Một năm về trước mình có dịp ngồi cùng một cô bạn chơi chung từ hồi còn học ở lớp vẽ. Hôm đó nhân dịp kỳ vừa rồi có học môn khá hay là Phát triển kỹ năng quản trị, mình đành lôi một ít kiến thức tiếp thu được từ lớp học khi thầy phân tích một vài trường hợp ra áp dụng:
- Ê, tao có thể đoán được tính cách của mày qua hình vẽ của một cái cây.
- Oke để tao vẽ.
2 phút sau là hình vẽ của một cái cây. Rồi mình cười xuề xòa:
- Ê, xin lỗi nha. Cái cây mày vẽ tao chưa được học. Ha ha ha.
Sau này, thêm một vài lần áp dụng kỹ năng “nhìn cây bắt người” - có thể coi khá là thành công và khi xem được bài đồ án tốt nghiệp của cô bạn đó thì mình đã hiểu tại sao một năm về trước mình không biết nói gì. Là vì mình chưa hiểu - hoặc không thực sự hiểu những nét vẽ của sự cô đơn.

Cô đơn để cô độc

Khi được sinh ra, con người đã luôn phải đối mặt với sự cô đơn. Một đứa trẻ sơ sinh đối mặt với nỗi sợ cô đơn lúc thức dậy không thấy ai bên cạnh bằng những tiếng khóc. Một đứa bé khi bắt đầu đi học đối mặt với những người không thân quen, không kết nối ở lớp học cũng bằng những tiếng khóc.  Một cậu bé hay cô bé khi lớn lên đối mặt với sự cô đơn - dễ hiểu hơn là sợ ma, khi ở nhà một mình có thể cũng bằng những tiếng khóc. Những thanh thiếu niên ở tuổi trường thành khi không có sự kết nối hoặc bị bạn bè ở lớp học xa lánh cũng có thể bật ra những tiếng khóc. Nhưng tại sao khi ta cô đơn một mình bước chân ra đời đối mặt với một xã hội phức tạp, có những thăng trầm của cuộc sống, những biến cố của cuộc đời lại không còn - hoặc ít những tiếng khóc? Vì khi đó ta cô độc - là những niềm vui hoặc nỗi đau chỉ mình ta mới hiểu được.


Chỉ khi ta cô độc, ta mới nhận ra rằng để không bị người đời lừa nữa ta phải tỉnh táo hơn. Chỉ khi ta cô độc, ta mới nhận ra rằng để tồn tại trong thế giới này ta phải nỗ lực hằng ngày để kiếm tiền. Chỉ khi ta cô độc, ta mới nhận ra rằng có những mối quan hệ thân thiết nhưng có thể mất đi bất cứ lúc nào. Chỉ khi ta cô độc, ta mới nhận ra bản thân cần thay đổi điều gì. Chỉ khi ta cô độc, ta mới nhận ra rằng chỉ có tri thức mới đem lại hạnh phúc cho bản thân. Và có một câu nói rằng:
“Trí tuệ con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn tính cách trưởng thành trong bão táp.” - Goethe

Đừng để một ngày kết thúc như nét vẽ một chiếc lá...

Ta bắt đầu một ngày mới sau một giấc ngủ dài - cuống lá với KHÔNG GÌ CẢ nhưng bao điều được mở ra trước mắt như những con người mới ta được gặp, những thông tin mới ta được biết, những kiến thức mới ta được hiểu, những trải nghiệm mới ta được kinh, những cảm xúc mới ta được cảm, vân vân và mây mây. Vậy tại sao khi cô độc vào buổi tối ta lại không dành một chút thời gian để hiểu những thứ đó - những thứ mà đáng lẽ ra ta có thể hiểu hơn để sống tốt hơn trong thế giới này. Thay vào đó, ta lại dành thời gian cho những hoạt động, những nỗi sợ hoặc suy nghĩ không đáng có - mà tốt nhất là không nên có. Và khi đó, ta kết thúc một ngày với KHÔNG GÌ CẢ như cái cách ta bắt đầu, như những nét vẽ kết thúc của một chiếc lá - ở chóp lá.


...mà hãy kết thúc một ngày như nét vẽ một chú cá.

Chú cá luôn bắt đầu bằng một chiếc lá, nhưng chú cá không khép lại như một chiếc lá. Vì chú cá có đuôi, đuôi chú cá để bắt đầu một thế giới khác vào buổi tối. Và thế giới đó luôn kết thúc mở, như cách kết thúc bài viết này.


--------------------------
Bài viết sử dụng những hình ảnh minh họa được lấy từ đồ án tốt nghiệp của cô bạn Trinh đù. Mục đích ban đầu là để chia sẻ một phần tâm trạng với cô bạn này, nhưng sau khi viết xong thì không biết có chia sẻ được gì không nữa. Nhân tiện, chúc ngủ ngon!
Đây là note đầu tiên mình viết trên facebook và cũng là bài viết đầu tiên mình đầu tư nhất. Hi vọng nhận được góp ý của các bạn để mình có thể cải thiện cho các bài viết sau. :D