Những tháng gần đây, mình cứ hay vô tình nghĩ về cái chết, đọc về nó, thấy nó, và liên tưởng về nó mọi lúc mọi nơi.
Khi ta nói từ "chết", nó mang trạng thái hơi tiêu cực một chút, nên mọi người thường tránh nhắc từ này. Khi mình diễn đạt lại những gì mình vừa biết, mình cũng hay chột dạ sau mỗi lần dùng từ "chết", nhưng nhìn lại thì thấy không có từ nào diễn tả chân thực, ngắn gọn và đi vào trọng tâm như thế. Càng đọc nhiều, mình càng cảm thấy cái "chết" thật ra rất đơn giản và bình thường, nó không tiêu cực lắm, vậy thì mình cũng nên có cảm giác nhẹ nhàng khi dùng nó trong lời nói chứ nhỉ?
Ban đầu, chỉ là mình tò mò về sự có mặt của loài người trên Trái Đất này. Tại sao chúng ta được sinh ra, và mất đi. Khi biết được về sự tồn tại của "visa cuộc đời", mình tự hỏi nhiệm vụ của mình ở đây, ngay tại kiếp này là gì. Khi ta mất đi, ta sẽ đi về đâu, một kiếp khác chăng? Nhưng tại sao chúng tôi phải trải qua nhiều kiếp như thế. Sau đó, tôi thấy người ta nói rằng nhiệm vụ của mỗi người, mỗi linh hồn, là học đầy đủ tất cả các bài học của một con người, ví dụ như học cách tha thứ, học cách buông bỏ, yêu bản thân, hay lòng biết ơn,...Nó giống như chơi game vậy, bạn phải trải qua tất cả các level, ngày một khó hơn để kết thúc cuộc chơi, trở thành một linh hồn cao cấp chẳng hạn. Vì vậy trước khi bắt đầu một kiếp sống mới, chính linh hồn đó đã chọn bài học cho mình, bài học càng khó thì level lên càng nhanh. Vậy sau khi học xong tất cả các bài học, chúng tôi sẽ đi đâu?
Tuy không thể trả lời hết các câu hỏi, cũng không chắc có đúng hay không, nhưng ít nhất cũng cho tôi một cái nhìn khác về cuộc đời, về kiếp người, và về cái chết. Giả sử những tri thức tôi phát hiện ở trên là sai, ít ra nó cũng giúp người ta bớt oán trách về số phận khi biết chính mình là người tạo ra nó, bớt phán xét vì ai cũng đang học những bài học của mình, bớt sợ hãi vì cái chết cũng chỉ là một bước ngoặt đánh dấu một kết thúc. Tôi có thể tóm gọn những gì mình đã biết được ở bên dưới, nếu như bạn đọc có thấy hứng thú, hay luồng ý kiến trái chiều nào, tôi cũng sẽ lắng nghe.
1) " Đời là bể khổ, qua được bể khổ là qua đời"
Câu này thật sự không sai một chút nào. Rất nhiều người nói câu này nhưng tại sao khổ thì họ chỉ bảo lớn lên sẽ biết. Và đúng là như thế khi bây giờ tôi nhận ra bản chất của việc "học các bài học" là phải "khổ". Khổ để nhận ra bài học, khổ để tích đức, khổ để giúp đỡ người khác. Ví dụ, nếu như mục đích của bạn kiếp này là "học cách tôn trọng giới tính", bạn sẽ được sinh ra với giới tính thứ ba để có thể hiểu được nỗi đau và điểm mạnh của cả hai giới, và đấu tranh với định kiến xã hội để bảo vệ mình và cộng đồng LGBT. Hẳn đây không phải là một hành trình dễ dàng, và không phải ai cũng dám chọn nó làm bài học kiếp này của mình.
Vì vậy, khi ta thấy một người càng khổ, khoan hãy trách móc phê phán, vì chính họ là người đã chọn điều đó, họ chọn khổ để học thật nhanh các bài học của mình. Khi ta thấy một người "qua đời" sớm, khoan hãy tiếc thương u sầu, họ vừa học xong hết các bài học của kiếp này và đã "qua được bể khổ", hãy mừng cho họ. Đến đây, tôi nhận thức được rằng dù ngoài kia có người nghèo người giàu, người nguyên vẹn người tàn tật, người làm giám đốc người làm công nhân đều là như nhau, không ai hơn ai vì họ đều chỉ đang học những bài học của mình.
Tôi cũng hiểu vì sao các nhà tu hành, họ chọn sống tách rời với xã hội phức tạp và quan sát nó. Họ hiểu được "cái bể khổ" ở ngoài kia đến từ tất cả những vật chất bao quanh lấy ta và chỉ có sự tự tại trong bản thân mình mới đem lại bình an thật sự. Vì thế các cấp tiến hóa của linh hồn là học cách thoát dần các cảm giác hưởng thụ vật chất và phát triển dần về tâm linh (cái này tôi thấy trong ý nghĩa các màu của hào quang và luân xa). Và cuối cùng trạng thái kết nối hoàn toàn được giữa cơ thể với tâm thức hay "niết bàn", được xem như đỉnh cao về giác ngộ.
2) "Bởi vì là phải học, nên hãy học thật nhanh"
Như tôi đã nói ở trên, các bài học ở kiếp này đều là do mình chọn, vì thế hãy học chúng thật nhanh. Nhưng bởi vì nhiệm vụ của ta là phải tự nhận ra nó, nên không dễ dàng để biết được ta đã lựa chọn học điều gì, nên hãy "quan sát'' thật tốt. Vũ trụ luôn đưa tín hiệu cho chúng ta bằng các sự kiện lặp đi lặp lại, hãy nhìn nhận và lưu tâm đến nó. Hãy "tập nhìn sâu vào bên trong vấn đề" để tìm hiểu xem những điều này có ý nghĩa gì, nó muốn nói với mình cái gì, tại sao mình cứ liên tục gặp những chuyện như thế. Khi ta hiểu sâu sắc được mục đích của nó, ta sẽ không lặp lại vòng lặp ấy nữa và ta đã vừa học được bài học của mình.
Ví dụ, tôi biết một cô gái luôn thích những người con trai tài giỏi, đúng hình mẫu lí tưởng, nhưng đổi lại cô ấy luôn cảm thấy tự ti và không được là chính mình khi giao tiếp với họ. Nhưng cảm giác càng không chạm vào được, cô lại càng thích hơn, và lại tự ti về bản thân nhiều hơn. Cái này rất phổ biến trong tình yêu đơn phương. Kết quả, cô không có được tình yêu đúng nghĩa vì không hài lòng với chính mình và chỉ chạy theo những người hơn mình. Đến một ngày, cô dừng lại và tự hỏi, tại sao mình cứ liên tục thích những người như thế, trong khi nó chỉ toàn làm cô tiêu cực hơn? Tại sao cô cứ phải xét nét bản thân mình như thế, cô cũng có những điểm mạnh riêng mà? Đến lúc đó cô phát hiện ra hai điều:
- Một là, những người cô thích đúng là rất giống nhau, theo một khuôn nào đó, và họ có những điều mà cô hằng mong ước ở một người đàn ông. Cô cũng biết được là "hình tượng" này được tạo dựng nên từ thời ấu thơ, khi các đặc điểm đó không hiện hữu ở người cha, nó sẽ dần hình thành nên ở trong ta một "hình mẫu" bao gồm các đặc điểm bị thiếu. Để làm gì nhỉ? Để thỏa mãn sự thiếu tình thương của bản thân mình.
-Hai là, khi ta thiếu tình thương, ta mới đi tìm kiếm tình thương từ người khác. Ngay lúc đó, cô dừng lại việc tiềm kiếm tình yêu lý tưởng, quay lại bên trong mình, yêu thương và ôm ấp bản thân mình, lấp đầy khoảng trống đó bằng tình yêu của chính mình. Vậy là cô vừa học được bài học của mình.
Tuy nhiên phải mất tới 8 năm, 6 đến 7 vòng lặp liên tục, chìm trong đau khổ và dằn vặt bản thân, cô mới có thể giác ngộ được bài học của mình. Nên hãy luôn quan sát thật tốt những gì diễn ra xung quanh mình, luôn để cho tâm trí sáng suốt, bạn sẽ rút ngắn được thời gian.
3) "Chết không phải là hết"
Quen quá phải không, nhưng tôi sẽ phân tích nó trên một khía cạnh khác. Nhưng phần này còn khá lộn xộn, tôi chưa thể kết nối chúng thành một thứ hoàn chỉnh nên sẽ có những gạch đầu dòng thế này
- Hẳn là bạn biết điều này, các chất có thể chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác, năng lượng có thể biến đổi từ dạng này sang dạng khác. Chúng không mất đi, chúng chỉ chuyển sang một hình thái mới. Và cái chết cũng thế.
- Tiềm thức là nơi cất giữ kí ức của tất cả các kiếp sống, tích lũy qua từng kiếp khác nhau. Chúng không bị mất đi, có điều khi ta sống ở kiếp nào, ta chỉ có thể thấy được kí ức của kiếp sống đó. Điều này có thể thấy được qua một số hiện tượng như: ngày nay có những thuật thôi miên, khiến cho người ta nhớ lại được kiếp trước của mình. hay có những người sinh ra đã có những đặc điểm, trí tuệ, tài năng bẩm sinh mà trong gia đình không có. Hay những người ta mới gặp nhưng cảm thấy rất quen, như thể đã thân từ rất lâu, hoặc thậm chí vừa mới gặp đã không thích. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những dấu hiệu cho thấy tiềm thức thật sự lưu giữ chúng. Vì vậy khi ta chết đi, không có nghĩa là mất hết, nó vẫn còn ở đó thứ quan trọng nhất - ký ức của mình. Từ đó thấy rằng cái quan trọng nhất trong cuộc đời không phải là vật chất, mà là tri thức. Nó sẽ còn ở đấy mãi, nên đừng bao giờ trả giá cho chuyện học.
Tới cuối cùng, mong bạn đọc có một cái nhìn khác về sự ra đi của bất kì ai xung quanh mình. Khi ta biết mục đích của cuộc đời còn vĩ đại hơn cơm áo hằng ngày, tôi hi vọng mọi người đón nhận cuộc đời nhẹ nhàng hơn, bao dung hơn, và dũng cảm hơn.