Năm ngoái, khi một bài viết có liên quan đến chủ đề nhạy cảm của mình lên sóng trên Facebook, mình nhận không ít gạch đá của cư dân mạng. Trong vô vàn những lời rồng bay phượng múa, có một từ khiến mình phải chú ý và lao đi search google ngay lập tức, đó cũng là tiêu đề của bài viết ngày hôm nay, soyboy.
Sau khi tìm hiểu, mình nhận ra mình nhà quê vãi lợn khi chưa bao giờ biết tới từ này dù trước đó đã nhận bản thân là meme thủ.
Nếu như bạn cũng nhà quê chữ ê kéo dài như mình thì soyboy là một thuật ngữ tiếng lóng thường được sử dụng trên Internet nhằm mô tả những người đàn ông có vẻ ngoài thiếu những yếu tố nam tính. Thuật ngữ này được tạo thành bởi sự hiện diện của hormone sinh dục nữ trong đậu nành, dẫn đến những suy nghĩ cho rằng việc sử dụng các sản phẩm từ đậu nành (soy) khiến nữ tính hóa người đàn ông.
Mình không hề thấy vấn đề gì cho đến khi nó bắt đầu thành trend. Dù biết trend thì trước sau gì cũng chết, nhưng đối với một số thành phần tiếp nhận thông tin một cách hời hợt, soyboy bắt đầu bị kỳ thị chả khác gì cộng đồng LGBTQ+.
Việc xúc phạm những gã đàn ông yếu đuối không chỉ còn nằm ở alpha male, mà bên cạnh đó còn có ty tỷ thành phần khác. Nên hôm nay, với tư cách là một thằng đàn ông hay bị gọi là yếu đuối, mình sẽ đứng lên và đòi lại công bằng cho các bạn.

Câu chuyện của mình

Ngay từ lúc còn bé, mình luôn bị đánh giá là quá hiền so với em mình dù bản thân là anh cả. Vì quá hiền nên mình đi đâu cũng bị bắt nạt, và kè kè sát theo mình luôn luôn có người "bảo kê".
Không biết trùng hợp hay ông trời cố tình, nhưng mười ngón tay của mình lại bị cong từ nhỏ. Nếu như bạn chưa tưởng tượng được thì đại khái là khi duỗi thẳng tay, nó sẽ như hình minh họa dưới đây.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Dù đã nhiều lần giải thích, vẫn không ít người cho rằng mình điệu, và nó khiến mình hơi khó chịu. Ngoài ra, dù không phải là người chơi hệ tâm linh, nhưng mẹ mình từng đi xem bói, và thầy bói đã bảo rằng mình với người em sinh đôi đã đổi tính cách cho nhau (mình không chắc là mình nhớ đúng). Không biết bao nhiêu % là sự thật, nhưng tính tới thời điểm hiện tại thì nó theo khá đúng lộ trình vì em mình là trans guy :)))).
Mình đã sống với những lời phán xét đó trong một thời gian dài, cho đến khi em của mình come out. Ở cái xã hội mà vẫn còn số lượng lớn người thiếu kiến thức về LGBTQ+, thì họ nghĩ rằng mình bị "lây" chả có gì là khó hiểu. Chính bản thân mình cũng trằn trọc mỗi đêm vì điều này, không phải vì mình sợ việc trở thành gay, mà mình sợ bố mẹ mình không chịu được áp lực xã hội. Sau này mình mới nhận ra là dù có thế nào, nó không thực sự còn quan trọng nữa.

Soyboy có thực sự ảnh hưởng tới xã hội?

Câu trả lời của mình là không. Chưa nói tới việc sử dụng đậu nành khiến bạn trở nên nữ tính hơn, thì cái gì nhiều quá cũng không tốt. Bạn sẽ không nghiện ma túy hay thuốc lá chỉ sau lần đầu tiên thử. Một quan điểm mà mình luôn giữ trong đầu đó chính là thế giới có thể điên vì nhiều thứ (ví dụ như Covid-19), nhưng chưa bao giờ mất đi sự cân bằng.
Nếu như sự cân bằng bị phá vỡ, thì sẽ luôn có kẻ đứng ra để chỉnh lại cán cân này.
Nhân gian đã có đàn ông, thì ắt có phụ nữ.
Nếu alpha male tồn tại, thì soyboy cũng chả ngoại lệ.
Nếu có dị tính, thì cũng có đồng tình, vậy thôi.

Là một thằng đàn ông

"Là một thằng đàn ông, phải thế này, phải thế nọ, phải thế lọ, phải thế chai". Mình đã phát ngán với câu nói này, vì dù có giải thích thì người đời chỉ muốn tin những gì họ muốn. Gửi các bạn hay bị gọi là soyboy giống như mình, nếu có lời khuyên, thì thay vì đi đôi co và đánh mất thời gian vàng bạc của ta, hãy cho họ thấy rằng, giá trị của một thằng đàn ông không chỉ nằm ở bề nổi. Mình biết có nhiều bạn áp lực vì cái từ "đàn ông", nhưng không phải ai cũng sinh ra và được ban cho một cơ thể mà mình mong muốn. Nói đến đây mình cũng thừa nhận luôn, mình không phải là một thằng có sức khỏe dồi dào, và vì thế, sẽ chẳng ai tin nếu như mình nói rằng bản thân có thể chơi tốt 6 môn thể thao khác nhau. Dù thể lực không đủ để đáp ứng việc trở thành vận động viên chuyên nghiệp, nhưng gần như môn nào mình cũng chơi được (theo nhiều người đánh giá), dù đó có thể là lần đầu tiên mình đụng vào chúng.
Ngoài ra, sau khi mình hiểu rõ về điểm yếu, thì mình cũng tìm ra được các điểm mạnh của bản thân, đó chính là những thứ dùng não nhiều hơn. Mình thích viết, vẽ, edit và cũng từng thử làm beat :))). Dù trình vẫn non, nhưng nó thực sự khiến mình vui và cảm thấy được giá trị của bản thân. Vì vậy, đừng lo lắng nếu bạn thấy mình chưa đủ nam tính, bởi giá trị của một thằng đàn ông có thể vất vưởng ở rất nhiều thứ.

KẾT:

Để tóm gọn bài viết này, mình sẽ lấy một câu trả lời đang rất hot của Hà Anh Tuấn. Cụ thể, khi MC - Á hậu Thụy Vân hỏi: "Trong suy nghĩ của anh thì thế nào là một người đẹp?", Hà Anh Tuấn trả lời: "Người đẹp là người tìm được một người khen mình đẹp. Đôi khi cả đời chỉ cần một người thôi. Ví dụ Thị Nở vẫn là một người đẹp. Vì đã tìm cho mình một Chí Phèo mà chỉ tốn mỗi tô cháo hành thôi.
Đối với Hà Anh Tuấn, tất nhiên khi đàn ông nói chuyện riêng với nhau, khi nhìn về một bức ảnh của một người phụ nữ, thì tất nhiên chúng tôi cũng hay nói xấu. Thế nhưng điều ấy không được phép diễn ra trước mặt của một người phụ nữ. Bởi vì bản thân họ xuất hiện trên cuộc đời này, đã là một biểu tượng của cái đẹp".
Ngoài việc thể hiện sự thông minh trong cách ứng xử lẫn sự điềm đạm của bản thân, thì nó cũng nói lên rất nhiều điều khác khiến mình ngưỡng mộ. Anh ấy không hề cố gắng che dấu rằng, trong mỗi người đàn ông đôi lúc vẫn sẽ có sự đánh giá, nhưng không nên là trước mặt phụ nữ, vì sự thẳng thắn và vô duyên chỉ cách nhau một ranh giới mong manh. Tiếp theo là cách anh nói về cái đẹp, thay vì chỉ ra từng bộ phận, anh chọn cách không đi theo cái thứ gọi là tiêu chuẩn xã hội vì anh biết không ai hoàn hảo cả, quan trọng là tìm được người nhìn ra giá trị của bản thân ta.
Nhân danh soyboy chúa (just joking), mình chỉ muốn nói lời cuối là đừng hoảng sợ. Hãy ra ngoài kia, thay vì bật lại, như Selena Gomez từng hát: Kill Em With Kindness.
Bài viết có tham khảo từ: