[SPOILER] Đánh giá về tập 2 season 1 của House of the Dragon
Review và một vài cảm nhận (có spoiler) về tập thứ 2 của House of the Dragon
Thêm một tuần nữa trôi qua, và chúng ta lại trở lại với House of the Dragon. Sau tập mở đầu khá ấn tượng thì HBO đã tiếp tục đem đến cho người xem một tập phim chất lượng nữa. Với cá nhân mình, thì mình cực kỳ thích tập phim này. Bởi vì mặc dù có tiết tấu chậm, không nhiều cảnh đánh mạnh vào thị giác như tập phim trước; thì tập này lại tỏa sáng ở hội thoại, diễn xuất và tâm lý của nhân vật. Nếu như tập đầu tiên còn khiến mình lo lắng đôi chút về diễn xuất thì tập 2 này thực sự đã giải tỏa tâm lý đó. Vậy có những điểm sáng nào trong tập phim này? Hãy cùng đến với review của mình về tập 2 - “The Rogue Prince”.
Trong tập đầu tiên, trọng tâm của câu chuyện xoay quanh việc chọn ra người sẽ kế vị vua Viserys. Và như chúng ta đã biết, sau khi tức giận về những gì Daemon đã làm, vua Viserys quyết định trục xuất anh và chọn công chúa Rhaenyra. Trong tập 2, câu chuyện vẫn sẽ chủ yếu xoay quanh việc các nhân vật đối diện ra sao với việc đó, và dành thời gian đào sâu và thiết lập thêm mối quan hệ giữa họ. Điểm sáng của tập phim này đương nhiên chính là hội thoại và diễn xuất của các nhân vật chính. Để có thể nói kỹ hơn, mình sẽ điểm qua từng người một.
Đầu tiên không thể bỏ qua Rhaenyra. Với mình, cô chính là điểm nhấn của tập phim này khi nữ diễn viên Milly Alcock đã có một màn thể hiện thực sự tuyệt vời, tiến bộ rõ rệt so với tập đầu tiên. Dĩ nhiên là thần thái và biểu cảm của cô đã khá ổn trong tập đầu rồi. Thế nhưng đến tập 2, mọi thứ được đưa lên một tầm cao hơn hẳn khi cảm xúc, lời thoại và khí chất đều cho mình cảm giác như là nhìn thấy Rhaenyra từ trong sách bước ra vậy, thậm chí còn khiến mình đồng cảm hơn. Mặc dù đã chính thức trở thành người kế vị Ngai Sắt và được phong tước hiệu Công chúa Dragonstone; nhưng dường như không có quá nhiều sự xáo trộn trong cuộc sống của Rhaenyra. Cô vẫn là người rót rượu cho nhà vua và các lãnh chúa trong Hội đồng. Ý kiến của cô vẫn không được xem trọng, vì ngay khi đưa ra một ý kiến giải quyết vấn đề liên quan đến chiến tranh ở quần đảo Stepstones, các lãnh chúa liền tìm cách đuổi khéo cô ra ngoài. Dường như họ vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận cô là người kế vị, vẫn chỉ coi Rhaenyra là một công chúa bình thường mà thôi. Việc đó, thêm với những chuyện như vua cha sớm hay muộn cũng phải tái hôn, rồi sự xa cách giữa hai cha con, cùng với việc cô vẫn chưa thể vượt qua sự đau buồn vì cái chết của mẹ; càng khiến cho Rhaenyra trở nên đau khổ.
Ta có thể thấy rõ được sự bực tức xen lẫn với áp lực và buồn tủi; cho dù bề ngoài cô có tỏ ra mạnh mẽ và rắn rỏi đến đâu. Những biểu cảm này đều được Milly Alcock truyền tải rất tốt, tạo được sự đồng cảm với người xem, nhất là phân cảnh Rhaenyra cầu nguyện cùng Alicent Hightower trong điện thờ. Qua những tâm sự của cô, ta mới nhận ra rằng dù có là một kỵ sĩ rồng, một công chúa được tấn phong kế vị, thì rốt cuộc Rhaenyra cũng mới chỉ là một thiếu nữ 15 tuổi, vừa trải qua nỗi đau mất mẹ cùng em trai, lại chưa được cha mình thấu hiểu hay nhìn nhận xứng đáng.
Quả thực là trong tập này, Rhaenyra có khá nhiều phân cảnh đáng xem. Có thể kể đến đoạn nói chuyện với Rhaenys Targaryen - người cũng từng ở trong hoàn cảnh gần giống cô. Bà đã từng có lúc nghĩ mình sẽ trở thành người kế vị, nhưng rốt cuộc trong một thời đại vẫn nặng tính trọng nam khinh nữ, các lãnh chúa đã không chọn bà. Đây là một ký ức cay đắng với Rhaenys, và bà cảm thấy thương hại cho Rhaenyra. Có thể cô hiện vẫn chưa nhận thức được rõ sự thật cay đắng, và Rhaenys đã thẳng thừng nói rằng không sớm thì muộn, nhà vua sẽ tái hôn, và một khi ông có con trai, thì các lãnh chúa sẽ ngay lập tức chọn đứa bé đó làm người kế vị. Rhaenys hiểu rõ trật tự của thế giới hiện tại, và bà biết rằng các vị lãnh chúa thà tự tay đốt cháy cả vương quốc còn hơn để phụ nữ cai trị nó. Ngoài ra, các phân cảnh đối thoại với vương tử Daemon trên đảo Dragonstone hay cảnh ở gần cuối phim khi vua Viserys thông báo sẽ tái hôn với ai cũng là những cảnh rất chất lượng. Thực sự trong tập này, Rhaenyra có nhiều đất diễn hơn và cũng đã đem đến một màn trình diễn tốt hơn hẳn so với tập đầu tiên.
Nhân vật thứ hai mà mình muốn nói đến chính là Viserys của nam diễn viên Paddy Considine. Thực ra mà nói mình đã thấy màn trình diễn của ông tốt từ tập đầu tiên rồi, và tập này chỉ là tiếp tục phát huy mà thôi. Paddy Considine đã khắc họa thành công hình ảnh một vua Viserys mềm mỏng, tương đối hiền hòa và không thực sự quyết đoán; hoặc có thể nói thô như chính Daemon là yếu đuối và nhu nhược. Viserys được miêu tả là một “vị vua của thời bình”, và quả thực tính cách của ông đa phần thời gian cũng đều mềm mỏng như vậy. Mặc dù không phải là không có những lúc Viserys có thể cứng rắn (như ta đã thấy ngay trong tập trước đó), nhưng nhìn chung nếu so với người em trai Daemon mạnh mẽ, táo tợn thì quả thực Viserys yếu đuối hơn hẳn. Tất nhiên làm một vị vua hòa hoãn mềm mỏng cũng không phải tồi tệ, nếu quả thực vương quốc đang trong thời gian thái bình thịnh trị. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng lúc này Westeros đã bắt đầu dần phải đối diện với những nguy cơ mới, mà đầu tiên chính là sự xuất hiện của một đội quân cướp biển được hậu thuẫn bởi các Thành phố Tự Do tại Stepstones. Nguy cơ chiến tranh đã gần kề, và nếu không có đối sách hợp lý, vương quốc có thể thiệt hại nặng nề. Thế nhưng đối diện với việc ấy, bản thân vua Viserys cùng đa số các thành viên Hội đồng vẫn tỏ ra tương đối thờ ơ và phủ quyết kiến nghị của Lãnh chúa Corlys Velaryon. Thực ra thì chúng ta có thể thông cảm một phần với Viserys, khi ông mới mất vợ chưa lâu, và vẫn còn đau buồn vì việc đó. Khó khăn trong việc giao tiếp với Rhaenyra cũng góp phần khiến hai cha con xa cách, và nó cũng làm cho ông có cảm giác cô độc hơn. Trong tình cảnh đó, thật dễ hiểu nếu Viserys dần trở nên thân thiết và gắn bó với Alicent Hightower, mà sự thực là đúng như vậy, như chúng ta thấy trên phim.
Và thế là vô hình chung, ông đã hành động đúng theo những gì mà Bàn Tay Của Vua - Otto Hightower dự đoán. Vua Viserys từ chối cuộc hôn nhân với con gái lãnh chúa Corlys Velaryon - một nước đi hợp lý về chính trị. Nhà Velaryon lúc ấy là gia tộc giàu có nhất vương quốc, nắm giữ một nửa sức mạnh hải quân và là một đồng minh lâu đời, quan trọng với nhà Targaryen. Hơn nữa, những xích mích với Rhaenys Targaryen từ lúc Viserys được chọn kế vị trong sự kiện Đại Hội Đồng năm 101 cũng có thể được hàn gắn bằng cuộc hôn nhân này. Tuy nhiên, Viserys đã quyết định kết hôn với người mà ông cảm thấy thân thiết, gắn bó hơn là Alicent Hightower, làm gần như tất cả mọi người bất ngờ, kể cả Rhaenyra. Về mặt tình cảm, chúng ta có thể phần nào hiểu được quyết định này, khi Viserys không muốn bản thân mình bị lãnh chúa Corlys lợi dụng trên bàn cờ chính trị. Thế nhưng ông cũng đâu biết kết quả này cũng nằm trong dự kiến của người mà ông xem là bạn - Otto Hightower. Ngay từ tập đầu tiên, sau khi vương hậu Aemma qua đời, Otto đã bảo con gái mình đến an ủi nhà vua, gần như là bắt ép. Và đến tập này, mọi thứ còn rõ hơn, nhất là khi ta thấy được gương mặt bình thản, gần như cười thầm của Otto khi nhà vua thông báo sẽ tái hôn với Alicent. Mọi thứ đều nằm trong kế hoạch của ông ta - một kế hoạch khá kín kẽ và tài tình.
Với quyết định này, vua Viserys đã trực tiếp chọc giận lãnh chúa Corlys, và vết nứt giữa hai gia tộc trở nên nghiêm trọng hơn. Viserys là một người tốt, nhưng đáng tiếc, điều đó không đồng nghĩa với một vị vua tốt, như chính Daemon khi nói chuyện với lãnh chúa Corlys sau đó đã thẳng thừng chỉ ra. Và trong tập này, có một chi tiết khá hay, đó là việc vết thương trên ngón tay của vua Viserys bị nhiễm trùng. Đó là vết cắt từ Ngai Sắt, và tương truyền rằng Ngai Sắt sẽ khiến những kẻ không xứng đáng mà ngồi lên nó bị thương. Dĩ nhiên đó chỉ là một lời nói nhằm tạo vẻ huyền bí cho Ngai Sắt, nhưng việc đưa chi tiết này vào cũng là ẩn dụ cho việc Viserys thực sự là một vị vua có nét yếu đuối. Và xét đến việc những hành động của ông sau này cả trực tiếp cả gián tiếp gây nên cuộc nội chiến Vũ Điệu Của Rồng, ta càng khó có thể phản bác lời nhận xét của Daemon về ông.
Chúng ta cũng không thể bỏ qua không nhắc đến Daemon Targaryen. Trong tập này, thời lượng xuất hiện của anh ít hơn hẳn. Thế nhưng anh vẫn để lại một ấn tượng khó phai với người xem và bản thân mình ngày càng thích nhân vật này hơn nữa. Daemon vẫn tỏ ra là một người táo tợn, liều lĩnh; thể hiện qua việc anh ngang nhiên chống lệnh nhà vua mà chiếm lấy đảo Dragonstone, thậm chí ăn trộm đi một quả trứng rồng, tuyên bố sẽ lấy một người vợ nữa. Thế nhưng bên cạnh những nét hung hăng, mạnh bạo đó, mình lại càng thấy rõ hơn anh yêu quý gia đình mình đến nhường nào, dù cách thể hiện có hơi khác người.
Daemon là người có thể sẵn sàng rút kiếm ra chống lại Otto Hightower, nhưng cũng lại có thể ngay lập tức rút lui và thỏa hiệp với cô cháu gái mà không chống trả gì. Daemon là người có thể sẵn sàng nói vào mặt Viserys rằng anh trai là kẻ yếu đuối, nhưng đồng thời cũng không cho phép lãnh chúa Corlys xúc phạm đến ông. Chỉ anh mới có thể nói những điều đó, vì anh hiểu nhà vua hơn ai cả, vì anh là em trai của nhà vua, là người thân của ông. Sau cùng thì, cho dù có thể bất mãn, có thể giận dữ, thậm chí có thể căm hận Viserys, thì sâu trong thâm tâm, Daemon vẫn luôn yêu quý anh trai mình. Theo mình, đây là những chi tiết nhỏ nhưng rất hay và sâu sắc. Nó cho thấy tình cảm gia đình ruột thịt của Daemon, dù cách anh ta thể hiện có hơi kỳ quặc, và anh hoàn toàn không phải một kẻ tàn ác vô cảm như những gì các vị lãnh chúa nghĩ. Mình thật sự mong chờ đến những tập sau, khi Daemon tham chiến ở Stepstones và dần trở thành một nhân vật nguy hiểm và mưu mô hơn hẳn như thế nào.
Như mình đã nói, điểm sáng của tập phim này là ở diễn xuất và tâm lý nhân vật. Nhưng không vì thế mà phần hình ảnh của phim được làm qua loa. Với cá nhân mình, trường đoạn ở Dragonstone là một trường đoạn tuyệt vời về mặt hình ảnh. Hòn đảo Dragonstone cùng tòa lâu đài hiện lên đầy hùng vĩ, kết hợp với những làn khói dày đặc bốc lên từ miệng núi lửa đã tạo cho nó một vẻ bí ẩn mà Game of Thrones trước đây không thể hiện được. Thế rồi cách xử lý ánh sáng khi Otto và Daemon đối mặt, cảnh Rhaenyra cưỡi rồng bay vút lên từ dưới mây để đối mặt với con rồng của Daemon đều được xử lý sao cho đẹp mắt và ấn tượng nhất.
Tuy nhiên, có hơi đáng tiếc khi phim vẫn còn sử dụng nhiều CGI ở một vài phân cảnh thành phố nhìn từ trên cao hoặc từ cửa sổ, khiến chúng có cảm giác không thật mắt. Cá nhân mình cho rằng nên kết hợp giữa CGI với những cảnh quay thật ngoài đời thì sẽ tạo hiệu ứng thị giác tốt hơn nhiều. Hy vọng điều này sẽ được cải thiện trong các tập tiếp theo. Ngoài ra, từ tập phim này thì House of the Dragon cũng đã có đoạn intro riêng. Mặc dù phần hình ảnh của đoạn intro làm mình rất thích thú thì phần âm nhạc lại khiến mình có đôi chút thất vọng. Phần intro của House of the Dragon sử dụng lại đoạn nhạc nền đặc trưng đã thành biểu tượng của Game of Thrones. Mình rất thích bản nhạc đó, nhưng mình cũng đã kỳ vọng House of the Dragon có thể đem đến một đoạn nhạc nào đó mới mẻ hơn. Dĩ nhiên là mình hiểu cách suy nghĩ của đoàn làm phim, khi mà thực sự khó có bản nhạc nào có thể vượt qua nổi cái bóng quá lớn của nhạc nền Game of Thrones. Thậm chí người làm nhạc cùng là Ramin Djawadi mà anh vẫn chọn sử dụng lại bản nhạc nền đó thì cũng đủ hiểu. Đây là một hướng đi an toàn, và mình hiểu điều đó. Thế nhưng dù sao cũng khiến bản thân mình hơi hụt hẫng một chút.
Lại nói về đoạn intro, có lẽ cũng nhiều bạn sẽ thắc mắc về ý nghĩa của những biểu tượng xuất hiện trong đó. Vậy thì tiện đây mình cũng sẽ giải đáp cho câu hỏi đó luôn.
Nhìn chung thì có thể tóm gọn lại là cái intro của phim thể hiện một gia phả giản lược của nhà Targaryen cũng như đưa vào các biểu tượng của những nhân vật quan trọng. Mỗi bánh răng sẽ có hình một biểu tượng, ứng với một nhân vật. Những dòng máu chảy ra từ các bánh răng đó ám chỉ đến dòng dõi và hậu duệ trực hệ của nhân vật tương ứng.
Hình ảnh đầu tiên chính là biểu tượng chiếc vương miện của Aegon Đệ Nhất, người đã phát động cuộc chinh phạt Westeros và sáng lập vương triều Targaryen. Đằng sau chiếc vương miện là hình ảnh những con rồng và một ngọn núi. Có thể nó mô tả hình ảnh các con rồng của gia tộc Targaryen khi họ di cư đến Dragonstone, hoặc cũng có thể nó khắc họa một phần thảm kịch Ngày Tàn Của Valyria.
Dòng máu chảy ra từ biểu tượng của Aegon chia thành hai hướng. Hai biểu tượng sau đó thuộc về hậu duệ của hai người vợ ông. Một biểu tượng thuộc về vương hậu Visenya, hình như là một chuôi kiếm - chuôi của thanh kiếm Dark Sister. Biểu tượng này không được chiếu rõ do dòng dõi của Visenya chấm dứt ở Maegor Đệ Nhất, do Maegor không có con cái. Biểu tượng còn lại thuộc về vương hậu Rhaenys - hình xương sọ rồng bị mũi lao cắm qua, ám chỉ đến cái chết của cô cùng con rồng Meraxes ở Dorne. Dòng máu chảy tiếp từ biểu tượng này, ám chỉ đến các hậu duệ về sau đều thuộc nhánh của Rhaenys.
Biểu tượng tiếp theo thuộc về Aenys Đệ Nhất, con trai của Aegon và Rhaenys. Hình ảnh trên bánh răng là vương miện của Aenys cùng một con dao cắm xuyên qua, ám chỉ đến những vụ nổi loạn trong thời gian cai trị của ông.
Hai biểu tượng này thuộc về Jaehaerys Đệ Nhất và vương hậu của ông - Alysanne Targaryen. Biểu tượng của Jaehaerys là vương miện, còn biểu tượng của Alysanne dường như là một chiếc yên rồng. Từ hai người, dòng máu tỏa ra làm 9, ám chỉ đến 9 người con sống được đến tuổi trưởng thành của họ. Trong số 9 dòng máu, hình ảnh tập trung vào 2 dòng, ám chỉ đến hậu duệ của Aemon và Baelon - những người được xướng tên trong Đại Hội Đồng năm 101 là Rhaenys Targaryen và Viserys Targaryen.
Hai biểu tượng này là của vương tử Baelon và vợ là Alyssa. Biểu tượng của vương tử Baelon là hình bàn tay, ám chỉ quãng thời gian Baelon làm Bàn Tay Của Vua cho cha là Jaehaerys I. Biểu tượng của Alyssa ngập trong máu nên không nhìn được. Từ họ dòng máu chia làm hai tiếp, ám chỉ hai người con của họ là Viserys (sau này lên ngôi) và Daemon.
Hai biểu tượng đằng xa có lẽ thuộc về Corlys Velaryon và vợ ông là Rhaenys Targaryen.
Hai biểu tượng này thuộc về vua Viserys Đệ Nhất và vợ đầu là vương hậu Aemma Arryn. Biểu tượng của Viserys là vương miện còn biểu tượng của Aemma là gia huy nhà Arryn - một con chim ưng với nền là mặt trăng.
Hai biểu tượng này thuộc về Otto Hightower (biểu tượng hình bàn tay) và Alicent Hightower (biểu tượng gia huy của nhà Hightower).
Biểu tượng này thuộc về công chúa Rhaenyra Targaryen, với hình ảnh giống chuỗi vòng mà Daemon tặng cho cô trong tập đầu tiên.
Hình ảnh này là hình con rồng, tượng trưng cho nhà Targaryen cùng một loạt gia huy của các gia tộc. Từ trái sang phải lần lượt là Baratheon, Hightower, Blackwood, Dustin, Peake, Lannister, Velaryon, Stark và hai gia huy nữa mà mình không thể nhìn được rõ vì tối quá. Trên reddit có người bảo gia huy cuối là nhà Tully. Nếu thế thì chắc những gia huy này để ám chỉ những nhân vật quan trọng sẽ xuất hiện sau này trong cuộc chiến. Nhưng kể cả thế thì vẫn khó có thể đoán được gia huy áp chót là gia huy nhà nào. Mình tạm đoán nó là gia huy nhà Greyjoy.
Một ảnh nhìn từ trên cao xuống, cho thấy toàn bộ các bánh răng và biểu tượng, sau đó là gia huy của nhà Targaryen cùng logo của phim. Có lẽ intro này sẽ thay đổi theo từng tập, giống như Game of Thrones.
Tựu trung lại, mình hoàn toàn hài lòng với tập 2 này. Đối với mình, thì thứ khiến mình yêu mến thế giới của Game of Thrones nói riêng và vũ trụ A Song of Ice and Fire nói chung là những đoạn hội thoại đáng nhớ, diễn biến tâm lý nhân vật hấp dẫn, những mưu kế chính trị phức tạp. Và tập phim này đã thỏa mãn được điều đó. Với một loạt phim như House of the Dragon, thì đặc trưng luôn là diễn biến chậm ở những tập đầu tiên, từ từ tăng lên và bùng nổ ở những thời khắc quan trọng. Do đó, tập phim này đã làm rất tốt vai trò của mình là tạo chiều sâu và khắc họa diễn biến tâm lý cho các nhân vật, khiến người xem đồng cảm hơn với họ hơn. Vì vậy, đánh giá cá nhân của mình cho tập 2 - “The Rogue Prince” sẽ là 8,5/10.
Vậy còn các bạn? Các bạn có cảm nghĩ như thế nào về tập phim này? Hãy chia sẻ và bàn luận cùng với mình nhé.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất