Chẳng lẽ một người cha đã từng vào tù ra tội là không thể dạy dỗ con cái hay sao?
Con người chúng ta thật kỳ lạ, luôn muốn mọi thứ xung quanh hoàn hảo, thập toàn thập mỹ mà quên mất rằng, bản thân mình chỉ đơn thuần là một vòng tròn bị khuyết giữa biển đời rộng lớn bao la. Chính vì thế mà họ tự cho mình đặc quyền phán xét những lỗi lầm của người khác, bất kể hiện tại người đó có cố gắng ra sao.
"Ta hay chê cuộc đời méo mó/ Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?" -Nguyễn Quang Hưng-

Có câu rằng, “một người chỉ biết nhìn vào những khuyết điểm của người khác, thì người đó chỉ như cái thùng rác; còn nếu như biết nhìn vào ưu điểm của người khác, thì người đó như chiếc đĩa ngọc tụ hợp nhân tài.” Quả thực, lỗi lầm dù lớn hay nhỏ, đã là con người, ai chẳng có đôi lần mắc lỗi. Vậy nên, chúng ta không nhất thiết phải luôn soi xét vào lỗi lầm của người khác.

Đọc thêm:

“SỐNG NHƯ … MÀ ĐÒI GIẢNG ĐẠO LÝ"
RỐT CUỘC LÀ THỨ QUAN NIỆM GÌ VẬY?
Giả sử, một ngày bạn vứt rác bừa bãi và bị một người bạn nhắc nhở. Ngay lập tức, bạn liền vặn lại rằng:”Có chắc rằng bạn chưa từng vứt rác bừa bãi? Tôi chỉ tiện tay thôi. Bạn sống chưa bằng ai thì tốt nhất đừng nên nói đạo lý!” Thử nghĩ xem, sau đó, người đó có muốn nhắc nhở hay khuyên can bất kỳ ai khác hay không? Một lần nhắc nhở là một lần bị nói, vậy liệu còn ai dám lên tiếng khuyên can những hành động sai trái?


"Bởi họ sợ nếu như xen vào, những lỗi lầm của họ trong quá khứ lại bị đào bới lên mà chì chiết, mà đay nghiến khiến cho lòng tốt bị biến thành trái đắng nhận lại. Tê xót vô cùng!..."
Nhìn xa hơn, thứ quan niệm đó đang gián tiếp hủy hoại đi những giá trị đạo đức vốn đã trường tồn từ lâu nơi nhân loại. Rồi sau đó sẽ ra sao? Một hiện thực đau lòng đã và đang xảy ra ngay tại xã hội này. Con người ngày càng sống vị kỷ hơn, họ thu mình trong bốn bức tường, không muốn liên quan đến bất cứ điều gì khác. Bởi họ sợ nếu như xen vào, những lỗi lầm của họ trong quá khứ lại bị đào bới lên mà chì chiết, mà đay nghiến khiến cho lòng tốt bị biến thành trái đắng nhận lại. Tê xót vô cùng!
Rốt cuộc, thứ quan niệm đó là từ đâu tới?
Thuận theo tháng năm không ngừng trôi chảy, mỗi người dần hình thành nên những quan niệm khác nhau. Nếu ngày xưa, con người luôn biết lắng nghe người khác góp ý, luôn bao dung trước lỗi lầm của người khác thì ngày nay, trước vòng xoáy điên cuồng của cuộc sống hiện đại, người ta thường sống vội vã hơn, vị kỷ hơn, có định kiến với người khác nhiều hơn và hơn hết là cái “Tôi” được đặt lên trên tất cả. Chính vì thế, mỗi khi được người khác góp ý, họ thường có thái độ không phục, luôn muốn tìm những lỗi lầm của người đang góp ý để phản lại chỉ để chứng tỏ bản thân không hề sai.

Đọc thêm:


"Thuận theo tháng năm không ngừng trôi chảy, mỗi người dần hình thành nên những quan niệm khác nhau..."
Đúng là họ có lỗi lầm thật, nhưng hiện tại bạn mới chính là người mắc lỗi. Họ nhìn ra vẫn đề mà bạn mắc phải và nhắc nhở với ý tốt, bạn lại biến ý tốt đó thành trò cười cho bạn. Kỳ lạ thay!
Nếu như mỗi người có thể sống chậm lại, bỏ qua hết định kiến, lắng nghe nhiều hơn, bao dung nhiều hơn thì chắc có lẽ, xã hội ngày nay đã tốt đẹp và ấm áp hơn thế. Những gì tôi viết nên ắt hẳn sẽ có nhiều tranh cãi, nhưng hãy thử một lần bỏ qua quan niệm “sống không ra gì mà đòi giảng đạo lý” để mà thấu hiểu hơn, để cuộc sống dễ dàng hơn. Được chứ?
Tôi đã từng nói dối bố mẹ đó, tôi viết những dòng này được không?
Tôi đã từng đánh nhau với các bạn trong lớp đó, tôi không thể viết sao?
- Hiền Hiền -