Đi trong chánh niệm có nghĩa là chỉ tập trung vào việc đi. Đi chỉ để mà đi, tâm không mong cầu cũng không lo lắng. Như vậy có đúng không?
Đúng là như vậy. Chánh niệm trong khi đi xe hơi, đi bộ nghĩa là chỉ tập trung và đi cho tốt. Tuyệt nhiên không xao nhãng, không mong cầu, không lo lắng cũng không phấn khích.
Vậy nếu bị trễ giờ thì làm sao tránh khỏi lo lắng?
Ảnh minh họa: Internet
Trong trường hợp trễ giờ một việc quan trọng, nếu có thể cải thiện, bạn hãy làm gì đó để cải thiện. Nếu không vì việc quan trọng thì bạn cứ để cho nó trễ. Báo cho mọi người biết rồi vui vẻ nhận lãnh hậu quả. Nói tóm lại, lo lắng và vọng tưởng đều là những tạp niệm vô ích, có hại. Cái nhân quả xảy ra, nếu không thể cải tạo, lo lắng cũng đâu ích gì. Nếu có thể cải tạo, xin hãy làm gì để cải tạo đi. Sao phải lo lắng, sao phải kêu rên, sao phải nhăn nhó? Còn nếu không thể cải tạo, xin hãy vui vẻ nhận lãnh hậu quả.
Một người bị lỡ chuyến bay, nếu đó là một kẻ sống tốt với chánh niệm, ông ta sẽ làm gì?
Ông ta sẽ không kêu rên, không gầm rú và không rối rít. Ông ta lập tức tìm cơ quan chịu trách nhiệm để hỏi (một cách bĩnh tĩnh) tại sao máy bay bị trễ, trễ trong bao lâu, có bồi thường không, nhận bồi thường khi nào, bồi thường bao nhiêu…Thêm vào đó, ông ta gọi điện về cho người thân và đối tác liên quan biết rằng ông ta bị trễ để họ sắp xếp lại kế hoạch. Tóm lại, ông ta làm cái việc cần làm trong an tĩnh. Hậu quả không thể tránh thì ông ta vui vẻ đón nhận, hậu quả có thể khắc phục thì ông ta làm ngay để khắc phục. Như thế, ông ta luôn ung dung tự tại. Đâu có chút gì gọi là đau khổ?
Xin hỏi làm sao để đạt được như vậy?
Hãy tu luyện liên tục, hàng ngày, đều đặn. Quan sát hơi thở, quan sát bước đi, quan sát từng động tác của thân nơi thân. Làm nhiều, thực hành nhiều như vậy, bạn sẽ có thể kiểm soát được các cơn tức giận. Đương nhiên, đó không phải công trình ngày một ngày hai. Nếu bạn thấy mình vẫn giận thì cũng đừng lấy làm lạ. Hãy hít thở sâu và ngừng phản ứng. Lâu dần, bạn sẽ kiềm chế được cảm xúc.
Xin quý vị hãy hỏi bất cứ điều gì còn chưa sáng tỏ về CHÁNH NIỆM. Tôi sẽ giải đáp trên năng lực của mình.
8 ĐIỀU VI DIỆU VỀ CHÁNH NIỆM
1. Giữ tâm trong chánh niệm cho phép ta nhìn thấy điều kì diệu, mới mẻ trong mỗi phút giây. Ta vui với những vật rất bình thường và quen thuộc mà không cần mong chờ một điều gì đặc biệt sắp xảy ra.
2. Giây phút bạn có chánh niệm (sống toàn tâm ý với thực tại) chính là lúc bạn thành Phật. Theo nghĩa này, bất cứ ai cũng có thể thành phật ngay lúc này, và ngay tại đây.
3. Giây phút bạn sống chánh niệm đã mang sẵn toàn bộ thuộc tính của Niết Bàn. Niết Bàn nghĩa là tâm cảnh vô cầu. Bạn không mong đợi hoặc lo sợ cái gì đặc biệt sẽ xảy ra, không mơ tưởng hoặc nuối tiếc hư ảnh quá khứ thì bạn chính đang sống trong Niết Bàn.
4. Chánh niệm là tâm quân bình, không phải là hưng phấn cũng không buồn tẻ. Chánh niệm là an nhiên và hỉ lạc.
5. Bạn không cần phải chứng được cái này, chứng được cái nọ. Giữ được chánh niệm trong đời sống chính là đắc đạo.
6. Mất chánh niệm không phải là điều đáng sợ. Sợ nhất là mất chánh niệm quá lâu mà không biết mình đã mất.
7. Biết buông bỏ mới có chánh niệm. Chánh niệm chính là buông bỏ. Buông bỏ để giữ lấy cái cốt yếu quan trọng. Cái gì quan trọng? Đó là hiện tại. Đó là hơi thở. Sự tương tác với thực tại tuyệt đối sẽ đem lại sự kì diệu.
8. Có mặt với tâm bình thường, không kì vọng, không so sánh chính là thiền tâm. Bạn không cần tu luyện chính xác bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng. Bạn cũng không cần cố gắng leo lên đạt cảnh giới nào cả để đạt cái thiền tâm đó. Chỉ cần bạn biết quay về nắm lấy thực tại, bạn đã có tất cả rồi.
CUỘC SỐNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CĂN BẢN
Sách lực hấp dẫn, như NGƯỜI NAM CHÂM, NĂNG ĐOẠN KIM CƯƠNG nói “chỉ cần nuôi dưỡng một khát khao, một thành ý mãnh liệt, làm điều công đức lớn, cầu phước cho mọi người hàng ngày thì bản thân ta sẽ cầu gì được nấy.” Thầy nghĩ sao về quan điểm này?
Điều đó dù có đúng như vậy thì không phải ai cũng làm được. Để có bản lãnh luôn cầu phước đến cho mọi người và giữ tâm tỉnh thức, không oán hận, ghen ghét, đố kỵ thì phải là những người đắc ngộ đến cảnh giới cao siêu của tâm thức. Những sách đó nói cái ngọn mà không nói cái gốc. Đúng là làm được vậy thì cầu gì được nấy, nhưng làm được vậy thế giới này có bao nhiêu người?
Và thú vị hơn cả, khi làm được vậy (đạt TỪ BI HỶ XẢ, tứ vô lượng tâm) thì anh ta thực sự sẽ không cần phải cầu mong gì nữa.
Còn về thành công, còn phải xem anh mưu cầu cái gì. Ví dụ ở thời đại loạn, những nhân sỹ có tài có đức nhiều lắm, nhưng họ vẫn phải về quê ở ẩn, dạy học (Khổng Tử, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An, La Sơn Phu Tử…), có người phải tự vẫn (Khuất Nguyên) bó tay với thời cuộc. Xét về thành ý, tài năng, đạo đức, nhân cách thì họ đều có thừa. Nếu họ chỉ mong an phận đạt đạo cho bản thân thì đã thành công từ lâu, nhưng họ mong xã hội có kỷ cương, quốc thái dân an thì họ sẽ chịu cảnh bất như ý. Không phải ta muốn gì được nấy, dù ta là ai đi nữa.
Sách đối nhân xử thế có đến hàng ngàn, hàng vạn khiến người đọc như lạc vào mê cung. Thầy có thể tóm lược đơn giản bằng một đôi câu cho dễ hiểu không?
Chỉ cần nhớ câu KỶ SỞ BẤT DỤC, VẬT THI Ư NHÂN (Điều mình không thích thì đừng làm nó cho người khác). Đó là căn bản cội rễ của mọi phép đối nhân xử thế.
Ông Saigo, hiền triết Nhật Bản thì chỉ dùng bốn chữ KÍNH THIÊN ÁI NHÂN. Làm việc, suy nghĩ thuận ý trời. Nghĩa là làm cái điều mình cho là đúng, hợp đạo lý. Đối với người thì luôn yêu thương, nhân ái chứ không ngã theo. Các sách vở thế gian quanh quẩn cũng chỉ bàn về những điều như vậy.
Làm sao để có hạnh phúc?
Mỗi người chạy theo một mục tiêu cuộc đời, mỗi người có hoài bão khác nhau nên không thể đưa ra công thức chung của hạnh phúc. Nếu quan niệm hạnh phúc là an vui, không sầu khổ thì dễ lắm. Chỉ cần TIẾT CHẾ HAM MUỐN.
Quy luật nào thống trị thế giới này?
Đó là quy luật: Mọi thứ đều phải có cái giá của nó. Không cái gì là hoàn toàn thuận, hoàn toàn nghịch, không có cái gì đến tự nhiên, đi tự nhiên. Ví dụ, để thành thiên tài võ học, Lý Tiểu Long đã hy sinh cả đời vào võ thuật. Để thành thiên tài bóng rổ, Michael Jordan đã ném cả đời mình vào bộ môn này. Nếu ta làm như họ, ta cũng sẽ thành công tương tự như vậy. Để thành vĩ nhân, người ta phải hy sinh gia đình, tuổi trẻ, chơi bời, tiệc tùng, nhạc sàn, ca vũ. Và thậm chí, phải đối mặt nhiều lần với cái chết cận kề.
Đương nhiên, như đã nói ở trên, còn phụ thuộc một phần vào môi trường, không gian mà bạn sống nữa. Bạn sinh vào không gian kém thì tiếng vang và thành công bị hạn chế kể cả nỗ lực bạn có lớn đến mấy đi nữa.
.........................
MỜI BẠN GHÉ THĂM FACEBOOK ĐỖ CAO SANG ĐỂ ĐỌC THÊM NHIỀU BÀI VIẾT HẤP DẪN! XIN CẢM ƠN!
Link FB: https://www.facebook.com/docaosangpta