Con người không có tự do ý chí.
Những gì xảy ra thì đơn giản là vì chúng xảy ra, vậy thôi.
Đây là một điều khá trừu tượng, để dễ nắm bắt, tôi sẽ dẫn nhập từ một ví dụ đơn giản dễ hiểu hơn.
Giả sử có một quả bóng đang chuyển động theo quỹ đạo riêng của nó. Và chúng ta biết rằng quả bóng ấy sẽ không thể tự nó thay đổi các chuyển động trừ khi có một lực bên ngoài tác động vào. Đó là vì quả bóng phải chuyển động tuân theo các nguyên tắc vật lý.
Tiếp theo, một không gian lớn hơn với hàng chục quả bóng đang chuyển động như vậy. Và lần này các quả bóng không ở một mình nữa, chúng sẽ có sự tương tác lẫn nhau trong quá trình chuyển động ấy. Chúng có thể va vào nhau rồi bật ra, làm thay đổi hướng hoặc dính chặt vào nhau (tùy thuộc vào cấu trúc của quả bóng). Nhưng một điểm quan trọng các bạn sẽ phải công nhận ở đây là các quả bóng sẽ chuyển động, va chạm, tương tác vào nhau phải tuân theo các nguyên tắc vật lý. Và rõ ràng là các quả bóng sẽ không thể tự nó thay đổi quỹ đạo để né tránh các va chạm. Bạn lờ mờ nhận ra ý tôi muốn nói rồi chứ? Nhưng từ từ đã, chúng ta hãy tiếp tục nào.
Bây giờ hãy thu nhỏ các quả bóng lại. Thật nhỏ, nhỏ đến mức không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Các quả bóng vẫn chuyển động, vẫn tương tác nhau, và vẫn không thể tự thân nó thay đổi quỹ đạo để tạo ra các chuyển động bất thường được. Chúng vẫn phải chuyển động theo các nguyên tắc vật lý. Thế giới những quả bóng thu nhỏ mà tôi đang nói đến chính là thế giới các hạt vật chất lượng tử. Chúng chuyển động, và luôn tuân theo các nguyên tắc vật lý bất biến của vũ trụ.
Một electron không thể tự thân làm thay đổi quỹ đạo chuyển động của chính nó được, nó phải tương tác với các hạt, các quả bóng khác xung quanh nó. Và xét ở một tầm vĩ mô hơn, cả vũ trụ là một hệ kín. Toàn bộ các quả bóng bên trong hệ kín này không thể tự thay đổi để tạo ra các chuyển động bất thường được. Cả bạn, tôi và tất cả mọi người cũng đều nằm trong hệ kín này luôn. Chung quy vũ trụ là một hệ kín tuyến tính, một chiều. Như một chuỗi domino bị xô ngã. Kết quả phía sau là hệ quả từ cái trước đó.
Vậy đó, bản thân con người cũng là một nhúm nhỏ các quả bóng trong hệ kín này. Và như đã nói ở trên, con người không thể tự tạo ra các chuyển động bất thường để thay đổi kết quả đã định (sẽ phải xảy ra) được. Tất cả những gì xảy ra thì đơn giản là vì chúng xảy ra như vậy thôi. Đây cũng chính là sự tiền định. Nó xảy ra như vậy, đó là duyên. Nó không xảy ra, đó cũng là duyên nốt.
Bạn nói rằng, con người có tư duy, họ sẽ bẻ cong các chuyển động. Nói như vậy thì bạn vẫn chưa hiểu bản chất vấn đề ở trên. Bộ não con người và cả "tư duy" cũng chỉ là các quả bóng chuyển động không ngừng hợp thành mà thôi. Và điều đó khiến chúng tuyến tính và chỉ có một chiều duy nhất mà thôi. Nếu bạn vẫn thấy có gì đó không đúng, vậy hãy đọc tiếp phần bên dưới nhé.
Vì sao con người cảm thấy họ vẫn có tự do ý chí?
Nhận thức của con người bị giới hạn. Con người không thể nắm bắt được toàn bộ những thứ xung quanh để biết được chính xác điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Do vậy mà họ nghĩ rằng mọi chuyện đều "có thể" xảy ra. Nhưng từ "có thể" này cho thấy một sai số vô cùng lớn. Chính cảm giác tâm lý về xác suất dẫn đến những suy nghĩ cho rằng sẽ có nhiều nhánh rẽ khác nhau để chọn lựa. Và con người có thể tự chọn lựa việc gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nhưng không, những gì xảy ra sẽ chỉ có một. Số còn lại chỉ là ảo tưởng của trí óc con người mà thôi.
Nhưng nếu con người một ngày nào đó có thể nắm bắt được toàn bộ thông tin của mọi thứ xung quanh thì liệu họ có thể thấy được tương lai và thay đổi nó không? Trong trường hợp này cũng không thể, muốn thấy được tương lai họ cần mô phỏng thực tại và tua nhanh thời gian trên trình mô phỏng để thấy được. Nhưng việc đấy sẽ vướng phải một vấn đề. Chính việc mô phỏng đó cũng đang nằm trong vũ trụ kín đang được mô phỏng. Tức là trình mô phỏng phải mô phỏng được quá trình mô phỏng của nó đang mô phỏng tương lai đang được mô phỏng bởi một trình mô phỏng... Bên dưới dấu "..." kia toàn là mô phỏng thôi. Tôi thề là viết những dòng này bạn đọc không hiểu nổi đâu. Hãy xem cái hình này, nó giúp ích hơn cho bạn trong việc hình dung đấy.
Bên dưới mô phỏng... chỉ toàn là mô phỏng thôi
Thế cổ máy thời gian thì sao, biết được tương lai, xong quay về quá khứ để thay đổi nó. Cổ máy thời gian thực sự là một ảo tưởng khác của trí óc con người. Nói về điều này cũng khá là nhập nhằng. Chi tiết hơn thì bạn hãy hình dung lại về những quả bóng ở đầu bài đi nhé. Hoặc chờ một bài viết khác của tôi về nó. :3 
Các trường phái khác thì sao?
Thực ra những gì tôi đã nói ra trên đây không phải là đang nói ra sự thật chân lý vũ trụ gì. Tôi chỉ đang ủng hộ quan điểm của trường phái tiền định và đang đứng về phía nó mà thôi. Vì tôi thấy nó đúng đắn nhất.
Một số trường phái khác thì cho rằng các vật chất lượng tử biến động một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, nó có thể tự thay đổi quỹ đạo chuyển động của chính nó. Cho nên kết quả tương lai cũng là ngẫu nhiên. Nhưng mà điều này không chặt chẽ, vì dù ngẫu nhiên nhưng kết quả tạo ra cũng chỉ có một. Tuy vậy có thể coi các hạt có tự do ý chí, nhưng đối với con người thì vẫn chưa đủ. Hơn nữa, đây chỉ mới là giả thuyết. Vì việc chúng ta vẫn chưa xác định được chuyển động và vị trí của các hạt (theo nguyên lý bất định Heisenberg) cũng chỉ bởi sự giới hạn về mặt hiểu biết của con người về vũ trụ mà thôi. Nó làm tôi càng nghiêng nhiều hơn về quả bóng di chuyển bất biến và ông trời không có chơi trò xúc xắc.
Cảm giác tâm lý về sự tự do ý chí cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi các trường phái cũ xa xưa. Khi mà người ta vẫn tin con người là một thực thể độc lập, thống nhất và hành động theo ý chí. Nhưng khoa học hiện đại, đặc biệt là khoa học về nguyên tử, lượng tử đã chỉ ra rằng con người được cấu tạo hợp thành từ muôn vàng các hạt nhỏ vô tri. Các trường phái cũ bỗng trở nên lỗi thời.
Thế có một nhân vật đứng ngoài hệ kín vũ trụ và tác động để thay đổi kết quả thì sao. Kiểu trường phái về một vị chúa trời đang đứng ngoài quan sát và tác động vào vạn vật bên trong. Theo cách này thì càng không thể có tự do ý chí cho con người. Những gì diễn ra bên trong vũ trụ sẽ là cố định. Những hành động bên trong vũ trụ không thể là nguyên nhân dẫn đến các tác động từ bên ngoài. Mà phải là ngược lại.
Có một nhà triết học (tôi không nhớ tên) còn có một nước đi xa và bất ngờ hơn. Ông ta cho rằng các hạt chuyển động như vậy đến vô tận. Tức là một thời điểm nào đó trong tương lai, có khả năng các hạt sẽ lại trở về vị trí chính xác của nó trước đây trong quá khứ. Và lịch sử vũ trụ lại lặp lại một lần nữa. Và ông ta sẽ được sống cuộc đời của chính mình thêm một lần nữa. Quả thật là một ý nghĩ tếu táo nhưng cũng không kém phần thú vị đúng không. Theo cách suy nghĩ này thì có khả năng cuộc sống sẽ lặp lại và có khả năng chúng ta sẽ đi theo một hướng lựa chọn khác với lần trước đó. Ý tưởng này cũng không tồi đấy chứ.
Con người sẽ như thế nào nếu đón nhận việc không có tự do ý chí?
Những gì xảy ra thì bởi vì nó buộc phải xảy ra như vậy. Đấy chính là ý nghĩ của con người khi chấp nhận việc không có tự do ý chí.
Điều này sẽ có thể dẫn đến nhiều hệ quả kéo theo. Con người lúc đó sẽ cân nhắc nhiều hơn về các tội lỗi mà những kẻ khác gây ra. Họ sẽ nhìn nhận đó như là một điều không thể tránh khỏi và có xu hướng khoan dung nhiều hơn. Nó sẽ kiểu giống như là bạn tức giận vì một tay tài xế lái xe đâm thẳng vào nhà bạn, làm gẫy mấy cành lan yêu quý của bạn. Nhưng khi bạn biết có một kẻ xấu khác đã phá hỏng tay lái, cắt đứt dây phanh xe trước đó thì bạn sẽ trở nên khoan dung hơn đối với anh tài xế tội nghiệp kia.
Hoặc theo hướng ngược lại, những kẻ gây ra tội lỗi tiếp tục những hành vi xấu xa khác và biện hộ bằng sự không có tự do ý chí của họ.
Thế thì xã hội có nên chỉnh sửa hình phạt, giảm án đối với những kẻ gây ra tội lỗi không? Vì họ vốn không có tự do ý chí?
Không, không cần thiết. Hãy phản biện với những kẻ biện hộ ở trên rằng các hình phạt sinh ra cũng vốn dĩ vì nó phải được sinh ra như thế. Bạn đừng quên luật lệ, hay hình phạt cũng từ sự không có ý chí mà ra. Nó như vậy, và nó sẽ phải như vậy.
Tóm lại thì việc đón nhận rằng không tồn tại tự do ý chí không nên ảnh hưởng quá nhiều tới cuộc sống của bạn. Nếu bạn trở nên khoang dung hơn khi đón nhận thì đó là điều tốt. Nếu bạn trở nên xấu xa hơn thì đừng quên những hình phạt cũng sinh ra ở đấy rồi. Nếu bạn không thấy nên đổi gì cũng chả sao cả.
Bạn ghét bà hàng xóm thì nếu muốn bạn có thể tiếp tục ghét bà ta. Vậy thôi.
Và vì thực tế thì bài viết này mang tính giải trí nhiều hơn là học thuật. Các bạn cứ ngẫm kỹ lại mà coi. haha
Loki và đa vũ trụ
Nếu bạn mệt óc với các phần trên thì bây giờ đến phần giải trí rồi. Đây mới là phần chính của bài viết nhé. Tất cả những gì ở trên chỉ để phục vụ cho phần này thôi.
Sê-ri phim Loki đang được chiếu ấy. Lúc tôi đang viết bài này thì đã đến tập 3 rồi. Bạn coi đi rồi hãy đọc tiếp :3
Bài viết này sẽ sẽ giúp bạn nhìn nhận dễ hơn về những Time-keepers, những người điều khiển dòng thời gian. Mục đích của họ là giữ cho vũ trụ hoạt động trong một hệ kín, tuyến tính và hướng đến một cái kết chung duy nhất nào đấy. Nói tóm gọn lại là họ đang làm cho thế giới không có tự do ý chí. Bất kỳ sự tự do ý chí nào làm tạo ra nhánh rẽ thời gian khác đều sẽ bị dập tắt. Họ chỉ muốn một kết quả duy nhất mà thôi.
Vậy thì rõ rồi, tôi mạnh dạn dự đoán Loki bây giờ sẽ là nhân vật chính chiến đấu chống lại các thế lực Time-keepers. Để mở khóa vũ trụ, tạo ra sự tự do ý chí cho toàn thể nhân loại trong đa vũ trụ.
Tôi đi xem phim đây.
Chúc bạn vui vẻ với sự không tự do nhé.
-ThanhCj-