Lời đầu tiên

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Hôm nay, tôi tình cờ đọc được bài viết của anh Đức, chủ kênh VN Youtuber, một kênh YouTube bình luận chính trị khá nổi tiếng, về tệ nạn quy chụp, hay nói vui là “chụp mũ” trên mạng xã hội. Ngẫm lại mà nói, tình cảnh của tôi cũng không khác với anh là mấy.
[...] Hồi đầu mới làm, đem ra bàn các chủ đề quân sự chính trị thì nhiều người bảo “ông này mà không phải tuyên huấn hay sĩ quan thì tao bằng con kiến”. Người khác thì khẳng định chắc nịch như kiểu tai nghe mắt thấy rằng “Ad kênh này người bên quân đội hay tình báo”. Có người thậm chí đoán “ông này cỡ ủy viên trung ương”. Một dạo sau, phân tích đến Mỹ, nói đến những mặt trái của quan hệ Việt - Mỹ và những đặc điểm không tốt đẹp của ông bạn Mỹ thì một số người vào comment chửi là “Hán nô” với “tình báo nằm vùng của Tàu”. Khi lấy tin từ báo Trung Quốc để dịch và bình luận thì lại càng được gán mác là “Tàu”. Một số ông bà còn chém chắc như đinh đóng cột rằng giọng này là giọng người Trung Quốc nói tiếng Việt. Lúc viết bài phân tích những việc làm tốt của Nhà nước về quân sự, đối ngoại hoặc phê phán một số vụ việc ở trong nước thì bị chửi là “Dư luận viên”. Đợt này đưa tin chiến tranh Nga - Ukraine thì không ít người vào chửi là thân Mỹ, thân Tây. - Trích từ bài viết của anh Đức, chủ kênh VN Youtuber, được đăng trên YouTube trong mục Cộng đồng.
Chuyện của tôi đơn giản là thế này, hồi cuối tháng Ba, tôi có xuất bản một bài bình luận Địa - Chính trị về tình hình Chiến tranh Nga - Ukraine, với tựa đề “Chiến tranh Nga - Ukraine: Góc nhìn của Mỹ”. Bài viết nhận được rất nhiều những bình luận trao đổi sôi nổi trên Spiderum với hơn một trăm comment. Ban đầu, tôi rất vui khi bài viết được đón nhận, nhưng đến lúc đọc các bình luận của quý vị thì tôi đã không khỏi bất ngờ. Cá nhân tôi vốn không hẹp hòi, vị kỷ mà sẵn sàng đón nhận những ý kiến đóng góp của quý độc giả, dù tiêu cực hay tích cực. Tuy nhiên, những bình luận ấy đã khiến tôi phải “mở mang tầm mắt” và gợi nên cho tôi không ít suy nghĩ: Tại sao quý vị lại cố chấp đến như thế?
Một số bình luận trong bài viết.
Một số bình luận trong bài viết.
- “Cha này dư luận viên cấp cao, mấy cũng đổ cho Mỹ.” - “Bài viết này nói về góc nhìn của Putin nhưng dán cái mác của Mỹ thôi bạn.” - “Bọn chúng nó cả thế giới đều ngu muội hết cả rồi, chỉ có mày là thông minh sáng suốt thôi tác giả à, cảm ơn mày đã đem đến ánh sáng cho chúng tao.” - “Bạn nói “qua góc nhìn của Mỹ” nhưng toàn là quan điểm của Putin không là sao?” - “Bài góc nhìn của Nga thanh niên này cherry-pick rõ ràng nhưng vẫn được châm chước vì người ta nghĩ do đứng vào suy nghĩ phiến diện của mỗi bên. Nhưng đến bài này thì lòi mặt rồi. Thành thật mà nói bài Góc nhìn Nga thanh niên này khá thành công trong việc mị dân, nhưng đến bài này thì phản tác dụng, nó phá hỏng những châm chước của người đọc cho bài trước, và nó lột tả độ non xanh của người mị dân.”
“Dư luận viên”, “mị dân”, “thân Nga” là một số “cái mũ” mà quý bạn đọc chụp cho tôi. Tôi cũng nghĩ rằng số mũ sẽ chưa dừng lại ở đó, sau này sẽ có thêm “nhiều mũ độc - lạ” mà tôi “nhận” được từ quý độc giả qua các bài bình luận, phân tích Địa - Chính trị trong tương lai. Mục đích của bài viết này sẽ nhằm nói lên vấn nạn “chụp mũ” theo thành kiến cá nhân. Có thể trong bài viết tiếp theo, tôi sẽ nói rõ quan điểm của cá nhân tôi xoay quanh vấn đề Chiến tranh Nga - Ukraine.

Phần I: Nạn “chụp mũ”

Trong “Từ điển Tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên có viết “chụp mũ” là “quy cho người khác khuyết điểm nặng nề về tư tưởng một cách không có căn cứ”. Quý vị có thể hiểu như thế này: Giả sử có sự việc nào đó xảy ra, sẽ có những người mà giới trẻ hiện nay gọi là “thánh phán”, nhìn vào mà không cần tư duy, không cần tìm hiểu, không cần điều tra mà đưa ra ngay kết luận. Cái kết luận đó nếu đúng thì có thể không có vấn đề, sự cố gì nhưng nếu nó sai lệch thì sẽ gây nên hiểu lầm nghiêm trọng. Sự việc nghệ sĩ Sơn Tùng vừa qua là một minh chứng sống động. Dân mạng ồ ạt vào hùa chửi, với hàng loạt thứ mũ được chụp, đi kèm với những lỗi nguỵ biện tiêu biểu:
1. Tôi chưa xem nhưng nói chung làm gì thì cũng phải thận trọng, không được ảnh hưởng đến trẻ em. 2. Tôi chưa xem nhưng nói chung nghệ sĩ là người của công chúng nên làm gì cũng phải suy nghĩ. 3. Sơn Tùng bú fame của vụ em bé nhảy lầu. ...
Hai trong số các lỗi nguỵ biện trên hẳn là quý vị đã thấy một mô-típ rất chung: “Tôi chưa xem”. Có lẽ ý của họ là như thế này: “Tôi không cần xem, ông này đúng hay sai tôi không cần biết, nhưng ông là nghệ sĩ (abc) thì xyz”. Thoạt nhìn, ta thấy nó nghe có vẻ rất đạo đức, bảo vệ trẻ em các thứ. Tuy nhiên, đây là loại nguỵ biện viện dẫn nguyên lý. Dưới lớp áo đạo đức, họ bỏ qua nội dung, quá trình mà đi thẳng vào kết luận trong khi chưa cung cấp một bằng chứng khoa học cụ thể nào về ảnh hưởng của chúng lên trẻ em. Đáng lẽ câu chuyện phải là “Sơn Tùng sai hay đúng ở đâu?”, “ảnh hưởng xấu đến trẻ em là ảnh hưởng như thế nào?”. Lỗi thứ ba là một “cái mũ” thấy rất rõ, một suy đoán linh tinh, thuyết âm mưu hoặc là công kích cá nhân, không có một cơ sở lập luận nào cả. Những viện dẫn trên cũng cùng một mô-típ với những các mũ được chụp cho tôi: “Tôi chưa đọc hết nhưng bài viết của anh rõ là thân Nga bài Mỹ!”. Hoặc cũng có quý bạn đọc tự nhận là đã đọc kỹ bài viết nhưng lại chụp mũ cho tôi bằng cách công kích cá nhân theo thành kiến mà chưa đưa ra một lập luận thuyết phục, như ví dụ nguỵ biện thứ ba.
Đặc điểm chung của những người chửi bới chụp mũ thường là có vấn đề về nghe hiểu, [...]. Một số khác thì mắc bệnh nhìn title đã vào chửi chưa cần biết nói gì.
- Trích từ bài viết của anh Đức.

Phần II: Thành kiến cá nhân

Trong Địa - Chính trị, thật khổ cho những chính trị gia, những nhà bình luận khó lòng mà làm vừa ý công chúng. Làm cái này thì người kia chửi, đổi lại cái khác thì người khác chửi, động chạm đến quyền lợi, niềm tin của họ là họ chửi. Tôi hiểu rõ điều đó. Vì vậy, trong những bài viết của tôi, tôi đều lắng nghe ý kiến đóng góp từ quý độc giả nhằm hoàn thiện bài viết hơn nữa. Địa - Chính trị là một bàn cờ thế phức tạp, rắc rối mà trong đó có nhiều góc nhìn đa chiều khác nhau, chủ quan đến khách quan. Tôi không thể áp đặt suy nghĩ, tư tưởng của tôi lên quý vị và ngược lại, quý vị cũng không thể áp đặt tư tưởng, suy nghĩ của cá nhân mình lên người khác. Mục đích của các bài bình luận của tôi nhằm cung cấp một góc nhìn của nhiều bên cho quý độc giả, bổ sung thêm thông tin hữu ích và là phương tiện để quý vị tư duy, suy luận và phát triển tư duy độc lập của bản thân về việc nhìn nhận và nhận thức các vấn đề một cách đúng đắn, nhất là trong bối cảnh thông tin hỗn loạn như hiện nay. Điều đó đã được nêu ra rất rõ trong các bài viết về chủ đề Chiến tranh Nga - Ukraine. Những bạn đọc gõ phím chửi tôi đã cố tình bỏ qua và không hiểu điều đó, chỉ vì những góc nhìn tôi trình bày trái với góc nhìn của cá nhân mà họ hằng tin tưởng và tôn thờ, chính điều đó làm họ khó chịu và nhảy dựng lên. Tôi gọi đó là thành kiến cá nhân.
Thành kiến là ý nghĩ cố định về người hay vật, xuất phát từ cách nhìn sai lệch hoặc dựa trên cảm tính và thường xuyên có chiều hướng đánh giá thấp. Thành kiến thường được sử dụng để miêu tả những nếp suy nghĩ, quan điểm thường không thuận lợi, đánh giá chủ quan đối với người hoặc một nhóm người, bởi vì giới tính, quan điểm chính trị, quan hệ xã hội, tuổi tác, tôn giáo, chủng tộc, dân tộc, ngôn ngữ, quốc tịch, hình dáng bên ngoài hay là đặc điểm cá nhân khác, từ đó dẫn đến việc phân biệt đối xử. Trong trường hợp này, thành kiến có thể đề cập đến một đánh giá tích cực hay là tiêu cực của một người dựa trên nhận thức của họ trong tư cách thành viên một nhóm hoặc qua những quan hệ xã hội của họ (bị lôi kéo, tác động ảnh hưởng của xã hội, đám đông, do tuyên truyền, tác động truyền thông hay là do cả nể, tư duy tập thể). Thành kiến có thể hình thành từ những niềm tin có căn cứ hoặc vô căn cứ. Gordon Allport định nghĩa thành kiến là “cảm giác, thuận lợi hoặc bất lợi, đối với một người hay một vật, trước khi tiếp cận, hoặc không dựa trên kinh nghiệm thực tế”.
Thành kiến quy chụp vốn không xa lạ và đã có từ rất lâu. Quy chụp có thể hiểu nôm na là hành động đổ lỗi, kết tội người khác theo định kiến có sẵn hay “vơ đũa cả nắm”. Hành động quy chụp thể hiện sự thiếu tôn trọng nhân phẩm của người khác, là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ. Có nhiều người mang thói quen hễ thấy ánh mắt hay hành động của ai đó đã vội phán xét họ là người như thế nào. Đó là những định kiến hằn sâu trong tâm trí, dù sự việc xảy ra theo cách nào, trong lòng họ đã vốn có thành kiến sẵn nên sẽ không thể nhìn thấy chân tướng sự việc.
Dù đối mặt với chuyện gì, đừng vội chụp cho nó một cái mũ mà hãy quan sát đủ kỹ, ngẫm nghĩ đủ lâu. Suy cho cùng, hiện tượng không hề giải thích cho bản chất.

Phần III: Sự hành động theo cảm tính

Những suy nghĩ bênh vực Mỹ, Nga hay Trung Quốc thực chất là bắt nguồn từ thành kiến cá nhân của họ. Tương tự, những tranh cãi mà tôi thấy trên các diễn đàn và các trang mạng xã hội như điện thoại của hãng Apple hay Samsung tốt hơn, hệ điều hành iOS hay Android tốt hơn, Windows hay macOS tốt hơn, nhân vật truyện tranh nào hay hơn, bộ phim nào của hãng nào hay hơn,... cũng đều bắt nguồn từ thành kiến cá nhân. Họ tôn thờ, thần tượng hoá những thứ ấy cũng xuất phát từ thành kiến cá nhân và sẵn sàng sống chết bảo vệ nó như một cách “tử vì đạo”. Điều này tôi nghĩ rằng xuất phát sâu xa từ cách tư duy theo cảm tính.
Một trong những lý thuyết khoa học mà tôi cho rằng thích hợp để giải thích trường hợp này là “Lý thuyết ba não” của nhà thần kinh học Paul MacLean. Theo đề xuất của nhà thần kinh học này, các cấu trúc khác biệt của não thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Các cấu trúc khác biệt sẽ là, theo MacLean, phức hợp bò sát, hệ thống limbic và neocortex. Ý tưởng về bộ ba của Paul MacLean dựa trên ý tưởng rằng có ba hệ thống não khác nhau trong não người (hay nói cách khác là “não bò sát”, “não thú” và “não người”), với logic hoạt động riêng của nó, và rằng mỗi trong số chúng đã xuất hiện trong dòng tiến hóa của chúng tôi theo một cách liên tiếp, cái khác. Điều này có nghĩa, trong số những thứ khác, ba bộ não này sẽ tương đối độc lập và chúng sẽ liên quan với nhau theo một hệ thống phân cấp, tùy thuộc vào độ tuổi và tầm quan trọng của chức năng đối với sự sống còn của chúng ta.
Nguồn ảnh: Alphabooks.
Nguồn ảnh: Alphabooks.
Não bò sát sẽ kiểm soát những hành vi về bản năng, là lớp trong cùng và cổ xưa nhất. Sở dĩ gọi như thế vì nó có cấu trúc và chức năng tương tự như ở não của các loài bò sát. Theo Paul MacLean, khái niệm về một phức hợp bò sát được dùng để xác định vùng dưới của tiền cảnh, nơi được gọi là hạch nền, và cũng là khu vực của não và tiểu não chịu trách nhiệm duy trì các chức năng cần thiết cho sự sống còn ngay lập tức. Theo MacLean, những khu vực này có liên quan đến các hành vi rập khuôn và có thể dự đoán được, theo ông, xác định động vật có xương sống không tiến hóa nhiều, chẳng hạn như bò sát. Phần não này sẽ phụ trách các chức năng sống còn, sinh học của cơ thể như nhịp tim, thở, nhiệt độ cơ thể, sự thăng bằng. Não bò sát cũng chịu trách nhiệm cho những hành vi mang tính chất bản năng như hành vi không có tính phản kháng, các phản xạ không điều kiện nhằm bảo vệ chúng ta trước các tổn thương sinh lý, lựa chọn trong phản ánh hành vi của chúng ta chỉ có thể là đấu tranh, chạy trốn hoặc không phản kháng. Các phản xạ này diễn ra ngay lập tức như một lập trình tạo sẵn mà không qua phân tích.
Nguồn ảnh: Alphabooks.
Nguồn ảnh: Alphabooks.
Não thú (hệ thống limbic) có vai trò kiểm soát cảm xúc. Phần não này phát triển mạnh ở các loài động vật có vú. Hệ thống limbic, theo MacLean xuất hiện với các động vật có vú nguyên thủy nhất và dựa trên phức hợp bò sát, được trình bày như một cấu trúc chịu trách nhiệm cho sự xuất hiện của cảm xúc liên quan đến từng trải nghiệm được sống. Tính hữu dụng của nó có liên quan đến việc học. Nếu một hành vi tạo ra cảm xúc dễ chịu, chúng ta có xu hướng lặp lại nó hoặc cố gắng thay đổi môi trường của chúng ta để nó xảy ra lần nữa, trong khi nếu nó tạo ra nỗi đau, chúng ta sẽ nhớ trải nghiệm đó và tránh phải trải nghiệm lại. Do đó, thành phần này sẽ đóng một vai trò cơ bản trong các quá trình như điều hòa cổ điển hoặc điều hòa hoạt động. Đây là trung khu cảm xúc của con người, và là bộ máy điều khiển hệ thống miễn dịch, hooc-môn và giấc ngủ. Não thú có khả năng ghi nhớ lại các liên kết nhân quả đã xảy ra trong quá khứ, và dùng các ký ức này để đánh giá tình huống hiện tại. Vì vậy, nó đóng vai trò như một van năng lượng, khi tiếp nhận thông tin và đánh giá (chẳng hạn như tốt hay xấu, vui hay buồn), não thú sẽ đẩy thông tin xuống “não bò sát”, hoặc đưa lên “não người”, tùy vào đánh giá để đưa ra hành vi phù hợp. Vì vậy, tùy vào kết quả đánh giá, nó sẽ sinh ra các cảm xúc tương ứng để chi phối hành vi con người.
Nguồn ảnh: Alphabooks.
Nguồn ảnh: Alphabooks.
Não người (neocortex hay vỏ não) có vai trò lý luận và tưởng tượng. Đây là lớp ở ngoài cùng chiếm phần lớn thể tích não bộ, phát triển mạnh trên các loài động vật bậc cao, đặc biệt là con người. Phần này được chia thành hai bán cầu đại não, và chi chít các nếp nhăn. Não người là trung khu suy nghĩ, suy luận logic nhằm kết hợp thông tin và tạo ra thông tin mới để phát triển ngôn ngữ, lý luận, tư duy trừu tượng, tưởng tượng, ý thức và điều khiển hoạt động sáng tạo. Theo MacLean, neocortex là cột mốc tiến hóa gần đây nhất trong sự phát triển của bộ não của chúng ta. Trong cấu trúc rất phức tạp này đặt khả năng tìm hiểu tất cả các sắc thái của thực tế và để vạch ra các kế hoạch và chiến lược phức tạp và nguyên bản nhất. Nếu phức hợp bò sát dựa trên sự lặp lại của các quá trình hoàn toàn bởi chính sinh học, thì neocortex có thể thấm qua tất cả các loại tinh tế đến từ môi trường và phân tích các hành vi của chính chúng ta. Neocortex có thể được coi là chỗ dựa của sự hợp lý trong hệ thống thần kinh của chúng ta, vì nó cho phép chúng ta xuất hiện tư duy logic và có hệ thống, tồn tại độc lập với cảm xúc và hành vi được lập trình bởi di truyền học của chúng ta. Đây cũng là phần khiến con người chúng ta có khái niệm về tương lai, và là loài duy nhất nhận thức được rằng mình sẽ chết. Cũng chính nhờ có phần này mà những thứ tốt đẹp như ước mơ hay lòng nhân ái mới được hình thành. Hiểu về phân tích cảm xúc và hành vi thông qua bộ não không có nghĩa chúng ta luôn luôn phản ứng đúng như thế trong mọi tình huống. Có nghĩa là khi thông tin đưa vào “não thú”, nếu chúng ta nhận định rằng đây là thông tin tốt, nó tốt nên sẽ được đưa lên “não người” để phân tích, xử lý và phản ứng. Ngược lại, nếu chúng ta cho rằng thông tin tiếp nhận là xấu thì năng lượng sẽ bị đẩy xuống “não bò sát” để cư xử theo bản năng. Nó tùy thuộc vào cách chúng ta lập trình thói quen trong cuộc sống.
Tác giả Huskywannafly đã có một bài viết rất hay về hành động theo cảm tính, quý độc giả cũng có thể tham khảo:

Phần IV: Sự lắng nghe

Chúng ta đều có những định kiến cá nhân đã gắn liền với chúng ta mà rất khó để thay đổi, chúng ta cũng có những sự kiện, hiện tượng mà chúng ta chẳng thể hiểu hết. Thay vì phán xét, tại sao chúng ta không có một cái nhìn công bằng hơn với những đánh giá của mình? Tại sao chúng ta không lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người khác? Lắng nghe không phải là chuyện khó hay phức tạp, chỉ cần mở rộng tấm lòng với tâm thế sẵn sàng tiếp thu, học hỏi, chúng ta sẽ vượt qua được bức tường định kiến mà có những đánh giá công bằng, khách quan, không thiên kiến cá nhân. Hãy chớ vội phán xét mà đặt mình vào vị trí của người khác và ngược lại, nếu người khác là bản thân.
“Nếu cảm thấy bất mãn với công việc người ta đang làm thì tự mình hãy đứng ra làm thử việc đó. Nếu thấy cách làm ăn buôn bán của người ta rất dở thì tự mình hãy thử làm ăn buôn bán như người ta xem sao. Nếu cám cảnh trước cuộc sống của hàng xóm thì hãy nhìn lại cuộc sống của nhà mình một chút. Muốn phê bình tác phẩm của người ta thì trước hết tự mình hãy cầm bút viết thử xem sao. Muốn phê bình các học giả thì tự mình hãy trở thành học giả. Muốn phê phán các bác sĩ thì tự mình hãy trở thành bác sĩ. Từ những việc trọng đại trong xã hội đến những việc cỏn con trong gia đình mình, dù là công việc gì đi nữa hãy đứng vào vị trí của người khác, suy nghĩ và làm thử trước đã rồi có định góp ý gì thì hãy góp ý. Cần phải suy nghĩ cho kín kẽ, cho thấu đáo về độ khó dễ, về sự nặng nhẹ của công việc người khác rồi hãy bình phẩm. Trên cơ sở lấy nội dung công việc làm thước đo, thì dù có can dự vào nội dung công việc ấy, hay thậm chí cả những công việc khác nhau hoàn toàn về tính chất, mới không xảy ra những lầm lẫn đáng tiếc khi so sánh chỗ đứng của bản thân mình với vị trí của người khác.” - Trích Khuyến Học, Fukuzawa Yukichi, NXB Nhã Nam.
Bài viết được lên ý tưởng và bắt đầu soạn thảo vào 10/05/2022, hoàn thành vào 10/05/2022.