tục. Đúng là con người cần hy sinh hiện tại để đảm bảo một cuộc sống tốt hơn trong tương lai, nhưng sẽ là phí phạm nếu cả đời người chỉ để chờ đợi một viễn cảnh xa xôi nào đó, dù cho có đạt được nhưng vẫn là không đáng. Đây là một bước nhảy lớn của tôi, một con người chưa bao giờ ngừng suy tưởng về những mục tiêu có thể đạt được và những tiềm năng có thể trở thành. Tôi từng tưởng tượng khi mình đạt được tất cả những viễn cảnh mà tôi mơ ước, mỉa mai thay, ngay lúc đó tôi thấy chúng thật trống rỗng - “rồi sao nữa?”, vậy là tôi từ bỏ. Tất nhiên thì hiện giờ tôi vẫn sẽ hướng tới những mục tiêu đòi hỏi nhiều sự hi sinh, nhưng tôi muốn cải thiện cuộc sống từng chút một ở hiện tại trước đã, lúc đó tương lai sẽ đến như một hệ quả hợp lý của những hành động ngay bây giờ. Làm được như vậy thì dù có như thể nào, tôi cũng sẽ không hối tiếc.
***
Bạn tôi dỗ tôi: “Biết ngay mà, không thức đón sinh nhật cùng là thế nào cũng khóc nhè”.
Tôi làm công việc viết sách toàn thời gian đã được hai tháng - khoảng thời gian lâu nhất từ trước đến nay của tôi. Sách tôi viết thuộc lĩnh vực kinh doanh. Lúc chấp nhận lời đề nghị tôi hiểu rằng mình đang lãng phí độ tuổi nở rộ nhất của năng lực nhận thức để theo đuổi một con đường không phải là thứ giỏi nhất của bản thân. Rồi quãng thời gian vàng của sinh học sẽ trôi qua, có lẽ tôi đang đi chệch hướng khỏi sự tối ưu và khó có thể đạt được sự ưu việt nào. Nhưng tôi biết rằng đây là thứ tốt nhất mà tôi có thể làm ngay bây giờ để đáp ứng đòi hỏi từ nhiều khía cạnh cuộc sống. Biết đâu được Jung đã đúng khi nói rằng nửa đầu của đời người là để đáp ứng những đòi hỏi từ thế giới bên ngoài, còn nửa sau là để đi tìm lại những tiềm năng đã bị đánh mất. Dù sao thì kết quả cuối cùng thế nào có lẽ nên chờ thời gian trả lời.
Ít nhất thì tôi cũng đang cảm thấy lựa chọn của mình có phần đúng đắn. Công việc mới đã giúp tôi không chìm trong hỗn loạn khoảng thời gian này của đại dịch. Và bất ngờ thay, khi một khía cạnh trong cuộc sống được ổn định, con người lại có thêm nguồn lực để sắp xếp tiếp những khía cạnh hỗn loạn khác; như những con cờ trên bàn cờ vây, chúng tản mác khắp nơi, nhưng một khi đã kết nối lại, mọi thứ sẽ biến chuyển cùng một lúc.
----Surphi10, 18/08/2021
Xem thêm:
Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất