Canh chỉnh thời gian cho phụ đề (Timing)

Bật fullscreen để xem dễ hơn nhé
Trong khi làm phụ đề, timing là phần rất quan trọng. Thứ nhất, đây là phần giúp bạn nắm được sơ lược tổng quan về bài mà bạn sắp dịch. Ví dụ như tốc độ nói nhanh hay chậm, phong cách của người nói như thế nào, kiểu người thích nói đùa hay kiểu người nghiêm túc, cách nói bình dân hay cách nói hàn lâm, có nhiều thuật ngữ khó hay không, đối tượng khán giả của bài này là ai, bối cảnh diễn ra bài nói là gì, vân vân... Tất cả những thông tin này sẽ giúp bạn có một sự chuẩn bị tốt hơn trước khi thật sự bắt tay vào dịch.
Thứ hai, nó giúp bạn ngắt câu và bố cục bài dịch ngay từ đầu. Vì timing không phải chỉ là chỉnh thời gian cho những câu có sẵn, mà bạn phải ngắt câu lại.
Đối với nhiều bản Engsub download từ YouTube, hoặc Amara.org (đối với các video của TED), bạn sẽ thấy cách ngắt câu trong bản Engsub được ngắt theo ngữ pháp tiếng Anh. Nghĩa là có khi bạn sẽ không thể dịch được sang tiếng Việt với kiểu ngữ pháp như vậy. Để thuận tiện hơn, tốt nhất là chúng ta phải tự ngắt câu lại.

Vài điều cần lưu ý:

Kiểm tra lựa chọn "Auto commit all changes" + "Sound wave"
Bạn nên để ý những lựa chọn này (như đã hướng dẫn trong bài 3). Hiển thị soundwave sẽ dễ nhìn hơn là dạng spectrum. Và mỗi thac tác cần được tự động lưu lại để đỡ lỡ có bấm vào câu khác thì không bị mất.
"Collusion lines": Timing bị đè lên nhau
Những câu bị chồng lấn lên nhau sẽ bị báo lỗi màu đỏ. Khi chống lấn, file phụ đề xuất ra sẽ bị lỗi. Cụ thể là những phần bị chồng lấn lên nhau sẽ bị ngắt thành một câu riêng, lặp lại, và hiển thị thành nhiều dòng. Sau khi làm xong một đoạn, chúng ta nên quét khối những câu đã timing xong cho mỗi đoạn, bấm chuột phải, rồi chọn "make time continuous (chang end)" để khiến các dòng này tự động liền lạc với nhau.
Chú ý canh chỉnh thời lượng của video.
Khi tác giả nói quá nhanh, chúng ta nên để câu dài để người xem có nhiều thời gian hơn cho mỗi câu, sẽ dễ đọc hơn. Tuy nhiên, mỗi câu không nên dài quá 25 chữ (tiếng Anh). Vì nếu dài quá, khi hiển thị sẽ bị ngắt thành 3 dòng, rất khó nhìn.
CPS: Characters Per Second!
CPS là số ký tự mỗi giây. Tốt nhất là màu trắng, vì khi chuyển sang màu đỏ càng đậm tức là cảnh báo rằng người xem sẽ không thể đọc kịp. Với một số trường hợp bất khả kháng thì có thể để màu đỏ, nhưng tốt nhất vẫn nên giữ cho file sub trắng hết cả cột CPS này.
Những đoạn nghỉ
Nên chú ý những đoạn nghỉ của tác giả, nếu đó là đoạn nghỉ để chốt một từ quan trọng thì nên cho hiển thị đoạn phụ đề trước đó. Còn nếu đoạn nghỉ này là ngắt đoạn chuyển ý thì nên ngừng hiển thị phụ đề.
Với câu hội thoại
Chỉ trong trường hợp bắt buộc vì hai người nói chèn lên nhau thì mới để dùng một dòng. Còn không thì nên tách ra mỗi người một câu để tạo cảm giác đúng cho người xem.
Nên sử dụng phím tắt để thao tác dễ dàng hơn
Bạn sẽ cần dùng đến các tính năng như đúp dòng, chèn dòng, kết hợp 2 dòng thành một, xóa dòng, xóa chồng lấn, làm các dòng liền mạch với nhau, vân vân... Đây là những thao tác bạn sẽ lặp đi lặp lại khá nhiều khi làm phụ đề, vậy nên tốt nhất là bạn nên thiết lập phím tắt để hỗ trợ thao tác được nhanh hơn.
-------------------------------------------

Tra cứu thuật ngữ, idioms,...

Trong khi làm phụ đề sẽ có lúc bạn gặp những từ, hoặc những cụm từ, những câu nói mà nếu dịch một cách trần trụi theo nghĩa đen thì nghe rất vô lý, rất kỳ cục, hoặc không ăn nhập gì với mạch nội dung của video cả. Ví dụ "return" có thể là một thuật ngữ kinh tế chứ không phải là "trả lại".
Đối với thuật ngữ
Tất nhiên, đầu tiên phải dựa vào hiểu biết của chính bạn về lĩnh vực mà bạn dịch. Thứ hai là các tự điển chuyên ngành. Thứ ba là Google xem trên mạng nói gì (ví dụ: capital intensive là gì?) Thứ tư là wikipedia (và bạn phải đọc để hiểu nó nói gì, ý nghĩa của thuật ngữ đó là gì). Thứ năm là "gọi điện thoại cho người thân", hỏi bạn bè chuyên về lĩnh vực đó là tốt nhất. Thứ sáu là bạn phải tự chế ra từ tiếng Việt mới luôn (nếu có thể).
Bạn có thể xài thêm một cách khác là tra cứu cách dịch của tiếng Hoa, rồi mình dịch về tiếng Hán Việt (với sự trợ giúp của từ điển Hán Việt online, như hanviet.org chẳng hạn.)
Đối với idiom, từ lóng
Cái khó nhất đối với idiom là... bạn không phát hiện ra nó. Nghĩa là đọc qua câu đó bạn không biết đó là idiom. Đơn giản vì đó là những thành ngữ rất quen thuộc, và dùng từ ngữ rất bình dân. Vậy nên đôi khi bạn sẽ không phát hiện ra, hoặc không nghĩ rằng đó là idiom, hoặc từ lóng.
Việc này đòi hỏi kiến thức của bản thân bạn rất nhiều. Bạn am hiểu văn hóa của họ đến mức nào. Và quan trọng nhất vẫn là mạch nội dung.
Nếu đến câu đó bạn dịch ra một cách trần trụi, và câu đó khiến nội dung trở nên khó hiểu, mơ hồ, hoặc vô lý thì bạn nên tra cứu ngay. Khả năng rất cao đó là một câu idiom mà bạn không biết. By the way, tìm hiểu về các idiom cũng rất thú vị nhé, coi như đây là một thời điểm xả stress của bạn (cảm giác giống như tìm được trứng phục sinh trong game, hoặc khi giải mã được một bí ẩn nào đó vậy).
Tóm lại, cứ dịch nhiều sẽ có kinh nghiệm. Và trong khi dịch, phải chú ý rằng bạn dịch để chính bản thân bạn được học chứ không phải là dịch để cho xong! Nhớ nhé!

Danh mục bài đăng trong series "Hướng dẫn làm phụ đề":